Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Người mẫu nam sau ánh hào quang

Kỳ 1: Nhọc nhằn với giấc mơ “sao”
TT - Âm nhạc và ánh đèn màu lấp loáng, sàn diễn thời trang lung linh. Khoác trên mình những mẫu quần áo mới nhất, bước chân song hành bên những người mẫu nữ tuyệt đẹp... lúc ấy những người mẫu nam trở thành những “mỹ nam” được số đông công chúng ngưỡng mộ. Thế nhưng phía sau ánh hào quang ấy, chân dung và cuộc sống thật của họ thế nào?
Đầu năm 2008, từ bỏ vị trí trưởng phòng kỹ thuật của một đơn vị truyền hình ở Sóc Trăng, Hoàng Phi lên Sài Gòn đăng ký học khóa đào tạo người mẫu. Phi kể: “Khi mới vào học, tôi choáng vì gặp nhiều người nổi tiếng trong công ty. Nhìn các anh mặc những bộ đồ đẹp, sang trọng và nghe các anh nói chuyện về những show diễn lớn, tôi mơ tới ngày như thế. Nhưng với tôi, con đường được đi trên sàn catwalk rất khó khăn”.
Giá của đam mê
Lớp học chưa tới 40 người. Mỗi tuần chỉ học sáu giờ. Học viên chỉ được dạy hai điều cơ bản nhất của một nam người mẫu là cách đi catwalk và tạo dáng trước ống kính. Thỉnh thoảng, học viên được học diễn một số tiểu phẩm vì mới vô ai cũng nhát, ngại thể hiện mình trước cặp mắt nhiều người. “Đó là cách để chúng tôi có kinh nghiệm khi đi... đóng quảng cáo. Còn phong cách riêng là điều mà mỗi người mẫu phải tự tìm tòi, học hỏi, quan sát, biết mình có thế mạnh gì. Về nhà tôi dành hai tiếng tự luyện tập” - Hoàng Phi kể. Nửa năm sau, Hoàng Phi mới được công ty đưa đi diễn những show nhỏ.
Học xong, Phi... hoang mang vì không biết ngày mai sẽ như thế nào. Đó là khoảng thời gian Phi chưa đoạt giải nhất Ngôi sao người mẫu 2010. Show diễn ít. Người mẫu nam lại quá nhiều. Nhưng không thể bỏ nghề vì quá đam mê. Những show như chụp hình áo cưới, catalogue, làm lễ tân khai trương khách sạn... Phi nhận hết. “Tiền bạc là một chuyện nhưng lý do quan trọng hơn là được diễn. Đó là đam mê từ xương tủy” - Hoàng Phi bảo. Anh làm thêm ở một hãng thời trang từ 9g-15g30. Thời gian còn lại là tập thể hình và thỉnh thoảng đi show nhỏ. Chàng người mẫu ấy còn phải hoàn thành thời gian học của khoa quản trị kinh doanh.
Khi trình diễn catwalk hay chụp hình thời trang, Hoàng Phi được mặc những bộ đồ vest sang trọng, đắt tiền. Nhưng khi rời sàn diễn, Hoàng Phi vẫn ở nhà thuê, đi chiếc xe của chị gái, mặc những bộ đồ giá bình bình và phải chi tiêu tiết kiệm. Một tháng Phi chỉ dùng 3-4 triệu đồng cho tất cả mọi thứ: tiền nhà, tiền xăng, tiền ăn uống, tiền chi tiêu lặt vặt... Thu nhập chông chênh từ diễn catwalk khiến bữa ăn của nhiều nam người mẫu không đạt như tiêu chuẩn.
“Nếu đúng chuẩn, chỉ riêng phần ăn uống đã chiếm hết thu nhập một tháng. Đã thế, là người mẫu thì phải xuất hiện trước công chúng với những bộ áo quần mới, có phong cách. Tiền mua trang phục là cả một vấn đề với tôi. Cứ 2-3 tháng tôi mới mua một lần với số tiền không quá 2 triệu đồng” - Hoàng Phi thật thà chia sẻ. Anh tâm sự: “Cái nghề này không đổ máu nhưng phải đổ mồ hôi rất nhiều. Những chương trình chúng tôi phải tập từ 3-3,5 giờ. 22g diễn xong, gần 23g mới về đến nhà. Có những đêm đi diễn về một mình tôi thấy mệt, cô đơn và buồn dù lúc chuẩn bị lên sàn diễn rất háo hức”.
Người mẫu Thành Nghiệp đi làm bằng chiếc xe Wave RS mua từ tiền đi diễn - Ảnh: My Lăng
Tích cóp ước mơ
Sinh năm 1988, cao 1,86m, Thành Nghiệp đã tốt nghiệp Đại học dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM và đang học nâng cao về lập trình. Năm 2008, khi mới bước chân vào làng người mẫu, Thành Nghiệp đang thực tập ở một công ty điện thoại từ 18g-22g. Sáng vẫn đi học đến 11g30 về, ăn cơm xong là tập đi catwalk trong phòng. Dãy phòng trọ bình dân dành cho sinh viên ở Q.9 với giá 300.000 đồng/tháng, không ai biết anh chàng sinh viên cao nhồng, mặt đẹp trai, hiền hiền ấy đang bùng cháy giấc mơ trở thành người mẫu. Cứ tranh thủ giờ nghỉ trưa, Thành Nghiệp lại đóng cửa phòng tập đi catwalk. Căn phòng xuất hiện một chiếc gương lớn. Chàng sinh viên cứ đi tới đi lui từ đầu này đến đầu cuối căn phòng, soi gương xem mặt góc nào đẹp, tạo dáng đi, dáng đứng. Nghiệp tải nhạc về điện thoại. Khi tập, đặt điện thoại vào trong ly thủy tinh để nghe cho... chuẩn hơn.
Hằng tháng ba mẹ chỉ gửi cho con trai 600.000 đồng - một khoản tiền quá chật vật để sống ở Sài Gòn. Buổi tối những ngày cuối tuần, chàng người mẫu xin làm phục vụ nhà hàng 2-3 giờ (150.000 đồng/buổi). Thành Nghiệp còn bán mỹ phẩm trên mạng, mỗi tháng lời 500.000-1.000.000 đồng. Có thời gian Nghiệp làm việc ở shop thời trang từ 18g-22g30 mới xong. Thứ bảy và chủ nhật cũng không được nghỉ. Mỗi tháng chỉ nhận được 600.000 đồng nhưng Nghiệp vẫn không dám bỏ việc. Anh chàng lấy tiền đó mua quần áo, giày. “Mỗi show diễn tôi bỏ ra một phần thù lao đi diễn mua dần từng cái áo, cái quần, đôi giày, dây nịt. Bây giờ tôi đã có hai bộ vest đen trắng lịch sự xuất hiện ở những nơi mình đến” - Thành Nghiệp kể. Khi có show chụp hình, Nghiệp lại đi mượn trang phục của Kenzo hoặc Mizada. Khoác lên mình những bộ cánh lịch thiệp, sang trọng. Đêm khuya về căn phòng trọ bình dân, bữa ăn của một người mẫu đôi khi là tô mì gói pha trứng gà và chuối.
Năm 2010, Thành Nghiệp mới dành dụm tiền mua được chiếc Wave RS. Trước đấy, mỗi lần đi diễn thì ké người bạn cùng phòng hoặc có khi anh chàng đón xe ôm. Thành Nghiệp bảo: “Đã có lúc tôi định bỏ nghề vì quá nhiều áp lực. Hàng xóm xì xầm, nói tôi phải ăn ngủ với đạo diễn, bầu show, phải “bóng gió” mới được đi diễn. Khi đó lịch học lại nhiều. Công việc và cũng là đam mê của mình quá chênh vênh. Khó khăn thì nhiều mà cám dỗ lại không ít”.
Siêu mẫu làm nhiều nghề
Tháng 10-2010, Lê Khôi Nguyên đoạt giải 3 Siêu mẫu VN 2010, tháng 1-2011 đăng quang Mister Vietnam 2010 và bây giờ đang tham gia cuộc thi Mister International 2011 tổ chức tại Philippines. Hai năm trước, chàng trai miền Tây 21 tuổi lên Sài Gòn nhập học, mẹ nhín tiền lương hưu cho mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Chỉ riêng tiền nhà đã hết 500.000 đồng. Nguyên và ba người bạn thuê căn phòng 20m2 bên Q.8. Tối nằm ngủ xếp lớp như cá mòi trong hộp! Tự đi chợ mua đồ ăn, tự nấu nướng. Có những tuần gần hết tiền, Nguyên không dám xin mẹ mà mua thùng mì gói về ăn thay cơm.
Nguyên kể: số tiền 2 triệu đồng mà Nguyên đóng để học khóa đào tạo người mẫu hồi tháng 3-2010 là tiền người bác dâu cho khi thấy thằng cháu quá mê nghề người mẫu. Vậy là cứ chiều tối, Nguyên lại chạy xe đi học tới 19g30 mới xong. Chàng người mẫu này hiện còn làm nhiều nghề tay trái: chụp hình thời trang, dự event, chụp hình quảng cáo sản phẩm... miễn là có thể kiếm tiền chân chính để mình có “lực” theo đuổi giấc mơ catwalk.
MY LĂNG
----------------------------------------------------
Cỡ 10 show diễn thời trang thì chỉ ba show là cần đến người mẫu nam. Nhiều lúc có mấy chục “mỹ nam” vật vờ từ giữa trưa tới 20g thì nhạc chỉ đủ cho năm cặp nam nữ diễn, 20 người còn lại ra về với ít tiền “công chờ”... 

Kỳ 2: Trọng - khinh sàn diễn
TT - 20g một ngày cuối tháng, nam người mẫu H.C. dẫn chúng tôi vào khu dành riêng cho người mẫu trong buổi khai trương một club trên đường Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM). Nơi trang điểm và thay đồ chính là phòng vệ sinh.
Phòng vệ sinh nhỏ hẹp được tận dùng làm nơi trang điểm cho người mẫu trước giờ diễn (ảnh chụp tại buổi khai trương một bar ở Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: My Lăng

Căn phòng đa giác dài hơn 1,5m với bề ngang chỉ 0,5m chen chúc tám người gồm người mẫu và nhân viên trang điểm đứng sát rạt nhau. Những người mẫu đến trễ hoặc đợi tới phiên mình trang điểm đứng lố nhố nép sát vào hành lang thành một hàng dài. Trong bề bộn những gương mặt giữa nhập nhòa sáng tối, xen lẫn trong dàn “sao” bự của giới người mẫu nữ là những gương mặt sáng của giới người mẫu nam: Quang Hòa, Xuân Thu, Gia Ngọc, Hà Trọng Tài, Trung Cương...
Gập ghềnh những bước chân rất dài
T.Tr. - nam người mẫu quê Đà Lạt - ghé tai nói như hét trong tiếng nhạc vặn quá cỡ: “Nhận được mấy “sô” khai trương bar như thế này cũng ngon lắm. Có bar còn mời người mẫu đến giả làm khách, đứng 1-2 giờ trả 300.000-800.000 đồng/tùy người. Có nơi mời liên tục 1-2 tháng. Tụi tui chia ca, xoay tua làm. Cứ chờ “sô” thời trang thì đói chết. 10 “sô” thời trang chỉ có ba “sô” cần nam thôi”. T.Tr. cao 1,82m, sinh viên năm 3 lớp cử nhân tài năng khoa xây dựng một trường đại học tại TP.HCM. T.Tr. từng lọt vào top 20 cuộc thi Siêu mẫu 2010.
Hỏi sao đến sớm vậy trong khi 10g mới diễn, T.Tr. cho biết: “Hai giờ nhằm nhò gì. Có những “sô” tụi tui phải tới sớm, ngồi đợi trang điểm rồi vật vờ đợi tới lúc diễn cả nửa ngày trời. Có “sô” còn lâu hơn”. Một lần, T.Tr. nhận hợp đồng diễn body art cho một bar trên đường Đồng Khởi. Từ 11g30 tới 20g mới được lên sàn diễn. Nhưng nhạc chỉ đủ cho năm nam, năm nữ diễn. 20 người còn lại lủi thủi đi về sau khi nhận được một số tiền trả “công chờ”. “Với những người làm nghề này, tiền đôi khi không phải là thứ cần nhất. Chúng tôi thích cảm giác được trình diễn, bước đi trên sàn catwalk” - T.Tr. khẳng định.
Anh chàng tiết lộ: “Số tiền người mẫu nhận bao giờ cũng bị công ty ăn chặn 30-50%. Người mẫu hạng B và nhất là hạng C, mỗi người một giá. Ai có mối quan hệ tốt với bầu “sô” và một số nhân vật khác thì sẽ được lấy đúng số tiền của mình. Thường là bị ăn chặn mất một phần. Ai không chịu thì... ở nhà! Có người bị ăn tới 70% tiền thù lao nhưng không dám phản ứng vì sợ lần sau họ sẽ không gọi mình nữa”.
“Đôi khi cảm giác nhận một “sô” diễn hay chụp hình là một cuộc mặc cả giá trị của chính mình - “Người đàn ông lịch lãm” của cuộc thi Mister Vietnam 2010 Vũ Duy Hưng chua chát tâm sự - Không ai định mức giá cụ thể cho người mẫu tự do. Khách hàng phải thông qua công ty, người môi giới. Chúng tôi không biết giá trị thực tiền thù lao của mình là bao nhiêu nên chịu nhiều thiệt thòi”.
Thù lao diễn catwalk của người mẫu nam hạng A từ 1.500.000-3.000.000 đồng/sô, hạng B từ 700.000- 1.000.000 đồng/sô, hạng C 200.000-400.000 đồng/sô. Với một người mẫu vơđét, mỗi tháng cũng chỉ nhận được 4-5 “sô”. “Phải chịu khó đi chơi, tiếp xúc với giới người mẫu, bầu “sô” và nhiều giới khác thì người ta mới biết tới mình, có “sô” thì gọi đi. Nhưng như thế người mẫu phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình. Hồi mới vào nghề, tui từng đi bar tới 2-3g sáng mới về”, T.Tr. thành thật kể.
“Cái nghề này với nam không cạnh tranh ghê gớm như nữ nhưng không phải là không có - Duy Hưng cho biết - Người mẫu thì nhiều, “sô” diễn lại rất ít. Sự cạnh tranh nhau ngay từ trang phục. Người chưa có tên tuổi thì phải mặc những bộ đồ không đẹp bằng. Ai cũng muốn mặc đồ đẹp ra diễn dù có những chương trình, nhà thiết kế đã để tên từng người. Vậy mà cứ ai tới sớm là giành lấy đồ đẹp dù mặc chật, mặc ngắn. Tôi từng chứng kiến những người mẫu mặt xanh mét khi sát tới giờ diễn mà trang phục bỗng dưng... bốc hơi!”.
Còn người mẫu Đỗ Bá Đạt kể: “Mỗi lần đi diễn tôi phải mang theo 2-3 đôi giày, 2-3 dây nịt phòng ngừa bị lấy trộm”. Người mẫu Nam Thành kể thêm: “Mỗi lần diễn tôi thường mang theo 2-3 đôi giày để thay khi trình diễn trang phục vest, đồ thể thao. Người ta giấu mất để khi tôi diễn đồ vest phải mang giày thể thao hoặc mặc đồ thể thao lại đi giày tây. Họ cố tình muốn thầy thấy tôi không chuyên nghiệp trong từng bộ đồ diễn, muốn tôi bị điểm trừ trong mắt thầy”.
Những cuộc chạy đua ngầm
Có một kinh nghiệm mà nhiều nam người mẫu đều nhận ra sau một thời gian lăn lộn với nghề: những hợp đồng lớn đôi khi không rơi vào tay người mẫu nổi tiếng nhất hay phù hợp với sản phẩm đó nhất, mà còn dựa vào mối quan hệ của người mẫu tới đâu. H.C. dẫn chứng trường hợp về người mẫu Đ., một trong số nam người mẫu có hình thể đẹp nhất VN hiện nay.
Nhiều người trong giới bất ngờ khi Đ. nhận hợp đồng quảng cáo cho dòng thời trang công sở M của một hãng thời trang lớn tại VN. Tuy Đ. có hình thể đẹp nhưng anh chưa bao giờ chụp hình trong trang phục công sở. Về sau mọi người mới “à, ra thế” khi biết một trong những nhà thiết kế chính của dòng thời trang M là bạn thân của người mẫu Đ.!
Trong thế giới này, danh hiệu của người mẫu đôi khi không phải là lựa chọn của khách hàng. Danh hiệu đi liền với thù lao. Thù lao phải tương xứng với danh hiệu. Thế nên, một thực tế mà nhiều nam người mẫu nổi tiếng hiện nay hoặc những người đạt danh hiệu tại các cuộc thi gặp phải là nhận được ít hợp đồng quảng cáo, sô diễn hơn những người chưa tiếng tăm lừng lẫy. Lý do chính: thù lao!
Người mẫu H.C. khẳng định: “Bị giật “sô” là chuyện bình thường. Có những khách hàng chấp nhận mời một người tiếng tăm không bằng nhưng thù lao thấp hơn”. Bản thân H.C. có lần đã nhận lời chụp hình quảng cáo cho một công ty dệt may lớn ở Sài Gòn với cái giá hơn 2.000 USD. Nhưng sau đó, hợp đồng này lại rơi vào tay một đồng nghiệp của H.C. có chiều cao thấp hơn nhưng cái giá mà anh này đưa ra chỉ là 700 USD!
“Sau sự cố đó nhiều người hỏi tôi sao không chịu hạ giá mình xuống. Tôi không đồng ý với cách nghĩ đó. Danh hiệu, sự nổi tiếng, quá trình lao động nghệ thuật là giá trị của riêng mỗi người. Nếu làm như thế là chính tôi hạ thấp giá trị của mình”, H.C. giải thích. Nhưng H.C. cũng tiết lộ: cách thông minh nhất mà một số người mẫu hiện nay đang làm là tạo mối quan hệ trực tiếp với các công ty quảng cáo để không bị mất “sô”.
T.Tr., chàng người mẫu đến từ Đà Lạt, chiêm nghiệm: “Với những người dưới quê như tôi, thấy nghề người mẫu rất hoành tráng, được nổi tiếng, săn đón. Nhưng thật ra nghề này bèo nhèo lắm. 27 tuổi là ế rồi, phải làm nghề khác. Ý thức được điều đó nên tôi cố gắng học thật tốt. Phải chăm lo cho nền tảng vững chắc ngay từ bây giờ...”.
MY LĂNG
_________________
Không chỉ ở giới người mẫu nữ, trong điện thoại của không ít người mẫu nam cũng xuất hiện những tin nhắn đầy cám dỗ của tiền, tình và những lời hứa...

Kỳ 3: Bẫy rập cuộc đời
TT - “Anh lớn tuổi, có gia đình, có nhiều tiền nhưng không có con, thích cảm giác lạ. Anh đang ở khách sạn S phòng 603. Em đến chơi với anh đi. Anh cho em 700 USD”. Tôi im lặng.

Người mẫu nam trong một show diễn cạnh người mẫu nữ - Ảnh: Gia Tiến
Lại một tin nhắn nữa gửi đến: “Ngủ với anh một đêm em lấy bao nhiêu?”, người mẫu B.Đ. kể lại một trong những tình huống từng gặp và làm Đ. sốc khi mới vào nghề. Nhưng đâu chỉ có thế, nhiều bẫy rập khác luôn giăng ra cạnh sàn catwalk.
Show diễn “kinh hoàng”
Cao 1,82m, gương mặt đẹp trai kiểu thông minh và một thân hình đẹp, S.M. là một trong những người mẫu nam đang dần khẳng định năng lực của mình. Sau gần bốn năm sống giữa môi trường đầy thị phi này, S.M. vẫn không quên được những show diễn đầu tiên của mình.
 Tháng 8-2009 - khi ấy S.M. mới trở thành tân sinh viên một trường cao đẳng ở TP.HCM thì nhận được show diễn mà theo lời người giới thiệu là “rất ngon lành.
“Sàn catwalk” nằm trên sân thượng của một... spa dành cho giới gay. Cái non nớt của một người mới vào nghề đã làm cho M. không đủ khôn ngoan để hỏi chi tiết về show diễn. Tâm lý chỉ cần có show diễn, được đi trên sàn catwalk để thỏa mãn niềm đam mê khiến M. không đủ can đảm từ chối đêm diễn ấy.
“Show có mười người mẫu nam. Mỗi người chúng tôi diễn ba mẫu thiết kế. Chúng tôi phải mặc những chiếc quần rất gợi cảm, mỏng tanh, bó sát, hở tùm lum. Dù đã đeo mặt nạ nhưng chân tay tôi luýnh quýnh muốn ríu lại. Mỗi màn trình diễn người ta yêu cầu chúng tôi phải đứng múa may 4-5 phút trong khi người xem ở dưới hú, huýt sáo, la hét phấn khích đến ghê rợn!”, M. kể.
Khi bước xuống bậc thang dành cho người mẫu, M. rùng mình khi bị những bàn tay xa lạ thô thiển giành nhau sờ mó. Chàng người mẫu trẻ măng mặt còn búng ra sữa gai người, nóng ran mặt vì thấy ghê và sợ.
Khi ấy M. mới bước qua tuổi 18 được mấy ngày! M. tự trấn an: mình đeo mặt nạ diễn nhìn thấy người ta, còn người ta không biết mặt mình. Thù lao cho show diễn “kinh hoàng” đó là 200.000 đồng.
Tuy nhiên, những trải nghiệm đó vẫn chưa đủ để S.M. vượt qua những non nớt của cái tuổi 18 mới tập tành vào nghề. Sau khi đoạt một giải phụ trong cuộc thi siêu mẫu năm 2010, S.M. nhận lời diễn một show thời trang ở một bar đồng tính.
“Chỉ diễn một tiếng nhưng được tới 2 triệu đồng. Với một người mới vô nghề như tôi, đó là cái giá không thể đắn đo”, S.M. giải thích lý do nhận lời. M. không ngờ một người bạn của thầy anh ở Công ty PL cũng có mặt trong buổi trình diễn đó “méc” với thầy.
“Thầy giận, cắt show tôi suốt một năm. Tôi choáng váng! Chỉ vì muốn thể hiện mình, thích được khoe cơ thể mà tôi không lường trước hậu quả của việc nhận show dễ dãi như vậy sẽ giết chết hình ảnh mình như thế nào. Thật ra qua cuộc thi nhiều người đã biết tôi đẹp như thế nào rồi. Cái sau đó là tôi cần phải giữ hình ảnh của mình nhưng khi ấy tôi chưa nghĩ được như vậy”, S.M. nói.
Cái chết của một “giấc mơ vươn tới một ngôi sao”
Ngồi thu mình trong góc tối một quán cà phê tĩnh lặng, K.T. - chàng người mẫu 25 tuổi, cao gần 1,9m, gương mặt điển trai - im lặng rất lâu mới đủ sự tĩnh tâm để gợi nhớ lại một trải nghiệm như vết xước đau đớn trên con đường nghệ thuật của mình.
Tháng 9-2007, trước khi K.T. đầu quân cho Công ty PL, đã xảy ra một sự cố mà mỗi khi nghĩ lại T. vẫn thấy ghê tởm và trách mình. Một công ty tổ chức sự kiện và đào tạo người mẫu mới thành lập ở quận Phú Nhuận mời T. chụp ảnh bán nude không thù lao để quảng cáo cho công ty và lăngxê hình ảnh của T..
“Tôi nhận lời vì chỉ chụp ảnh bán nude và tin rằng sẽ được lăngxê hình ảnh mình”, T. giải thích. Stylist cũng chính là giám đốc công ty. Lúc chụp ảnh, T. thấy lạ và thắc mắc khi stylist cứ bắt anh thực hiện những động tác kỳ cục rồi tìm đủ mọi lý do bảo T. cởi dần, cởi dần rồi cởi hết đồ.
Anh ta giải thích: phải chụp như thế để chọn ra những tấm đẹp nhất, phải cởi hết quần áo mới tôn hết những đường nét đẹp trên cơ thể T. và công ty chỉ sử dụng những tấm bán nude để quảng cáo.
T. bảo: “Tôi rất ngại ngùng khi họ yêu cầu rồi nài nỉ và ép buộc tôi phải tạo dáng trong tình trạng trên người không còn gì che chắn”.
“Sau buổi chụp hình đó, tôi thấy như mình đánh mất đi một thứ quý giá mà mơ hồ quá, không biết đó là gì. Chỉ biết mình rất hụt hẫng, đau và nổi da gà ghê sợ mỗi khi nhớ lại. Họ hứa sẽ đưa hình ảnh của tôi lên PR cho công ty nhưng họ không làm như thế”, K.T. kể.
Một thời gian sau, khi vô phòng tập K.T. nghe một người bạn hỏi: “Sao em lại chụp những tấm hình như vậy rồi lại còn đưa lên trang web của cộng đồng gay?”.
K.T. sững sờ, lặng đi không biết trả lời như thế nào. Anh tức tốc phóng xe qua ngay công ty kia, yêu cầu họ gỡ toàn bộ hình ảnh xuống khỏi trang web nọ. Những ngày sau đó, T. sống trong lo lắng, thấp thỏm và hoang mang.
Anh sợ công ty biết chuyện, sợ đồng nghiệp bàn tán về những tấm hình đó, sợ những hình ảnh đó sẽ xuất hiện đầy rẫy cùng những lời bình luận trên các trang thông tin điện tử. Nhưng nỗi sợ lớn nhất là T. lo lắng ba mẹ ở quê sẽ xấu hổ với dân làng, bà con chòm xóm.
“Rồi thì công ty cũng biết. Tôi không biết phải giải thích như thế nào với thầy và đồng nghiệp. Ở môi trường này, cạnh tranh và ganh ghét thì đầy rẫy, tìm một người để có thể chia sẻ đã khó, làm sao mơ tới chuyện mọi người hiểu mình, tin mình” - K.T. nói.
Người mẫu Vũ Duy Hưng - chủ nhân của giải “Người đàn ông lịch lãm” trong cuộc thi Mister Vietnam 2010 - thẳng thắn tâm sự: “Không ít người đi trước từng gợi ý thẳng với tôi: “Em muốn tiến xa hơn thì phải làm quen với người này”. Có người “khuyên”: “Khi đi event, ai đó muốn lăngxê em, muốn giúp đỡ em thì em phải hết lòng với người ta, làm cho người ta vui chứ đừng giữ kẽ!”.
Buồn nhất là có khi chính người quen biết tôi thăm dò: “Anh A để ý mày đó Hưng. Tối nay tao dẫn mày đi chơi với ảnh nha?". Những lời mách đường như vậy tôi chỉ nghe, chỉ nhìn chứ không đi theo”.
Chàng người mẫu quê Bắc Giang cho biết: “Tôi biết kiếm tiền từ năm lớp 4. Mỗi ngày ngồi làm hàng mã được 1.500 đồng. Tôi từng rớt nước mắt khi cầm đồng tiền sau một ngày đổ mồ hôi nên tôi hiểu kiếm tiền không dễ dàng, nhận tiền của người khác lại càng không dễ và khi trả lại càng khó hơn. Bất cứ sự cho - nhận nào cũng phải có sự trả giá”.
MY LĂNG
__________
Một doanh nhân ra giá cho những "mỹ nam" được chọn: 1.000 USD cho lần đi cà phê, 5.000 USD cho một bữa ăn tối. Cái gì chờ đợi những cuộc hẹn hò ấy?

Kỳ 4: Tình, tiền và...
TT - V.T., một stylist có tiếng trong giới người mẫu Sài thành, khẳng định: “Nghề này nếu không đẹp thì phải "độc". Nhiều người chỉ xuất hiện trên báo 2-3 lần là có đại gia tới rước, xóa bỏ quá khứ chân đất sình lầy lấm lem của mình để khoác lên những bộ đồ hàng hiệu trị giá cả nghìn đô, ăn ở nhà hàng sang trọng và đi du lịch với đại gia như đi chợ”.

Người mẫu Trung Cương tìm trang phục chuẩn bị cho một buổi diễn thời trang - Ảnh: My Lăng
V.T. tiết lộ mức giá của một nhà thiết kế - một doanh nhân nổi tiếng khi mời mọc những mỹ nam: 1.000 USD cho một lần đi uống cà phê, 5.000 USD cho một bữa ăn tối, ăn trưa. V.T. ví von: “Trong thế giới “bóng gió” này, những người mẫu nam đó giống như cung phi của nhà thiết kế - đại gia nọ. Buồn thì đại gia đến, “vui vẻ”. Ông ta coi người mẫu nam chỉ là một mắt xích trong bộ sưu tập “trang sức” hoặc “đồ chơi” của mình mà thôi. Công việc của người mẫu là diễn xuất. Nghệ thuật là luôn được sống trong cái đẹp, luôn phải lộng lẫy, sang trọng. Cho nên người mẫu phải có cái nền văn hóa vững mới không bị trượt”.
Chuyện tình trong bóng tối
Người mẫu Đỗ Bá Đạt (giải Người đàn ông trí tuệ cuộc thi Mister Vietnam 2010) kể: “Có người 2g-3g sáng còn gọi điện rủ tôi “qua nhà ông anh chơi”. 2g-3g sáng không ở nhà còn đi chơi gì! Rất nhiều bạn trẻ từ dưới quê lên, mới chập chững vào nghề đã bị “vợt” hết. Họ chịu để người ta “hành hạ” và đổi lại được diễn show này show kia. Có những người đi thi ráng lấy giải để sau đó được nhiều đại gia để ý, nâng đỡ, tiến thân”.
Còn người mẫu T.T. cho biết: “Không chỉ được những đại gia (có vấn đề về giới tính) để ý, nếu được quý bà để mắt tới và chịu “cho tình” thì tiền xài không hết. Ở đây không có sự ép buộc. Một bên đập tiền vô mặt. Một bên đưa mặt ra hứng. Họ hoàn toàn tự nguyện”.
Một số nam người mẫu đã thẳng thắn khẳng định: để được nổi tiếng, không ít người trong số họ phải có đại gia “chống lưng” và chấp nhận những mối quan hệ thuộc dạng... bí mật. Cuối năm 2010, giới người mẫu nam từng xôn xao chuyện giật vai diễn một cách trắng trợn của người mẫu N.L.. Lúc đầu, vai nam chính của một bộ phim truyền hình hành động nhiều tập đan xen tình cảm lãng mạn được giao cho người mẫu N.. Tuy nhiên, ngay sau đó vai nam chính lại được giao cho người mẫu L..
Một số người mẫu kể rằng L. đã đến gặp đạo diễn và yêu cầu (!?) giao vai nam chính cho mình. Đạo diễn kiên quyết từ chối vì ngoại hình ẻo lả của L. không hợp với sự mạnh mẽ, rắn rỏi của nhân vật. Đùng một cái ngay sau đó, vai chính được chuyển qua cho L., còn người mẫu N. bị đẩy xuống vai thứ! Người ta xì xầm rằng L. đã gây áp lực với đạo diễn bằng mối quan hệ mật thiết của mình với nhà sản xuất bộ phim này, vốn là một đại - đại - gia trong làng giải trí phía Nam.
Ngay sau khi N.T. - nam người mẫu xuất thân là nhân viên matxa cho những người thuộc thế giới thứ ba - đoạt giải trong một cuộc thi “nam vương”, giới người mẫu râm ran bàn tán chuyện một đại gia đã bỏ ra 500 triệu đồng để mua giải cho N.T.. Những tin đồn càng đẩy lên đỉnh điểm khi sau lúc đăng quang, N.T. hồn nhiên tuyên bố có người sẵn sàng đầu tư cho mình hàng tỉ đồng. Thu nhập từ sàn diễn catwalk vốn không ổn định, nhưng mỗi lần T. đi diễn đều có xe hơi bóng loáng đưa đón.
T. - một nam người mẫu hạng A - là “sản phẩm” của công nghệ lăngxê sau quá trình làm “người yêu” cho K., một đại gia trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bất động sản. Gần 15 năm trước, đại gia K. nổi tiếng về tính chịu chơi và thanh lịch trong giới gay đất Hà thành. Từ một người vô danh, T. đoạt giải nhì trong một cuộc thi tìm kiếm người mẫu và một thời gian dài giữ vị trí vơđét trên sàn catwalk phía Nam.
Đại gia K. đã hào phóng chi tiền rất mạnh tay trong việc mua quà tặng hàng hiệu đắt tiền cho T.. Mọi người còn quả quyết chiếc xe hơi mui trần hai cửa sành điệu trị giá hàng tỉ đồng mà T. đang đi là quà tặng của K.. Giới tính của T. là một bí mật. Gần đây, thiên hạ còn xì xầm chuyện T. đang yêu một nữ người mẫu xuất thân trong một gia đình danh giá.
Đằng sau những bước đi vững chãi của một số người mẫu nam trên sàn diễn là những cám dỗ "tình, tiền" - Ảnh minh họa của Gia Tiến
“Lửa” và “khói”
Khi người mẫu Nam Thành đang tập trung cho buổi chụp hình đồ lót tại một resort lớn ở Nha Trang, anh không biết có một đại gia lặng lẽ ngồi từ sáng đến chiều ngắm chàng người mẫu có thể hình đẹp nhất cuộc thi siêu mẫu 2010. Khi buổi chụp hình kết thúc, người đàn ông đó tới làm quen. Đại gia mới 30 tuổi, kinh doanh ximăng ở Đà Nẵng, chưa lập gia đình.
Đã ba lần đại gia bay từ Đà Nẵng vào Sài Gòn chỉ để được nhìn thấy chàng người mẫu có gương mặt sáng và đẹp như thiên thần, được đi ăn tối với anh trong hai tiếng rồi lại bay ra Đà Nẵng ngay. Ngày lễ tình nhân, dù đang ở nước ngoài công tác, vị đại gia si tình ấy vẫn nhờ người mang hoa và quà cùng tấm thiệp với những ngôn từ mà Nam Thành không dám treo trong nhà. Khi anh bị bệnh, đại gia đều gọi điện thoại hỏi han. “Thật sự tôi đã từng dao động khi thấy người ta quá chân thành với mình. Sau khi nói chuyện với ba tôi, tôi đã nhắn tin từ chối một cách cương quyết” - Nam Thành kết chuyện.
Hơn ba năm trước, giới người mẫu đã từng “sốt xình xịch” khi người mẫu Trung Cương được một đại gia mua tặng chiếc xe hơi trị giá 2,5 tỉ đồng và mang chìa khóa đến trao tận tay. Trung Cương rất thẳng thắn khi kể lại câu chuyện của chính mình. Anh bảo: “Đại gia đó là bạn của bạn tôi. Ba năm trước, người đó đã 48 tuổi. Họ tìm cách lấy được họ tên và số chứng minh nhân dân của tôi rồi tự đi đăng ký mua xe. Khi anh ta mang chìa khóa đến, tôi rất bất ngờ và choáng! Tôi từ chối vì xe không phải tiền mình mua. Thu nhập của tôi lúc đó gần 20 triệu đồng/tháng, làm gì có tiền đổ xăng xe hơi”.
Vị đại gia ấy không phải là người Trung Cương yêu. Sự việc đó đã làm anh mất đi nhiều thứ. Mối tình hơn một năm tan vỡ. Người yêu chia tay vì không tin chàng người mẫu này “không có gì” với đại gia kia. Trung Cương mất rất nhiều thời gian giải thích với gia đình. “Ba mẹ tôi nghĩ: không có lửa sao có khói! Chị gái tôi ở nước ngoài biết chuyện, tôi lại phải giải thích gãy lưỡi. Đã thế, tôi lại còn bị những người tình của đại gia nọ ghen tuông, quậy phá rất mệt mỏi! Một thời gian sau, khi tôi mua xe thì mọi người lại nghĩ chắc là của đại gia nào tặng. Khi tôi mới mở shop thời trang, người ta xì xào: chắc tiền của đại gia đầu tư!” - Trung Cương thở dài nói.
“Tôi nói thật, đa số người mẫu nam sau một thời gian làm nghề này đều bị “nữ hóa” - người mẫu H.L. thẳng thắn nói - Ngoài lý do trang phục (mặc những bộ quần áo bó sát người để tôn lên vẻ đẹp của trang phục và hình thể người mẫu khi trình diễn), ngoài phấn son tô vẽ trên mặt nhiều quá thì môi trường quá “âm tính” từ trang điểm, làm tóc, bầu show, đạo diễn cho đến bạn diễn và rất nhiều người khác, phần lớn là gay, pêđê... sẽ ngấm dần từng ngày vào người. Đôi khi chúng tôi bắt chước hoặc cười cợt chọc ghẹo một ai đó. Riết rồi một ngày giật mình khi thấy sao mình giống quá!”.
MY LĂNG
__________
Cạnh những điều tiếng thị phi trong nghề, luôn có những bài học về sự thành công bằng những nỗ lực khôn cùng. Câu chuyện nghề của hai anh em siêu mẫu.

 Kỳ 5: Đường đến thành công
TT - Làng người mẫu đã có một câu chuyện thú vị: hai anh em cùng học một thầy và cùng trở thành những siêu mẫu được chú ý.
Người mẫu Hồ Đức Vĩnh trên sàn diễn - Ảnh: Gia Tiến
Đó là Hồ Đức Vĩnh (sinh năm 1984), giải đồng Siêu mẫu VN 2003 và người em họ Đỗ Nguyễn Hoàng Long (sinh năm 1988), chủ nhân của giải vàng Siêu mẫu VN năm 2009.
Cậu bé phụ việc và chàng siêu mẫu
“Nhiều bạn trẻ bây giờ nghĩ về nghề đơn giản quá. Họ đến với nghề cũng dễ dãi quá. Chỉ cần làm mấy thứ vớ vẩn, nhảm nhí cũng đã được các trang thông tin mạng đưa lên tới tấp rồi tưởng mình là “sao”. Họ được công chúng biết đến không phải bằng tài năng hay cống hiến gì cho nghệ thuật mà là những chuyện đời tư tầm thường, những phát ngôn ngớ ngẩn”, siêu mẫu Hồ Đức Vĩnh ngán ngẩm nói.
Để đứng được trên sàn catwalk và tạo dựng một cái tên như hiện nay, Hồ Đức Vĩnh phải trải qua một thời gian dài học nghề từ những việc lặt vặt trong hậu trường.
Đầu năm 2002, Vĩnh đến Idecaf (Q.1) xin được học việc. Trước mỗi show diễn 8 giờ tối hằng tuần của Idecaf thì lúc 5g30 chiều Vĩnh đã có mặt để nhặt rác, quét dọn..., phụ dựng cảnh, treo màn, bắc ghế... Gần tới giờ lên sàn diễn, ai nhờ gì Vĩnh làm đó. Cậu bé hăm hở cầm đồ diễn đưa cho người mẫu thay rồi máng đồ của họ lên móc. Ai muốn ủi quần áo, Vĩnh ghim điện giùm hoặc ủi đồ diễn giúp. Khi buổi trình diễn kết thúc, người mẫu về nhà, còn Vĩnh thì lui cui xếp trang phục, bỏ vô thùng đưa cho nhà thiết kế mang về...
“Hồi đó làm những việc lặt vặt vậy nhưng mà thấy vui - Đức Vĩnh nói - Tôi thích trở thành người mẫu nhưng hoàn toàn không biết gì về nó nên muốn có một khoảng thời gian làm quen”.
Và Vĩnh đã cảm nhận được cả một kho tàng sống về thế giới người mẫu, biết tất cả các chuyện trên sàn diễn, trong hậu trường. Anh biết đóng từng cái đinh trên sàn diễn, trải tấm bạt trên đường băng để người ta bước đi. Đó là những giá trị nghề nghiệp mà chỉ có trải qua mới cảm nhận được.
“Tôi thấy thương nghề, thích nghề hơn từ những việc lặt vặt đó. Tôi biết trân trọng, nâng niu hơn từng trang phục diễn, từng bước đi của mình”, Vĩnh tâm sự.
Đức Vĩnh còn nhớ rất rõ ngày được thầy gọi lại bảo sẽ được diễn chung với các anh chị nổi tiếng trong chương trình hằng tuần của Idecaf. Chàng trai sướng lâng lâng cả ngày. Vĩnh đến từ rất sớm, ngồi đợi hậu đài tới phụ làm những việc lặt vặt như mọi lần và nôn nao chờ tới giờ diễn.
“Xúc động nhất là khi ánh đèn vàng đánh thẳng vô mặt. Lung linh, lạ lắm...”, Vĩnh hào hứng kể lại khoảnh khắc đẹp ấy. Anh kể tiếp: “Hồi đó ý thức của người mẫu cao lắm. Tối diễn thì cả ngày đó chạy phăng phăng ngoài nắng tới gặp tất cả các nhà thiết kế lấy trang phục. Mình phải chủ động gặp trước, năn nỉ nhà thiết kế cho thử đồ để khắc phục ngay những sự cố nhỏ như quần quá ngắn, quần hoặc áo hơi chật... Còn bây giờ nhà thiết kế phải mang đồ diễn tới tận nơi mà nhiều lúc người mẫu còn không thèm tới thử”.
Và khi Vĩnh tỏa sáng, vầng hào quang của nó đã mang đến cho Vĩnh những vinh dự mà nhiều người ao ước, trầm trồ: là người mẫu nam duy nhất xuất hiện trên sân khấu đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2008. Và chính anh cũng là siêu mẫu nam duy nhất được mời tham dự buổi dạ tiệc cùng tân Hoa hậu Hoàn vũ 2008 với gần 80 người đẹp nhất thế giới!
Chàng người mẫu cao 1,87m chia sẻ: “Tôi mê đường băng, bị cuốn hút bởi ánh đèn sân khấu, được thử thách bản thân khi diễn cho được cái thần, cái ý tưởng của từng kiểu trang phục chứ không phải vì được mặc những bộ quần áo sang trọng, đắt tiền. Sau này khi dạy cho các em, tôi luôn nói: Đừng nghĩ nghệ thuật là một nghề để mưu sinh, mà chỉ có hai chữ “cống hiến” thì nghề mới đem lại cho mình nhiều thứ”.
Bảy năm cho một danh hiệu
Năm 2002, khi tìm đến biên đạo chương trình Hoàng Ngọc Sự tầm sư học đạo, Hoàng Long mới 18 tuổi. “Từ lâu thầy đã không nhận học trò vì tuổi đã cao. Nhưng vì quý học trò ruột của mình là anh Hồ Đức Vĩnh nên thầy chịu nhận tôi”, Hoàng Long kể.
Mỗi tuần một lần, cậu đi xe buýt từ Củ Chi lên Bến Thành rồi đi bộ sang đường Phạm Ngũ Lão, nơi thầy ở trọ. Cái hành lang dài 6m, ngang nửa mét là nơi Hoàng Long chập chững bước chân non nớt học diễn catwalk, tập đi theo nhạc. Thầy Sự phải nép vào một bên chỉ cho cậu học trò đi từng bước chân như thế nào, động tác tay và biểu cảm gương mặt ra sao...
Hoàng Long kể: “Thầy bảo người mẫu nam khi diễn catwalk chân phải bước dài, vai, lưng và đầu phải luôn luôn thẳng. Khi bước đi phải cảm thấy mình là một người đàn ông thật sự”. Mỗi buổi chỉ học 80 phút. Thương học trò nghèo, thầy không lấy học phí lại còn cho tiền học trò đi xe buýt, ăn uống. Nhiều bữa trước khi tập, hai thầy trò mượn bếp chủ nhà nấu mì gói ăn. Học được bốn tháng, thầy bảo: “Con có thể tự bươn chải với nghề được rồi”.
Hoàng Long là một trong số 20 gương mặt được lựa chọn từ hơn 1.000 người đăng ký chương trình “Chào tuổi teen” (phát sóng trên HTV9 vào chiều chủ nhật hằng tuần trong một năm). Do mỗi lần quay để phát sóng cho tám số trong hai tháng nên mỗi buổi ghi hình kéo dài ba tiếng, từ 9g sáng đến trưa, có bữa tới chiều. Hoàng Long dậy từ 5g30, đi xe buýt từ Củ Chi lên Sài Gòn. 3g chiều tập xong lại đón xe buýt về nhà. Thù lao cho mỗi số xuất hiện trên truyền hình được 100.000 đồng, Long đều đưa mẹ giữ.
Để chạm đến danh hiệu cao nhất trong cuộc thi Siêu mẫu VN 2009, Hoàng Long đã trải hơn bảy năm âm thầm luyện tập, lặng lẽ theo đuổi niềm yêu thích của mình. Long từng nhận những show diễn mà thù lao chỉ 100.000-200.000 đồng. Chàng người mẫu trẻ không nề hà những chương trình nhỏ như diễn trong siêu thị Metro, đứng đón khách, làm lễ tân...
“Tôi nhớ lần làm ở Metro, diễn rất nhiều trang phục từ đồ của đầu bếp, bảo vệ cho đến những nhãn hiệu thời trang nhỏ của VN bán trong siêu thị. Đi từ 6g chiều đến 10g đêm kết thúc mới về Củ Chi”, Hoàng Long kể.
Dần dần Hoàng Long nhận được những show “ngon lành” hơn: quảng cáo cho máy chụp hình, sữa rửa mặt, xe máy, điện thoại di động... 500 USD là số tiền lớn đầu tiên Hoàng Long có được khi đóng quảng cáo cho một dòng xe máy.
Giữa năm 2008, Hoàng Long bắt đầu con đường người mẫu chuyên nghiệp. Sau khi đoạt giải siêu mẫu được yêu thích nhất trong cuộc thi Siêu mẫu VN năm 2008, Hoàng Long mới có đủ tiền mua chiếc xe Cub cũ, về sửa lại để chủ động đi lại. Một năm sau, Đỗ Nguyễn Hoàng Long đăng quang Siêu mẫu VN năm 2009.
Thu nhập diễn catwalk của Long cao hơn trước, trung bình 5-7 triệu đồng/tháng. Còn tiền dự các sự kiện từ 1-6 triệu đồng/“sô” nhưng không phải tháng nào cũng có.
Chỉ một năm sau khi đăng quang, chàng siêu mẫu cao 1,83m xa dần đường băng của sàn catwalk để đảm nhiệm vai trò nhân viên kinh doanh cho thương hiệu thời trang cao cấp Milano (Ý).
“Cái nghề này tuổi thọ rất ngắn, chỉ 5-7 năm là cùng. Tôi sợ cảm giác không biết trước ngày mai sẽ như thế nào. Tôi muốn tìm những bước chân vững chắc trên con đường tương lai của mình”, Long giải thích.
MY LĂNG

 ------------------------------------
Ít ai biết người mẫu Bình Minh từng cảm thấy tương lai mờ mịt, định bỏ Sài Gòn để đi tàu viễn dương, từng khóc khi tết đến lang thang trong công viên 23-9, đi qua lại những cao ốc lung linh đèn màu để vơi đi chuyện cơm áo gạo tiền...

Kỳ 6: Đường băng của một siêu mẫu
 
“Bạn có biết tôi đến với nghề người mẫu như thế nào không?”, Bình Minh bất ngờ hỏi. “Khi thấy thông báo cuộc thi tìm kiếm người mẫu thời trang châu Á dán ở Cung văn hóa Việt - Tiệp (Hải Phòng), tôi mới biết có cái nghề người mẫu hiện diện trên đời” - Bình Minh bảo.
Người mẫu Bình Minh -  Ảnh: Gia Tiến
Vào nghề
Đó là thời điểm đầu năm 2002. Bình Minh đăng ký tham gia cuộc thi chỉ vì... tò mò với từ “người mẫu”. Chàng sinh viên Đại học Hàng hải ráo riết luyện tập ở CLB Người mẫu Cung văn hóa Việt - Tiệp. Từng là vận động viên đua xe đạp của Trường ĐH Hàng hải với những bài tập khi đua nước rút nghẹt thở đã phần nào tôi luyện cho Bình Minh sức bền và khả năng luyện tập cường độ cao. Anh phải ép cân từ 85kg xuống còn 76kg bằng cách mặc áo mưa chạy lúc 12g trưa trong công viên của hồ Quần Ngựa. Minh phải tập nhảy để giải phóng hình thể, khi lên sàn diễn người không bị cứng dù anh không có năng khiếu về nhảy múa. Rồi cách make-up (trang điểm), tạo dáng trước ống kính. Tối nào cũng tập nhảy, tập thể hình từ 6g-10g đêm. Tập đến vắt kiệt sức liên tục một tháng.
Vào chung kết cuộc thi toàn quốc, anh chàng giật mình khi ban giám khảo nhận xét dáng Bình Minh đi như... nữ! Minh nghĩ mãi mới ngớ ra: giáo viên của Minh là cô, không có nhiều kinh nghiệm về dạy catwalk cho nam. Cô chỉ dạy quá nhiệt tình nhưng những cú xoay người hay biểu cảm của ánh mắt, gương mặt đều là của nữ mà không biết. Nhưng xem người mẫu nam diễn catwalk ở đâu? Hải Phòng khi đó không có show diễn để đi xem mẫu. Minh lân la tìm đỏ mắt mới kiếm được một quán cà phê sang trọng có truyền hình cáp chiếu chương trình thời trang quốc tế có nam diễn để học dáng đi, ánh mắt.
Sau khi đoạt giải Người mẫu ấn tượng cuộc thi ''Tìm kiếm người mẫu thời trang châu Á”, Bình Minh được các bầu show ca nhạc gọi đi diễn trong các phòng trà, vũ trường, quán cà phê với thù lao từ 70.000-100.000 đồng. “Thích nhất là lúc Hải Phòng có hội chợ, show diễn thời trang nhiều hơn hẳn. Ban ngày chúng tôi diễn 5-6 suất và một suất buổi tối. Trả bao nhiêu tôi cũng đi, chỉ cần được diễn để thỏa niềm đam mê của mình” - Bình Minh kể.
Hải Phòng khi đó chỉ có ba điểm diễn thời trang: cà phê Đất Cảng, vũ trường Biển Gọi và cà phê Đông Dương. Tối thứ hai chủ quán cà phê cũng tổ chức diễn thời trang để kéo khách tới. Minh bảo: “Lần nào diễn tôi cũng tới sớm hàng tiếng vì nôn nao và thích đến mê muội. Nhiều bạn khác cũng đến sớm như thế. Đường băng ở cà phê Đất Cảng rất ngắn, chỉ dài 4m, đi được mấy giây là hết nên khi mặc những bộ đồ đẹp rất tiếc”. Sau cuộc thi, Bình Minh có danh hiệu nên mới được trả thù lao 100.000 đồng. “Có hôm ít khách, tôi được 80.000 đồng. Ở Hà Nội thì thù lao cao hơn, 150.000-200.000 đồng. Hồi đó mọi người đoàn kết và vô tư lắm. Cứ diễn xong kéo nhau đi ăn ốc rồi hùn vô trả”, Bình Minh tỏ ra rất hào hứng khi nhớ lại buổi ban đầu lưu luyến.
Tiền đi diễn ở Hải Phòng và Hà Nội, Bình Minh dành dụm mua được bốn chỉ vàng. Anh chàng sinh viên ngày ấy tiết kiệm tiền bằng cách cứ gom đủ tiền mua được một chỉ vàng là gửi bác. Năm cuối đại học, mẹ mua cho hai anh em chiếc Honda FX sản xuất ở Trung Quốc. Trong mấy tháng được nghỉ để ôn thi học kỳ, hai anh em Bình Minh lôi xe ra... chạy xe ôm.
Lập nghiệp
Chín năm trước, Nguyễn Bình Minh vào Nam thực hiện một show chụp hình cưới. “Chụp hình xong, tôi tính ở lại chơi 5, 6 ngày rồi sẽ về xin việc ở công ty vận tải biển - Bình Minh nói - Nhưng Sài Gòn sôi động và hoành tráng quá. Tôi nấn ná ở lại”.
Những tòa cao ốc sang trọng, hiện đại và những dòng người hối hả, năng động của Sài Gòn đã níu chân chàng trai 22 tuổi. Trong tay Minh chỉ có gần 3 triệu đồng tiền dành dụm được, phải nói dối bố mẹ đang có việc tốt trong Sài Gòn nhưng thật ra xin ở nhờ nhà người quen của một ông anh kết nghĩa. Bình Minh liên hệ với Công ty PL, xin gia nhập CLB Hoa Học Đường. Anh được tham gia những show diễn nhỏ. Xe thì bữa đi xe ôm, bữa ké anh Đỗ Tuấn, Xuân Lan, Hứa Vĩ Văn, Ngọc Thúy... Khi anh Tuấn lên cơ quan làm việc thì đưa xe cho Minh chạy. Có những show diễn xong, về đến nhà hơn 1g khuya, Minh ngại không dám gọi cửa, đi lang thang rồi ngồi ở công viên. Anh nghĩ ra cách đi đếm gốc cây để... giết thời gian. Đi chán, Minh lấy tiền diễn được hơn 100.000 đồng vuốt thẳng từng tờ, để trên ghế đá xếp mặt theo mặt. Hơn 5g sáng, anh chàng mới lững thững đi bộ về.
Một thời gian sau, Minh xin ra ngoài thuê nhà ở đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM) vì không muốn làm phiền mọi người bởi giờ giấc thất thường của mình. Chàng người mẫu ở trong một căn phòng trọ nhỏ, mưa thì dột, nắng thì nóng như lò xông hơi. “Buồn, tủi thân nhất là những lúc bị bệnh - Bình Minh tâm sự - Có lần tôi ốm mấy ngày nhưng không ai biết, không ai đến thăm. Tôi gọi điện cho một nhà báo mời ảnh đi ăn trưa, chỉ là để có người biết mình đang ốm và muốn được quan tâm cho bớt tủi. Ngồi trong góc của quán, nhìn thể trạng của mình lúc đó, tôi rớt nước mắt, nghẹn không nuốt nổi cơm. Anh thấy tôi “thê thảm” quá, bắt tôi leo lên xe chở đi mua thuốc. Về nhà, tôi đọc những bài báo viết về mình để tự an ủi”.
Mùa mưa năm thứ hai, Bình Minh định về quê đi tàu viễn dương. “Tôi thấy tương lai bấp bênh, mù mịt quá. Hồi đó tôi sợ nhất ngày lễ tết. Bốn năm đầu ăn tết ở Sài Gòn, tôi đều khóc. Nhất là hai năm đầu tiên xa nhà. Tôi cứ đi lang thang ở công viên 23-9. Nhớ nhà. Tủi thân vô cùng. Nước mắt rơi lúc nào không hay. Muốn về nhà lắm nhưng chẳng lẽ bây giờ về nhà với hai bàn tay trắng? Phải trụ lại. Phải làm được cái gì mới về. Thế là lại ở lại. Tiếp tục sống cầm hơi” - Bình Minh bật cười ha hả.
Năm 2003. Một ngày, Bình Minh được gọi đi quay clip ca nhạc cho một ca sĩ hải ngoại. Đó là show ca nhạc đầu tiên Minh tham gia do đạo diễn Huỳnh Phúc Điền thực hiện. Minh “ngây ngất” với thù lao gần 1 triệu đồng, nhiều hơn đi diễn. Sau clip ca nhạc ấy, Bình Minh được nhiều đạo diễn ca nhạc biết tới. Tần suất xuất hiện của Minh trên báo chí cũng nhiều hơn.
Rồi Minh nhận được quảng cáo cho một thương hiệu ximăng. Khi cầm trong tay 4.000 USD tiền thù lao, chàng người mẫu bồng bềnh tận trời xanh. Đó là số tiền nằm mơ anh cũng không dám nghĩ tới. Anh tự thưởng cho mình một chiếc xe Wave Trung Quốc và một cái máy lạnh cũ. “Từ đó đời mình “lên hương”, trưởng giả hơn. Nguyên tắc của tôi là kiếm 10 xài 3 cất 7 để phòng những lúc ốm đau, việc gấp. Không biết gửi ai, tôi giấu tiền dưới lớp bạt nhựa trải nền” - Bình Minh kể. Năm 2009, khi mua được căn hộ chung cư ở đường Tôn Thất Thuyết (Q. 4), chàng siêu mẫu - khi đó đã là một diễn viên nổi tiếng - đặt chiếc máy lạnh cũ kỹ ấy trong phòng ngủ, như một kỷ vật quý nhắc nhớ một thuở gian khổ, thiếu thốn.
---------------------------------------------------------
Những vấn nạn nghề nghiệp cùng định kiến xã hội như một trở lực lớn cho người mẫu nam rộng đường phát triển. Đâu là một "đường băng" để những người "thực tài thực sắc" sớm có vị trí trên sàn diễn quốc tế?

Kỳ cuối: Đường băng đến tương lai
 
Vô Thường (còn gọi là Long “áo dài”), một stylist có tiếng, khẳng định: “Người mẫu là một nghề đáng quý, đáng trân trọng nếu người ta đến với nó thật sự nghiêm túc, đàng hoàng. Tuy nhiên, người mẫu nam không được trọng như nữ.
Đường đến sự chuyên nghiệp của người mẫu nam vẫn còn nhiều khó khăn - Ảnh: Gia Tiến
Ở VN, có bao nhiêu nhà thiết kế làm trang phục cho nam? Ảnh bìa các tờ báo 99% là nữ để đảm bảo độ an toàn cho lượng báo bán ra. Trong khi đó người mẫu nam đẹp, rất xứng đáng được xuất hiện và họ cũng khao khát được cống hiến, được lao động và sáng tạo như các đồng nghiệp nữ nhưng cơ hội rất nhỏ”. Người mẫu nam có ở vị trí vơđét thì vẫn luôn đứng sau người mẫu nữ. Vai trò của họ trong những cuộc trình diễn thời trang có sự tham gia đông đảo của người mẫu nữ, giống như một bông hoa đẹp cần có cái bình để cắm.
Tự tìm lối đi riêng
“Điều làm tôi buồn nhất là định kiến của xã hội về nghề này - người mẫu Vũ Duy Hưng nói - Tôi từng nuốt cục nghẹn khi nghe người ta nói ngay trước mặt: “Bọn này học hành gì! Suốt ngày chỉ biết uốn éo, làm đẹp!”. Một số người nhìn người mẫu là những “đứa” trình độ thấp kém, đầu thiếu não... trong khi chúng tôi có rất nhiều người là sinh viên các trường đại học lớn như Bách khoa, Tự nhiên, Ngoại thương, Kinh tế... Có người tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ, có người là giảng viên đại học đàng hoàng...”. Một số nam người mẫu khác thì bảo họ đã không ít lần muốn bỏ nghề bởi những lời xì xào, những ánh mắt khinh khi của hàng xóm, rằng phải ngủ với đạo diễn, phải đi khách, phải “bóng gió” mới được nhận show. “Nói thật là những chuyện như thế không phải là tin đồn - một nam người mẫu đề nghị không nêu tên đang là sinh viên lớp tài năng một trường đại học thừa nhận - Trả giá lớn nhất của họ là thay đổi cả giới tính của mình. Nhưng không phải người mẫu nào cũng có lựa chọn đó”.
Người mẫu Duy Hưng bảo: “Tôi đã nhìn thấy những anh chị nổi tiếng rất yêu nghề và nghiêm túc với công việc của mình. Họ cố gắng tập những động tác tay, chân, ánh mắt khi đang chờ trong hậu trường. Họ nhắm mắt cầu tổ nghề trước khi lên sân khấu rất thành khẩn. Tôi nhìn thấy sự cố gắng từ những vơđét và nghĩ mình càng phải nỗ lực hơn. Nếu không tâm huyết, không yêu nghề, không muốn thể hiện mình thì khi đứng trên sân khấu... sẽ không diễn được. Người mẫu khi đó sẽ không làm cho khán giả thấy được cái đẹp từ trang phục, từ người mẫu”.
Sau khi đoạt giải 3 cuộc thi Manhunt Vietnam 2006, Trung Cương vẫn làm thêm nhiều việc khác ngoài diễn catwalk: hướng dẫn viên du lịch, trợ lý cho một công ty thương mại rồi trở thành trợ lý cho một hãng thời trang trong hai năm. Hiện nay Trung Cương đang quản lý một cửa hàng thời trang nam trên đường Võ Văn Tần (Q.3) với những mẫu trang phục do chính mình thiết kế. Còn nhớ lần phỏng vấn đầu tiên, gặp Trung Cương lúc 9g tối. Gương mặt lấm tấm mồ hôi lộ chút mệt mỏi, Cương hối hả tranh thủ nói chuyện giữa những mẫu vải, mẫu thiết kế còn mới nguyên bụi vải và những mẫu thiết kế trên bàn làm việc. Những mẫu vẽ này sẽ được đưa cho nhân viên ở xưởng thực hiện. Trung Cương đã có hai xưởng may với 30 nhân công. 10g đêm, khi cửa hàng đóng cửa, về đến nhà anh lại tiếp tục vẽ mẫu thiết kế, chuẩn bị vải, phụ kiện... đến gần 12g khuya.
Nhiều người khác chạy sô đủ thứ nghề: đi hát, phục vụ quán ăn, nhân viên bán quần áo... để trang trải gánh nặng cơm áo gạo tiền và để được đi trên sàn catwalk. Rất nhiều nam người mẫu đã tự tìm cho mình một con đường chắc chắn hơn. Họ lấn sân sang đóng phim, làm đạo diễn thời trang, stylist hoặc nhân viên văn phòng. Không ít người đã rời sàn catwalk ngay khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp.
Hướng đến chuyên nghiệp
“Nghề người mẫu ở nước ngoài được coi là nghề hái ra tiền chứ không bập bềnh, trôi nổi như VN. Thu nhập của người mẫu nam VN quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội, buộc họ phải làm đủ thứ nghề thì không thể làm nghề catwalk chuyên nghiệp được”, người mẫu Trung Cương nói. Đã từng trải qua hai tháng làm việc ở nước ngoài theo lời mời của một công ty người mẫu tại Đức, Trung Cương khẳng định: “Khả năng học hỏi, hòa nhập của người mẫu VN rất tốt. Chỉ tiếc là mình không được đào tạo bài bản theo quy trình, tiêu chuẩn của quốc tế”.
“Thời của tôi, muốn trở thành người mẫu phải thi tuyển - người mẫu kỳ cựu Đức Hải kể - Mấy trăm người mới chọn được hơn 40 người để học làm người mẫu. Thầy dạy là biên đạo múa rất giỏi, dạy cách cảm nhạc như thế nào, đi đúng nhạc ra sao... Sau nửa năm huấn luyện mới được đi trình diễn. Trước yêu nghề hơn bây giờ: biết đầu tư cho hình ảnh, chăm chút nhiều cho nghề, biết cách chụp ảnh, trình diễn. Bây giờ không phải thi tuyển, chỉ đào tạo cấp tốc, hời hợt trong tuần lễ, người mẫu chưa cảm được gì về nghề, về kỹ thuật diễn xuất đã quăng lên sàn diễn. Nhưng nghề không tạo cho họ nhiều cơ hội trải nghiệm trên sân khấu. Phải có chiều sâu văn hóa để phân tích, suy nghĩ: khi diễn với bộ trang phục nào thì biểu cảm của gương mặt, thần thái và động tác hình thể phải ra sao để tôn lên tinh thần, ý tưởng của bộ trang phục khiến người xem nhớ tới nó, muốn mua nó”.
Là người mẫu được làm việc ở một hãng thời trang danh tiếng của Ý, cựu người mẫu Đức Hải cho biết ở nước ngoài, người mẫu được quản lý bởi công ty rất chuyên nghiệp. Các công ty này có hẳn chiến lược và nhiều cách để lăngxê, đẩy người mẫu ra sàn diễn quốc tế. Một người mẫu tại Mỹ sẽ trình diễn ở London, Paris, Milan... là chuyện rất bình thường. Ở VN, công ty quản lý không có đầu ra hoặc rất ít. Họ không có sự cộng tác nào với nước ngoài nên không đưa người mẫu của mình ra tầm khu vực hay quốc tế được.
“Trong khi thật sự ở VN có những gương mặt đủ tố chất để trở thành người mẫu quốc tế. Nổi bật nhất là Lê Khôi Nguyên (Mister Vietnam 2010), Tiến Đoàn (Nam vương quốc tế 2009), Quang Hòa... Cái đẹp châu Á của VN là điều thị trường châu Âu rất cần vì họ muốn châu Á cũng dùng thời trang châu Âu của họ”. Đó là ý của Đức Hải, tuy nhiên để làm được điều đó theo anh phải có công ty đào tạo chuyên nghiệp: huấn luyện đi đứng, cách trả lời báo chí, chế độ ăn uống và luyện tập thể hình... Người mẫu độc quyền của công ty có chiến lược xây dựng hình ảnh, thương hiệu rất chuyên nghiệp.
Đức Hải đề xuất ý tưởng: nên dành thêm cơ hội cho sinh viên quốc tế hoặc những người nước ngoài làm việc ở VN tham gia diễn catwalk. “Vì ngành may mặc VN không chỉ giới hạn ở nội địa mà còn phải xuất khẩu. Cho nên phải có người mẫu quốc tế mặc chứ không thể chỉ có người VN mặc đồ VN. Nếu ngành thời trang không phát triển, nghề người mẫu chỉ loanh quanh hành nghề trong nước mà thôi”.
MY LĂNG

50 người mẫu nam hội ngộ trên sàn catwalk

Lần đầu tiên, gần như đầy đủ các thế hệ người mẫu nam Việt Nam xuất hiện trong cùng một chương trình. Những tên tuổi Đức Hải, Hoài Nam, Quốc Cường... sẽ trở lại, diễn catwalk cùng các đàn em.

Chương trình có tên gọi Fashion Men Show, được tổ chức nhân dịp một tạp chí về đàn ông ra mắt phiên bản mới.
"Hơn cả một sự đánh dấu về ấn phẩm, show diễn còn là nơi ghi nhận sự đóng góp của các người mẫu nam, vốn dĩ ít được chú ý và trân trọng như các đồng nghiệp nữ của họ trong làng thời trang", đại diện ban tổ chức chia sẻ ý tưởng chương trình.
Các thế hệ người mẫu nam sẽ cùng tham gia chương trình. Từ trái qua: Nhan Phúc Vinh, Đức Hải, Minh Vương.
Các thế hệ người mẫu nam sẽ cùng tham gia chương trình. Từ trái qua: Nhan Phúc Vinh, Đức Hải, Minh Vương.
Phần thời trang và catwalk được chú trọng để thể hiện cá tình của người biểu diễn. Trong các thiết kế mới của nhãn hiệu Kin Concept (nhà thiết kế Công Trí), Duy Quân và Moda Mundo, các người mẫu nam sẽ chứng tỏ khả năng trình diễn cũng như cách biểu cảm qua trang phục.
Ngoài ra, để đánh dấu lần đầu tổ chức, êkíp thực hiện đã cố gắng mời đầy đủ các gương mặt nam nổi tiếng thời kỳ đầu của làng người mẫu Việt như: Đức Hải, Hoài Nam, Quốc Cường, Thế Tâm, Đức Tiến, Huy Khánh... đến những tên tuổi: Tiến Đoàn, Thanh Thức, Trung Cương, Quang Thịnh, Xuân Thu, Quang Hòa... và người mẫu hiện được chú ý: Nhan Phúc Vinh, Cao Lâm Viên, Khôi Nguyên, Minh Vương, Ngọc Tình, Quách Ngọc Ngoan...
3 hot boy của Vũ Ngọc Đãng làm MC cho Fashion Men Show. Ảnh: T.H.
3 hot boy của Vũ Ngọc Đãng làm MC cho Fashion Men Show. Ảnh: T.H.
Góp mặt trong đêm diễn là các ca sĩ nam sáng giá: Jimmii Nguyễn, Đàm Vĩnh Hưng, Ưng Hoàng Phúc, Dương Triệu Vũ, Noo Phước Thịnh, nhóm V.Music, It’s Time.
3 hot boy trong phim chiếu Tết Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt của Vũ Ngọc Đãng: Lương Mạnh Hải, Hồ Vĩnh Khoa và Linh Sơn sẽ đảm nhận vai trò dẫn chương trình. Chương trình do Trung Võ và Nguyễn Quý Khang đạo diễn
Nhà tổ chức mong muốn tổ chức Fashion Men Show thường niên, tạo nên một nơi tôn vinh những người mẫu, nhà thiết kế là nam giới và có tâm huyết với ngành nghề thời trang Việt. Số đầu tiên của chương trình diễn ra vào tối 28/9 tại Sân khấu Lan Anh TP HCM.

Các người mẫu tham gia Fashion Men Show

Mister Việt Nam Khôi Nguyên, người mẫu Trần Quý, Hà Bình, Chan Than San (từ trái qua).
Siêu mẫu ăn ảnh Quang Thịnh, người mẫu Thanh Thức, siêu mẫu Ngọc Tình, diễn viên Quách Ngọc Ngoan (từ trái sang).
Người mẫu La Ngọc Duy, siêu mẫu Quang Hòa, Xuân Thu, Hoàng Anh (từ trái sang).
Siêu mẫu Hồ Đức Vĩnh, Lê Trung Cương, diễn viên Nhượng Tống, Hoa vương Ngô Tiến Đoàn (từ trái sang).
Người mẫu Thế Tâm, Quốc Cường, Hoài Nam, Huy Khánh.
Siêu mẫu Minh Vương, người mẫu Doãn Tuấn, Đoàn Thành Tài, Tăng Trung Nghĩa (từ trái sang).
Người mẫu Duy Hưng, Cao Lâm Viên, Thành Vũ, Duy Nhân (từ trái sang).
Người mẫu Đức Hải, Đức Tiến, Hứa Vĩ Văn, Phan Tuấn Đạt.

Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

 Chuyện các nữ ca sĩ, diễn viên, người mẫu đua nhau chụp ảnh hở hang đã xưa như diễm. Tuy nhiên, không chỉ các người đẹp mới làm vậy mà ngay cả cánh mày râu cũng bị cuốn vào "cơn lốc" này.



Nam vương Tiến Đoàn
Không phải bây giờ, khi những bức ảnh nude của Tiến Đoàn tại Thái Lan bị phát tán người ta mới biết là nam vương này bắt đầu "cởi". Trước đó rất lâu, Tiến Đoàn đã được gắn với danh hiệu "nam người mẫu thích cởi" nhất làng giải trí Việt.
Bởi anh có rất nhiều bộ ảnh nude, nude từ trong rừng ra đến biển, nude từ  trong studio lên đến tầng thượng của cao ốc, nude với tấm voan cho đến nude cùng ảnh cưới... Thậm chí nhiều người còn cho rằng, nếu Tiến Đoàn không đoạt giải Mr International 2008 thì có lẽ anh chỉ được xem là người mẫu chụp nude.
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

Người mẫu La Ngọc Duy
Khi những bức ảnh nude của người mẫu La Ngọc Duy xuất hiện trên blog và một vài diễn đàn của dân đồng tính thì lập tức nó trở thành "hàng độc, hàng hiếm". Vì thời điểm đó internet còn chưa được phổ cập rộng rộng rãi như ngày nay và quan niệm về việc đàn ông hay phụ nữ chụp ảnh nude vẫn còn là vấn đề nhạy cảm, khó được chấp nhận. Chính vì vậy nên khi thấy những hình ảnh mát mẻ của La Ngọc Duy xuất hiện công khai đã khiến nhiều người... choáng.
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

Người mẫu, stylist Quang Tuyến
Thời điểm tung ra những tấm hình nude của Quang Tuyến với người mẫu Thanh Hằng đã nhận được nhiều luồng dư luận trái chiều. Bởi là một người mẫu kiêm stylist, Quang Tuyến hiểu rất rõ ranh giới mong manh giữa nude nghệ thuật và nude dung tục.
Tuy nhiên, trước lời đề nghị của nhiếp ảnh gia Trương Thanh Hải, chàng siêu mẫu 2002 đã cân nhắc rất kỹ mới dám "cởi". Và cái sự nude của Quang Tuyến trong bộ ảnh này chỉ nhằm làm nền cho những trang phục  mà siêu mẫu Thanh Hằng đang khoác. Đây là một trong ít bộ ảnh nude của sao Việt không bị điều tiếng và tạo nên những sóng gió. Nhiều người còn tỏ ra thích thú và khen ngợi Thanh Hằng và Quang Tuyến trong concept hình này.
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

Siêu mẫu Vĩnh Thuỵ
Là người hoạt động trong giới nghệ thuật nên Vĩnh Thuỵ cũng thường xuyên có dịp được khoe thân hình rắn chắc của mình trong những trang phục ít vải thậm chí là nude hoàn toàn. Tuy nhiên, khi những bức ảnh của Vĩnh Thuỵ được công bố thì nhiều người lại cho rằng chúng "mượt mà" và bớt phản cảm hơn so với những đồng nghiệp của mình.
Có thể vì những hình ảnh này được xử lý sang kiểu cổ điển hoặc cowboy mát mẻ nhưng nói cho cùng thì Vĩnh Thuỵ cũng đã rất mạnh dạn ghi tên mình vào danh sách các sao nam thích chụp nude.
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

Người mẫu Ngọc Tình
Nắm trong tay Giải vàng siêu mẫu 2010, nhưng tên tuổi của Ngọc Tình vẫn được ít người biết đến, và người ta thấy anh "khoe thân" trong bộ hình nude vô cùng phản cảm. Trong bộ ảnh này, nam người mẫu đã nude toàn thân và chỉ dùng tay che đi phần cơ thể nhảy cảm của mình.
Chụp nude đã đáng lên án, tuy nhiên bộ ảnh của Ngọc Tình còn bị lên án mạnh mẽ bởi tư thế chụp quá phản cảm và khoe thân một cách lộ liễu. Tuy nhiên, Ngọc Tình cho biết, bộ hình này đã bị photoshop lấy đi chiếc quần chíp và không có ý định đưa bộ hình này lên mạng.
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm


Người mẫu Trung Cương
Mặc dù xuất hiện trong ảnh nude nghệ thuật Body Painting nhưng ít người cho rằng đây là những tấm hình nghệ thuật của người mẫu Trung Cương. Bởi những tư thế, góc chụp, ánh sáng của bộ ảnh đều bị xem nhẹ để nhường chỗ cho việc khoe da, khoe thịt.
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm
Mỹ nam Việt ầm ĩ vì những shoot hình nhạy cảm

Sao nam khoe thân: đâu là giới hạn?
Dư luận chưa hết “nóng” bởi những mỹ nhân Việt đua nhau khoe vòng 1 khi xuất hiện trước đám đông thì lại được phen dậy sóng bởi những mỹ nam đua nhau khoe cơ thể.

Từ cuộc đua hở ngực...
Mỹ nam Việt ngày càng liều lĩnh khi họ đua nhau cởi áo khẳng định vẻ nam tính với hi vọng được chú ý nhiều hơn.

Khoảng 10 năm trước, ca sĩ Quách Thành Danh đã gặp một scandal "kinh điển" quanh chuyện trang phục khi xuất hiện trên bìa album Tôi là tôi. Để thể hiện sự phong trần, Quách Thành Danh đã chụp một kiểu dùng tay kéo nhẹ chiếc cạp quần trễ xuống để lộ chiếc quần “chíp” bên trong. Chỉ là một hành động nhỏ để tạo cá tính, cũng chưa hề khoe được chút da thịt nào, nhưng Quách Thành Danh đã không thể lọt qua vòng kiểm soát của cơ quan chức năng. CD Tôi là tôi chưa kịp phát hành rộng rãi đã dính phải lệnh cấm và Quách Thành Danh phải lặn mất một thời gian khá dài mới trở lại.
Chục năm trước, việc Quách Thành Danh kéo quần trễ xuống để hở quần "chip" trở thành scandal "kinh điển" và CD của anh bị ngưng phát hành vì không "qua mặt" được cơ quan chức năng.
Vài năm trở lại đây, khẳng định cá tính bằng việc khoe vòng 1 như căn bệnh lan tràn nhanh chóng trong giới mỹ nam của showbiz Việt. Đầu tiên phải kể đến ca sĩ Cao Thái Sơn, một ngày anh “bỗng dưng muốn cởi” để khẳng định thương hiệu mạnh mẽ và gợi cảm không đụng hàng với ai của mình. Thế là, từ năm 2008, khán giả thường xuyên bắt gặp hình ảnh chàng ca sĩ “Cầu vồng sau mưa” “khoe” ngực trần. Đặc biệt là trong album vol 5 Kool boy, Cao Thái Sơn đã chọn hình ảnh ngực trần ướt át của mình làm bìa để gây ấn tượng mạnh với khán giả.

Đến năm 2009, siêu mẫu Nathan Lee cũng quyết định nude trong bộ hình minh họa cho album nhạc đầu tiên với ý tưởng về người đàn ông dám sống thật với chính mình, không bị những giả dối bên ngoài che đậy.
Đến nay, mọi chuyện đã khác? Trong ảnh là người mẫu Nathan Nee, người mẫu Duy Nhân và ca sĩ Hồ Vĩnh Khoa.
Khoe ngực hiện nay như góp phần xây dựng “thương hiệu” sexy cho sao nam Việt thời gian gần đây. Không khó để độc giả bắt gặp hình ảnh ca sĩ Tuấn Hưng, Hồ Vĩnh Khoa, người mẫu Linh Sơn, Duy Nhân… và rất nhiều nam ca sĩ diễn viên khác đua nhau khoe ngực như một phong trào.

... đến “hiến mình”

Và rồi đã đến lúc chỉ khoe ngực thôi chưa đủ, các sao nam muốn "cống hiến hết mình” cho nghệ thuật và xuất hiện một trào lưu nâng dần “đẳng cấp” cởi đồ, thậm chí là cởi hết kết hợp với tạo dáng khiêu khích đến phản cảm.

Có thể nói, năm 2011 công chúng bội thực với những bộ hình phản cảm của các mỹ nam. Vào khoảng tháng 3, người mẫu Ngọc Tình trình diện một bộ hình nude khiến công chúng phát hoảng về sự táo bạo.
Các mỹ nam Việt đang trên cuộc đua "cởi hết". Trong ảnh là người mẫu Nguyễn Anh Tuấn, người mẫu Tiến Đoàn và người mẫu Ngọc Tình.
Tiếp đến, vào tháng 6, người mẫu Tiến Đoàn cũng để “lộ” bộ hình nude anh thực hiện ở Thái Lan. Tiến Đoàn lý giải, bộ hình có mặt ở Việt Nam là điều anh không mong muốn, tuy nhiên, điều đó không thể thuyết phục khán giả vì đây không phải là lần đầu tiên Tiến Đoàn khoe thân. Và cách đây chỉ mấy ngày, Tiến Đoàn nhận được biệt danh “nghiện nude”, “nghiện khoe thân”… bởi một bộ hình mặc đồ lót nhưng nhìn "khủng khiếp" hơn là không mặc gì. Tất cả những bộ phận nhạy cảm nhất của nam giới được Tiến Đoàn phô bày trước ống kính. Chưa thỏa mãn, nam người  mẫu còn kết hợp với những tư thế và gương mặt biểu cảm giống như khiêu dâm và bộ ảnh khiến độc giả “sốc toàn tập”.

Như để chứng tỏ mình không thua kém bạn bè, người mẫu Nguyễn Anh Tuấn cũng mới tung ra bộ hình nude táo bạo với sự hỗ trợ của dải lụa trắng mỏng và dây thừng. Có những bức hình chụp trực diện người mẫu Anh Tuấn với chiếc dây thừng và tay để ngay ở bộ phận nhạy cảm nhất.

"Cứ đà này, cuộc đua cởi đồ xuất hiện trước công chúng của mỹ nam Việt chưa biết đâu là điểm dừng. Phải chăng các nam ca sĩ, người mẫu đang muốn chứng minh rằng không phải chỉ vòng 1 của phái nữ mới khiến họ nổi tiếng, nam giới cũng có những vòng 1, vòng 2, vòng 3 với những số đo… biết nói?", một độc giả than phiền.

Kết

Hy sinh cho nghệ thuật, chụp nude vì nghề nghiệp, đẹp thì phải khoe… đó là những lý do quen thuộc mà mỹ nam Việt đưa ra lý giải với công chúng. Nhưng họ dường như không biết rằng khán giả của họ là ai, là những con người Việt Nam với quan niệm, lối sống Á đông, biết coi trọng cả vẻ đẹp nội tâm bên cạnh sự hấp dẫn hình thể. Những bức ảnh đó có thể khiến người ta phải để mắt, tên tuổi anh có thể buộc người ta phải nhắc đến nhưng những cái lắc đầu phản ứng, suy nghĩ thiếu thiện cảm, thậm chí coi thường kèm theo đó, không biết có "ông sao" nào quan tâm?

Hơn ai hết, những người làm văn hóa - nghệ thuật cần biết điểm dừng để không đi quá xa giới hạn mong manh của nghệ thuật và sự thô thiển, gợi dục cũng như thực sự hiểu thế nào là văn hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?