Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

“Dũng khí trên nghị trường khó hơn trên chiến trường”

Chất vấn QH chính là một cuộc đấu tranh giữa các quan điểm, giữa đúng và sai… Nhưng nghị trường và chiến trường khác nhau.

Gọi điện xin phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI vào buổi tối, giọng cụ mệt mỏi nhưng cụ vẫn đồng ý ngay. Hôm sau đến tôi mới biết lão tướng 85 tuổi vừa tham gia hành trình 8 ngày trên tất cả những nghĩa trang lớn, thắp hương cầu nguyện cho các liệt sĩ.

Thời điểm tôi gọi điện thoại là cụ vừa về đến Hà Nội, nhưng khi nghe tôi trình bày đề tài phỏng vấn, cụ đồng ý ngay vì “thời gian gần đây tôi đứng ngồi không yên, cứ nghĩ đến chuyện thời cuộc đất nước là tôi nằm đến 4h sáng cũng không ngủ được”.

“Khi đi thăm các nghĩa trang, tôi cảm nhận có lẽ các liệt sĩ vẫn chưa được thanh thản được, vẫn lo lắng về thời cuộc. Tôi nói: thôi các đồng chí đã hy sinh rồi, các đồng chí hãy yên lòng”.

Vị lão tướng trầm ngâm mở đầu buổi trò chuyện.

Bộ trưởng mà nghỉ cả tháng cũng chẳng ảnh hưởng gì thì hỏng

Quốc hội nhiệm kỳ mới vừa họp, một loạt các chức danh trong Chính phủ đã được công bố. Các tân bộ trưởng cũng đã ra mắt và có những phát biểu, hứa hẹn đầu tiên. Phát biểu của bộ trưởng nào khiến ông ấn tượng nhất?
Tốt nhất hãy để thời gian trả lời, nói sớm không chính xác, không công bằng. Điều tôi quan tâm nhất là họ làm như thế nào, chứ không phải họ nói gì.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng nhận định ghế Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường là chiếc ghế nóng, "đến mức ai thoát ra cũng nhảy chân sáo". Với sự quan sát của một ĐBQH nhiều khóa, ông cho rằng chiếc ghế của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã nóng nhất chưa. Theo ông, lĩnh vực nào hiện nay cần sự quan tâm đặc biệt?

Trên từng mặt trận đều có những vấn đề bức xúc, trong đó tài nguyên & môi trường là một mặt trận bức xúc. Không chỉ bức xúc cho nhiệm kỳ này, mà bức xúc cho nhiều nhiệm kỳ sau, 50 năm hay 100 năm sau của dân tộc Việt Nam.


Tôi tính riêng vụ Vedan đã gây ra một vụ hủy hoại sinh thái khủng khiếp như thế, trong khi cả nước này nếu làm nghiêm sẽ còn bao nhiêu Vedan khác nữa. Vì lợi ích kinh tế trước mắt phá hoại môi trường thì môi trường sẽ hủy diệt lại vấn đề kinh tế.

Giờ nhìn đâu cũng thấy khai thác khoáng sản, người ta chạy đua xuất khẩu mỗi năm tăng mấy chục % , nhưng trong mấy chục % đó có bao nhiêu phần phá hoại môi trường, trong khi môi trường là cái gốc tồn vong của đất nước.

Giống như câu chuyện xuất khẩu rồi lại nhập khẩu than là ví dụ. Thi đua xuất để ghi thành tích, hết rồi lại phải nhập để dùng. Khi xuất ông nói cũng phải, khi phải nhập ông cũng cho là đúng, hoàn toàn là ngụy biện. Cuối cùng chỉ có môi trường và người dân là chịu đủ.

Khi tôi còn là ĐBQH, ông Lê Huy Ngọ khi đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ ông (Lê Huy Ngọ) rất đau lòng về câu chuyện muối. Việt Nam có 3000km bờ biển mà ta phải nhập khẩu muối từ nước ngoài về.

Mục đích hay lợi ích trong những việc này thuộc về ai, điều này ông nhưng ông bộ trưởng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Thương mại phải trả lời cho bà con.

Khác lệ thường, khi nhậm chức mới tân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không hứa gì, phải chăng bà rút kinh nghiệm của người tiền nhiệm?

Nói như vậy là thỏa đáng. Nếu giờ phô trương, hứa hẹn nhiều quá nhưng kết quả hành động không được như vậy. Một người hứa hẹn nhiều chưa chắc là người nhiệt huyết hơn người không nói gì, quan trọng là sau đó họ sẽ làm thế nào, các ĐBQH và nhân dân sẽ giám sát lời nói và hành động của họ.

Bộ trưởng mà nếu có đi vắng hay nghỉ việc cả tháng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến lĩnh vực đó thì hỏng, thế nhưng số đó lại không ít đâu.

Giống như chuyện chất vấn trong QH, đại biểu chất vấn, bộ trưởng trả lời, hứa hẹn… rồi ngày mai mọi việc lại đâu vào đó thì việc chất vấn hay hứa hẹn đều chẳng có giá trị gì.

Trong suốt quá trình làm ĐBQH trong ba khóa liên tiếp, ông ấn tượng với vị Bộ trưởng nào nhất?

Một người khiến tôi nhớ nhất là Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ. Ông làm việc trong thời điểm 3 – 4 bộ sát nhập với nhau. Theo quan sát của tôi, ông Ngọ là người vừa dám nói, vừa dám làm, vừa dám nhận khuyết điểm. Có lẽ ông Ngọ cũng là người duy nhất có văn hóa từ chức.

Tôi nhớ mãi hình ảnh ông ấy trong các lần về thị sát và thăm hỏi bà con vùng bão lụt, trông ông giống hệt một ông nông dân lội ruộng.

Một người nữa tôi cũng ấn tượng không kém là Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Thời kỳ khó khăn nhất trong quan hệ Việt – Mỹ, ông Tuyển đã có công rất lớn trong việc thúc đẩy bình thường hóa giữa hai nước.

Ngay cả khi rời ghế Bộ trưởng về làm cố vấn cho chính phủ, ông Tuyển vẫn đưa ra những ý kiến sắc sảo, quyết liệt mà các thành viên chính phủ không đưa ra được. Thậm chí nhiều ý kiến của ông Tuyển còn đi ngược với quan điểm của Chính phủ. Có thể nói, ông Tuyển là con người của khí phách, có tâm, có tầm.

Còn có nhiều người khác cũng khiến tôi nhớ, nhưng theo hướng tiêu cực: không những hứa suông mà nói một đường làm một nẻo; nói rất hay, rất mị dân nhưng hiệu quả công việc hoàn toàn ngược lại. Đối tượng đó tôi không tiện nêu tên ở đây.

Dũng khí trên nghị trường khó hơn dũng khí trên chiến trường

Ông từng nói: nghị sĩ phải có dũng khí như một chiến sĩ?

Chất vấn QH chính là một cuộc đấu tranh, đấu tranh giữa các quan điểm, giữa đúng và sai, giữa tích cực và tiêu cực… Nhưng nghị trường và chiến trường khác nhau. Rất nhiều người cầm súng trên chiến trường rất dũng cảm, nhưng ở nghị trường dũng khí lại mất đâu hết cả.

Khi trước mặt là kẻ thù, sau lưng là dân tộc, người chiến sĩ không có quyền lợi gì, trên vai mang ba lô nhỏ với bộ quần áo sờn quyết chiến đấu để bảo vệ nhân dân. Giờ trên nghị trường, họ lại phải cân nhắc: khi nói ra một điều thì họ được gì và sẽ mất gì cho bản thân.

Xưa hi sinh là vì tổ quốc, bây giờ không thể hi sinh trên nghị trường vì tổ quốc. Dũng khí trên nghị trường khó hơn nhiều dũng khí trên chiến trường.

Giữa những trên – dưới, bạn bè, trước – sau, lợi – hại… Cuộc đấu ở nghị trường là cuộc đấu ‘tế nhị’, khó hơn nhiều vì họ phải thử thách và vượt lên chính mình.

Và dũng khí người lính/nghị sĩ của ông được kể lại trong giai thoại đòi Chủ tịch hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười từ chức và hùng hồn tuyên bố trước QH: không có ông bộ trưởng nào qua mặt được tôi?

(Cười) Vụ này cũng lâu rồi, từ QH khóa IX. Khi đó Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười mới mở ra vấn đề đổi mới. Trong một lần họp QH, ông Đỗ Mười than: “Tôi làm Chủ tịch hội đồng bộ trưởng mà “mấy thằng” bộ trưởng tôi không điều khiển được”.


Tôi đứng dậy nói luôn: “Thưa anh Đỗ Mười, anh làm Chủ tịch hội đồng bộ trưởng mà không điều khiển được các bộ trưởng thì anh nên từ chức. Tôi làm Tư lệnh quân khu, tôi ra lệnh cho các sư trưởng cấp dưới, nếu người nào không chấp hành thì một là anh ta nghỉ hai là tôi nghỉ, không thể hai anh cùng tồn tại”.

Lát sau nghỉ giải lao ra hành lang, một nhà báo thân tình nói nhỏ: “Bác chết đến nơi rồi!” Tôi bảo: “Chết thế nào được!” .

Chuyện bộ trưởng thì cũng đúng. Tôi tự tin vì được nhiều chuyên gia, các học giả và nhân dân giúp sức cung cấp tài liệu để đủ cơ sở để ‘kiểm tra chéo’ lời nói và việc làm của các ông bộ trưởng, lơ mơ là tôi chỉ ngay.

Tôi không phải khoe, nhưng tôi làm mọi việc từ trong tim. Năm 2001, vợ tôi bị tai biến rồi liệt, khi đó tôi đang là ĐBQH vẫn sáng họp QH, trưa về chăm vợ vừa đọc tài liệu, chiều lại vào họp.

Trong lúc làm việc cũng có điều tôi nói có thể đúng, có thể sai, có thể hiệu quả hay chưa thật hiệu quả; nhưng tôi đều cố gắng nêu hết những vấn đề đáng quan tâm, không có gì phải cân nhắc lợi – hại cho bản thân. Bộc lộ hết, nói hết, nói thẳng thừng!.

Tuy giờ tôi đã về hưu rồi, nhưng không ngày nào tôi bỏ qua các tin tức về tình hình đất nước. Từ hôm 26/5, phía Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh đến nay không ngày nào tôi ngồi yên. Tôi đã gọi điện cho nhiều đơn vị, Tổng biên tập các tờ báo, tôi cũng gửi thư chia sẻ quan điểm với Bộ Chính trị về tình hình hiện nay.

Tình hình nước sôi lửa bỏng vậy, một ông già sắp 85 tuổi như tôi cũng không thể ngồi yên được.

Mong Bộ trưởng Quốc phòng đặc biệt quan tâm tới an ninh biển

Là một lão tướng quân đội, lại từng là ĐBQH nhiều khóa, ông có lời động viên hay nhắn nhủ nào tới Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh?

Trách nhiệm của quốc phòng hiện nay rất nặng nề, đặc biệt là trách nhiệm của lực lượng hải quân trên Biển Đông cực kỳ nặng nề khi được Bộ Quốc phòng giao trọng trách bảo vệ gần 1.000.000 km2 biển, bằng ¾ lãnh thổ. Như vậy riêng hải quân đã gánh trách nhiệm gấp ba trong việc bảo vệ lãnh thổ.

Cho nên, Bộ Quốc phòng phải hết sức chú trọng đầu tư tiềm lực để bảo vệ chủ quyền biển. Với chức danh là người đứng đầu Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm trước toàn dân về nhiệm vụ quốc phòng, tôi mong Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến an ninh biển.
Không chi thế, Bộ Quốc phòng và người đứng đầu bộ phải kéo bằng được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị - xã hội, bộ máy Nhà nước, Chính quyền cũng như bộ máy Đảng và 84 triệu người dân ủng hộ quân đội tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng xây dựng, bảo vệ biển đảo.

Riêng hải quân và quân đội là nòng cốt trong sức mạnh tổng hợp đó, chứ nếu đơn thương độc mã thì không chỉ trên biển, mà ngay trên đất liền lực lượng này sẽ không thể bảo vệ được đất nước. Bài học đó chúng ta đã quá biết qua bao cuộc chiến chống xâm lược trong quá khứ.

Bảo vệ biển không phải chúng ta chuẩn bị gì đó cho sự đụng độ vũ trang, đó không bao giờ là lựa chọn của một quốc gia hòa bình. Sức mạnh ở đây là tổng hòa của kinh tế, chính trị, ngoại giao và các phát triển khác.

Khi sự việc cắt cáp tàu Bình Minh xảy ra, nhiều người hỏi tôi sao Bộ quốc phòng không đưa lực lượng hải quân ra. Tôi cho rằng họ không hiểu: một dân tộc đã chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh như Việt Nam lúc nào cũng chỉ muốn hòa bình.

Chúng ta không gây hấn với ai cả, nhưng nếu ai cố tình xâm phạm thì chúng ta quyết chống để bảo vệ đất nước.

Chúng ta yêu hòa bình, quyết giữ hòa bình, nhưng chỉ có thể gọi là hòa bình khi chúng ta giữ được toàn vẹn lãnh thổ mà không xảy ra đụng độ, xung đột. Còn nếu phải đánh đổi mất đất, mất biển để lấy một cái hòa bình con con của vài người thì hoàn toàn vô nghĩa.

Chúng ta hãy nhớ bài học chống Mỹ: người Mỹ thua Việt Nam ngay trên đất Mỹ khi hàng triệu người Mỹ yêu hòa bình đã phản đối chính phủ Mỹ gây chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tôi tin 1,3 tỷ người dân Trung Quốc không phải ai cũng hung hăng đòi ‘nuốt’ Việt Nam. Chúng ta cũng phải làm thế nào để những người dân Trung Quốc bình thường, nhân ái, yêu hòa bình ủng hộ chúng ta.
Xin cảm ơn ông!

Không nên quay lưng với khiếu nại đông người
Bàn về vấn đề khiếu nại đông người 23/8, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều cho rằng Quốc hội không nên quay lưng với thực tế này khi mà trong 5 năm qua đã có tới gần bốn nghìn đoàn khiếu nại đông người.
"Đừng thấy việc khó đẩy sang Chính phủ"
Bàn về dự án Luật khiếu nại, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành bổ sung điều khoản về “khiếu nại đông người” vào trong luật. Khái niệm này được viết: “Khiếu nại đông người là việc nhiều người cùng khiếu nại về một hoặc một số nội dung trong quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó”.
Luật khiếu nại, tố cáo đã được tách thành hai luật riêng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Vấn đề còn gây nhiều tranh cãi là nên quy định cụ thể đến đâu trong luật hay chỉ xác định khái niệm và giao Chính phủ nghiên cứu các điều khoản cụ thể.
Như quan điểm của Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thì nên dành hẳn một chương riêng về khiếu kiện đông người "chứ không phải thấy việc khó quá rồi đẩy cho Chính phủ?".
Ông Ksor Phước cho rằng, Quốc hội không nên tiếp tục né tránh những phức tạp của vấn đề, kể cả chuyện biểu tình. Bởi khi đã định nghĩa được phạm vi, giới hạn của khiếu nại đông người và có biện pháp đối phó hợp lý, thì mọi hành vi quá khích đều sẽ bị xem là gây rối.
Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng thừa nhận điều này bởi thực tế hàng trăm vụ khiếu kiện đông người vẫn đang xảy ra hàng ngày, dù cơ quan công quyền thấy khó đến đâu cũng phải bàn thảo với nhau cho thấu đáo để quy định rõ trong luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa góp ý, nếu chưa nghiên cứu được chi tiết thì có thể đưa vào luật một số nguyên tắc chung. "Quốc hội không nên quay lưng hoàn toàn với vấn đề này", ông Khoa nói.
Theo thống kê của Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, trong 5 năm qua đã có tới 3829 đoàn khiếu nại đông người. Trong đó 3503 đoàn khiếu nại là các nhóm có từ 5 đến 50 người, còn lại là các đoàn trên 50 người. 3356 vụ việc đã được giải quyết, chiếm 87%.
Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng nghiên cứu từ thưc tiễn vẫn chưa đủ "chín" nên chưa cần thiết phải quy định rõ ràng ngay trong luật. Sắp tới, nếu Quốc hội thông qua dự án, Chính phủ sẽ nghiên cứu để quy định rõ hơn trong nghị định.
Trước các luồng ý kiến trái chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất, "Luật không thể không đề cập tới những đòi hỏi của thực tế cuộc sống, nhất là khi các vấn đề lại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của dân".  Nếu các cơ quan có trách nhiệm không sớm giải quyết vấn đề thì tình hình sẽ còn căng thẳng phức tạp hơn nữa. Kinh nghiệm xử lý hàng ngàn vụ khiếu nại đông người vừa qua cũng phần nào đủ căn cứ thực tiễn để cơ quan soạn thảo đưa vào luật.
Hạn chế phát tán thông tin vu cáo trên mạng
Bàn về một dự án luật khác vừa được tách ra khỏi luật khiếu nại là Luật tố cáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ băn khoăn về tính hợp pháp của đơn thư nặc danh, cơ chế bảo vệ người tố cáo và việc bổ sung các quy định mới về tố cáo bằng thư điện tử, fax, điện thoại.
Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, đây chỉ là các hình thức khác nhau để chuyển tải thông tin tố cáo. Hình thức này cũng đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng. Do đó, dù tiếp nhận theo hinh thức nào, cơ quan có thẩm quyền cũng phải xem xét, xác minh.
Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn e ngại các thông tin tố cáo bằng thư điện tử có thể sẽ bị tung lên mạng. "Những đơn thư tố cáo lãnh đạo Đảng, nhà nước mà tung lên mạng là rất nguy hiểm, và không  loại trừ ai. Nay nếu ta công nhận hình thức tố cáo như vậy sẽ rất nguy hiểm", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phân vân.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cũng cho rằng, cần đề phòng các trường hợp mượn hình thức gửi thư điện tử tố cáo nhưng lại tranh thủ phát tán thông tin, vu khống và bôi nhọ cá nhân.
Trong thực tế, dự án luật cũng quy định chỉ xem xét, giải quyết đơn thư có ghi rõ tên tuổi, địa chỉ để tránh trường hợp lợi dụng quyền tố cáo nhằm gây mất đoàn kết nội bộ.
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là cơ chế bảo vệ người tố cáo. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất phải bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc đảm  bảo cho người tố cáo không bị phân biệt, đối xử, trả thù hay trù dập. Đồng thời nên quy định một số biện pháp bảo vệ người tố cáo và thân nhân trong trường hợp bị nguy hại tính mạng, đe dọa nhân phẩm. Bởi thực tế, thông tin về người tố cáo vẫn bị lộ diện trong quá trình xác minh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những người từng viết đơn thư tố cáo các sai phạm trong nội bộ thường rất khó tiếp tục làm việc với các đồng nghiệp cũng như các đời lãnh đao tiếp theo bởi ấn tượng chung của tập thể về một người hay "soi mói".
"Cho dù họ có được bảo vệ và giữ trong vòng bí mật nhưng sau đó họ cũng sẽ khó tiếp tục làm việc ở môi trường cũ", bà Ngân nói.
Thực tế, như Ủy ban Pháp luật đã phân tích, nguồn lực cũng như kinh nghiệm để bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn hạn chế và vẫn đang trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Hai dự án luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện trước khi trình ra Quốc hội cuối năm nay.
Sẽ thẩm tra lại tư cách một đại biểu Quốc hội
Trước ý kiến của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thẩm tra tư cách đạo đức, nhân thân của một ĐBQH đang gặp tai tiếng trong dư luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Ban công tác đại biểu sẽ có trách nhiệm thẩm tra tư cách vị đại biểu này”.
Vừa qua, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng tải thông tin về tư cách cũng như những việc làm sai phạm của một vị ĐBQH mới trúng cử. Dư luận cũng đòi hỏi các cơ quan hữu quan phải xác minh làm rõ các vấn đề liên quan. 
Ngày 21/7, Quốc hội đã biểu quyết tán thành thẩm tra tư cách của 500 ĐBQH. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (22/8), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề xuất Thường vụ nên quan tâm đến các thông tin này. Dù Quốc hội đã tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu nhưng trước những luồng thông tin dồn dập trên báo chí vừa qua, Ban công tác đại biểu nên xác minh để làm rõ.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng Quốc hội không nên đứng ngoài cuộc trước các luồng thông tin khác nhau trong công luận.
“Nếu đứng ngoài cuộc là chúng ta vô cảm với chính vị đại biểu đó cũng như vô cảm với công luận. Chẳng hạn, trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, nhiều cử tri hỏi tôi về trường hợp này nhưng tôi không biết trả lời thế nào”, ông Ksor Phước nói.
Theo ông, những luồng thông tin về sai phạm của vị ĐBQH này đã râm ran trong công luận ngay trước kỳ họp Quốc hội, nhưng rồi trong quá trình thẩm tra tư cách đại biểu, vấn đề chưa được quan tâm đúng mức. Để đến khi kết thúc kỳ họp, thông tin lại lan rộng thêm trên nhiều tờ báo.
“Bài học rút ra là chúng ta phải chú ý xử lý thông tin ngay trong quá trình Quốc hội đang họp. Bây giờ mọi chuyện đã công khai rồi, cả nước đều đã biết, nên chăng Thường vụ Quốc hội giao ban công tác đại  biểu đi thẩm tra lại và công khai kết quả xác minh cho toàn dân  biết”, ông Ksor Phước nói.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, tiếp thu ý kiến thường vụ, Ban công tác đại biểu và các cơ quan có trách nhiệm sẽ tiến hành thẩm tra tư cách vị đại biểu này trong thời gian tới.

Đừng để có nhiều 'nghị sĩ rau muống'
Góp ý cho đề án đổi mới chất lượng hoạt động Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, mỗi đại biểu phải chọn lọc ý kiến để phát biểu cho trúng, tránh tình trạng đưa ra dẫn chứng, ví von không hợp lý khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng tân đại biểu.
Đừng để có nhiều 'nghị sĩ rau muống'
Sáng nay (22/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên đầu tiên, đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13 và thảo luận đề án tiếp tục đổi mới hoạt động Quốc hội. Đa số các ý kiến đều tập trung thảo luận cách thức để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan góp nhiều nhận xét về chất lượng đại biểu khóa mới.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Một dẫn chứng tiêu biểu được bà Doan nhắc lại là ý kiến của một đại biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội đã so sánh giá rau muống ở Việt Nam với Singapore, từ đó kiến nghị xem lại cách tính lạm phát ở Việt Nam. Bà Doan cho hay, ý kiến trên đã lan truyền nhanh chóng trên mạng và vị nghị sĩ nói trên được đặt cho biệt danh mới là “nghị sĩ rau muống”.
Bà Doan cho hay, tại phiên họp vừa rồi, vẫn còn không ít những đại biểu nói dài, nói “lỡ miệng” như trên.
Chưa kể, rất nhiều ý kiến phát biểu lặp đi lặp lại, không có điểm gì mới. “Cử tri có cảm giác đại biểu viết sẵn một bài để lên đọc. Vì nếu không nói gì thì sẽ bị cử tri trách hoặc sẽ không hoàn thành trách nhiệm”.
Đánh giá kết quả kỳ họp vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định một số ý kiến phát biểu tại hội trường chưa thực sự trọng tâm, trọng điểm, chưa phản ánh đúng mức tình hình thực tế.
Các thành viên Ủy ban đều nhất trí cho rằng, để đổi mới thực sự, đòi hỏi nỗ lực và trí tuệ của từng đại biểu Quốc hội. “Mỗi đại biểu Quốc hội phải biết cách phát huy trí tuệ của các chuyên gia trên tất cả các lĩnh vực”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói.
Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban tán thành việc đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri để đại biểu có thể nắm được trúng và sát nhất tâm tư nguyện vọng của người dân.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, không thể tiếp tục duy trì quy trình tiếp xúc kiểu cũ là chỉ gặp các đại cử tri, vì nếu thế, kỳ tiếp xúc nào cũng chỉ có chừng ấy băn khoăn, thắc mắc. Chẳng hạn, bốn vấn đề được các đại cử tri nhắc đi nhắc lại suốt nhiều kỳ tiếp xúc của Quốc hội khóa 12 là chính sách cho cán bộ cơ sở, ô nhiễm môi trường, chất lượng giáo dục mầm non và chính sách cho bộ đội, thanh niên xung phong...
Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, từng ĐBQH phải gần dân, sát dân hơn nữa. Những ĐBQH là chuyên trách Trung ương, ngoài việc tiếp xúc cử tri nơi ứng cử, nên mở rộng phạm vi tiếp xúc tới nhiều đối tượng khác nhau và tích cực đến với nhiều vùng miền khác nhau.
Dành một ngày xem xét Luật Biển
Cũng trong sáng nay, Thường vụ đã cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2.
Dự kiến kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và diễn ra trong 31 ngày. Trong đó Quốc hội dành 17 ngày bàn về công tác xây dựng pháp luật, 9,5 ngày cho các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, 4,5 ngày dành cho khai mạc, bế mạc, đọc tờ trình, cáo cáo, thông qua nghị quyết. Đáng chú ý, Quốc hội sẽ dành riêng 1 ngày để xem xét thông qua dự án Luật biển Việt Nam.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết về một số vấn đề đề nghị Ủy ban Thường vụ quan tâm chỉ đạo: Các dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai đã được Quốc hội khóa 12 cho ý kiến tại các kỳ họp trước và có điều kiện thuận lợi về thời gian để chỉnh lý, hoàn thiện. Tuy nhiên, đa số đại biểu Quốc hội khóa mới chưa được tiếp cận các dự án luật này, nhất là dự án Luật biển Việt Nam.

Để các đại biểu sớm tiếp cận nội dung các dự thảo luật, Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương chuẩn bị các dự án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng để trình Thường vụ cho ý kiến, gửi các đại biểu trước ngày 5/9 tới.
Về nội dung, theo thông lệ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo kinh tế - xã hội, về công tác phòng chống tham nhũng và an ninh quốc phòng… Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật và 1 nghị quyết. Đó là, Luật biển Việt Nam, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật cơ yếu…
Quốc hội sẽ cho ý kiến 13 dự án luật: Luật tài nguyên nước, Luật giáo dục đại học, Luật xử lý vi phạm hành chính…

                     Không được lưỡng lự
"Theo dõi nhiều phiên họp, tôi thấy có những đại biểu không biểu quyết. Ví dụ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về miễn giảm thuế, có tới 17 người không biểu quyết. Tôi cho rằng, trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội là phải nói có hoặc nói không chứ không được phép lưỡng lự"
              Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?