Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Một sự sàng lọc đắt giá (P4) : Bão "suy thoái" càn quét ngành Nông nghiệp

Vỡ nợ cà phê
TT - Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh cà phê tại Đắk Lắk, Đắk Nông đã và đang lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần, thậm chí phá sản. Đã có trên 40 doanh nghiệp - đại lý mua cà phê phải đóng cửa.
Vụ HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An phải tính đến chuyện bán thương hiệu cà phê Đức Lập để tồn tại chỉ là một trong nhiều trường hợp thua lỗ.
Trót ký gửi 4 tấn cà phê với giá trị gần 200 triệu đồng cho đại lý Lan Diệu, vợ chồng ông Lộ Văn Quận và bà Huỳnh Thị Yến (Thuận Thành, Thuận An, Đắk Mil, Đắk Nông) như đang ngồi trên lửa vì đại lý vỡ nợ. Ngôi nhà của vợ chồng ông bà cũng đã thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư sản xuất - Ảnh: Thái Bá Dũng
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện tại đã có trên 40 doanh nghiệp - đại lý mua cà phê phải đóng cửa. Trong khi đó tại Đắk Nông, nông dân đứng ngồi không yên với tin hàng loạt doanh nghiệp cà phê làm ăn thua lỗ và có thể mất khả năng trả nợ.

Lâm nợ vì mua đắt bán rẻ
Tại huyện Đắk Mil (Đắk Nông) những ngày gần đây, hàng trăm hộ nông dân đã đứng ngồi không yên trước thông tin các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê tại đây có nguy cơ vỡ nợ. Mới đây nhất, ngày 15 và 16-4 hàng chục người dân đã xông vào đại lý mua bán cà phê, phân bón Lan Thông xiết hàng tấn phân bón có trong kho của đại lý này. Trước đó vài ngày, hàng chục người dân đã vây kín đại lý Lan Diệu (thôn Thuận Thành, xã Thuận An) để đòi nợ vì nghi chủ đại lý ôm tiền bỏ trốn. Nhiều người còn yêu cầu công an cho họ xông vào đại lý xiết bất cứ tài sản nào để vớt vát.
Đề xuất khoanh, giãn nợ
Ngày 18-4, ông Hoàng Công Thắng - chủ tịch UBND huyện Đắk Mil (Đắk Nông) - cho biết UBND đã có buổi đối thoại với các đại lý đang nằm trong “nghi vấn vỡ nợ” và nhiều đại lý hứa cam kết trả nợ cho nông dân. Quan điểm của UBND huyện là nếu đại lý đã hứa trả nợ thì người dân nếu không quá khó khăn cũng cần chia sẻ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Các đại lý chưa kịp giải quyết cho người dân thì UBND huyện có biện pháp hỗ trợ hoặc đề xuất ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cho vay vốn ưu đãi...
Ông Trác Nhơn Diệu, chủ đại lý Lan Diệu, thừa nhận hiện tổng số nợ của doanh nghiệp này khoảng 2 tỉ đồng ở ngân hàng và 80 tấn cà phê nhân trong dân nhưng vẫn có chỗ khác nợ của doanh nghiệp khoảng 30 tấn cà phê nhân. Tương tự, bà Lê Thị Kiều Nga (có tên khác là Lan), chủ đại lý Lan Thông, cho biết tổng số nợ là 22 tấn cà phê nhân và 1,2 tỉ đồng.
Giải thích về nguyên nhân lâm vào cảnh nợ nần hiện nay, ông Trác Nhơn Diệu cho biết: “Chúng tôi nhận cà phê chốt giá của nông dân và cứ nghĩ giá cà phê sẽ lên cao nữa nên tiếp tục vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để tích hàng. Thế nhưng, đột ngột giá cà phê giảm liên tục khi kỳ hạn trả nợ ngân hàng đã đến. Chúng tôi buộc phải bán hết số cà phê có trong kho với giá thấp hơn khi mua (gồm cả cà phê ký gửi của người dân chưa bán) để trả nợ ngân hàng và chấp nhận bù lỗ.
Tuy nhiên khi bán hàng, tài sản để trả nợ thì các ngân hàng thắt chặt tín dụng, không cho vay nữa nên lâm vào bế tắc”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Toàn, trưởng ban quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An, cho biết do thấy cà phê đang giá thấp nên dùng hết vốn liếng tích trữ 350 tấn cà phê để mong giá lên sẽ có một khoản lãi lớn. Thế nhưng không ngờ giá cà phê liên tục hạ khiến HTX phải bán hết số cà phê trong kho để trả nợ ngân hàng nhưng sau đó không vay lại được nên mất vốn kinh doanh.
Ngoài cú “ngã ngựa” do không lường trước được việc cà phê rớt giá, ông Toàn còn thừa nhận do thấy thị trường cà phê đang lên giá nên đã vay rất nhiều tiền từ ngân hàng, người dân để đầu tư vào xây dựng nhà xưởng, kho bãi và một nhà máy chế biến cà phê bột. Thế nhưng đến nay do mất vốn, nhà xưởng bỏ không, nhà máy chế biến cà phê bột thì sản xuất cầm chừng... Tương tự, ông Trác Nhơn Diệu cũng dùng cà phê ký gửi, tiền vay lãi của người dân đầu tư vào nhà đất, kinh doanh khác nên khi làm ăn thua lỗ lại không bán được tài sản khiến công việc kinh doanh bị khủng hoảng...
Tình trạng khó khăn cũng xảy ra tại những công ty xuất nhập khẩu lớn như tại Vinacafe Buôn Ma Thuột. Theo ban giám đốc Vinacafe Buôn Ma Thuột, tài sản cố định, bất động sản của công ty còn rất nhiều nhưng số nợ quá hạn cũng rất lớn, lên đến 2.900 tỉ đồng vào cuối năm 2010 và hiện nay là 1.620 tỉ đồng...

Nông dân lãnh đủ
Mới đây, ông Phan Hồng Giang và vợ là bà Nguyễn Thị Kim Huệ phải bán căn nhà cạnh quốc lộ 14, đoạn qua trạm thu phí thị xã Buôn Hồ (phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) để trả ngân hàng do trước đó đã vay cho bà Hà Thị Vui (phường Thiện An) mượn để kinh doanh cà phê, rồi bà Vui tuyên bố vỡ nợ. “Tòa xử 3-4 lần nhưng bà Vui vắng mặt, giờ số tiền 150 triệu đồng không biết đến bao giờ mới lấy lại nên tôi đành phải bán nhà” - ông Giang bức xúc.
Cùng chung tình cảnh với ông Giang, hàng chục người dân khác cũng đã ký gửi cà phê và tiền mặt cho đại lý của bà Hà Thị Vui và giờ cũng đối diện với nguy cơ mất trắng. Không chỉ đại lý của bà Hà Thị Vui mà liên tiếp trong thời gian qua nhiều công ty, đại lý cà phê tại thị xã Buôn Hồ cũng lâm vào cảnh vỡ nợ như Công ty TNHH Chung Đào, Công ty cà phê Tân Trường Nguyên, cơ sở Nguyễn Thị Lan, cơ sở Phạm Thị Loan... khiến khoảng 600 người dân có nguy cơ mất trắng tài sản.
Theo đại diện phòng kinh tế các huyện Buôn Hồ, Krông Năng, Ea H’Leo (Đắk Lắk), khi đại lý, doanh nghiệp cà phê vỡ nợ thì thiệt thòi vẫn thuộc về người dân, bởi hầu hết người dân khi ký gửi cà phê, cho vay tiền mặt đều chỉ có giấy nợ viết tay, thậm chí nhiều người chỉ gửi vì tin nhau là chính. Trung tá Nguyễn Hữu Ngọt - trưởng Công an phường Thiện An - cho biết thời điểm tháng 9-2011 khi tiếp nhận đơn của nhiều hộ dân tố cáo việc bà Hà Thị Vui nợ quá hạn nhưng không trả, công an phường đã xác minh và chuyển hồ sơ đến tòa xử khiếu nại về dân sự chứ không đủ cơ sở để xử lý hình sự. Trong khi đó, hàng chục hộ dân mà bà Vui nợ tiền nay chỉ còn biết... chờ đợi để đòi nợ bà.

Không được bán thương hiệu cà phê Đức Lập
Ngày 19-4, ông Nguyễn Văn Toàn - trưởng ban quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An - cho biết vừa nhận được thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ về việc không đồng ý cho HTX Minh An bán thương hiệu cà phê Đức Lập cho nước ngoài.
Theo đó, trong hai nhãn hiệu hàng hóa “Cà phê Đức Lập Minh An & hình” và “Cà phê Đức Lập Đắk Mil & hình” thì HTX Minh An chỉ được toàn quyền bán nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập Minh An & hình”. Nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập Đắk Mil & hình” do có tên địa danh Đắk Mil (Đắk Nông) không thuộc độc quyền của HTX Minh An. Nếu HTX Minh An bán nhãn hiệu này thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thu hồi giấy phép đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đã cấp cho HTX Minh An.
Tuy nhiên, ông Toàn cho biết thêm ông muốn nhượng lại hai nhãn hiệu có tên Đức Lập này cho địa phương mà không lấy bất cứ chi phí nào. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn của HTX hiện tại, rất mong UBND tỉnh xem xét cho vay vốn ưu đãi để tránh việc HTX Minh An phải thanh lý, mất đi thương hiệu nhiều năm gầy dựng chứ không phải là ra điều kiện với địa phương...

Có chăng vỡ nợ ảo ?
Tôi là người ở Daklak. Khu vực sinh sống của tôi có rất nhiều đại lý cà phê. Giữa lúc giá cà phê ổn định nhưng hàng loạt đại lý vẫn tuyên bố phá sản. Nhưng thử hỏi, nếu thua lỗ thì phải phát hiện ra ngay. Đằng này, đùng một cái tuyên bố vỡ nợ và thậm chí không thể trả nổi một đồng cho người dân.
Đại lý nào ít thì vài tỷ, có một số đại lý (hoặc kinh doanh gì đó để lấy mác vay tiền) lên đến 20 - 30 tỷ. Họ làm đủ thứ để người dân tin rằng họ thực sự vỡ nợ. Nào là anh em đóng kịch chửi bới, đánh nhau; nào là bán hết đồ đạc, lao động cực khổ... Tuy nhiên, trong đó vẫn có những người mua đất, cất biệt thự ở Sài Gòn.
Tòa án huyện khi nào cũng ngập tràn đơn kiện của người dân. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao chính quyền chẳng chịu phong tỏa và thu hồi tài sản của họ để trả nợ cho dân. Nếu có cùng lắm chỉ là một vài tài sản không mấy giá trị trong nhà, chẳng bao giờ đá động đến đất đai giá hàng tỷ đồng họ đang đứng tên.

Đại gia thủy sản miền Tây nặng gánh nợ nần

Ngoài Bianfishco, nhiều doanh nghiệp thủy sản khác ở miền Tây cũng bị chủ nợ vây, ngân hàng siết tài sản.

Công ty chế biến thủy sản Minh Hiếu có trụ sở tại thị trấn Giá Rai (Bạc Liêu) vừa bị một nhà băng đến siết nợ hàng hóa ngay trong kho. Bà Lê Thị Hạt, Giám đốc Công ty Minh Hiếu cho biết, đối tác nhập khẩu ở nước ngoài khắt khe nên có nhiều lô tôm nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép bị trả về. Công ty làm ăn thua lỗ, càng lún sâu vào nợ nần, mất khả năng trả nợ.
Trước thông tin Minh Hiếu đang nợ 4 ngân hàng khoảng 135 tỷ đồng, bà Hạt nói rằng đang thuê đơn vị kiểm toán xác định tổng tài sản để thương thảo trả nợ bằng tài sản thế chấp. Hiện công ty đã ngưng hoạt động, khoảng 500 công nhân chuyển qua làm việc cho Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu (đơn vị có cổ phần của gia đình chồng bà Hạt).
Cuối năm 2011, Doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng do bà Huỳnh Dù Táng làm giám đốc chuyên chế biến thủy sản ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng xảy ra chuyện nông dân nuôi cá đòi nợ. Chủ nợ Phạm Thị Mai (Thốt Nốt, Cần Thơ) đã cho người đến lấy tài sản của doanh nghiệp nên bị cơ quan cảnh sát điều tra Sóc Trăng khởi tố về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Sau đó, Phó giám đốc Vạn Hưng là Khưu Chí Thức (29 tuổi, chồng sắp cưới của bà Táng) cũng bị bắt về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Liên quan đến vụ án này, Công an Sóc Trăng đang thụ lý hồ sơ của 30 hộ nông dân nuôi cá ở nhiều tỉnh miền Tây tố cáo doanh nghiệp Vạn Hưng chiếm dụng khoảng 20 tỷ đồng.
Một chủ nợ của Vạn Hưng là nông dân Trần Văn Tâm ở ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang) cho VnExpress.net biết, gia đình có 6.000 m2 đất đào ao nuôi cá tra. Ông vay 250 triệu đồng từ ngân hàng để nuôi cá, khi bán cho doanh nghiệp Vạn Hưng bị đơn vị này chiếm dụng 238 triệu đồng. Gia đình ông Tâm không đòi được tiền từ Vạn Hưng, phải bán đất đai trả nợ ngân hàng.
Tại khu công nghiệp Trà Nóc 2 ở TP Cần Thơ nơi Công ty cổ phần Thủy sản Bình An của nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền, còn có một doanh nghiệp khác cũng vướng nợ đầm đìa là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Khang. Doanh nghiệp này hiện đang nợ 5 ngân hàng khoảng 375 tỷ đồng.
Trong khi đó Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) đang nợ 1.200 tỷ đồng của nông dân và ngân hàng, cùng nhiều đối tác. Trong số nợ này, riêng tiền mua cá của nông dân là 261 tỷ đồng. Tân Tổng giám đốc Bianfishco Trần Văn Trí cho biết, công ty dự kiến sẽ bán nhà máy với một số tài sản khác để trả nợ.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ năm 2011 nhiều doanh nghiệp ngành bắt đầu tụt dốc. Tình hình nợ nần bộc phát vào đầu năm nay vì thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng cao, khiến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Theo ông Hải, đã có doanh nghiệp thủy sản không trụ được phải phá sản hoặc sáp nhập, bán cho người khác.
"Việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn ngay thời điểm này đã quá tầm của VASEP mà cần phải có sự can thiệp từ Chính phủ. Trong đó, điểm mấu chốt là tạo điều kiện cho người nuôi, doanh nghiệp tiếp cận dễ với nguồn vốn nhưng lãi suất phải thấp và ổn định", Chủ tịch VASEP nói.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu

 Chỉ tiêu xuất khẩu 6,5 tỉ USD năm 2012 là một thách thức không nhỏ đối với ngành thủy sản.

Năm 2011, tổng khối lượng thủy sản xuất khẩu (XK) Việt Nam ước đạt trên 1,5 triệu tấn, chế biến chủ yếu từ nguồn nguyên liệu trong nước, trong đó 70% từ nuôi trồng và 30% từ khai thác tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay chi phí đầu vào cho hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng cao, giá cả bấp bênh và nguồn cung lại khan hiếm. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng tại các nhà máy chế biến XK.
Xuất khẩu thủy sản đang ngày càng trở nên khó khăn. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Các số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản(VASEP) cũng cho thấy, trong năm 2011, Việt Nam đã phải nhập hơn 500 triệu USD thủy sản để chế biến xuất khẩu. Trong năm nay, chỉ tiêu 2 tỉ USD cho cá tra sẽ cần khoảng 1,3 triệu tấn cá tra nguyên liệu. Tuy nhiên hiện nay sản lượng nuôi đang giảm mạnh và mặt hàng tôm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi một số vùng nuôi đã có dấu hiệu bị bệnh trở lại.
Bên cạnh đó, Phó tổng thư ký VASEP - ông Nguyễn Hoài Nam cho biết chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu của doanh nghiệp đã tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực (1/7/2011). Chưa kể, quy định và thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến phần lớn các lô hàng phải chờ 7 - 10 ngày, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
Ông Nam cũng cho biết, nhiều loại giấy chứng nhận thị trường nhập khẩu không yêu cầu, nhưng cơ quan quản lý vẫn bắt DN đóng phí để nhận giấy. Cùng với đó, việc áp thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì PE để bao gói hàng xuất khẩu cũng là gánh nặng với DN xuất khẩu thủy sản. VASEP ước tính, chi phí tăng thêm từ thuế bảo vệ môi trường với sản phẩm thủy sản xuất khẩu là 0,1 USD một kg.
Hơn nữa, dự kiến, tháng 3/2012, thủy sản Việt Nam sẽ đón tiếp đoàn kiểm tra của Hàn Quốc. Tiếp đó là đoàn thanh tra của Nga (dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5). Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác cũng cảnh báo chất lượng thủy sản Việt Nam và có thể sẽ cử đoàn kiểm tra sang.

'Khoảng 20% doanh nghiệp thủy sản sẽ đóng cửa'

Theo Chủ tịch hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy Sản Việt Nam, năm 2012 sẽ là năm đặc biết khó khăn đối với ngành.

“Ngành thủy sản đang ngày càng ít hấp dẫn, năng lực cạnh tranh giảm sút nhiều. Trong năm 2012, khoảng 20% doanh nghiệp thủy sản sẽ đóng cửa” – ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP đánh giá. Theo ông, sự giảm sút năng lực cạnh tranh đến từ việc doanh nghiệp lẫn người dân thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu nguyên liệu đúng chuẩn chế biến, chi phí đầu vào tăng cao, chất lượng con giống giảm sút. Ngoài ra, tình hình khó khăn về tài chính trên thế giới và các nước ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng tạo áp lực cho ngành.
Ảnh minh họa
Ông Dương Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết, ngành thủy sản Việt Nam đang bị thắt chặt về tài chính trong khi giá thành lại tăng cao. Theo ông Minh, mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD của ngành thủy sản trong năm nay cần nguồn vốn rất lớn nhưng ngân hàng lại đang giảm cho vay, kế hoạch này sẽ khó thực hiện.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi, việc Nafiqad tăng cường kiểm soát các lô hàng xuất khẩu khiến tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh củadoanh nghiệp. "Xuất khẩu năm nay của công ty chúng tôi đã giảm hơn 50% so với năm 2011 tại thị trường EU. Ngay cả thị trường Nhật Bản cũng đang bị đe dọa. Tất cả đều do vấn đề nhiễm kháng sinh. Nhưng chất kháng sinh đó từ đâu mà có? Chính do Bộ Nông nghiệp cho phép người dân sử dụng trong ao nuôi", ông Anh giải thích.
Về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát cho biết, ngành đang rà soát và đã cấm một số loại kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản Thế nhưng việc kiểm soát kháng sinh từ ngay ao nuôi lại không thể làm được. "Vì hiện có đến hàng triệu hộ nông dân đang nuôi tôm và các loại thủy hải sản khác, mà ngành không có đủ lực lượng để xuống từng ao nuôi kiểm tra. Chính vì thế việc kiểm tra sẽ theo hướng chuỗi và kiểm soát theo hệ thống", ông Phát nói.

Nợ dây chuyền
TT - Nợ đang trở thành một chuỗi dây chuyền trong ngành chế biến và nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là mặt hàng cá tra. Doanh nghiệp nợ dân, dân nợ doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi...
Chuỗi dây chuyền này có nguy cơ đổ vỡ bất kỳ lúc nào.
Nhà máy chế biến cá tra Đại Tây Dương, Cụm công nghiệp Thốt Nốt (Cần Thơ) đã ngưng hoạt động từ năm 2011 đến nay - Ảnh: Đức Vịnh
Thốt Nốt (Cần Thơ) vốn nổi danh là vùng nuôi của những tỉ phú cá tra, thế nhưng giờ đây nhiều trang trại bỏ hoang, hàng loạt ao nuôi đã được san lấp lại, người dân kêu bán đất, bỏ đi tứ xứ mưu sinh.
Bên hai cái ao vừa bỏ trống, ông Hồ Văn Nghĩa (Thới An, An Thuận) kể tháng 7-2011 ông bán 260 tấn cá với giá 23.500 đồng/kg cho Công ty xuất nhập khẩu Việt Ngư (TP Long Xuyên, An Giang) trị giá hơn 6 tỉ đồng. Hợp đồng thanh toán dứt điểm trong 30 ngày, nhưng sau đó doanh nghiệp cứ lần lữa mãi, đến cuối năm rồi chỉ trả được 1,6 tỉ đồng buộc ông khởi kiện ra tòa. Ngày 7-2-2012 bên thi hành án đã có quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng tới nay vẫn chưa thể nào lấy được 4,7 tỉ đồng còn lại.
“Nợ ngân hàng quá hạn, nợ mua thức ăn tổng cộng hơn 3 tỉ đồng, chỉ còn nước bán đất, bán nhà trả nợ. Hàng chục hộ ở các tỉnh bị doanh nghiệp này neo tiền bán cá như vậy” - ông Nghĩa bức xúc.
Công nhân thành thợ gặt
"Lãi suất ngân hàng cao đã là gánh nặng, gần đây lại phát sinh nhiều chi phí trong sản xuất, các khoản phí như cấp phép, kiểm tra chất lượng... Giá điện nước, xăng dầu, bọc nhựa, nilông... tăng đẩy giá thành tăng, càng làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm cá tra"
Mai Thị Ánh Tuyết (giám đốc Sở Công thương An Giang)
Tại Công ty XNK Việt Ngư, những ngày giữa tháng 3 này không còn cảnh công nhân vào ca, tan ca như trước. Trong tuần thỉnh thoảng mới có vài công nhân vào làm. Một số công nhân cho biết nhà máy đã cho phần lớn người lao động nghỉ việc, ngày nào công ty mua được cá mới kêu vài chục người vô làm công nhật, theo kiểu làm ngày nào trả tiền ngày đó.
“Nguyên liệu không có thường xuyên nên thỉnh thoảng mới kêu làm, mà thường chỉ nửa buổi” - một công nhân nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ của công ty thừa nhận trước kia nhà máy sử dụng 600 lao động, hiện nay chỉ còn chừng 100 người. Ngày nào mua được cá cũng chỉ chừng 30 tấn và công ty thuê 30 -40 công nhân đến làm công nhật. “Không chỉ chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp khác đều như vậy. Tình hình khó khăn chung của ngành chế biến xuất khẩu cá tra hiện nay mà” - ông phân trần.
An Giang có 17 doanh nghiệp với 21 nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra, hiện nhiều nhà máy đều giảm bớt công nhân, một số nhà máy hầu như... án binh bất động. Tại cụm công nghiệp Mỹ Quý, các bến cảng không còn cảnh ghe tàu neo đậu lên cá tấp nập như trước. Hằng ngày công nhân thường tan ca sớm, những tốp nam nữ tụ lại đánh bài và lai rai ở quán cóc sát vách nhà máy suốt buổi.
Chị Phạm Thị Cẩm Hà, Công ty Ntaco, cho hay từ sau tết tới nay nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. “Tuần qua vô làm hai buổi rồi nghỉ luôn tới giờ, chưa biết chừng nào mới làm lại. Tháng 3 này chỉ làm được chục ngày, nhiều hôm vào làm 4-5 giờ, thu nhập chỉ còn chừng ngoài triệu đồng, làm sao đủ sống đây!” - Hà than thở.
Anh Trần Văn Tuấn, một tổ phó sản xuất của Công ty Ntaco, cho biết trước kia đơn vị này sử dụng 600 lao động, hiện còn chừng 300 người. Tuy vậy gần đây việc làm của công nhân vẫn không ổn định. “Thu nhập giảm sút không đủ đắp đổi nên công nhân các công ty đang có xu hướng bỏ việc hẳn. Nhiều người vừa về quê gặt lúa mướn” - chỉ dãy phòng trọ vắng tanh, anh Tuấn nói.
Anh Trần Công Công, tổ trưởng tổ phi lê ở Công ty TNHH An Xuyên, cho biết từ tết tới giờ nhà máy không làm cá tra mà chỉ làm cá rô phi. Cả nhà máy giờ chỉ còn ngoài 100 công nhân, riêng tổ của anh còn chưa tới 30 người và đều là lao động công nhật.
Tại Cần Thơ, tình cảnh của nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng tương tự. Trên địa bàn quận Thốt Nốt có gần chục nhà máy, sử dụng hơn 6.000 lao động, nhưng giờ đây những dãy nhà trọ đều vắng hoe. “Cứ phải nghỉ việc liên tục, thu nhập không đủ sống, phần lớn công nhân đã bỏ về quê, đi nơi khác tìm việc” - một bà chủ nhà trọ ở Thốt Nốt cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thanh, ở Khu công nghiệp Trà Nóc, kể trước đây là công nhân của Công ty An Khang, sau khi doanh nghiệp bị vỡ nợ chị cùng bạn bè xin chuyển qua làm ở vài công ty khác nhưng các đơn vị này cũng chỉ hoạt động cầm chừng. “Thiếu cá chế biến nhà máy phải nghỉ liên tục, hôm nào có đi làm cũng không hết ca. Thu nhập của tụi tôi hưởng theo sản phẩm, không có cá làm nên lương không đủ sống” - chị Thanh nói.
80% giảm công suất
Ông Dương Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - cho biết hiện đến 80% doanh nghiệp cá tra giảm công suất chế biến, trong đó nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.
Riêng Cần Thơ, công suất của 12 nhà máy chế biến cá tra tối thiểu là 1.200 tấn/ngày nhưng hiện sản xuất chưa được 300 tấn/ngày. Cùng với sự đóng cửa của các nhà máy chế biến cá thì các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản cũng đóng cửa hàng loạt.
“Hiện có đến 70% nhà máy chế biến thức ăn cho cá gặp khó khăn, trong đó trên 40% là đóng cửa” - ông Minh nói.
Theo Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, người nuôi bỏ nghề hàng loạt làm nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt, còn doanh nghiệp đang rất “đói” vốn để mua cá. Trước đó, gặp tình trạng một số doanh nghiệp nợ kéo dài, thậm chí không trả nên gần đây nông dân đòi thanh toán tiền mặt ngay mới chịu bán, khiến các nhà máy đều thiếu cá để chế biến, phải hoạt động cầm chừng.
Mặt khác, ông Lê Chí Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi & chế biến thủy sản An Giang - cho biết trước đó nhiều doanh nghiệp lao vào đầu tư vùng nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu, tuy nhiên do thiếu vốn nên không thể triển khai, một số lại xây dựng vùng nuôi quy mô quá lớn, chủ yếu bằng đi vay. “Đã vay ngân hàng rồi nay không thể vay thêm được nữa dẫn tới thiếu vốn lưu động mua cá” - ông Bình giải thích.
Ông Dương Ngọc Minh cũng thừa nhận có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của ngành cá tra hiện nay, đó là mua cao bán thấp trong năm 2011 và ngân hàng siết chặt tín dụng đầu năm 2012.
Ông Minh giải thích năm 2011 các doanh nghiệp VN khi ký hợp đồng xong thì vướng vào giai đoạn nguyên liệu thiếu hụt, giá mua nguyên liệu cao hơn giá xuất khẩu. Hiện nay, giá thành ngoài dân nuôi lên đến 23.000-24.000 đồng/kg. Do đó, giá mua của doanh nghiệp về đến nhà máy ở mức 27.000-28.000 đồng/kg.
“Các doanh nghiệp “chết” ở điểm này” - ông Minh khẳng định. Nếu tính định mức chế biến cá tra vào Mỹ là 2,5-2,6kg nguyên liệu ra 1kg thành phẩm, cộng chi phí chế biến, nhân công, bao bì thêm 12.000 đồng/kg nên giá thành 1kg thành phẩm là 82.200 đồng, tương đương 3,8-3,9 USD, trong khi giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ lúc tốt nhất chỉ 3,4 USD/kg (FOB).
“Chỉ những công ty đầu tư khép kín từ vùng nuôi đến xuất khẩu mới có lời” - ông Minh nói.
Lo ngại dây chuyền
Các chuyên gia thủy sản phân tích điều nguy hiểm nhất đối với ngành cá tra hiện nay là khả năng đổ vỡ dây chuyền nếu như ngân hàng tiếp tục siết vốn vay đối với các doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp thì nợ dân, dân nợ nhà máy thức ăn chăn nuôi..., nợ đang trở thành một chuỗi dây chuyền nhưng không được giải quyết.
Trong khi đó, các ngân hàng thận trọng và đang có xu hướng siết vốn của các doanh nghiệp. Không có vốn vay, các doanh nghiệp sẽ không có tiền trả tiền mua cá cho người dân, người dân không có tiền trả cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và tiền tái đầu tư cho vụ mới.
Theo ông Minh, trước đây khi doanh nghiệp có hợp đồng mua cá và nhập kho là ngân hàng cho vay, nhưng nay ngân hàng không cho vay nữa. Nhiều doanh nghiệp đến hạn thanh toán nhưng không có tiền phải đàm phán với người dân sẽ trả theo lãi ngân hàng trong những ngày trả chậm.
“Theo thống kê của chúng tôi, đến thời điểm này chưa đến 5-10% doanh nghiệp thanh toán đúng hạn cho nông dân” - ông Minh cho biết.
VASEP cho hay trường hợp xấu nhất là ngân hàng không cho vay thì doanh nghiệp sẽ kéo dài thời gian chậm trả tiền cá cho người dân. Do đó, người dân sẽ không có tiền nuôi cá vụ mới và không có cá cho chế biến từ cuối năm nay. Điều này đang xảy ra khi giá cá tra giống đã giảm từ 36.000 đồng/kg xuống 28.000 đồng/kg. Một nghịch lý đang xảy ra là giống thiếu (cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu với mục tiêu 2 tỉ USD) nhưng giá lại xuống (vì người dân không có tiền đầu tư).
Về thị trường xuất khẩu, theo Vasep, hiện đang tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, đặc biệt là châu Âu vốn tiêu thụ tới 40% sản phẩm cá tra lại hạn chế nhập; đồng thời một số nước đặt ra rào cản kỹ thuật, tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt.
Các doanh nghiệp đang thiếu vốn sản xuất kinh doanh bởi chính sách thắt chặt tín dụng, đã vậy nhà nhập khẩu đòi bán trả chậm nên khó bán được hàng.

Chủ yếu dựa vào vốn vay
Một lãnh đạo ngân hàng cho rằng phần lớn doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL năng lực tài chính thấp, vốn kinh doanh chủ yếu bằng vốn vay nhưng sử dụng vốn chưa hiệu quả. Nhiều đơn vị đầu tư tràn lan, sử dụng vốn lưu động đầu tư nuôi cá, đầu tư bất động sản, chứng khoán... nên thiếu vốn sản xuất kinh doanh.
“Để có 30.000 tấn cá nguyên liệu cần đầu tư vùng nuôi 100ha thì cần ít nhất 450 tỉ đồng, với lãi suất 17% thì mỗi năm đóng lãi đã là 76,5 tỉ đồng. Đấy là chưa kể sử dụng vốn vay để đầu tư lĩnh vực khác...” - ông nói.
Để gỡ khó cho ngành cá tra, VASEP đang tiến hành lập danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn gửi Bộ NN&PTNT đề nghị ngân hàng hỗ trợ. Nguồn vốn này sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tối thiểu là 20 triệu USD năm 2011, ưu tiên cho những doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu nhưng không có vốn mua.
Sẽ tiễn đưa nhiều doanh nghiệp
Ngay trong buổi lễ mừng ngành thủy sản đạt mốc 6,1 tỉ USD hồi đầu năm nay, ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng), đã giội một gáo nước lạnh vào không khí hân hoan của nhiều người khi đăng đàn phát biểu: “Trong thời điểm chúng ta đang ăn mừng con số 6,1 tỉ USD này thì cũng có nhiều doanh nghiệp đang đau đớn vì đứng trên bờ vực phá sản. Ngay trong quý 1 và quý 2 năm nay, chúng ta sẽ đau lòng tiễn đưa một vài doanh nghiệp lớn và nhiều doanh nghiệp nhỏ rời cuộc chơi của ngành thủy sản”.
Trong lần gặp mới đây, ông Lĩnh vẫn khẳng định ý kiến của mình khi cho rằng nhìn con số xuất khẩu năm 2011 thì thấy ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng nhưng thực tế lại đang thụt lùi. “Giá trị xuất khẩu năm 2011 của thủy sản tăng chủ yếu là do giá thị trường thế giới tăng. Trong khi giá chung của thế giới tăng 22-25% thì ngành thủy sản VN chỉ tăng 21%” - ông Lĩnh nói.

Từ đám cưới siêu xe đến nợ khó trả nghìn tỷ

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ có bài viết về hệ quả với nông dân và nền kinh tế từ vụ việc của Bianfishco.

Trước khi xảy ra sự việc khá lâu, ở Cần Thơ, nhiều người đã bàn tán câu chuyện nợ nần và sự vung tay quá trán của bà chủ Công ty thủy sản Bình An cùng với những sự kiện đình đám. Bàn tán thì cứ việc nhưng chẳng ai làm gì, thỉnh thoảng đọc báo lại thấy những bài ca ngợi, lãnh đạo cấp trên đến dự lễ lộc khai trương, khánh thành.
Từ lâu, trong ngành thủy sản, không ai không biết đến Bình An chỉ là công ty tầm trung trong ngành xuất khẩu, đứng trước món nợ khổng lồ thì chắc rằng sức khỏe không ổn. Nhưng rồi công ty vẫn được vay thêm nhiều tiền, nợ nông dân thêm vài trăm tỷ đồng, trước khi sự việc bộc lộ hoàn toàn.
Bianfishco nợ nông dân hàng tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Bianfishco nợ nông dân hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Trong khi vụ Vinashin vẫn còn chưa hết ám ảnh thì nợ nần ở khu vực tư nhân, khu vực được đánh giá là năng động lại bùng lên. Với món nợ lên đến 260 tỷ đồng, kéo dài hàng năm trời thì số tiền lãi mà công ty này chiếm dụng của những người nuôi cá cũng phải đến trên 50 tỷ đồng. Nếu Bình An kinh doanh bình thường thì ít nhất cũng có số lãi 50 tỷ đồng nhờ chiếm dụng vốn ấy. Nhưng với người nuôi cá thì đó là số tiền đáng ra họ được nhận để trả lãi ngân hàng.
Nhưng Bình An không phải là trường hợp cá biệt. Trong ngành thủy sản có mấy trăm doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, thì hầu như doanh nghiệp nào cũng nợ nần, chiếm dụng vốn của những người nông dân, khác nhau chỉ ở số tiền nhiều ít, thời gian dài ngắn mà thôi.
Những hộ nuôi cá với món nợ lớn hàng nghìn tỷ đồng như vậy sẽ đi về đâu khi doanh nghiệp không trả được? Vấn đề đã vượt qua khỏi mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân mà đang có một sự lạm dụng, tận thu của khu vực công nghiệp, thương mại với nông nghiệp.
Không thể coi đây là sự tích lũy công nghiệp bởi sự lạm dụng này không chỉ dành cho đầu tư mà có cả sự lãng phí, chi xài phung phí của tầng lớp giới chủ mới nổi. Đây mới thực sự là vấn đề nghiêm trọng ẩn chức phía sau mỗi quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân. Với mối quan hệ như vậy thì không hề có liên kết mà chỉ có quan hệ một chiều: lợi của bên này là sự mất mát của bên kia.
Trong bất kỳ chuỗi cung ứng nào, tồn tại mối quan hệ thiên lệch lợi ích như vậy thì cũng dẫn đến sự suy yếu. Người ta rất dễ yên lòng khi thấy vẫn có tăng trưởng, mặc dù tổn thất, mất mát đã xảy ra. Nhưng tăng trưởng ở mức một đến 2% hay đáng ra có thể tăng trưởng 4-5% là khác nhau, tăng trưởng trong ngắn hạn hay dài hạn cũng hoàn toàn khác nhau. Triết lý quản trị phải là quản trị hiệu quả, chứ không thể là sự đánh đổi.
Không chỉ nợ nông dân, Bình An còn nợ ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng. Số tiền này không phải của bản thân ngân hàng mà của hàng vạn, hàng triệu người gửi tiết kiệm vài để ngân hàng cho vay. Nếu Bình An không trả được thì gánh nặng này trút lên nền kinh tế. Ngân hàng phải cho vay với lãi suất cắt cổ để có lời, để bù đắp những thiệt hại do quản trị yếu kém xảy ra.
Sự phát triển của ngành thủy sản thời gian vừa qua trên ánh hào quang nhưng ẩn trong đó nhiều rủi ro quan trọng, những mất mát cũng rất lớn. Nhưng thủy sản mới chỉ là một phần, còn có nhiều ngành cũng có tình hình tương tự cho thấy bức tranh về nợ nần hết sức phức tạp.
Không ít chủ doanh nghiệp ảo tưởng về tài năng của mình, lạm dụng tiền vay, tiền nợ để tự ban thưởng cho mình nhiều quyền lợi, bổng lộc, ban phát cho người này, người nọ, tiêu xài, mua sắm hoang phí cho mình, cho con cái. Làm từ thiện để đánh bóng hình ảnh trong lúc nợ nần ngập đầu, công nhân không nhận được đủ lương thưởng là hành vi thiếu lương thiện. Đây là những thách thức mới của nền kinh tế khi thiếu những nhà quản trị doanh nghiệp tài ba nhưng lại nhiều nhưng ông chủ, bà chủ quản trị yếu kém mà háo danh.
Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho những vấn đề mà Bình An đang gặp vào tình hình kinh tế, lạm phát và lãi suất cao. Đầu tư không hiệu quả, sự dụng vốn lãng phí, chi xài hoang phí là nguyên nhân đưa doanh nghiệp của họ lâm vào khó khăn và tác động trở lại với nền kinh tế.
Trong khi hàng vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong tiếp cận vốn thì khu vực nhà nước và các "đại gia" ở khu vực tư nhân lại dễ dành tiếp cận vốn, vô tư chiếm dụng vốn của người khác. Với những người này thì không thể đổ lỗi cho tình hình kinh tế khó khăn, mà chính họ là một phần của việc tạo ra khó khăn cho nền kinh tế.
Sự kiện Công ty Bình An cho thấy mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân đang bị thách thức nghiêm trọng. Quyết định 80 của Chính phủ về liên kết bốn nhà, đến nay tựa như chiếc áo cũ kỹ, chật chội cần được thay thế. Hai khía cạnh chình cần giải quyết sớm là hợp đồng và tổ chức đại diện.
Với trình độ và năng lực hiện có, nông dân không thể soạn thảo hợp đồng với những tiên liệu đủ sức bảo vệ mình trước sức mạnh của doanh nghiệp. Nông dân, hiện tại cũng không có tổ chức hỗ trợ trong thương lượng hợp đồng và bảo vệ họ. VASEP và VFA là tổ chức của những nhà xuất khẩu. Hội Nông dân, hội Nghề cá là những tổ chức tuy gần mà rất xa.
20 năm qua, khu vực tư nhân đã trải qua nhiều biến động. Từ chỗ bị phân biệt đối xử, hạn chế thành lập, cấp phép hoạt động đến khi được đánh giá là khu vực năng động thì nay cần có một cái nhìn đầy đủ hơn. Tham nhũng, bòn rút của cải xã hội không chỉ xảy ra ở khu vực công mà nay cũng đang tràn lan ở khu vực tư.
Đào tạo để có những lớp doanh nhân tài ba, tâm huyết và có trách nhiệm với quốc gia là công việc rất lớn. Công việc này cần đi đôi với việc cải cách thể chế quản trị cả khu vực công và tư.

Tổng nợ của công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) hiện nay khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo kiểm toán của công ty TNHH Deloitte, tính đến ngày 31/12/2010, Bianfishco có nợ phải trả hơn 1.393 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 1.221 tỷ đồng; còn vốn chủ sở hữu chỉ là vốn cổ đông 682 tỷ đồng.
Nợ tăng nhiều trong thời gian ngắn, chủ yếu do vay được tiền của các ngân hàng.

Chồng bà Diệu Hiền bán căn nhà ở Kiên Giang để trả cho 12 hộ dân có nợ nhiều nhất.

Ông Trần Văn Trí trả tiền cho cô Nguyễn Minh Thư, nuôi cá ở phường Thuận Hưng (Thốt Nốt, Cần Thơ), bán cá 8,5 tỷ, nay còn bị nợ 3,5 tỷ. Ảnh: Sáu Nghệ.
Ngày 16/4, ông Trần Văn Trí, người nhận ủy quyền điều hành Công ty cổ phần Thủy sản Bình An từ bà Phạm Thị Diệu Hiền, tiếp tục bán một căn nhà riêng ở TP Rạch Giá (Kiên Giang). Căn nhà này trị giá hơn 5 tỷ đồng. Số tiền dùng để trả nợ tiền cá cho 12 hộ nông dân. Đây là những hộ có nợ nhiều và chỉ trả một phần nhỏ bước đầu.
Ở một diễn biến khác, ông Trí cho biết, ngày 14/4, ông đã ký công văn gửi TAND quận Ô Môn và TAND TP Cần Thơ, trình bày quan điểm về những đơn kiện đòi nợ. Ông Trí thông tin: “Công ty Bình An chấp nhận là có nợ tiền, và đương nhiên coi như chấp nhận thua kiện. Mọi sự phán quyết của tòa, Công ty sẽ chấp nhận”.
Theo hai công văn, Công ty Bình An “không thuê luật sư tranh tụng kể cả các phiên tòa sau này”, còn đề nghị các nguyên đơn “mang hồ sơ chứng từ có liên quan đến trực tiếp Phòng kế toán của công ty Bình An đối chiều công nợ để công ty Bình An có kế hoạch trả nợ”. Kế hoạch trả nợ cụ thể sẽ được quyết định sau đại hội cổ đông, kèm “phương án tái cấu trúc hoạt động”. công ty Bình An không chọn giải pháp phá sản.
Trước thông tin trên, luật sư Nguyễn Trường Thành, đại diện cho hai hộ dân kiện đòi nợ (phiên sơ thẩm ngày 16-3 buộc công ty Bình An trả hơn 18 tỷ đồng nhưng có kháng án), cho biết ở phiên phúc thẩm sẽ hạ lãi suất xuống theo mức gửi tiết kiệm (không phải mức vay vốn như án sơ thẩm tuyên) hoặc có thể rút đơn kiện.

Đại gia thủy sản đề nghị 3 phương án xử lý nợ

Tân Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình An xin kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng thêm 3 năm, tạm ngừng trả nợ gốc trong vòng 24 tháng; đồng thời ngừng phát sinh lãi và trả lãi đến tháng 4/2014.

Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Bianfishco) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục An ninh, lãnh đạo TP Cần Thơ cũng như Ban quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ, trình bày những khó khăn của doanh nghiệp.
Theo đó, ông Trần Văn Trí thừa ủy quyền Tổng giám đốc đề xuất 3 phương án để Bianfishco ổn định lại sản xuất. Trong đó, một là mong muốn UBND TP Cần Thơ đóng vai trò trung gian để một số nhà đầu tư với 2 ngân hàng nhận lãnh trả tiền cá cho các hộ dân, mua nguyên liệu sản xuất vào tháng 4.
Phương án thứ hai là bán tài sản riêng để trả nợ. Số tài sản này có đất đai ở Cần Thơ, Sóc Trăng, TP HCM và cổ phần của công ty. Ông Trí cho biết sẽ bán tài sản để trả 61 tỷ đồng nợ Ngân hàng Á Châu (ACB). Giá trị tài sản đang thế chấp trên 500 tỷ đồng.
Cuối cùng, Bianfishco đề xuất kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng thêm 3 năm (đến 1/4/2015); tạm ngừng trả nợ gốc trong vòng 24 tháng; ngừng phát sinh lãi và trả lãi đến tháng 4/2014 cũng như tái cơ cấu các khoản nợ, cung cấp thêm vốn cho công ty đi vào sản xuất ổn định.
Hoãn trả nợ 3 năm là biện pháp quan trọng mà Bianfishco đề xuất. Ảnh: P.T
Hoãn trả nợ 3 năm là biện pháp quan trọng mà Bianfishco đề xuất. Ảnh: P.T
Trao đổi với VnExpress.net chiều 26/3, ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết Bianfishco sắp đến thời gian phải đại hội cổ đông nên đề nghị tổ kiểm tra nợ của doanh nghiệp yêu cầu công ty gửi báo cáo năm tài chính 2011. Bên cạnh đó, tổ cần đốc thúc cơ quan kiểm toán hoàn tất báo cáo kiểm toán vào cuối tháng này để giúp Bianfishco đại hội cổ đông theo đúng luật nhằm xác định tư cách pháp nhân của chồng bà Phạm Thị Diệu Hiền (đương chức Tổng giám đốc) là ông Trần Văn Trí để giúp ông này điều hành công ty.
“UBND TP Cần Thơ sẽ làm cầu nối giúp Bianfishco thương thảo, đàm phán với các đối tác và ngân hàng để đầu tư vốn nếu họ thấy đề xuất của doanh nghiệp khả thi. Tuy nhiên, đề xuất liên quan đến việc giãn nợ, ngừng phát sinh lãi... vượt tầm của địa phương. Bianfishco cần phải đề xuất với cấp có thẩm quyền của Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, ông Thống nêu quan điểm.
Trong báo cáo này, ông Trí giải trình nguyên nhân khó khăn là do ảnh hưởng tình hình thắt chặt tín dụng cùng lúc Bianfishco đầu tư cho các trung tâm nuôi trồng ở Vĩnh Long, An Giang, nhà máy nước uống Collagen, dây chuyền thiết bị sản xuất, nhà máy giá trị gia tăng, nhà máy phụ phẩm, Viện nghiên cứu, xưởng chế biến thức ăn thủy sản và hoạt động sản xuất...

Các khoản nợ ngân hàng của Bianfishco:

- Ngân hàng An Bình: 63,5 tỷ với 10 triệu USD.
- Ngân hàng Đầu tư phát triển: 139,2 tỷ và 2,6 triệu USD.
- Ngân hàng Việt Thái chi nhánh TP HCM: 3,5 triệu USD.
- Ngân hàng Phát triển chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang: 310,2 tỷ.
- Ngân hàng Habubank chi nhánh TP HCM: 63,9 tỷ.
- Ngân hàng Công thương chi nhánh Cần Thơ: 3 tỷ.
- Ngân hàng Phát triển Nhà chi nhánh Cần Thơ: 20 tỷ.
- Ngân hàng Á Châu: 61,3 tỷ.
- Ngân hàng Xuất khẩu chi nhánh Sài Gòn: gần 24 tỷ đồng với 304.800 USD.
Theo ông Trí, hiện Bianfishco chỉ còn nợ trên 245,1 tỷ đồng của nông dân. Công ty cũng nợ vốn 9 ngân hàng, với tổng số nợ ngoại tệ trên 16,4 triệu USD tương đương 344,8 tỷ đồng. Cộng với nợ nông dân và ngân hàng thì tổng nợ của Bianfishco là hơn 1.275 tỷ đồng.
Trong báo cáo này, Bianfishco cũng thông tin Tổng giám đốc Phạm Thị Diệu Hiền phải ra nước ngoài điều trị chứ không phải trốn nợ. "Thế nhưng một số công ty cùng ngành nghề cạnh tranh không lành mạnh, có ý đồ thôn tính, muốn mua lại nhà máy với giá rẻ càng làm cho Bianfishco càng trở nên khó khăn", theo báo cáo của doanh nghiệp.
“Tương lai của Bianfishco rất khả quan. Nếu được tái cơ cấu lại các khoản nợ, cung cấp thêm vốn để thực hiện những hợp đồng với đối tác nước ngoài thì công ty có thể đạt doanh thu 100-150 triệu USD mỗi năm và trả được các khoản nợ hiện tại”, ông Trí khẳng định.


 Nông dân phá sản: Kêu chẳng thấu vì không biết PR

(VEF.VN) - Hàng triệu lao động, đóng góp cả chục tỷ USD xuất khẩu mà đến khi khó khăn phá sản kêu không thấu, chẳng qua là tại nông dân không biết PR?

Cuối tuần rồi, hàng loạt người dân ở các làng nuôi nghêu ở Thái Bình trở nên điêu đứng khi nghêu chết hàng loạt. Không có thu hoạch, nợ ngân hàng đến kỳ không có trả, nợ nần vật tư, công sá đè nặng lên vai... Cả làng nghêu được một phen điên đảo vì nhưng chẳng biết kêu ai. Ngân hàng đến hạn thì thu nợ, nghêu chết do thời tiết thì địa phương cũng chỉ cử người xuống ghi nhận rồi về ngồi phòng lạnh viết báo cáo. Biết phận mình, người nông dân lại đành gạt mộ hôi, nuốt nước mắt bán tài sản, gán nhà để trả nợ... rồi lạy lục khắp nơi để tìm vốn nuôi trồng vụ mới chỉ với hy vọng trả được món nợ cũ.
Trong khi đó, hàng loạt nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên cũng đang điêu đứng vì bị nợ nần. Số là hàng loạt DN cà phê nơi đây mua cà phê rồi kinh doanh thua lỗ, không thể trả nợ cho nông dân. Thế là "đại gia" cà phê lên ô tô về Thành phố lánh mặt, bỏ lại người nông dân khốn cùng giữa nợ nần ngân hàng, nợ vật tư phân bón và cuộc sống khốn cùng vì không có tiền chi trả... Nông dân nhiều vùng cà phê Tây Nguyên đang điên đảo vì phá nợ nần và đẩy đến bước đường cùng khi không có tiền trang trải cuộc sống và nguồn sống của họ là các rãy cà phê cũng đang chết dần vì không có tiền để mua phân bón, bơm nước chăm sóc.
Trong khi đó, ở Miền Tây Nam bộ, không chỉ có Bianfishco mà hàng loạt DN thu mua và chế biến thủy sản cũng đang gặp khó khăn và các DN chọn cách dễ nhất là xù nợ của nông dân. Người ít thì vài trăm triệu, người nhiều cũng bị DN chiếm dụng vài chục tỷ tiền cá...

Nông dân bán cá có tiền tỷ tưởng là giàu có lắm nhưng đằng sau đó là một khối nợ lớn từ tiền con giống, tiền thức ăn, nhân công, vật tư chăn nuôi... có lấy tiền về, trang trải nợ nần, ngân hàng siết nợ - lãi... May mắn lắm, nông dân mới có khoản tiền lời gọi là lấy công làm lãi. Thế nhưng, nay DN phá sản và trốn nợ, nông dân không còn con đường nào khác là phá sản. DN nợ không trả cho nông dân vẫn ô tô, nhà đẹp, tài sản triệu USD... còn nông dân thì quay quắt trong nợ nần chỉ còn nước bán nhà, bán ao đầm mới thoát được cảnh ra tòa.
Một chuyên gia kinh tế đã chua chát cho biết: Những DN như cà phê, thủy sản vừa qua có phá sản thì các ông chủ chỉ mất tý tiền vốn họ đóng vào công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn. Mà chừng đó chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận họ kiếm được từ trước tới nay, so với tài sản ngàn tỷ của họ. Vì thế, nên dù cho DN họ làm chủ có bị phá sản thì họ vẫn đàng hoàng nhà to, xe đẹp, tài sản triệu USD không ai dám đụng đến. Còn người nông dân cả nhà, cả cuộc sống và tương lai dồn vào đồng ruộng, ao cá hay mấy tấn cà phê... mất là mất hết, nợ không trả được thì chỉ có ra tòa. Không bán nhà trả nợ không thể sống nổi với ngân hàng và chủ nợ. Cũng là phá sản nhưng ông chủ chỉ là tai nạn còn nông dân là đòn chí mạng, tàn đời.
Chuyện phá sản trong thời buổi khó khăn nghe ra đã quá nhàm. Ai cũng đứng trước nguy cơ phá sản: Ngân hàng cũng có đến chục ông nguy cơ đỗ vỡ, BĐS thì hàng loạt DN đứng trên bờ vực phá sản vì không bán được hàng, các DN kinh doanh khác khốn khó vì thiếu vốn - khó bán hàng... Khó thì phải kêu và đã rất nhiều tiếng kêu được đáp ứng.
Ngân hàng khó khăn, nhà nước đảm bảo không đổ vỡ, được hỗ trợ để cấp cứu, thậm chí chấp nhận chưa thể giãm lãi suất để lo cho thanh khoản của các ngân hàng. BĐS khó khăn, khó bán hàng... kêu nhiều rồi cũng dần được gỡ. Tín dụng mở ra, đến nay không chỉ dành cho một vài đối tượng mà mở cho cả đầu tư, đầu cơ và cho những dự án hoàn thành sau năm 2012... với mục địch rõ ràng, kích thích để cứu BĐS nhằm gỡ khó cho ngân hàng và các DN.
Sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức đã bơm vốn hàng ngàn tỷ đồng để cứu BĐS, thêm vốn cho các DN. Thậm chí, ngân hàng còn giúp DN bằng cách cơ cấu lại nợ, hỗ trợ trả nợ quá hạn... Tất nhiên, trong mối quan hệ đó, mọi thứ đều phải được đảm bảo bằng tài sản và cả hai cùng có lợi nên ai cùng sốt sắng. Vì cứu BĐS là cứu ngân hàng.
Còn nông dân, cứu làm sao khi họ chỉ có tài sản duy nhất là sổ đỏ và căn nhà thì đã cầm cố để vay nợ. Nợ không trả được thì chỉ có nước siết nhà. Hết tài sản thì chẳng có gì để có thể làm tin mà vay vốn làm ăn tiếp. Hết tài sản thì chẳng ngân hàng nào dại mà dây dưa với nông dân đã khánh kiệt. Đã khó khăn lại càng thêm bĩ cực.
Chỉ có điều, trong khi những khó khăn và đỉnh điểm là thảm cảnh điêu đứng và phá sản của nhiều nông dân ở ngay tại những vùng sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn nhất đang diễn ra ngày càng nhiều thì cho đến nay từ các địa phương, cho đến các bộ ngành quản lý vẫn chưa có mấy ai lên tiếng về những kế hoạch trợ giúp và phục hồi cho nông dân. Có chăng cũng chỉ là những ghi nhận, báo cáo và sớn nhất là những đề xuất cứu DN rồi từ đó mới có hy vọng cứu nông dân. Với thứ tự ưu tiên như vậy xem ra quá xa vời, vì cứ nhìn Bianfishco thì thấy, dù có được quan tâm nhưng còn lâu nông dân mới được trả hết nợ. Còn dân trồng cà phê thì chưa thấy một lời hứa hay phương hướng nào đề thoát cảnh khốn cùng.
So sánh thì thật là khó, hãy nhìn vào BĐS hay cả ngân hàng, cả một năm qua, trước những khó khăn họ đã kêu ca, vận động rất nhiều mới có được ngày mở cửa, thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ, phá sản. BĐS từ phi sản xuất, cấm cho vay rồi được mở dần những nhóm đối tượng nhỏ, sau đó chuyển qua không khuyến khích và cuối cùng là mở cửa cho cả đầu tư và đầu cơ... thế coi như là thoát. Ngân hàng khó khăn, thiếu thanh khoản thì được hỗ trợ, quản trị kém thì được theo dõi chấn chỉnh... cả một lộ trình như thế xem ra nông dân làm sao mà theo được.
Kêu không thấu thì không ai biết, xem ra nông dân cũng nên trách mình trước?!. Cả hàng triệu nông dân, chiếm số đông lao động xã hội với vai trò lớn trong an sinh xã hội, mỗi năm còn đóng góp hàng chục tỷ USD xuất khẩu nông sản mà không biết kêu, không được giúp cũng chỉ tại cái tội không biết PR.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?