Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Tái cấu trúc: Nhìn thẳng sự thật để vượt lên chính mình

Tái cấu trúc kinh tế và cuộc đổi mới lần hai

 Năm 2012, Chính phủ dự kiến tái cấu trúc nền kinh tế chỉ ở giai đoạn đánh giá thực trạng, xây dựng đề án. Liệu có quá chậm trễ khi mà suy thoái kép, tái khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang rình rập?
Làm sao để tái cấu trúc phải trở thành nhu cầu tự thân bức thiết ở mọi bộ ngành, doanh nghiệp, phải sục sôi mạnh mẽ như những năm đầu của thời kỳ đổi mới 20 năm trước?
Hai cuộc khủng hoảng và cái giá của tăng trưởng chiều rộng
Nhìn lại 20 năm qua, Việt Nam đã có 4 kế hoạch 5 năm. Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch, giai đoạn 5 năm đầu (1991-1995), nền kinh tế Việt Nam có sức bật mạnh nhất. GDP vào năm 1995 đã tăng 9,5% là mức cao nhất cho đến nay. Sang năm 1996, GDP vẫn ở mức tương đương.
Động lực làm nên sự tăng trưởng thần kỳ này chính là đổi mới thể chế, Việt Nam chuyển từ cơ chế cũ tập trung bao cấp sang mở cửa hợp tác với mọi quốc gia trên thế giới, xác định con đường kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, thời hoàng kim của tăng trưởng này chỉ kéo dài 4 năm từ 1992-1996. Khủng hoảng tài chính châu Á bùng nổ vào năm 1997 đã phủ bóng ảm đạm lên nền kinh tế Việt Nam ở 4 năm kế tiếp (1997-2000). GDP bị kéo tuột xuống mức 4,8% vào năm 1999, là đáy suy giảm tính tới nay, cho thấy nội lực của kinh tế Việt Nam còn yếu ớt và lệ thuộc lớn vào bên ngoài.

Sau 20 năm đổi mới, Việt Nam vẫn dậm chân ở nấc 1 của quá trình công nghiệp hóa (ảnh P.Huyền)
Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai. Giai đoạn 5 năm thứ ba, 2001-2005, kinh tế Việt Nam lại bứt phá với tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2005, GDP đạt 8,4%, năm 2006 tăng 8,2%. Lý do cho sự hồi sinh này là diễn biến kinh tế khu vực và thế giới thuận lợi, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2000, luật Đất đai đã hậu thuẫn cho sự bùng nổ kinh tế tư nhân. Giai đoạn 5 năm lần thứ tư, 2005-2010, Việt Nam vào WTO và nhận được nhiều lời tán dương như là một ngôi sao đang lên, có thể trở thành con rồng, con hồ của châu Á. Nhưng rốt cục, khủng hoảng tài chính Mỹ đã kéo Việt Nam xuống cái đáy thứ hai của suy giảm với mức GDP 5,32% vào năm 2009.
Giờ đây, mở đầu cho kế hoạch 5 năm mới (2011-2015), nền kinh tế lại lâm vào tình trạng tái lạm phát cao, dự kiến trên dưới 18% và tăng trưởng thấp, dự kiến 5,8-6%, bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng. Lo ngại hơn nữa là những cảnh báo về một đợt suy thoái kép bên ngoài có thể lại diễn ra.
Mô hình tăng trưởng của Việt Nam bấy lâu dựa trên lợi thế lao động giá rẻ, nguồn tài nguyên dồi dào, phụ thuộc xuất khẩu, dựa trên vốn đầu tư. Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng này đã trở thành con dao hãi lưỡi.  Chúng ta định hướng là một nước xuất khẩu mạnh nhưng rồi lại rơi vào cảnh nhập siêu triền miền, thu hút FDI với lượng vốn khổng lồ nhưng khả năng hấp thụ lại quá hạn chế và càng hội nhập sâu trong WTO, nền kinh tế càng bị tổn thương bởi việc chấp nhận cắt bỏ hàng rào thuế quan trong khi năng lực sản xuất trong nước vẫn thấp kém.
Ngoài thành tựu lớn nhất là trở thành nước có thu nhập trung bình, sau 20 năm đổi mới, Việt Nam vẫn dậm chân ở nấc 1 của quá trình công nghiệp hóa, tức là vẫn ở giai đoạn gia công, lắp ráp là chủ yếu.
Đổi mới lần hai: chất lượng hơn GDP danh nghĩa
Sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta vẫn còn nằm ở vị trí của nhóm 40% các nền kinh tế có sức cạnh tranh thấp. Chưa nói tới giấc mơ trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 thì thành tựu "nước thu nhập trung bình" mới đạt được cũng đang rất mong manh. Áp lực cho nền kinh tế Việt Nam phải tái cơ cấu, đổi mới chiều sâu để có nội lực mạnh, sức cạnh tranh cao đang rất cấp bách.

Tái cấu trúc nền kinh tế là việc làm cấp thiết hiện nay (ảnh P.Huyền)
Theo kế hoạch của Chính phủ, trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 5 năm 2011-2015 là 3 lĩnh vực gồm đầu tư công và phân cấp đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng.
Trong đó, đối với lĩnh vực đầu tư, nhiệm vụ cấp thiết là lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý, giảm đầu tư công, điều trị tận gốc căn bệnh xin -cho, chạy đua thành tích bằng mọi giá, đầu tư ồ ạt, dài trải mà không tính hiệu quả kinh tế. Cụ thể như việc quán triệt nguyên tắc chỉ khuyến khích sản xuất, tăng thu ở những địa bàn có lợi thế tiềm năng thực sự, mang lại hiệu quả lợi nhuận, tạo ra nguồn thu đúng và đủ. Việc lập dự toán ngân sách Nhà nước dựa trên kết quả đầu ra thay vì đầu vào như hiện nay.
Đối với doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ sẽ rà soát làm rõ nguyên nhân chậm trễ quá trình cổ phần hóa DNNN, đánh giá toàn diện hiệu quả, tình trạng thua lỗ của Tập đoàn, Tổng công ty và từ đó hoàn thiện tái cơ cấu các đơn vị này, đổi mới quản trị.
Trọng tâm thứ ba là ở lĩnh vực ngân hàng, được cho là cấp bách nhưng nhạy cảm với sự ổn định của nền kinh tế. Tái cơ cấu ngành này sẽ theo hướng giảm bớt số lượng các ngân hàng thương mại, xác đinh lại qui mô cần thiết, nâng cao chất lượng các tổ chức tín dụng.
Có thể nói, đề bài tổng thể của câu chuyện tái cơ cấu này thì đã rõ nhưng giải pháp chính sách cụ thể vẫn còn mơ hồ. Tái cấu trúc nền kinh tế đã được nhắc tới rầm rộ từ 3 năm trước khi khủng hoảng tài chính Mỹ xảy ra, để rồi giờ đây vẫn còn là dự án trên giấy. Kế hoạch của Chính phủ đặt ra cho thấy sẽ phải mất thêm 1 năm nữa để "nghiên cứu, làm đề án" trước khi đi vào hiện thực!
Thẳng thắn nhận định, TS Trần Du Lịch cho rằng, mọi mục tiêu của các kế hoạch 5 năm trước dường như chỉ chú trọng vào tốc độ tăng GDP, mà không chú trọng vào chất lượng tăng trưởng. Các kế hoạch này đều có nội dung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng trên thực tế không có chính sách để thúc đẩy sự chuyển dịch, như qua hệ thống luật pháp và các công cụ điều tiết vĩ mô.
Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tái cấu trúc phải như câu chuyện đổi mới kinh tế 20 năm trước của Việt Nam. Chính phủ cần tạo ra những chính sách mà ở đó, các thành phần kinh tế phải tìm được động lực đổi mới cho mình, các địa phương không ham thành tích tăng trưởng bất chấp mọi giá như hiện nay.
Đã có ý kiến cho rằng, có thể Chính phủ không cần đặt mục tiêu tăng trưởng bao nhiêu % như một chỉ tiêu cứng vì đó chỉ là GDP danh nghĩa mà quan trọng hơn là phải đi vào từng lĩnh vực với các thước đo hiệu quả cụ thể.
Như TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, mục tiêu kinh tế của Nhà nước phải thể hiện qua chính sách cụ thể nhằm  tác động vào thị trường, chính thị trường sẽ tác động vào định hướng đầu tư hoạt động của doanh nghiệp. Khi đó, tái cơ cấu không phải là chính sách hô hào, kêu gọi hoặc là mệnh lệnh hành chính, hiển nhiên là động lực của sự phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Nếu như chúng ta không tái cấu trúc kinh tế thì chúng ta cũng vẫn sẽ tăng trưởng đều đều khi kinh tế TG phục hồi như trước khi xảy ra khủng hoảng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng ấy là không bền vững, bất cứ lúc nào kinh tế TG "hắt hơi sổ mũi" là kinh tế VN lại bị "cảm nặng". Nói nôm na, TG tiến 10 bước thì ta tiến 1 bước và TG lùi 1 bước thì ta lùi .....10 bước.

20 năm qua, chúng ta tiến được bao nhiêu thì TG cũng không đứng yên. Vì ta chỉ so sánh với chính ta trong quá khứ nên ta cho rằng ta tiến nhưng so với TG thì có lẽ chúng ta chẳng tiến được bước nào. Điển hình là châu Phi lục địa. Ngoại trừ những nước hiếm hoi như Somali và Zimbabuwe ra thì tuyệt đại đa số các quốc gia châu Phi không có nước nào có có GDP đầu người thấp bằng .....VN. Chúng ta xem các bộ phim của Hollywood thấy sự lộn xộn nhếch nhác của người châu Phi, tuy nhiên, đó là 30 năm về trước.

Ngay cả quốc gia láng giềng với tư tưởng Khổng Nho thâm căn cố đế hàng nghìn năm mà còn từng bước mạnh mẽ phá bỏ tư tưởng "đóng cửa bảo nhau", VN chúng ta nhỏ bé hơn thì phải năng động hơn nhưng thực tế là trì trệ hơn. Hàng TQ bị người VN cho là "kém chất lượng" được xuất khẩu tràn ngập các nước giàu mang lại dự trữ ngoại tệ khổng lồ, từng bước thay đổi cấu trúc xã hội của họ. Hàng VN được cho là chất lượng tốt hơn hàng TQ, xuất khẩu năm sau lớn hơn năm trước lẽ ra phải mang lại ngoại tệ ngày càng lớn thì lại ....phá giá VND để cạnh tranh, số lượng tăng lên bao nhiêu thì giá trị giảm đi bấy nhiêu, rốt cục thu không đủ bù chi dẫn đến nhập siêu.

Trong 20 năm phát triển, đồng nhân dân tệ chỉ tăng giá 30%, dù bất cứ lý do gì, điều đó cũng nhằm để bảo vệ giá trị sức lao động của người TQ. Trong khi đó, dù kinh tế TG vẫn ổn định thậm chí "sáng sủa" chúng ta vẫn phá giá VND nhằm "tăng yếu tố cạnh tranh" thực tế là làm giảm giá trị hàng hóa xuất khẩu của chúng ta, giảm giá trị sức lao động dẫn đến xuất khẩu càng nhiều càng ....lỗ, càng mắc nợ trầm trọng hơn. VND mất giá thì hàng xuất khẩu rẻ đi, hàng nhập khẩu đắt hơn, chúng ta tự làm hại chính mình. Thay vì xuất khẩu n lượng hàng hóa để thu về 100 đô thì phải xuất khẩu n + 1 hàng hóa cũng chỉ để thu về ngần ấy tiền, thay vì bỏ ra 100 đô để nhập khẩu n lượng hàng hóa thì phải bỏ ra nhiều hơn 100 đô cũng chỉ để nhập khẩu chừng ấy hàng hóa. Nói nôm na là chúng ta mua đắt bán rẻ. Mua bán như thế biết chừng nào có lời chưa nói là lỗ sặc máu triền miên.

TQ kìm giữ giá nhân dân tệ thì bị Mỹ nói ra nói vào còn ta phá giá VND chả ai thèm nói mà họ còn tỏ ra ngạc nhiên sao lại có người tự làm giảm giá trị của mình đi như thế. Hàng nhập khẩu lẽ ra là ngày càng đắt hơn đối với chúng ta nhưng chúng ta lại có cảm giác là nó không đắt hơn thậm chí là còn rẻ đi qua sự sale off ồ ạt của các hãng phân phối lớn của nước ngoài. Vì sao như thế ? Rất đơn giản. Vì bây giờ làm gì kiếm đâu ra hàng hóa made in USA hay made in Japan nữa. Tất cả đều được sản xuất ở TQ hay 1 nước nào đó có giá nhân công tương đương.

TQ cũng bắt đầu từ "kinh tế gia công" nhưng họ sớm nhận ra "tự lực cánh sinh" là mục tiêu then chốt vì thế GTGT trong hàng hóa TQ càng ngày càng được nâng cao. GTGT cao không có nghĩa là hàng hóa có chất lượng cao mà là có yếu tố ngoại nhập thấp. Sự rẻ đi của hàng hóa nước ngoài bóp chết hàng hóa trong nước vì hàng hóa trong nước có GTGT thấp hay yếu tố ngoại nhập cao. Nói cách khác hàng VN có chất lượng vượt trội hơn hàng TQ là nhờ nó được sản xuất ở nước ngoài và ....đóng gói ở VN chỉ để lấy cái "mác" made in VN. Chỉ vì dòng chữ made in VN này mà nhiều người VN nhầm lẫn giữa hàng nội và hàng ngoại nhập.

Vì sao TQ có thể nâng được GTGT trong hàng hóa của họ mà VN thì không ? Vì họ buộc nhà đầu tư nước ngoài phải khép kín sản xuất ở TQ hay ít nhất là 50% giá trị trong "chuỗi sản xuất" còn VN chỉ thu hút đầu tư ở khâu ....tạo ra sản phẩm tiêu dùng cuối cùng. Chính vì phần lớn giá trị trong chuỗi sản xuất được thiết lập ở TQ mà TQ trở thành "công xưởng của TG". Xin hỏi có bao nhiêu % giá trị của chiếc iPad của hãng Apple là của Mỹ ? Chỉ mỗi khâu thiết kế và bản quyền, còn toàn bộ phần cứng đều được sản xuất ở TQ, dù không phải do doanh nghiệp TQ sản xuất cũng do tay người thợ TQ làm ra.

Người TQ khôn ngoan là ở chỗ đó. Cũng từ đó mà họ có điều kiện để copy công nghệ song song với tiếp thu tri thức công nghệ bằng cách cử người đi học. Những người đi học công nghệ trở về làm việc cho các hãng công nghệ của nước ngoài ở TQ, khi "đủ lông đủ cánh" họ tách ra lập hãng riêng với sự tài trợ mạnh mẽ từ Nhà nước sản xuất ra hàng hóa 100% made in China. Chính loại hàng hóa 100% made in China ấy là cái mà người VN cho là "kém chất lượng" vì người VN đã quen xài hàng có tiêu chuẩn chất lượng của ....Mỹ, Nhật và châu Âu. Thực tế, hàng hóa 100% made in China không hề thua kém hàng hóa của bất cứ quốc gia đang phát triển nào. Nói cách khác tiêu chuẩn xài hàng của người VN thuộc loại ....đỉnh cao của TG nên tất nhiên là hàng TQ còn xa mới so sánh được. Chỉ cần hàng VN nâng GTGT lên bằng với hàng TQ mà chất lượng bằng với hàng TQ thì người VN đã được xem là giỏi lắm rồi.

GTGT là lợi ích quốc gia về kinh tế, còn chất lượng hàng hóa không phụ thuộc vào GTGT mà phụ thuộc vào tiến bộ công nghệ. Hàng hóa có GTGT càng thấp mà chất lượng càng cao thì toàn bộ giá trị của tiến bộ công nghệ chạy tọt vào GDP của nước xuất khẩu công nghệ, toàn bộ giá trị hàng hóa chạy vào GDP của VN (nhưng giá trị GDP thực chỉ là sức lao động) tạo ra GDP .....ảo. Ta có thể hình dung như sau. 1 chiếc xe gắn máy có 95% là giá trị linh kiện nhập ngoại và 5% là công lắp ráp tại VN. 100% giá trị chiếc xe được tính vào GDP của VN nhưng VN chỉ có 5% giá trị GDP thực còn 95% giá trị chạy vào giá trị GDP thực của nước xuất khẩu linh kiện. Chúng ta chính là hưởng cái 95% giá trị ảo ấy và sự tăng trưởng GDP của VN trong 20 năm qua bao nhiêu là thật bao nhiêu là ảo tự các bạn hình dung. Cái sự dốt nát trong "bệnh thành tích" bộc lộ rõ qua các báo cáo về tăng trưởng kinh tế hàng năm.

Nói xin lỗi các bác chiên gia kinh tế, chỉ cần các doanh nghiệp FDI vì lý do nào đó toàn bộ rút lui khỏi VN, nền kinh tế VN sẽ trở về có lẽ là nhỉnh hơn thời bao cấp 1 chút. Như vậy, sau 20 năm phát triển kinh tế, chúng ta tiến hay lùi ? Có thể là tiến với chúng ta nhưng lùi với cả TG vì hoàn cảnh của 20 năm trước chúng ta có vị trí khác (có rất nhiều cơ hội để phát triển) còn bây giờ là vị trí khác (muốn phát triển bất cứ lĩnh vực gì cũng vấp phải sự cạnh tranh hết sức quyết liệt).

20 năm trước TQ chưa được gọi là "công xưởng của TG" (công xưởng của TG lúc ấy còn ở Hàn Quốc). 20 năm trước, những nước bắt đầu phát triển ở vị trí "kinh tế gia công" chỉ có VN, TQ, các nền kinh tế mới nổi, các nước Đông Âu, trong khu vực Asean chỉ có Thái lan và Malaysia. Chỉ có 1 phần 3 TG cạnh tranh với chúng ta trên cơ sở xuất phát điểm sàn sàn như nhau. 20 năm sau, chúng ta bị bỏ lại phía sau với 1 phần 3 TG còn lại đang bắt đầu ở vị trí "kinh tế gia công", hoàn toàn bị 1 phần 3 trước kia bỏ lại sau lưng. Chúng ta chẳng những phải thoát ra khỏi tốp dưới mà còn phải đuổi kịp tốp trên mà cái tốp trên ấy cơ bản chưa là gì so với các nước G7 cũ. 1 phần 3 TG hiện tại trực tiếp cạnh tranh với chúng ta không phải vì họ nghèo hơn chúng ta mà vì họ muốn thoát ra khỏi "bẫy thu nhập trung bình" mà họ đã sa lầy ở đó hàng chục năm qua.

Nói tóm lại là ta phải cạnh tranh với toàn bộ TG. Chỉ vì thói quen "đóng cửa bảo nhau" ấy mà ta bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội. Chưa nói tới sự cạnh tranh ấy, chỉ nội sự cản trở trong nước thôi cũng đủ "không ngóc đầu" lên được. Đó là bệnh tham nhũng, là thủ tục hành chính nhiêu khê, là thói quen đọc báo cáo kinh tế hàng dưới cùng (tức là cái tổng chung chung), là sự ưu tiên vô căn cứ cho các DNNN, là sự thả nổi cho các doanh nghiệp tư nhân "tự bơi", là sự thu hút FDI thiếu tính toán (phân cấp cho địa phương dựa vào quy mô của vốn đầu tư chớ không dựa vào tính lan tỏa), là sự đầu tư dàn trải mang tính cục bộ địa phương, là sự cổ phần hóa DNNN mang đầy tính hình thức và vụ lợi, là sự "khoán trắng" cho nhà thầu nước ngoài, là sự phớt lờ các yêu cầu của xã hội về phúc lợi công cộng (trong đó then chốt là y tế và giáo dục), là sự bất hợp lý trong chính sách đất đai, là sự thiên vị trong chính sách tiền tệ,.......tất cả tạo thành 1 bức tranh lộn xộn mang chủ đề nổi bật "người VN chỉ cạnh tranh với nhau chớ không cạnh tranh với cả TG".

Tái cấu trúc: Nhìn thẳng sự thật để vượt lên chính mình

"Nhận diện và thừa nhận những lực cản của tái cơ cấu, Việt Nam sẽ đủ sức để vượt qua", TS Nguyễn Đình Cung tin tưởng.


Nhìn thẳng sự  thật, thống nhất hành động
ĐH Đảng lần thứ 11 đã nêu nhiệm vụ "cấu trúc lại" nền kinh tế như một phương thức để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Đến Hội nghị lần 3, TƯ Đảng đã cụ thể hóa quyết định mang tính thay đổi nền tảng "tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng", thể hiện qua kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị.
Sẽ không cần phải đặt ra câu hỏi, tái cấu trúc bắt đầu từ đâu, khi Trung ương Đảng đã chỉ ra các ưu tiên hành động trong thời gian trước mắt, để tạo đột phá, với 3 lĩnh vực trọng tâm: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. 3 giải pháp này gắn liền với nội dung chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và quan trọng hơn, là gắn chặt sự thay đổi tư duy về phát triển, không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, từ cấp cao nhất.
"Ban chấp hành Trung ương yêu cầu phải nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng cao và ổn định kinh tế vĩ mô; giữa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội", Tổng bí thư đã kết luận.
Với giới nghiên cứu đó là một tín hiệu vui. Bởi vấn đề tái cơ cấu không còn chỉ là đề tài khoa học được bàn thảo trong giới nghiên cứu, mà đã thành một chiến lược được cơ quan cao nhất về mặt ban hành quyết sách ở Việt Nam thông qua. Đó là cách duy nhất có thể biến những thảo luận trở thành chính sách trên thực tế, TS Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM nói.
Đó là "kết thúc của một quá trình thảo luận nhiều năm" về tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Bây giờ, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn hành động.
Điều đáng nói, theo TS Cung, là các ưu tiên trọng tâm được BCH Trung ương quyết định "đều là các điểm huyệt của cải cách kinh tế Việt Nam trong thời gian tới".
Những định hướng lãnh đạo ấy của Trung ương là sản phẩm của tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật", "đánh giá một sự thật", để biết nền kinh tế Việt Nam đang đứng ở vị trí nào, sức khỏe thực tại ra sao.
Trong kết luận của Tổng bí thư nêu đánh giá của Trung ương: thực trạng kinh tế Việt Nam "có nguyên nhân khách quan là do tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; nguyên nhân chủ quan là do những yếu kém của nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ kéo dài từ lâu, chậm được khắc phục và do những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, đặc biệt là trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá; quản lý quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài nguyên, thị trường bất động sản...
Đánh giá không phải để tìm kiếm cái xấu, mà để khắc phục, vượt lên chính mình. Bởi tình hình hiện nay, như các chuyên gia kinh tế đã nhận định, đặt áp lực đổi mới ở vào tình thế sống còn.
"Phải dựa vào thông tin xác thực thì mới có thể tái cấu trúc được. Và cũng chỉ khi đó, lòng tin của thị trường về việc: đích thực rồi đây, Việt Nam sẽ làm khác đi sẽ được tạo dựng và phục hồi", TS Cung nói.

ĐH Đảng lần thứ 11 đã nêu nhiệm vụ "cấu trúc lại" nền kinh tế như một phương thức để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa
Vượt lên chính mình
Nửa tháng trước, tại cuộc thảo luận về tái cấu trúc nền kinh tế, bà Phạm Chi Lan từng hỏi nhỏ một vị cựu ủy viên trung ương, liệu đã có hay chưa sự thống nhất ở trung ương trong đánh giá về sự tồn tại và chi phối của lợi ích nhóm đối với nền kinh tế Việt Nam. Bà chỉ nhận được cái nhún vai thay cho câu trả lời.
Cũng tại cuộc hội thảo ấy, ông Võ Đại Lược dẫn lại lời cảnh báo từ nhiều năm trước của TS David Dapice, ĐH Harvard về khả năng hình thành và tồn tại cái mà ông gọi là "trục tam giác quỷ" giữa quan chức - doanh nghiệp - ngân hàng mà ở đó, chính sách quốc gia bị bắt cóc làm con tin. Một chính sách chỉ được thành hình và thực hiện khi phục vụ lợi ích của ba "ông lớn" ấy.
Bởi như GS Mancur Olson, ĐH Maryland, Mỹ từng chỉ ra trong cuốn "Sự hưng vong của các cường quốc", bất kỳ một quốc gia nào chỉ cần có thời gian ổn định chính trị đủ dài là sẽ xuất hiện tập đoàn lợi ích đặc biệt. Các tập đoàn ngày càng biết nên thao túng chính sách công quan trọng nhất của quốc gia, sự phát triển kinh tế của quốc gia, bộ máy chính trị, nhất là hành chính và pháp luật của bộ máy đó như thế nào, hiểu được khi thao túng phải làm thế nào để tìm được lý do tốt... Cuối cùng dần dần dẫn tới thể chế, chính sách, tổ chức về các mặt như kinh tế, xã hội, hành chính, pháp luật v.v.. của quốc gia đó biến thành sự sắp xếp phù hợp nhất với tập đoàn lợi ích đặc biệt, khiến động lực mới của sự phát triển của quốc gia này càng ngày càng bị kiềm chế, các ngành càng ngày càng xơ cứng, điều này tất dẫn đến sự suy vong của quốc gia.
Điều các chuyên gia băn khoăn là, thực tế có hay không điều đó trong nền kinh tế Việt Nam? Sự chi phối của các nhóm lợi ích lớn đến đâu trong việc hoạch định chính sách? Liệu Việt Nam có đủ khả năng vượt qua những trở ngại từ chính các nhóm lợi ích hiện tại.
Kết thúc Hội nghị lần 3 của BCH TƯ Đảng, bà Lan đã có được câu trả lời tích cực khi mối canh cánh của các chuyên gia về lợi ích nhóm đã nhận được sự chia sẻ từ cấp cao nhất.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ ra những lực cản của đổi mới, bao gồm cả sự chi phối của lợi ích nhóm bên cạnh "tư duy nhiệm kỳ", tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí.
"Đó chính là điểm khác và điểm khó của Việt Nam trong quyết định đổi mới lần này, nếu so với thời điểm năm 1986", TS Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM phân tích.
Năm 1986, Việt Nam có sự thay đổi tư duy kinh tế mang tính ý thức hệ, khi chuyển từ kinh tế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường. Thế nhưng, vào thời điểm ấy, sự thay đổi mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, dù có thể ít nhiều khác nhau. Thế nhưng, với cuộc tái cấu trúc lần này, đó là quyết định mà kẻ được, người mất, trong đó phần được là số đông người dân và toàn nền kinh tế, là lợi ích quốc gia, còn phần mất chính là lợi ích nhóm đang làm nền kinh tế Việt Nam trì trệ, và có nguy cơ bị tụt lại phía sau trong tiến trình phát triển.
"Lợi ích nhóm rất lớn, nhưng lại chỉ là vấn đề nhỏ, một khi Việt Nam có đủ quyết tâm chính trị và tạo được đồng thuận xã hội để vượt lên", ông Cung nói.
"Nhận diện và thừa nhận những lực cản của tái cơ cấu, Việt Nam sẽ đủ sức để vượt qua", TS Nguyễn Đình Cung tin tưởng.
Tuy nhiên, đó vẫn sẽ là lòng tin trong thử thách. Bởi quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất thể hiện qua kết luận Hội nghị của người đứng đầu Trung ương Đảng sẽ rất cần được nhân rộng trong xã hội, tạo đồng thuận để thống nhất hành động. Sẽ vui hơn và tin hơn nếu đảng viên và toàn dân lại thấy được những nội dung này trong thông báo cuối cùng của hội nghị...
Và người ta lo ngại rằng, ngay cả khi có sự chỉ đạo của cấp cao nhất thì tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, và lợi ích nhóm... không thể không có những tác động có thể "trông thấy được" trong việc điều hành kinh tế - xã hội thực tế, ngay ở nhiệm kỳ này.


 Tái cấu trúc và lực cản nhóm lợi ích

 Thực đơn 'bồi bổ sinh lực' cho nền kinh tế
Theo dân gian, giá là một món ăn tăng cường và bồi bổ sinh lực cơ thể rất tốt. Nhưng đó là "giá đỗ". Không ngọt ngào thanh mát như giá đỗ, "giá cả" vang lên trong tâm thức người dân với gần như một chiều duy nhất - "giá tăng".

Hệ quả thông thường là tạo áp lực mòn mỏi lên sinh lực cơ thể, khi chi tiêu của người dân vào những nhu cầu thiết yếu như điện, nước, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm,.v.v. đã chiếm phần lớn thu nhập.
Khác với thời bao cấp, khi những hàng hoá dịch vụ cơ bản được nhà nước phân phối theo chỉ tiêu pháp lệnh, nền kinh tế mở cửa hội nhập phải tuân theo những quy luật thị trường. Giá cả cũng vậy. Nhưng yếu tố cốt lõi để tạo ra một mặt bằng giá cả khiến người dân cảm thấy mát ruột lại nằm trong tay các chủ thể nắm giữ và tác động tới chính sách và công cụ điều tiết thị trường.
Đã hai mươi năm trôi qua kể từ khi Việt Nam ban hành Bộ Luật Công ty, qua đó lần đầu tiên cho phép thành phần kinh tế tư nhân chính thức tham gia nền kinh tế. Kể từ đó, kinh tế tư nhân đã đóng vai trò to lớn trong sáng tạo, đổi mới, tăng GDP, tạo việc làm. Tuy nhiên, trong bản Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm 2011 - 2015, tư tưởng sử dụng kinh tế nhà nước làm chủ đạo cho đường lối phát triển vẫn được khẳng định. Từ định hướng đó, những lĩnh vực quan trọng mang tính chất xương sống của nền kinh tế vẫn nằm dưới sự quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước.
Quan sát những tranh luận về giá điện, giá xăng gần đây, có cảm giác rằng câu chuyện sẽ không có hồi kết nếu thiếu sự bóc tách rạch ròi giữa chức năng và mục tiêu của doanh nghiệp. Một đằng là nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và một đằng là lợi ích của các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế.
Một khi đã là thiết yếu, tức là ai cũng cần, thì về lý thuyết, hàng hoá dịch vụ đó vẫn có thể mang lại lợi nhuận cao, dù chỉ được bán với giá tối thiểu trên mức giá thành sản phẩm. Quy mô thị trường lớn và sự đảm bảo sức mua dồi dào sẽ giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng quay vòng vốn, tích luỹ để tái đầu tư cho sản phẩm mới và quay lại cung cấp cho thị trường.
Quan sát những tranh luận về giá điện, giá xăng gần đây, có cảm giác rằng câu chuyện sẽ không có hồi kết nếu thiếu sự bóc tách rạch ròi giữa chức năng và mục tiêu của doanh nghiệp.
Trong trường hợp các doanh nghiệp có vị thế như vậy mà lại cho kết quả kinh doanh tiêu cực, sẽ có hai khả năng xảy ra. Hoặc là có vấn đề trong khâu thiết lập giá thành sản phẩm, hoặc khả năng sử dụng đồng lãi thu được từ giá thành tới giá bán không hiệu quả. Cả hai lý do này đều được chỉ ra trong những báo cáo gần đây về doanh nghiệp nhà nước - năng suất thấp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư ngoài ngành tràn lan [1].
Chính sách kinh tế, nếu không được lưu tâm kỹ lưỡng, có thể góp phần nuôi dưỡng nhược điểm cố hữu của doanh nghiệp nhà nước, chủ thể bị chi phối bởi cả hai mục tiêu, ổn định thị trường và tạo ra lợi nhuận trên vốn của chủ đầu tư. Trong điều kiện hoạt động lý tưởng, môi trường kinh doanh minh bạch, điều này đã là một thách thức.
Còn khi nền kinh tế chuyển đổi vận hành chưa tuyệt đối theo cơ chế thị trường thực thụ, không tránh khỏi những hoài nghi về sự chồng lấn giữa hai mục tiêu trong hành vi kinh doanh, ví dụ một quyết định kinh doanh tuy mang danh ổn định thị trường, song có thể ẩn chứa mục đích kiếm lời.
Áp lực để giá thành sản phẩm có mức thấp nhất và sử dụng đồng lãi sản sinh từ giá bán sản phẩm một cách tốt nhất thường nở rộ trong một thị trường giàu tính cạnh tranh. Mọi nhà cung cấp cho thị trường đều phải chú trọng vào hai khâu này để giá bán hàng hoá dịch vụ ở mức hợp lý nhất và kết quả là người tiêu dùng hưởng lợi.
Trong số các thị trường nền tảng, viễn thông là lĩnh vực điển hình cho sự thành công của chính sách tạo dựng tính cạnh tranh. Kể từ khi thị trường này được kích thích cạnh tranh với nhiều nhà cung cấp khác nhau, giá cước ngày càng giảm và dịch vụ ngày càng tăng, đưa Việt Nam thành một trong những nơi có chi phí viễn thông và internet vào loại thấp nhất Châu Á.
Khi giá cả cho phép nhiều người mua hơn và mua được hàng hoá dịch vụ nhiều hơn, chính thị trường đã góp phần đảm bảo được lợi ích của xã hội. Bài học từ thị trường viễn thông có thể được sử dụng để tham chiếu cho các thị trường nền tảng khác, trước hết từ góc độ minh bạch chính sách, giảm thiểu bao cấp và tăng tính cạnh tranh. Hay nói cách khác, cạnh tranh công khai và bình đẳng giữa các chủ thể sẽ là món "giá đỗ" bồi bổ sức khoẻ cho nền kinh tế và rộng hơn, cho toàn xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?