Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Một thời cưỡi ngựa bắn cung,giờ đây cưỡi cún nhặt dây thun bắn ruồi..

Arroyo, thời vang bóng còn đâu

Từng là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới nhưng cựu Tổng thống Philippines Arroyo đang nằm trên giường bệnh với sự canh gác của cảnh sát.

AFP dẫn lời giới chức cảnh sát Philippines cho biết đã lấy dấu vân tay của cựu Tổng thống Gloria Arroyo ngày 19.11 khi bà đang mặc chiếc áo dành cho bệnh nhân. Theo các thông tin từ người thân và nhân viên bệnh viện ở thủ đô Manila thì bà Arroyo đang sụt cân, huyết áp tăng cao, ăn không ngon miệng và tiêu chảy.

Cảnh sát bắt cựu Tổng thống ngày 18.11 sau khi nhà chức trách ngăn không cho bà sang Singapore chữa một chứng bệnh hiếm về xương. Chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino III cho rằng việc đi chữa bệnh chỉ là cái cớ để bà Arroyo bỏ trốn trước nhiều cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và gian lận bầu cử. Cựu tổng thống 64 tuổi có thể lãnh án chung thân nếu bị phán quyết có tội.

Bà Arroyo bị ngăn không cho sang Singapore ngày 15.11 - Ảnh: AFP


Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình ABS-CBN ngày 20.11, một luật sư của gia đình Arroyo cho rằng bà bị “ngược đãi” và sẽ không được xét xử công bằng. Vị luật sư này cũng bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Aquino III rằng chính quyền đảm bảo thực hiện đúng các quy trình tố tụng và tôn trọng các quyền của bà Arroyo.

Đây được xem là diễn biến bước ngoặt trong cuộc chiến đưa người tiền nhiệm ra tòa của Tổng thống Aquino III. Ngay khi đắc cử tổng thống vào năm ngoái, ông Aquino III đã tuyên bố sẽ làm trong sạch đất nước và bắt đầu từ những cáo buộc dành cho bà Arroyo. Khi bị bắt, bà đang là dân biểu và người phát ngôn Hạ viện Feliciano Belmonte Jr vừa tuyên bố bà vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi của một nghị sĩ.Lẫy lừng và tai tiếng
Bà Gloria Macapagal-Arroyo, sinh ngày 5.4.1947, tại San Juan, Philippines và là con gái của ông Diosdado Macapagal, tổng thống thứ 9 của nước này. Bà từng nhận học vị tiến sĩ và là giáo sư kinh tế tại Đại học Ateneo de Manila ở Philippines. Theo một số nguồn tin, đương kim Tổng thống Aquino III từng là sinh viên của bà ở Ateneo de Manila.

Năm 1987, bà Arroyo chuyển qua làm việc ở Bộ Công thương và đắc cử thượng nghị sĩ vào năm 1992. Đến năm 1998, bà trở thành phó tổng thống rồi nắm giữ vị trí nguyên thủ Philippines năm 2001.

Năm 1968, bà lấy ông Jose Miguel Tuason Arroyo, sinh năm 1946, và hai người có 3 người con.
Cuộc bầu cử năm 1998 đã đưa bà Arroyo vào vị trí Phó tổng thống Philippines, đứng sau ông Joseph Estrada. Đến đầu năm 2001, bà thực hiện cuộc chính biến hạ bệ Tổng thống Estrada với các cáo buộc ông này tham nhũng và chính thức bước vào vị trí lãnh đạo Philippines. Bà Arroyo lại tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 để bắt đầu nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm. Đến năm 2005, bà được Tạp chí Forbes chọn vào vị trí thứ 4 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Trong suốt giai đoạn cầm quyền, bà Arroyo đối mặt với không ít cáo buộc nhưng đều “tai qua nạn khỏi” và còn vượt qua một số âm mưu đảo chính quân sự. Một trong những cáo buộc gây chấn động nhất là bà Arroyo đã lạm quyền và gian lận trong cuộc bầu cử thượng viện năm 2007 để giúp các đồng minh thân cận. Trong số đó, có gia tộc đầy quyền lực Ampatuan, vốn bị cáo buộc chỉ đạo giết hại 57 người trong vụ thảm sát đối thủ chính trị hồi cuối năm 2009.

Bên cạnh đó, nữ cựu tổng thống còn bị tố cáo tham nhũng khi hưởng lợi từ các hợp đồng với nước ngoài và sử dụng ngân sách nhà nước cho chiến dịch tranh cử. Đặc biệt, đoạn băng ghi âm xuất hiện năm 2005, ghi lại cuộc nói chuyện giữa bà Arroyo và một quan chức về việc đảm bảo số phiếu bầu dành cho bà trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004. Khi đó, bà đã xin lỗi nhưng khẳng định mình không làm gì sai và vụ việc mau chóng “chìm xuồng”.

Nhiều năm qua, hồ sơ về các cáo buộc trên vẫn nằm trong ngăn kéo của Bộ Tư pháp Philippines. Từ sớm, bà Arroyo cũng đã bổ nhiệm nhiều người thân cận vào chức vụ thẩm phán tòa án tối cao và chạy đua thành công vào Hạ viện năm 2010 nhằm đảm bảo sự ảnh hưởng trên chính trường và giữ an toàn sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống. Tuy nhiên, những động thái trên vẫn không thể giúp bà Arroyo thoát khỏi bị xét xử. Cảnh bà tiều tụy ngồi trên xe lăn khi bị chặn tại sân bay ngày 15.11 vẫn khiến nhiều người ngậm ngùi khi nó quá đối lập với hình ảnh một nữ tổng thống rực rỡ và quyền lực ngày nào.

Cựu tổng thống Philippines Gloria Arroyo đã bị chặn lại khi bà đang định lên một máy bay ở phi trường quốc tế Ninoy Aquino tại Manila ngày 15-11, vài giờ sau khi Tòa án tối cao Philippines bác bỏ lệnh cấm đi lại của chính phủ với bà Arroyo.Theo hãng tin Mỹ CNN, chính quyền Manila sợ rằng bà Arroyo, đang đối mặt với những cáo buộc tham nhũng và gian lận bầu cử, sẽ bỏ trốn nếu được phép rời đất nước. Nhưng tòa án tối cao đã bỏ phiếu vởi tỉ lệ 8-5 bác bỏ lệnh cấm đi lại với cựu tổng thống, với lý lẽ làm như thế là vi hiến do bà Arroyo vẫn chưa bị chính thức buộc tội.
Báo chí trong nước nói bà Arroyo lên máy bay ra nước ngoài để trị một chứng bệnh liên quan đến xương được chẩn đoán đầu năm nay, sau ba ca phẫu thuật xương sống bất thành ở Philippines. Bà Arroyo tới sân bay bằng xe cấp cứu và được chuyển đến cửa ra máy bay bằng xe lăn với chiếc cổ được quấn gạc.
Luật sư của bà, ông Raul Lambino, nói với CNN rằng vợ chồng bà “phản đối sự xúc phạm và sự kiện đáng hổ thẹn ở sân bay”, chỉ trích chính phủ đã can thiệp vào phán quyết của tòa án tối cao.
Tuy nhiên, người phát ngôn của phủ tổng thống Philippines Edwin Lacierda đã mô tả tình hình “rất gay cấn”. “Họ (gia đình Arroyo) muốn tranh thủ sự thông cảm của dư luận”, ông Lacierda nói với báo chí địa phương. Ông cũng khẳng định vợ chồng nhà Arroyo sẽ được đối xử “với danh dự”, nhưng chính quyền “rất cương quyết trong việc không để họ rời đất nước”.
Chồng bà Arroyo, ông Jose Miguel Arroyo, cũng bị cáo buộc tham nhũng.
Tòa án tối cao Philippines, với hầu hết các thẩm phán được chỉ định dưới thời bà Arroyo, đã có xung đột với quyết định mới đây của Tổng thống Benigno Aquino điều tra những cáo buộc tham nhũng trong hai nhiệm kỳ tổng thống từ 2001-2010 của bà Arroyo. Bộ trưởng tư pháp Leila de Lima nói chính quyền dự kiến sẽ phản đối quyết định của tòa án.
Bà Arroyo, 64 tuổi, đang dự định bay sang Singapore, nhưng sau hai giờ giằng co ở sân bay, được phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia, đã phải quay lại bệnh viện. Tuy nhiên, cựu tổng thống dự kiến vẫn sẽ tìm cách sang Singapore trong ngày hôm nay, 16-11, để gặp bác sĩ của bà ở đó.
“Đó là kế hoạch của chúng tôi vì đó là quyền của chúng tôi - Ferdinand Topacio, một luật sư khác của bà Arroyo, nói với Đài truyền hình Philippines ABS-CBN - Đây là chuyện sống còn”.
Nhưng chính quyền lại tin rằng bà Arroyo chỉ đang tìm cách chạy trốn. “Chúng tôi sẽ không cho phép bà ấy ra đi trừ tình huống khẩn cấp về y tế. Điều đó rất rõ ràng”, De Lima nói với các phóng viên. Phía tòa án tối cao, ông Marquez cảnh báo những ai chống lại lệnh của tòa có thể bị kết tội chống người thi hành công vụ, với mức phạt tối đa là 6 tháng tù giam.
Tổng thống Aquino, kế vị bà Arroyo từ tháng 6-2010 sau khi thắng lớn trong cuộc bầu cử, coi chống tham nhũng là mục tiêu hàng đầu của chính quyền mới và truy tố bà Arroyo đã trở thành “án điểm” của ông. Ông Aquino đã thành lập một Ủy ban sự thật để điều tra, nhưng tháng 12-2010, tòa án tối cao đã phán quyết ủy ban nói trên là vi hiến.
Bất chấp những cản trở từ cơ quan tư pháp, ông Aquino và nội các của ông vẫn rất quyết tâm đưa bà Arroyo ra tòa trước Giáng sinh năm nay. Các tội tham nhũng và gian lận bầu cử có thể bị tuyên án tối đa là chung thân. Ông cùng Bộ trưởng Lima tuyên bố lệnh cấm đi lại với bà Arroyo tuần trước.
Từ Mỹ, Bộ trưởng ngoại giao Hillary Rodham Clinton xác nhận với Hãng tin AP rằng bà Arroyo chưa yêu cầu được sang Mỹ, nhưng nếu bà đưa ra đề nghị “chúng tôi sẽ xem xét”. Bà Clinton cũng nói hành động của Washington sẽ tùy thuộc vào đề nghị của bà Arroyo. Bà Arroyo có quan hệ thân thiết với gia đình Clinton, từng là bạn học của cựu tổng thống Bill Clinton ở Đại học Georgetown.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?