Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Chuyện giảng đường I

Tìm 'giá mềm' trong nhóm đại học hàng đầu


Với một số lợi thế,  bạn có thể tìm "cửa" du học giá mềm từ những trường đại học trong danh sách hàng đầu thế giới theo một vài bảng xếp hạng.

  
Trường ĐH Amsterdam

Những sinh viên Anh không thể kham nổi mức học phí 9.000 bảng nhưng vẫn muốn được vào học những trường đại học hàng đầu thế giới có thể lưu tâm tới trường Trinity college, Dublin (thành phố lớn nhất Ireland).

Ngôi trường 400 tuổi nằm ngay tại khu vực phồn hoa, được xếp hạng 65 thế giới- ngay phía sau trường LonDon School of Economics- trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới của QS mới công bố. Điểm đặc biệt là trường này không thu học phí của sinh viên trong khối liên hiệp Anh (UK).

Lần đầu tiên, trong khảo sát của QS có đề cập tới học phí của toàn bộ 600 trường đại học. Trong top 200, đáng lưu ý là có nhiều trường thu thấp hơn mức học phí phổ biến 9.000 bảng/năm tại Anh.

Các trường đại học tại Hà Lan, có mức học phí “mềm” nhất. Đại học Amsterdam (xếp hạng 63) có nhiều chương trình đào tạo cử nhân bằng tiếng Anh, thu học phí với sinh viên thuộc khối EU chỉ 1.713 eoro (1.516 bảng) mỗi năm. Cũng nằm trong top 100 thế giới, Hà Lan còn có Utrecht (thứ 80) và Leiden (thứ 88) đều có mức thu học phí ưu đãi với sinh viên thuộc EU.

Những sinh viên Anh muốn học tại các trường đại học thuộc EU sẽ được vay ưu đãi từ các nước đó để trang trải học phí. Nếu những nước có chính sách cho vay để trang trải sinh hoạt phí, sinh viên Anh cũng có thể làm đơn xin vay. Nhưng nếu muốn du học tại những trường hàng đầu khác thì  ngoài EU họ sẽ phải xin học bổng hoặc tự thu xếp tài chính.

Là thuộc địa cũ của Anh và nay vẫn hoạt động theo cơ chế đặc khu hành chính, Hong Kong vẫn là điểm du học ưu thích của SV Anh. Hong Kong có 3 trường đại học  nằm trong top 50, toàn bộ các chương trình đào tạo đều  bằng tiếng Anh. Đại học Hong Kong có tên tuổi nhất với vị trí số 22, tiếp theo là ĐH Hong Kong Trung Quốc có thứ hạng 37 và ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong xếp hạng 40. Học phí tại ĐH Hong Kong là 5. 480 bảng/năm và 7.829 bảng với 2 trường còn lại. Cả 3 trường này đều có nhiều loại học bổng.

Miền đất du học hấp hẫn khác là các nước Bắc Âu. Tuy nhiên mặc dù các trường đại học  Copenhagen, Đan Mạch (thứ 52), Helsinki(thứ 89), Uppsala (thứ 83) và Lund (thứ 86)- không thu học phí với sinh viên thuộc EU nhưng lại không giảng dạy bằng tiếng Anh.

Đại học ETH Zurich (hạng thứ 18) và Ecole Polytechnique Lausanne(thứ 35) của Thụy Sĩ cũng là những trường thu học phí thuộc loại thấp nhất trong top 100 và là lựa chọn  tốt cho những sinh viên quan tâm tới chuyên ngành Anh ngữ (những chuyên ngành khác được dạy bằng tiếng Đức, Pháp). Học phí chỉ 580 Franc Thụy Sĩ (435 bảng), mỗi học kỳ cho cả cử nhân và bằng Thạc sĩ- điểm ưu việt  là sinh viên nước ngoài đóng học phí ngang bằng với sinh viên trong nước.

Ngược lại, các trường ĐH Mỹ thống trị trong top 20, là quá xa vời với hầu hết sinh viên Anh trừ khi ai đó may mắn được nhận học bổng. Hầu hết các trường ĐH Mỹ trong top 100 thu học phí 38.000- 40.000 USD (23.400-24.600 bảng mỗi năm)- khiến cho mức học phí 9.000 bảng tại Anh trở nên nhỏ bé. Theo nhận định của Ben Sowter, đứng đầu nghiên  cứu QS, thì ở cấp đào tạo cử nhân , toàn bộ các trường đại học của UK xếp hạng trong danh sách có chất lượng tương đối tốt không thua kém gì Mỹ.

Các trường đại học thuộc UK năm nay có sự thăng tiến mạng trong bảng xếp hạng  QS, với 54 trường lọt top 600. Trong số này, hơn một nửa có mặt trong top 200 và có 9 trường đứng trong top 50. Xếp hạng QS dựa trên chất lượng  nghiên cứu, năng lực làm việc sau khi tốt nghiệp, chất lượng giảng dạy và mức độ quốc tế hóa sinh viên và giảng viên.

Trong khi các trường đại học thuộc UK, bao gồm cả Cambridge, có xu hướng vượt lên về tiêu chí quốc tế hóa sinh viên và giảng viên – thì Harvard, giống như hầu hết các trường ĐH Mỹ “khó khăn cạnh tranh tiêu chí này- Sowter cho biết. Tuy nhiên, xét về sự hài long của chủ tuyển dụng  lao động, sinh viên Harvard được đánh giá cao nhất. Oxford xếp thứ hai và Cambridge chỉ đứng thứ ba. Vị trí thứ tư, theo các chủ lao động, các trường Manchester (xếp thứ 29 trong bảng tổng sắp), Warwick (xếp thứ 50), LSE (xếp thứ 64) xếp tương đương với đại học Melbourne và các trường thuộc nhóm Tvy League Mỹ như MIT, Yale, Stanford và Berkeley.

Nhưng UK lại đứng sau các nước phát triển khác về tiêu chí đầu tư công cho GD đại học . Theo OECD, chi cho GD đại học trong UK chiếm chỉ 0,7% GDP, thấp hơn Mỹ, Canada, Thụy Điển, Đức, BaLan, và Slovenia.

Không đi dạy, tiến sĩ về nước khó kiếm việc

Lấy được tấm bằng tiến sĩ ngành Toán ở châu Âu, anh Nguyễn Tuấn được cảnh báo khi về Việt Nam xin việc ở các tổ chức nước ngoài: Tốt nhất là giấu bằng tiến sĩ đi nếu muốn được tuyển dụng.


Minh họa của Khều

Khó xin việc với bằng tiến sĩ


Gõ cửa những tổ chức giới thiệu việc làm lớn và những công ty có yếu tố nước ngoài, họ tỏ ra vui vẻ với tấm bằng tiến sĩ. Nhưng sau đó hỏi anh: có kinh nghiệm làm việc không, anh trả lời: tôi không có! Vậy là không xin được việc.

Tất nhiên, khi đem khoe tấm bằng tiến sĩ với các trường ĐH, anh dễ dàng nhận được cái gật đầu đồng ý. Nhưng anh tự hỏi: Nếu làm xong tiến sĩ về chỉ để đi dạy, không có thời gian và tài chính để làm nghiên cứu thì ngày xưa đi học tiến sĩ làm gì?

Một giám đốc công ty tuyển dụng cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài cho biết: người có tấm bằng tiến sĩ mà đi xin việc rất khó khăn vì các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần đến bằng thạc sĩ và có kinh nghiệm làm việc. Càng có kinh nghiệm tốt, càng dễ kiếm việc.

Anh Tuấn chia sẻ: Đúng là có nhiều tiến sĩ về VN, nếu không chọn nghề đi dạy ở các trường ĐH thì rất khó xin việc. Công việc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ chỉ vẫn chỉ là một bước nhỏ của một sự nghiệp phía trước, gọi nôm na là tập tành bước vào nghề nghiên cứu, biết phương pháp nghiên cứu, biết cách tìm tài liệu.

Bằng tiến sĩ đơn giản chỉ là một chứng chỉ cho thấy người đó là người đã biết cách tự nghiên cứu một vấn đề nào đó độc lập, với sự giúp đỡ của đồng nghiệp cùng nhóm nghiên cứu.

Với anh Tuấn, thật may, anh đã biết mình làm nghề gì khi trở về Việt Nam nên đã chuẩn bị kiến thức liên quan đến công việc của mình. Bằng tiến sĩ chỉ là một công cụ tốt hỗ trợ cho công việc của anh, chứ không phải là tất cả.

Khoe bằng tiến sĩ để làm gì?

Anh Trần Lâm, đang làm tiến sĩ ở Anh cho biết: ở nước ngoài, không có chuyện khoe bằng tiến sĩ. Khi người ta giới thiệu mình là tiến sĩ đang nghiên cứu về lĩnh vực gì để người ta biết thêm về bản thân mình vậy thôi, chứ không phải là để người khác trầm trồ hay mình cảm thấy tự hào, điều này trái ngược với ở Việt Nam.

Theo anh Lâm: Bởi vì ở trong nước có sự sùng bái về học vị tiến sĩ một cách quá đáng nên có một vài cá nhân lợi dụng điều đó để "đục nước béo cò".

Chẳng hạn, trong một cơ quan, nhất là cơ quan nhà nước, khi cất nhắc một ai đó lên vị trí quản lý thì người có bằng tiến sĩ vẫn là một lợi thế hơn.

Trong khi, điều ý nghĩa nhất của một người tốt nghiệp tiến sĩ là sau đó, anh ta nghiên cứu được một cái gì tiếp theo. Chẳng hạn như GS Ngô Bảo Châu, nếu GS không giải quyết được Bổ đề cơ bản hay là một cái gì đó tương tự thì tên tuổi anh trong làng nghiên cứu thế giới cũng nhạt nhoà như bao người khác, dù rằng anh tốt nghiệp tiến sĩ ở một trường ĐH danh tiếng.

Trong khi đó, nhiều tiến sĩ về Việt Nam đã hài lòng với tấm bằng của mình và chấm dứt sự nghiệp nghiên cứu tại đây. Thậm chí, nhiều người sau đó lên làm quản lý rất lâu và đã "bái bai" cái nghề của mình, vẫn phải ghi danh thiếp có chữ "tiến sĩ", nếu không sẽ mất "oai".

Trong buổi nói chuyện với sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM, một tiến sĩ chia sẻ: Điều quan trọng nhất với các bạn sinh viên là các bạn phải biết, sau này các bạn muốn làm nghề gì. Nếu cái bằng thạc sĩ hay tiến sĩ sẽ làm cho bạn làm nghề mình đã chọn tốt hơn, giỏi hơn thì hãy học. Tự hào về nghề nghiệp của mình tốt hơn là tự hào về một cái bằng.

Chiếc bánh thời gian

Nếu như trước đây người ta hay so sánh đời người như dòng sông với những khúc quanh thăng trầm mà con người như là sản phẩm của số phận thì ngày nay đã có người ví von nó như chiếc bánh thời gian mà con người vốn sinh ra khác nhau nên chọn những cách khác nhau để ăn dần chiếc bánh ấy.


  

Cũng như chiếc bánh có nhiều phần trong đó mỗi phần có ít nhiều hương vị khác nhau, đời người có nhiều giai đoạn với những công việc, trách nhiệm, ước mơ, hoài bão và cả những cung bậc tình cảm khác nhau.

Kẻ tham lam, háu ăn ngấu nghiến chiếc bánh của mình không thương tiếc đến nỗi trong nháy mắt nó chỉ còn là những mẫu vụn trên bàn ăn cuộc đời.

Kẻ khảnh ăn chỉ tìm thấy khoái khẩu nơi phần nhân bánh, và sau khi thưởng thức xong, họ vứt lại cái vỏ bánh bên đĩa ăn mà không biết rằng chính cái vỏ bánh chẳng mấy ngon ấy lại cung cấp năng lượng cho cả cuộc đời và họ lại mơ tưởng một cái nhân bánh thứ hai mà không bao giờ có nữa.

Cũng có kẻ thứ ba chậm rãi ăn tứng phần vỏ của chiếc bánh và cố để dành lại phần nhân ngon lành cho lần thưởng thức cuối cùng. Nhưng cũng chính lúc ấy y thấy no và không thiết ăn nữa hoặc ăn nhưng chẳng còn thấy ngon lành gì.

Loại người thứ nhất nêu trên là những kẻ sống nhanh, sống gấp. Họ sống thể như là thế giới sắp tận diệt đến nơi. Và với nhịp sống hối hả của mình, họ không còn thì giờ để chiêm nghiệm, suy tư hay thưởng ngoạn vẻ đẹp của bầu trời thu xanh yên ả hay ánh sáng huy hoàng của những vì sao đêm. Thực ra, họ sinh ra không phải để sống mà đúng hơn là để chuẩn bị sống.

Loai người thứ hai sống theo kiểu hưởng lạc họ xa lánh những người bạn tốt như công việc, trách nhiệm và bổn phận và giao du với những kẻ xấu như quyền lợi, tiện nghi vật chất. Họ tiêu phần lớn thời gian cho thú vui và trò tiêu khiển; họ chiều chuộng những ham muốn thấp hèn của một cuộc sống dễ dãi.

Loại người thứ ba vừa dễ thương vừa tội nghiệp. Trái ngược với loại thứ hai, họ dành hầu hết quỹ thời gian cho học tập, công việc và trăm thứ trách nhiệm trên đời. Sau khi đã đạt được những điều mong muốn họ bàng hoàng khi nhận ra rằng mình đã đánh mất một cái gì đó rất quan trọng trong một giai đoạn của đời mình hay là cả cuộc đời mà họ không thể tìm thấy lại được.

Cứ nhìn xung quanh ta thôi sẽ thấy muôn vàn thí dụ.

Một đứa trẻ cũng có thể đánh mất tuổi thơ vì phải miệt mài theo lời bố mẹ đi “luyện công” để vào lớp một, rồi phấn đấu để đạt học sinh giỏi 12 năm liền với phương châm luyện rồi thi, thi xong lại luyện ngoài ra không còn gì là quan trọng cả. Sau khi đạt được ước mơ “cháy bỏng” của bản thân cũng như gia đình, người bạn tội nghiệp của chúng ta mới sực nhớ tới cánh diều tuổi thơ và tự chiều chuộng mình bằng một buổi chiều thả diều trên đồng quê. Nhưng, hỡi ôi, một thanh niên đã18 tuổi thì tâm hồn không còn đủ ấu thơ để thả hồn mơ ước theo cánh diều vi vu như một đứa bé lên tám lên mười được nữa!

Có lẽ mọi so sánh đều khập khiễng: khác với chiếc bánh thông thường, chiếc bánh thời gian cứ vơi dần cho dù bạn có cố  nhin hay để dành.

Vậy cách ăn bánh khôn ngoan nhất,theo tôi nghĩ, là ăn từ từ từng miếng một cả phần vỏ lẫn phần nhân cùng lúc, thưởng thức nó từ đầu tới cuối, nghĩ rằng nó là chiếc bánh ngon nhất, hoàn hảo nhất vì nó là duy nhất cho mỗi một người.

Nói cách khác phải dùng cái quỹ thời gian hữu hạn của chúng ta theo đúng từng giai đoạn của đời người: không chậm chạp để phải hối tiếc vì những gì mình đã bỏ lỡ ngày hôm qua cũng không vội vã để chẳng còn gi mà thưởng thức ngày mai.

Hãy sống đúng với lứa tuổi của chúng ta. Hãy học tập chăm chỉ và vui chơi lành mạnh khi bạn còn là học sinh; hãy chuẩn bị tốt nhất cho tương lại nhưng đừng quên rằng cuộc sống con người lại nằm trong hiện tại, như các bạn tôi thường nói nôm na với nhau: “Học không chơi mất đời tuổi trẻ, chơi không học bán rẻ tương lai.” Con người sinh ra để sống không phải để chuẩn bj sống, do đó hãy sống mỗi ngày khi nó đến và không đốt cháy ngọn nến cuộc đời ta ở cả hai đầu.

Theo thiển ý của tôi, chiếc bánh thời gian chính là cái vốn thời gian hữu hạn trong đó con người thể hiện sự hiện hữu của mình như một cá nhân có ý thức.

Do vậy, sử dụng thời gian một cách khôn ngoan và hợp lý là thể hiện một lối sống lành mạnh và bản lĩnh của một con người biết làm chủ bản thân. “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao để khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”.

Đứa trẻ lên hai và “đứa trẻ” 22

Ở ngưỡng tuổi 22, là khi các sinh viên đại học sau bốn năm miệt mài ở trường chính thức vào đời. Họ, những người vừa trở thành “cựu sinh viên” sẽ đứng trước vô vàn khó khăn lựa chọn tương lai và nghề nghiệp của mình.

Có thể nhận thấy thay đổi gì ở đứa trẻ lên hai?

“Điều đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất, là bé sẽ biết đi. Bởi khi biết đi, là bé đã khẳng định được sự tự chủ của mình, khi đó đôi tay của bé được giải phóng để khám phá mọi vật xung quanh. Chắc chắn bé sẽ ngã nhiều lần…”

Một quyển sách hướng dẫn chăm sóc trẻ nhỏ đã đưa ra nhận định như vậy. Nhưng chúng ta ở đây, trong môi trường công sở, hãy cùng nhìn vào những người trẻ tuổi 22.

Ở ngưỡng tuổi 22, là khi các sinh viên đại học sau bốn năm miệt mài ở trường chính thức vào đời. Trước đó, trong quá trình đi học, có thể những sinh viên này đã từng đi làm thêm ngoài giờ, nhưng chủ yếu là những việc thời vụ, chỉ hiếm hoi lắm mới có những trường hợp được ngồi trong chốn công sở máy lạnh ro ro cả tám tiếng mỗi ngày. Họ, những người vừa được trở thành “cựu sinh viên” sẽ đứng trước vô vàn khó khăn và lựa chọn cho tương lai và nghề nghiệp của mình.

Có bao nhiêu phần trăm sinh viên ra trường có việc làm ngay? Có bao nhiêu phần trăm sinh viên ra trường được làm đúng theo ngành nghề chuyên môn đã học? Những câu hỏi thế này nhường cho nhà chức trách.

Ta hãy nhìn vào họ, những “đứa trẻ” 22. Một nhóm nào đó sẽ tiếp tục miệt mài học hành để thi công chức, để chắc ăn một cái chân trong “nhà nước”. Và nếu đã có “cơ chế”, hoặc giả sử rất giỏi, rất chăm chỉ, và có lẽ cũng có yếu tố may mắn, một nhóm trong số này sẽ trúng tuyển công chức. Và ngày ngày đều đặn đến sớm nhất phòng để rửa chén và đun nước pha trà.

Một nhóm khác, đông hơn, sẽ lọ mọ tìm kiếm cơ hội tại những website, những văn phòng tuyển dụng, những trung tâm giới thiệu việc làm sinh viên… Họ săm soi bất cứ mẩu quảng cáo tuyển dụng nào cần fresh graduate (mới tốt nghiệp). Và cơ hội tới, chỉ với một số. Họ hân hoan, cũng không kém phần hồi hộp chuẩn bị bộ hồ sơ đẹp đẽ chờ tới ngày đi phỏng vấn.

Người viết bài này đã từng có cơ hội phỏng vấn những người trẻ 22 mới ra trường. Khi hỏi, em có lợi thế gì mang đến cho công việc cần tuyển. Người được phỏng vấn trả lời rất tự tin, em có khả năng strategic thinking (suy nghĩ chiến lược). Hỏi lại, cho tôi một ví dụ về strategic thinking? Người được phỏng vấn đưa ra một loạt câu trả lời cực kỳ academic (sách vở) như thi vấn đáp trong trường.

Ở một trường hợp khác, cũng với một người trẻ vừa tốt nghiệp với tấm bằng rất ổn. Khi hỏi, vì sao em ứng tuyển vào vị trí này? Người được phỏng vấn trả lời rằng em đã tìm hiểu rằng ở đây có chế độ đãi ngộ tốt, nhân viên được gửi đi nước ngoài đào tạo đều đặn hàng năm.

Hãy bỏ qua những trường hợp “chân không chạm đất” nói trên, khá nhiều người trẻ 22 được tuyển vào các vị trí cần thiết ở các công ty, tư nhân có, liên doanh có, nước ngoài có. Họ mang theo hành trang của mình niềm hứng khởi khôn tả, và tất nhiên, sự lo lắng, vì họ đủ khôn để hiểu những gì học trong ghế nhà trường khác xa so với những gì xảy ra trong thực tế.

Nhưng bao nhiêu trong số họ được trực tiếp tham gia vào dự án, hay vào chính công việc mà họ được tuyển vào với những chức danh đôi khi khá to tát. Rất nhiều trường hợp những người trẻ phải làm những công việc bàn giấy không tên, chẳng đúng chuyên môn và hoàn toàn khác với công việc họ được tuyển vào; hay được giao những việc vu vơ như lấy báo giá cái này, chuẩn bị bộ hồ sơ kia… mà không được biết báo giá đó, bộ hồ sơ đó phục vụ cho dự án hay công việc nào.

Có bao nhiêu phần trăm người trẻ được tham gia những cuộc họp bàn với đối tác, với khách hàng, thậm chí là cuộc họp lập kế hoạch của nhóm. Nhiều trưởng nhóm hay người phụ trách dự án khi được hỏi vì sao không giao toàn bộ hoặc một phần cụ thể của công việc hay dự án đó cho những đồng nghiệp hoặc nhân viên mới vào nghề thì đa phần đều ngần ngại họ làm không được hoặc không đúng quy cách. Một vài trong số đó còn khẳng định những đồng nghiệp trẻ sẽ làm sai và họ sẽ phải mất thời gian và công sức để làm lại từ đầu, “thế thì thà tôi tự làm luôn cho nhanh”.

---

“… Nhưng điều đó chẳng có gì là quan trọng, và để bé tin như vậy thì chính những người xung quanh bé phải tạo cho bé sự tự tin để tự đứng dậy và tiếp tục vượt qua những chướng ngại vật tiếp theo”.

Quyển sách hướng dẫn chăm sóc trẻ nhỏ kia cũng khuyên như vậy.

Đối với những người trẻ 22, nên chăng ta cũng nhìn nhận họ một cách bình đẳng, như những đồng nghiệp, để cùng chia sẻ trong công việc; nên chăng ta đừng coi họ như những “đứa trẻ” và cần đặt niềm tin vào họ, để những tân công chức không phải ngày ngày rửa chén và đun nước pha trà và chờ đợi lứa tân công chức năm sau sẽ lãnh nhiệm vụ đó; hay những nhân viên công sở được cơ hội thử sức và chứng minh khả năng cũng như học hỏi từ những kinh nghiệm chính họ được trải qua.

Hãy nghe một người trẻ tuổi 22 nói: “Em là sinh viên mới ra trường và đang bắt đầu một bước ngoặt mới như các anh các chị đã từng trải qua. Mong các anh chị sẽ nhiệt tình giúp đỡ em trong công việc”.

Tháng 9, khi các sinh viên ùa ra khỏi cánh cổng trường đại học với tấm bằng cử nhân mới toanh trong tay, chúng ta, những nhân viên kỳ cựu và dễ mến ở các văn phòng, công sở, hãy nhiệt tình chào đón họ đến với một cánh cửa mới trong cuộc đời và sự nghiệp.

Sách đạo đức gây xôn xao, hiệu trưởng trần tình

Ngày 20/9, trên một diễn đàn đăng tải phản ánh xưng là phụ huynh học sinh lớp 10 Trường THPT Đồng Hòa, Kiến An, Hải Phòng phản ánh việc con gái chị (vừa vào lớp 10) phải học môn đạo đức từ sách của trường biên soạn và phát hành. Người biên soạn là Đỗ Thị Lai, hiệu trường nhà trường.

Bài thu hoạch của HS
Qua những hình ảnh chụp lại một số bài giảng của cuốn sách có tên "Tập bài Đạo đức" này, các thành viên tỏ ra bức xúc, thậm chí còn nói "sốc" với nội dung của sách.

Phụ huynh phản ánh sự việc trên cho rằng: “Bố cục của mỗi bài lộn xộn, cách hành văn và ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, sai kiến thức cơ bản. Tác giả không phân biệt được thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay những câu châm ngôn, những câu nói đời thường. Tât cả đều quy về tục ngữ!...”.
  
Bài đầu tiên, với tiêu đề "Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng", tác giả đưa ra nội dung như sau: "Tục ngữ có câu: "Tiên học lễ, hậu học văn". Câu này cho thấy mỗi học sinh phải học lễ, học văn hóa. Các em phải có ý thức tự trọng, giữ gìn danh dự để người khác không thể chê trách được!”

Bài "Cách cư xử với anh chị em trong gia đình" có đoạn: "Nếu làm em thì phải biết kính trọng anh chị, phải biết giúp đỡ anh chị những việc trong nhà những việc vừa sức với mình như tục ngữ có câu: "Chị ngã em nâng"!

Bài "Trang phục khi ra đường": "Khi ra đường ta phải ăn mặc kín đáo, giản dị theo truyền thống của nhân dân ta, không ăn mặc lố lăng, lòe loẹt, hở hang. Tục ngữ có câu: "Đói cho sạch, rách cho thơm", vì vậy quần áo phải được giặt sạch, là phẳng!"

Bài "Tình yêu": "Tình yêu đôi lứa là đề tài vĩnh hằng" "Xã hội thời xa xưa trọng nam khinh nữ, người con gái không được học hành, phải lo việc nhà, việc đồng áng, lo dệt vải, thêu thùa may vá. Tuổi thọ của con người hồi ấy trung bình chỉ 40-45. Vì vậy thời xa xưa người ta lập gia đình rất sớm, nam cỡ 16 tuổi, nữ cỡ 13 tuổi. (Nữ thập tam, nam thập lục)” hay “Bây giờ học sinh nam nữ học cùng lớp, dễ dàng kết bạn với nhau. Tuy nhiên, các em không nên ngộ nhận bạn bè khác giới với tình yêu nam nữ. Ngoài ra có thể có một số em cũng đã lỡ có người yêu. Tất cả các em cần lưu ý những điểm sau…”

Trong bài “Cách cư xử với ông bà nội, ngoại, cô, dì, chú, bác”, người biên soạn viết: “Biết ơn ông bà, các cháu phải thể hiện ở chỗ nói năng lễ phép, phải chiều chuộng ông bà vì người lớn tuổi thường khó tính (do cơ thể không được khỏe)”.

Trong bài “Cách cư xử với thầy cô giáo”, có đoạn: “…Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát làm quan to trong triều đình nhưng khi về thăm thầy cũ là thầy Chu Văn An vẫn khép nép, lễ độ…”.

Hiệu trưởng Đỗ Thị Lai, người biên soạn cuốn sách cho biết, cuốn sách không dùng để giảng bài mà chỉ để học sinh tham khảo trong tiết sinh hoạt ngày Thứ Bảy nhằm bổ trợ kĩ năng sống của học sinh.

Bà cũng phủ nhận việc nội dung cuốn sách là đề tài luận văn thạc sĩ của mình như phụ huynh phản ánh.

Bà Lai thông tin cuốn sách gồm 16 bài giảng, là tập hợp những bài sưu tầm được biên soạn lại, có đưa ý của mình vào nội dung này.

Sau đó, bà lại khẳng định “đây là sưu tầm và biên soạn, chứ không phải văn phong của mình.

Trước thông tin sách đã được dạy 8 năm ở trường và là đề tài thạc sĩ của mình, bà Lai khẳng định sách mới chỉ được phát cho học sinh cách đây 1, 2 năm khi trường mới thành lập- trong khi bà cũng cho biết Trường THPT Đồng Hòa thành lập từ năm 2004.

“Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh học sinh hay đánh nhau, văn hóa học đường không được kĩ lưỡng, cuốn sách chỉ để bổ trợ thêm kiến thức, kĩ năng sống” - bà bổ sung.

Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Hòa cũng cho biết năm học vừa rồi có 374 học sinh vào lớp 10 của trường.

Năm ngoái giá photo cuốn sách là 6.500 đồng/cuốn, sau khi chế bản thì sách có giá 8.500 đồng. Nhưng năm nay, mức giá này tăng lên 10.000 đồng, chứ không phải 20.000 nghìn như phụ huynh phản ánh.

"Với 10 nghìn mà được tận 16 bài, cũng như một bài báo, nếu như có tác dụng với học sinh thì cũng rất có giá trị” - vị hiệu trưởng có trình độ cử nhân Chính trị, cử nhân Sinh học và thạc sĩ Quản lý giáo dục giải thích thêm.

'Thầy xin em…'

Trước thảm trạng “ươm trồng” tiến sỹ như ươm… nấm rơm gần đây, tôi mới lờ mờ hiểu ý tứ sâu xa của thầy tôi. Phải chăng cái danh hiệu ấy đã “hoen ố” đến mức các thầy, những nhà khoa học chân chính cảm thấy hổ thẹn, đành phải “Thầy xin em!”…?

Cách đây ít lâu, tôi được mời tham sự Hội thảo Ngữ học Trẻ toàn quốc lần II tổ chức tại Đại học Vinh. Giảng đường mênh mông, thiết bị âm thanh cực chuẩn, ngồi cuối hội trường, tôi chăm chú nghe tham luận của giới Ngữ học Trẻ đến từ các vùng miền trong nước. Giữa hàng ngàn sinh viên ĐH Vinh, tôi như các rạch luồng về với thời giảng đường ngút ngát hoài bão, mát rợp ước mơ.

Tham gia điều hành hội thảo là bốn vị GS. TS ngành Ngữ học đều từng trực tiếp dạy tôi hơn 20 năm trước.

Đó là thầy Nguyễn Lai – bảo vệ luận văn chuyên ngành tại CHDC Đức. Thầy Đoàn Thiện Thuật và thầy Đinh Văn Đức bảo vệ tại Pháp. Thầy Nguyễn Thiện Giáp bảo vệ khóa đầu tiên trong nước (do vướng thành phần nên không  được du học). Các thầy đều là những nhà khoa học có tên tuổi trong làng  Khoa học Xã hội Việt Nam. Thầy Nguyễn Lai từ năm 1987, làm Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội. Thầy Đoàn Thiện Thuật được giới chuyên môn vinh danh “Cụ tổ” của nền Ngữ âm non trẻ nước nhà. Tại thời điểm cuộc hội thảo, thầy Nguyễn Lai, thầy Đoàn Thiện Thuật đã nghỉ hưu, song vẫn tham gia các hoạt động khoa học chuyên ngành.

Để được hàn huyên với các thầy sau gần 20 năm ra trường, trưa ấy nhóm cựu sinh viên Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp ở “đất học” xứ Nghệ trân trọng mời bốn thầy dùng cơm thân mật tại Khách sạn Phượng Hoàng.

Sau bữa cơm thân mật, đẻ giúp tôi, các thầy dành hẳn một tiếng đồng hồ trả lời phỏng vấn xoay quanh Hội thảo. Với tác phong của nhà khoa học, trước khi trả lời phỏng vấn, các Thầy hỏi tôi bài viết tối đa bao nhiêu chữ để “liệu cơm gắp mắm”. Chừng 40 phút sau, cuộn băng ghi âm thu trọn  một “núi” nguyên liệu, trong khi chỉ cần một phần tư thôi cũng quá đủ 1400 chữ cho bài Tiếng Việt, chữ Việt nhiều việc phải làm. Như thông lệ, tôi cám ơn các thầy:

- Em xin thay mặt các bạn cám ơn các thầy đã dành cho chúng em cuộc gặp mặt hôm nay. Về cá nhân, em xin cám ơn các thầy đã cung cấp cho em tư liệu để làm bài phỏng vấn này…

Tôi vừa dứt lời, thầy Nguyễn Lai đã vội đứng lên trịnh trọng chắp hai tay  trước ngực:

- Thầy thay mặt các thầy được nói lời xin em…

Tôi hoảng hốt không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bình tâm kiểm soát lại mọi lời nói, việc làm, tôi thấy mọi hành động của mình hoàn toàn hợp đạo lý của một trò cũ với người thầy khả kính. Điểm lại suốt một thời gian cắp sách, tôi chưa bao giờ sơ sảy để các thầy cô phải phiền lòng. Nay tóc đã muối tiêu, chẳng nhẽ lại sơ suất để các thầy phật ý? Không như vậ thì cớ gì thầy Nguyễn Lai đã vào ngưỡng bát tuần lại chắp tay trước ngực “xin xỏ” cậu học trò cũ chỉ bằng tuổi con mình? Trống ngực tôi đập to như trống làng khi tay thầy vỗ nhẹ:

- Thầy xin em! Nếu trong bài viết phải đưa danh tính của các thầy, em chỉ ghi hoc hàm thôi, đừn ghi học vị. Buồn lắm…!

- Ngày đó, dù chưa thấu tận nỗi buồn của thầy nhưng trong bài phỏng vấn tuân thủ lời căn dặn, tôi chỉ ghi học hàm giáo sư mà không ghi học vị tiến sĩ.

12 năm trôi qua kể từ cuộc phỏng vẩn ấy, chẳng hiểu sao ba chữ Thầy xin em.. cứ nặng như núi trong tâm tưởng tôi.

Mãi đến gần đây, trước thảm trạng “ươm trồng” tiến sỹ như ươm… nấm rơm, tôi mới lờ mờ hiểu ý tứ sâu xa của thầy tôi. Phải chăng cái danh hiệu ấy đã “hoen ố” đến mức các thầy, những nhà khoa học chân chính cảm thấy hổ thẹn, đành phải “Thầy xin em!”…?
Tôi nghĩ lan man và chợt ước giá như một số cán bộ, quan chức chỉ vì mục đích "thêm chân cho ghế" đã trót lấy bằng tiến sỹ "hệ ưu đãi", "hệ tiến sỹ đậu trước, lớp 10 đậu sau" biết theo gương của các thầy tôi thì quả tuyệt vời. Trong các nghi lễ tôn nghiêm có đông đủ ba quân thiên hạ, khi phải giới thiệu chỉ cần nêu chức vụ như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phó Ban…vv… là đủ oai phong lắm rồi. Sao họ cứ thích được trưng ra cái "học vì tiền" sỹ giời ơi ấy nhỉ?

Ưu đãi vẫn 'ế' thí sinh

Ngày 15/9, hạn cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển NV2, nhiều trường tiếp tục than thở: phải đợi NV3 may ra mới tuyển đủ. Một số trường còn phải đóng cửa ngành học vì không có sinh viên.

Kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2011. Ảnh: LAD
Nhiều ngành sẽ phải đóng cửa Chưa có năm nào, tình trạng đóng cửa ngành do có quá ít sinh viên đăng ký học lại nhiều như năm nay, không chỉ phổ biến ở các trường ngoài công lập mà các trường công lập cũng chịu chung số phận.
Hiệu trưởng ĐH An Giang Lê Minh Tùng cho VietNamNet biết: hàng loạt các ngành sư phạm năm như sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn, Hoá học sẽ phải đóng cửa năm nay do có vài hồ sơ đăng ký. Nhà trường đang bàn với các SV để chuyển họ sang ngành khác. Hiện ngành sư phạm của tỉnh đang thừa 200 em tốt nghiệp sư phạm nhưng không có việc làm.
Tại ĐH Nha Trang, trường vẫn chưa chốt xong danh sách thí sinh NV2 nhưng 4 ngành được xem là then chốt của trường trước đây, hầu như không thấy thí sinh nào đăng ký NV2. Đó là các ngành Kỹ thuật khai thác thủy sản (chỉ có 3 thí sinh trúng tuyển), ngành I(1 thí sinh trúng tuyển), ngành An toàn hàng hải (2 thí sinh trúng tuyển) và ngành Kinh tế quản lý thủy sản (có 4 thí sinh trúng tuyển).
Ông Vũ Văn Xứng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: khoa Kỹ thuật khai thác thủy sản do nhiều năm liền không mở được lớp nào nên đầu tháng 9 này, khoa đã đổi tên thành Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản để các giảng viên chuyển sang làm công tác nghiên cứu.
Trường công lập lớn như ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cũng đang lo ngại về số lượng quá ít hồ sơ NV2 cho các ngành như văn hóa học, ngữ văn Anh, văn hóa dân tộc thiểu số, bảo tàng, văn hóa học chỉ có số hồ sơ đếm trên đầu ngón tay.
Theo đánh giá của GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, mặc dù có trên 200 ngàn thí sinh dành cho xét tuyển NV2 nhưng các trường vẫn không tuyển được do sự mất cân đối về số lượng giữa các khối thi và mất cân đối vùng miền. Cụ thể, số thí sinh thi khối B năm nay dư rất nhiều, trong khi đó khối A và C lại thiếu.
Số lượng thí sinh NV2 ở khu vực phía Bắc dư nhiều hơn các khu vực như Tây Nguyên hay phía Nam nhưng họ không thể chuyển tới các vùng quá xa nhà, vì không phải gia đình nào cũng dư giả về kinh tế để chuyển.
Đó là chưa kể, nhìn chung các thí sinh trúng tuyển phần lớn là con nhà nghèo, có muốn cũng không vào được các trường ngoài công lập do mức học phí cao hơn công lập rất nhiều.
Rải tiền vẫn khó hút thí sinh
Có mặt tại trường ĐH Kinh tế- Tài chính TP.HCM (UEF) ngày 14/9, chỉ thấy lác đác thí sinh đến nộp hồ sơ NV2 do thời hạn sắp hết. Tính đến ngày này, có khoảng 500 hồ sơ NV2 cho dù trước đó, trường đã ra thông báo rất hấp dẫn là tặng học bổng toàn phần cho thí sinh đạt 21 điểm và các suất học bổng từ 30, 40, 50 triệu đồng cho thí sinh có điểm thi ĐH lần lượt đạt từ 18, 19, 20 điểm.
Trong số 500 hồ sơ NV2, có 2 thí sinh đạt 21 điểm trở lên, chỉ có 2 thí sinh đạt 19 điểm và 4 thí sinh đạt 18 điểm trở lên. Như vậy, con số được học bổng nói trên cũng vô cùng ít ỏi.
Nhà trường đã phải ra thông báo tiếp: chỉ tiêu dành cho NV3 còn lại rất cao, khoảng 500 chỉ tiêu so với tổng chỉ tiêu là 1000 cả hai hệ ĐH và CĐ. Do vậy mà thí sinh có cơ hội đậu vào ĐH UEF khi nộp hồ sơ ở NV3 là rất cao.
Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) có chính sách dành cho mỗi thí sinh nhập trường ở bậc ĐH có điểm từ điểm sàn đến 15,5 được tặng 550.000 đồng, điểm 16-19,5 được tặng 700.000 đồng và tặng 1 triệu đồng cho thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên. Tính đến ngày 15/9, nhà trường chỉ có khoảng 250 hồ sơ NV2, Hiệu trưởng Hoàng Trọng Yêm cho biết. Theo ông Yêm, trường cũng khó có hy vọng tuyển đủ được 1500 chỉ tiêu.
Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho dù đã từng công bố hơn 800 suất học bổng với trị giá hơn 2 tỉ đồng cho thí sinh NV1 và 2 nhưng ông Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT nói với VietNamNet: Chúng tôi phải chờ NV3!
Tính đến ngày 13/9, Trường ĐH Tân Tạo mới nhận được 60 hồ sơ NV2 dù trường có 471 chỉ tiêu NV2.
Trường ĐH Thành Tây (Hà Nội) có 800 chỉ tiêu ĐH và 200 chỉ tiêu CĐ nhưng tính đến ngày 13/9 trường mới nhận được 168 hồ sơ NV2. Trước đó, trường đã đưa ra chính sách ưu đãi miễn 1 tháng học phí đầu tiên cho các sinh viên ĐH, CĐ nhập học vào năm học này.
Đến ngày 12/9, Trường ĐH Đại Nam vẫn còn 700 chỉ tiêu NV2 dù trường đã đưa ra nhiều mức học bổng có giá trị từ 5 triệu đồng đến 100% học phí cả 4 năm học để chiêu sinh.
  • Tú Uyên


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết trên Dân Trí: Có 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn không trúng tuyển NV1. Đây là nguồn tuyển NV2, NV3 rất lớn dành cho các trường đại học.
Như vậy, với những trường chất lượng có đủ uy tín sẽ hút được nhiều thí sinh. Nhiều trường chưa tạo được uy tín thì nhiều thí sinh bằng hoặc trên điểm sàn họ cũng không vào học.

Con người cần linh hoạt và có khả năng chuyển việc

  "Con người ngày nay cần linh hoạt và có khả năng chuyển từ việc này sang việc khác. Triết lý giáo dục cần phản ánh điều này hơn là giáo dục cho học sinh học thuộc lòng" - ông Alun Cooper, Hiệu trưởng Trường Quốc tế TP.HCM nói như vậy trong câu chuyện mà Việt Nam đang loay hoay,
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thế nào là triết lý giáo dục?


Hiệu trưởng Alun Cooper
Ông Alun Cooper
: Rất nhiếu triết lý giáo dục vẫn dựa trên yêu cầu của thị trường lao động ở mức độ này hay mức độ khác. Các nhà tuyển dụng cần người lao động biết chữ và giỏi toán tương đương với những nhiệm vụ dành cho họ. Tuy nhiên, thị trường lao động ngày nay rất khác, và do vậy, công việc cũng khác.

Người lao động ngày nay cần phải có kỹ năng thích hợp, có trình độ về máy tính, giao tiếp, biết phân tích, có tư duy phản biện và có khả năng khái quát từ một mớ kiến thức hơn là chỉ nhớ một vài dữ liệu. Con người ngày nay cần linh hoạt và có khả năng chuyển từ việc này sang việc khác.

Triết lý giáo dục cần phản ánh điều này hơn là giáo dục cho học sinh học thuộc lòng.

Phóng viên: Một số nước ông đã từng sống một thời gian dài như Bỉ, Anh, hoặc nước có nền giáo dục nổi tiếng như Hoa Kỳ...có một triết lý giáo dục rõ ràng không?

Ông Alun Cooper: Những nước này có triết lý khác nhau một chút, nhưng họ đều đồng ý một điều rằng đứa trẻ cần được giáo dục một cách toàn diện, giáo viên cần phải học hàng loạt phương pháp để truyền tải tới mọi học sinh; và những nghiên cứu mới nhất về não bộ cần phải được tích hợp vào môi trường dạy và học.

Phóng viên: Những mục tiêu của giáo dục rất phong phú và phụ thuộc vào từng quốc gia hay trường học. Vì sao Trường quốc tế TP.HCM chọn lựa triết lý giáo dục là "mang đến môi trường học tập tích cực và môi trường xã hội cần thiết để phát triển trẻ một cách toàn diện, phát huy năng lực cá nhân trong một môi trường đa văn hoá"?


Ông Alun Cooper từng có 5 năm làm Hiệu trưởng của Trường quốc tế Liên Hiệp quốc ở Hà Nội và 5 năm là Hiệu trưởng của Trường quốc tế Antwerpen, Vương quốc Bỉ. Ông được hưởng nền giáo dục của cả Anh và Mỹ.
Thế giới của chúng ta đã bị thu hẹp lại. Ngày nay, chúng ta chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác để làm việc hay du lịch.

Chúng tôi công nhận sự đa dạng nhưng cũng đề cao giá trị của một xã hội đa văn hoá.

Quan trọng hơn, chúng tôi có thể thúc đẩy sự đa văn hoá và ủng hộ ý tưởng rằng con người từ nhiều nền văn hoá khác nhau có thể chung sống trong hoà bình.

3 chương trình tú tài quốc tế của chúng tôi (IB programmes) dựa trên ý tưởng này và thúc đẩy tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi cũng đề cao sự khác biệt của tất cả HS, đó là một chủ đề thực sự đối với việc dạy và học, đáp ứng các nhu cầu cá nhân của mọi người học về mọi vấn đề.

Phóng viên: Ông từng chia sẻ rằng "sách giáo khoa vừa viết xong đã chết". Điều này cũng trùng hợp với một phát biểu của nhà toán học, triết học người Anh Alfred North Whitehead rằng: "Để đào tạo đứa trẻ biết hoạt động tư tưởng, trước hết ta phải cảnh giác về cái gọi là "những khái niệm trơ ỳ", tức là những khái niệm được nhồi nhét vào trong tâm trí mà không được sử dụng, không được kiểm định và cũng không kết hợp được lại một cách mới mẻ". Ở trường của ông, giáo viên làm thế nào để biến nội dung chết trong cuốn sách trở nên sống động và hấp dẫn với học trò?

Ông Alun Cooper: Chúng tôi giảng dạy không phụ thuộc vào một bộ sách giáo khoa nào, mà sử dụng một số nguồn tài nguyên kiến thức để cung cấp ý nghĩa và ngữ cảnh cho HS tuỳ theo chủ đề học. Nếu chúng tôi chỉ dựa vào một bộ sách giáo khoa tức là chúng tôi đóng khung HS theo ý tưởng của cá nhân viết cuốn sách đó.

Tôi tin rằng tất cả HS cần phải yêu thích việc học tập, khám phá những khái niệm và hình thành được những ý tưởng nghiên cứu tốt.

Những ý tưởng này phải được bắt nguồn từ một khối kiến thức (cơ sở dữ liệu về kiến thức của thế giới cứ vài tuần lại tăng gấp đôi) chứ không phải từ một ý kiến đơn thuần.

Chúng ta không chỉ phụ thuộc và quá khứ, mà phải tiến lên phía trước và tài nguyên của chúng ta do vậy phải đáp ứng khát vọng này.

Phóng viên: Từng giữ chức vụ Hiệu trường của Trường quốc tế Liên Hiệp quốc ở Hà Nội trong 5 năm, ông có hiểu biết gì về giáo dục Việt Nam? Theo ông, triết lý giáo dục của Việt Nam có vấn đề gì không?

Có hai loại lớp học, lớp học truyền thống ở công lập có xu hướng dựa trên học vẹt, kiểm tra viết và từ đó, chỉ số ít HS sẽ học lên đại học.

Đây là một vấn đề khi có nhiều nhà lãnh đạo của đất nước được giáo dục ở nước ngoài về nhưng dường như không thể đưa giáo dục công lập ngang tầm thời đại với thế giới.

Có một bộ phận ngày càng nhiều lên các bậc cha mẹ không muốn cho con hưởng nền giáo dục công lập mà trả tiền cho con học ở các trường ngoài công lập.

Nhìn chung, các trường ngoài công lập không khác nhiều so với các trường công lập, nhưng tôi hy vọng rằng họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào giáo viên và tài nguyên để tiến tới mô hình một trường quốc tế đúng nghĩa.

Phóng viên: Thế nào là phương pháp "lấy học sinh làm trung tâm", điều này dường như chưa được làm rõ ở Việt Nam?

Ông Alun Cooper: Phương pháp này nhấn mạnh mỗi đứa trẻ phải được coi là một người học riêng biệt và được cung cấp các phương tiện phục vụ cho học theo khả năng của từng em. Điều đó phải có sự hiểu biết về trẻ và có nguồn lực về con người cũng như cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu khác nhau của mỗi trẻ em trong một lớp học.

Phóng viên: Cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?