Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Phát ngôn Tuần Việt Nam: Bộ trưởng và... nhiệm kỳ

Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ và các bộ trưởng khác có "tư duy nhiệm kỳ" không? Điều này, chỉ họ hiểu rõ nhất. Nhưng rõ ràng ông Đinh La Thăng đang hành động theo châm ngôn: "Hãy nhóm lửa lên, thay cho ngồi nguyền rủa bóng tối?
Hiếm có một Bộ trưởng nào mới nhậm chức đã khiến cả xã hội bàn tán sôi nổi, tốn giấy mực như Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, đến nỗi báo chí đã khái quát nên thành "hiện tượng".
Mà đúng. Đinh La Thăng đang trở thành một hiện tượng! Hiện tượng hiếm trong đời sống quan chức cấp cao lâu nay.
Bởi lĩnh vực ông quản lý- giao thông đô thị- quá nhiều năm đụng chạm tới bức xúc toàn xã hội. Thì những phát ngôn cùng hành động ấn tượng của ông, lập tức đụng chạm tới toàn thể thói quen, thậm chí cả... thú vui, và lợi ích của con người, từ quan chức cao cấp tới bé mầm non.
Những kiến nghị đó theo ông không mới, vì ông chỉ thực hiện quyết định trước đây của Nhà nước. Nhưng hành động quyết liệt của ông, đặt trong bối cảnh một xã hội có quá nhiều trì trệ, bất an, con người vốn coi thường phép nước, và đặt lợi ích cá nhân trên hết, đã gây hiệu ứng lớn.
Nó cũng dứt khoát và mạnh bạo cày xới, lật tung lên cả cánh đồng chi chít nếp nghĩ cũ, thói quen cũ, xơ cứng thủ cựu. Lật tung lên, và quyết liệt không kém- cả úng hộ lẫn phản đối, cả mong đợi lẫn hoài nghi, cả trân trọng lẫn diễu cợt.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
Chắc chắn một điều, ông đang đứng trước một núi thách thức? Bởi ách tắc giao thông đô thị, là hệ lụy của rất nhiều sự ách tắc trong tư duy và cung cách quản lý xã hội tiểu nông cộng lại- gắn với sự vận hành tất yếu của đất nước thời hội nhập. Đó là thiếu một tư duy chiến lược mang tính tổng thể, có tầm nhìn xa về quy hoạch đô thị gắn với giao thông.
Đó là các địa phương xung quanh Hà Nội, TP HCM chưa xứng tầm "vệ tinh", vừa không nâng được chất lượng sống của tỉnh mình, vừa gây áp lực dân số- luôn đổ về hai đô thị lớn.
Đó là nhu cầu phát triển và văn minh đô thị gắn với đời sống cao, và quản lý thả nổi, khiến lượng xe tư (ô tô, xe máy) tăng rất nhanh, trong khi hạ tầng giao thông cũ kỹ nát cũng rất nhanh.
Đó là cách giao thông của người Việt mang tư duy tiểu nông tùy tiện, coi thường luật pháp, đã thành một thói quen xấu phổ biến và khó thay đổi.
Thế nên cho dù quyết liệt, những giải pháp của ông cũng sẽ chỉ là tình thế, hiệu quả sẽ hạn chế, nếu không có được sự phối hợp, ủng hộ lớn mang tầm chiến lược của Nhà nước, các ngành, của ngay chính quyền hai đô thị lớn Hà Nội, TPHCM. Thậm chí, có khi chỉ là sự chấp nhận hy sinh những lợi ích nhỏ, từ nếp sinh hoạt mang tính thói quen của cộng đồng, đến thú chơi golf của các quan chức trong ngành, vì lợi ích chung.
Những giải pháp đó không thể thiếu tính đồng bộ, tính tổng thể và bước đi phù hợp.
Có giải pháp trước mắt cần thực hiện ngay như đổi giờ làm việc.
Có những giải pháp lâu dài hơn như nghiên cứu hệ thống xe công, bến bãi, đường lưu chuyển.
Rồi xây dựng tuyến đường sắt trên cao, đường xe điện ngầm dưới mặt đất.
Các giải pháp giao thông đó phải đặt trong một quy hoạch đô thị mang tính toàn cục, chiến lược, nhất quán. Hạn chế xây các chung cư ở nội đô. Di dời các trường ĐH ra ngoại thành.
Lại có những giải pháp vĩ mô. Đó là phải biết lo cho đô thị từ... nông thôn.
Thủ đô Hà Nội, TPHCM cần được trao quyền tự chủ mức cao nhất, giải phóng sức sáng tạo của hai đô thị lớn.
Nhà nước nên tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cơ chế, chính sách đầu tư cho các tỉnh "vệ tinh". Để chính các tỉnh này nâng mình lên về chất lượng sống, văn minh, văn hóa, giảm hiện tượng người dân các tỉnh ly hương, đổ dồn về các đô thị lớn.
Chuyện giao thông, nhưng sâu xa, là gắn liền với việc phát triển các đô thị vệ tinh, tạo sự công bằng trong phát triển và hưởng thụ của người dân giữa tỉnh lẻ và đô thị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Đinh La Thăng liệu có thành công. Hay "Không thành công thì cũng thành ...Thăng" như nhân gian đang nửa đùa, nửa thật? Liệu hiện tượng Đinh La Thăng có phải cá biệt. Và nó nói điều gì?
Người viết bài tâm đắc với cái nhìn triết học của Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược- Bộ Công an) trả lời trên VietNamNet: Cuộc sống luôn có những lối đi riêng. Ở chừng mực nào đó có thể nói đây là những nhân cách mới, phản ánh xu hướng mới của một xã hội.
Cái mới, bao giờ cũng có số phận riêng của nó. Đó là luôn gặp sự ngáng trở quyết liệt của cái cũ. Trong lịch sử đổi mới hiện đại, có những cái mới đã phải hy sinh. Và chỉ được xã hội thừa nhận, được "phục sinh" một khi chết đi rồi. Kim Ngọc- Bí thư Tỉnh úy Vĩnh Phú (cũ) là một "cái mới" như thế. Vinh quang nhưng đầy cay đắng!
Trước Đinh La Thăng, cũng có một Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính với phát ngôn quyết liệt khiến xã hội bất ngờ: "Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình với tư cách là Bộ trưởng Tài chính...Quản lý Nhà nước phải vì lợi ích của 86 triệu dân, chứ không vì lợi ích của một hay nhóm doanh nghiệp và cá nhân nào".
Bất ngờ, vì lâu nay dai dẳng trong tâm lý xã hội là sự  hoài nghi về cái tâm của nhiều quan chức. Họ làm việc vì dân hay vì ai?
Nhưng số phận cái mới mong manh lắm, lẻ loi lắm.
Đến mức nhân dân phải kêu lên: "Sao chỉ mình Bộ trưởng Thăng lên tiếng?", "Mình Bộ trưởng Thăng, xoay chuyển thế nào?", còn các ngành cứ...im im làm sao ý? (VietNamNet, 3/11/2011)
Hay con người Việt Nam đã quen an phận. Quan chức cũng quen sự...an toàn. Thế nên tốt nhất là không làm gì. Bởi có làm sẽ có sai. Không làm thì không sai. Và ai cho làm?
Ví như Bộ trưởng Vương Đình Huệ, sau phát ngôn ấn tượng, nhân dân vẫn chờ đợi, liệu ông có hành động được như câu nói "vì lợi ích của hơn 80 triệu dân" không? Hay kết cục như Tướng Lê Văn Cương nhận định: Dù có tâm huyết thật, ông cũng đang ở giữa một cơ chế phức tạp rất khó giải quyết, mà Bộ trưởng Tài chính thì có được bao nhiêu quyền?
Cơ chế đó là gì? "Xã hội ta, không làm cái gì nhanh được khi anh là thiểu số.... Việt Nam không phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển". Chậm phát triển, thì đến lúc nào đó, cũng sẽ phát triển nhanh. Còn "khó phát triển" thì quả thật là ... rất khó.
Nhưng bản thân con người, cũng có vật cản. Đó là lợi ích cá nhân.
Mới đây, trên VietNamNet có bài trả lời phỏng vấn của nguyên Phó TT Vũ Khoan về tư duy nhiệm kỳ. Ông Vũ Khoan cho rằng, tư duy nhiệm kỳ là hiện tượng phổ biến, là triệu chứng bên ngoài của cơ chế xin- cho hiện nay.
Vì vậy, bất cứ quan chức nào mới lên cũng gắng thể hiện, để lại dấu ấn nào đó trong nhiệm kỳ của mình. Bởi không làm được e sẽ bị nhường ghế cho người khác. Chính tư duy nhiệm kỳ này sẽ luôn gắn với lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, trở thành vật cản âm thầm cho sự phát triển.
Thực tế, có những Bộ trưởng phát biểu rất hùng hồn. Vậy mà cả nhiệm kỳ, không thấy ông làm được gì có kết quả "ra hồn". Lại có Bộ trưởng khiêm tốn tuyên bố không muốn tạo dấu ấn, thì quả thật nhiệm kỳ đó, lĩnh vực ông phụ trách thật mờ nhạt. Chỉ dân thất vọng đã đặt niềm tin không đúng chỗ.
Những cái khó vô hình, và cái lợi hữu hình có thể giết chết cả động lực con người ngay trên cái ghế quyền lực. Người ta cảnh báo sự "tha hóa" của quyền lực còn là ở chỗ đó!
Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ và các bộ trưởng khác có "tư duy nhiệm kỳ" không? Điều này, chỉ họ hiểu rõ nhất.
Nhưng rõ ràng ông Đinh La Thăng đang hành động theo châm ngôn: "Hãy đốt lửa lên, thay cho ngồi nguyền rủa bóng tối?
Liệu hết nhiệm kỳ của Bộ trưởng Đinh La Thăng, giao thông đô thị có thoát vấn nạn hiện nay? Không ai chắc chắn được, kể cả ông- vị Tư lệnh giao thông.
Nhưng nếu cứ ngồi nguyền rủa bóng tối.
Thì ánh sáng cũng sẽ không bao giờ lan tới, dù chỉ là le lói cuối con đường.
Đinh La Thăng đang là một "cái mới".
Nảy nở hay thui chột, như số phận những cái mới trước đây trong một xã hội "khó phát triển"?
Rất khó trả lời!

Từ vận động con lắc đến nhiệm kì của địa phương

Bộ máy nhà nước của chúng ta là một hệ dao động gồm bốn con lắc dao động cùng tần số (cùng độ dài nhiệm kỳ năm năm, cùng pha (cùng thời điểm bầu cử).


Xin được bắt đầu bằng việc chúng ta cùng nhau quay về thủa cắp sách tới trường với bài học vật lý phổ thông: hệ dao động trùng pha, mà điển hình là hiện tượng con lắc trùng phùng. Từ hiện tượng con lắc trùng phùng, có thể khái quát lên một quy tắc chung cho cả vật lý và hiến pháp: để thiết kế nên một hệ thống bền vững thì cần hạn chế hiện tượng „dao động cùng tần số, cùng pha" hay còn gọi là hiện tượng trùng phùng.
Con lắc trùng phùng
Không cần mất thời gian diễn giải các quy luật vật lý thì từ quan sát trực quan chúng ta có thể rút ra hai kết luận:
-          Biên độ dao động của cả hệ giao động sẽ lớn lên khi các con lắc dao động cùng pha (cộng hưởng); càng nhiều con lắc dao động cùng pha, biên độ dao động càng lớn; biên độ dao động càng lớn thì khả năng sụp đổ của cả hệ thống dao động càng lớn;
-          Để hạn chế sự lặp lại của hiện tượng dao động cùng pha, thì độ dài con lắc cần khác nhau (khác tần số).
Nguyên lý nói trên được các kỹ sư kỹ thuật áp dụng triệt để khi thiết kế cầu đường, khung gầm ô tô ... làm sao tần số dao động (độ cứng k) của các bộ phận cấu thành như trụ cầu, dầm cầu... phải khác nhau, để hạn chế tối đa hiện tượng cộng hưởng để bảo đảm công trình dao động với biên độ nhỏ nhất, hệ số an toàn của công trình cao nhất với chi phí thấp nhất.
Từ nguyên tắc vật lý đến nguyên tắc thiết kế hệ thống chính trị bền vững
Toàn bộ xã hội là một hệ dao động phức tạp bao gồm rất nhiều bộ phận cấu thành; sự biến thiên của xã hội là tổng hòa sự biến thiên của các yếu tố cấu thành[1]. Dĩ nhiên sự biến thiên, quy luật biến thiên của các yếu tố xã hội này phức tạp và khó dự đoán hơn rất nhiều so với sự biến thiên của con lắc. Tuy nhiên sự biến thiên của các thành tố này, cũng như của toàn bộ xã hội có điểm chung với sự biến thiên của "hệ các con lắc" ở chỗ nó có tính lặp lại và có tính cộng hưởng; hay như ngôn ngữ của Hegel và Karl Marx là sự lặp lại mang hình dáng của "vòng xoáy trôn ốc"[2].
Sự bùng nổ các dự án cảng biển có phải do tư duy nhiệm kỳ? Ảnh minh họa: mt.gov.vn
Chính vì điểm chung nêu trên, nên khi chúng ta muốn có một xã hội ổn định nói chung và một hệ thống chính trị bền vững nói riêng, thì nguyên lý "hạn chế sự trùng phùng bằng cách thiết kế mỗi thành tố có tần số và pha dao động khác nhau" không chỉ có có hiệu lực đối với vật lý mà cả đối với chính trị học, hiến pháp học. Hay nói cách khác, nguyên lý này trở thành nguyên lý vật lý - chính trị, điều mà các kiến trúc sư chính trị cần nghiên cứu kỹ càng và vận dụng tài tình vào các hệ thống chính trị - xã hội để có thể hy vọng tạo ra một hệ thống chính trị ổn định.
Trong số các công trình vận dụng chặt chẽ nguyên tắc vật lý - chính trị nói trên, hệ thống chính trị Liên bang Hoa Kỳ có thể kể đến như một ví dụ điển hình.
Nguyên tắc lệch tần số:
Các bộ phận cấu thành nên hệ thống chính trị Liên Bang Hoa Kỳ gồm Hạ Viện, Thượng Viện, Tổng Thống, Tòa án tối cao Liên bang Hoa Kỳ đã được cấu tạo với "độ dài con lắc" khác nhau (lệch tần số). Hạ Viện Hoa kỳ được bầu với nhiệm kỳ hai năm, Tổng thống được bầu với nhiệm kỳ bốn năm, Thượng viện được bầu với nhiệm kỳ sáu năm và Thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang Hoa Kỳ được bổ nhiệm với nhiệm kỳ suốt đời. Việc bố trí "lệch tần số này" nhằm bảo đảm sự liên tục và kế thừa của hệ thống chính trị, tránh hiện tượng "thay máu" cùng lúc ở cả bốn cơ quan chính trị cao nhất của Liên bang Hoa Kỳ. Hay nói theo ngôn ngữ vật lý - chính trị, là hạn chế hiện tượng "trùng phùng" chính trị.
Việc bố trí nhiệm kỳ so le nói trên, ngoài việc làm tăng tính ổn định của hệ thống chính trị, tránh những cuộc đại xáo trộn không cần thiết cho xã hội, thì nó còn cho phép phản ánh đúng chức năng, đặc thù của từng cơ quan chính trị, tăng tính linh hoạt của toàn bộ hệ thống chính trị.
Hạ Viện với chức năng là cái anten của xã hội, nơi phản ánh những bức xúc, tâm tư của xã hội một cách nhanh nhất, nhưng có phần "bồng bột", nên nhiệm kỳ cần phải ngắn, để có khả năng phản ánh hơi thở của xã hội một cách kịp thời; mỗi sự thay đổi tương quan lợi ích, tương quan lực lượng trong xã hội sẽ được phản ánh bằng việc "thay máu" trong thành phần Hạ Viện.
Nếu cả hệ thống chính trị đều có đặc tính "bồng bột" như Hạ Viện thì quốc gia sẽ lâm nguy, nên nó cần được kìm chế bởi những bộ óc sắc sảo lạnh lùng ở Thượng Viện. Nếu cả hệ thống chính trị đều được bầu lại sau hai năm, thì các chính sách sẽ dễ bị rơi vào tình trạng "đẽo cày giữa đường". Chính vì vậy, Thượng Viện được thiết kế với nhiệm kỳ sáu năm, nơi tập hợp những chính trị gia kỳ cựu.
Ngoài việc "làm nguội lại" những đề xuất mang tính "bốc đồng" của Hạ Viện, thì Thượng Viện còn nắm giữ hai vai trò chính: phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thành viên nội theo đề nghị của Tổng thống và quyết định về chính sách đối ngoại. Cả hai vấn đề này, đặc biệt là vấn đề đối ngoại liên quan nhiều đến bí mật quốc gia, đòi hỏi sự am hiểu sâu rộng, chỉ được thực hiện tốt khi Thượng Viện có nhiệm kỳ đủ dài.
Các thẩm phán Tòa án tối cao Liên Bang Hoa Kỳ được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ suốt đời sẽ có một tác dụng vô cùng to lớn: ông ta sẽ độc lập với Tổng thống và Nghị viện, để có thể thực sự phụng sự công lý, mà không phải chịu áp lực chính trị của việc tái bổ nhiệm.
Nếu nhiệm kỳ Tổng thống là sáu năm như Thượng viện hoặc nhiệm kỳ suốt đời như thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang thì nguy cơ ông ta trở nên độc tài rất cao. Nhưng nếu nhiệm hai năm được áp dụng, thì nó quá ngắn với Tổng thống, vì các chương trình, chính sách của Tổng thống đề xướng thường đòi hỏi thời gian dài hơn hai năm để Tổng thống có thể theo đuổi, hoàn thành trước khi mãn nhiệm. Tổng thống cần có cả đặc tính của Hạ Viện và Thượng viện, và điểm cân bằng giữa những thái cực nói trên được tìm ra bằng công thức toán học: Nhiệm kỳ bốn năm của Tổng thống bằng trung bình cộng nhiệm kỳ của Hạ Viện và nhiệm kỳ của Thượng viện.
Nguyên tắc lệch pha:
Ngoài việc bố trí độ dài nhiệm kỳ của Tổng thống, Hạ viện, Thượng viện, thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang là so le, thì nguyên tắc "lệch pha" cũng được áp dụng triệt để. Thời điểm bầu cử của Tổng thống, Hạ viện và Thượng viện là khác nhau[3]. Và ngay cả trong cùng một cơ quan như Thượng viện, thì các "kiến trúc sư chính trị" của Hiến pháp Hoa Kỳ đã thiết kế "dường như Thượng viện" chuyển động với ba pha khác nhau, bằng cách cứ sau mỗi hai năm (độ dài bằng 1/3 nhiệm kỳ) sẽ bầu lại mới một phần ba thành viên Thượng viện. Bằng một quy định hiến định này thì Thượng viện bao giờ cũng có một tỷ lệ ít nhất hai phần ba là người cũ đã có kinh nghiệm, bảo đảm sự kế tục của hoạt động Thượng viện, mà không cần đến bàn tay nào can thiệp vào cơ cấu thành phần đại biểu hay hiệp thương bầu cử gì cả.
Hệ con lắc của chúng ta?
Nguyên lý thiết kế hệ thống chính trị bền vững nêu trên cũng được tìm thấy trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. Nguyên tắc "lệch tần số" được áp dụng ở cấp cơ sở của hầu như tất cả các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị xã hội. Khác với bộ máy nhà nước, tổ Đảng, tổ chức Đoàn được tổ chức thành năm cấp: TW, Tỉnh, Huyện và (tương đương cấp huyện đoàn), xã (và tương đương cấp xã), chi bộ/ chi đoàn. Ở bốn cấp đầu tiên thì nhiệm kỳ năm năm giống nhau, nhưng ở cấp cơ sở thì được quy định "năm năm hai nhiệm kỳ". Việc bố trí nhiệm kỳ ở cấp cơ sở so le đã phát huy được hai tác dụng:
+ Bảo đảm hệ thống chính trị ở cấp cơ sở phản ánh nhanh nhạy nguyện vọng của quần chúng, sự thay đổi của các lợi ích xã hội, bằng việc quy định nhiệm kỳ trung bình ở cấp cơ sở là hai năm rưỡi;
+ Phản ánh được đặc thù là cán bộ ở các cơ quan chính trị, chính trị xã hội thường kiêm nhiệm nên hay phải thay đổi công tác. Nếu ở cấp cơ sở cũng được bố trí nhiệm kỳ năm năm thì sẽ có rất nhiều người chưa làm hết nhiệm kỳ đã phải chuyển công tác sang cơ quan khác, bộ phận khác.
Đáng tiếc rằng những ưu điểm nói trên trong tổ chức các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội chưa được phát huy vận dụng vào bộ máy nhà nước. Thay vào đó, bộ máy nhà nước của chúng ta là một hệ dao động gồm bốn con lắc dao động cùng tần số (cùng độ dài nhiệm kỳ năm năm, cùng pha (cùng thời điểm bầu cử).
Trong thời kỳ bao cấp, thì việc bố trí nhiệm kỳ bốn cấp chính quyền đều năm năm và bầu cử cùng ngày là tất yếu. Vì việc lập kế hoạch của cấp dưới hoàn toàn chờ vào kế hoạch của cơ quan TW, nên nếu bố trí bầu cử bốn cấp với nhiệm kỳ và thời điểm khác nhau sẽ cản trở việc sự vận hành của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ. Việc bố trí toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị „dao động cùng tần số, cùng pha" đã phục vụ tốt cho cách mạng ở thời kỳ sau 1945, giúp cho xã hội có thể nhanh chóng đoạn tuyệt với chế độ phong kiến, thực hiện những thay đổi chính trị thần tốc.
Bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã chỉ đạo từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chế độ bảo cấp và phải „đổi mới chính trị chậm chắc". Như vậy về mặt triết học thì cơ sở kinh tế, chính trị của mô hình bộ máy nhà nước bốn cấp cùng nhiệm kỳ thiếu cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Đảng không chủ trương thay đổi chính trị thần tốc như thời điểm cách mạng 1945 nữa.
Về mặt thực tiễn, thì mô hình bộ máy nhà nước bốn cấp cùng nhiệm kỳ sẽ dẫn đến hai hiện tượng bất cập trên thực tế:
+ Nhiệm kỳ cấp xã quá dài, không cần thiết: Hiện nay nhiệm kỳ của các cán bộ cấp xã là năm năm, trong khi đó từ xưa đến nay, cấp xã hầu như chưa bao giờ được giao chủ trì thực hiện những
dự án kéo dài quá ba năm. Hầu hết các công trình xây dựng, dự án trạm - trường - đường do cấp xã làm chủ đầu từ hiếm khi kéo dài quá một năm. Điều này có nghĩa là nhiệm kỳ của cán bộ cấp xã chỉ cần từ một đến ba năm là đã có thể đủ theo đuổi, giám sát trọn vẹn một dự án, một công việc ở tầm cấp xã. Việc trao nhiệm kỳ dài năm năm không cần thiết, dẫn đến „sợi dây liên lạc" giữa cán bộ cấp xã và nhân dân thiếu sự gắn bó cần thiết, dẫn đến hiện tượng sao nhãng quan tâm dân nguyện[4].
+ Dòng chảy kinh tế bị ngưng đọng trước mỗi kỳ bầu cử. Khoảng chừng hai năm trước mỗi kỳ bầu cử thì cả thiên hạ ngóng về các kỳ đại hội, bầu cử với những tâm trạng khác nhau. Người đương chức thì thủ thế, hạn chế ban hành những quyết sách lớn vì sợ gặp phải sai lầm đúng vào thời điểm nhạy cảm nhất của sự nghiệp chính trị. Người tâm huyết thì cũng dè dặt trong việc đưa ra sáng kiến mới, vì không biết nhiệm kỳ sau mình có tái cử nữa hay không để mà triển khai, dẫn dắt sáng kiến do mình đưa ra. Vì nếu đưa ra sáng kiến, nhưng không được tái cử thì họ sẽ bị mang tiếng là "đánh trống bỏ dùi". Sự thủ thế này lan sang các thương nhân: các đại gia bất động sản thì đứng ngồi không yên, ngóng tin quy hoạch xây dựng sẽ ra sao sau kỳ bầu cử; các nhà tài phiệt thì cũng án binh bất động, chờ xem lĩnh vực kinh tế nào bị "siết", lĩnh vực nào sẽ được "bơm"; các thương nhân cấp "làng" cũng lo lắng về việc phải bôi trơn hai lần do việc „ký hợp đồng xây nhà trẻ với ông chủ tịch A nhưng lại phải ký biên bản nghiêm thu với ông chủ tịch B". Và tất cả các thương nhân này đi đến thống nhất: hạn chế triển khai dự án mới, chỉ tập trung thu hồi nợ.
Không chỉ kinh tế, mà tất cả các lĩnh vực của đời sống, tất cả các giai tầng đều hồi hợp theo dõi, chờ đợi nhịp đập của con lắc bầu cử. Điều này, gợi tôi nhớ đến bài hát "Chờ nhìn quê hương sáng chói" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
"Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ
Trong căn nhà nhỏ Mẹ cũng ngồi chờ
...
Chờ tin mừng sông, chờ núi cũng chờ mong
Chờ trên vừng trán mẹ thắp lên bình minh..."
Nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống chị trị ổn định, bền vững, thì nguyên tắc "lệch tần số, lệch pha" cần được tham khảo trong thiết kế bộ máy nhà nước. Cụ thể nhiệm kỳ chính quyền các cấp nên quy định:
+ Cấp xã: 2 năm
+ Cấp huyện: 3 năm
+ Cấp tỉnh: 4 năm
Kiến nghị chung:
1.      Nên xây dựng mỗi cấp chính quyền địa phương là một pháp nhân công quyền (Rechtsträger). Mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ giữa các cấp cần phải tách bạch rõ ràng giống như mô hình công ty mẹ - công ty con. Nên công nhận quyền tự quản (autonomy ) của chính quyền cấp xã.
2.      Xây dựng tài phán hiến pháp để giải quyết những tranh chấp về thẩm quyền phát sinh giữa các cấp chính quyền địa phương.
3.      Nên rút ngắn nhiệm kỳ chính quyền cấp xã xuống còn 2 năm, cấp huyện 3 năm, cấp tỉnh 4 năm.

[1] Trong số các yếu tố này thì sự biến thiên của kinh tế thường được các nhà kinh tế học mô hình hóa thành các đồ thị trực quan, dễ thấy nhất
[2] Nguyễn Ngọc Long - Nguyễn Hữu Vui (2007), Giáo trình triết học Mác - Lênin, NXB Giáo dục, tr. 132
[3] Tất nhiên theo quy luật vật lý thì khi các con lắc dao động lệch tần số, thì  sau một số chu kỳ nhất định, sẽ diễn ra hiện tượng trùng pha.
[4] Xin xem thêm Võ Trí Hảo (2004), Xây dựng làng kiểu mới trong nhà nước pháp quyền, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Dec. 2004 No. 12)


Trên, dưới và cái hàng rào ngăn cách

Thiếu sự tách bạch giữa quyền và nghĩa vụ giữa trung ương và địa phương dẫn đến việc trung ương đôi khi giao nhiệm vụ bất thường cho địa phương nhưng nguồn lực tài chính và con người kèm theo không cân xứng. Giao việc theo kiểu "anh em một nhà" nên khi cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ thì trách nhiệm cũng theo kiểu "anh em xuề xòa".
LTS: Tiến trình sửa đổi hiến pháp 1992 đã khởi động, với sự tham gia rộng rãi của giới trí thức, chuyên gia lập pháp. Nhiều cuộc hội thảo đã được Ủy ban dự thảo về sửa đổi hiến pháp tổ chức để lấy ý kiến của giới chuyên gia. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của TS Võ Trí Hảo (ĐH Quốc gia Hà Nội) tham gia hội thảo do Viện nghiên cứu lập pháp - Quốc hội tổ chức ngày 5 và 6/11 như một góc nhìn tham khảo.
Bước sang thời kỳ đổi mới, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bị xóa bỏ, tất yếu vai trò của chính quyền địa phương phải được tăng cường. Với khuynh hướng này thì chính quyền địa phương đã trải qua nhiều đổi thay và ngày càng vững mạnh hơn. Những sự đổi thay này chủ yếu được thực hiện bởi các đạo luật và văn bản dưới luật. Chính vì vậy, cải cách chính quyền địa phương sau khi thu được những thành công bước đầu, thì sớm bị đụng trần hiến pháp.
Để tiếp tục đưa cải cách chính quyền địa phương sang một giai đoạn mới, biến chuyển về chất sau hai mươi năm biến đổi về lượng, thì cần có sự đổi mới về tư duy và gỡ nút thắt[1] ở tầm hiến pháp, trước hết ở chuyện phân cấp, phân quyền.
Mỗi cấp chính quyền là một pháp nhân công quyền. Ghi nhận quyền tự quản (autonomy) của chính quyền cấp xã.
Công ty Apple của ngài Steve Job có giá trị vốn hóa thị trường vào tháng 6 năm 2011 là 317,6 tỷ USD[2] gấp hơn ba lần GDP của Việt Nam (104,6 tỷ USD) năm 2010[3].
Một công ty lớn như vậy với hàng trăm công ty con, hàng ngàn văn phòng đại diện trên toàn cầu, nhưng mối quan hệ trách nhiệm giữa công ty mẹ ở Hoa Kỳ và các công ty con rất rõ ràng, khiến cho việc quản trị của ngài Steve Job trở nên nhẹ nhàng. Bí quyết làm cho mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con luôn tách bạch nằm ở khái niệm mà các nhà luật tư đã sáng tạo ra: pháp nhân.
Cùng hướng tới mục đích tăng cường hiệu quả quản trị, minh bạch hóa quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con như ngài Steve Job thì các nhà luật học phương tây (Đức, Pháp) đã sáng tạo ra một khái niệm tương ứng với pháp nhân (theo luật tư) là "pháp nhân công quyền" (Rechtstraeger)[4].
Họ quan niệm mỗi cấp chính quyền là một pháp nhân tồn tại có trách nhiệm độc lập với cấp chính quyền khác: có tài sản riêng (ngân sách riêng), có tên gọi riêng, có cơ cấu tổ chức độc lập và đặc biệt có thể độc lập tham gia các quan hệ tố tụng nhân danh chính mình.
Hiện nay không chỉ mỗi cấp chính quyền mà mỗi cơ quan nhà nước ở Việt Nam đều ít nhiều có những dấu hiệu bề ngoài nói trên và được xem là một pháp nhân theo luật tư (ngôn ngữ dân gian gọi là có con dấu riêng), nhưng khi xem xét kỹ thì các cấp chính quyền này chưa phải là một pháp nhân công quyền (Rechtstraeger) thực thụ, đặc biệt quan hệ giữa chính quyên trung ương và chính quyền địa phương chưa có sự tách bạch như quan hệ công ty mẹ - công ty con.
Hiến pháp hiện hành  (Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001) của Việt Nam chưa ghi nhận quyền tự quản của chính quyền địa phương và quy định rất sơ sài về thẩm quyền, nguồn thu ngân sách của chính quyền địa phương. Sự mờ nhạt của hiến pháp dẫn đến các quyền, nguồn thu mà chính quyền địa phương có được là do chính quyền trung ương ban phát trong thông qua các đạo luật, nghị định, thông tư...
Hệ quả tiếp theo của hiện tượng này dẫn đến việc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương luôn nằm trong trạng thái nhập nhằng bất định. Bởi vì việc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương có thể ví như xây dựng một hàng rào phân cách giữa hai chủ thể này, nhưng các cơ quan trung ương lại có thể ban hành văn bản để điều chỉnh, cắm lại hàng rào này vào bất kỳ thời điểm nào mà cơ quan trung ương thấy cần. Khi một quyền nào đó được phân cấp cho chính quyền địa phương thường có nghĩa là trung ương muốn "nhả ra" vì nó kém hấp dẫn hoặc vì "không thể ôm xuể". Vào một ngày kia đẹp trời, chỉ bằng một văn bản, quyền đã "phân" cho địa phương lại có thể trở về trong lòng bàn tay của trung ương.
Quan niệm "pháp nhân công quyền" thiếu vắng trong Hiến pháp 1992, nên thiếu sự tách bạch giữa quyền và nghĩa vụ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương dẫn đến một hiện tượng thứ hai: trung ương đôi khi giao nhiệm vụ bất thường (một nhiệm vụ mà trong hiến pháp không ghi rõ là của địa phương hay của trung ương) cho địa phương nhưng nguồn lực tài chính và con người kèm theo không cân xứng. Chính vì giao việc theo kiểu "anh em một nhà" này, nên khi cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ thì trách nhiệm cũng theo kiểu "anh em xuề xòa".
Nếu hai cấp chính quyền này là hai pháp nhân công quyền thì câu chuyện "của anh, của tôi" sẽ rất rõ ràng, và nhiệm vụ sẽ đi liền với tiền bạc và trách nhiệm. Khi cấp trên muốn đề nghị cấp dưới thực hiện một nhiệm vụ của mình thì phải kèm theo đề nghị về tài chính, nhân sự; và cấp dưới chỉ tiếp nhận khi đề nghị này đủ hấp dẫn; và khi tiếp nhận rồi thì cấp dưới chỉ thực hiện với tư cách làm thuê (bên B´), cấp trên vẫn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về nhiệm vụ mà hiến pháp đã giao cho họ.
Nếu các cấp chính quyền là những pháp nhân công quyền thực thụ và quan hệ giữa các cấp không phải là quan hệ thuần túy "mệnh lệnh - phục tùng" mà là quan hệ đối tác trên cơ sở hiến pháp, thì kinh nghiệm của các nền hành chính tiên tiến cho thấy, ngoài việc khắc phục được hai nhược điểm nói trên thì còn có thể mang lại cho nền hành chính Việt Nam hai ưu điểm khác nữa: đơn giản hóa cho công dân trong khiếu kiện hành chính và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cần thiết giữa các địa phương.
Chúng ta hãy quay trở lại tưởng tượng, nếu không có khái niệm pháp nhân (theo luật tư) thì khi anh A vào bể bơi dẫm phải vỏ chuối trên hành lang của khu vực bơi và bị gãy tay. Anh A nên kiện ai? Ai là người có lỗi: người quét dọn đã có lỗi không dọn rác kịp thời? người bảo vệ đã có lỗi khi cho khách hàng mang chuối vào ăn trong khu vực bể bơi? Người ban hành nội quy đã có lỗi không cấm hành vi ăn chuối trong khu vực bể bởi? Mọi việc trở nên đơn giản trong luật tư: hãy kiện công ty cung cấp dịch vụ bể bơi. Việc quy kết trách nhiệm từng cá nhân cụ thể là việc nội bộ của công ty.
Nhờ khái niệm pháp nhân công quyền, nên công dân các nước tiên tiến như Đức, Hoa Kỳ dễ dàng xác định bị đơn khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị các cơ quan công quyền xâm hại. Không cần biết cơ quan công quyền đó là cơ quan gì và vụ việc liên quan tới bao nhiêu cơ quan thì bị đơn chỉ có thể quy về một trong ba pháp nhân công quyền (Rechtstraeger): chính quyền liên bang, chính quyền tiểu bang và chính quyền cơ sở (commune). Ở Việt Nam thì trò chơi „bóng chuyền" trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước đôi lúc xảy ra, vì sự việc xảy ra thì có một chùm các cơ quan liên quan, mà trách nhiệm thì không dễ gì quy về một pháp nhân cụ thể nào cả.
Ưu thế tiếp theo của việc xây dựng bộ máy nhà nước theo mô hình công ty mẹ - công ty con sẽ có tiếp theo là tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương, thúc đẩy sự phát triển.
Hiến pháp hiện hành của Việt Nam chưa ghi nhận quyền tự quản của chính quyền  địa phương. Ảnh minh họa
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương
Cạnh tranh là linh hồn sống của doanh nghiệp; mất sức cạnh tranh là mất sức sống. Trong đời sống chính trị cũng vậy, cạnh tranh muốn hay không muốn nó vẫn diễn ra rất cam go. Sự khác nhau chủ yếu ở phương pháp cạnh tranh.
Nhưng nếu "quyền lực nhà nước là thống nhất" thì làm sao có sự cạnh tranh giữa các cơ quan nhà nước?
Lần đầu tiên tham quan Boston, tác giả cũng từng có băn khoăn như vậy và cảm thấy các lái xe ở đó thật nghịch nghợm khi gắn dòng chữ "Spirit of America" (linh hồn của nước Mỹ) vào biển số xe ô tô. Khi đến New York thấy các lái xe nghịch nghợm ở đây lại gắn dòng chữ "Empire State" (Bang đế chế) vào xe, tác giả băn khoăn tại sao việc gắn biển số xe tùm lum này lại không bị cảnh sát xử phạt. Nhưng khi đến bang New Hampshire thấy dòng chữ "Live free or die" (Sống tự do hay là chết) trên biển xe ô tô, thì tác giả mới lờ mờ đoán ra việc gắn các khẩu hiệu như vậy lên biển số xe ô tô là một chính sách của nhà nước và thắc mắc với đồng nghiệp Hoa Kỳ thì mới được giải thích rằng việc gắn khẩu hiểu lên biển số xe ô tô là biểu hiện của việc cạnh tranh giữa các bang.
Để cạnh tranh lẫn nhau thì các bang phải xác định lợi thế cạnh tranh của mình; lợi thế này được nghị viện từng tiểu bang khái quát thành các khẩu hiệu và kêu gọi nhân dân tiểu bang thực hiện bằng cách quy định việc gắn các khẩu hiệu vào biển số xe ô tô. Bang Massachusetts là điểm tập kết đầu tiên của người da trắng khi đến châu Mỹ và có truyền thống lâu đời về giáo dục với các trường đại học nổi tiếng như Havard, MIT... vì vậy họ quyết định phát triển giáo dục như là ngành công nghiệp không khói tạo ra thu nhập và thế mạnh của tiểu bang.
Với chiến lược như vậy nên các ô tô bang Massachusetts được gắn khẩu hiệu "Spirit of America", còn bang New York giàu có thì "ưỡn ngực" với dòng chữ "Empire State".
Bang New Hampshire bé nhỏ, không có dầu mỏ như Texas, không có thương cảng như New York, không có các trường đại học nổi tiếng như Massachusetts nên đã chọn một chiến lược thích nghi rất khôn ngoan khi đưa ra chính sách miễn thuế VAT[5]. Chính sách này đã thu hút hàng loạt các nhà máy có cơ sở sản xuất ở các bang lân cận nhưng lại đặt Outlet[6] trên đất New Hampshire giáp ranh với các bang khác. Dân cư ở vùng giáp ranh với New Hampshire thường sang các Outlet này mua sắm kết hợp du lịch, đặc biệt là các món hàng có giá trị trên 1000 USD thì số tiền thuế VAT tiết kiệm có thể lên tới hàng trăm USD. Tuy không thu được một đồng thuế nào từ các vị khách mua sắm này, nhưng các vị khách này lại thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ của bang New Hampshire phát triển.
Những năm gần đây, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương ở Việt Nam đã hình thành, và thể hiện rõ rệt nhất ở việc lãnh đạo các tỉnh miên trung xã xôi đã thân chinh ra Hà Nội tổ chức những hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư về tỉnh mình. Nhưng những lời có cánh về tiềm năng địa phương vẫn chưa đủ thu hút các nhà đầu tư vì họ vẫn quan ngại các thủ tục hành chính rắc rối, chậm trễ. Nắm bắt được điều này, nên nhiều lãnh đạo đã cam kết bảo đảm các bước thủ tục hành chính tại địa phương sẽ diễn ra đúng luật (không bị ngâm quá thời hạn). Và một vài địa phương còn hăng hái cải cách thủ tục hành chính.
Sự năng động, xông pha của các vị lãnh đạo này đã làm các địa phương như Đà Nẵng, Bình Dương nức tiếng toàn quốc về thu hút đầu tư nước ngoài, về cải cách hành chính. Những giải pháp tiên phong được báo chí nhắc đến như thi tuyển trưởng phòng ở TP. Hồ Chí Minh, thi tuyển hiệu trưởng ở Đà Nẵng, Nghệ An, xử phạt vi phạm giao thông qua camera...
Nhưng khuynh hướng cải cách táo bạo sớm bị đóng khung trong chiếc áo chật hẹp, bởi hiến pháp chưa thiết kế một hành lang cạnh tranh giữa các địa phương (một số cải cách bị cho là trái luật). Thay vào đó tư duy "cào bằng, rập khuôn" của thời kỳ bao cấp vẫn còn đậm dấu ấn trong hiến pháp hiến hành và các địa phương táo bạo này nhận được trát nhắc nhở của Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp.
Điều an ủi bù lại là một số giải pháp cải cách này sau đó được chính quyền trung ương ghi nhận mà việc xử phạt vi phạm trật tự giao thông bằng camera là một ví dụ; và các lãnh đạo táo bạo có công phát triển kinh tế địa phương thường được cất nhắc lên giữ các vị trí trọng trách ở trung ương, dù trước đó tỉnh nhà có nhận được trát của Cục kiểm tra văn bản.
Như vậy, nhu cầu cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương ở Việt Nam là rất cao và sự cạnh tranh ở một chừng mực nào đó đã làm cho lãnh đạo một số tỉnh thành như Bình Dương, Đà Nẵng trở thành những chính trị gia sáng giá. Vấn đề là hiến pháp hiện hành chưa có đủ không gian và cơ chế cần thiết cho cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương thi đua khoe tài.
Không có tài phán hiến pháp thì chính quyền địa phương tiếp tục lép vế, thẩm quyền không ổn định
Dù cố gắng đến đâu thì những bất đồng, tranh chấp liên quan đến phân cấp, phân quyền là không thể tránh khỏi. Việt Nam đang sử dụng cơ chế hành chính - chính trị để giải quyết các tranh chấp này. Theo đó, thông thường, các cơ quan hành chính cấp trên sẽ tự phán quyết các tranh chấp về thẩm quyền giữa mình và cấp dưới. Cơ chế hành chính - chính trị thường dựa vào lý do "bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước" hoặc dựa vào nguyên tắc mệnh lệnh phục tùng của luật hành chính. Thực tế cho thấy, chính cơ chế giải quyết này đã dẫn việc phân cấp, phân quyền tới tình trạng nhập nhằng, vô định. Vì thông qua quyền giải quyết tranh chấp, cấp trên dường như đã giữ lại quyền vẽ lại ranh giới, quyền bất kỳ lúc nào cũng có thể "nhổ hàng rào đi cắm lại".
Việc thiếu một cơ chế giải quyết tranh chấp hữu hiệu đã biến "hàng rào" mà chủ nhân của nó đã dày công trau chuốt trở nên vô dụng. Nên song song với việc phân định thẩm quyền theo tinh thần đã nói ở trên thì tài phán hiến pháp là một thứ không thể thiếu được để có thể bảo đảm rằng thẩm quyền hiến định của địa phương không bị tém lẹm.
Còn nữa

[1] Xin xem thêm Võ Trí Hảo (2011), Sửa hiến pháp: Gỡ nút thắt cho cải cách, Vietnamnet ngày 19.9.2011 (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/39989/coi-nut-that-cho-cai-cach.html)
[2] Nguồn: http://www.electronista.com/articles/11/06/03/not.reflective.of.actual.worth.more.potential/
[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Economy_of_Vietnam
[4] Khái niệm pháp nhân công quyền (öffentlicher Rechtstraeger) tương ứng nhưng không đồng nhất với khái niệm pháp nhân trong luật tư (juritische Person)
[5] Ở Hoa Kỳ thì thuế VAT do Nghị viện từng tiểu bang quy định. Điều này dẫn đến một hiện tượng giá niêm yết tại các shop chưa bao gồm VAT, nên cùng giá niêm yết như nhau nhưng mua hàng ở New Hampshire sẽ rẻ hơn mua ở Boston (giá sau thuế).
[6] Outlet là nơi nhà máy trực tiếp bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng mà không qua các nhà phân phối trung gian, nên giá thường rẻ hơn các shop thông thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?