Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

GIÁO DỤC: nhức nhối những trăn trở

Việt Nam vẫn đang đi tìm triết lý giáo dục?

- Triết lý giáo dục Việt Nam là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại cuộc hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức tại ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 19/8. Trong khuôn khổ một buổi sáng, hội thảo mới chạm tới phần khái niệm vốn bị coi là quá rộng lớn và có thể gây tranh luận trái chiều. 13 ý kiến phát biểu tại hội thảo đã được ban tổ chức ghi âm lại để nghiên cứu.

Triết lý giáo dục là vấn đề đã được đề cập tới từ hơn chục năm nay qua nhiều hội thảo, tuy nhiên, dưới con mắt của nhiều nhà giáo dục, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách tận cùng, dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề mà nền giáo dục đang phải gánh chịu.


Toàn cảnh hội thảo triết lý giáo dục VN. (Ảnh: Thanh Tuyết)
Cải cách giáo dục càng đuối vì thiếu triết lý

Ông Nguyễn Chương Nhiếp đến từ Trường ĐHSP TP.HCM đặt vấn đề: Gần 40 năm cải cách giáo dục, không phải chúng ta không nỗ lực, không đầu tư đúng mức, nhưng càng cải cách, giáo dục càng đuối, càng lạc hậu so với nhu cầu thực tiễn.

"Chúng ta đã viết lại sách giáo khoa không biết bao nhiêu lần, cử các đoàn cán bộ quản lý đi học tập nước ngoài, mang tiền đi mua cả những bộ chương trình tiên tiến...Chúng ta nỗ lực đổi mới rất nhiều, tiền bạc không thiếu, quyết tâm có thừa, song hình như kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Việt Nam hiện nay".

 Theo quan sát của ông Nhiếp, có vẻ như các nhà giáo dục đang lúng túng, chưa biết làm cách nào thoát ra khỏi tình trạng hiện nay.

Ông dẫn dụ: "Đúng là chúng ta đã và đang có triết lý giáo dục rồi, triết lý đó đã được cha ông ta xây dựng từ hàng ngàn năm nay và đã phát huy tác dụng của nó trong lịch sử. Tuy nhiên, triết lý đang có không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xã hội của thế kỷ 21, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Triết lý ấy cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi Nho giáo và ý thức hệ phong kiến".

TS Nguyễn Thị Ngọc, Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đồng tình: Hiện nay, chỉ thấy các em học hành miệt mài còn các môn năng khiếu và thể thao thì cả phụ huynh và nhà trường không thấy tầm quan trọng của nó. Tôi rất khâm phục Singapore khi họ đưa môn giáo dục thể chất quan trọng như các môn thi quốc gia khác, điều đó cho thấy họ có một triết lý giáo dục rất cụ thể.

Hiện nay các biện pháp về giáo dục đều chắp vá, chẳng hạn đi kiểm tra thấy nhà vệ sinh trường học bẩn thì lập tức xây hàng loạt các nhà vệ sinh, cân cặp của học sinh thấy nặng thì giảm tải chương trình. Điều đó chứng tỏ ta thiếu một triết lý giáo dục.

Thế nào là triết lý giáo dục?


GS Thái Duy Tuyên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu: Ta có triết lý, nhưng mà giờ chỉ cần tổng kết lại. Dân tộc ta đã sản sinh ra nhiều thầy giáo giỏi như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm...nhưng những tác phẩm về triết học giáo dục có hệ thống chưa xuất hiện. Ông cha ta đã vận dụng triết học để giải quyết thành công các vấn đề thực tiễn nhưng chưa biên soạn được những tác phẩm lý luận lớn và có hệ thống. Vì thế, đó là việc mà giờ đây chúng ta phải làm.
Năm 2007, sau một hội thảo về triết lý giáo dục, nhà văn Nguyên Ngọc bình luận, nghe các đại biểu ngày đó nói, ông càng thấy rối. Ông viết trên Tuổi Trẻ: "Ít ra trong diễn đàn giáo dục do giáo sư Hoàng Tụy khởi xướng cách đây năm năm, vấn đề này đã được nói đến rất nghiêm túc, khá sâu sắc, và được coi là nguồn gốc của mọi sai lầm đang diễn ra trong nền giáo dục mà chúng ta đang bức xúc bàn thảo hiện nay."
Theo ông Nguyễn Chương Nhiếp, ĐHSP TP.HCM: Triết lý giáo dục là hệ thống những quan điểm chung nhất về bản chất và quy luật của giáo dục. Nó phải trả lời được các câu hỏi: bản chất của GD là gì, GD có đặc điểm cơ bản nào, mục đích, sứ mệnh của GD là gì, nhằm đào tạo ra con người như thế nào, động lực của GD là gì, GD chịu sự chi phối của các yếu tố nào, GD chịu được tác động của những quy luật nào.

"Không có triết lý GD chung cho mọi thời đại, mọi quốc gia. Theo tôi, triết lý GD VN hiện nay là: mục đích cải tạo con người VN khoẻ về thể chất, sáng về trí tuệ, độc lập về tư duy, giàu lòng nhân ái, đẹp về ước mơ, mạnh về ý chí, nghị lực, năng động, sáng tạo.

Ông Hồ Văn Liên, giảng viên môn lịch sử giáo dục VN và thế giới, ĐHSP TP.HCM cho biết:

Trước hết, phải xác định được con người hiện đại là như thế nào, thậm chí dự đoán được con người trong tương lai sẽ như thế nào. Con người có ba phần cần phải quan tâm: thể chất, tâm lý, xã hội. Giáo dục nhân cách phải quan tâm đến cả ba mặt này. Khi soi sáng vấn đề đó vào giáo dục, chúng ta thấy GD là sự hướng tới để chuẩn bị cho trẻ em thành con người như thế nào để đưa đất nước vào thời kỳ hiện đại hội nhập.

"Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT rút ngắn lại chương trình học văn hoá để phát triển toàn diện. Chương trình chỉ nên dạy 5 môn: Toán, Văn, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Ngoại ngữ. Còn lại, để cho các trường chủ động để phát triển năng khiếu, phát triển hứng thú và nhân cách cho học trò", ông Liên nói.

GĐ ĐHQG TP.HCM Phan Thanh Bình
Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP.HCM đề cập về triết lý giáo dục dưới con mắt của một người làm thực tiễn:

Tôi cho rằng trước tiên phải có hệ thống lý luận và triết lý cho hệ thống quản lý, và thứ hai là điều kiện (cơ chế) xã hội đối với giáo dục như thế nào, đánh giá của xã hội đối với giáo dục và trường học.

"Có ba loại nền giáo dục: Một là đi trước và định hướng phát triển cho xã hội, hai là phục vụ cho phát triển xã hội, ba là nền giáo dục làm rối ren cho phát triển xã hội. Chúng ta đang vươn tới cái thứ nhất và thứ hai thì bị cái thứ ba kéo chúng ta lại. Nền giáo dục đó do doanh nghiệp, do những người cần bằng cấp đào tạo bằng cấp A, B, C, D gì đó. Chúng ta đang chạy theo điều đó- cũng là một triết lý.

Một mối lo ngại rất lớn là chúng ta đang phải cạnh tranh với nước ngoài ngay trên chính mảnh đất của chúng ta. Chúng ta với một đồng lương thấp và một giá trị cao và một bên là mức lương ngàn đô thì không thể cạnh tranh nổi. Triết lý giáo dục phải đặt ra hết sức quyết liệt ở chỗ này."

Mặc dù hội thảo về triết lý giáo dục chỉ diễn ra trong một buổi sáng, với 13 ý kiến phát biểu trực tiếp và 20 tham luận được in thành kỷ yếu nhưng chủ đề hội thảo vẫn là mối quan tâm rất lớn, thể hiện qua phần tranh luận hăng hái. Hiện khái niệm thế nào là triết lý giáo dục vẫn chưa được làm rõ, và vì thế, đây là vấn đề vẫn được các nhà nghiên cứu và giáo dục thảo luận.


VietNamNet sẽ lần lượt giới thiệu ý kiến của các nhà giáo dục về triết lý giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh các nhà cải cách đã từng thuyết phục dư luận về chương trình, sách giáo khoa cần phải bắt nhịp thế giới, nhưng trong quá trình thử nghiệm, đã phải giảm tải trong năm học này vì xã hội kêu ca. Mời bạn đọc tham gia diễn đàn này cùng với các nhà khoa học để tìm ra được triết lý giáo dục đúng đắn nhất mà VN cần trong giai đoạn hiện nay. Những ý kiến trao đổi xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn.
  • NGUYEN THANH TRA, gửi lúc 21/08/2011 19:46:19
    "GIÁO DỤC LÀ HƯỚNG DẪN CON NGƯỜI TỰ ĐÀO TẠO CHÍNH MÌNH": TÔI NHẬY THẤY CHÚNG TA NÊN TÌM RA HƯỚNG GIÁO DỤC NÀO ĐÓ MÀ CÓ THỂ PHÁT HUY ĐƯỢC SỰ TỰ HỌC HỎI CỦA BẢN THÂN MỖI CON NGƯỜI:"mục đích cải tạo con người VN khoẻ về thể chất, sáng về trí tuệ, độc lập về tư duy, giàu lòng nhân ái, đẹp về ước mơ, mạnh về ý chí, nghị lực, năng động, sáng tạo" ĐỂ ĐẢM BẢO ĐÚNG ĐỊNH HƯỚNG TÔI NGHĨ CẦN NGHIÊN CỨU PHƯƠNG PHÁP CHO TỪNG LỨA TUỔI ĐỂ HỌ TỰ ĐÀO TẠO MÌNH ĐẠT MỤC ĐÍCH TRÊN. CÓ NGHĨA LÀ SẼ CÓ RẬP KHUÔN VỀ PHƯƠNG PHÁP CƠ BẢN CHO TỪNG CÁ NHÂN. NHƯNG SẼ KHÔNG RẬP KHUÔN VỀ CÁCH HỌC, CÁCH THỂ HIỆN VÀ CÁCH TIẾP CẬN THỰC TẾ. NHƯ VẬY CHÚNG TA SẼ ĐẠT ĐƯỢC: THỨ 1: Khuyến khích tư duy độc lập là một khâu đột phá trong đổi mới giáo dục Việt Nam trong nhiều thập kỉ tới. Thứ hai, không lãng phí các tiềm năng bẩm sinh của con người. Khoa học đã chứng minh được rằng công suất của bộ não mới chỉ phát huy được 1%. Chỉ cần phát huy từ 3 đến 5% công suất của bộ não là đã có thể trở thành thiên tài.
    Minh Toàn, gửi lúc 21/08/2011 19:46:33
    "Triết lý giáo dục - P1": Triết lý giáo dục chỉ có một (và duy nhất): giáo dục là làm cho con người hạnh phúc. Từ đó thấy rằng: khi làm giáo dục, trước tiên cần biết điều cốt lõi là không được phản quy luật tạo hóa. Sai lầm lớn nhất hiện nay là giáo dục đã tước đoạt hạnh phúc tuổi thơ của học sinh; giáo dục biến thành công cụ móc túi người dân. Những sai lầm đó được nhận biết thông qua việc dạy thêm tràn lan, bắt học sinh học cả ngày, không có thời gian vui chơi, hạnh phúc. Giáo dục phản quy luật tạo hóa không thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Hệ lụy của nó sẽ gây nên những hậu quả không lường trước được như chúng ta từng thấy: các tội phạm giết người hung hãn không chỉ ở thanh thiếu niên mà cả người lớn tuổi. Đó là sự khiếm khuyết về nền tảng giáo dục cơ bản.
    Doanh Thu, gửi lúc 21/08/2011 19:46:48
    "trao đổi": Theo tôi mục tiêu giáo dục là đào tạo con người có trí lực, thể lực và nhân cách con người Việt Nam; biết tự học, tự khẳng định trong xã hội luôn đầy những biến đổi thách thách và toàn cầu hóa.
    Phan Văn Cự, gửi lúc 21/08/2011 19:46:57
    "phản hồi": Tôi cho rằng GDVN không phát triển người được lãnh đạo và hệ thống quản lí.Phải có những người như Tạ quang Bửu thì mới GDVN mới đổi chiều.Lãnh đạo giỏi chủ trương đường lối giáo dục đúng đánh giá công minh thì mới có giáo viên giỏi làm việc hết trách nhiệm và bổn phận vì tương lai của đất nước.Bây giờ thầy giỏi thầy dốt lẫn lộn,hệ thống quản lí kém chuyên môn năng lực thiếu minh bạch...thì có hàng ngàn cuộc hội thảo cũng không giải quyết được gì.
    Hoàng tư KHoa, gửi lúc 21/08/2011 19:47:07
    "cần giảm tải cho các cháu": Tôi không hiểu tại sao trong khi các cháu cái cần học như thể lực, thẩm mỹ thì nhà trường coi nhẹ để giảm tải mà lại đưa nội dung chống tham nhũng vào nhà trường phổ thông. Tham nhũng là bệnh xã hội của một thiểu số nhỏ người có chức quyền, tham nhũng thực ra không khó chống lại nếu những người cấp cao thực tâm muốn chống tham nhũng và không tham nhũng. Vậy tại sao lại bắt các cháu học sinh đang quá tải về các nội dung học hành chưa thiết thực hiện nay còn phải học thêm một nội dung nữa về chống tham nhũng mà một vài năm nữa nếu dân tộc ta may mắn có những người lãnh đạo sạch sẽ thì bệnh này sẽ tự nhiên giảm dần và biến mất như ở Singapore và các nước châu Âu khác.
    Đỗ Huy, gửi lúc 21/08/2011 19:47:15
    "Ý kiến": Tôi đồng ý với ý kiến của bạn NhanLV, câu nói của ông cha ta, từ xưa đến nay vẫn hoàn toàn đúng "Tiên học lễ, hậu học văn". Hiện nay có một số trường chuyên khi bước vào cổng đã đập vào mắt câu "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" mà không thấy câu "Tiên...", không biết có chú trọng dạy Lễ không?.
    Gia Le, gửi lúc 20/08/2011 12:54:32
    "Định hướng giáo dục": theo thiển ý của tôi chúng ta chỉ cần trả lời các câu hỏi sau : 1. Mục tiêu của giáo dục hiện đại là gì? 2. Cần giữ lại những gì của nền giáo dục củ để làm nền tảng cho giáo dục hiện đại 3. Xu hướng phát triển trong tương lai của nền giáo dục hiện đại để có chiến lược phù hợp, đón đầu 4. Tìm ra sự khác biệt của nền giáo dục Việt Nam và thế giới trong xu hướng toàn cầu hoá khi mà khoản cách về văn hoá và ngôn ngữ đang ngày càng ngắn lại do sự phát triển của công nghệ thông tin và các ngành công nghệ khác.
    Nam Dương, gửi lúc 20/08/2011 12:54:38
    "Triet ly": Nếu các giáo sư không tìm ra được thì Triết lý Giáo dục Việt Nam là: "Đào tạo theo bằng cấp". Thế thôi!
    Bình Minh, gửi lúc 20/08/2011 12:54:51
    "": Giáo dục VN: Loay hoay tìm cách phát minh lại... cái bánh xe http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/giao-duc-vn-loay-hoay-tim-cach-phat-minh-lai-cai-banh-xe "Vấn đề triết lý giáo dục, giáo dục để làm gì, đào tạo đại học công hay tư, miễn học phí hay tăng thu học phí... thế giới đã bàn trước ta hàng chục năm. Người ta đã có kết quả nghiên cứu lợi hại ra sao, đúng sai thế nào. Vậy mà chúng ta bây giờ lại đem ra xới lại. Hoá ra, thay vì áp dụng kết quả đã có, tìm cách giải quyết các tồn tại khác của nền giáo dục, thì ta lại bàn về cái đã có. Điều này cũng giống như việc đi tìm cách phát minh lại... cái bánh xe vậy."
    Đinh Huy, gửi lúc 20/08/2011 12:55:01
    "Giáo dục": Giáo dục ở VN từ trước đến giờ vẫn theo triết lí GD theo mô hình Liên Xô cũ đã lỗi thời mà cả thế giới đều công nhận. Chỉ khi nào ta can đảm loại bỏ hẳn mô hình GD cũ và áp dụng mô hình GD mới phù hợp với thế giới văn minh tiến bộ thì nền GD của ta chắc chắn sẽ như diều gặp gió hiên ngang hòa nhịp với thế giới văn minh.Đổi mới toàn diện trong GD của ta là hướng đi đúng để mau chóng bắt nhịp với thế giới.
    Lê Hòang Duy, gửi lúc 20/08/2011 12:55:07
    "Tôi ủng hộ cho giáo dục thể chất và giảm tải lí thuyết": Tập trung phát triển thể chất cho học sinh, sinh viên VN, thay vì bắt học sinh học những môn mấy em ko thích, thì cho phép mấy em đó chọn lọc những môn em đó thích và đào tạo chuyên những môn đó, như vậy ta có được những chuyên gia đạt chuẩn chất lượng về trí, còn về thể chất nên tập trung mấy môn thể dục vận động mạnh lấy điểm như môn học, thay vì cứ môi ngày phải ra tập vài động tác vận động nhàm chán,
    NhanLV, gửi lúc 19/08/2011 22:38:09
    "Triết lý giáo dục Việt Nam": Sử dụng câu nói của cổ nhân " Tiên học lễ, Hậu học văn " để làm triết lý cho hệ thống giáo dục Việt Nam.

CÁC TRAO ĐỔI
GS Phạm Minh Hạc (chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về "triết lý giáo dục"):

Ở các nước, triết lý giáo dục không chỉ ở tầm quốc tế, quốc gia mà còn ở trong từng trường. Trong khoảng tháng 10 sẽ xuất bản hai cuốn sách về triết lý giáo dục được biên soạn bởi các nhà nghiên cứu và giáo dục để giúp cho các nhà quản lý, giáo viên có thể áp dụng vào thực tiễn, hoặc có thể tranh luận, phản bác.



Ông Hồ Thiệu Hùng
Ông Hồ Thiệu Hùng
, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM:

Giáo dục không nên tự đặt cho mình một mục tiêu đầy tham vọng đối với từng con người mà phải làm những nhiệm vụ sau:


Cung cấp cho người học những hiểu biết cơ bản với nhu cầu của thời đại, khơi dậy lòng ham học hướng dẫn cách học và tự học, giúp người học biết tư duy độc lập, không lãng phí các tiềm năng bẩm sinh của con người, giúp con người có tư duy độc lập.

Chính từ "rập khuôn" là thủ phạm đã khiến cho cơ chế của nề giáo dục việt nam thiếu dưỡng khí, phát triển èo uột so với nền khoa học các nước, ít khi đạt đến tầm vóc là phát hiện ra được cái mới.

Tình trạng này phải được thay đổi. Thế hệ trẻ VN dứt khoát phải trở thành thế hệ con hơn cha. Vậy nên, muốn đổi mới căn bản toàn diện GD đào tạo trước hết phải yêu cầu nhà trường giúp cho người học biết tư duy độc lập, khuyến khích dám tư duy độc lập, không sợ sai, không sợ trái bài văn mẫu.

Khuyến khích tư duy độc lập là một khâu đột phá trong đổi mới giáo dục Việt Nam trong nhiều thập kỉ tới.

Thứ hai, không lãng phí các tiềm năng bẩm sinh của con người. Khoa học đã chứng minh được rằng công suất của bộ não mới chỉ phát huy được 1%. Chỉ cần phát huy từ 3 đến 5% công suất của bộ não là đã có thể trở thành thiên tài.

Và đây chính là vấn đề giáo dục cần phải thay đổi, liên quan đến vấn đề khai thác tiềm năng sẵn có của trẻ em và con người về trí thông minh.

Lâu nay chúng ta vẫn quan niệm rằng những HS giỏi toán là học sinh thông minh, kém toán là kém thông minh, HS giỏi toán và giỏi cả văn là HS giỏi toàn diện vì thường giỏi luôn các môn còn lại. Học sinh kém cả toán lẫn văn là HS dở toàn diện.

Tai hại hơn khi giáo viên nghĩ rằng chính những em học giỏi mới thành đạt và ngược lại. Điều ấy khiến các em tự ti trong học tập và như vậy nhà giáo dục thay vì khai sáng đã làm u tối tâm hồn của trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoạt: Nhận thức sự am hiểu về triết lý giáo dục dạy làm người đang còn nhiều giới hạn trong hệ thống quản lý của ngành. Khoa học GD chậm phát triển, không đủ sức chuyển tải triết lý cao cả của GD vào cuộc sống.

Chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý là những vấn đề mà chính sách GD cần phải quan tâm. Trong thực tế chúng ta chưa thật sự quan tâm đến nơi đến chốn, dẫn đến những hệ lụy khác theo sau kéo dài. Nếu am hiểu triết lý giáo dục thì phải nâng niu người thầy giáo để họ sống tốt, trở thành những tấm gương cho thế hệ trẻ.

Triết lý GD VN được thể hiện khá sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn kiện đại hội Đảng. Muốn có triết lý giáo dục VN vững bền thì phải có bộ máy TW điều hành.

 Người Việt cần nền giáo dục gì?

"Con người Việt Nam hiện đại phải được nền giáo dục tạo điều kiện cho trải nghiệm liên tục và tạo môi trường để thử sức và khám phá bản thân".

  Anh Trịnh Minh Giang, Giám đốc Giáo dục của Hệ thống Giáo dục Hà Nội VIP,  thành viên sáng lập công ty xuất bản Alpha Books "rất muốn đóng góp ngắn gọn vài quan điểm, đúc kết từ kinh nghiệm cuộc sống, làm sách và từ thực tế quản lý và xây dựng chương trình giáo dục". Dưới đây là ý kiến của anh.


Rất khó để trường học tổ chức các hoạt động giúp trẻ em phát triển giáo dục toàn diện nếu học sinh luôn phải học trên vỉa hè như tình cảnh của một ngôi trường giữa Thủ đô như thế này. Ảnh: Lê Anh Dũng

Triết lý giáo dục khác nhau theo thời gian và vị trí địa lý, thế nhưng về bản chất, triết lý giáo dục thể hiện quan điểm và tầm nhìn của những nhà giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất tới nền giáo dục đương đại mà trong rất nhiều trường hợp, chỉ được khẳng định bởi lịch sử. Mỗi quốc gia hay mỗi nền giáo dục thường chịu tác động của hơn một triết lý hay quan điểm giáo dục, từ đó mà gạn lọc được con đường tinh túy và phù hợp nhất với thực tiễn và nhu cầu xã hội.

Từ xưa đến nay, triết lý giáo dục, quan điểm giáo dục lớn, có tác động chủ đạo thường xuất phát từ các bài luận hay các tác phẩm, trình bày và bảo vệ quan điểm với tính thuyết phục cao. Triết lý, quan điểm được cho là hợp lý không chỉ bởi thuyết phục được những người có vai trò hoạch định chính sách giáo dục mà còn phải thuyết phục được người dạy, người học và quan trọng không kém là những người sử dụng thành quả của giáo dục tức là những người sử dụng lao động, nhân tố quyết định đối với kết quả mà nền giáo dục đem lại cho quốc dân.

Dưới tác dụng của công nghệ mà đặc biệt là công nghệ viễn thông thông tin và công nghệ vận tải, thế giới đang ngày một thu hẹp về khoảng cách và gia tăng về tốc độ. Chỉ hơn một thế kỷ trước, phải hàng tháng người ta mới nhận được tin tức của nhau thì giờ đây có thể trao đổi trực tiếp và nhìn thấy nhau ngay khi họ muốn. Tốc độ làm việc chịu ảnh hưởng lớn bởi tốc độ phát triển công nghệ. Trình độ công nghệ càng cao thì sự cách biệt về công nghệ càng lớn mà có lẽ các nước đang phát triển không bao giờ đuổi kịp, nhất là khi các bằng sáng chế ngày càng được sử dụng để làm rào cản chống cạnh tranh công nghệ.

Sống trong một nước đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, con người Việt Nam cần phát huy những điểm mạnh gì vốn có, cần được trang bị kiến thức, kỹ năng, phẩm chất gì để gia tăng khả năng cạnh tranh về nguồn nhân lực với các nước khác, cần giảm tải những kiến thức gì để tránh lãng phí thời gian và công sức. Đó là những câu hỏi mà triết lý hay quan điểm giáo dục phù hợp sẽ trả lời được.

Theo tôi, con người Việt Nam hiện đại phải được nền giáo dục tạo điều kiện cho trải nghiệm liên tục và tạo môi trường để thử sức và khám phá bản thân.

Tạo điều kiện trải nghiệm liên tục

Ngô Bảo Châu có lẽ đã phải mất hàng ngàn giờ giải toán trước khi được trao tặng giải thưởng Field, Edison thường phải trải qua hàng ngàn giờ thí nghiệm trước khi có được những phát minh, The Beatles cũng phải trải qua hàng ngàn giờ tập đàn ở các quán bar nhỏ trước khi thành công, Beckamp cũng phải trải qua rất nhiều năm tập luyện từ khi còn nhỏ để có được thành công, Bill Gates cũng mất hàng ngàn giờ vùi mình vào lập trình cho đến khi trở thành chuyên gia...

Học tập trong một môi trường trải nghiệm liên tục, học sinh sẽ dần thành thạo , tự rút kinh nghiệm để rồi đạt đến độ điêu luyện trong bất kỳ lĩnh vực gì. Học - Trải nghiệm - Rút kinh nghiệm - Trải nghiệm - Rút kinh nghiệm... sẽ dần trở thành thói quen, đặc biệt phù hợp với đức tính kiên nhẫn và tập trung cao độ mà hình như không còn được nhắc đến nhiều khi nói đến người Việt trẻ.

Tất cả các môn học cơ bản như toán, lý, hóa... hay các môn công cụ như ngôn ngữ, tin học, kỹ năng... càng trải nghiệm, thực hành nhiều, học sinh sẽ càng điêu luyện và càng tạo được cái sáng tạo riêng cho mình.

Tạo môi trường khám phá bản thân

Mỗi người mỗi vẻ. Ngay cả trẻ sinh đôi cùng trứng cũng có nhiều đặc điểm tính cách và năng khiếu khác nhau. Vì vậy là một nền giáo dục áp đặt sẽ làm thui chột nhiều tài năng.

Chẳng ai có thể nói Mozart hay Beckamp không thông minh mặc dù tôi có thể chắc chắn rằng điểm toán ở trường của họ chẳng cao chút nào. Chẳng ai có thể nói Léonard de Vinci ôm đồm khi mà ông là bậc thầy trong rất nhiều chuyên ngành, từ hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, y khoa, kỹ thuật, giải phẫu, sáng tạo cho tới triết học. Đó là vì ông dám thử sức mình trên mọi lĩnh vực và quan trọng hơn, ông có điều kiện làm việc đó.

Vì vậy mà rất ngay từ nhỏ, học sinh rất cần có một môi trường có thể tạo điều kiện cho các em tự khám phá bản thân, không chỉ là toán học, văn học, hay vật lý mà còn trong các lĩnh vực như thể thao, mỹ thuật, âm nhạc.

Tư duy giáo dục ở đây phải coi các bộ môn ấy quan trọng như nhau. Môi trường toàn diện ấy không thể chỉ thể hiện trong chương trình đào tạo mà phải thể hiện trong mọi hoạt động cuả nhà trường. Học sinh được học, được sống với những gì mình thích và mình có năng khiếu, đó là điều mà triết lý giáo dục hiện đại cần bao hàm từ đó phát huy điểm mạnh của từng con người Việt Nam.

Rất mong những quan điểm trên đây sẽ có ích cho sự hình thành một triết lý giáo dục mà quốc dân trông đợi. 


Giáo dục thần dân hay giáo dục công dân?

TSKH Phan Hồng Giang gửi bài viết với tiêu đề "Thử bàn về triết lý giáo dục". Ông cho rằng, việc có tác động chi phối tổng thể khi đổi mới giáo dục là xác lập hệ giá trị căn bản của con người trong bối cảnh mới. Dưới đây là bài viết của ông.


Niềm vui đến trường của bé trong ngày khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chúng ta đều biết, trong  nghệ thuật đưa ra những quyết sách để xử lý tình huống sao cho hiệu quả nhất thì điều tối quan trọng là chọn đúng hướng ưu tiên, chọn đúng khâu đột phá.

Giáo dục nước ta đang đứng trước yêu cầu phải có sự "
đổi mới căn bản, toàn diện" thì  việc cấp bách nhất, có tác động chi phối tổng thể, theo thiển ý của chúng tôi, chính là việc xác lập hệ giá trị căn bản của con người mà giáo dục cần và phải đào tạo nên (cùng với trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội) theo yêu cầu của sự phát triển đất nước trong nỗ lực đồng hành cùng nhân loại.

Nói một cách khác, đây chính là
triết lý giáo dục, là mục tiêu học làm người của hoạt động giáo dục.

Ở đây xin thử nêu ra một số giá trị mà chúng tôi cho là cơ bản nhất, lý tưởng nhất, cần được biến thành  những phẩm chất đại trà - trong một xã hội văn minh  -  đối với mọi thành viên  trưởng thành của xã hội. Đó là con người:


1. Có đủ tri thức và kỹ năng
để làm ra của cải (vật chất và tinh thần), đủ năng lực làm cho nó sinh sôi, luôn biết tự loại bỏ những điều còn khiếm khuyết của mình, từ đó mà có thể làm giàu một cách chính đáng cho bản thân, cho gia đình và xã hội, góp phần  làm cho nước mạnh.

2. Ý thức rõ ràng
mình là một công dân với tư cách là chủ nhân thực sự của đất nước, biết hiện thực hóa đầy đủ những quyền cơ bản của con người theo đúng tinh thần và lời văn đã được ghi trong Hiến pháp, nhờ đó mà thoát khỏi thân phận u ám, thê lương của những "thần dân" thụ động, luôn phải chịu cảnh bị  ép buộc, bị sai khiến bởi quyền uy, tiền bạc và những lời lẽ mị dân. Luôn khao khát tìm hiểu thế sự, thời cuộc, biết  tỉnh  táo, chủ động suy nghĩ bằng cái đầu của mình để có thể xác định đúng chỗ đứng cần thiết, góp phần tích cực thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

3. Không chỉ đóng khung mối quan tâm của mình trong phạm vi biên giới quốc gia, mà còn có thể mang danh là
"công dân toàn cầu"; không nấp sau tấm mộc "đặc thù dân tộc" để báng bổ, bài xích những giá trị phổ quát của toàn nhân loại; biết tham gia dù ít dù nhiều vào việc giải quyết những vấn đề toàn cầu như tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, đói nghèo.

4. Thấu hiểu rằng trên đời này không có giá trị nào
cao hơn bản thân sự sống để từ đây biết quý trọng tính mạng, phẩm giá của chính mình và của mọi người, biết "thương người như thể thương thân", biết tuân thủ các chuẩn mực đạo đức phổ biến, các quy ước cộng đồng và khế ước xã hội để không bao giờ xâm hại giá trị quý báu đó, không bao giờ gây ra cho người khác những gì mà chính mình không thích người khác gây ra cho mình.

5. Thừa nhận  rằng trên đời này "bách nhân bách tính", rằng luôn tồn tại -  như một tất yếu khách quan, sự
khác biệt giữa các nhóm người về quyền lợi, sự hiểu biết và đức tin, để không thấy khó chịu - hay tệ hơn, không trấn áp (!) những người khác mình, tránh cho xã hội khỏi lâm vào cảnh chia rẽ không đáng có, từ đây cùng nỗ lực đi tìm cái chung, giảm thiểu điều dị biệt để có thể cùng nhìn về một hướng nhằm đạt mục tiêu " dân giàu, nước mạnh; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; con người tự do, hạnh phúc".

6. Biết
sống khỏe khoắn, lành mạnh; luôn tự nhắc nhở  rằng ở những trường hợp may mắn, tâm hồn và trí tuệ sung mãn  thường tìm đến nương nhờ nơi cơ thể kiện khang.

7. Biết tiết chế  thói quen "thích đủ thứ" (phải chăng là bẩm sinh ?) để có thể sống thanh thản trong sự hòa đồng với mọi người, với thiên nhiên; cảm nhận được
cái tình, cái đẹp của muôn mặt cuộc đời thường nhật, của nghệ thuật để có thể  đạt tới điều có lẽ là cao diệu nhất - biết sống hạnh phúc.

Tất nhiên, hệ giá trị tôi tạm nêu ra trên đây không thể là đơn nhất. Rất mong các bậc thức giả , các bạn đọc gần xa  cùng bàn bạc  để tiến tới xác lập một triết lý giáo dục hoàn chỉnh có thể làm điểm xuất phát tin cậy cho các hoạt động giáo dục tiếp theo như hoàn thiện đội ngũ và cơ chế, chính sách quản lý giáo dục; soạn thảo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa; nâng cao chất lượng , phương pháp học và giảng dạy; thay đổi cơ bản phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh v.v...

Giáo dục Việt Nam: Từ bánh mì đến thi ca

Vừa rồi, dư luận khá quan tâm về quan điểm “tăng môn thi ĐH, CĐ, và dù là ngành nào cũng bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội”. Quan điểm này cũng gợi nên một dịp cho những ai quan tâm đến giáo dục Việt Nam bàn sâu hơn nhằm có thể có được giải pháp tối ưu: từ mục tiêu giáo dục, triết lý giáo dục đến những cách thức cụ thể để cải thiện tình hình.

Từ bánh mì...
Xét trong tổng thể những khó khăn và bất cập hiện nay thì việc điều chỉnh ở khâu thi cử có lẽ vẫn là đơn giản mà hiệu quả nhất. Trong đó bao gồm: nội dung thi (số lượng + môn thi của từng khối (mỗi khối thi bao nhiêu môn, thi những môn nào) – tạm gọi là cấu trúc khối thi), cách thức ra đề thi, cách thức tổ chức thi…

Hiện tượng kết quả thi môn lịch sử thấp đến không ngờ trong kỳ tuyển sinh năm nay chỉ là một giọt nước khiến những ai quan tâm phải “tỉnh ngủ” thôi chứ tình hình còn đáng báo động hơn rất nhiều. Nhìn lùi lại, còn có hiện tượng tỷ lệ thí sinh năm nay đăng ký thi khối C chưa tới 10% - cực thấp. Nhìn rộng ra thì thấy các ngành thuộc khối ngành khoa học cơ bản hầu như đều ngắc ngoải vì thiếu người học và chất lượng đầu vào thấp.

Ai cũng biết sự thiếu hụt nhân sự được đào tạo ở khối ngành khoa học cơ bản là sự thiếu hụt đối với yêu cầu đáp ứng cho một nền KT - XH phát triển bền vững. Vì lực lượng này là lực lượng chủ chốt trong kiến trúc thượng tầng và tiên phong trong cơ sở hạ tầng.

Nhưng hậu quả đó hoàn toàn khách quan và không thể tránh khỏi. Vì đây là hệ quả của một thời đoạn mà đất nước ta đứng trước mâu thuẫn lớn giữa tiềm năng và yêu cầu phát triển với thực trạng khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, các ngành sản xuất trì trệ (cuối những năm 70 – đầu những năm 80 của thế kỷ trước).

Giải pháp cho tình hình lúc bấy giờ là tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu chiến lược được xác định phát triển theo chiều rộng: chú trọng tăng trưởng nhanh. Chính điều này đã hình thành trong xã hội xu hướng học tập thực dụng. Học để kiếm tiền và để hái ra tiền. Đây chính là căn nguyên của tình trạng học lệch như hiện nay.

  … đến thi ca

Một nền KT - XH mà thiếu đội ngũ kế thừa để phát huy các giá trị nhân văn và thiếu đội ngũ tiên phong trong lĩnh vực khoa học cơ bản thì chắc chắn không thể là một nền KT - XH phát triển bền vững.

Để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao theo nghĩa “có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp” thì buộc phải cân cân đối được tương quan giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng mà theo đó, tái cấu trúc khối thi tuyển sinh đại học, trong điều kiện hiện tại, là một thao tác có sức tác động lớn.

Việc tái cấu trúc khối thi, trước mắt nên bàn đến nội dung thi (thi môn gì) hơn là số lượng môn thi. Hiện nay nền kinh tế được xác định phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao với định hướng “gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”( ) thì yếu tố khoa học công nghệ vẫn giữ vai trò số một.

Điều này có nghĩa là nền giáo dục chỉ có thể níu kéo sự cân bằng giữa giữa tri thức về các giá trị nhân văn với tri thức khoa học công nghệ ở một mức độ nhất định nào đó.

Trước mắt có thể xác định thi 3 môn: 2 môn cơ sở là toán, văn và 1 môn cơ bản là môn chính của chuyên ngành đào tạo. Trường hợp môn cơ bản trùng với môn cơ sở thì có thể thay thế bằng môn công cụ như ngoại ngữ chẳng hạn. Ví dụ, ngành Y: toán, văn, sinh; Dược: toán, văn, hóa; Tin học: toán, văn, ngoại ngữ; Sư phạm toán: toán, văn, ngoại ngữ; Du lịch: toán, văn, sử/địa/ngoại ngữ…

Việc tăng sống lượng môn thi ở từng khối ngành chỉ là tăng số lượng chứ không phải chất lượng. Chạy theo số lượng thì chỉ mỏi chân và hụt hơi chứ cái đầu không to lên được. Không nhất thiết vì điểm môn lịch sử thấp mà phải bắt buộc thi lịch sử. Vì nếu như thế thì ở phổ thông có những môn học nào, thí sinh sẽ phải thi tất cả các môn học đó mới có thể gọi là toàn diện.

Nếu theo hướng này thì hình thức tuyển sinh sẽ phải thay đổi, phù hợp nhất có lẽ là xét tuyển đại học. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì kỳ thi tuyển sinh đại học đang là kỳ thi quốc gia duy nhất còn tạo được niềm tin trong xã hội. Nếu manh động bỏ đi kỳ thi này mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì niềm tin của người dân sẽ chẳng biết đặt được vào đâu.

 Trong khi đó, nhà quản lý giáo dục hoàn toàn có thể lấy điểm để phác diện. Ở bậc học phổ thông, nhóm môn khoa học xã hội, tiêu biểu nhất là ngữ văn; với nhóm môn khoa học tự nhiên, là toán. Học sinh nghiêm túc học văn thì các em sẽ được gieo mầm những ý thức về giá trị nhân văn. Chính ý thức này sẽ nuôi dưỡng tâm hồn, sẽ là động lực khiến các em có nhu cầu và có khả năng tìm hiểu rộng hơn ở các môn KHXH khác. Tương tự như vậy với môn toán.

Có ý kiến cho rằng nền giáo dục của chúng ta mục tiêu mơ hồ. Nói như thế, e là thiếu căn cứ và cũng là thiếu trách nhiệm trong lập luận. Mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam được thể hiện ở luật giáo dục 2005, trong đó có đoạn: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp…”. Mục tiêu như thế là rất rõ ràng. Vấn đề là, ngay một lúc ta chưa thể làm được tất cả thì tuỳ từng thời đoạn cụ thể, có thể làm từng phần.
Chiến lược phát triển KT – XH giai đoạn 2011 – 2020 xác định “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ… bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.”. Vậy thì trong 10 năm tới, dù muốn dù không, vẫn phải chấp nhận hiện tượng học lệch ở một mức độ nhất định. Và việc bắt buộc thi văn + toán như 2 môn cơ sở của bất kỳ khối ngành nào sẽ là giải pháp mềm dẻo nhất.

Khi đói thì người ta cần phải có bánh mì. Đến khi đã có đủ bánh mì rồi thì tự nhiên người ta sẽ nghĩ đến thi ca. Nhu cầu nhân loại không bao giờ là thấp hèn. Nó chỉ bị chi phối bởi điều kiện cụ thể mà thôi. Chỉ đến khi nào xã hội ta phát triển, biểu hiện là nền kinh tế chỉ chú trọng vào phát triển bền vững; và người học chỉ bận tâm đến việc học những ngành mình yêu thích chứ không bị phân tâm bởi mức thu nhập của việc làm sau khi ra trường thì mới có cơ sở để tính đến chuyện giáo dục toàn diện đúng nghĩa hoàn toàn theo tinh thần của luật giáo dục.

Tất nhiên, đối với một lĩnh vực rộng lớn thì giải pháp phải là hệ thống giải pháp đồng bộ chứ không thể chỉ là giải pháp đơn lẻ mà được. Bài viết này chỉ đề cập đến khâu then chốt và có thể làm ngay mà nhân tiện GS Bùi Văn Ga gợi ra. Nghĩa là còn cần phải tính đến giải pháp cho các vấn đề hữu quan, ví dụ như tăng thu nhập cho giáo viên đủ sống chứ không phải tính trợ cấp thâm niên rồi lại cắt trợ cấp 35% đứng lớp; ví dụ như thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm để “thay máu” cho một đội ngũ đông đảo giáo viên đã có phần lỗi thời và xơ cứng; ví dụ như đầy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ giáo dục; ví dụ như khử tham nhũng trong giáo dục…

  • Th.s. Võ Anh Tuấn (TP.HCM)

Triết lý giáo dục 'xanh'

Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho rằng khi con người phát triển hài hòa cả về trí tuệ, nhân cách và nghị lực trong một thế giới văn minh, có xu thế sống gần với thiên nhiên hơn, thì đó được gọi là Triết lý giáo dục "Xanh".


Hình minh họa. Nguồn ảnh: 123rf

Giáo dục bắt rễ từ những vấn đề cơ bản có tính ổn định và những vấn đế mới theo xu thế thời đại mà tập hợp hữu cơ của chúng thường được gọi là triết lý giáo dục (GD).

Sứ mệnh của giáo dục thời nay phải làm sao để giúp con người phát triển hài hòa cả trí tuệ, nhân cách lẫn nghị lực để con người có thể sống trong một thế giới văn minh với công nghệ hiện đại, vật chất phong phú nhưng không làm mất đi chính mình, ngược lại phải không ngừng phát triển những giá trị cốt lõi như trên để đạt được hạnh phúc thật sự. Lúc đó con người sẽ có xu thế sống gần với thiên nhiên hơn, “hành xử” với Mẹ Trái đất đúng mực hơn. Triết lý giáo dục như vậy được gọi là Triết lý giáo dục "Xanh".     
Giáo dục để làm gì


Phát triển cá nhân: Giúp mọi công dân nói chung và người học nói riêng hướng đến làm người tốt toàn diện, có tình người, có trí tuệ sáng suốt, có sức khỏe thể chất - tinh thần và nghị lực mạnh mẽ; làm nghề giỏi phù hợp với bản thân để tạo kế sinh nhai, thể hiện trách nhiệm với gia đình và góp phần phục vụ xã hội.
Phát triển xã hội: Nâng cao đạo đức, sức khỏe, nghị lực, trí tuệ cho công dân, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, cung cấp thị trường nhân lực, thị trường khoa học công nghệ cho đất nước cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới, hội nhập quốc tế phù hợp với xu thế thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, độc lập tự chủ của các dân tộc nhằm không ngừng xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, tiến bộ.
Giáo dục những vấn đề gì


Về nhân cách: Lối sống lành mạnh; tự giác, trung thực; nếp sống văn minh, cần kiệm; yêu thiên nhiên, ý thức cải thiện và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; sống và làm việc theo Hiến pháp & pháp luật, qui ước của cộng đồng; lòng nhân ái; quan hệ, ứng xử đúng mực với mọi người; ý thức tập thể, nổ lực vì lợi ích chung …
Về nghị lực: Xây dựng lý tưởng, hoài bão cho bản thân; bản lĩnh, tự tin vào sức mạnh tiềm tàng bên trong của chính mình; thường xuyên xem lại mình và góp ý cho những xung quanh với tinh thần xây dựng; khả năng vượt khó, quyết tâm hoàn thành công việc; biết chấp nhận và rút ra kinh nghiệm từ những thất bại để từng bước mạnh lên; khả năng tập luyện để nâng cao sức khỏe, ý chí, phòng chống bệnh tật, tai nạn, tệ nạn …
Về trí tuệ


Nhận thức: Tư duy sáng tạo, hoài nghi, phê phán; khả năng dự báo, nhạy bén, năng động để phân tích tình huống và giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống…
Kiến thức: Tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; kiến thức phổ thông; kiến thức khoa học đại cương; kiến thức chuyên ngành; kiến thức cuộc sống; kiến thức công cụ như ngoại ngữ, tin học …
Kỹ năng: Kỹ năng tự học & nghiên cứu khoa học, tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin; kỹ năng về nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp (nói, viết, mạng internet …); kỹ năng làm việc độc lập và hợp tác làm việc theo nhóm; kỹ năng tự tạo việc làm và phát triển nghề nghiệp; kỹ năng cảm thụ hoặc thể hiện các loại hình nghệ thuật …
Mục tiêu cơ bản của các bậc học


Bậc Tiểu học (bao hàm cả mầm non): Chủ yếu là dạy người
Chú trọng giáo dục về nhân cách như sự hiếu thuận, lòng nhân ái, tình yêu thiên nhiên, tình đoàn kết, tương trợ, liêm khiết, uy tín, vượt khó, tự giác, tinh thần trách nhiệm.
Chương trình học nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi, tạo điều kiện cho những năng khiếu, ưu điểm cũng như những hạn chế của học sinh được bộc lộ để ghi nhận và có giải pháp thích hợp.


Bậc Trung học (THCS, THPT): Nâng cao dạy người, chuẩn bị dạy nghề
Tiếp tục chú trọng giáo dục nhân cách, khả năng tự học, năng động, sáng tạo nhưng đòi hỏi ở mức độ cao hơn, thử thách lớn hơn, tự rèn luyện nhiều hơn.
Về mặt kiến thức, cần trang bị kiến thức phổ thông trên tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để học sinh ở bậc học này có được bức tranh tri thức toàn cảnh một cách chung nhất của loài người từ xưa đến nay.


Bậc sau Trung học (trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học. Ở nhiều nước bậc học này được gọi chung là đại học) : chủ yếu dạy nghề.
Mục tiêu chủ yếu của bậc học này là trang bị những gì cần thiết nhất cho sinh viên để sau khi tốt nghiệp, họ làm được nghề đã học, có khả năng tự học hoặc học tiếp để nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, mưu sinh, tự lập, tự tin vào đời. Tư duy sáng tạo, phê phán, dự báo … được đào tạo mạnh ở bậc học này.


Phương thức giáo dục (giáo dục như thế nào)


Tự học & nghiên cứu: Người học không ngừng chủ động, tích cực, ham thích tìm hiểu, nghiên cứu, đồng thời vận dụng những điều đã học & nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn để tiếp cận dần các tiêu chí trong mục tiêu giáo dục.


Người dạy (hướng dẫn): được kiểm định có đạo đức tốt và đủ khả năng để giảng dạy hoặc hướng dẫn khoa học một nội dung cụ thể nào đó trong chương trình đào tạo.


Không gian giáo dục: Dạy học & nghiên cứu trực tiếp hoặc từ xa tại bất kỳ địa điểm nào qua kết nối với các phương tiện thông tin đại chúng.


Thời gian giáo dục: Không nên hạn chế thời gian giáo dục cho một bằng cấp, đề tài cụ thể. Xu thế thời đại là học tập suốt đời.


Hạ tầng giáo dục (điều kiện nào cho giáo dục)


Các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến giáo dục: Tạo khung pháp lý nhất quán, khoa học, thông thoáng để định hướng tốt cho giáo dục có thể phát triển mạnh mẽ, hiệu qủa, phù hợp với tình hình thực tiễn cuộc sống ở địa phương, trong vùng, trong nước, trong khu vực và xu thế thời đại.


Cơ sở vật chất & tài chính: Giáo dục giúp nâng cao dân trí và cung cấp nguồn nhân lực cho mọi ngành nghề trong xã hội nên cơ sở vật chất & tài chính của giáo dục cần phải được chia sẻ từ ngân sách nhà nước, bản thân người học, gia đình và hầu hết các ngành nghề trong xã hội.


Hệ thống quản lý điều hành: Cần phân quyền quản lý đến tận mỗi người học, người dạy. Mỗi người dạy, người học trước hết phải tự quản lý được vấn đề dạy-học của mình. Tiếp đó cấp cơ sở (trường, viện…), cấp phòng, khoa cũng được phân quyền mạnh. Từ đó bộ máy quản lý điều hành từ cơ sở đến trung ương sẽ tinh gọn.


Kiểm định giáo dục (xác định chất lượng giáo dục): Dựa vào mục tiêu giáo dục, các tiêu chí cụ thể và qua thực tiễn xã hội để đánh giá chất lượng sản phẩm giáo dục (người học, đề tài khoa học)


Kiểm định trong trường: Đa dạng hình thức kiểm tra, thi cử, nghiệm thu theo phương châm “nhẹ nhàng, hiệu qủa” nhằm từng bước giúp người học biết tự giác định hướng mục tiêu, tự điều chỉnh hợp lý trong quá trình học tập & nghiên cứu …


Kiểm định ngoài trường (xã hội): Không gian xã hội nơi sinh sống, nơi làm việc; gia đình, dòng tộc; láng giềng, xóm phường; hội đoàn; nơi công cộng … sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đánh giá chính xác hơn chất lượng sản phẩm giáo dục cụ thể của một cơ sở giáo dục.
  • TS. Nguyễn Viết Thịnh

Người Việt mình cần học xếp hàng và giữ im lặng

Bây giờ rất nhiều người giàu tiền, nhưng ý thức cộng đồng, văn minh thì chẳng học được bao nhiêu. Hình như người ta cố tình không cập nhật, không quan sát mà thích sống theo bản năng.


Người Nhật xếp hàng chờ cứu trợ trong đợt sóng thần tháng 3
Hôm rồi, cùng gia đình đi Malaysia và Singapore, tôi chứng kiến người Việt mình đi đâu là ồn ào đó, ở nơi nhận phòng và trả phòng khách sạn, nhà hàng ãn uống, trên tàu xe rất hồn nhiên nói chuyện với nhau lớn tiếng, hồn nhiên nói chuyện điện thoại oang oang.

Khi vào nhà hàng ăn sáng tự chọn thì chen ngang, được nhắc nhở thì lườm nguýt người góp ý lại còn nói: "Xếp hàng rồi, chỉ thiếu mỗi cái muỗng vào lấy thôi", rồi tiện thể lấy giùm cho các bạn trong đoàn luôn, làm chắn luôn cả một đoàn đang xếp hàng lấy đồ ăn ở sau.

Khi ăn tối tự chọn thì đứng chọn từng con ốc, lựa tùng miếng thịt ướp rất hồn nhiên từ từ mà chẳng để ý một hàng dài đang xếp sau mình.

Bái phục người mình luôn! Không biết bao giờ mới thay đổi được, đến con cháu nó nhìn vào cứ tưởng làm như vậy là đúng mới chết chứ!  Đến bao giờ mới văn minh được?

Ngay bây giờ, tôi nghĩ nơi công cộng như bệnh viện, nhà ga, UBND các cấp , trụ sở hành chính công nên giơ cao biểu ngữ: Xếp hàng và giữ im lặng (không nói chuyện với nhau, không nói chuyện điện thoại).

Nếu mọi người tuân thủ theo khẩu hiệu và làm được việc này thì mới có thời gian mà quan sát, mà lắng nghe, sẽ hy vọng người mình sẽ văn minh ngay.

Mổ xẻ bất cập trong đào tạo sư phạm

Đầu vào thấp, cơ sở vật chất thiếu, nhất là môi trường thực hành, thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm của trường phổ thông trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập... là những bất cập của ngành đào tạo sự phạm hiện nay.

Sáng 27/8, hội nghị các trường sư phạm được tổ chức trên cả nước thông qua 6 điểm cầu: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ và Thái Nguyên. Tham dự có Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo Bộ Giáo dục, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm và trường có đào tạo ngành sư phạm.
Sau báo cáo dự thảo chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến 2020 của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đại diện các trường bày tỏ ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Bản, Hiệu phó ĐH Đồng Tháp cho biết, trường ông có 14 khoa với 32 ngành đào tạo, trong đó 14 ngành sư phạm bởi chủ trương của trường lấy đào tạo giáo viên làm cốt lõi. Tuy nhiên, theo ông Bản, hiện nay ĐH Đồng Tháp gặp khó khăn lớn là đầu vào rất thấp bởi nguồn tuyển chủ yếu là học sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, tâm lý của học sinh không muốn đi theo ngành giáo viên bởi ra trường khó xin việc và thu nhập thấp.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện nay hệ thống giáo dục đang thiếu trầm trọng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần cho học sinh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
"Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục phối hợp đưa ra quy định các trường, cấp học, ngành học cung cấp số lượng giáo viên còn thiếu làm căn cứ để chúng tôi tổ chức đào tạo. Đồng thời, Bộ Giáo dục cần chủ trì hội nghị các trường sư phạm vùng, giao nhiệm vụ đào tạo, từ đó khắc phục sự mất cân đối trong ngành", ông Bản nêu ý kiến.
Cũng trăn trở việc đào tạo nguồn giáo viên tương lai, bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện nay hệ thống giáo dục đang thiếu trầm trọng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần cho học sinh. Ngoài ra, theo bà Lộc, việc đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học cần được xem xét lại bởi giáo dục ở bậc này rất quan trọng.
"Chồi có khỏe thì cây mới phát triển được. Nếu trẻ học tốt từ mầm non, tiểu học thì lên cấp trên các em sẽ theo quán tính mà phấn đấu, giáo viên chỉ cần uốn nắn thêm", bà nói.
Cũng theo bà Lộc, hiện nay môi trường thực hành, thực tập của các đại học sư phạm chưa có. Chế tài về việc quy định nhiệm vụ của các trường phổ thông đối với thế hệ giáo viên kế tiếp cũng chưa được xây dựng. Bên cạnh đó, hiện nay cùng một lúc các trường đào tạo sư phạm cho sinh viên đi thực tập đang gây áp lực quá tải cho các trường phổ thông.
"Tôi nghĩ việc dồn thực tập vào 6 tuần trong năm không còn phù hợp nữa. Chúng ta cần thay đổi, để các em đăng ký thực tập tùy theo năng lực", bà Lộc kiến nghị và cho hay, các trường đại học nên ký hợp đồng với giáo viên có tâm huyết với sinh viên thực tập, hình thành chế độ giảng viên vệ tinh.
Đại diện các trường nêu ý kiến về những tồn tại trong thực tiễn đào tạo sư phạm. Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Đà Nẵng Nguyễn Hoàng Bảo Thanh cho biết, hiện trường ông mỗi năm tổ chức hai hội nghị khoa học cho sinh viên, tuy nhiên, các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước vẫn chưa có.
Ông kiến nghị, Bộ nên chủ trì để các trường, ngành đào tạo sư phạm có thể góp ý cho đề tài nghiên cứu khoa học của đồng nghiệp, xây dựng các nhóm nghiên cứu có tính liên ngành, thành lập trung tâm nghiên cứu mới, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, liên kết và hợp tác quốc tế.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc giáo dục truyền thống đạo đức từ xưa đến nay cần phải chuyển hướng sang giáo dục kỹ năng của người công dân Việt Nam trong thời đại mới. Ảnh: Hoàng Thùy.
Tiếp thu ý kiến của đại diện các trường, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, đổi mới công nghệ đào tạo trong ngành sư phạm là việc cần triển khai ngay. Theo ông, việc giáo dục truyền thống đạo đức từ xưa đến nay cần chuyển hướng sang giáo dục kỹ năng của người công dân Việt Nam trong thời đại mới, để từ đó hướng tới năng lực tự học của mỗi người.
Phó thủ tướng cũng góp ý, Bộ Giáo dục cần sớm ban hành quy hoạch phát triển nhân lực của hệ thống đào tạo trên cơ sở quy hoạch nguồn nhân lực toàn ngành và của từng địa phương. Từ đó, rà soát lại các trường sư phạm, khoa sư phạm, nghiên cứu nâng cấp 3 trường trung cấp lên cao đẳng để thể hiện đòi hỏi cao đối với những người làm nghề giáo.
"Trường đại học là trung tâm đào tạo lớn nhất, còn các doanh nghiệp là vệ tinh đào tạo. Trong khuôn khổ ngành sư phạm phải biến các trường phổ thông thành vệ tinh. Đây là nơi tiếp nhận phản hồi đào tạo và cũng là cơ sở thực hành tuyệt vời nhất đối với các trường đào tạo sư phạm", Phó thủ tướng nói và góp ý, đã đến lúc cần hình thành hội đồng hiệu trưởng các trường đại học để cùng thảo luận những vấn đề chung, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục cần lập dự kiến bồi dưỡng đào tạo lại giáo viên để dạy chương trình mới, tạo lực lượng nòng cốt truyền đạt kiến thức cho đồng nghiệp. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần khuyến khích hình thành giảng viên tư vấn, phát triển hơn nữa các chính sách khuyến khích đối với học sinh, thu hút các em vào ngành sư phạm.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện nay toàn quốc có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 49 đại học có khoa, ngành sư phạm, 39 trường cao đẳng sư phạm, 24 trường cao đẳng có khoa, ngành sư phạm, 3 trường trung cấp sư phạm và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.
Tổng số giảng viên các trường đại học sư phạm là gần 4.400 (192 giáo sư và phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học là 565, thạc sĩ là 2.039), số lượng giảng viên các trường cao đẳng sư phạm là 4.462 (tiến sĩ và tiến sĩ khoa học là 55, thạc sĩ 1.626).

Khủng hoảng giảng viên sư phạm 'đầu đàn'

Sau 5 năm, tỷ lệ GS, PGS ngành sư phạm tăng 0,5%, còn tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ giảm 1,24%, tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng 4,06%. Hiện tại, tỷ lệ sinh viên/giảng viên trung bình là 31.
Đây là thống kê của Bộ GD-ĐT tính đến năm học 2010 - 2011 đưa ra ngày  23/8.
Theo số liệu này, các trường ĐH sư phạm có gần 4.400 giảng viên, trong đó, số lượng GS là 18, PGS là 192, chiếm tỉ lệ 5%. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ là 12,84% với 565 người, còn lại chủ yếu là trình độ thạc sĩ (2.039 giảng viên).
Sau khi đánh giá chung "một bộ phận giảng viên còn hạn chế về trình độ, chưa tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo giáo viên nhiều bất cập", trong báo cáo tổng kết, Bộ GD-ĐT đưa ra 6 mục tiêu nhằm cải thiện chất lượng ở những "cỗ máy cái" đào tạo giáo viên như: ổn định và củng cố hệ thống và mô hình cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay, phát triển quy mô các trường, khoa sư phạm...
Một số mục tiêu được "số hóa" với các mốc thời gian: đến năm 2015, ít nhất 25% và đến năm 2020, 50% giảng viên sư phạm đạt trình độ tiến sĩ; chức danh từ PGS trở lên có chỗ làm việc tại trường; các cơ sở đào tạo giáo viên hoàn thành việc đổi mới chương trình, có đủ giáo trình chất lượng cho tất cả các môn học.
Đáng lưu ý, tới năm 2020, tỉ lệ sinh viên/giảng viên  sẽ không quá 20; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng khoa, phó trưởng khoa các trường ĐHSP, CĐSP phải qua chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trước khi được bổ nhiệm hoặc trong vòng một năm sau khi được bổ nhiệm; các trường sư phạm có thư viện điện tử.
Các hội đồng Hiệu trưởng trường ĐHSP, CĐSP; hội đồng khoa học sư phạm quốc gia cũng sẽ được thành lập.

Thôi thúc giảm tải

 "Giảm tải, quá tải, cần lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH"..,những vấn đề không mới lại xuất hiện nhiều trên báo chí  gần đây, cho dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT  khẳng định phải có lộ trình, không thể nóng vội.



Ảnh Lê Anh Dũng
Đổi mới thi bằng "2 trong 1"
Muốn tìm được một giải pháp đổi mới căn cơ thì phải giải quyết một số vấn đề quan trọng về lý thuyết và thực tiễn - TS Lê Vinh Quốc đề xuất.
Ông lý giải, muốn thay thế thi tuyển sinh ĐH “bốn khối - ba chung” bằng một giải pháp khác thì phải vạch rõ kỳ thi này bất hợp lý và bất cập ở chỗ nào để tìm đúng giải pháp thay thế. Thi ĐH với bốn khối kiến thức A-B-C-D chỉ là một giải pháp tình thế thay cho việc phân ban ở trường phổ thông nhưng là một sự phân ban không hợp lý.
Cần đổi mới tư duy về quản lý để xem xét vấn đề tuyển sinh và đào tạo ĐH theo cơ chế thị trường. Việc tổ chức kỳ thi ĐH “bốn khối - ba chung” chính là hệ quả của lối tư duy theo cơ chế quan liêu bao cấp, với quan điểm cho rằng tất cả các trường ĐH trong nước đều phải có một trình độ đầu vào thí sinh ngang nhau, để đào tạo giống nhau và cấp bằng tốt nghiệp có giá trị như nhau ở đầu ra giữa các trường.
Việc đổi mới tuyển sinh ĐH cần đi theo một lộ trình hợp lý như sau: xây dựng lại chương trình giáo dục phổ thông phân ban theo định hướng nghề nghiệp, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình này (thi tất cả các môn nhưng phân biệt các ban bằng hệ số điểm và thời lượng môn thi, đồng thời áp dụng những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo kết quả thực chất).
Tiếp đó dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT làm tiêu chuẩn tuyển sinh ĐH; bãi bỏ kỳ thi quốc gia tuyển sinh ĐH, trao quyền tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ hay trung cấp tự quyết định (dùng ngay bằng tốt nghiệp THPT và bảng điểm để tuyển, hay cho kiểm tra lại kiến thức phổ thông, trắc nghiệm thêm về khả năng học ĐH hoặc cho thi thêm một số môn năng khiếu...). Để việc đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới tuyển sinh ĐH nói riêng có kết quả và hiệu lực bền vững, mỗi bước đi trên lộ trình này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học và áp dụng một cách thận trọng.
Nhiều ý kiến khác cho rằng nên trả quyền “tự chủ tuyển sinh” về cho các trường ĐH, CĐ vì mỗi trường, tùy theo ngành nghề đào tạo có những yêu cầu tuyển sinh khác nhau. Tuy nhiên, dù học sinh có thi vào trường ĐH hay CĐ đào tạo nghề chuyên sâu theo hướng nào đi chăng nữa thì nền tảng kiến thức để các trường ra đề thi vẫn là chương trình học phổ thông.
Nếu để các trường ĐH, CĐ tự tổ chức thi tuyển, tự ra đề thi thì sẽ quay trở lại tình trạng trường nào cũng có lớp, có trung tâm luyện thi, giáo viên vừa ra đề vừa luyện thi. Như vậy có đảm bảo sự công bằng cho các em học sinh không có điều kiện tham gia các lớp học luyện thi?
Lại có ý kiến cho rằng nên thực hiện một kỳ thi sơ tuyển rồi sau đó để cho các trường tự tổ chức thi tuyển. Như vậy không những không giảm nhẹ việc thi cử cho học sinh mà còn tăng áp lực lên gấp đôi, vì học sinh phải chuẩn bị không chỉ một mà tới hai kỳ thi đại học.
Trong hoàn cảnh và điều kiện giáo dục ở nước ta hiện nay, tôi hoàn toàn ủng hộ phương án thi "3 chung" và "1 riêng" - TS Dương Đức Hưng (Học viện Chính trị - hành chính quốc gia HCM) nói trên báo Tuổi trẻ.
Với kỳ thi kết hợp “2 trong 1” bằng hình thức thi trắc nghiệm gọn nhẹ và việc tuyển sinh “mở” này, chúng ta sẽ khắc phục được nhiều vấn đề bất cập trong giáo dục thời gian qua: việc học tủ, học lệch của học sinh trong thi tốt nghiệp, việc chấm thi không chính xác, công bằng ở các hội đồng thi khác nhau, việc tuyển chọn học sinh theo các khối A, B, C, D… cứng nhắc, không phù hợp với yêu cầu đào tạo của các trường, tổ chức hai kỳ thi cồng kềnh tốn kém…
Giải bài toán thiếu thầy?
Hôm nay (15/8), học sinh trên cả nước bắt đầu tựu trường. Thế nhưng, dù ngành đã có chủ trương tuyển mới giáo viên để bổ khuyết cho nhưng môn học, trường/ lớp còn thiếu giáo viên.
Thế nhưng, mới đây nhiều quận, huyện khu vực TP.HCM công khai thông tin " đến đầu tháng 8/2011, mới chỉ tuyển được khoảng 50% số lượng giáo viên (GV) theo yêu cầu. Cụ thể, số liệu của Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho hay, trong năm học 2011-2012, quận xin bổ sung 42 GV mầm non thì chỉ mới nhận được có 27 người; tiểu học thiếu 150 GV thì chỉ mới bổ sung 67 người.
Thiếu trầm trọng nguồn GV là thực trạng chung của nhiều quận ngoại thành và những quận nội thành nghèo. Báo Thanh niên dẫn lời cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5, lo lắng: “Mặc dù là quận nội thành nhưng Q.5 cũng không tránh khỏi việc thiếu hụt GV. Chuẩn bị cho năm học mới, quận thiếu đến 12 GV mầm non. Ở cấp tiểu học thì thiếu trầm trọng GV giảng dạy các bộ môn năng khiếu”.
Tương tự, trong năm học 2011-2012, các trường Q.4 cần tuyển đến 104 GV nhưng hiện giờ, số lượng GV quận tuyển được mới chỉ có 54 người. Trong đó, số lượng GV mầm non chỉ mới đạt một nửa so với yêu cầu. Cả Q.4 chỉ có hai trường tiểu học có GV thể dục. Khối THCS thì chỉ tuyển được ½ số GV Toán cần bổ sung.
Tuyển được GV đã khó, nhưng cô Cao Thị Tuyết Mai, Phó phòng GD-ĐT Q.4, cho biết: “Không dám chắc số GV mới tuyển có gắn bó lâu dài với trường trong quận không nên khả năng sẽ còn thiếu GV nữa”.
Nói về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: năm nào số lượng hồ sơ nộp dự tuyển GV cũng nhiều hơn số chỉ tiêu. Nhưng GV của các trường luôn thiếu. Đây chỉ là thiếu cục bộ, rơi vào thiếu GV mầm non và ở các quận ngoại thành, quận nghèo của TP.
“GV mầm non tập trung ở nội thành, khi được phân công ra ngoại thành thì sẵn sàng bỏ quyết định, "chạy" ra làm ở các trường dân lập, tư thục”, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh nhìn nhận.
"Đời sống của GV còn chưa ổn định, còn chênh lệnh thu nhập giữa các nơi thì GV còn phân vân lựa chọn địa bàn để làm việc. Vì vậy, với các quận khó khăn thì tuyển GV rất khó", cô Cao Thị Tuyết Mai, Phó phòng GD-ĐT Q.4 nói.
Năm học 2011-2012, toàn TP.HCM cần bổ sung 4.905 GV cho tất cả các cấp học. Sở GD-ĐT TP.HCM đã hoàn thành đợt 1 tuyển GV nhưng các trường thì vẫn thiếu người mặc dù ngày nhập học đã cận kề.
Giảm tải?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: "Giảm tải trong năm học này...." Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: "Giải quyết quá tải mầm non cần góp sức..."

Thứ trướng Nguyễn Vinh Hiển
Năm học này sẽ là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT tập trung đề xuất chủ trương, kế hoạch và giải pháp để xây dựng chương trình hành động hướng tới việc đổi mới căn bản, toàn diện theo nhu cầu phát triển của xã hội.
Ở bậc mầm non sẽ tiếp tục triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đồng thời duy trì và phát triển giáo dục mầm non ở các độ tuổi thấp hơn theo nhu cầu và điều kiện của các địa phương.
Để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong năm học mới, Bộ vẫn xác định nhiệm vụ quan trọng là đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện năng lực tự học của học sinh dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng; điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải, tăng cường giáo dục kỹ năng sống phù hợp mục tiêu giáo dục; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
Trong năm học tới, Bộ chỉ đạo các nhóm (bao gồm tác giả chương trình, tác giả SGK, giáo viên cốt cán, chuyên viên chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục rà soát nội dung dạy học ở các trường phổ thông, tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng từ các nguồn thông tin, biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải phù hợp với mục tiêu dạy học, triển khai thực hiện từ năm học 2011-2012.
Việc điều chỉnh như vậy nhằm làm cho nội dung dạy học phù hợp hơn, sửa chữa những sai sót nhưng vẫn đảm bảo tính hệ thống của chương trình giáo dục phổ thông, chứ không phải cắt bỏ nội dung dạy học một cách cơ học. Trên thực tế, học sinh bị quá tải là do rất nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ do kiến thức trong SGK nặng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nội dung như trên cũng có thể xem là một giải pháp nhằm giảm tải cho học sinh và giáo viên.
Năm học này Bộ chỉ đạo các địa phương và các cơ sở giáo dục, tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình: đưa ra các câu hỏi, bài tập hợp lý, phù hợp với từng đối tượng, tập trung vào trọng tâm, tránh nặng nề quá tải; bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, tránh ghi nhớ máy móc không nắm vững bản chất.
Để khắc phục các hạn chế, thiếu sót của kỳ thi năm học vừa qua, năm tới sẽ tăng cường trách nhiệm của lực lượng coi thi, chấm thi; giao quyền chủ động nhiều hơn cho các sở GD-ĐT trong việc lựa chọn các phương án tổ chức thi phù hợp với yêu cầu nghiêm túc và điều kiện của địa phương, đồng thời với tăng cường hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra; đảm bảo kịp thời và thông suốt các thông tin và giải pháp trong suốt quá trình thi...

 Bỏ thi cụm, chấm chéo?

Báo Sài gòn Giải phóng dẫn lời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, bắt đầu từ năm học 2011 - 2012 tới, Bộ GD-ĐT quyết định sẽ thay đổi cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, từ năm tới sẽ không tiếp tục áp dụng hình thức thi theo cụm, chấm đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục là một kỳ thi quốc gia ít nhất là đến năm 2015. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các địa phương. Mục đích là kỳ thi vẫn đảm bảo tính khách quan, kết quả trung thực.
Theo bộ trưởng, sau khi cuộc vận động “Hai không” đã có hiệu quả, chủ trương của bộ là sẽ không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng nặng nề, căng thẳng, tốn kém mà dần tiến tới coi kỳ thi như một cuộc kiểm tra cuối cấp bình thường.
Sau mấy năm tổ chức thi tốt nghiệp theo hình thức thi cụm, chấm chéo, dư luận đã rất bức xúc cho rằng thi như vậy là tốn kém, lãng phí không cần thiết.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị bộ nên bỏ kỳ thi này vì tỷ lệ đậu tốt nghiệp hàng năm đều trên 90%.

Giảm tải, thế nào cho phải?

  Nhiều phụ huynh hi vọng sẽ được đón nhận một cách làm phù hợp, triệt để, tránh tình trạng năm nay giảm một ít, năm sau lại đề xuất giảm ít nữa khiến con cái, thầy cô và chính bản thân họ không còn thấy mệt mỏi vì những thay đổi chóng mặt của giáo dục nước nhà.

Trong 11 câu "hỏi - đáp" về việc điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông theo hướng giảm tải trong năm học 201 - 2012, Bộ GD-ĐT khẳng định chủ trương này sẽ khắc phục được khó khăn cho học sinh, bởi thời gian học tập ít mà cứ phải học các kiến thức trùng lặp hay vì bài tập, yêu cầu quá cao nên nảy sinh chuyện dạy thêm, học thêm; giúp giảm thời gian học kiến thức hàn lâm, lý thuyết thuần tuý, tăng thời gian thực hành, học tại hiện trường; điều đó sẽ giúp cho HS có điều kiện được vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, hình thành năng lực nhận thức, năng lực hành động và kỹ năng sống.


Đối với phụ huynh, những người vẫn hàng ngày đưa đón con tới trường, kèm cặp con học buổi tối và thấm thía sự vất vả của chính mình, của con cái và của cả những người thầy, liệu mục tiêu tốt đẹp kia có phi thực tế?





Chị Vũ Thu Hà (quậnTây Hồ, Hà Nội): Lớp 2 chưa cần môn Tự nhiên - Xã hội

Trước đây, tôi cho con học mẫu giáo và lớp 1 ở một trường song ngữ trên địa bàn quận. Chương trình học ở đó một nửa dành cho việc kích thích sự phát triển, sáng tạo tự nhiên của trẻ nhỏ bằng các hoạt động vui chơi, giải trí (bơi lội, ballet, khiêu vũ…), một nửa dành cho học tập, trong đó 50% số tiết học tiếng Anh.

Nhận xét kết quả học tập theo tuần của cô giáo phát cho các cháu đều bằng tiếng Anh nên dẫn đến việc không chỉ riêng con tôi mà tất cả các cháu được học theo phương pháp này đều rơi vào tình trạng nói tiếng Anh lưu loát hơn tiếng mẹ đẻ (môn Tiếng Việt của cháu  rất kém, thậm chí học rất chậm) và thường có thói quen chơi nhiều hơn học. Năm nay lên lớp 2, gia đình tôi cho cháu theo học ở trường công lập theo chương trình đào tạo kiến thức chuẩn của Bộ GD- ĐT.

Tuy nhiên, theo tham khảo từ nhiều phụ huynh khác, tôi thấy chương trình học tiểu học (theo chương trình của Bộ GD) khá nặng.

Hầu hết, các cháu học theo hình thức bán trú, buổi tối gia đình lại thuê thêm gia sư hoặc các trung tâm uy tín kèm thêm, hoặc bố mẹ trực tiếp hướng dẫn làm bài tập về nhà của nhiều môn. Vì vậy, thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn của quá ít, trong khi ngày nào cũng quay theo một chu trình nặng nề như thế.

Các phương án đưa ra, tôi hoàn toàn đồng ý (giảm tải những kiến thức được viết trong CT-SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau, giảm tải thứ hai là những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dưng CT, SGK theo quan điểm đồng tâm, giảm tải những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh…).

Tôi thấy, không nên đưa môn học về Tự nhiên – Xã hội vào chương trình học lớp 2 mà chỉ nên chú tâm vào các môn cơ bản khác như Toán, Tiếng Việt và một số môn phụ đạo khác (Đạo đức, Mỹ thuật…). Hoặc, nếu đưa các vấn đề về tự nhiên, xã hội vào thì chỉ nên đưa những kiến thức hết sức cơ bản vì có dạy thì các cháu cũng chưa hình dung và tiếp thu được một cách đầy đủ.

Thêm vào đó, áp lực của các cháu phần nhiều là do chương trình học ở trường quá tải về lượng kiến thức phải tiếp thu, số lượng sách mà các cháu mang theo cũng nhiều và nặng, và áp lực về thành tích học tập khiến nhiều cháu “sợ học” (chương trình học khó, học sinh học nhiều, bố mẹ nào cũng muốn con mình giỏi hơn người khác, cô giáo cũng muốn các cháu học nhiều để không ảnh hưởng đến thành tích lớp). Vì vậy, giảm tải kiến thức phù hợp với lứa tuổi và tâm lý để các cháu có thời gian nghỉ ngơi là điều cần thiết.

Chị Nguyễn Mai Phương ( Sơn Tây, Hà Nội)
: Nhiều ông bố bà mẹ cũng "ốp" con

Tôi thấy hầu hết các trường ở ngoại thành, dù học bán trú hay không thì cũng không phải kín lịch và áp lực nặng nề như các học sinh ở nội thành. Con tôi năm nay lên lớp 5 nhưng một tuần vẫn có một, hai buổi để nghỉ ngơi, thư giãn.

Theo tôi, chương trình học của cháu từ trước tới nay không nặng lắm. Gia đình luôn động viên cháu cố gắng học chứ không thúc ép, quản lý giờ giấc gắt gao để tạo không khí thoải mái cho cháu thích trường học.

Hiện nay, nhiều ông bố bà mẹ luôn muốn con mình có nền tảng toàn  diện ngay từ “gốc” nên thường “nhồi” cho cháu một lượng kiến thức lớn với lịch học rất dày. Điều đó mới khiến cho cháu có tâm lý nặng nề mỗi khi đến trường.

Thường xuyên quan tâm đến chuyện học hành của các cháu, tôi thấy sách giáo khoa lớp 4, lớp 5 có các môn lịch sử, khoa học với lượng kiến thức khá nhiều và viết khá khó hiểu.

Ngay bản thân tôi khi đọc những cuốn sách đó còn có cảm giác như sách tham khảo dành cho sinh viên đại học thì thử hỏi các cháu tiểu học sẽ hiểu được bao nhiêu phần trăm về những điều đó?

Trần Thị Hải Yến ( Kim Mã, Hà Nội): Nghỉ được 2 tuần, con tôi vội vã đi học thêm

Con tôi năm nay chuẩn bị lên lớp 4. Theo tôi biết, chương trình lớp 4 khá nặng và khó vì đây là năm có nhiều kiến thức trọng tâm nhất của Tiểu học.

Vì vậy, tôi đã cho cháu đi học thêm sau khi kết thúc năm lớp 3 được hai tuần. Nhìn con vừa nghỉ hè được vài ngày đã cắp sách đến lớp học thêm, tôi rất thương nhưng không còn cách nào khác vì nếu không đi học, cháu sẽ không theo kịp các bạn và những bài giảng trên lớp của cô giáo không thể kỹ vì thời gian hạn chế.

Gần đây tôi nghe nói Bộ GD – ĐT có dự kiến sẽ giảm tải một số kiến thức trong chương trình học của học sinh tôi thấy rất mừng. Tôi hi vọng trong năm học mới này các cháu sẽ không phải “bò ra” để học và “phát sốt” vì số lượng kiến thức quá tải.

Chị Trường Giang (quận Cầu Giấy, Hà Nội): Không nên bắt các cháu làm quá nhiều bài tập

Con tôi năm nay lên lớp 3. Cả ngày cháu học ở trường nhưng tối về học đến 10h vẫn chưa làm hết các bài tập cô giao. Nhiều khi thương con, những bài tập thủ công tôi phải làm hộ vì cháu không có thời gian.

Tôi rất quan tâm đến vấn đề điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải chương trình và sách giáo khoa. Tôi không thể đề xuất những nội dung cụ thể cần giảm tải, nhưng với tư cách là một phụ huynh, tôi mong con mình có thời gian để cân bằng giữa học và chơi, giải trí.
Theo tôi, trên lớp buổi sáng các cháu học những bài mới, buổi chiều cô cho các bài tập ôn luyên kiến thức sáng đã học. Buổi tối về nhà chỉ cần một bài tập nhẹ nhàng để rèn luyện thói quen học bài. Không nên bắt các cháu làm quá nhiều bài tập.

Anh Lâm Đức Tùng (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội):
Đừng giảm tải nhỏ giọt

Từ khi Bộ GD – ĐT tiến hành cải cách SGK ở các bậc học thì lượng kiến thức đã quá tải với học sinh.

Thêm vào đó, mỗi năm lại sửa đổi (học sinh mỗi năm một bộ sách), giảm tải nhưng cuối cùng chất lượng đã đi đến đâu? Hay vẫn “giậm chân tại chỗ” khiến cả học sinh, giáo viên và phụ huynh phải đau đẩu?

Con tôi mới học lớp 4 nhưng lịch học lúc nào cũng kín mít hơn cả học sinh lớp 12 ôn thi ĐH. Không phải vì gia đình tôi quá kỳ vọng vào con nên ép cháu học nhiều mà ngay từ kiến thức trong sách giáo khoa đã nhiều, các môn đưa vào chương trình học cũng nhiều, lại thêm các  ài tập nâng cao, các bài tập ở lớp học thêm (nếu không đi học thêm sẽ không thể học theo kịp)… Vì vậy, các cháu không còn thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, thậm chí ốm vẫn phải đến lớp.

Tôi hi vọng năm nay Bộ GD- ĐT sẽ thực hiện giảm tải một cách phù hợp, triệt để, tránh tình trạng năm nay giảm một ít, năm sau lại đề xuất giảm ít nữa. Như thế cả người dạy, người học và bản thân những người làm cha làm mẹ như chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi vì những thay đổi chóng mặt của giáo dục nước nhà.


Có cần phải như thế không?
Mấy hôm nay cả nước lại bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH. Đây là kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời học sinh, vì kỳ thi sẽ quyết định số phận của tất cả: ai sẽ thành kỹ sư, bác sĩ, ai sẽ thành công nhân, chuyên viên...
Vì thế tất cả guồng máy xã hội như ngưng đọng lại để phục vụ cho kỳ thi của gần 1 triệu thí sinh này.
Trong buổi thi môn Hóa tai một điểm thi ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh đã mệt mỏi gục xuống bàn - Ảnh N.H.
Cả nước diễn ra một cuộc chuyển cư vĩ đại của gần 2 triệu người (nếu một thí sinh có ít nhất một thân nhân đi kèm) bằng đủ loại phương tiện: xe đạp, xe lôi, xuồng ba lá, xe gắn máy, xe đò, tàu lửa, tàu thủy, máy bay... từ các tỉnh ào ạt đổ về các thành phố lớn. Thành phố hằng ngày đã kẹt xe, mấy hôm nay lại còn kẹt kinh khủng.
Thí sinh căng thẳng, nhiều em ngất xỉu trong phòng thi. Bên ngoài các bậc phụ huynh ngồi đợi con cũng thấp thỏm không kém...
Có bao giờ chúng ta giật mình tự hỏi: Có cần phải như thế không? Có nước nào làm như thế không? Một kỳ thi tổ chức căng thẳng, tốn kém như thế có tìm được đúng người có khả năng không? Có làm cho chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta cao hơn hẳn các nước khác không?
Câu trả lời tán thưởng chắc chắn là không nhiều.
Học sinh vừa mới trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT với tỉ lệ hơn 95% tốt nghiệp. Bây giờ lại phải thi một kỳ nữa cũng chương trình ấy, để làm gì?
Việc thi đại học với ba môn thi vốn là một sản phẩm thời chiến, thế mà không hiểu sao đến hơn 40 năm nay vẫn chưa bỏ? Khối A, khối B, khối C... khối nào cũng lệch.
Trước hết là lệch tỉ lệ: hơn 50% thí sinh thi vào khối A, số còn lại thi vào các khối khác, trong đó chỉ 5% thi vào khối C. Thế thì chia để làm gì? Thứ hai là lệch về kiến thức: có nhiều thí sinh khối A điểm rất cao nhưng nói và viết không nên câu, một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết. Thế thì làm sao làm việc được trong các doanh nghiệp hiện đại, làm sao mà quan hệ với nước ngoài?
Còn khối C thì càng lệch hơn nữa, toàn thi các môn xã hội, nên dù có điểm cao nhưng tư duy vẫn có thể không mạch lạc vì thiếu kiểm tra môn toán. Rồi ngoại ngữ không biết thì làm sao tiếp cận được với thông tin toàn cầu?
Nhưng những điều vô lý ấy vẫn cứ tiếp tục tồn tại hàng mấy chục năm nay như thế.
Làm thế nào để thí sinh đỡ phải căng thẳng, gia đình và xã hội khỏi tốn kém mà vẫn đạt mục tiêu của tuyển sinh?
Tôi thấy đơn giản nhất là cứ tìm hiểu kinh nghiệm của các nước phát triển về giáo dục, rồi châm chước mà học tập theo họ, đừng sáng tạo, mò mẫm thử nghiệm làm gì cho mất công và lại phải trả giá.
Theo đó, chúng ta chỉ cần tổ chức kỳ thi quốc gia với nhiều môn, chia ra thành 2-3 đợt. Học sinh nào thích thi kỳ nào thì đăng ký kỳ đó, chưa chuẩn bị kịp kỳ này thì thi kỳ sau. Học sinh có thể dựa vào kết quả kỳ thi đó để biết năng lực của mình mà chọn học hoặc thi vào trường đại học phù hợp. Học sinh giỏi thì có thể thi vào các trường tốp trên. Học sinh trung bình, trung bình khá thì có thể ghi danh vào các trường đại học tốp dưới, đại học ngắn hạn hay học các trường trung học chuyên nghiệp tùy sở thích và điều kiện.
Các trường đại học nên mở rộng đầu vào và thắt chặt hơn đầu ra để đảm bảo chất lượng và tạo cơ hội cho sinh viên cố gắng. Tăng cường đào tạo tín chỉ, liên thông để sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp.
Chúng ta hòa nhập quốc tế ngày càng sâu rộng về nhiều mặt, nhưng giáo dục là một trong những lĩnh vực trì trệ nhất vì tư duy thời bao cấp vẫn chi phối nặng nề đến tận bây giờ.
Tôi thấy vấn đề cốt lõi của giáo dục ta là Chất Lượng Giáo Dục mà trong đó Chất Lượng Đào Tạo mới là tất cả chứ không phải Chất Lượng Tuyển Sinh. Xin thưa là tôi đã thấy rất nhiều bạn học Đại Học thi vào điểm rất cao và học ở THPT rất giỏi, nhưng khi vào học năm 1 năm 2 thì tỏ ra lêu lỏng và chán học, điểm kém và đa phần chỉ hy vọng đủ điểm để vượt qua kỳ thi cuối kỳ, có bạn còn ôn tập thi lại vào Đại Học khác, có bạn ôm đồm học nhiều trường Đại Học với suy nghĩ là có càng nhiều bằng thì cơ hội làm việc càng cao và khả năng kiếm tiền giỏi...
Nghĩ đến đây thôi là chúng ta có thể thấy được nền Giáo Dục nước ta hiện nay đang làm tổn hao quá nhiều thời gian của chính thế hệ đầy triển vọng, vì có những người thực sự giỏi nhưng cuộc đời cứ long đong lận đận, rồi đổ lỗi cho thân phận, số phận... Còn những bạn giỏi, nhân tài của đất nước thì sao? Việt Nam là một đất nước rất nhiều nhân tài, có thể ví như "lá mùa thu", nhưng nền giáo dục nước nhà sau mỗi "mùa thu" ấy thu nhặt được bao nhiêu "chiếc lá"? Hãy nhìn vào tấm gương GS Ngô Bảo Châu chúng ta sẽ thấy rõ và có thể tự đặt ra câu hỏi tại sao những con người xuất chúng như thế lại để cho quốc gia khác đào tạo rồi sau đó khai thác triệt để chất xám mà không phải quốc gia đã sinh ra và nuôi họ lớn lên.
Cứ mỗi độ hè về là chúng ta lại được biết thêm nhiều bạn trẻ xuất sắc, ưu tú lần lượt ra nước ngoài học, mà họ học cái gì ở những đất nước xa xôi đó, xin thưa đó là học những gì họ thích và ao ước. Và họ có trở về làm việc cho nước nhà không? Thưa có nhưng rất ít dù trong lòng mỗi con người ấy luôn khao khát được cống hiến cho nước nhà. Có lần thầy giảng viên (trưởng khoa ở một trường đại học) có tâm sự với lớp chúng tôi: "Năm nào cũng nói cải cách, rồi cải cách nhưng cải cách gì đâu không thấy chỉ thấy giảng viên Đại Học như thầy đúng là có thể sống bằng lương, nhưng chỉ đủ sống với thời bão giá bây giờ chứ nói đến chuyện sắm sửa cái này cái kia thì chỉ có mà mơ ước. Cho nên hầu hết phải làm thêm ở ngoài, đi dạy thêm mới mong khấm khá hơn". Chỉ đơn giản vậy thôi mà cả bao nhiêu bộ óc "tinh túy" của đất nước không hiểu ra, hay cố tình không hiểu: Làm giáo dục thì sống được, nhưng làm giáo dục mà giàu thực sự... thì có mấy ai?
Bộ giáo dục điều trước tiên cần làm là: Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sàng lọc lại môn thi của các khối, có thể thêm hoặc bớt khối thi Đại Học miễn sao phù hợp với từng ngành học. Loại bỏ, nâng cấp, cải tiến chương trình học Đại Học sát với thực tiễn, sát với thế giới hiện đại. Nâng cấp cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu. Nâng cao đời sống cho cán bộ, giảng viên, các nhà làm giáo dục nói chung ... (để không còn kiểu vừa dạy đại học vừa dạy luyện thi Đại Học).
Còn vấn đề ở học sinh, sinh viên thì khơi gợi họ phải nhận thức những mình thích, mình muốn, ngành nào là tốt nhất cho mình. Khi nhận thức được rồi thì tự họ sẽ biết phải vào trường nào mà học và học ở đâu, có nhất thiết phải ra nước ngoài học không.
Còn một điều nữa là nên phổ cập luật dân sự cho các em học sinh từ cấp 2 trở đi, để các em biết và tránh né các tội hay mắc phải như trộm cắp, cướp giật, giết người, hiếp dâm, v.v.. Và các vấn đề sinh sản, giới tính như cách tránh thai chẳng hạn...
Các môn học hiện nay ở cấp trung học tôi thấy rất ổn vì năm nào chúng ta cũng đoạt rất nhiều giải quốc tế, đó là điều đáng mừng còn sót lại. Bộ Giáo Dục cần nhìn lại chính mình vì có lẽ học đã quên mất một điều là: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

Giáo dục Việt Nam luôn là vấn đề muôn thuở, nói mãi không hết, sửa mãi không thành. Giáo dục của một nước rất quan trọng, vì nó cung cấp nguồn lực cho xã hội, tri thức cho văn minh, văn hóa nước nhà, duy trì kiến thức, phong tục dân tộc và gìn giữ nó qua bao thế hệ. Thế nhưng, có bao giờ trang mục GIÁO DỤC của các báo đăng được những tin vui, êm xuôi thường xuyên? Hay tựa đề vẫn luôn là những câu “LẠI CHUYỆN CHẠY TRƯỜNG”; “LẠI CHUYỆN HỌC THÊM”; “HÔM NAY, ĐỀ KHỐI A QUÁ KHÓ, NHIỀU THÍ SINH BỎ THI”; “MỘT HỌC SINH NGẤT XỈU KHI LÀM BÀI THI ĐẠI HỌC”. Có lẽ, nhiều khi ta nói, ta đóng góp có lúc ý hay, ý tốt, cũng phần vì nước ta chưa có điều kiện.
Tuy nhiên, nếu tốn thời gian 40 năm qua mà vẫn như vậy thì nên nghĩ đến sự thay đổi một cách dứt khoát. Trước hết, tôi rất bất bình với một nền giáo dục nặng chuyện thi cử. Một học sinh tiểu học, trung học cơ sở vẫn ngày đêm lo âu, khắc khoải và cũng vì sợ thua bạn bè, sợ thi rớt, sợ dưới trung bình mà ngày đem chiến đấu từ: Kiếm tra chất lượng đầu năm; Kiểm tra miệng; Kiểm tra 15 phút; Kiểm tra 1 tiết; Kiểm tra giữa học kì; Kiểm tra cuối học kì; Thi thử tốt nghiệp; thi thử lên lớp 6; thi thử lớp 10; Thi thật tốt nghiệo; Thi thật vào lớp 6,…
Nhiều khi, các em đi học chỉ để đánh giá hạnh kiểm tốt do chuyên cần, vì hôm nay em được 3 điểm 10, hôm nay em thuộc bài Sử và được cô khen chứ không phải hôm nay em biết được em có trên đời này là do AND và ARN; em ngồi yên là do trọng lực; em ăn được là nhờ HCl trong bao tử; em hô hấp được là nhờ Oxi. Em học sinh mà không được 9 điểm, 10 điểm sẽ bị ba mẹ la, bị thầy cô nhắc nhở bị bêu xấu và mất chỗ vô trường chuyên, mất chỗ vô lớp chọn.
Trong khi đó biết đâu một bạn học sinh môn nào cũng 10đ, thủ khoa, á khoa tốt nghiệp, nhất khối, nhất lớp lại quên sạch sành sanh bài học môn Sinh, Sử, Địa mà em đã thuộc làu cách đây 1 tuần khi ngồi trong phòng thi. Như vậy, học chỉ để thi, chỉ để có điểm 10, để đạt yêu cầu của Bộ, đạt kế hoạch chương trình để thầy cô xoa đầu khen chừ đâu phải để mà hiểu biết? Có chắc rằng đề thi ĐH vừa qua đánh giá đúng trình độ? Khi lên ĐH, ta không còn phải học sử, địa, GDCD (tùy ngành) nên dùng môn phổ thông để đánh giá, loại bỏ thí sinh nhiều khi không đúng. Cùng thi ngành Quản trị kinh doanh ĐH Ngoại thương, một bạn chỉ có 10đ (tổng 3 môn) có chắc gì trí óc suy nghĩ, tính toán thu chi tiền tệ, tài chính, quản lí nhân lực thua một bạn thủ khoa 30đ do thi tuyển bằng kiến thức khảo sát hàm số, đặt ẩn giải hệ, phương pháp đưởng chéo?
Ngoài ra, cách biên soạn chương trình học và thi còn chưa đồng bộ. SGK dạy “a”, bài tập thì dạy “b”, còn thi cử thì cho “c”. Tôi lấy ví dụ bài ESTE – bài đầu tiên Hóa 12, sgk chỉ đề cập qua loa bài phương trình tiêu biểu của este; đến phần trong sách bài tập (của Bộ) lại hỏi các xác định cấu tạo của ESTE, đến khi thi ĐH thì ngoài este hở sgk dạy, không biết từ đâu chui ra ESTE đơn vòng, ESTE có gốc rượu không no, ESTE gắn thêm nhóm Halogen, ESTE có gốc rượu là Phenyl là đặc biệt như thế nào? Như vậy, chỉ có đi học thêm mới may ra biết làm. Thời lượng trên lớp quả là không đủ cho chuyện đó.
Hay tôi lấy ví dụ môn Văn. Văn là học làm người, bồi đắp tâm hồn thêm đẹp, dạy ta nhìn đời và người, mình học văn để biết cách viết đơn từ, báo cáo,… Nhưng rõ ràng, việc dạy và học môn văn còn rất phức tạp. Một em học sinh giỏi văn, viết rất sắc sảo, ngòi bút không thua gì nhà văn trẻ, nhưng dù viết hay đến mấy, nếu không có ý trong đáp án vẫn không được điểm nào, còn em thuộc lòng y boong đáp án, học tủ, may mắn được 8-9 điểm. Điều đó có đáng hay không?
Học môn Sử vì “dân ta phải biết sử ta” – tôi đồng tâm nhất trí, nhưng một giáo sư, tiến sĩ Sinh vật học (cũng từng trải qua thời phổ thông) có còn nhớ Hít-le chết năm bao nhiêu hay không? Hay thi xong là dẹp luôn tất cả sau khi lấy xong điểm 10, cô giáo phê xong học bạ, họp phụ huynh xong, và lãnh phần thưởng học sinh giỏi về? Các môn Lý, Hóa, Sinh là những môn nước ta tiếp thua tinh hoa của nhân loại, của thế giới nhiều nhất. Môn này đòi hỏi tư duy tốt, hiểu biết rộng. Nhưng cách dạy và học hiện ta của nước ta dường như đánh mất cái hay vốn có của nó.
Học trên lớp thì lí thuyết thuộc lòng là chính, ẵm điểm 9,10 mới quan trọng mà không cần biết đút một lúc 2 ngón tay vô ổ điện sẽ gây chết, dòng điện 40A qua tim gây tử vong; CO2 là khí gây hiệu ứng nhà kính; Kali dùng làm phân bón; Canxi sunfat dùng làm thạch cao; Glucôzơ cần thiết cho cơ thể; lạm dụng seduxen sẽ gây nghiện, khí CO cực độc, gây tử vong. Học Hóa để biết chất độc mà tránh chứ đâu phải “lấn sân” để biết cách biện luận cấu tạo, biện luận chất nào còn dư; đặt ẩn giải hệ; Khai căn lập tỉ số,…của Toán? Mà làm mất đi tính Hóa học vốn có của nó?
Chưa kế, những môn giúp giải trí như người ta hay nói là Thể dục còn gây áp lực ác hơn nữa. Sgk môn THỂ DỤC lần đầu tiên xuất hiện khi cải cách có qui định mức nhảy, chạy của hs 11, 12 ra sao mà giáo viên chấm gắt thì coi như chịu dưới trung bình và học sinh trung bình vì môn thể dục, trong khi thể lực mỗi người mỗi khách, đâu giống nhau được? Chính vì chương trình học và thi quá nặng nề, học sinh mới có tình trạng quay cóp, dùng “phao”, lừa lộc giám thị, thi hộ, xé bài, đe dọa,… chính áp lực thi cử dường như làm mai một dần nhân cách con người, làm người học bị động, học máy móc, học vì những thứ phù du mà không phải học để phục vụ nhân loại, phụng sự đất nước.
Số lượng HSSV du học nước ngoài ngày càng nhiều và hầu như học xong thì tỉ lệ về nước giúp nước là bao nhiêu % ? Giaó dục nước ta cần tham khảo giáo dục nước bạn trong khu vực (tập quán, văn hóa có phần giống nhau) để dễ rút kinh nghiệm, chỉnh sửa phù hợp, có thể thí điểm sao cho hợp lí để không còn nạn chạy trường, đút lót, ngất xỉu do thức khuya hay….giấu phao trong người nữa. Tôi vẫn mong một ngày, khi cầm mục Giaó dục lên, sẽ không còn những headings gây sốc mà sẽ là những tin vui, đại loại như SV Việt Nam đạt giải Nobel; Học sinh vui mừng vì được lên lớp thẳng; trường học thân thiện;…
Ta nên dẹp bỏ luôn cả mấy danh hiệu vớ vẩn: Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém…mà hãy dùng mức điểm phù hợp đánh giá rồi khuyến khích học sinh học tốt, đừng tạo áp lực thi cử, đặc biệt, khối tiểu học, trung học nên cần sự hồn nhiên, chân chất, luôn có tuổi thơ vốn có của chúng chứ không phải lúc nào cũng có ý nghĩ sẽ thua kém bạn bè do mình bị điểm 6 môn Sử. Học với tinh thần ham học, phấn chấn, linh động sẽ tốt hơn là học vì bị ép buộc, gượng ép, miễn cưỡng và đừng học vì để đậu Đại học mà hãy xem kiến thức của nhân loại – mình đã có được bao nhiêu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?