Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Du lịch Việt Nam với... lời khuyên lạ

"Việt Nam có rất nhiều điều thú vị cho khách du lịch khám phá. Nhưng tốt nhất, nên tự mình làm công việc đó".
Bà Lorijon Bacchi, giám đốc công ty Visa tại Việt Nam, Lào và Campuchia kể lại một trải nghiệm: "Khi lên trang web tripadviser.com, một trong những trang web có uy tín với người du lịch trên toàn cầu, tôi thấy họ khuyên rằng cách hay nhất để đi du lịch ở Việt Nam là hãy thuê một chiếc xe máy và đi một chuyến từ Bắc vào Nam. Một lời khuyên rất lạ! Đến Việt Nam tôi được biết câu nói vui của các hướng dẫn viên ở đây là: sáng bảo tàng, tối múa rối nước. Và tôi đã hiểu ý nghĩa lời khuyên ở trên. Việt Nam có rất nhiều điều thú vị cho khách du lịch khám phá. Nhưng tốt nhất, nên tự mình làm công việc đó".
Năm 2011, công ty Visa thực hiện cuộc khảo sát xu hướng du lịch toàn cầu lần thứ sáu và cũng là lần thứ ba, Việt Nam được đưa vào danh sách các quốc gia được khảo sát.
Điểm đến hấp dẫn
Dựa vào kết quả khảo sát này, có thể thấy phong cảnh thiên nhiên, các gói khuyến mại du lịch hấp dẫn cũng như tình hình chính trị ổn định được coi là những ưu điểm chính của du lịch Việt Nam trong hai năm tới. Khách du lịch có kế hoạch tới Việt Nam trong thời gian tới còn cho biết rằng họ rất hào hứng tham gia những hoạt động ngoài trời, những tour du lịch ẩm thực để khám phá, thưởng thức đặc sản các vùng miền và trải nghiệm cuộc sống về đêm náo nhiệt ở Việt Nam.
Khảo sát này đưa ra những con số rất cụ thể và có ích cho các nhà hoạch định chính sách du lịch các quốc gia cũng như các công ty lữ hành. Từ đó người làm nghề có thể có được những thông tin cụ thể từ độ tuổi, tình trạng hôn nhân, điều kiện kinh tế của khách cho tới sức hút của sản phẩm du lịch, nhu cầu của khách hàng, những điều được và chưa được của thị trường từng quốc gia, xu hướng tương lai gần của khách du lịch.

Có bao nhiêu du khách sẽ trở lại Việt Nam?
Quảng bá kém
Nhìn vào những số liệu của bản khảo sát này, nổi bật lên là vấn đề quảng bá du lịch còn chưa hiệu quả.
Con số 271 khách du lịch đã đến Việt Nam trong vòng hai năm gần đây và 338 khách du lịch dự định đến Việt Nam trong hai năm tới trên tổng số 11.620 đối tượng khảo sát là một tỷ lệ thấp, có thể thấy sự biết đến của khách du lịch về Việt Nam còn khá hạn chế. Đặc biệt, báo cáo này cũng cho biết Singapore, Thái Lan, Úc và Hàn Quốc là những quốc gia có khách du lịch quan tâm nhất tới Việt Nam. Rõ ràng, sự quảng bá của Việt Nam ra ngoài khu vực còn hạn chế.
Trong nghiên cứu của Visa, có một chi tiết khá bất ngờ. Đó là du khách nước ngoài có vẻ có một cái nhìn thiếu khách quan về Việt Nam, vì họ nghĩ rằng mức độ bất ổn chính trị và nguy cơ khủng bố ở đây cao hơn so với trung bình thế giới. Ông Nguyễn Quý Phương, vụ trưởng vụ Lữ hành, tổng cục Du lịch Việt Nam nói: "Đây là sự hiểu lầm mà lỗi trước hết thuộc về chúng ta và vấn đề là chúng ta chưa làm tốt công tác thông tin, quảng bá. Khi Campuchia có những bất ổn nhất định, tôi cũng đã thấy hiện tượng có du khách nghĩ rằng Việt Nam cũng không an toàn và không lựa chọn chúng ta là điểm du lịch. Mặc dù là tỷ lệ khách du lịch có suy nghĩ này không chiếm phần lớn. Nhưng điều này nằm trong xu thế của khách du lịch quốc tế dự định tới Việt Nam trong tương lai. Vì thế chúng ta cần phải khắc phục ngay tình hình mà trước hết là cần chủ động xây dựng hệ thống thông tin nền qua các kênh thông tin".
Dịch vụ kém
Trong hành lang của buổi giới thiệu bản báo cáo, bà Lorijon kể về cảm nghĩ của mình với tư cách một người du lịch ở Việt Nam. "Lần đầu khám phá Hà Nội, tôi tìm tới một công ty lữ hành và thuê một người hướng dẫn theo lộ trình. Nói thật, sau một ngày tôi thấy chán. Tôi nói người hướng dẫn viên: tôi có ba ngày ở Hà Nội và tôi muốn chúng mang lại cho tôi sự thoải mái và thích thú. Nhưng tôi có cảm giác bạn chỉ có thể giúp tôi tiếp cận một Hà Nội rất khuôn mẫu, trong khi đâu đó, tôi lại cảm giác có điều gì thú vị mà mình chưa được chạm vào. Anh chàng hướng dẫn viên trẻ, giỏi tiếng Anh không biết giải thích với tôi thế nào. Vì thế tôi ngừng thuê anh ta và giở cuốn hướng dẫn của mình ra để... lang thang. Những lần sau trở lại Hà Nội, tôi luôn háo hức. Vì tôi luôn có một kế hoạch sẽ ăn món này, đến chỗ nọ, mua cái kia. Và tất cả đều do chính tôi tự khám phá".
Câu chuyện của bà Lorijon chắc chắn không cá biệt. Bà vẫn trở lại Việt Nam nhưng có bao nhiêu du khách đã không trở lại? Có phải vấn đề quảng bá du lịch của chúng ta không chỉ bất cập để rủ rê bạn bè đến với mình mà còn kém trong việc giữ chân họ?

"Nên đến trước khi chết" hay "cho tiền cũng không trở lại"?
Tiên trách kỷ... "Cho tiền cũng không thèm trở lại Việt Nam", ý kiến có phần cực đoan ấy trước hết là liều thuốc đắng để chúng ta nhìn lại các dịch vụ du lịch trên đất nước mình.
1. Đầu năm mới chẳng vui vẻ gì khi nghe tin một blogger Mỹ nói xấu về du lịch Việt Nam trênHuffington Post - tờ báo điện tử lớn thứ 2 tại Mỹ. Tất nhiên, du lịch Việt Nam thì cũng không phải là toàn thiện, toàn mỹ, nhưng chúng ta quen nghe người ta bình chọn địa danh quê mình là nơi "nên đến trước khi chết", nay lại phải nghe nói xấu đến mức đào đất đổ đi là "Cho tiền cũng không trở lại Việt Nam" thì... nhảy dựng lên là phải.
Theo trích lại trên VTC News thì tay blogger này viết: "Người bán đồ ăn thu tiền của tôi gấp 3 lần giá cả bình thường, người lái taxi gian lận về quãng đường để tính cước. Khi tôi mua áo phông ở Hội An, ba người phụ nữ chèo kéo tôi trong cửa hàng của họ để giữ tôi phải mua một cái gì đó, thậm chí là kéo áo sơ mi của tôi.
Một người bạn tôi mua chuối và người bán hàng đã bước đi mà không trả lại tiền thừa, vào siêu thị mua đồ thì được trả tiền thừa bằng socola... dường như kinh nghiệm của tôi là một chuẩn mực và không phải là ngoại lệ".
Tưởng chuyện gì to tát chứ cái chuyện ấy thì... có gì phải tẩy chay du lịch của Việt Nam dữ dội như vậy. Cái tay blogger này đúng là quá... nhỏ mọn. Ngay tôi đây, chân còn dính bùn, giọng nhà quê một cục mà mùa lễ hội này lớ xớ tới mấy nơi quán xá không hỏi giá trước, đến lúc tính tiền còn bị chủ hàng "chém cho sã cánh" nữa là. Còn chuyện dính phải taxi "đểu" thì chắc mọi người còn nhớ, năm ngoái, đến cả khách Interpol quốc tế đến Hà Nội cũng bị anh taxi "chém" đẹp...

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
2. Thật ra, những bức xúc về nạn bán hàng rong, chèn ép du khách... của blogger nêu trên vốn chẳng có gì mới, và cũng không phải lần đầu chúng ta được nghe. Du lịch Việt Nam còn một số vấn nạn nhức nhối, nhưng bức tranh cơ bản vẫn là màu sáng khi chúng ta đón tới hơn 6 triệu lượt khách quốc tế năm ngoái. Dù có một blogger khinh khỉnh "Cho tiền cũng không thèm trở lại Việt Nam", nhưng có biết bao nhiêu tổ chức uy tín về du lịch và truyền thông bình chọn cho Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (xem Tuổi trẻ Online, 12/1). Cụ thể, Hiệp hội du lịch Mỹ (USTOA) công bố Việt Nam đứng đầu nhóm danh sách các điểm được du khách chọn là điểm đến trong năm 2012. Tạp chí du lịch trực tuyến hàng đầu châu Á Smart Travel Asia cũng công bố Hà Nội và Hội An là hai trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất tại châu Á trong năm 2011.
Một điều thú vị nữa là kết quả điều tra ngày 5/1/2012 trên chính tờ báo The Huffington Post, thông qua người sử dụng Facebook, cho biết Việt Nam nằm trong số 10 điểm đến tốt nhất trên thế giới.
Đặc biệt,"chả cá Lã Vọng" thì đã được chuyên mục du lịch của Hãng tin hàng đầu của Mỹ MSNBC xếp vị trí thứ 5 trong "10 nơi nên biết trước khi chết".
3. Tiên trách kỷ... "Cho tiền cũng không thèm trở lại Việt Nam", ý kiến có phần cực đoan ấy trước hết là liều thuốc đắng để chúng ta nhìn lại các dịch vụ du lịch trên đất nước mình. Một sự làm phiền, một cách cư xử thiếu tế nhị dù chỉ là chuyện "thường ngày ở huyện" nhưng cũng có thể để lại ấn tượng rất xấu cho du khách đến từ một nền văn hóa khác, khiến họ tẩy chay. Chúng ta không nên xem nhẹ.
Nhưng nếu gặp Matt Kepnes, tôi sẽ nói với anh ta rằng, trên thế giới này không có nơi nào toàn tốt, cũng không có nơi nào toàn xấu. Tôi cũng sẽ kể cho anh ta nghe một câu chuyện diễn ra vào thế kỷ 16 khi những người phương Tây là tổ tiên anh ta đến xứ Đàng Trong của Việt Nam. Họ cũng rất khó chịu khi thấy người dân bản xứ thích cái gì mà họ có là lập tức... ngửa tay xin bằng được. Nhưng khi sống với người bản xứ rồi, họ mới nhận ra rằng, đến lượt họ cần cái gì, người bản xứ lập tức đem "cho không" mà không cần phải mua bán. Từ quy kết ban đầu về sự tham lam, họ đã nhận ra rằng người bản xứ là những người hồn nhiên, hào phóng nhất thế giới.
Matt Kepnes có thể khó chịu về những cái lặt vặt anh gặp dọc đường, và chúng ta nên chia sẻ với anh ta và cũng hy vọng, phía sau những cái lặt vặt ấy, khi thật sự hiểu và yêu, anh ta cũng sẽ nhận ra Việt Nam cũng là một trong những điểm anh ta "nên trở lại trước khi chết".

Du lịch Việt Nam: có bột mà chưa gột nên hồ

[title]
Hạ Long, một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Việt Nam. (Bay Vút)

Mạnh nhưng không vững

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, số lượng du khách nước ngoài tới Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng lên đáng kể, từ 3.6 triệu người vào năm 2006 cho tới 5 triệu vào năm 2010. Chỉ riêng trong trong bốn tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã đón tiếp 1,9 triệu du khách, tăng 10.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam trong tháng Tư với trên 375.000 lượt, tăng 20,4%.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, sự phát triển đó là không bền vững. Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, cho Bay Vút biết chỉ có khoảng 5-7% du khách quay trở lại Việt Nam trong những lần sau.
Có một điều khá nghịch lý là mặc dù Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn với nhiều danh lam, thắng cảnh phong phú nhưng dường như ngành du lịch vẫn chưa khai thác được hết thế rất mạnh của mình.
Theo báo mạng Tuổi trẻ ngày 31/3/2011, trong khi Việt Nam có tới 9 di sản văn hóa lẫn thiên nhiên thế giới thì Indonesia chỉ có 8, Thái lan 3, Malaysia 2 và Singapore không có di sản nào. Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì ngành du lịch Việt Nam chỉ xếp thứ 80 trong số 139 quốc gia, trong khi Singapore xếp thứ 10, Malaysia thứ 35, Thái Lan thứ 41 và Indonesia thứ 74.
Mặc dù chỉ là một quốc gia nhỏ bé với dân số khoảng 4 triệu người nhưng Singapore rất ‘đáng nể’ trong việc khai thác du lịch, vốn được mệnh danh là ‘ngành công nghiệp không khói’. Chỉ riêng khu du lịch Resort World Sentosa của nước này đã đón 15 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2010, cao gấp 3 lần Việt Nam trong cùng thời kỳ.

Nguyên nhân vĩ mô và vi mô

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và Hiệp hội Du lịch TP HCM, một trong những nguyên nhân mang tính vĩ mô chủ yếu nhất là sự bất cập trong cơ cấu quản lý. Ông dẫn chứng một số nước như Thái Lan thì Tổng cục Du lịch là cơ quan trực thuộc thủ tướng, có nhiệm vụ quản lý ngành du lịch cả nước và tiếp thị hình ảnh quốc gia, đặc biệt có quyền bổ nhiệm lãnh đạo các cấp thấp hơn. Trong khi đó thì Tổng cục Du lịch Việt Nam lại trực thuộc Bộ và chỉ làm nhiệm vụ tham mưu, còn các giám đốc sở lại trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh chứ không trực thuộc tổng cục. Vì vậy, theo lời ông Mỹ, quyền hành của tổng cục “gần như không có gì”, dễ dẫn đến việc ‘mạnh ai nấy làm’ cũng như thiếu trách nhiệm.
Tiến sĩ Hà Văn Siêu cho biết thêm một trong những nguyên nhân khác là cơ chế huy động vốn cho việc quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế khiến cho khách du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin.
Bên cạnh đó, một trong những điểm yếu khiến ngành du lịch Việt Nam chưa có được thương hiệu là do sự bất cập của khâu nghiên cứu, phân khúc thị trường mục tiêu và việc phát triển các loại dịch vụ/sản phẩm đặc trưng cho từng thị trường, cũng như phương pháp tổ chức, sắp xếp và trình độ quản lý còn thiếu chuyên nghiệp.
Ngoài ra phải kể đến sự yếu kém và thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng Việt Nam khiến cho việc kết nối khu vực và quốc tế còn nhiều hạn chế.
Xét dưới góc độ doanh nghiệp thì thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ hướng dẫn viên cũng là điều được báo chí phản ánh nhiều khi nhắc tới ngành du lịch Việt Nam. Theo ông Mỹ, đội ngũ hướng dẫn viên của các công ty du lịch còn “nhiều vấn đề” và nhiều người không thi hành đúng nhiệm vụ của mình mà lại tìm cách moi tiền của du khách hoặc nhận hoa hồng của các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng cung cấp sản phẩm/ dịch vụ du lịch.
Tiến sĩ Siêu cho biết những hạn chế kể trên đã dẫn tới hiệu quả quản lý, kinh doanh thấp và điều đó được thể hiện qua sự nghèo nàn, đơn điệu, kém hấp dẫn, chất lượng thấp của các loại hình sản phẩm/dịch vụ cũng như tầm nhìn ngắn hạn, kém sức cạnh tranh, suy thoái nhanh của các công ty du lịch.
Trong một bài viết có tiêu đề ‘4B của du lịch Việt: Bẩn, Bụi Bực, Buồn’ được đăng trong mục Diễn đàn Kinh tế của báo mạng Vietnam Net vào ngày 27/4/11 cho biết: “Khách du lịch nước ngoài nhận xét, đến du lịch Việt Nam có 4B: Bẩn ở môi trường, ở vệ sinh an toàn thực phẩm; Bụi ở khắp mọi nơi; Bực vì nạn đeo bám để bán hàng; Buồn vì không biết chơi và giải trí ở đâu. Họ đành Bỏ đi nơi khác là tốt hơn”.

Chưa xứng ‘đồng tiền bát gạo’

Mặc dù còn nhiều bất cập nhưng trên thực tế, số khách du lịch ở Việt Nam vẫn gia tăng hàng năm.
Chị Phương Huyền, ngụ tại TP HCM cho biết do đời sống ngày càng được nâng cao, gia đình chị đã có điều kiện đi du lịch nhiều nơi, từ Nam chí Bắc và cả nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Mỹ đồng ý với nhận định này và cho biết thêm sở dĩ du lịch Việt Nam vẫn phát triển chủ yếu là do các doanh nghiệp ‘tự thân vận động’.
Tuy nhiên, chi phí du lịch nội địa tại Việt Nam không hề rẻ, thậm chí còn đắt hơn so với tour đi một số nước. Ông nêu dẫn chứng: vé máy bay khứ hồi TP HCM-Hà Nội lên tới 5 triệu/vé. Trong khi đó, tổng chi phí cho cả tour du lịch TP HCM-Bangkok, Pattaya cũng chỉ khoảng 7 triệu, bao gồm tiền vé máy bay, khách sạn và vé tham quan một số địa điểm.
Tiến sĩ Siêu cũng cho rằng giá tour trọn gói hoặc các chi phí ghép tour tại Việt Nam thực sự cao hơn một số nước do chi phí quản lý cao, sự kết nối giao dịch, công nghệ kém hơn.
Chị Phương Huyền đồng ý với nhận định của Tiến sĩ Siêu khi ông cho rằng nhìn chung, chất lượng sản phẩm/dịch vụ du lịch tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng ‘đồng tiền, bát gạo’.
Ngoài ra, ông cũng nhận định du khách nước ngoài thường chi tiêu ít hơn cho cả chuyến đi đến Việt Nam so với đến các nước khác. Nguyên nhân là do khả năng kích thích chi tiêu của du khách thông qua sự đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các sản phẩm/dịch vụ du lịch ở Việt Nam còn hạn chế. Điều này cũng khiến cho thu ngân sách nhà nước từ du lịch còn thấp.
Một ví dụ điển hình được đưa ra là trong số 5 triệu du khách đến Việt Nam thì có tới 2 triệu là ‘khách bèo’, chủ yếu là khách Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường bộ. Họ không chi tiêu nhiều vì giá cả tại Việt Nam đắt đỏ hơn Trung Quốc, do đó, họ chỉ đi “vòng vòng vài bữa rồi về!” (theo lời ông Mỹ). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?