Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Những vấn đề trọng yếu đối với người trẻ hiện nay.


Đối mặt 3 cuộc khủng hoảng lớn
- Thưa anh, miêu tả bối cảnh chung hiện nay, chắc hẳn "khủng hoảng" là từ thường xuyên được dùng. Nhưng có vẻ kinh tế không phải là khủng hoảng duy nhất của Việt Nam. Đối với riêng giới trẻ, theo anh những khủng hoảng mà họ đang và sắp phải đối mặt là gì?
TS Giáp Văn Dương: Đúng là đang xảy ra khủng hoảng trên quy mô rộng. Trong đó khủng hoảng kinh tế là nổi bật nhất, vì hậu quả của nó rõ ràng nhất, và được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nhưng khủng hoảng kinh tế cũng có thể được coi là hệ quả của các loại khủng hoảng khác, như khủng hoảng mô hình phát triển chẳng hạn. Vì thế, đằng sau cơn khủng hoảng kinh tế đang hoành hành, là rất nhiều vấn đề lớn khác cần được mổ xẻ.
Với Việt Nam, câu chuyện còn phức tạp hơn, vì khủng hoảng ở Việt Nam còn thể hiện rõ ràng ở nhiều lĩnh vực khác ngoài kinh tế, như giáo dục, đạo đức, thang giá trị, v.v...
Xét riêng với người Việt trẻ, thì bên cạnh những khó khăn về cơm áo gạo tiền mà cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra, họ còn đối mặt với các cuộc khủng hoảng vô hình khác. Tuy chúng âm thầm hơn, nhưng sức tàn phá có khi còn ghê gớm hơn cả những khó khăn về kinh tế. Chẳng hạn, khủng hoảng niềm tin và các thang giá trị.
Cụ thể là hiện đang tồn tại những bộ giá trị mâu thuẫn nhau và người trẻ không biết ứng xử thế nào cho phải trước các thang giá trị đó. Những giá trị truyền thống thì một thời đã bị coi là tàn dư của phong kiến lạc hậu, nên bị "nhổ tận gốc, trốc tận dễ" và chưa thể phục hồi. Những giá trị phổ quát của thế giới đương đại, như tự do, dân chủ, nhân quyền... khi về Việt Nam nhiều khi lại bị gán cho những nhãn mác ngoại lai, thù địch, lai căng.
Từ sự nhập nhằng của các thang giá trị này, sẽ dẫn đến khủng hoảng niềm tin với người trẻ, tức là không còn tin và không biết tin vào cái gì cả. Họ thấy mọi thứ đều nhảm nhí và sáo rỗng. Nhiều người trong số họ thậm chí còn đi xa hơn, thấy ngay cả sự tồn tại của mình cũng là một điều vô nghĩa. Số các vụ tự tử, gây án, phá phách của giới trẻ tăng lên là một minh chứng cho điều này.
TS Giáp Văn Dương
Nối tiếp, và cũng là hệ quả của sự khủng hoảng thang giá trị và niềm tin, là sự khủng hoảng về việc định vị vai trò của bản thân trong xã hội. Muốn hay không, xã hội Việt Nam vẫn mang nặng truyền thống văn hóa phương Đông, ở đó thứ bậc, trật tự từ trong gia đình, đến công sở, xã hội nói chung, vẫn là một thực tế phổ biến.
Trong cái trật tự đó, người trẻ không định vị được vị trí của mình vì bản thân họ đang chịu thiệt, và cũng không thấy trật tự đang tồn tại là khả tín. Nhưng một trật tự mới để thay thế thì lại chưa định hình.
Không còn tin vào trật tự cũ không phải vì họ không có lý tưởng, mà vì trước hết đó là bản tính của tuổi trẻ, và thứ hai là bản thân trật tự đó đã không còn sức thuyết phục. Nếu mọi thứ đều tốt thì đã không có khủng hoảng.
Khủng hoảng chính là triệu chứng của các vấn đề xã hội, là điềm báo của một sự thay đổi sẽ đến. Nhưng thoát ra khỏi khủng hoảng như thế nào, và làm chủ sự thay đổi ra sao, thì họ không biết, và cũng không đủ sức, vì sự nhỏ bé của mỗi cá nhân, và sức nặng của quán tính xã hội đè lên vai họ.
Như vậy chỉ xét sơ bộ, người Việt trẻ đang phải đối đầu với ba cuộc khủng hoảng lớn: khủng hoảng kinh tế; khủng hoảng niềm tin và các thang giá trị; và khủng hoảng định vị mình trong xã hội.
- Trong khủng hoảng, liệu có cơ hội nào cho người trẻ tạo nên những biến chuyển lớn mà thế hệ đi trước chưa làm được? Và muốn làm được điều đó, người trẻ phải bắt đầu từ đâu?
Khủng hoảng là chỉ dấu cho thấy cần phải có một sự thay đổi. Và mỗi sự thay đổi đều phải trả một chi phí chuyển đổi nhất định. Theo góc nhìn lạc quan thì phí chuyển đổi trong khủng hoảng là thấp nhất. Do đó, khủng hoảng chính là cơ hội cho người trẻ thay đổi, là thời điểm của những lựa chọn có tính chiến lược, trên bất kể quy mô nào.
Sự thay đổi này trước hết đến từ một sự phản tư về vai trò của mình trong xã hội. Từ sự phản tư này, người trẻ sẽ tự xác lập lại các thang giá trị và niềm tin cho mình, từ đó định vị được vị trí của mình trong xã hội.
Có thể thấy người trẻ hiện là lực lượng chủ đạo tại những nơi mà đời sống đang diễn ra sôi động nhất. Dù đó là đời sống kinh tế như trong các trung tâm mua sắm lớn; đời sống văn hóa như trong các biểu diễn, triển lãm nghệ thuật; hay đời sống học thuật trong các trường, viện nghiên cứu.
Tương tự, nếu đi vào những nơi hiện đại nhất, có mức độ hội nhập cao nhất, thì sẽ thấy lực lượng chủ đạo ở trong đó là người trẻ. Ngay cả trong khu vực sản xuất và dịch vụ, người trẻ cũng đang là lực lượng chủ lực.
Với một dân số trẻ có tuổi trung bình chưa đến 30 thì việc người trẻ là lực lượng chủ lực của mọi hoạt động trong xã hội là điều tất yếu. Người trẻ đang chiếm lĩnh tiền phương và hậu phương của sự phát triển. Người trẻ đang nắm giữ tương lai của đất nước này.
Nhưng người trẻ chưa có được vị thế xứng đáng với vai trò của họ trong xã hội. Họ không có quyền năng tương xứng với đóng góp của họ trong xã hội. Trật tự hiện thời không ủng hộ họ, không tạo điều kiện cho họ được thể hiện mình. Nói cách khác, ở mọi cấp độ, họ bị hạn chế hoặc không được quyền tham gia định đoạt số phận của chính mình.
Vì thế, một sự thay đổi với người trẻ chỉ có thể đến từ một sự thức tỉnh về vai trò của mình, về vị trí xứng đáng của mình trong xã hội. Đó là vị trí dẫn đầu xã hội. Đó là tiền tuyến của sự phát triển. Chỉ khi đó, người trẻ mới tự tin làm chủ cuộc đời mình, chủ động tham gia hoặc đấu tranh để được tham gia, định đoạt số phận mình. Chỉ khi đó họ mới có thể đóng góp vào sự triển của đất nước một cách tự tin và hiệu quả.
Với cách nhìn đó, khủng hoảng chính là cơ hội của người trẻ. Vấn đề là người trẻ có ý thức được điều đó không, và có đủ tự tin để gánh vác công việc thay đổi đó.
Sống hay tồn tại?
- Có ý kiến cho rằng giới trẻ ngày nay được nuôi dưỡng trong điều kiện đầy đủ vật chất, được chiều chuộng hơn xưa rất nhiều. Do đó, khả năng sinh tồn và đương đầu với khó khăn của họ cũng suy giảm. Quan điểm của anh về vấn đề này ra sao? Những thách thức mới mà người trẻ phải đối mặt có gì khác biệt và giáo dục đã hỗ trợ họ chuẩn bị tâm thế hiệu quả đến đâu?
Nếu đặt trọng tâm của đời sống người Việt trẻ vào chuyện sinh tồn, thì đó là một cách đặt vấn đề sai ngay từ đầu. Người trẻ phải đặt mục tiêu cuộc đời mình cao hơn sự sinh tồn. Con chim trên trời, con cá dưới nước không có trí tuệ, không được học hành đào tạo gì mà vẫn có thể sinh tồn rất tốt đó thôi. Vì thế, với một con người, nhất là với người trẻ, vấn đề là sống, chứ không phải sinh tồn.
Mỗi người đều phải vác cây thập giá của chính mình. Thời nào cũng đều có cái khó, cái khổ của thời ấy. Về vật chất người trẻ hiện nay có thể đầy đủ hơn ngày xưa. Nhưng xét về tổng thể, người trẻ hiện nay không hẳn đã sướng hơn xưa.
Thế giới bên ngoài đã đổi thay quá nhanh và quá lớn, người trẻ phải đương đầu với chuyện đó. Giá trị thì quá nhiều, thật giả đúng sai lẫn lộn, thiêng liêng và nhảm nhí pha trộn với nhau, cống hiến và trục lợi hòa quyện vào nhau. Riêng việc tách lọc những thứ đó cho ra ngô ra khoai đã là quá mệt.
Khủng hoảng là cơ hội cho người trẻ tạo ra những chuyển biến. Ảnh minh họa
Ngoài ra, nếu các thế hệ trước chỉ phải đương đầu với cuộc khủng hoảng thiếu, tức thiếu mọi thứ, thì ngày nay một phần người trẻ còn phải đương đầu với cả khủng hoảng thiếu và thừa. Thiếu những thứ thiêng liêng và thừa những điều nhảm nhí. Thiếu cái cao cả mà thừa cái vụn vặt đời thường. Như trong lĩnh vực thông tin chẳng hạn, ngày xưa thiếu thông tin về mọi mặt, thì ngày nay lại vừa thừa vừa thiếu: thừa thông tin mà thiếu tri thức, nên chỉ riêng việc gạn ra những gì cần đọc trong một rừng tin tức cũng là điều quá mệt.
Tôi biết có rất nhiều người đang dành nhiều thời gian và sức khỏe để ngày ngày nhặt rác đổ vào đầu mình mà cứ ngỡ đang làm giàu tri thức. Tin rác giờ hiện là chủ đạo, trong khi thông tin thực sự thì lại quá hiếm, lại thường xuyên bị bóp méo và kiểm duyệt chặt chẽ, nên ngộ độc thông tin, ngộ độc những điều nhảm nhí, cũng là một điều cần phải cảnh giác.
Thừa thông tin nhưng thiếu tri thức. Nhặt được vàng trong bãi rác quả thực không phải là việc dễ.
Nói như vậy để thấy, không phải vì được "chiều chuộng" mà người trẻ đánh mất khả năng sinh tồn, đánh mất khả năng đương đầu với khó khăn. Mấu chốt là ở việc người trẻ đã không được chuẩn bị cho việc phải sống trong môi trường mới khi hoàn cảnh đã thay đổi. Vì thế, người trẻ đã đánh mất tính chủ động và năng động của mình.
Đến đây ta thấy hé lộ vai trò của giáo dục. Lý do là giáo dục đã quá lạc hậu so với xã hội. Giáo dục không giúp cho người trẻ có được sự tự tin chủ động, tinh thần tự do bay bổng, và trên hết là không giúp người trẻ định hình được một cách rõ ràng những phẩm chất cần có của một con người đích thực.
Ngược lại, giáo dục lại đào tạo theo lối rập khuôn, tạo ra đồng loạt những con người chỉ biết phục tùng, nên đương nhiên người trẻ sẽ đánh mất sự tự tin và tính chủ động trong việc định đoạt cuộc đời mình, và gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh với thế giới bên ngoài.
Người trẻ là sản phẩm mới nhất của nền giáo dục đó, nên người trẻ hụt hơi so với xã hội là điều tất yếu.
- Anh từng chia sẻ, chính giáo dục cũng đang khủng hoảng nên chẳng thể cứu được giới trẻ. Nhưng dù thế nào, giáo dục Việt Nam cũng không thể không thay đổi. Vậy để góp phần kiến tạo một thế hệ trẻ tự tin, vững vàng, theo quan điểm của anh, giáo dục nên bắt đầu từ những thay đổi nào?
Giáo dục cần phải bắt đầu từ việc xác định lại mục đích của chính mình. Đó là cần phải hướng đến việc tạo ra những con người tự do chứ không phải những cá nhân chỉ biết vâng lời.
Các nhà giáo dục cũng cần phải nhìn nhận lại mình, xem mình có thực sự là các nhà giáo dục, hay chỉ là công cụ của một trật tự cũ, một quán tính cũ.
Nói cách khác, giáo dục cần phải hướng đến việc giải phóng con người chứ không phải là đày đọa con người. Mà muốn thế, bản thân giáo dục và các nhà giáo dục lại cần phải được giải phóng trước.
Câu chuyện đến đây đã rẽ sang một chiều hướng khác. Nếu nói tiếp thì e là quá dài. Đành xin bạn hẹn một lần khác vậy.
Hải Tâm (thực hiện)những chia sẻ, trăn trở của TS Giáp Văn Dương. Từng du học và giảng dạy tại các nền giáo dục tiên tiến như Hàn Quốc, Anh, Singapore..., góc nhìn của TS Giáp Văn Dương nhằm góp phần soi tỏ những vấn đề trọng yếu đối với người trẻ hiện nay.


Giới trẻ 'nghèo' nhất tài sản gì?

Để định vị vững vàng, người trẻ phải tự mình đối diện và giải quyết khủng hoảng lớn nhất - khủng hoảng niềm tin.
LTS: Trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, đất nước và xã hội càng cần đến vai trò, sức sống, tài năng của người trẻ để kiến tạo những biến chuyển mới. Đó chính là lý do Tuần Việt Nam tổ chức đề tài Định vị người trẻ thời khủng hoảng.
Mở đầu cho loạt bài này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến độc giả góc nhìn của một người trẻ cũng đang trên hành trình tìm kiếm con đường định vị bản thân trong cuộc sống và sự nghiệp. Tác giả bài viết dưới đây thuộc thế hệ 8X, từng học đại học và có thời gian làm việc tại Việt Nam, hiện đang du học tại Đan Mạch.
Cách đây vài năm, ngôn ngữ thời @ xuất hiện một thành ngữ thông dụng: sống bằng niềm tin. Anh không có tiền - sống bằng niềm tin, anh không có nhà - sống bằng niềm tin, v.v... Đại loại, ý nghĩa của nó là nếu không có một số thứ (hoặc hoàn toàn không có gì), thì anh chỉ có nước lôi niềm tin ra làm vốn sống.
Trớ trêu thay, thứ tưởng như ai cũng có lại là thứ thiếu nhất trong cuộc sống hiện tại. Thế hệ trẻ hiện nay đang đối diện với một cuộc khủng hoảng niềm tin, mà ngoài chính họ ra không ai khác có thể giải quyết được.
"Thế hệ mất mát"
Những ai từng đọc Ernest Hemingway có lẽ đều biết đến Lost Generation - tạm dịch là "thế hệ mất mát". Cụm từ này chỉ những người đi ra từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất và cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng trong cuộc sống hiện tại. Với họ, chiến tranh đã phá vỡ hoàn toàn lý tưởng mà họ có trước đó, trong khi niềm tin mới chưa hình thành.
Những thế hệ đứng giữa sự chuyển mình của thời đại thường gặp phải vấn đề về lý tưởng sống như vậy. Đó là lớp thanh niên phương Tây với phong trào hippie trong thập niên 1960-1970, là cuộc nổi loạn của giới trẻ Nhật Bản hơn chục năm trước, hay gần đây nhất là phong trào Chiếm phố Wall trên quy mô toàn cầu.
Giới trẻ Việt Nam ngày nay, đứng trước những thay đổi chóng mặt của cuộc sống và xã hội, cũng không phải ngoại lệ.
Tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh chóng, cùng với sự đón nhận cởi mở các giá trị từ bên ngoài đã tạo ra một không gian sống hoàn toàn mới cho giới trẻ. Quan hệ xã hội đã được cởi trói ra khỏi những ràng buộc địa lý, mở hơn, nhưng tất nhiên cũng phức tạp hơn.
Internet trở thành môi trường sống thứ hai của giới trẻ (nếu xét về mặt thời gian sử dụng, có lẽ nó phải môi trường số một). Ở đó, họ trải nghiệm những tự do không rào chắn mà cha ông ngày xưa trong mơ cũng không thể nghĩ đến.
Không gian vật chất thay đổi nhanh chóng khiến nhiều giá trị cũ lụi tàn, hoặc không cũng bị thách thức bởi thời cuộc.
Xã hội đòi hỏi khả năng làm việc thực chất, nhưng hệ thống giáo dục vẫn nặng về khoa cử, thành tích. Chúng ta nói về trọng người tài, nhưng chuyện chạy việc, chạy công chức, chạy biên chế dù không mấy người dám công khai nhưng ai cũng ngầm hiểu.
Chúng ta nói về liêm khiết và chính trực, nhưng tham nhũng và hối lộ ngày càng khó kiểm soát, len lỏi đến cả những hoạt động thường ngày như đi khám bệnh.
Chúng ta tuyên bố đề cao giá trị tinh thần, nhưng thực tế cuộc sống lại trơ trụi như một cô người mẫu nổi tiếng từng phát biểu, "không có tiền thì cạp đất mà ăn".
Đứng trước những mâu thuẫn đó, thật khó để thuyết phục người trẻ tin theo lời của "người lớn" về giá trị sống. Giới trẻ như bị kẹt giữa hai "làn đạn", như người đang đi trên dây giữa một bên là di sản niềm tin cũ đang mong manh, một bên là những tư tưởng dẫn đường mới chưa hình thành.
Người trẻ đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình định vị bản thân. Ảnh minh họa
"Nhiều cách sống" [1]
Giới trẻ hiện nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau với cuộc khủng hoảng tư tưởng mà có thể chính họ cũng không nhận ra.
Với một số người, giá trị sống ý nghĩa nhất là phải khẳng định được bản thân, theo nhiều cách: tham gia nhiều hoạt động nhất có thể, nỗ lực thăng tiến, hay chỉ đơn giản là kiếm được nhiều tiền. Vì thế nên giai đoạn "khủng hoảng tư tưởng" cũng là lúc xuất hiện nhiều những doanh nhân 8X, 9X thành đạt, dám nghĩ dám làm nhất, những nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi xông xáo và nhiệt tình nhất.
Số khác mang trong mình "mầm mống nổi loạn", muốn bứt phá khỏi khuôn khổ gò bó. Đó là lúc phong trào "phượt" nở rộ, với không gian "xê dịch" thậm chí mở rộng tới những vùng đất xa xôi, như tác giả trẻ Huyền Chip của bộ sách "Xách ba-lô lên và đi". Lựa chọn "xê dịch" phần nào cho thấy cảm giác muốn tìm về chính mình, được cân bằng trong một không gian sống mới chưa định hình của giới trẻ.
Và cũng có bộ phận giới trẻ lựa chọn bấu víu vào những "giá trị ảo" làm lẽ sống: đó có thể là game online, âm nhạc, hay mạng xã hội. Từ chuyện những "fan cuồng" K-pop đến mức mắng chửi cả bố mẹ, hay những thanh niên sẵn sàng giết người chỉ để có tiền "cày" game, đều bắt nguồn từ sự tha hóa của lẽ sống.
Đi mãi sẽ thành đường
Dù lựa chọn cách sống nào, thì thực tế cũng là giới trẻ đang phải tự mình dò đường đi. Tất nhiên, trong một môi trường mở và thông thoáng hơn, thế hệ trẻ không thể mong đợi xã hội và nhà nước "dắt tay từng bước" như với đứa trẻ lên ba. Bản thân người trẻ cũng không bao giờ mong muốn như vậy.
Nhưng điều đó không có nghĩa là nên bỏ mặc họ đi trên dây khi chưa được học cách giữ thăng bằng. Làm vậy chẳng khác nào đẩy một con chim non chưa đủ lông cánh ra khỏi tổ tập bay.
Thay vào đó, hãy dạy nó cách kiếm ăn, cách tự bảo vệ mình, cách sống với đồng loại trước khi để nó lựa chọn những khoảng trời riêng của mình. Đáng buồn thay, có vẻ như chúng ta đang thiếu cả thời gian lẫn quyết tâm để hiện thực hóa điều đó.
Bên cạnh đó, có một tâm lý rất phổ biến hiện nay cho rằng giới trẻ đang đi lầm đường, không biết phân biệt phải - trái - đúng - sai, và xã hội cần phải tăng cường định hướng hơn nữa cho họ. Bản thân người viết cho rằng cách đó vô tác dụng. Bởi vấn đề của niềm tin phải được giải quyết bởi niềm tin, chứ không phải bằng ép buộc và kiểm soát.
Niềm tin chỉ được xây dựng trên nền tảng những hành động thực chất, những nỗ lực hữu hình. Hành động đó có thể bắt đầu từ những thay đổi trong hệ thống giáo dục, tuyển dụng người tài, cho đến những vấn đề vĩ mô hơn như giải quyết nạn tham nhũng hay gia tăng hiệu quả chính sách.
Không thể nói nhà nước tạo mọi điều kiện cho giới trẻ lập nghiệp, nếu như môi trường kinh doanh của nước ta luôn xếp hạng dưới trung bình trên toàn thế giới (thứ 99/185-theo Báo Cáo Môi Trường Kinh Doanh 2013 của World Bank), và đa phần doanh nhân trẻ phải tự xoay sở để gom vốn mà không hề biết đến sự tồn tại của quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.
Không thể nói mở cửa cho người trẻ thể hiện tài năng, trong khi "đường vào" các cơ quan nhà nước vẫn muôn trùng cửa ải đối với những người không thuộc diện "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ".
Và cần hơn cả là niềm tin của thế hệ đi trước vào thế hệ hiện tại. Hãy tin họ như thế hệ thanh niên thời chiến tranh nhận được niềm tin sẽ giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, hay thế hệ Đổi mới sẽ đưa VN thoát khỏi trì trệ. Thế hệ 8X, 9X cũng có đủ năng lực để chèo lái dân tộc đi đến những cột mốc mới.
Tin tưởng đồng nghĩa với việc hiểu rằng giới trẻ hiện nay khác với những người đi trước, và do vậy không thể áp đặt giá trị sống, lối tư duy cũ lên họ. Xã hội chỉ nên tạo ra điều kiện cần giúp họ phát triển thành những người trưởng thành, có lý trí, và đến lúc đó hãy để cho họ tự do suy nghĩ, lựa chọn con đường riêng của mình.
Lỗ Tấn từng nói, trước kia làm gì có đường, người ta đi mãi thì mới thành đường đó thôi. Nếu không để cho giới trẻ khám phá những con đường mới, thì sau này chúng ta lấy đâu ra đường để đi?
---------
[1] Nhiều cách sống: tên cuốn tiểu thuyết của nhà văn 8X Nguyễn Quỳnh Trang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?