Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Gái nhảy - má hồng phận bạc

Phần 1:

Tự sự đẫm nước mắt của một gái nhảy

“Trong một lần không kiểm soát được cơn say, ông trói mẹ M. lại dưới chân giường, để bà chứng kiến cảnh ông hỉ hả cưỡng đoạt thân xác con gái mình” – M. bắt đầu kể về cuộc đời đầy bão tố của mình bằng câu chuyện như thế...
Nhiều lần, tôi bốc máy gọi cho M., cô đều từ chối gặp với lý do: Những người làm nghề như cô, còn gì mà nói; có nói, cũng chẳng ai nghe.
Thôi thì, má hồng phận bạc; càng cố chôn chặt quá khứ bão bùng ấy càng sâu càng tốt. Thế nhưng, quá khứ bão giông ấy nó cứ như một bóng ma ám ảnh cuộc đời cô. Đêm đêm, cô chợt bừng tỉnh giấc rồi la hét, mồ hôi nhễ nhại. Có lẽ, chẳng bao giờ M quên được kí ức đó.
Gặp M. sau gần hai năm chị “giải nghệ”, những dấu vết tàn phá vẫn đeo bám, khắc sâu trên dung nhan người phụ nữ một thời khấy đảo các sàn nhảy. Dường như những ám ảnh về “quá khứ” vẫn khiến chị giật thót mỗi lần nhắc đến.
Nhưng, chị vẫn kể lại cho chúng tôi nghe, bằng chất giọng trầm buồn, khàn đặc khói thuốc. Vì “nói được nó ra đến đâu thì nó làm cho tâm trí mình nguôi ngoai đi chừng ấy”.
Tuổi thơ bầm dập
Sinh ra và lớn lên trên một vùng biển nghèo. Ký ức về những bãi cát dài nóng bỏng chân, những cơn gió xơ xác quện mùi biển mặn mặn mòi và những ngôi nhà xiêu vẹo như chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí chị.
M. nói, chị có thể ngồi cả ngày để kể về quê hương, về những buổi chiều ngồi trước biển nghe sóng vỗ, ngắm những con cá nhỏ bằng ba bốn ngón tay được gỡ khỏi lưới vào buổi sớm mai và những đêm trăng tròn vành vạnh long lanh trên mặt biển.
Tôi bảo, chị có tâm hồn lãng mạn, M cười: mỗi người dân vùng biển đều mang trong mình một nhà thơ. Nghe M kể chuyện, tôi bỗng quên mất người ngồi trước mặt mình đã từng là cô vũ nữ với những điệu nhảy bốc lửa từng làm điên đảo các đại gia trẻ một thời.
Hồi nhỏ, M là một đứa trẻ lầm lì, ít nói. M không bất hạnh như một số đứa trẻ khác ở vùng biển quê mình. M có đủ cả cha lẫn mẹ. Sự mất mát, thiếu hụt ở nơi đó là chuyện thường tình lắm. Sóng to, biển dữ, thuyền tàu lênh đênh trên biển khó hẹn ngày trở về.
Những đứa trẻ lấm lem cát bằng tuổi M thường mất bố từ nhỏ. Nhưng M lại bị rơi vào một bi kịch khác. Bi kịch của niềm tin bị đánh mất.

 
Trong ký ức của M, vùng biển nơi cô sinh ra có cả hạnh phúc, có cả đớn đau tột cùng. Từ ngày mẹ cô nhảy xuống biển tự vẫn vì ông chồng mất hết nhân tính, không còn vương vấn gì, M ra đi tìm cuộc sống cho riêng mình. (Ảnh minh họa).
 
Tuổi thơ M lớn lên trong những trận đòn bạo liệt của bố mỗi lần ông uống rượu say. Mẹ không thể can ngăn vì cũng đang oằn mình hứng chịu những cú đấm đá của chồng. Sau những chuyến đi dài ngày trên biển, bố không tin M là con của ông.
Bố M đen đúa, còn M da trắng bóc. Mắt bố chị dài, lầm lì còn mắt chị tròn xoe. Mẹ M lại xinh đẹp, diễm tình. Ông chửi rủa mẹ M là đồ lăng loàn, là giống đĩ thõa. M cười buồn nói với tôi: “ngày xưa, nghe hai từ đĩ thõa từ bố, cứ nghĩ nghĩa của nó là đẹp như mẹ vậy. Đến khi lớn lên thì mới biết hóa ra nó là đòn roi, là nhục nhã”.
Năm 17 tuổi, M có mối tình đầu tiên. Đó là một người đàn ông lái tàu chở than, đến từ một nơi khác. Người đàn ông đã chững tuổi, rắn rỏi và biết cách quan tâm. Người đàn ông này đã cho M một bờ vai vững chắc để dựa vào.
Trong men say của tình yêu, M đã đem cả tấm thân trong trắng, đáng thương trao cho người đàn ông ấy.
Ngày M phát hiện ra mình trót mang trong mình đứa con của anh ta sau những lần ái ân vụng trộm, cũng là lúc có đám phụ nữ kéo đến đánh ghen...
Kể đến đây, giọng chị nghẹn lại, chị bắt đầu phải đưa tay quệt ngang những giọt nước mắt. Những cú đạp mạnh vào bụng đã khiến chị trụy thai. Nhìn dòng máu đỏ chảy ướt lênh láng đũng quần, chị thấy mình đau như bị ai cầm dao cắt đi từng khúc ruột.
Nhục nhã ê chề trong mắt xóm làng, bố M uống nhiều rượu hơn, đánh đập mẹ con chị dữ tợn hơn. Trong một lần không kiểm soát được cơn say, ông trói mẹ M lại dưới chân giường, để bà chứng kiến cảnh ông hỉ hả cưỡng đoạt thân xác cô con gái mang dòng máu đĩ thõa của mình.
Mẹ M vì quá đau đớn và uất ức đã tìm đến cái chết dưới lòng biển. Không còn gì vương vấn, lại không thể đối mặt với chính người cha của mình, M ra đi.
Giọng chị kể nghe xót xa, cái xót xa của một người phụ nữ có tuổi thơ đầy rẫy ám ảnh tủi nhục. “Giá như hồi ấy có xét nghiệm AND em nhỉ, thì mẹ con chị đâu đã phải chịu khổ, biết đâu đã có một cuộc đời khác rồi. Mà em biết không, chị vẫn ước chị không phải là con gái của ông ấy, như vậy những điều đã trải qua đỡ nhục nhã hơn” – M gạt ngang giọt nước mắt chực trào ra.
Lối rẽ
Một mình giữa nơi đất khách quê người, không ai quen biết. Nhưng với khuôn mặt dễ nhìn, lại có vóc dáng săn chắc, nhanh nhẹn của những người con gái vùng biển. M được nhận vào làm công việc chạy bàn tại một vũ trường.
“Công việc tử tế duy nhất của chị đấy!”- M nói.
M mất một thời gian dài để làm quen với việc bưng khay đồ. Càng khó khăn hơn khi thích ứng với âm thanh chát chúa và tiếng hò hét đến lạc giọng của những vị khách tìm đến sàn nhảy.
Họ nhiều tiền và chi rất mạnh tay cho những đêm vui vẻ. Nhưng số tiền kiếm được đôi khi chẳng đủ để chị trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn hàng ngày. M ở chung nhà với mấy cô vũ nữ làm việc tại sàn nhảy.
Ngày nào họ cũng phấn son lòe loẹt, váy áo xúng xính. Họ kiếm được rất nhiều tiền từ những đêm nhảy mồi và biểu diễn.
Cuộc đời M bắt đầu sang một trang mới khi cô vào làm tiếp viên tại một sàn nhẩy. Những đêm nhập ngụa trong rượu mạnh, trong tiếng nhạc đinh tai nhức óc đã biến M thành một con người khác. (Ảnh minh họa)
 
M thật thà kể, thời điểm ấy, không hiểu sao trong đầu chị dày đặc những suy nghĩ về tiền bạc. “Hình như lòng tham tồn tại ở phía bên trong. Mà bản chất mình yếu đuối, nhu nhược. Khi thấy những đồng tiền tuôn ra là mình cứ mụ mị lao theo nó”.
Chị bắt đầu tập tành nhảy nhót. Vốn thân hình cân đối, dẻo dai, nở nang, chẳng mấy chốc M đã thành thục với đủ các ngón nghề uốn éo, múa lượn từ những cái lắc hông, uốn thân, đẩy ngực.
Trong ánh đèn nhập nhoạng, bôi phấn thật dày, tô môi thật đậm, M quên đi chính mình với những bộ trang phục cũn cỡn, màu mè, khiêu gợi. 
Từ lúc nào, M trở thành một cô “gái nhảy” với những màn múa bốc lửa làm điêu đứng các đại gia tìm đến sàn nhảy mua vui.
Câu chuyện bị chững lại ở đó, M thoáng nhiên dừng lại, đôi mắt nhìn xa xăm như đang ngẫm nghĩ điều gì đó. Có thể là chị đang nuối tiếc, hoặc chị đang tự trách bản thân, đang dằn vặt vì những cú sẩy chân trượt ngã.
Chúng tôi cố giữ im lặng, không cố gặng hỏi thêm. Bởi  chúng tôi biết, đó mới chỉ là quãng đầu tiên “biển lặng” trong phần tư cuộc đời vẫy vùng trong tiếng nhạc của cô gái vùng biển có đôi mắt u buồn.
 phần 2:

Đằng sau những show diễn ê chề, cuồng điên

 - Dưới ánh đèn chớp hư ảo và tiếng nhạc dồn chát chúa chốn ăn chơi, M cùng “đồng nghiệp” của mình vẫy vùng trong những điệu nhảy rã rời... 
Bán niềm vui, mua về nước mắt           
Mọi thứ không đơn giản như những thứ ban đầu M nghĩ. Ngày nào M và những cô bạn cũng trở về nhà với một thân thể nhầy nhụa, bã bời.
Thậm chí, có những hôm mệt đến nỗi không buồn rửa mặt thay quần áo, mỗi đứa một góc nhà, vạ vật đánh một giấc để ru ngủ những khớp xương và những búi cơ đang căng phồng lên vì mỏi mệt.
Nghề nào cũng có cái giá phải trả. Nghề nhảy nhót ở các quán bar, vũ trường của M trả bằng những cơn đau nhức khắp mình mẩy sau những đêm mưa cồn và bão nhạc xập xình.
M bắt đầu chai sạn với những chiếc bộ váy áo khiêu gợi, khoét ngực hở đùi và những cách nói suồng sã nặng mùi nhục dục.
Phải có một sức khỏe cực tốt mới có thể trụ ròng rã như thế cả tiếng đồng hồ. Kể cả với những người còn trẻ trung, sung sức. M luôn cảm thấy mình bị vắt kiệt sức sau mỗi đêm nhảy nhót quay cuồng “tới bến”.
Và M bắt đầu sử dụng thuốc lắc để đủ sức. “Lần đầu tiên cắn thuốc cũng sợ lắm chứ. Cái cảm giác như mình không còn là mình nữa, mà là một ai đó khác đang bị những âm thanh từ chiếc loa thùng điều khiển. Nhưng không có nó thì không thể trụ nổi. Lần này đến lần khác, cắn mãi rồi đâm quen, đâm nghiện. Nghiện cả những ảo giác nó đem lại sau mỗi lần xõa xượi trong tiếng nhạc xập xình” -  M bảo.
Và, M quên đi chính mình, quên cả quá khứ đau buồn nhục nhã”.
M như chẳng muốn giấu giếm chúng tôi điều gì cả. Chị kể chuyện như đang dốc gan dốc ruột của mình ra mà chia sẻ.
Điều đó làm chúng tôi hiểu chị hơn, thương chị nhiều hơn. Chị ví von cuộc đời chị giống như chiếc bánh xe đặt trên đầu một con dốc. Khi đã chạm tay vào nó rồi thì nó chỉ cứ thế theo đà lăn xuống dưới vực mà thôi.
'Không có nó thì không thể trụ nổi. Lần này đến lần khác, cắn mãi rồi đâm quen, đâm nghiện. Nghiện cả những ảo giác nó đem lại sau mỗi lần xõa xượi trong tiếng nhạc xập xình”
 
Nhiều đêm ngồi vuốt lại những đồng tiền bo nhét vội vàng vào áo ngực sau những đêm cuồng loạn, bất chợt M cảm thấy rùng mình. Con gái có thì, tuổi xuân phơi phới rồi cũng sẽ tàn phai theo thời gian. Nhưng, M tặc lưỡi: kệ. Bởi, gần như cô không còn đường lùi.
Thuốc lắc, những cuộc chơi thâu đêm đã khiến M tàn tạ nhanh chóng. Nhìn khuôn mặt bợt bạt và cơ thể mỗi ngày một nhàu nhĩ của mình, M hiểu được quy luật đào thải của nghề.
Người chị em trụ lâu nhất của M cũng chỉ được vài năm. Rồi cũng sẽ có lúc M phải tìm cách kiếm sống bằng một nghề khác.
Dùng thân để cứu lấy thân
Hầu hết những cô gái như M đều có “chuyên môn” chăm sóc khách hàng rất chuyên nghiệp. Họ biết trăm ngàn kỹ nghệ để moi được tiền từ hầu bao của khách.
Những đại gia lại không bao giờ tiếc tiền vung tay cho việc thỏa mãn những niềm vui, từ tinh thần thị giác đến cơ thể xác thịt.            
M tự học đến thành thạo đủ món nhảy múa, cả những màn giật lắc uốn éo cho tới múa cột, múa ghế, múa bia...
Đôi khi, các đại gia muốn tận hưởng thú chơi nặng mùi xác thịt bỏ tiền ra để mua từng mảnh áo mảnh quần được lột ra trong màn vũ nữ múa thoát y, lõa thể và dung tục.
Chị tâm sự “cái cảm giác những con mắt cứ hau háu, chằm chằm nhìn vào thân thể đang lõa lồ của mình cùng ham muốn dục vọng cao độ của những vị khách vây quanh “sân khấu” thật là đáng sợ. Đó là một cảm giác ê chề, nhục nhã, và nhơ nhớp”.
Nhưng rồi, vì miếng cơm manh áo, vì không còn con đường, không cách lựa chọn nào khác, M vẫn sẵn sàng biến thân thể mình một 'món ăn tươi' bầy ngon lành trên bàn cho những vị thực khách lắm tiền ham sắc dục.
Sau những show diễn bơ phờ và tủi hổ ấy, M chiều lòng khách thêm một lần nữa. M trượt dài, trượt mãi trong những cuộc mua bán, đổi chác thân xác.
M không nhớ đã kiếm được bao nhiêu tiền sau chừng ấy vất vả, nhục nhã, chỉ biết số đấy chỉ đủ mua phấn son, thuốc lắc và ma túy.
Để tiếp tục sử dụng cho những lần bán thân sau đó. Bị dồn vào một vòng quay luẩn quẩn. Chị không tài nào nhớ được những người đàn ông đã đi qua cuộc đời mình. Ngay từ lần đầu tiên cho đến lần cuối cùng đem bán đổi thân mình, chị chưa một lần dám mở mắt nhìn người đàn ông đang hả hê truy hoan trên tấm thân xác xơ tiều tụy của chị trong mỗi cuộc hành lạc.
M trượt dài, trượt mãi trong những cuộc mua bán, đổi chác thân xác.(Ảnh minh họa)
 
Lúc trở về căn nhà trọ, gột đi lớp phấn son nhòe nhoẹt. Nhìn thấy khuôn mặt mình bợt bạt, xanh xao hốc hác. Chị ôm mặt khóc. Chị nhớ đến người mẹ của mình. Nhớ lời trăn trối của bà trước lúc ra đi, dù thế nào thì cũng phải sống tiếp.
M càng thêm lẻ loi và cô độc. Càng ngày M càng dễ bị ốm. Có lẽ ma túy cùng những đêm nhảy múa điên cuồng đã làm chị kiệt sức. Nhưng cơn thèm thuốc không bao giờ buông tha chị.
Có những khi M lên cơn vật thuốc mà trong nhà không còn cả sái thuốc mà hít lại. Chị lại lật khật đứng dậy, mò ra khỏi nhà trong cái sốt bốn mấy độ C.
Dù đã cố gắng kiềm chế, chúng tôi vẫn không ngăn được xúc động, và những giọt nước mắt xót xa khi nghe M rành rọt từng chi tiết cuộc đời mình.
Những vị khách làng chơi tìm đến vũ trường, tìm đến những chốn trụy lạc, bỏ tiền để mua niềm vui và những thỏa mãn nhu cầu xác thịt của bản thân. Nhưng để bán cho những “thượng đế” thứ niềm vui đó, những người phụ nữ như chị M đã phải đánh đổi rất nhiều đắng cay, tủi nhục và đau đớn.
Niềm vui thỏa mãn dục vọng nhanh chóng tan đi, còn giọt nước mắt nặng trịch thì ghim mãi sâu vào ký ức những người phụ nữ trót đưa chân vào bất trắc, ê chề. Để rồi mãi không tìm ra cho mình lối thoát.

phần 3:

Những kẻ hốt tiền trên thân xác vũ nữ

Chúng tôi lặng người đi khi nghe những ký ức đau buồn trong câu chuyện cuộc đời M. Chị đã phải nếm đủ mọi nanh nọc và thói tàn nhẫn, xảo trá chốn chơi bời trụy lạc.
M lạc sâu vào vòng xoáy của cám dỗ - nơi mà mọi người hành xử với nhau bằng sức nặng của đồng tiền, sức mạnh của quả đấm, và sự biến mất của tình người.  
Chịu đựng những đau đớn nhục nhã cả thân xác lẫn tinh thần để tồn tại ở chốn ăn chơi đồng nghĩa với việc những cô gái nhảy như M buộc lòng chấp nhận những mối quan hệ phức tạp giữa “người quản lý”- “bảo vệ”- vũ nữ, nếu muốn yên ổn kiếm sống, hành nghề.
Trong mối quan hệ ấy, thân xác người vũ nữ như một 'món thịt tái ngon lành' và những kẻ khác thi nhau xâu xé.
Để giám sát và quản lý những đứa “con” gái xinh đẹp, hái ra từng xấp tiền ở sàn nhảy và sau mỗi lần đi khách, vũ trường thường có các bà “má” túc trực hoạt động.
Một má có rất nhiều con, họ hoạt động theo những quy định và luật lệ riêng, để duy trì hệ thống của mình.
Trong mối quan hệ “gia đình” đặc biệt này, chính những đứa con sẽ là công cụ kiếm tiền để nuôi “má”. Những đứa bướng bỉnh không chịu nghe lời, làm sai ý của má, cũng sẽ được dạy bảo tới số.
Những kẻ hốt tiền trên thân xác vũ nữ
M chậm rãi lục lại ký ức để kể cho chúng tôi nghe bà má đầu tiên trong đời gái nhảy của chị. Gọi là má nhưng bà ấy chỉ lớn hơn đám gái nhảy bọn chị độ chục tuổi, là người có nhan sắc hẳn hoi.
Chị nghe đám bạn kể lại rằng: ngày xưa bà ấy cũng từng là một vũ nữ khét tiếng, sau chuyển sang làm gái mại dâm cao cấp. Khi đã “tã”, nhờ moi được một ông đại gia ít vốn liếng, thêm chút quan hệ với ông chủ vũ trường, bà chuyển hẳn sang làm nghề “chăn con”.
M lạc sâu vào vòng xoáy của cám dỗ - nơi mà mọi người hành xử với nhau bằng sức nặng của đồng tiền, sức mạnh của quả đấm, và sự biến mất của tình người.(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
 
Hàng ngày, ngoài nhảy múa cuồng loạn trong âm thanh dồn dập đến vỡ ngực dưới ánh đèn chớp nhoáng tưng bừng, những cô gái nhảy như M còn kiếm được một khoản kha khá từ công việc ngồi bàn.
May mắn hôm nào đó vớ được vị “khách sộp”, hoặc đại gia VIP sẵn sàng mua dâm giá cao thì coi như là “trúng số”.
Để có được may mắn đó, ngoài tài sắc và sức quyến rũ của cơ thể qua màn nhảy múa, những cô vũ nữ sàn nhảy như M cần cả đến sự ưu ái đặc biệt của các bà “má” dành cho mình.
Nhưng để có được sự “thiên vị” ấy hay không lại phụ thuộc chủ yếu vào sự ngoan ngoãn và “biết điều” của những đứa con chân dài, ngực nở.
“Thường thì bọn chị phải chịu mức đóng góp nhất định đã đề ra theo quy định của các má. Giống như người ta mua chỗ ở chợ để bán rau bán cá, thì ở đây bọn chị bỏ tiền ra mua chỗ bán thân.
Đứa nào muốn nhận được những ông khách béo bở với những khoản tiền boa hấp dẫn thì phải chăm hầu hạ “má”. Sau mỗi lần tiếp khách thì phải biết đường biếu má mấy chục phần trăm. Ai không biết thì chỉ có mà ngồi cắn mòn móng tay, tiền kiếm được chẳng đủ phấn son với đóng phí cho má” -  M cho hay.
Trong “gia đình” này không thể không kể đến ông anh bảo kê. Những ông anh này có nhiệm vụ cảnh giới và bảo vệ cho hoạt động của hệ thống trong thế giới cuồng loạn, bon chen và phức tạp của vũ trường.
M chia những ông anh của mình ra làm hai loại: loại thứ nhất là ăn lương để bảo vệ các em; loại thứ hai là tìm mọi cách tạo sự cố buộc các em phải đóng thuế cho mình.
Một sàn nhảy muốn ăn nên làm ra ngoài những yếu tố như vị trí, quy mô, rượu, bia thậm chí cả thuốc lắc, thì gái nhảy luôn được xếp ở hàng quan trọng nhất. Những “con chim mồi” thơm ngon này sẽ nhử các vị khách lắm tiền tìm đến.
Rồi ở chính đó, những cô gái nhảy như M cày xới thân xác trong điệu nhạc điên cuồng, và cả những lần cực nhục bán thân tìm cách kiếm tiền đóng thuế cho… “gia đình”.
Nơi không có chỗ cho tình thương
M nói rằng chúng tôi có thể không tin, nhưng có một sự thật là “những nhục nhã cũng bắt đầu từ đó mà ra”.
Vũ nữ dù có khôn ngoan đến đâu cũng một lần nếm mùi “dạy bảo”. Vì dù sao cũng sẽ có lúc những cô gái phải dành dụm tiền nuôi đứa con trót sinh còn nhỏ, phải giấu giếm tiền gửi về cho bố mẹ ở quê.
Nhất là khi ở nơi ấy, người ta còn chỗ để xếp cho tình thương.
Nơi không có chỗ cho tình thương (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
 
Chúng tôi lặng người trước những câu chuyện M kể về sự lạnh lùng và nhẫn tâm đến độc ác ở chốn cuồng nhiệt và xô bồ này.
Một người bạn của M cũng làm gái nhẩy, sức khỏe vốn không tốt nhưng vẫn buộc phải bám lấy các vũ trường để kiếm tiền nuôi đứa em trai tàn tật. Có một lần chị ấy bị ốm rất nặng, mà vẫn gắng sức nhảy nhót chiều lòng khách. Tới khi khách đòi mua dâm, biết mình không còn sức nữa, chị từ chối.  
Đó là một ông khách VIP, ông khách phật lòng, bà má tức tối, đổ cả xô nước đá lạnh buốt lên người chị. Hôm đó là một ngày mùa đông rét căm căm, chị ấy bị nhiễm lạnh, và cảm chết ngay trên đường trở về căn nhà trọ tồi tàn có đứa em trai đang ngồi đợi.
Những chị em khác của M cũng đã từng nếm trải quyền lực của má khi vô tình quên tận tụy với má. Nắm trong lòng bàn tay tính nết và thái độ của những vị khách thường xuyên lui tới vũ trường, má lọc ra những đứa con bất trị để bắt tiếp những vị khách kì quặc nhất trong danh sách của má.
Đó có thể là một ông nát rượu, một gã vũ phu, một tên choai choai vừa dùng thuốc hay một kẻ bạo dâm. Sau lần tiếp và đi khách ấy, những đứa con sợ hãi đến già để rồi ngoan ngoãn nghe theo mọi sự chỉ bảo của má để phục vụ cho “lợi ích chung”.
Ngay chính bản thân M cũng không thoát khỏi những trận nhớ đời như thế. Với cả những ông anh bảo kê hàng ngày vẫn thu của M tiền phí bảo toàn dung nhan và tính mạng, mỗi khi các anh tỏ ý muốn được chiều chuộng, là một lần M phải đem thân xác của mình để đóng thuế.
Còn lăng mạ, xỉ nhục hay đánh đập đã trở thành những chuyện rất bình thường ở nơi đây.
“Họ hốt bạc nhờ vũ nữ, thế mà chưa bao giờ họ giấu giếm sự khinh miệt đối với những đứa con gái sa chân làm gái nhảy. Thậm chí chính các má cũng đã từng trải qua nỗi cực nhục ấy, vậy mà trong những mối quan hệ thuần tiền bạc đó, không có chỗ nào cho sự sẻ chia, cảm thông, thương xót. Cũng có thể họ đã sống với hàng trăm người như thế, hàng trăm hoàn cảnh như thế, nên họ cứ chai đi, sạn đi”.
Chúng tôi hỏi M đến bây giờ còn trách cứ gì họ không, M chỉ cười bảo rằng mọi thứ đều có cái giá phải trả của nó. Họ bày ra một cuộc chơi, những cô gái như chị muốn chơi thì phải buộc chấp nhận luật chơi của nó. Mà họ cũng đều phải trả giá cả đấy thôi.
“Chị nghe đâu bà má ở vũ trường đầu tiên chị làm bị bắt, phải đi cải tạo mấy năm. Còn một ông anh bảo kê thì bị đâm chết trong trận xô xát với khách vũ trường. Nhiều lúc chị nghĩ, nếu chị không can đảm đi ra khỏi con đường ấy, mà cứ theo cái vòng luẩn quẩn để rồi trở thành một má mì thì chắc gì chị đã không giống như họ.
Làm cái nghề ấy, đôi khi người ta phải quên đi mình là ai, mình đang nghĩ gì. Phải sống bạc, sống ác lên, để tồn tại. Lúc ngồi trong tù, hoặc dưới âm tào địa phủ, chắc họ cũng chỉ mong người ta tha thứ cho những lỗi lầm đã gây ra” – M chua xót.
Cái cách M đóng vai thành những kẻ đã từng coi rẻ và chà đạp lên thân xác của chị, để rồi cảm thông và bỏ qua cho họ, làm những dòng ghi chép của chúng tôi nhòe ướt.
phần 4:

Ám ảnh những màn tra tấn thể xác vũ nữ

 “Khách đến với gái nhảy tìm vui và mua dâm nhiều kiểu người lắm. Lịch lãm, ân cần có. Nhưng, cũng chẳng ít kẻ cuồng loạn ghê rợn. Suốt cả cuộc đời còn lại, nỗi kinh hãi ám ảnh cứ đeo đẳng mãi" -  M nhớ về vùng tối kinh hoàng mà cô đã trải qua...

Đêm nơi địa ngục trần gian
Những cô vũ nữ bán thân buôn xác như M không tự quyết định được cho mình điều gì cả. Từ việc tiếp ông nào, đi khách ra sao, tiền bạc được trả thế nào đều do một tay má mì sắp xếp. Sau đó tất cả còn lại chỉ là trò rủi may của số phận.
“Biết rằng chẳng ai coi trọng cái nghề buôn thân bán hoa như bọn chị. Nhưng quả thật, tận sâu trong con người mình, những đứa như chị vẫn cảm nhận được sự đau đớn nhục nhã khi bị coi khinh và rẻ rúng” – M xót xa.
Từng mảnh áo mảnh quần trên người các cô gái cũng lần lượt được tháo bỏ sau những vũ điệu lả lơi khiêu khích đến đã đời con mắt.(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
 
M tiếp tục kể về vùng ký ức kinh hoàng mà chị đã trải qua trong quá khứ.  
Quán bar, sàn nhảy là nơi thường xuyên lui đến của những người có tiền ưa thích không gian ồn ã sôi động. Chi phí cho những chai rượu mạnh hoặc đơn giản là tiền boa cho nhân viên phục vụ ở đây đều là những con số đáng kể.
Trong số những vị thượng khách ấy, có người tìm đến chỉ vì muốn ngắm các cô gái nhảy đang uốn éo gọi mời dưới ánh đèn nhập nhoạng và âm thanh xậm xịch náo nhiệt phát ra từ những chiếc loa thùng.
Ở cự ly rất gần, những thân hình bốc lửa trong váy áo gợi cảm khiêu khích, và không thể hở được hơn, khách ra sức reo hò bình phẩm với lời lẽ dung tục. Những chiếc điện thoại dí sát vào những chỗ nhạy cảm nhất trên cơ thể vũ nữ một cách khiếm nhã.
Thậm chí có người bước hẳn lên ôm lấy chiếc eo thon để mơn trớn rồi cứ thế nhún nhẩy trong tiếng rú hét cổ vũ vang lên như bão ở phía dưới.
“Nhưng đó chỉ là cảm giác của những lần đầu tiên, của vũ nữ mới vào nghề thôi. Sau rồi bọn chị quen cả. Đến lúc phải cắn thuốc để lên sàn thì chẳng còn để ý gì tới xung quanh nữa. Lúc ấy bớt ngượng đi, bớt nhục đi” – M kể.
Nhưng nỗi ám ảnh tinh thần kinh khủng nhất của những cô gái nhảy như M phải là những đêm múa bia, múa thoát y chiều lòng khách VIP. Trong căn phòng kín đáo riêng tư, những vị khách bỏ ra hàng xấp tiền để khui bia… tắm cho vũ nữ.
Từng mảnh áo mảnh quần trên người các cô gái cũng lần lượt được tháo bỏ sau những vũ điệu lả lơi khiêu khích đến đã đời con mắt.
Nơi đó, cái gì cũng đổi mua bằng tiền. Cái các đại gia cần là niềm vui, là sự thỏa mãn.
“Nhiều khi cao hứng, khách bắt mình đóng giả làm chó, làm rắn, làm ếch, làm chim. Sao cho thật giống họ mới cho tiền. Lúc khách đưa tay vuốt ve những chỗ nhạy cảm nhất ở “con chó, con mèo” của họ, là lúc mình gắng hết sức nuốt hết nghẹn những tủi nhục vào trong” – M đã trải qua những nỗi đau như thế.
Những trò tra tấn thể xác
Đã nhiều năm không phải sống trong sợ hãi ê chề, nhưng khi ngồi với chúng tôi để nhắc lại những ký ức kinh hoàng đã qua trong cuộc đời mình, M vẫn không giấu nổi sự run rẩy và sợ sệt.
Khách đến vũ trường thường uống rượu mạnh, hoặc chơi thuốc. Trong cơn say, cơn phê, họ gọi gái nhảy và đi tìm một bãi đáp để thỏa mãn sự ham muốn nhục dục của mình.
Những cô gái nhảy như M thường xuyên phải tiếp những vị khách đang mất kiểm soát này. Bởi thế, M gần như đã nếm trải đủ trò điên cuồng của khách.
Vết thương thể xác có thể sẽ lành, nhưng những nỗi đau trong tinh thần thì ám ảnh, đeo bám M mãi (ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
 
“Khách bắt mình thử các loại đồ chơi tình dục, bắt uống cả thuốc kích thích để tăng thêm độ phê cảm giác. Những thứ ấy đều đáng sợ và kinh khủng. Nó làm mình cảm thấy sợ hãi thật sự. Rồi có người chơi heroin trước lúc hành sự, khách ép chị chơi cùng.
Chị mắc nghiện cũng bởi từ ông khách tuổi còn choai choai ấy. Mà cái giống đã chơi thuốc vào thì nó bức người ta ghê gớm lắm. Chị không còn cảm giác nữa, chỉ biết nhắm chặt mắt mà khóc. Đôi lúc thấy nước mắt, khách còn chửi rủa chị ghê hơn. Trong mắt họ, bọn chị đã mang thân làm gái rồi thì không bao giờ còn quyền tủi thân nữa” – M xót xa nhớ lại.
Lựa chọn nghề chiều khách để kiếm sống, những cô gái nhảy như chị không những phải chịu nỗi tủi hổ nhơ nhuốc của cảm xúc. Mà họ còn phải chịu những nỗi đau thật sự về thể xác do những người đàn ông có xu hướng tình dục không bình thường bất ngờ mang đến. Thậm chí là cả những trò hành xác thú tính, quái đản.
Trong những lần đi khách của mình, luôn là một nỗi kinh hoàng nếu M bất hạnh gặp phải người đàn ông thích sử dụng hình vi bạo lực tình dục.
Chị từng bị đánh, bị trói hiếp, bị đập đầu, bị dao cứa. Mỗi ông khách kỳ quặc lại nghĩ một kiểu hành xác khác nhau. Nhưng tất cả đều để lại nỗi ám ảnh kinh hãi trong chị.
M không nhớ nổi chị đã bao nhiêu lần phải quỳ lậy van xin, nhưng vẫn bị khách lao vào cuồng dại cấu xé, mặc chị rên xiết đau đớn, khóc lóc kêu la.
Khách chưa thỏa mãn cơn say dục vọng thì đừng hòng mong được yên thân. Chị từng bị đánh đập, bị đay nghiến, bị dọa giết. Lại còn có cả những ông khách nhất định không chịu sử dụng bao cao su mặc cho M cố giải thích về sự nguy hiểm của bệnh tật.
“Có những lần tỉnh dậy với một thân xác rã rời, mình mẩy đau nhừ, vết bầm tím, cấu cào khắp cơ thể. Miệng bịt một miếng giẻ, chân tay vẫn bị trói, tê dần. Bên cạnh là những đồng tiền nhớp nhúa, nhầu nhĩ. Lúc ấy chị chỉ biết khóc để tự thương lấy thân mình.
Người ta bị tra tấn đánh đập thì đi tìm công an trình báo. Thế chẳng lẽ lúc bấy giờ chị lên trình công an rằng mình đi bán dâm bị hiếp. Nghe nó nực cười, mà chua xót lắm em ạ” – M đau đớn kể lại.
Sau những trận kinh hoàng đã trải qua, trong nỗi đau tột cùng của phận gái trót sa chân vào chốn nhơ nhuốc đầy bất trắc, M tìm về căn phòng trọ, với những thương tích cả trên thân xác lẫn những nhục nhã ê chề.
Tự xoa dầu, băng bó, uống thuốc. Rồi có những khi phải cậy nhờ đến bác sĩ để băng bó đoạn xương bị gãy hay khâu vá lại vết rách tứa máu. Cả lúc không dám mở mắt nhìn tờ phiếu xét nghiệm kết quả HIV trên tay. Tử thần lúc nào cũng như lửng lơ trước mặt.
Đó là những cái giá rất đắt mà những cô gái như M đã phải trả. Rồi sau này, dù có may mắn gặp được một người đàn ông tử tế, được trở thành mẹ thành vợ, rời xa chốn trụy lạc như ước mơ âm thầm cháy bỏng trong họ, thì những ký ức đau đớn về những ngày tủi nhục ấy khó có thể phai mờ trong tâm trí.
Vết thương thể xác có thể sẽ lành, nhưng những nỗi đau trong tinh thần thì ám ảnh, đeo bám mãi…

Phần 4:

Những 'gói' ký ức của một gái nhảy

 M nói rằng ký ức của cô được chia làm nhiều gói nhỏ, gói màu trắng dành cho tuổi thơ, gói màu hồng dành cho mối tình đầu, gói màu xám dành cho má mì – bảo kê,  gói màu đen cho những vị khách lắm tiền thích gái nhảy… 
Còn một gói màu tím được M đặt trang trọng ở một góc trong ký ức của mình, cứu rỗi chị mỗi lần quỵ ngã. M đặt tên nó là: Tình thương.  
“Cái nghề này nó bạc lắm, gặp những người xấu ác thì dễ, chứ gặp người tốt thì khó em ạ”. M đăm chiêu nhìn chúng tôi, cái nhìn chiêm nghiệm của một người phụ nữ từng trải.
Những ghi chép của chúng tôi từ đầu tới giờ cũng chỉ toàn là nỗi ám ảnh kinh hoàng và những day dứt về sự lạnh lẽo của con người phủ trùm lên cuộc đời chị.
Có lẽ, nó cũng chỉ là một phần ký ức đau buồn, mất mát mà chị đã phải trải qua. Nhưng nó cũng đủ khiến cho bất cứ ai cũng rùng mình khiếp hãi.
Rồi chúng tôi lại nghĩ, chẳng lẽ đời một người chỉ toàn đi qua nước mắt. Sau phút lặng người đi với mảnh ký ức màu đen dày vò người phụ nữ có đôi mắt buồn thăm thẳm, chúng tôi hỏi chị có gì vui kể không? Chị suy nghĩ một lúc, như đang lật mở chiếc gói đẹp đẽ được cất giữ cẩn thận trong ký ức của mình, mang kể cho chúng tôi nghe.
Vịn vào tình thương mà đứng dậy 
“Ngay cả trong vũng bùn đen đúa, nhơ nhuốc của phận gái bán thân bọn chị, cũng có những người tốt lắm. Nhất là khi ai cũng cô độc, và chịu sự khinh miệt của những người xung quanh. Người ta mua vui, người ta kiếm tiền từ sự cô độc và nhục nhã ấy, nhưng ít ai có thể thông cảm, có thể chia sẻ. Vì thế,  bọn chị cứ tự thương lấy nhau em ạ” – M thở dài, xót xa.
Những cô gái làm nghề như M, mỗi người một cảnh, có người do số phận xô đến vấp ngã, có người tự đem thân mình tìm đến hố bùn rồi đẩy mình xuống đấy.
Ai cũng vùng vẫy, đau xót trong những ê chề, nhục nhã, bạc bẽo mà họ đã phải trả giá. Bởi vậy, sau mỗi lần nhớp nhúa trong sự dè bỉu coi thường, trở về nhà, M thấy mình mẩy đau nhừ.
Nằm vật xuống giường rồi thấy bụng réo ùng ục, M mới nhớ ra chưa kịp ăn cả. Cơn đói, cơn mệt làm cô lịm đi. May mà mấy chị em nấu cho bát cháo ăn. Chỉ nắm gạo nấu với thịt hộp, thế mà mồ hôi vã ra, tỉnh người.
Những cô gái làm nghề như M, mỗi người một cảnh, có người do số phận xô đến vấp ngã, có người tự đem thân mình tìm đến hố bùn rồi đẩy mình xuống đấy. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
 
Rồi cả khi họ gom góp từng đồng tiền nhầu nát kiếm được sau những đêm kiệt sực của mình đem cho bạn mang về quê chữa bệnh cho mẹ, mua thuốc cho con. Điều đó làm M cảm thấy ở sâu thẳm đâu đó trong mình và cả những người chị em, tình thương vẫn còn sống sót, sau những chai lạnh, va vấp của cuộc đời.
“Đôi lúc, những người chỉ đi qua cuộc đời mình trong thoáng chốc thôi, nhưng cũng để lại những ấm áp trong lòng bọn chị. Có một chú xe ôm hay chờ khách đầu đường rẽ vũ trường, mỗi lần thấy bọn chị say rượu phê thuốc ngật ngưỡng bước ra ngoài, chú lại thương tình chở về tận nhà.
Hôm sau đứa nào nhớ ra gửi tiền chú thì gửi, chú chẳng bao giờ đòi. Chú bảo chú cũng có đứa con gái ngang tuổi chúng mày, nhìn chú thương lắm. Cũng có cả những vị khách làng chơi tốt bụng. Má mì của bọn chị thì định nghĩa khách tốt là khách cho vũ nữ nhiều tiền. Khách boa nhiều thì bọn chị hay gặp, nhưng đứa nào may mắn lắm thì họa hoằn mới có được ông khách gọi tên với một thái độ cảm thông, thương xót, chứ không phải coi rẻ khinh mạt.
Có người tìm đến bọn chị chỉ để tâm sự, kỳ lạ, hóa ra những người lắm tiền cũng khổ, người đi mua vui cũng khổ, hóa ra đàn ông cũng khổ.
Họ nghe cả những tâm sự của chị. Để chia sẻ, cảm thông. Thường thì chẳng bao giờ gặp lại họ nữa, nhưng sau mỗi lần như vậy. Thấy mình bớt tủi hơn” - M quệt nước mắt khi nhớ đến những chua chát trong cuộc đời mà cô phải nếm trải. 
Dựa lên một cõi vô hình
Điều đau khổ nhất là M không còn khả năng làm mẹ. Ngày biết tin đó, chị ốm mất mấy ngày. M đã từng bị sẩy thai, đã từng uống thuốc lắc, dùng rượu mạnh, ma túy nặng.
Nhưng chị không dám nghĩ rằng mình không bao giờ có thể sinh ra một đứa con nữa. Chị thèm cảm giác mang nặng đẻ đau, cho con bú, mua tã cho con. Đứa con sẽ làm nguôi ngoai đi những nỗi đau của chị. Nó sẽ mang khuôn mặt của chị, vóc dáng của một vị khách nào đó. Thậm chí M sẽ không nhớ nổi bố nó là ai. Nhưng nó là con của chị.
M thèm cảm giác mang nặng đẻ đau. Đứa con sẽ làm nguôi ngoai đi những nỗi đau của chị. Nó sẽ mang khuôn mặt của chị, vóc dáng của một vị khách nào đó. Thậm chí M sẽ không nhớ nổi bố nó là ai... - (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
 
Cuộc sống tước đoạt đi của chị nhiều thứ, và chị giành giật lại chúng trong một cõi vô hình. Chị mang nặng đẻ đau trong tâm tưởng của mình. Nó được hồi sinh từ chính bào thai bị đánh trụy máu hôm nào.
Chị đặt tên cho nó là con. Hàng ngày, chị vẫn dành thời gian để tâm sự với đứa con vô bé bỏng đáng thương của mình .
“Không phải chị tâm thần đâu em ạ. Từ nhỏ mẹ chị đã luôn nói, những người sống vẫn liên kết được với người đã khuất, bằng một sợi dây vô hình nào đó. Chị cũng luôn nằm mơ thấy bà trong những lúc đau đớn nhất tủi nhục nhất của đời mình. Trong giấc mơ, chị thấy bà bế con chị trên tay, khuôn mặt nó đẹp như tiên đồng ấy em ạ”. 
Người phụ nữ bất hạnh đang tìm cách vịn vào chính những mất mát tổn thương của mình để mà đứng dậy sống tiếp.
Giấc mơ chị kể làm chúng tôi xót xa. Chúng tôi nghĩ đến bờ biển dài tuổi thơ chị, người mẹ cam chịu trong những lời rủa xả, giọt máu đánh mất, người bưng khay, gái nhảy, gái bán dâm, những ngày tháng vẫy vùng trong tủi nhục…
Ai đó có thể cho rằng đó là sự quả báo, nhưng nó lại là những điều còn sót lại sau cùng trong cuộc đời này, để an ủi chị. 
phần cuối:

Bước ngoặt sau đêm kinh hoàng

 Tại ngôi nhỏ nhắn nằm núp dưới tán phi lao ven vùng biển nghèo xác xơ một thời ấy, chúng tôi rưng rưng chứng kiến phép nhiệm màu, điều kỳ diệu của cuộc đời chị. Một bé gái xinh xắn đáng yêu, vừa mới đi học về, tóc bím tết gọn hai bên, ngoan ngoãn khoanh tay cất tiếng thưa: “Con chào mẹ ạ”
Người đàn ông mang tên “định mệnh”
 Chiều muộn dần, thủy triều dâng từng đợt sóng tấp lên bờ cát. Những hạt cát chịu bỏng rát suốt cơn nắng hè như được xoa dịu, mơn man theo những con sóng tìm về lòng biển mát lành.

Chị ôm cô con gái có đôi mắt trong veo như gió vào lòng, bàn tay đã bắt đầu nhăn nheo và khô sần lại vì nắng, vì cát, vì cái mặn mòi của biển. Nhưng nhìn vẻ thích thú của cô bé, chúng tôi đoán bàn tay đó cũng ấm áp, ân cần và dịu dàng, như bàn tay của bất cứ bà mẹ nào trên thế gian này.

...Đó là một ngày mùa đông trời lạnh căm căm, buốt da buốt thịt. Khách vẫn nườm nượp tìm đến vũ trường với áo khoác lông, khăn len cừu, bao tay da để uống vài ngụm rượu mạnh, ngắm những cô vũ nữ bốc lửa xiêm áo mỏng manh nhảy nhót cho… ấm người.

Mấy người chị em của M co rúm trong phòng chờ đến lượt. Nhưng lúc bắt đầu thì cô nào cũng run lên vì lạnh, rồi chỉ cần uốn éo giật lắc vài phút là người bắt đầu nóng ran.

Đến khi kết thúc bài thì mồ hôi mồ kê đã lấm tấm khắp người. Mấy chị em M vẫn đùa nhau đó là cách làm ấm của những cô gái nhảy.

 
Tại ngôi nhỏ nhắn nằm núp dưới tán phi lao ven vùng biển nghèo xác xơ một thời ấy, chúng tôi rưng rưng chứng kiến phép nhiệm màu, điều kỳ diệu của cuộc đời chị (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
 
Hôm ấy M may mắn có khách gọi đi. Nói là may mắn vì “những ngày trời lạnh như thế, có ai ham hố chuyện ấy đâu. Đến cởi áo ra thay còn thấy ngại nữa là. Đám gái vũ trường “ế” cả, các má cũng chẳng buồn hỏi han đứa nào, chỉ chăm chăm lượn qua các bàn xem hôm nay có đại gia nào boa mạnh tay. Thế nên chị mới luôn nghĩ, ngày hôm ấy như định mệnh của cuộc đời chị vậy”.
Khách của M là một người đàn ông kỳ quặc, thô lỗ và bạo ngược. Khách đưa M về nhà, khóa chặt cửa lại, cởi bỏ quần áo của M và bắt chị đứng im như vậy khi mở toang hết các cánh cửa sổ mặc gió lùa nghe buốt óc.

“Chị có dự cảm chẳng lành, nhưng lúc ấy chị muốn bỏ chạy cũng không được nữa rồi. Khôn ngoan lúc ấy là cam chịu phục tùng mọi mệnh lệnh của khách. Một lúc sau, ông ta bắt đầu lấy trong tủ ra một miếng vải trắng bó chặt người chị lại, không thở được. Chỉ nhìn thấy ông ta đưa một cái bóng đèn đang sáng vào sâu phía bên trong chị, nghe thấy cả tiếng thủy tinh vỡ vụn, đau đớn”.

Rồi lại “may mắn”, đứa con gái của ông ta về nhà và giải cứu cho M. “Hóa ra ông ấy bị tâm thần lên cơn em ạ”. M tủi hổ và sợ hãi nhớ lại những hình ảnh kinh hoàng đêm hôm ấy.

M lao ra khỏi căn nhà của người đàn ông bệnh hoạn. Ánh đèn vàng loang loáng trên mặt đường đã bắt đầu lấm chấm mưa. Chị ngất lịm đi trong cơn đau khủng khiếp và cảm giác ê chề, nhục nhã. Gió mưa vẫn thốc mạnh từng cơn.

M tỉnh dậy trong mùi thuốc sát trùng và kháng sinh nồng nặc ở bệnh viện. Các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật để chữa vết thương cho M.

Vị ân nhân đang ngồi bên cạnh giường M nằm, “ngay từ lúc nhìn thấy anh ấy, chị đã chợt nghĩ tên anh là “Định Mệnh!”.
           
Và hạnh phúc mỉm cười

Đứa con gái tóc tết hai bím xinh xắn đang ngồi ngoan ngoãn trên đùi M. Chúng tôi hỏi chị nó giống bố phải không vì thấy nó không có nét của chị, mà chúng tôi nhớ rằng chị đâu còn khả năng làm mẹ nữa.

M cười mỉm, ánh mắt dịu hiền, bao dung “Không, cháu nó giống mẹ ruột”. Rồi chị vuốt ve nhúm tóc đen láy của đứa bé âu yếm nói: “Nhưng bây giờ mẹ là mẹ ruột của con rồi mà nhỉ”. Đứa bé dụi đầu vào lòng M, như biết cả, biết hết.

Người cứu chị trong đêm kinh hoàng ấy là một người đàn ông “mang trái tim của biển”. M bảo cái này mãi sau này, khi đứng trước biển cả mênh mông M mới nghĩ ra như vậy.

Anh cũng là đứa con của biển, sinh ra và lớn lên với cá với muối. Sức vóc, cần lao. Cuộc đời anh toàn ký ức buồn đau và thương xót. Bố mẹ anh chết sớm trong một trận lũ quét.

Anh lớn lên như cây cỏ. Rồi trưởng thành, rồi lấy vợ, sinh con, như tất cả những người đàn ông bình thường miền biển. Nhưng hạnh phúc không ở lại với anh. Người vợ có mái tóc cháy vàng và đôi mắt đa tình đã trốn theo con tàu của người đàn ông đến từ nơi khác, bỏ mặc hai bố con anh nheo nhóc côi cút.

Anh quyết tâm đi tìm vợ, tìm mẹ lại cho con. Anh đến khắp nơi, làm đủ nghề để sống. Cuối cùng thế nào anh phiêu dạt tới mảnh đất của những đêm trắng với vũ trường và những con bướm đêm.

Trở về với biển, với người đàn ông hết mực yêu thương mình, M rũ bỏ hết quá khứ của mình...(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
 
“Anh ấy tốt lắm, hiền lành và thật thà nữa. Quan trọng nhất là anh ấy chấp nhận quá khứ nhơ nhuốc của chị, không khinh thường chúng. Trong suốt thời gian chung sống với nhau, chưa bao giờ anh ấy nhắc lại nó, cũng chẳng lấy nó ra để mà rẻ mạt chị.
Anh ấy thương chị lắm. Em biết đấy, những đứa con gái như chị thì còn chờ đợi điều gì hơn được nữa. Ngay hôm đầu tiên trở về đây, anh ấy đã nói với chị là đã mang hết quá khứ hòa tan vào biển rồi”.
Vậy là M trở về với biển, trở về nơi chị đã sinh ra. Bãi cát vàng óng ánh lên những phút giây trong trẻo của tuổi thơ.

M cùng mẹ đón chiếc thuyền trở về sớm tinh sương với những con cá vảy bạc tươi rói. Nơi bố M trút ghen tuông xuống biển, để mẹ chị buộc tảng đá vào chân và chết chìm trong đó. Nơi M có mối tình đầu. Nơi giọt máu duy nhất của chị nhuộm đỏ những con dã tràng. Bố chị tỉnh cơn say và bỏ đi đâu đó, biền biệt.
           
“Người ta làm lại tức là người ta trở về em ạ. Nhìn thấy biển, chị chỉ biết nhảy ào xuống. Nước biển vỗ rôm rốp vào người. Ôm ấp, vuốt ve. Cảm tưởng như những nỗi đau của mình được gột rửa. Và từng tế bào cứ thế hồi sinh”.

Chúng tôi nhìn vào đôi mắt đang ánh lên những tia sáng hạnh phúc của người phụ nữ đã trải qua bao mất mát đau thương mà thầm nhủ. Ai ngờ, biển dữ dội cồn cào, mà biển cũng bình yên, diệu kỳ đến thế.

Đứa bé gái tìm được mẹ của mình bắt đầu thấy đói bụng, phụng phịu đòi mẹ đi nấu cơm. Chúng tôi nhìn ra ngoài, trời cũng bắt đầu nhá nhem tối. Lúc dắt xe ra đến đầu đường, chúng tôi gặp một người đàn ông đang đội một thúng vọp đầy.

Chúng tôi tin chắc đó là “Định Mệnh”. Anh đang bước những bước rất nhanh để trở về nhà, như mong đợi lắm...

Chợt nghĩ đến những câu hát trong một bài rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và quyết định dùng nó để khép lại những trang ký ức thấm đẫm buồn đau và cả góc nhỏ bình yên như cổ tích của chị: “Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. Còn cuộc đời ta cứ vui”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?