Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Nước cờ khôn ngoan đầy dụng ý của Hà Nội (tt)

Việt-Trung ký thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên biển

Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và  Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào duyệt hàng quân danh dự tại Sảnh Ðường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 11/10/2011
Hình: REUTERS/China Daily
Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào duyệt hàng quân danh dự tại Sảnh Ðường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 11/10/2011
Việt Nam và Trung Quốc vừa ký kết thỏa thuận nhằm giải quyết ôn hòa các tranh chấp trên biển trong khu vực Biển Đông.

Văn kiện được Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn của Việt Nam ký với người tương nhiệm phía Trung Quốc là ông Trương Chí Quân vào ngày 11/10 tại Bắc Kinh.

Theo thỏa thuận gồm 6 điểm, hai nước Việt-Trung sẽ tìm cách giải quyết các tranh chấp trên biển qua các cuộc đàm phán và tham vấn hữu nghị.

Thỏa thuận được ký sau các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào, với Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, nhân chuyến thăm chính thức của ông Trọng tới Trung Quốc kéo dài trong 5 ngày.

Theo hãng thông tấn DPA của Đức ngày 12/10, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc kêu gọi không nên để vấn đề tranh chấp trên biển làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước Việt-Trung và hai đảng cộng sản anh em.

Báo điện tử China.org.cn cùng ngày trích thuật phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng nếu vấn đề trên biển không được giải quyết hợp lý sẽ làm ảnh hưởng tới toàn bộ các mối quan hệ song phương. Ông Trọng cũng nhấn mạnh là Việt Nam sẵn sàng tiếp tục giao tiếp trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc trong vấn đề giải quyết ổn thỏa tranh chấp trên biển.

Việt Nam và Trung Quốc cũng nhất trí mở một đường dây nóng để xử lý các xích mích có thể bùng phát tại Biển Đông, đồng thời mở ra các cuộc họp thường xuyên một năm hai lần giữa đại diện đàm phán về biên giới của đôi bên.

Thỏa thuận này là diễn tiến mới nhất trong loạt các nỗ lực gần đây giữa hai nước nhằm cải thiện mối quan hệ đang căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Tổng bí thư hội kiến với Thủ tướng Ôn Gia Bảo

Tiếp tục chuyến thăm chính thức Trung Quốc, ngày 12/10, tại Trung Nam Hải ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo bày tỏ vui mừng được đón tiếp và hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.





Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) hội kiến Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Trao đổi về quan hệ hai nước, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng việc không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhất là việc tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao và giữa nhân dân hai nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, đối với sự phát triển của mỗi nước và đối với sự nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Hai bên đánh giá cao việc hai nước vừa ký Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế - thương mại và bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của hai Chính phủ mà trực tiếp là Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương của hai nước, sự chủ động và tích cực của các cấp, các ngành của hai nước, Quy hoạch này sẽ được triển khai thực hiện có hiệu quả, đi sâu vào các lĩnh vực hợp tác mà hai bên cùng có lợi, thúc đẩy khai thác tối đa những lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, như kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng.

Trước mắt, hai bên cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm đã thỏa thuận, trong đó có Cung Hữu nghị Việt - Trung tại Hà Nội, các khu kinh tế thương mại Long Giang và Hải Phòng, các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở trong phạm vi "hai hành lang, một vành đai"...; đẩy nhanh kim ngạch thương mại và đẩy mạnh các biện pháp công bằng thương mại giữa hai nước.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí cho rằng trong thời gian tới, hai bên cùng tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là thanh thiếu nhi, tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các địa phương của hai nước, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, nhân văn.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Ôn Gia Bảo bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng qua chuyến thăm này, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc sẽ ngày càng phát triển.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chuyển lời mời sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Thủ tướng Trung Quốc đã vui vẻ nhận lời.

Mang quà gì sang Bắc Kinh?

Hình: Getty Images/Stockbyte Platinum
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đang chuẩn bị khăn gói sang Bắc Kinh. Cuộc xuất hành được chuẩn bị suốt mấy tháng nay. Một thứ trưởng ngoại giao, một thứ trưởng quốc phòng đi tiền trạm, đón nhận chỉ thị “hiểu biết chung, cam kết chung: giải quyết mọi tranh chấp bằng đàm phán song phương, không để nước thứ ba can thiệp vào chuyện biển, đảo”, còn đưa ra lời bảo đảm “từ nay sẽ không để xảy ra tụ tập đông người”.
Phía Trung Quốc càng thêm yên lòng khi nhìn thấy cảnh ông tổng Trọng ôm rất chặt, rất lâu ông Đới Bỉnh Quốc – như không thể nào lâu hơn, chặt hơn – và cảnh ông thủ tướng Ba Dzũng mặc đồng phục tự nguyện - cùng áo kẻ sọc, cùng cà-vạt màu hồng nhạt, như 2 anh em song sinh - khi đón ông đại đồng chí họ Đới tại Hà Nội. Quả thật cử chi có khi nói nhiều hơn những bài diễn văn dài.
Ông Hồ Cẩm Đào nóng lòng chờ đón ông Nguyễn Phú Trọng sáng 11-10 tới tại Bắc Kinh; đó là lời nhắn của ông Đới khi tạm biệt ông tổng Trọng.
Vậy thì ông Trọng sẽ mang theo món quà gì đây?
Sử ta có ghi chép nhiều chuyện vui và sâu sắc về các sứ thần ta đi sứ sang phương Bắc và đối đáp rất thông minh, sâu sắc và hóm hỉnh với các vua chúa Đại Hán.
Lần này, nếu như quả thật ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, thật sự là con cháu của các nhà yêu nước tiền bối Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung, mong ông sẽ mang sẵn trong túi áo một phẩm vật có ý nghĩa để gửi biếu (trả lại) Bắc Triều.
Đó là bài báo của Trung Quốc in trên tờ báo mạng Hoàn Cầu ngày 30-9-2011, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được coi là tiếng nói của đảng CS Trung Quốc, có chủ đề là: dạy cho Việt Nam và Philippines một bài học đạo đức bằng vũ lực. Tác giả bài báo là Long Đạo, giáo sư trường đại học Triết Giang.
Bài báo sặc mùi cao ngạo Đại Hán tộc, cho rằng toàn bộ Nam Hải (Biển Đông của ta) là thuộc sở hữu không thể bàn cãi của Trung Quốc. Trung Quốc không thể chấp nhận có sân bay nước khác trên quần đảo của mình. Phải dùng vũ lực để diệt những con muỗi Việt Nam và Philippines tại đó. Chúng ta sẽ giết để dọa khỉ. Những con muỗi ắt phải biết sợ voi chứ.
Chúng ta biết rằng bọn muỗi ấy gọi con diều hâu già đến để cứu nguy chỉ là vô vọng.
Long Đạo có nghĩa là đạo của loài Rồng. Rồng vốn là biểu tượng của Hoàng Đế, của Thiên Triều. Bài báo dùng hình tượng các loại sinh vật như trong thơ ngụ ngôn. Tác giả miệt thị Việt Nam và Philippines, coi như những con muỗi vo ve vô tích sự, coi các nước Đông Nam Á xung quanh là một bầy khỉ, coi Hoa Kỳ là con diều hâu đã về già. Còn Trung Quốc là con Voi, là thần tượng chúa tể của rừng xanh, dạy đạo đức cho thiên hạ.
Mong rằng ông tổng Trọng sẽ gửi lại tận tay ông Hồ Cẩm Đào bài báo trên với một câu hỏi nhẹ nhàng:
- Toàn thể nhân dân Việt Nam chúng tôi, toàn thể đảng viên CS
chúng tội xin hỏi quý vị bài báo này có phản ánh đúng lập trường của quý vị hay không, xin quý vị cho biết rõ để chúng tôi trở về báo cáo lại cho toàn dân chúng tôi.
Để xem cử chỉ, thần thái và trả lời của phía Trung Quốc ra sao.
Chỉ bằng một việc làm nhẹ nhàng, đơn giản, đàng hoàng như thế, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đương quyền sẽ được toàn dân, toàn đảng, toàn thế giới tiến bộ hoan nghênh nhiệt liệt, và có thể ghi một nét vàng son trong lịch sử dân tộc. Và như thế lịch sử dân tộc sẽ thật sự sang trang từ đây.

Ngoại giao Việt Nam và tài năng xếp gạch

Giáo sư Nguyễn Phú Trọng, người ở cương vị Tổng Bí Thư Đảng cầm quyền ở Việt Nam đã dẫn một phái đoàn đông kỷ lục gồm cả ba ủy viên Bộ Chính trị, bảy bộ trưởng của Việt Nam sang Trung Quốc.
Nền chính trị Trung Hoa luôn trọng các con số to nên đội hình Việt Nam chắc có mục tiêu đáp ứng nhu cầu đó.
Nhưng con số cũng đóng vai trò quan trọng ở góc độ các nước tham gia vào chủ đề Biển Đông ngày càng nhiều đã tạo đà cho Việt Nam nói chuyện lại với Trung Quốc.
Chuyến đi cho thấy xu hướng đa phương đã thắng cách nhìn song phương cho vùng biển quốc tế này.
Rộng hơn, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nêu kiến nghị cho quan hệ Trung - Việt "tăng cường trao đổi và điều phối trong các cơ chế đa phương", một điểm thừa nhận Trung Quốc dù vươn lên mạnh mẽ cũng không thể đứng riêng một cực.
Thời gian qua, các bước đi của Trung Quốc ở Bắc Phi cho thấy một cách tiếp cận thực tiễn hơn trước.
Đài Trung Quốc (CRI) cũng trích lời TBT Nguyễn Phú Trọng nói cách giải quyết vấn đề trên biển, "không để cho vấn đề ảnh hưởng đến tình cảm của nhân dân hai nước", chứng tỏ thái độ người dân bày tỏ trên mạng và trên đường phố được ghi nhận.
Năng lực cầm quyền
Nhưng nói về ngoại giao thì cũng phải nói về nội trị ở cả hai nước.
Ông Ngô Bang Quốc nói với ông Nguyễn Phú Trọng về chuyện "cùng nhau nâng cao năng lực và trình độ cầm quyền của Đảng Cộng sản".
Rõ ràng là ngay tại Trung Quốc hiện nay, một luồng dư luận công khai đang đòi hỏi nhà chức trách thay đổi cách điều hành đất nước.
Và họ công khai nói về chuyện đó.
Tờ China Daily bản tiếng Anh phát không ở châu Âu tuần này nhắc đến dự án công ty Trung Quốc xây đập Myitsone bị Miến Điện ngưng.
Trong bối cảnh đó, công trình Trung Quốc xây đường xe điện trên cao cho Hà Nội quả là món tin vui Giáo sư Trọng mang sang Bắc Kinh.
Nhưng khi nghe tin đó, một người bạn từ BBC Tiếng Trung đùa với tôi: "Nhắn phía Việt Nam cẩn thận kẻo bị sập".
Không phải các nhà báo BBC bi quan về hợp tác Trung - Việt mà chính ở Trung Quốc hiện nay đang có không ít người lo ngại về các dự án chạy theo thành tích, bỏ qua chất lượng và an toàn.
Dư luận Trung Quốc đang chuyển biến mạnh sau vụ tàu cao tốc đâm nhau ở Ôn Châu hồi tháng 7, giết chết 40 người.
Họ đang muốn đánh giá lại những gì thực sự đạt được trong 3, 5 hay 10 năm qua, hay chỉ "giả vờ đạt được", theo ông Edward Tse, tác giả cuốn 'The China Strategy', được trích đăng trên China Daily.
Trên tờ Caixin thì có dòng tít lớn "Cracking China's Image" (Hình ảnh Trung Quốc vỡ nát) trên trang bìa và bài bên trong nói về các dự án thua lỗ tỷ USD mà các đại tập đoàn Trung Quốc khi tung ra làm ăn ở Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ và Ba Lan.
Điều này cho thấy cách điều hành nền kinh tế của Trung Quốc đúng là cần "nâng cao năng lực" như ông Ngô Bang Quốc nói.
Mặt khác, đây cũng là ví dụ rằng truyền thông Trung Quốc không chỉ mạnh mẽ khi nói về chủ quyền biển đảo mà còn thẳng cánh phê phán các vấn đề nội bộ của họ.
Phái đoàn Việt Nam gồm cả Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh chắc sẽ ghi nhận tinh thần cởi mở này để nghĩ lại về không gian họ dành cho báo chí Việt Nam.
Bạn thử tưởng tượng một tờ báo Việt Nam nào dám chạy tựa "Con tàu đắm Việt Nam" về vụ Vinashin.
Việt Nam tạo biến chuyển trong ngoại giao nhờ bỏ thái độ 'sợ làm Trung Quốc giận' thì phải chăng báo chí cũng cần bỏ nếo nghĩ 'viết mạnh sợ lãnh đạo phật lòng'?
Xếp từng viên gạch
Tin không vui và làm tôi suy nghĩ nhiều là trong cuộc thi World Skills 2011 ở Anh tuần qua Việt Nam không đoạt được huy chương nào mà chỉ đem về 7 chứng chỉ ở các môn Công nghệ may thời trang, Nấu ăn, Lắp cáp mạng thông tin, Điện tử, Xây gạch, Công nghệ thông tin và Thiết kế trang web.
Con số quả là rất nhỏ trên tổng số 950 chứng chỉ cấp cho 50 quốc gia tham dự Hội thi tay nghề quốc tế ở khu Excell, phía Đông London.
Đã sang thập kỷ thứ nhì của Thế kỷ 21 mà thế hệ trẻ Việt Nam chỉ được khen là khá môn 'nấu cơm, xếp gạch' thì quả là chuyện báo động, đặt câu hỏi mục tiêu hiện đại hóa đến 2020 có còn chắc trong tay?
Ngoài ra, số huy chương cho các bạn trẻ từ Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Macao nhiều hơn hẳn Trung Quốc lục địa, và một huy chương đồng cho Nguyễn rơi vào tay Paul Nguyen từ Pháp là bằng chứng rằng nguồn gốc không quan trọng bằng môi trường giáo dục khuyến khích sáng tạo.
Câu hỏi là làm gì để cải tổ nếu năng lực cầm quyền của Đảng và kỹ năng lao động của Dân ở Việt Nam đều cần nâng cao?
Để đất nước đi lên, bên cạnh hy vọng rằng Đảng sẽ mở rộng tầm nhìn, thông thoáng cơ chế hơn, trí thức và xã hội cũng cần chủ động tiến bước, từng bước nhỏ sẽ thành bước lớn.
Chính phủ Việt Nam đã và đang ký đối tác chiến lược với một loạt nước.
Nhưng điều rất cần là Đảng và Nhà nước ký một Đối tác Chiến lược với chính Nhân dân và Xã hội Việt Nam nêu rõ các quyền và trách nhiệm của hai bên nhân đợt cải tổ hiến pháp đang diễn ra.

Một cơ hội nữa là dự án Đức giúp Việt Nam cải tổ hệ thống pháp luật nêu ra trong chuyến đi của Thủ tướng Angela Merkel sang Hà Nội tuần này.
Và cũng cần hy vọng, như các điểm sáng của đối ngoại đa phương vừa qua cho thấy, Việt Nam sẽ vượt lên chính mình nếu tích hợp được các cơ hội nhỏ thành dòng sức mạnh lớn.

Không làm ngay được việc lớn, quyết liệt như Trung Quốc thì Việt Nam nên thử làm những bước nhỏ, kể cả như xếp từng viên gạch phù hợp với sức mình để đi xa hơn.

'Quan hệ Việt - Ấn là nhân tố đảm bảo ổn định khu vực'

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm nay hội đàm với các nhà lãnh đạo Ấn Độ và hai nước ra tuyên bố chung, trong đó nhất trí tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn và ký kết các thỏa thuận, bao gồm bản ghi nhớ về hợp tác dầu khí.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Ảnh: AP.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Ảnh: AP.
Theo TTXVN, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sáng 12/10 tại thủ đô New Delhi. Sau đó nhà lãnh đạo Việt Nam hội kiến Thủ tướng Manmohan Singh và nhấn mạnh việc phát triển quan hệ song phương là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, là nhân tố quan trọng để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực.
Việt Nam và Ấn Độ nhất trí tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dựa trên các trụ cột chính là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực. Hai nước đặt mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên mức 7 tỷ USD vào năm 2015.
Hai nước ra tuyên bố chung về chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong đó hoan nghênh sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược và tăng cường hợp tác về quốc phòng - an ninh. Lãnh đạo Việt - Ấn khẳng định mong muốn hợp tác vì hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Việt Nam tái khẳng định sự ủng hộ đối với chính sách hướng Đông của Ấn Độ.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và việc đảm bảo tự do hàng hải, đồng thời cho rằng tranh chấp trên Biển Đông cần được các bên giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng chứng kiến lễ ký kết 6 hiệp định và thỏa thuận hợp tác song phương, trong đó có Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC) cùng bản Hiệp định dẫn độ tội phạm.
Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra từ ngày 11 đến 13/10. Trước khi đến New Delhi, nhà lãnh đạo Việt Nam đã tới thăm thành phố công nghệ Bangalore và khuyến khích các doanh nghiệp tại đây đầu tư các khu công nghệ cao ở Việt Nam. Ông cũng thăm thành phố Mumbai và tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ.

Việt - Ấn: Cần đảm bảo an ninh Biển Đông

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam tới Ấn Độ, ngày 12/10, sau lễ đón chính thức đã được tổ chức long trọng tại Phủ Tổng thống, thủ đô New Delhi, Chủ tịch nước và đoàn đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm lãnh tụ Mahatma Gandhi, hội kiến Thủ tướng Manmohan Singh.

Các nhà lãnh đạo hai nước đã trao đổi về tình hình kinh tế - xã hội mỗi nước, quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên bày tỏ hài lòng về mối quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác nhiều mặt và đối tác chiến lược tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được cố Thủ tướng Jawaharlal Neru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ, vun đắp và ngày càng phát triển.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Manmohan Singh nhấn mạnh việc phát triển quan hệ hai nước là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, là nhân tố quan trọng để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực.



Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Manmohan Singh.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa các chuyến thăm cấp cao và các cấp; tăng cường và mở rộng nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dựa trên các trụ cột chính là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực; nhất trí tăng cường hơn nữa phát triển hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Lãnh đạo hai nước đánh giá cao quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ, nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, khoa học và công nghệ, văn hóa và mở rộng các lĩnh vực hợp tác có tiềm năng khác. Hai nước nhất trí phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Manmohan Singh đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như diễn đàn ASEAN-Ấn Độ, sông Hằng-sông Mekong, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)…, nhất trí tăng cường hơn nữa sự hợp tác và phối hợp này trong thời gian tới.

Các nhà lãnh đạo hai nước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông. Hai bên nhất trí rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần được các bên giải quyết thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).

Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Manmohan Singh đã chứng kiến lễ ký kết 6 hiệp định và thỏa thuận hợp tác.

Trước cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M. Krishna đã đến chào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại khách sạn Taj Palace. Tại cuộc tiếp, Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã tổ chức đón tiếp trọng thể và chu đáo cho chuyến thăm, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Ngoại giao Ấn Độ và cá nhân Ngài Bộ trưởng đối với chuyến thăm của Đoàn nói riêng và quan hệ hai nước nói chung.

Chủ tịch nước bày tỏ hài lòng về những kết quả đạt được tại các cuộc họp Tham khảo Chính trị lần thứ 5, Đối thoại Chiến lược lần thứ 2 và Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 14 do Bộ Ngoại giao hai nước tiến hành tại Hà Nội vừa qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ bày tỏ Chính phủ và nhân dân Ấn Độ rất vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm lần này, bày tỏ tin tưởng chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước sẽ thành công tốt đẹp, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước và đưa mối quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M. Krishna khẳng định hai Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường hơn nữa trong trao đổi tình hình và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình khu vực và quốc tế thông qua các chuyến thăm, cơ chế hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao và hoạt động ngoại giao cụ thể, kể cả hoạt động của Đại sứ quán hai nước, vì một nền hòa bình ổn định tại khu vực cũng như trên thế giới.



2012: Năm hữu nghị Việt - Ấn


Lãnh đạo hai nước cũng đã ký kết Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ, trong đó nêu rõ hai bên đã trao đổi quan điểm trong không khí thân mật, gần gũi và tin cậy về tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. 

Hai bên nhất trí lấy năm 2012 là năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (7/1/1972 - 7/1/2012) và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (6/7/2007 - 6/7/2012). Phía Ấn Độ cũng sẽ tổ chức “Năm Ấn Độ ở Việt Nam” trong năm 2012 với nhiều sự kiện văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, liên hoan phim, ẩm thực và tranh ảnh ở nhiều thành phố của Việt Nam.


Hai bên đánh giá cao và nhất trí tăng cường hơn nữa các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước trong thời gian tới. Hai bên lưu ý rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn lớn và nhất trí tăng cường mạnh mẽ các nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước dựa trên các trụ cột then chốt là hợp tác về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực. Hai bên cũng đánh giá cao kết quả của kỳ họp lần thứ 14 của Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Thương mại, Kinh tế và Khoa học - Kỹ thuật cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Tham khảo chính trị lần thứ 5 và Đối thoại chiến lược lần thứ 2 cấp Thứ trưởng Ngoại giao.


Các vị lãnh đạo nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược, tăng thêm các chương trình, dự án cụ thể và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, có tính đến tình hình kinh tế và chính trị đang thay đổi cả ở khu vực và quốc tế. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, tài chính, khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, văn hóa, nông - ngư nghiệp - thuỷ sản…; đồng thời phấn đấu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực giàu tiềm năng khác như khoa học - công nghệ cao, tư pháp, y tế, thông tin - truyền thông, du lịch, thể thao, báo chí và các lĩnh vực khác mà hai nước cùng quan tâm. Hai bên hài lòng với việc thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Ấn, Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực cao cấp về công nghệ thông tin và truyền thông (ARC-ICT) và Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây - Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh việc Ấn Độ tuyên bố thành lập Trung tâm Văn hóa ở Hà Nội.


Ủng hộ mạnh mẽ chính sách hướng Đông của Ấn Độ


Hai bên hài lòng nhận thấy kim ngạch thương mại hai chiều thời gian gần đây tăng trưởng tốt và thâm hụt thương mại của Việt Nam bước đầu giảm xuống. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam. Hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, khuyến khích hợp tác ở khu vực tư nhân. Hai bên đặt mục tiêu đạt 7 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2015. Hai bên hoan nghênh việc Hiệp định Hàng hóa FTA ASEAN - Ấn Độ có hiệu lực và nhất trí hợp tác để sớm kết thúc Hiệp định FTA ASEAN - Ấn Độ về dịch vụ và đầu tư.


Hai bên hoan nghênh sự tăng cường hơn nữa hợp tác về quốc phòng - an ninh. Hai bên bày tỏ sự hài lòng với kết quả của cuộc họp Đối thoại an ninh Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 6 cấp Thứ trưởng Quốc phòng, việc thiết lập cơ chế đối thoại 2 năm một lần về các vấn đề an ninh giữa Bộ Nội vụ Ấn Độ và Bộ Công an Việt Nam và nhất trí hợp tác để sớm hoàn thành Trung tâm In-đi-ra Găng-đi khôi phục dữ liệu, chứng cứ tội phạm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phía Việt Nam hoan nghênh đề nghị huấn luyện và nâng cao năng lực cho lực lượng công an Việt Nam.


Hai bên đánh giá cao việc ký kết Hiệp định Dẫn độ Tội phạm, Bản ghi nhớ về “Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ 2012”, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC), Chương trình hành động 2011-2013 về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ 2011-2014, Nghị định thư về văn hóa năm 2012 và nhất trí thúc đẩy việc đàm phán để sớm ký kết các văn bản hợp tác trên các lĩnh vực khác như đã thỏa thuận trong kỳ họp lần thứ 14 của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Thương mại, Kinh tế và Khoa học - Kỹ thuật. 

Phía việt Nam hoan nghênh công bố của Thủ tướng Ấn Độ tăng số học bổng ITEC từ 75 lên 150 từ năm 2012.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự giúp đỡ và hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ trong thời gian qua, coi đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Chính phủ Ấn Độ đồng ý sẽ cung cấp cho Việt Nam các khoản tín dụng mới với điều kiện thuận lợi hơn đối với các dự án về cơ sở hạ tầng, dầu khí, điện và truyền tải điện và các lĩnh vực Việt Nam có yêu cầu; trước hết xem xét dành riêng cho Việt Nam một khoản tín dụng.


Các vị lãnh đạo khẳng định lại mong muốn và quyết tâm hợp tác vì hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới và nhất trí tăng cường hơn nữa sự hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong hợp tác ASEAN - Ấn Độ và sông Mekong - sông Hằng cũng như tại EAS, ASEM, ARF, WTO, Liên Hợp quốc và Không liên kết. Phía Việt Nam khẳng định lại sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với Chính sách hướng Đông của Ấn Độ và việc Ấn Độ tăng cường quan hệ với ASEAN. Phía Ấn Độ chúc mừng Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch ASEAN năm 2010, cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam đối với việc Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bản an Liên Hợp quốc mở rộng và Dự thảo Nghị quyết ngắn của G-4 về cải tổ Liên Hợp quốc.


Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và việc đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển cả. Hai bên nhất trí cho rằng tranh chấp trên Biển Đông cần được các bên liên quan giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002.
Hai bên nhất trí gia tăng hợp tác trong lĩnh vực tăng cường năng lực, giúp đỡ kỹ thuật và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan của hai nước nhằm đảm bảo an ninh hàng hải, trong đó có việc chống cướp biển, ngăn chặn ô nhiễm và tìm kiếm cứu hộ v.v... trên biển.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?