Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Ông Yoshihiko Noda đắc cử thủ tướng Nhật

- Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda ngày 29-8 đã được đảng cầm quyền chỉ định trở thành thủ tướng thứ sáu trong năm năm qua của Nhật Bản, với trách nhiệm vực dậy một đất nước đang nợ nần chồng chất và bị chấn động vì thảm kịch ngày 11-3 vừa qua.
Nhiều khó khăn đang chờ đợi người được đề cử làm thủ tướng Nhật, ông Y.Noda - Ảnh: Reuters

Theo nhật báo Asahi ngày 29-8, sau hai vòng bỏ phiếu, ông Y.Noda, 54 tuổi, đã được Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đề cử với 215 phiếu, vượt hơn Bộ trưởng Thương mại & công nghiệp Banri Kaeida, 62 tuổi, với 177 phiếu trên tổng số 392 phiếu.
Trong ngày 29-8-2011, Đảng Dân chủ đương quyền DPJ đã bỏ phiếu chọn Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda là thủ tướng mới của Nhật Bản.
Ông Noda giành chiến thắng áp đảo với 215 phiếu bầu ở vòng thứ hai, vượt xa đối thủ có số phiều gần ông nhất là Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Banri Kaieda, với 177 phiếu.
Ông Noda là thủ tướng thứ 3 trong vòng chỉ 2 năm kể từ khi Đảng DPJ cầm quyền, sau ông Yukio Hatoyama và Naoto Kan. Ông Noda là thủ tướng thứ 6 trong vòng 5 năm qua ở Nhật Bản.
Ông Yoshihiko Noda cúi chào sau khi được bầu làm thủ tướng - Ảnh: news.cn
Bộ trưởng kinh tế Banri Kaieda bắt tay chúc mừng ông Yoshihiko Noda sau khi ông được bầu làm thủ tướng - Ảnh: AP
Ông Yoshihiko Noda tại buổi họp báo sau khi Đảng Dân chủ đương quyền DPJ bầu ông làm thủ tướng mới của Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Trong vai trò mới, ông Noda sẽ chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động tái thiết Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân. Trong phát biểu ngay sau khi được chọn là thủ tướng, ông Noda đã cúi đầu rất nhiều lần và cam kết: “Hãy cùng kiến tạo một nền chính trị ổn định, đáng tin cậy và trưởng thành”.
Tân thủ tướng hứa sẽ đẩy nhanh tốc độ tái thiết những thiệt hại sau vụ động đất ngày 11-3 ở Nhật Bản và những ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế và cam kết sẽ đoàn kết nội bộ Đảng DPJ, vốn đang bị chia rẽ sâu sắc để “mọi người làm việc cùng nhau vì lợi ích của nhân dân”. 
Ông Noda là người có quan điểm cứng rắn đối với nước láng giềng Hàn Quốc và cho rằng tội ác chiến tranh mà phe đồng minh cáo buộc đối với Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ II trên thực tế không phải là tội ác chiến tranh.
Là bộ trưởng tài chính dưới thời ông Naoto Kan, cho đến thời điểm chạy đua vào chức thủ tướng và chủ tịch Đảng DPJ, ông Noda đã điều hành nhiều nỗ lực tổng hợp để vực dậy nền kinh tế èo uột của Nhật Bản sau nhiều năm bị giảm phát, nợ quốc gia quá lớn, và vấn đề đồng yen tăng giá với các đồng tiền mạnh khác khiến các nhà xuất khẩu gặp khó khăn. 
Sau khi có tin ông Noda đắc cử thủ tướng, đồng yen giảm giá so với đồng euro và bảng Anh nhưng hầu như không có thay đổi so với các đồng tiền mạnh còn lại. Hiện 1 euro đổi được 111,56 yen, 1 bảng Anh đổi được 125,80 yen trong khi ngày thứ sáu tuần qua, trước khi đóng cửa thị trường 1 euro đổi được 111,19 yen và 1 bảng Anh trị giá 125,59 yen.
Ông Noda là con trai của một sĩ quan nhảy dù thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Ông đã lập gia đình và có hai con.
Hôm 30-8, ông Y.Noda được quốc hội bỏ phiếu bầu làm thủ tướng do DPJ chiếm đa số tại hạ viện, cơ quan đầy quyền lực.
Đương kim Thủ tướng Naoto Kan do uy tín giảm sút đã tuyên bố từ chức sau chưa đầy 15 tháng đứng đầu một chính phủ được đánh dấu bởi thảm họa động đất - sóng thần ngày 11-3 khiến hơn 20.000 người chết và mất tích ở vùng đông bắc Nhật Bản và gây nên một cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhà máy điện Fukushima Daiichi.
Trong cuộc họp báo đầu tiên, ông Y.Noda tuyên bố mong muốn nhận được sự hỗ trợ của toàn đảng và sự hợp tác dựa trên tin cậy của phe đối lập để đương đầu với những thách thức của đất nước.
“Tôi không là con cá vàng”
Ông Y.Noda không phải là người nổi tiếng so với các đối thủ khác trong cuộc đua để được DPJ đề cử vào chức thủ tướng. Theo khảo sát của báo Yomiuri cuối tuần qua, ông chỉ nhận được tỉ lệ ủng hộ 9%, rất thấp so với con số 48% của ông Maehara và 15% của ông Kaeida. Là người tầm thước, ông thừa nhận mình không “ăn ảnh” như những người tiền nhiệm, nhưng ông cam kết sẽ tạo ra sự ổn định. “Tôi không phải là một con cá vàng, tôi là con cá chạch” - Yomiuri dẫn lời ông Y.Noda tự nhận.
Đúng là thắng lợi của ông Y.Noda có phần nhờ vào sự ủng hộ của ba ứng cử viên khác sau khi thất bại ở vòng bầu cử thứ nhất: cựu bộ trưởng ngoại giao Seiji Maehara, Bộ trưởng Nông nghiệp Michihiko Kano, và cựu bộ trưởng giao thông Sumio Mabuchi.
Đối thủ của ông Y.Noda là ông Banri Kaeida, người được đưa ra trước cuộc bỏ phiếu như là ứng viên sáng giá nhất nhờ sự ủng hộ của cựu chủ tịch DPJ Ichiro Ozawa và cựu thủ tướng Yukio Hatoyama cùng 120 nghị sĩ khác cùng phe. Thế nhưng, hình ảnh của “kẻ buôn vua” Ichiro Ozawa vốn dính líu vào một vụ bê bối tài chính mờ ám và bị bay chức trong nội bộ DPJ từ tháng 2 đã thuyết phục các ứng cử viên khác quay sang ủng hộ Bộ trưởng Tài chính Y.Noda.
Noda đã đảm bảo được chiến thắng trong một trận đấu lại với Bộ trưởng Thương mại Banri Kaieda, sau vòng đầu không ứng viên nào giành đa số rõ rệt. 

Naoto Kan, Thủ tướng vừa từ nhiệm, từng cam kết sẽ rút lui ngay khi chương trình lập pháp của ông kết thúc. Và khi Noda chuẩn bị cuộc chạy đua kế nhiệm ông Kan, nhiều người Nhật vẫn băn khoăn họ sẽ trông đợi gì ở một người đàn ông ít người biết đến này. 

Là con trai của một lính dù thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và là một chính trị gia chuyên nghiệp 5 lần được bầu vào Hạ viện, ông Noda, 54 tuổi, đã tạo dựng được các khả năng chính trị của mình dưới bóng của các đồng nghiệp nổi tiếng hơn trong DPJ. 

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Waseda, trường đào tạo nhiều chính trị gia Nhật xuất chúng, ông Noda vào Viện Điều hành và Quản trị Matsushita danh giá cùng thời với người đồng nghiệp nổi tiếng hơn, cựu Bộ trưởng Tài chính Seiji Maehara. 

Khi DPJ còn là phe đối lập, ông Noda giữ chức Bộ trưởng phụ trách về bãi bỏ quy định và cải cách hành chính.

Trong vai trò Bộ trưởng Tài chính, ông Noda, một người tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của việc duy trì tính cạnh tranh sản xuất của Nhật, đã can thiệp vào các thị trường tiền tệ 3 lần trong năm qua trong nỗ lực ngăn chặn sự tăng giá của đồng Yên trước đồng đôla Mỹ. 

Và mặc dù là một người ít danh, Noda có được một nền tảng ủng hộ từ bên trong đảng. Ông cũng được xem là một đôi tay chắc chắn, đủ khả năng đưa mọi người vượt qua những bất đồng và làm việc cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung. 

Các nhà phân tích cho rằng, trong khi dân chúng Nhật Bản thể hiện trong một số cuộc thăm dò ý kiến rằng họ muốn một nhà lãnh đạo mạnh mẽ có thể đưa ra một đường hướng rõ ràng sau nhiều năm thay đổi chính sách, sức mạnh của ông Noda nằm ở việc tạo dựng sự đồng thuận hơn là một tài năng lãnh đạo kiên quyết. 

Một yếu tố quan trọng có lợi cho Noda là ông thích thiện chí của các chính trị gia đối lập, những người mà sự hợp tác của họ rất cần thiết để thông qua những pháp chế cơ bản, vì DPJ thiếu 12 ghế nữa mới đạt đa số ở Thượng viện. 

"Thay vì thắng một cuộc tranh cãi thông qua lập luận thì Noda cố gắng thuyết phục mọi người. Tôi nghĩ nếu Noda trở thành Thủ tướng, sự hợp tác với phe đối lập sẽ diễn ra khá tốt", Atsuo Ito, một chuyên gia phân tích chính trị, nhận xét. 

Một yếu tố lớn dẫn đến sự suy sụp của ông Kan là Đảng Dân chủ Tự do đối lập không muốn hợp tác với ông, một phần do tính hăng của chính trị gia này. 

Bên cạnh đó, ông Noda được các viên chức của Nhật Bản rất tôn trọng. Trong khi những người chỉ trích phàn nàn rằng ông bị các quan chức trong Bộ Tài chính khống chế, những ai biết Noda thừa nhận ông có quan điểm của riêng mình và đủ tự tin để chống lại sự ảnh hưởng quá mức.  

"Về cơ bản ông ấy là một con người cứng cỏi, vì vậy tôi không nghĩ ông ấy nói những gì Bộ Tài chính muốn mà là nói những gì ông tin tưởng", phân tích gia Ito nhận xét. 

Từng nói rõ quan điểm rằng Nhật Bản cần phải tăng thuế, Noda nhiều khả năng sẽ đối mặt với sự phản đối gay gắt từ một nhóm lớn do nhà môi giới quyền lực Ichiro Ozawa đứng đầu trong chính đảng của ông. 

Noda là một nhà hùng biện cừ khôi, từng có bài phát biểu khiến các đồng nghiệp phải rơi nước mắt, theo ông Ito. Khi ngồi vào ghế Thủ tướng, ông sẽ cần đến mọi kỹ năng diễn thuyết để huy động sự ủng hộ của dân chúng dành cho các biện pháp khắc khổ mà ông có sẵn cho Nhật Bản.
Những thách thức
Các chuyên gia chính trị quốc tế nhận định ông Y.Noda sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không mới nhưng cực kỳ khó khăn.
Thứ nhất, núi nợ công khổng lồ, hiện ở mức trên 200% tổng GDP (5.000 tỉ USD/năm). Theo báo Mainichi, ông Y.Noda ủng hộ đề xuất tăng gấp đôi thuế tiêu thụ lên 10% từ nay đến năm 2015 và tạm nâng các loại thuế khác để giảm nợ công và có tiền đầu tư cho dịch vụ an sinh xã hội cũng như tái thiết đất nước sau thảm họa động đất - sóng thần. “Nếu không có đủ tiền, chúng ta cần đề nghị người dân chia sẻ gánh nặng” - ông khẳng định. Tuy nhiên trước cuộc bỏ phiếu hôm qua, ông Y.Noda tỏ ra thận trọng khi tuyên bố điều quan trọng là vừa cải tổ tài chính, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, đồng yen Nhật vẫn liên tục tăng giá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Nhật. Trong thời gian qua, chính sách tiền tệ của chính quyền Tokyo vẫn chưa có nhiều thay đổi. Ông Noda đã cam kết hành động, can thiệp vào thị trường để chặn đà tăng giá của đồng yen.
Thứ ba, ông Y.Noda sẽ phải xây dựng một chính sách năng lượng đủ mạnh để vừa loại bỏ mối lo hạt nhân, vừa đảm bảo nguồn cung điện cho nền kinh tế.
Thứ tư, ông Y.Noda sẽ phải tìm cách hàn gắn lại một DPJ đang rạn nứt. “Hãy chấm dứt trò chính trị oán giận - Asahi dẫn lời ông Y.Noda tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu - Hãy xây dựng một lực lượng lãnh đạo ổn định và đáng tin cậy hơn”. Giới quan sát bình luận “tướng quân trong bóng tối” Ozawa và những người ủng hộ ông ta sẽ không chịu ngồi yên và có thể phá rối mọi nỗ lực của thủ tướng mới.
Thứ năm là vấn đề ngoại giao. Quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc đang rất xấu do tranh chấp lãnh thổ, chính quyền Tokyo vẫn chưa có một đối sách cụ thể đối với Bắc Kinh. Ông Y.Noda từng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tăng cường đầu tư quân sự. Mới đây, ông tuyên bố quan hệ đồng minh quân sự Mỹ - Nhật vẫn sẽ là trọng tâm đối ngoại của Tokyo.
Chắc chắn sẽ không có khoảng thời gian “trăng mật” nào dành cho Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda cả! 

Nhật Bản: Thủ tướng mới, thách thức cũ

Đảng cầm quyền Nhật Bản đã bầu Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda làm lãnh đạo mới của đảng, mở đường cho ông này trở thành thủ tướng với gánh nặng chồng chất từ người tiền nhiệm Naoto Kan.



Yoshihiko Noda (phải) và cựu thủ tướng Nhật Naoto Kan. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo mới đã được xướng tên, nhưng những thách thức cũ vẫn còn. Vị thủ tướng thứ sáu của Nhật trong vòng năm năm qua sẽ "thừa hưởng" hàng loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng hạt nhân tiếp diễn ở Fukushima, tái thiết cả vùng ven biển phía đông bắc bị tàn phá sau động đất, sóng thần và giá cả đồng yên tăng vọt.
Đó là chưa đề cập tới những thách thức lâu dài: thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ với một đất nước từ lâu khát khao sự ổn định chính trị để giải quyết các vấn đề phải đối mặt.
Kinh tế sẽ vẫn là ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của tân thủ tướng: Với gánh nặng suy giảm bởi thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3 kéo theo khủng hoảng hạt nhân, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng "khiêm tốn" trong mùa thu này. Tuy nhiên, do kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nên nước Nhật đang bị đe dọa bởi sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu kết hợp với giá đồng yên tăng vọt.
Nợ công của Nhật Bản cũng gần gấp đôi quy mô nền kinh tế. Vị thủ tướng mới sẽ đối mặt với sứ mệnh có ra quyết định hay không về con đường thắt lưng buộc bụng. Chính phủ nước này cũng cam kết tăng gấp đôi 5% thuế tiêu thụ vào năm 2015 để góp phần khôi phục tài chính công đang bị hạn chế và ngân quỹ cho các chi phí an sinh xã hội ngày càng lớn.
Vấn đề hạt nhân vẫn là tâm điểm trong chính phủ mới, khi cuộc khủng hoảng Fukushima tiếp tục diễn ra làm xói mòn lòng tin của người dân với năng lượng hạt nhân. Ông Kan đã từng cam kết sẽ dứt bỏ sự phụ thuộc của Nhật vào năng lượng hạt nhân, nhưng lại không nói rõ quốc gia này có thể gia tăng các khả năng từ những tài nguyên năng lượng khác thế nào để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Nhật Bản cũng đối mặt với khả năng thêm nhiều lò phản ứng phải đóng cửa để bảo dưỡng, với khả năng tất cả các lò phản ứng của nước này có thể bị đóng cửa vào tháng 5/2012 làm tăng nguy cơ thiếu điện và gián đoạn nền kinh tế.
Những vấn đề khác bao gồm nỗ lực tái thiết sau thảm họa sóng thần động đất vùng ven biển đông bắc với hơn 22 triệu tấn rác thải đổ nát vẫn còn và hàng chục nghìn người trong tình cảnh vô gia cư.
Quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Mỹ - từ lâu âm ỉ bởi những tranh chấp lãnh thổ, bởi tranh cãi bế tắc về chuyện di đời căn cứ quân sự của Mỹ - và các tranh cãi không đi tới hồi kết ở quốc hội cũng là thách thức lớn trước mắt với thủ tướng mới.
Tuy nhiên, cuộc kiểm tra lớn nhất với tân thủ tướng chắc chắn là chuyện thuyết phục được người dân vốn đã quá mệt mỏi rằng, ông có kỹ năng lãnh đạo vượt trội khác hẳn những người tiền nhiệm để có thể vượt qua các thách thức cũ đeo đuổi.

Sau Thế chiến 2, Nhật sẽ đón thủ tướng thứ 33?

Kể từ sau Thế chiến II, Anh có 14 thủ tướng và Mỹ thì đón chào 12 tổng thống vào Nhà Trắng. Cùng giai đoạn đó, Nhật Bản có không ít hơn 32 thủ tướng, và sẽ đón chào một vị lãnh đạo mới đầu tuần tới.



Ông Naoto Kan có vẻ có nhiều "đặc ân" khi nắm giữ quyền lực lâu hơn cả bốn người tiền nhiệm, cho dù chiếc ghế nóng kéo dài 444 ngày mà thủ tướng Nhật nắm giữ còn quá xa một nhiệm kỳ ấn tượng.
Ông Naoto Kan có 444 ngày làm thủ tướng Nhật Bản Ảnh: Getty Images

Được bầu là người đứng đầu Đảng Dân chủ Nhật Bản ngày 8/6/2010, ông Kan đã dẫn dắt đất nước đi qua những tháng ngày đen tối nhất trong lịch sử gần đây. Thảm hoạ động đất sóng thần ngày 11/3 đã phá huỷ cả một khu vực bờ biển dài phía đông bắc Nhật Bản, gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Sáu tháng sau thảm hoạ, ông Kan dường như đã bị đánh bại trong cuộc vật lộn tái thiết đất nước, tái thiết lòng tin dân chúng và đoàn kết trong đảng của chính ông.
Ông đảm nhận cương vị thủ tướng từ Yukio Hatoyama, vị chính khách đầu tiên không phải là thành viên của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) sau hàng chục năm. Ông Hatoyama chiến thắng trong bầu cử khi cử tri Nhật đã quá mệt mỏi với sự bất tài của chính phủ trong việc tiến hành những cải tổ có ý nghĩa với tình hình kinh tế, chính trị đất nước.
Nhưng bản thân ông Hatoyama cuối cùng cũng thất bại vì không có khả năng đạt được một quyết định về việc di dời Căn cứ Không quân Futenma của Mỹ từ Okinawa. Và ông đã ra đi chỉ sau 265 ngày.
Taro Aso đã đi vào lịch sử khi là người cuối cùng để mất sự kiểm soát của LDP trong nền chính trị Nhật, một vai trò gần như được đảm bảo liên tục từ giữa những năm 1950. Nổi tiếng với những bình luận "sốc", uy tín của ông Aso bị giảm sút nhanh chóng chỉ sau 2 tháng cầm quyền. Giáo sư Koichi Nakano, đại học Sophia ở Tokyo, nói: “Ông ấy giống như một vị thủ tướng chỉ còn mấy tháng tại nhiệm. Ông là một phi công của chiếc máy bay không còn kiểm soát được. Hết trục trặc nọ đến trục trặc kia làm cho hành khách trên máy bay vô cùng lo lắng. LDP có thể sắp mất quyền lực trừ phi có phép mầu”.
Yasuo Fukuda có vẻ làm tốt hơn, với thời gian giữ ghế nóng là 364 ngày, nhưng hầu như không được cử tri Nhật ghi nhớ. Ông Fukuda từ chức khi ông hiểu rằng, ông không thể phá vỡ sự bế tắc trong chính trị Nhật Bản.
Shinzo Abe thậm chí ghi điểm tốt hơn dù chỉ chênh lệch vẻn vẹn một ngày. Ông từ chức tháng 9/2007 với thời gian ở nhiệm sở chính xác một năm. Ông là vị thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản từ sau Thế chiến 2, nhân vật từng được người dân xứ sở hoa anh đào kỳ vọng. Phát biểu trong một cuộc họp báo trên truyền hình, ông cho biết: “Trong tình hình hiện tại, rất khó có thể thúc đẩy các chính sách hiệu quả mà lại giành được sự ủng hộ và lòng tin của công chúng. Tôi đã quyết định rằng chúng ta cần phải thay đổi tình hình này”.
Junichiro Koizumi là thủ tướng lãnh đạo nước Nhật lâu nhất kể từ khi Eisaku Sato từ chức vào năm 1972. Ông chiến thắng trong các cuộc bầu cử và nắm giữ chức vị trong suốt 1.979 ngày. Ông là Thủ tướng của Nhật Bản từ 2001 - 2006. "Được coi là một lãnh đạo “không theo quy tắc, vô tổ chức” của Đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông nổi tiếng là một nhà cải cách kinh tế, tập trung vào nợ chính phủ của Nhật Bản và tư nhân hoá dịch vụ bưu chính. Trong năm 2005, Koizumi lãnh đạo LDP trở thành đảng giành chiến thắng lớn nhất ở quốc hội trong lịch sử hiện đại Nhật Bản”, theo Wiki.
Nhiều người có thể đồng ý hay không tán thành những gì cựu Thủ tướng Nhật Bản - người đàn ông trong màu tóc bạc - nói hoặc làm, nhưng rõ ràng là không thể phủ nhận ông đã thành công và để lại dấu ấn với nước Nhật, với nền chính trị của người Nhật.
Và vị thủ tướng sắp tới, người sẽ được xướng tên hôm thứ Hai, có thể gánh vác nổi trọng trách tái thiết kinh tế đất nước, giải quyết gánh nặng nợ nần, già hoá dân số, bất ổn chính trị? Có thể làm tốt hơn để vượt qua kỷ lục 444 ngày cầm quyền của ông Kan?

Khi người Nhật mất kiên nhẫn vì lãnh đạo thất hứa

Thủ tướng Naoto Kan sẽ rời cương vị lãnh đạo nước Nhật cuối tháng này, và để đảng của ông chọn lựa một người kế nhiệm - người có thể khôi phục lòng tin của dân chúng vốn bị suy giảm nghiêm trọng bởi một cuộc khủng hoảng hạt nhân và mệt mỏi bởi sự thay đổi thủ tướng gần như liên tục.
Tỉ lệ tín nhiệm của Kan giảm xuống dưới 20% do cách ông giải quyết thảm họa động đất, sóng thần 11/3 khiến 20.000 người chết và mất tích, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sự cố Chernobyl.

Ông Naoto Kan nắm giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản được 14 tháng

Đảng Dân chủ (DPJ) của ông Kan sẽ chọn lựa vị lãnh đạo thứ ba kể từ khi kết thúc cả nửa thế kỷ lãnh đạo nước Nhật của một đảng khác năm 2009. Đảng ấy đã thất bại trong việc đưa ra một cam kết làm hồi sinh đất nước oằn vai dưới gánh nặng lạm phát, dân số già và nợ nần lớn nhất thế giới. Người giành phần thắng trong cuộc đua kế nhiệm, người sẽ trở thành thủ tướng nước Nhật, cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ đồng yên gia tăng ở mức cao nhất thời hậu chiến đe dọa sự phục hồi xuất khẩu.
“Người Nhật rất thất vọng và mất kiên nhẫn, họ bỏ phiếu cho cải cách lớn và không có được điều đó", Ellis Krauss, một giáo sư nghiên cứu chính trị Nhật tại Đại học California, San Diego nói. “Không một thủ tướng nào tồn tại lâu nếu không thực sự thực hiện chính sách".
Tổng thư ký DPJ Katsuya Okada nói rằng, cuộc bầu chọn lãnh đạo sẽ diễn ra vào ngày 29/8 trên tiền đề rằng, ông Kan sẽ từ chức vào ngày 26. Bất cứ ai chiến thắng sẽ trở thành thủ tướng của Nhật vì đảng này chiếm ưu thế trong hạ viện.
Những ứng viên hàng đầu
Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda, Bộ trưởng Thương mại Banri Kaieda và Bộ trưởng Nông nghiệp Michihiko Kano cho biết sẽ chạy đua vào vị trí kế nhiệm ông Kan. Trung tâm cuộc bầu chọn lãnh đạo sẽ là vấn đề có hay không tăng thuế để tái thiết sau thảm họa. Nhật Bản có kế hoạch chi 19 nghìn tỉ yên (243 tỉ USD) trong năm năm tới cho công cuộc tái thiết, trong đó có 6 nghìn tỉ yên ông Kan đã đệ trình ở hai gói kích thích kinh tế.
Cựu ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara, người mà trong các cuộc bình chọn ứng viên thủ tướng đã giành được sự ủng hộ lớn từ dân chúng, vẫn chưa khẳng định có tranh cử hay không. Jiji News hôm nay dẫn lời các thành viên DPJ cho biết, ông đang cân nhắc việc này.
Ông Noda ủng hộ việc tăng thuế để tái thiết cũng như tăng gấp đôi thuế tiêu thụ lên 10% vào giữa thập niên này để góp phần kiềm chế gánh nặng nợ nần. Kaieda và Kano thì chưa đưa ra quan điểm về thuế.
Ông Noda khẳng định, ông đã chuẩn bị để "hành động táo bạo" khi cần thiết để ngăn chặn đồng yên tăng giá. Vào ngày 19/8, tỉ giá đồng yên so với đồng đô la Mỹ là 75,95 yên/USD - mức tăng mạnh nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Vào ngày 4/8, chính phủ Nhật đã can thiệp khi đồng yên tăng cao đe dọa sức cạnh tranh của các tập đoàn xuất khẩu như Toyota và Honda.
Xuất khẩu giảm sút
Các báo cáo tuần qua cho biết, xuất khẩu của Nhật đã giảm 3,3% trong tháng 7 (con số hơn cả dự kiến) so với cùng kỳ năm trước, kinh tế giảm ở mức 1,3% trong quý ba, đánh dấu sự sụt giảm trong ba quý liên tục.
“Thủ tướng mới phải thuyết phục thị trường rằng, ông sẽ làm bình ổn tình hình tài chính của Nhật bằng tăng thuế, và rõ ràng đó là là điều không được tán thành", Yuuki Sakurai, Chủ tịch Fukoku Capital Management Inc. nhận xét. "Ông ấy cũng phải giảm chi tiêu và điều đó cũng không được ủng hộ".
Quốc hội Nhật Bản tuần này sẽ bỏ phiếu về hai dự luật: trợ cấp năng lượng tái tạo và cho phép phát hành trái phiếu góp phần giải quyết tình trạng nợ nần tài chính.
Kể từ khi đánh bại Đảng Dân chủ Tự do, cầm quyền hơn 50 năm, DPJ đã để mất ưu thế ở thượng viện. Đảng này có hai thủ tướng Kan và Yukio Hatoyama. Ông Kan nắm giữ ghế thủ tướng được 14 tháng.
Tỉ lệ tín nhiệm của ông Kan giảm xuống còn 18% từ mức 24% trong tháng 7, theo kết quả cuộc thăm dò mà báo Yomiuri đưa ra ngày 8/8. Báo này tiến hành thăm dò với 1.059 người thích hợp. Ông Maehara giành tỉ lệ cao nhất trong lựa chọn ghế thủ tướng với 21% ủng hộ. Ông Okada - người chưa công bố tham gia tranh cử có 10% và ông Noda có 5% ủng hộ.
“Người dân không quan tâm về người nào được bầu. Chìa khóa ở chỗ đưa ra các quyết định và giành được kết quả", Yusuke Ichikawa, một nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Mizuho ở Tokyo nói. “Vị lãnh đạo tiếp theo phải thực hiện chiến lược tăng trưởng của chính phủ, đoàn kết trong đảng và tiến lên phía trước".

Phép thử với tân lãnh đạo Nhật Bản

Phản ứng của ông Yoshihiko Noda đối với những vấn đề kinh tế trầm trọng của Nhật Bản sẽ có thể gây hiệu ứng ngược bởi tầm quan trọng của nền kinh tế hướng xuất khẩu của nước này.
Ở một quốc gia có lưỡng viện được kiểm soát bởi các đảng phái đối lập và thiếu những lãnh đạo có khả năng thu hẹp bất đồng đảng phái, để áp dụng một chiến lược kết thúc cuộc khủng hoảng kinh tế là vô cùng khó khăn. Nếu kiểu bế tắc này đang làm tê liệt Washington, thì cũng cần cân nhắc cả trường hợp Tokyo.

Tân Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda: Bằng tất cả sức lực và trái tim mình, tôi sẽ đưa đất nước tiến lên phía trước. Ảnh: Getty Images
Nhật Bản hôm thứ qua đã chọn lựa vị thủ tướng thứ sáu trong vòng 5 năm qua. Ông là cựu Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda, một người bảo thủ theo đúng các chuẩn mực Nhật Bản, một chính khách khiêm nhường. Trong bài phát biểu nhậm chức sau khi được bầu làm người lãnh đạo Đảng Dân chủ, ông so sánh mình như con cá sống trong bùn. Tuy nhiên, ông không ngại ngần cam kết sẽ làm việc hết sức: "Bằng tất cả sức lực và trái tim mình, tôi sẽ đưa đất nước này tiến lên phía trước", ông nói. Nhật Bản đang đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng, với gánh nặng nợ nần đáng lo ngại nhất trong thế giới công nghiệp hóa (chiếm khoảng 200% GDP đất nước, so với 100% tại Mỹ). Nước này cũng phải vật lộn với chi phí tái thiết khổng lồ do thảm hoạ động đất, sóng thần hồi tháng 3, hệ thống an sinh xã hội chao đảo vì dân số già hóa, giá đồng yên tăng vọt đặt nặng áp lực với các nhà sản xuất. Phản ứng của Tokyo với những vấn đề này có thể gây hiệu ứng ngược trong nước cũng như toàn cầu vì tầm quan trọng của nền kinh tế hướng xuất khẩu của nước Nhật đối với triển vọng kinh tế thế giới.
Ông Noda đã tuyên bố ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ quốc gia để kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ, mặc dù ông không đề cập các chi tiết cụ thể; ở phía bên kia là các chính khách muốn tái thiết những khu vực bị thảm hoạ tàn phá nặng nề bằng cách phát hành thêm trái phiếu.
Chi tiết các giải pháp không quan trọng bằng cách tìm ra điều gì đó có thể được cho là tương xứng không chỉ với đảng của ông Noda - đang kiểm soát Hạ viện, mà còn với cả đảng Dân chủ Tự do đang kiểm soát Thượng viện. Những rạn nứt mà cựu thủ tướng Naoto Kan không thể vượt qua, đã dẫn tới tình trạng đình trệ và thay đổi lãnh đạo quá thường xuyên.
Liệu tân thủ tướng Nhật có thể vượt qua các tranh cãi bè phái? Trong số năm ứng viên của cuộc đua giành vị trí lãnh đạo, ông dường như là người cởi mở nhất để hợp tác với các bên còn lại. Vấn đề đặt ra ở Tokyo giờ đây là, liệu các bên còn lại có làm việc với ông hay không.
Vì sự tốt đẹp cho người dân Nhật Bản và tất cả mọi người khác, hy vọng các đảng phái đối lập ở nước này sẽ cởi mở để thỏa thiệp vấn đề thuế khóa hay chi tiêu.
Ông Noda là con trai của một lính dù thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và là một chính trị gia chuyên nghiệp 5 lần được bầu vào Hạ viện. Sau khi tốt nghiệp đại học Waseda, trường đào tạo nhiều chính trị gia Nhật xuất chúng, ông Noda vào Viện Điều hành và quản trị Matsushita danh giá cùng thời với người đồng nghiệp nổi tiếng hơn, cựu Bộ trưởng Tài chính Seiji Maehara.
Trong vai trò Bộ trưởng Tài chính, ông Noda, một người tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của việc duy trì tính cạnh tranh sản xuất của Nhật, đã can thiệp vào các thị trường tiền tệ 3 lần trong năm qua trong nỗ lực ngăn chặn sự tăng giá của đồng yên trước đồng đôla Mỹ. Mặc dù là một người ít nổi tiếng, nhưng ông đã có được một nền tảng ủng hộ từ bên trong đảng. Ông cũng được xem là một đôi tay chắc chắn, đủ khả năng đưa mọi người vượt qua những bất đồng và làm việc cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?