Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Phát ngôn&Hành động: Lý Nhã Kỳ, bầu Kiên và những tiền lệ ; nguy cơ tha hóa quyền lực nhà nước

Những dấu ấn của doanh nhân trên chính trường, cầu trường và trường quốc tế, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, là những lát cắt của Mục Phát ngôn và Hành động tuần này.
Ly kỳ Đại sứ Du lịch
Người "mở hàng" cho những câu chuyện doanh nhân tuần này là Đại sứ Du lịch Lý Nhã Kỳ vừa mới được bổ nhiệm ngày 21.9 vừa rồi.
Đó là một doanh nhân, một nữ diễn viên, kiêm đại diện của tổ chức từ thiện quốc tế. Đặc biệt, cô rất xinh đẹp, gợi cảm. Và thông thạo liền một lúc 3 ngoại ngữ là Đức, Anh, Hoa.
Một khởi đầu đẹp như mơ! Thế nhưng, câu chuyện có nguy cơ "không có hậu"...
Nguyên nhân là do cách lựa chọn mà dư luận và công luận cảm thấy không mấy bài bản và minh bạch của một bộ đã bị tai tiếng khá nhiều liên quan tới "kính thưa các kiểu bầu, chọn". Kể từ dự án phim "Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long" năm ngoái tới các giải thưởng Nhà nước và Hồ Chí Minh năm nay.
Thứ nhất là sự không minh bạch trong việc công bố tuyển chọn, khi những tuyển trạch viên tiến hành công việc này một cách ngấm ngầm trong suốt 3 tháng qua. Mặc dù, họ có nói là nữ đại sứ đã vượt qua 6 ứng viên khác. Đó là chưa kể tới việc họ giấu tiệt tên tuổi của những ứng viên này.
Thứ hai là dường như họ đã thiếu sự tôn trọng cần thiết với dư luận, công luận và cả các cơ quan liên quan, khi qui chế tuyển chọn chỉ được công bố một ngày trước khi vị nữ đại sứ được bổ nhiệm.
Và cuối cùng là cách trả lời vòng vo, tiền hậu bất nhất của họ trước các thắc mắc của báo giới.
Đến mức nhà báo lão thành trong lĩnh vực văn hoá Nguyễn Thị Minh Thái đã phải thốt lên: "Cô Lý Nhã Kỳ này là tiêu chí chứ không phải cô này phù hợp với tiêu chí được đề ra từ trước."
Kết quả là vị Tân Đại sứ Du lịch đã phải thay họ chịu "búa rìu" của dư luận. Mặc dù, với những tiêu chí như có đóng góp nhiều cho xã hội (làm từ thiện) và nhất là khả năng tự chi trả trong khi thực hiện nhiệm vụ của một đại sứ du lịch là những thế mạnh đương nhiên của Lý Nhã Kỳ.
Công luận dường như tập trung nhiều vào việc mổ xẻ tiêu chí thứ ba, tức là Đại sứ Du lịch bắt buộc phải là người nổi tiếng. Ông Cục trưởng Hợp tác Quốc tế Văn Tình khẳng định Lý Nhã Kỳ là một diễn viên tài năng và nổi tiếng. Trong khi đó, đa số các phóng viên văn hoá không thừa nhận điều này.
Đặc biệt, một cây bút của Báo Sài Gòn Tiếp Thị là Dung P. (theo nguồn tin riêng và rất đáng tin cậy của người viết thì đây là bút danh khi viết về giải trí của nhà báo Xuân Thi chuyên theo dõi mảng văn hoá) còn gọi Lý Nhã Kỳ là "Bình hoa di động" trong các bộ phim mà cô đóng.
Thậm chí, có những phóng viên còn cho rằng nếu qui chế bổ sung thêm vào tiêu chí "người nổi tiếng" cụm từ "vì tai tiếng" thì việc chọn Lý Nhã Kỳ "chuẩn không cần chỉnh". Họ dẫn ra câu chuyện "phim giả, tình thật" giữa Lý Nhã Kỳ và Việt Anh, hay pha "lộ hàng" quá lộ liễu trong vở ca kịch lịch sử tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp ông chuẩn bị tròn 100 tuổi...
Tuy nhiên, không phải là không có những bậc "anh hùng", giữa đường thấy chuyện bất bằng đã
ra tay giải cứu "mỹ nhân". Nhà báo Tất Đạt của Tuổi Trẻ là một ví dụ.
"Quốc tế sẽ không cần nhớ, ít quan tâm đến chị với tư cách diễn viên, người mẫu (thậm chí cả xìcăngđan, nếu có), mà thông qua chị, nhìn vào hành động cụ thể của chị, họ sẽ đánh giá, nhận định đầy đủ về vẻ đẹp, sự quyến rũ của du lịch, văn hóa, con người Việt Nam", nhà báo này nêu quan điểm.
Một nhân vật khác, còn nổi tiếng hơn, là nhà thơ - nhà báo - MC Đỗ Trung Quân đã thể hiện quan điểm một cách dứt khoát hơn nhiều trên blog "Quê Choa", với bài viết nhan đề "Lý Nhã Kỳ, tôi chọn em". Mặc dù, tác giả của bài thơ "Quê hương" nổi tiếng, nhất là sau khi được phổ nhạc, tiết lộ với người viết rằng bản thân Lý Nhã Kỳ không phải là chủ đề ông muốn đề cập trong bài viết.
Theo Đỗ Trung Quân, chính sự thiếu hụt một cái phông kiến thức toàn diện về văn hoá, qua những gì Lý Nhã Kỳ đã thể hiện, lại là một thế mạnh của cô. Để cô có thể chuyển tải một cách trung thực nhất cho khách du lịch nước ngoài về tình trạng xuống cấp của những danh lam thắng cảnh, di sản văn hoá tuyệt vời ở Việt Nam, về cách ứng xử nhiều khi rất thiếu văn hoá nơi công cộng, hay "văn hoá nghệ thuật lãnh vực nào cũng đầy chữ đạo"...

Doanh nhân, một nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ (ảnh trái, phải), Cục trưởng Hợp tác Quốc tế Văn Tình (ảnh giữa)
Quả thực đây là một sứ mạng quá lớn mà nhà thơ - nhà báo Đỗ Trung Quân giao cho Tân Đại sứ Du lịch Lý Nhã Kỳ. Bởi, theo người viết, ngay cả trong chiến lược thông tin đối ngoại nói chung (mà du lịch chỉ là một mảng nhỏ) hiện vẫn tồn tại hai loại ý kiến: Thứ nhất là "đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại"; hai là "Việt Nam là như thế đấy".
Riêng trong lĩnh vực du lịch, theo thiển nghĩ của người viết, quảng bá kiểu đầu tiên rất dễ "lợi bất cập hại", bởi trong ngành này việc khách quay trở lại mới là quan trọng. Đó là chưa nói đến việc chính họ mới là những vị đại sứ du lịch hiệu quả nhất trong việc quảng bá Việt Nam ra quốc tế. Đừng để họ cảm thấy bị lừa khi sang Việt Nam lần đầu.
Viết đến đây, người viết tự nhiên lại thấy lo lo cho Đại sứ Lý Nhã Kỳ. Bởi dường như cái thói quen xưa nay của cô trong việc duy trì sự hiện diện của mình trên truyền thông lại không hợp với vai một đại sứ. Đó là kiểu "úp úp, mở mở", "hư hư, thực thực" về người cha đẻ người Nga và cha nuôi người Việt, hay cái trường đại học mà cô nói lấy được bằng cử nhân kinh tế.
Thậm chí cả cách cô giải thích vòng vo về tính xác thực về lịch sử trong cái áo "lộ ngực" cô mặc trong vở diễn "Bản hùng ca Điện Biên", trước khi yêu cầu "cậu đánh máy", à quên, nhà thiết kế trang phục phải xin lỗi cô trên báo, cũng thực khó chấp nhận.
Lý Nhã Kỳ nói rằng cô mong muốn mọi người hãy nhìn cô với hình ảnh hiện tại và tương lai, chứ không phải quá khứ. Theo người viết, thay đổi hình ảnh không đơn giản chỉ là thay chiếc áo hở ngực bằng chiếc áo vét kín đáo, hay tấm áo dài... Điều quan trọng hơn là thay đổi một thói quen trong hành xử. Và điều đó không hề đơn giản.
Nước Nga, quê hương của cha đẻ Lý Nhã Kỳ có một câu tục ngữ rất hay là "Privutchka - vtoraja natura", tức là "Thói quen là bản năng thứ hai".
Nói là nói vậy thôi, chứ Lý Nhã Kỳ đã được "bế lên lưng ngựa". Và việc của cô là phải giữ chắc dây cương, nếu không muốn ngã ngựa.
Hãy tự tin lên. Ai mà chẳng qua giai đoạn "vạn sự khởi đầu nan". Và cũng đừng nghĩ rằng việc nhận làm Đại sứ Du lịch là một sự hy sinh bản thân mà cảm thấy nản lòng mỗi khi có điều chê tiếng trách. Dư luận là vậy mà.
Một tiền lệ tốt
Đó là tiêu đề bài viết của tác giả Vạn Bảo trên báo Pháp Luật TP HCM về sự khởi động một tiến trình gần như là hi hữu trong lịch sử lập pháp của nước CHXHCN Việt Nam: ba đại biểu Quốc hội đề xuất ba dự luật!
Đặc biệt, hai trong ba đề xuất đó lại được các đại biểu là doanh nhân thực hiện. Đó là bà Đặng Thị Hoàng Yến với dự án luật bảo vệ quyền riêng tư, và đại biểu Nguyễn Minh Hồng với dự án luật nhà văn.
Đối với đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến, người nữ doanh nhân đã từng đối mặt với chuyện tố cáo, nghi ngờ tư cách ĐBQH, đây là một bước đi quan trọng để khẳng định tính chuyên nghiệp của mình. Trước đó, bà đã uỷ nhiệm cho một văn phòng luật sư xử lý những tranh cãi liên quan tới những thông tin đời tư của bà xuất hiện trên một số tờ báo.
Tuy nhiên, mục đích của đại biểu là thành viên của Uỷ ban Giáo dục Quốc hội không chỉ dừng ở đó. Bà mong muốn dự án luật này phải cụ thể hoá quyền của công dân được ghi trong Hiếp pháp, nhưng chỉ được điển hoá một phần tại Bộ Luật Dân sự, Luật Giao dịch Điện tử, hay Luật Báo chí. Đó là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền được đảm bảo an toàn và bí mật đối với thư tín, điện tín...
Để củng cố thêm cho lập luận của mình, đại biểu này cho biết qui định tại Khoản 4, Điều 10, Luật Báo chí là "Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân" là quá chung chung, không có chế tài cụ thể...
Chắc hẳn, đề xuất này của đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến sẽ nhận được sự đồng tình của nhiều cử tri làm trong ngành giải trí và kinh doanh, khi những thông tin đời tư bị tiết lộ ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh và công việc làm ăn của họ. Và chắc hẳn, nguồn kinh phí huy động từ các nhà tài trợ mà đại biểu này đề xuất cũng chủ yếu dựa vào hai đối tượng này.
Nhưng không chỉ có vậy. Người viết tin rằng dự án luật này sẽ nhận được sự ủng hộ của các giới khác trong xã hội, nhất là trí thức và văn nghệ sĩ - những người có thể ý thức được rõ ràng nhất câu nói nổi tiếng của nhà chính trị họ Mỹ Rhoda Howard mà đại biểu này đã dẫn ra là "Nếu không có sự riêng tư, một người không thể phát triển được ý thức rằng cá nhân của con người là một giá trị thực chất mô tả vai trò xã hội của người đó".
Hơn nữa, với quyền riêng tư được bảo vệ, như khẳng định trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên, xã hội Việt Nam sẽ tiến thêm một bước quan trọng nữa trên con đường tiến tới sự "công bằng, dân chủ, văn minh" - mục tiêu được khẳng định trong mọi chủ trương, chiến lược phát triển của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Một quyền công dân khác, được ghi trong Hiến pháp, cũng đã được một đại biểu quốc hội khác đề xuất trong một dự án luật. Đó là dự án luật biểu tình, do đại biểu Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng Chính phủ) đề xuất.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh, mà theo đại biểu Dương Trung Quốc là "khi chúng ta không có luật thì Nhà nước không điều chỉnh được hoạt động gọi là tự phát của người dân, người dân cũng không biết hành xử thế nào cho đúng."

Từ trái qua phải: đại biểu Nguyễn Minh Hồng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến
"Trong khi đó, xã hội nảy sinh không ít vấn đề mà người dân thấy có nhu cầu bày tỏ thái độ của mình", đại biểu Dương Trung Quốc nhận xét. Tuy nhiên, ông không nêu rõ những vấn đề nảy sinh đó là gì, chắc hẳn với một tiền giả định là ai cũng hiểu điều ông muốn ám chỉ.
Được biết, trước đó đại biểu Dương Trung Quốc cũng từng đưa ra đề xuất này trước Quốc hội, nhưng chưa nhận được sự ủng hộ cần thiết.
Để tăng thêm tính thuyết phục cho đề xuất của người đồng nghiệp tại quốc hội, ông Dương Trung Quốc đã đưa ra một dẫn chứng quan trọng. Đó là sau Cách mạng Tháng Tám, khi Hiến pháp còn chưa được soạn thảo và ban hành, tháng 9.1945 Hồ Chủ tịch đã ký ban hành sắc lệnh về quyền biểu tình.
Những người lạc quan nhìn nhận đây là một cơ hội để người dân thể hiện trách nhiệm công dân của mình, khi bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, và quốc hội, nhất là uỷ ban pháp luật, thể hiện khả năng bản lĩnh của mình trong quá trình thẩm định và thông qua nó.
Cuộc "lật đổ" ngoạn mục
Đó là cuộc "lật đổ" do một nhóm 6 "đại gia" trong làng túc cầu Việt Nam thực hiện vào cuối tuần trước, khi họ thành công trong "yêu sách" buộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải trao quyền điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp cho một nhà điều hành chuyên nghiệp - Công ty VPF.
Theo tường thuật của báo chí, vào sáng 29.9, thay vì bàn bạc thống nhất phương án tổ chức điều hành các giải đấu trong mùa giải 2012, và bầu trưởng Ban Tổ chức giải, như kế hoạch, nhóm G6 này đã đưa ra bàn thảo chủ đề VPF - một đề án mà tối hôm trước họ đã thoả thuận trước với nhau.
Giải thích về nhu cầu bức thiết chuyển sang mô hình điều hành mới, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã "vạch" cho mọi người thấy tất cả những yếu kém trong công tác tổ chức của VFF khi điều hành mùa giải vừa qua, trước khi đưa ra "tối hậu thư".
"Nếu VFF không thay đổi mà vẫn duy trì cung cách tổ chức, điều hành như cũ, tức là kéo dài sự không tuân thủ luật thể thao, là sai phạm. Giải chuyên nghiệp phải thuộc về các CLB chuyên nghiệp", bầu Đức dõng dạc tuyên bố, kèm theo lời doạ sẽ rời bỏ giải chuyên nghiệp ngay hôm sau, nếu VFF vẫn khăng khăng không chịu "phục thiện".
Quả thực, nếu bầu Đức cùng nhóm G6 rũ áo ra đi, chắc các ông bầu còn lại cũng chẳng mặn mà gì, và, nếu chắc bộ máy của VFF phải chia bên ra mà đá "phủi", uống bia, với nhau thôi.
Vẫn còn sớm để bàn về VPF, cũng như kỳ vọng về nó, nhưng rõ ràng sự thay đổi này là cần thiết và đúng lúc.

Phó Tổng Thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi (ảnh trái) và bầu Kiên (ảnh phải)
Điều này được thể hiện trong những phát biểu đầy thiện chí của những đại diện cho "quyền lực" vừa bị lật đổ.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đến lúc này mới "bật mí" rằng ông đã từng đến Anh với dự định thuê một công ty để cùng tổ chức SEA Games 22, nhưng lại thôi vì không thấy cơ chế của họ phù hợp với Việt Nam.
Xem ra, ông Trọng Hỉ này cũng trăn trở lắm, chứ không phải "vui là chính", như có người nhận xét về ông.
Ngạc nhiên nhất là Phó Tổng Thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi, người trước đó vừa bị các ông bầu, với nòng cốt là nhóm G6, ép phải từ chức vì khả năng điều hành yếu kém và thiếu minh bạch, cũng đã lên tiếng khen "nức nở" bản đề án của bầu Kiên. Ông Khôi cũng khéo khoe rằng chính ông đã trình bày một bản đề án tương tự ("nhưng không hoàn thiện như của anh Kiên") lên VFF, nhưng, rủi thay, lại vào thời điểm chưa "chín muồi".
Tự nhiên, người viết nhớ lại câu nói của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với đại diện Việt Kiều từ năm châu cách đây 2 năm là "do cái cơ chế khiến người ta, dù không muốn tham nhũng, vẫn cứ phải tham nhũng". Ở đây người viết không ám chỉ gì bậy bạ đâu, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng "cơ chế nó khiến cho con người của VFF trở nên kém cỏi, thiếu minh bạch thôi".
Chính Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng khẳng định điều này.
"Tôi công tác 14 năm ở VFF, tôi chưa thấy cán bộ, nhân viên dưới quyền mình tư duy kém hơn mặt bằng xã hội. Nhân viên của tôi rất tận tụy, hết lòng với công việc... Tôi, anh Hỷ, anh Trung (PCT Nguyễn Lân Trung), anh Tuấn (TTK Trần Quốc Tuấn) vẫn miệt mài làm việc với những vấn đề nóng bỏng nhất...", ông khẳng định.
Cũng chính vì vậy, PCT Lê Hùng Dũng cũng hy vọng rằng mô hình VPF sẽ là cái bình mới chứa rượu cũ, chuyển từ VFF sang.
"VPF ra đời không làm giảm, hay suy yếu vị trí của VFF, mà chỉ là điều chuyển một phần công việc, trong đó, VFF tiếp tục chi phối. Bộ máy điều hành phía dưới, các phó giám đốc, các phòng ban sẽ giống như BTC giải hiện nay. Các cán bộ của BTC hiện nay sẽ được điều chuyển", ông chia sẻ hy vọng với một độc giả trong một chương trình giao lưu trực tuyến.
Ông còn chỉ rõ rằng sở dĩ hình ảnh của VFF xấu đơn giản là do sự thiếu khách quan của một số cơ quan báo chí thôi.
"Tôi buồn với một số cơ quan báo chí nhìn nhận vấn đề thiếu khách quan. Họ dựng lên một giả thuyết VFF là những người trì trệ, bảo thủ, hám quyền, hám lợi, bám vào cái ghế mà không nhường cho người khác. Hay như họ luôn trích lời phát biểu của một vị lãnh đạo VFF trước đây rằng mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội", ông than.
Vì tương lai tươi sáng của nền bóng đá nước nhà, người viết cũng muốn tin rằng có nhiều sự thật trong lời giải thích của ông PCT Lê Hùng Dũng. Chí ít, niềm tin này cũng không kém so với niềm tin vào Đại sứ Lý Nhã Kỳ.
Có một điều khiến người viết vẫn thấy lo lo là liệu bầu Kiên và nhóm G6 có chia sẻ niềm tin này với người viết không. Và, nếu có, tại sao họ lại làm căng thế nhỉ, người viết cứ băn khoăn mãi.
Nhất là ông bầu này, trước đó, đã tuyên bố như đinh đóng cột: "Tôi chỉ có một tâm nguyện là làm một thứ bóng đá sạch. Để có được điều đó thì phải có một giải đấu sạch, một tổ chức điều hành sạch."
Một đồng nghiệp của người viết từ báo Sài Gòn Tiếp Thị là Mai Quốc Ấn, không biết có tôn thờ thuyết âm mưu hay không, lại dự báo rằng đang có một cái bẫy lớn giăng sẵn cho ông bầu Kiên và nhóm G6 trong cuộc tranh chấp quyền lực ở VPF. Bởi, theo nhà báo Quốc Ấn, trong số 14 CLB ở V-League, có những ông bầu "thân VFF" vì được hưởng lợi từ cách điều hành của BTC cũ.
Và ông thầy bói "cao tay ấn" này đã phán rằng để tránh cái "hạn" này, bầu Kiên phải nhanh chóng giải quyết vụ bất hoà với bầu Hiển, liên quan đến "siêu sao" Lê Công Vinh. Cũng như phải nhanh chóng thuyết phục được nhóm "trung dung", vốn đang theo dõi sát sao cán cân quyền lực giữa hai phe nhóm.
Tự nhiên, người viết lại thấy lo lo cho bầu Kiên và những người đồng chí của ông. Mặc dù, người viết biết rằng đằng sau ông hiện giờ còn có một quân sư "lắm mưu, nhiều kế", nguyên là trưởng ban tổ chức TW và cũng từng ngồi ở vị trí ông Trọng Hỷ bây giờ.

Quyền lực nhà nước nhìn từ mô hình công ty cổ phần

Điều lệ công ty là một bản khế ước thỏa thuận giữa các cổ đông để phục vụ quyền lợi cao nhất của các cổ đông. Tương tự như vậy, hiến pháp là một bản khế ước được thỏa thuận bởi nhân dân để phục vụ quyền lợi cao nhất của nhân dân.
Công ty cổ phần và nhà nước là hai thực thể nhân tạo, do con người lập ra, quay lại phục vụ con người. Nếu nhà nước phong kiến, độc tài chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ, thì nhà nước của dân do dân vì dân có bổn phận phục vụ tất cả các thành viên trong xã hội. Tương tự như vậy công ty cổ phần là của cổ đông, do cổ đông, vì cổ đông.
Thế nhưng tại sao hiệu quả quản trị trong các công ty cổ phần (tư nhân) thường cao, còn quản lý nhà nước thường được các văn kiện Đảng nhắc nhở là „còn yếu kém"; tại sao hiện tượng bội tín trong các công ty cổ phần không nhiều, nhưng hiện tượng tham nhũng trong các cơ quan nhà nước lại tràn lan đến mức Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX xem là một trong ba nguy cơ của quốc gia; tại sao trong cùng nền văn hóa „duy tình" của người Việt nhưng việc tuyển dụng con cha cháu ông lại diễn ra phổ biến trong các cơ quan nhà nước, trong khi tại các công ty cổ phần tư nhân thì không?
Từ những vấn đề này tác giả muốn phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa công ty cổ phần và nhà nước của dân do dân vì dân với hy vọng đưa những tinh túy của quản trị doanh nghiệp vào trong quản lý nhà nước.
Muốn bình an lập nhà nước, muốn giàu thì lập công ty
Thủa hồng hoang, khi loài người mới hình thành, thì những tập tính của động vật còn rất rõ nét, chưa có trật tự như xã hội ngày nay: khi đó con người có quyền giết người khác - tựa như việc hai con bò húc nhau không phải xin phép ai - ;nhưng mình có người quyền giết người khác thì người khác cũng có quyền giết mình. Loài người thông minh đã nhanh chóng nhận ra rằng việc để cho từng cá nhân tiếp tục nắm giữ quyền giết người này thì sẽ rất nguy hại cho sự tồn tại của loài người. Nên họ đã cùng nhau thỏa thuận trao những quyền nguy hiểm như vậy cho một chủ thể trung gian hành xử. Chủ thể trung gian này chính là tiền thân của nhà nước.
Bên cạnh nhóm quyền mang tính nguy hiểm, thì việc để các cá nhân tiếp tục nắm giữ một số quyền tự do kinh tế sẽ không mang lại hiệu quả, không đủ quy mô để thực hiện những việc lớn, thì các thành viên cộng đồng cũng thỏa thuận trao cho chủ thể trung gian. Như vậy không phải là nhà nước trao quyền cho các thành viên xã hội, mà là ngược lại - các thành viên xã hội trao quyền cho nhà nước.
Hoàn toàn tương tự, công ty cổ phần được thành lập bởi chính các cổ đông, khi họ thấy rằng từng thành viên tiếp tục làm ăn riêng lẻ không mang lại hiệu quả. Các cổ đông đã trao quyền định đoạt tài sản cá nhân của mình sang bàn tay của chủ thể trung gian bằng hình thức góp vốn. Nhân dân đóng góp chủ yếu cho nhà nước bằng tiền thuế và sức lao động dưới hình thức lao động công ích và nghĩa vụ quân sự; thì các cổ đông chủ yếu đóng góp cho công ty bằng tiền, một số ít các CEO cũng làm việc
cho công ty với đồng lương tượng trưng.
Thay vì đầu tư hết tiền bạc vào công ty, các cổ đông khôn ngoan bao giờ cũng giữ lại cho mình một góc tài sản để chi dùng cá nhân. Tương tự như vậy các thành viên xã hội cũng không dại gì tự nguyện trao hết tất cả các quyền của mình cho nhà nước: phần quyền còn giữ lại này chính là các quyền tự do cơ bản của công dân thường được ghi nhận trong các tuyên ngôn nhân quyền, trong các bản hiến pháp.
Qua việc phân tích nguồn gốc quyền lực của công ty cổ phần và của nhà nước, chúng ta có thể thống nhất với nhau một số điểm:
*Nhà nước và công ty là chủ thể nhân tạo, nên nó không có quyền tự thân. Tất cả quyền mà nhà nước hay các công ty có được là do các thành viên trao cho.
*Nhà nước chỉ được điều chỉnh, can thiệp vào những quyền tự do của công dân khi xã hội trước đó đã đồng ý về điều này.
* Khi công ty làm ăn thua lỗ, khi nhà nước không còn đáp ứng được mục đích đặt ra thì các thành viên có thể từ chối tiếp tục đóng góp hoặc trong trường hợp trầm trọng thì có thể tiến hành giải thể.
* Tài sản chi dùng cá nhân là độc lập với tài sản công ty, thì nhân quyền là góc quyền tự do của từng cá nhân, nhà nước không được phép xâm phạm.

Ảnh minh họa
Điều lệ công ty và hiến pháp Nếu hiến pháp pháp quy định về việc thành lập, hoạt động của các cơ quan nhà nước chủ chốt như quốc hội, thủ tướng, tòa án, kiểm toán thì điều lệ công ty sẽ quy định về hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, kế toán ...  những thiết chế chủ chốt của công ty.
Nếu hiến pháp quy định mối quan hệ giữa nhà nước và công dân thì điều lệ công ty điều chỉnh mối quan hệ giữa cổ đông và công ty. Nếu các công dân thực hiện quyền lực trực tiếp thông qua trưng cầu dân ý, thì các cổ đông thực hiện quyền lực trực tiếp thông qua đại hội cổ đông; nếu các công dân thực hiện quyền lực gián tiếp thông qua quốc hội, chính phủ, tòa án thì các cổ đông của mình cũng có ảnh hưởng gián tiếp đến đường lối, các quyết định của công ty thông qua lá phiếu bầu hội đồng quản trị.
Nhưng trên tất thảy, điểm tương đồng lớn nhất giữa hiến pháp và điều lệ công ty là ở chỗ, cả hai đều là những khế ước được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa các thành viên. Điều lệ công ty là một bản khế ước thỏa thuận giữa các cổ đông để phục vụ quyền lợi cao nhất của các cổ đông. Tương tự như vậy, hiến pháp là một bản khế ước được thỏa thuận bởi nhân dân để phục vụ quyền lợi cao nhất của nhân dân.
Chính vì vậy khế ước đặc biệt này được Rousseau gọi là khế ước xã hội. Hiện thân của khế ước xã hội này chính là hiến pháp. Khế ước xã hội hiện thân một cách minh thị* ở các bản hiến pháp thành văn hoặc hiện thân một cách mặc thị ở các quốc gia có „hiến pháp bất thành văn".
Lời nói đầu Hiến pháp bang Massachusetts năm 1780 đã trực tiếp đồng nhất hiến pháp và khế ước xã hội như sau:
„Cơ quan chính trị được thành lập bởi liên minh tự nguyện giữa các cá nhân; nó là một khế ước xã hội, qua khế ước này toàn thể nhân dân ký kết thỏa ước với từng công dân, và mỗi công dân ký kết với toàn thể nhân dân rằng mọi người sẽ bị điều hành bởi những luật nhất định vì mục tiêu tốt lành chung."
Một ví dụ kinh điển nữa cho hình thức thể hiện minh thị của khế ước xã hội là Mayflower Compact**
Vào năm 1620 thì một nhóm bất đồng về tôn giáo (Pilgrim) đã rời bỏ nước Anh trên con thuyền mang tên là Mayflower để đi tìm vùng đất tự do cho mình. Khi con thuyền còn lênh đênh trên đại dương thì các thành viên có mặt trên con tàu đã bàn định về "nhà nước" tương lai của mình. Vào ngày 11 tháng 11 năm 1620, họ đã cùng nhau ký một thỏa thuận (Compact tiếng Anh cổ có nghĩa là hợp đồng) về sau được giới học thuật gọi là Mayflower Compact để thiết lập nên "nhà nước" tương lai của mình. Khi con tàu cập bến vào vùng đất trống mà ngày nay là Plymouth - USA, thì Mayflower Compact đã đóng vai trò là hiến pháp cho chính quyền Plymouth trong những ngày đầu tiên.
Tuy không trực tiếp, rõ rệt nhưng chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hình bóng*** về khế ước xã hội ngay trong bản hiến pháp đầu tiên của lịch sử Việt Nam - Hiến pháp 1946.
Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 ghi:
"Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà,..."
Sau đó Điều 70 khoản c quy định về thủ tục sửa đổi hiến pháp như sau:
„Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết."
Hành động phúc quyết ở đây có thể ví với hành động phê chuẩn hợp đồng.
Điểm dị biệt tha hóa
Điểm khác biệt đầu tiên dễ nhận biết giữa công ty cổ phần và nhà nước nằm ở quyền biểu quyết. Nếu như tất cả các công dân trong nhà nước hiện đại đều có biểu quyết ngang nhau trong vấn đề bầu cử, cũng như khi trưng cầu dân ý, thì quyền biểu quyết của các cổ đông lại phụ thuộc vào số vốn (cổ phần) mà họ nắm giữ trong công ty.
Hay nói cách khác, về mặt hình thức quyền biểu quyết của công dân bình đẳng hơn, dân chủ hơn so với quyền biểu quyết trong công ty. Đây là điểm dị biệt tốt. Và nếu chỉ dừng lại ở điểm dị biệt này thì đáng lẽ tham nhũng trong nhà nước phải thấp hơn trong công ty cổ phần tư nhân. Vậy điều gì làm cho quyền lực trong nhà nước dễ bị tha hóa hơn so với quyền lực trong công ty cổ phần?
Sự tha hóa có mầm mống từ điểm dị biệt thứ hai: sự khác biệt về quy mô và tính chất phức tạp. Thường một công ty chỉ tập trung từ ba đến bảy lĩnh vực kinh doanh trọng điểm, thì nhà nước phải quản lý gần như hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Ít có công ty có quy mô vượt quá một triệu nhân viên, thì hầu hết các quốc gia đều có quy mô trên mười triệu công dân. Sự khác biệt về quy mô kéo theo sự khác biệt về tính minh bạch trong hình thành cũng như vận hành quyền lực trong nhà nước và trong công ty. Tính minh bạch thấp trong việc hình thành, vận hành quyền lực nhà nước chính là điểm dị biệt làm cho quyền lực nhà nước dễ bị tha hóa. Tôi gọi sự điểm dị biệt này là điểm dị biệt tha hóa.

Thiếu minh bạch, nguy cơ tha hóa quyền lực nhà nước

Một công ty cổ phần chỉ thực sự duy trì được bản chất là công ty của cổ đông, do cổ đông, vì cổ đông, khi bảo vệ được yếu tố minh bạch trong quyền lực điều hành. Đây cũng là quy luật tất yếu để chúng ta đánh giá liệu một Nhà nước có thực sự là của dân, do dân, và vì dân.


Minh bạch trong thiết lập quyền lực nhà nước
Tính minh bạch thấp của quyền lực nhà nước bắt đầu từ sự rối rắm trong cách giải thích về bản chất nhà nước, nguồn gốc nhà nước. Trước khi quan điểm quan điểm „nhà nước của dân, do dân, vì dân" được các quốc gia văn minh chấp nhận rộng rãi từ thế kỷ 18, thì nguồn gốc nhà nước là một vấn đề thần bí rối rắm. Các vị vua phong kiến đã hậu thuẫn cho các học thuyết thần quyền về nguồn gốc nhà nước để lý giải cho sự cai trị độc đoán của mình và trạng thái vô quyền của nhân dân.
Các học thuyết này đều có điểm chung: nhà vua nhận quyền lực từ một đấng siêu nhiên (là ngọc hoàng ở phương Đông, là thượng đế ở phương tây) để thiết lập nên nhà nước và thay mặt đấng siêu nhiên trị vị nhà nước đó; nếu nhân dân chịu cảnh lầm than bởi bàn tay tàn bạo của một vị vua nào đó, thì họ không nên lật đổ nhà vua, mà nên tự sám hội, xem xét xem dân tộc đó đã phạm lỗi gì để thượng đế nổi giận cử một ông vua như vậy xuống trần gian trừng phạt dân tộc đó.
Vào cuối thế kỷ 17, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật thì các học thuyết thần quyền không còn chỗ đứng, nhưng nhân loại lại phải tiếp tục đối mặt với hai nhóm học thuyết mới: học thuyết bạo lực và học thuyết ngụy dân chủ trước khi số đông nhân loại tiếp cận được với học thuyết khế ước xã hội.
Các học thuyết bạo lực có điểm chung là quyền lực nhà nước được thiết lập không phải trên sự đồng thuận của xã hội mà là trên cơ sở sự áp dụng bạo lực của một nhóm người này đối với một nhóm người khác. Theo quan điểm này thì quyền lực nhà nước có điểm chung với quyền lực của các tổ chức mafia: ai có sức mạnh người đó có quyền lực, muốn giành quyền lực phải đổ máu, luật lệ dùng để trừng trị chuyên chế kẻ đối lập nên luật lệ không nhất thiết phải nhân văn dân chủ với kẻ đối lập.
Để thiết lập nên nhà nước thì có hai dạng bạo lực: bạo lực ngoại sinh và bạo lực nội sinh. Nhà nước hình thành theo con đường bạo lực ngoại sinh khi một nhóm ngoại tộc xâm lược một bộ tộc khác và để cai quản trật tự xã hội; tựa hồ như việc một băng từ thành phố cảng phía bắc mang quân vào phía nam dùng bạo lực để bắt toàn giới mafia, cờ bạc phải thần phục mình và tuân theo các luật lệ do mình đặt ra.
Nhà nước hình thành theo con đường bạo lực nội sinh khi hai nhóm lợi trong cùng một xã hội đấu tranh tìm cách áp dụng chuyên chế lên nhóm kia, kết quả là nhóm chiến thắng sẽ đứng ra thành lập ra nhà nước để quản lý trật tự xã hội sau chiến thắng; tựa hồ như việc trong một thành phố, không có sự thâm nhập của kẻ lạ, mà hai băng mafia có lợi ích cơ bản đối kháng với nhau, sau đó một băng chiến thắng, thâu giang hồ về một mối và đặt ra luật lệ cho thế giới ngầm.
Tha hóa quyền lực. Ảnh minh họa.
Học thuyết bạo lực thường được những kẻ bất mãn với chính phủ hiện hành sử dụng để kêu gọi mọi người đứng lên dùng bạo lực lật đổ trật tự xã hội hiện hành. Nhưng sau khi chiến thắng thì chính kẻ chiến thắng cũng không ưa chuộng học thuyết này, vì nếu họ cổ vũ cho học thuyết này chính là cổ vũ cho sự phản kháng bằng bạo lực của các thế lực thù địch.
Chính vì lẽ trên, nên lực lượng chiến thắng sau khi chiến thắng trong cuộc giành giật quyền lực bằng bạo lực thường có khuynh hướng an ủi xã hội bằng các học thuyết ngụy dân chủ, điển hình là học thuyết giám hộ. Học thuyết giám hộ thừa nhận về nguyên tắc thì quyền lực nhà nước là thuộc về toàn dân giống như học thuyết khế ước xã hội, nhưng vì trình độ dân trí thấp, không đủ khả năng nắm bắt các vấn đề phức tạp trọng đại của quốc gia, nên họ cần đi theo sự dẫn dắt của tầng lớp ưu tú trung xã hội (elite), giống như đứa trẻ vị thành niên cần phải có người giám hộ trong các giao dịch dân sự có giá trị lớn vậy.
Học thuyết này có ưu điểm là vừa xoa dịu được sự phản kháng của tầng lớp thiểu số, bởi họ thừa nhận nhà nước là của toàn dân, vừa bảo đảm được đặc quyền chính trị của kẻ chiến thắng bởi họ được ghi nhận là người giám hộ. Thế nhưng, muốn duy trì lâu dài được sự tồn tại của học thuyết này thì phải duy trì dân trí luôn ở mức thấp, hay nói cách khác phải thực hiện chính sách ngu dân.
Không như học thuyết khế ước xã hội thừa nhận trọn vẹn nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì các học thuyết nêu trên phủ một màn sương mù lên quyền lực nhà nước làm cho quyền lực nhà nước như một con rồng thần bí, nhân dân chỉ thấy cái đầu rồng, còn thân và đuôi của nó thì ẩn trong mây. Các học thuyết này làm giảm tính minh bạch của quyền lực nhà nước, tạo điều kiện hoặc hợp thức hóa cho sự lạm quyền.
Minh bạch trong trao quyền: Lợi ích khi gửi gắm niềm tin cho người đại diện
Sợi dây lợi ích giữa cổ đông và thành viên hội đồng quản trị rất rõ ràng. Việc lựa chọn nhầm người cầm quyền ở công ty ngay lập tức gây ra sự sụt giảm cổ tức của cổ đông, và ngược lại những người cầm quyền này sẽ nhanh chóng phải ra đi, không cứ họ phải có một vi phạm nhỏ nào, mà chỉ đơn giản là khi không đáp ứng được lợi ích kỳ vọng của các cổ đông. Hay nói cách khác sợi dây lợi ích trong công ty là rất minh bạch cả hai chiều.
Ngược lại sợi dây lợi ích giữa cử tri và những người cầm quyền trong nhà nước không phải lúc nào cũng rõ ràng, đặc biệt là lợi ích tái cử của những người cầm quyền trong một vài  trường hợp khá độc lập với lợi ích của cử tri. Điều này sẽ xảy ra khi quốc dân chưa đi bỏ phiếu, nhưng những người bình dân trong thiên hạ đã thuộc tên những vị chăn dân tương lai. Khi điều này xảy ra thì những người cầm quyền sẽ ít quan tâm lợi ích của cử tri, vì lợi ích của cử tri không đóng vai trò sống còn đối với sự nghiệp chính trị của họ; thay vào đó họ sẽ quan tâm đến các yếu tố tuy không minh bạch nhưng lại đóng vai trò quyết định để làm sao chưa bầu cử thì thiên hạ sẽ tin rằng họ sẽ trúng cử.
Minh bạch trong đánh giá hiệu quả hoạt động: Thị trường chứng khoán
Đối với công ty cổ phần có một công cụ đánh giá vô cùng nhanh nhạy đối với hiệu quả hoạt động của công ty đó là thị trường chứng khoán. Chỉ cần một quyết định bổ nhiệm CEO hay sự ra đi của một nhân sự cao cấp của công ty có thể làm cho giá cổ phiếu của công ty thay đổi ngay tức thì. Chiến lược kinh doanh, sản phẩm mới và kể cả những vụ bê bối đều được phản ánh thông qua sự trồi sụt giá cổ phiếu của công ty.
Đáng tiếc là đối với nhà nước không thể nào có một công cụ như vậy. Các tổ chức như Standard & Poor, Moody có thể xếp hạng tín dụng của các quốc gia; Humanright Watch có thể đưa ra các chỉ số về quyền cơ bản của công dân... Nhưng không có một chỉ số nào đánh giá một quốc gia toàn diện khách quan nhanh nhạy như chỉ số chứng khoán đối với công ty. Vì thiếu một công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động kiểu như thị trường chứng khoán, nên các chính trị gia dễ dàng huyễn hoặc dân chúng về những thành công của mình, hoặc thoái thác trách nhiệm để có thể tái cử một cách dễ dàng.

Đưa tinh túy của tinh thần doanh nghiệp vào bộ máy Nhà nước


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?