Mặc dù quần đảo Trường Sa gần đây nhận được sự chú ý nhất của cộng đồng quốc tế, vấn đề chủ quyền ở Biển Đông thực tế cấu thành từ một số tranh chấp riêng biệt, với quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; bãi cạn Scarborough có tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và Philippines; và quần đảo Trường Sa với các nước tuyên bố chủ quyền toàn thể hay một phần gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Hơn nữa, còn có những đụng độ trên các khu vực hàng hải kiểu như các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng.
Tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa và vùng biển liên quan là một vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, và vì thế các cuộc đàm phán song phương sẽ là phù hợp. Tương tự như vậy, tranh chấp về Bãi cạn Scarborough và vùng lân cận của nó là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Philippines, nên có thể được giải quyết theo cách tương tự. Quần đảo Trường Sa và vùng biển ở khu vực này diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa nhiều nước, nên tranh chấp vì thế được định nghĩa là từ nhiều phía. Do đó, giải pháp cho tranh chấp Trường Sa đòi hỏi một cơ chế đa phương liên quan tới tất cả các bên tuyên bố chủ quyền.
Cách tiếp cận mà Trung Quốc chính thức tuyên bố cho giải quyết các tranh chấp Biển Đông là hội đàm song phương, vì thế thực sự khá thú vị khi xem xét cách tiếp cận này được áp dụng thế nào trong thực tế.
Đầu tiên, với tranh chấp Hoàng Sa. Mặc dù khăng khăng cách tiếp cận qua đàm phán song phương, nhưng Trung Quốc lại từ chối áp dụng nó. Với tranh chấp quần đảo Trường Sa, rõ ràng các cuộc đàm phán song phương là không thể mang lại một thỏa thuận cho tranh chấp đa phương này. Giả sử Philippines và Việt Nam đã thương lượng và giải quyết song phương tranh chấp về Trường Sa và vùng biển thuộc về nó, thì Trung Quốc có chấp nhận điều ấy như một giải pháp?
Thứ ba, hãy xem xét cái mà Trung Quốc gọi là "đàm phán". Thực tế là chính sách của Trung Quốc không hề đàm phán trên vấn đề chủ quyền mà thiên về duy trì quan điểm của mình rằng, (a) chủ quyền thuộc về Trung Quốc, (b) các bên tuyên bố chủ quyền nên gác lại tranh chấp chủ quyền, (c) các bên tuyên bố chủ quyền nên cùng cùng phát triển những nguồn tài nguyên với Trung Quốc. Vì thế, bằng cách đưa ra khái niệm "đàm phán", Trung Quốc chỉ có nghĩa là đàm phán về các thỏa thuận tạm thời, chứ không phải thảo luận về vấn đề chủ quyền.
Ba suy xét trên cho thấy, cách tiếp cận "đàm phán song phương" của Trung Quốc không nhằm mục đích giải quyết thực sự các tranh chấp chủ quyền. Nhìn từ quan điểm chiến lược, việc thiếu vắng một cách giải quyết đem lại cho Trung Quốc - cũng là bên tuyên bố chủ quyền chiếm ưu thế về cả sức mạnh cứng, sức mạnh mềm - gia tăng những cơ hội để củng cố sự kiểm soát của họ và làm suy yếu những bên còn lại. Một lý do khác cho các tiếp cận song phương còn là, nếu các bên tuyên bố chủ quyền Đông Nam Á đối mặt riêng lẻ với Trung Quốc, họ sẽ không đủ sức chống lại sức mạnh vượt trội của Trung Quốc.
Một phần khác trong cách tiếp cận của Trung Quốc, phần không nói ra nhưng vẫn được thực hiện, là nỗ lực tối đa hóa khu vực tranh chấp. Đường bản đồ hình chữ U khó hiểu của Trung Quốc bao trùm hầu hết Biển Đông. Các hành động của họ, ví dụ như, chống lại Philippines ở Reed Bank vào tháng 3/2011 và chống lại các tàu thăm dò Bình Minh 2 và Viking 2 của Việt Nam trong tháng 5, tháng 6 vừa qua, ở khu vực mà Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố chủ quyền, cho dù không cách xa bờ biển của Philippines và Việt Nam. Trong một cuộc tranh chấp, bên có sức mạnh áp đảo thường đạt được nhiều mục tiêu hơn các bên khác. Vì thế, với khu vực tranh chấp lớn hơn, thì Trung Quốc dường như giành lợi thế nhiều hơn.
Trong khi cách tiếp cận của Trung Quốc có ba thành phần, gọi là tối đa hóa khu vực tranh chấp, tạm thời duy trì trạng thái của một cuộc tranh chấp chủ quyền trong khi củng cố hiệu quả kiểm soát và phác thảo ra cách "chia để trị", thì các bên tuyên bố chủ quyền Đông Nam Á - những bên yếu hơn trong các cuộc tranh chấp, dường như lại áp dụng cách tiếp cận ngược lại: giảm thiểu các khu vực tranh chấp.
Trong nỗ lực giảm thiểu vùng tranh chấp, các bên tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á có thể yêu cầu luật pháp quốc tế về phân định hàng hải, bao gồm những nguyên tắc được hệ thống hóa trong Công ước LHQ về Luật Biển để giảm thiểu phạm vi vùng biển thuộc về quần đảo tranh chấp.
Theo điều 121.3 của UNCLOS, "Những đảo đá không thể đảm bảo cho sự cư trú và đời sống kinh tế của con người sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa". Nếu điều này áp dụng cho Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi cạn Scarborough, thì chúng sẽ chỉ có lãnh hải 12 hải lý.
Thậm chí nếu điều 121.3 của UNCLOS không được xem xét áp dụng, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi cạn Scarborough Shoal quá nhỏ. Do đó, theo luật pháp quốc tế, chúng "sản sinh" ra rất ít vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa khi so với các vùng lãnh thổ không tranh chấp quanh Biển Đông. Điều đó có nghĩa là, ngay cả khi Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi cạn Scarborough có quyền hưởng các vùng đặc quyền kinh êế, thì những vùng này sẽ không vượt quá 12 hải lý.
Việc Philippines đã đề nghị Trung Quốc đem tranh chấp ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), là một nỗ lực để giới hạn vùng tranh chấp theo nguyên tắc trên. Sau khi Trung Quốc từ chối đề nghị này, Philippines tuyên bố vẫn đưa vụ việc ra ITLOS. Sau đó, Đại sứ Việt Nam tại Philippines, Nguyễn Vũ Tú nói: "Việt Nam tham gia sáng kiến của Philippines... khi kêu gọi cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc trong giải quyết tranh chấp hàng hải". Ông Tú còn nhấn mạnh, cách tiếp cận đa phương trong thảo luận về các tranh chấp là "con đường duy nhất".
Mặc dù thực tế là các bên tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á chưa thể đoàn kết về vấn đề chủ quyền, nhưng họ có thể đoàn kết trong cách tiếp cận chung là tối thiểu hóa vùng tranh chấp, sử dụng các cơ chế đa phương, và họ có thể giành được lợi thế số đông.
Tuy nhiên, trong khi cách tiếp cận chung này mang lại cho các nước tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á lợi thế về pháp lý và ngoại giao so với Trung Quốc, thì các bên vẫn chưa đủ thực lực để cạnh tranh với nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành sự kiểm soát hiệu quả. Đây là lý do vì sao sự quan tâm của Mỹ trong vấn đề tranh chấp lại quan trọng với họ. Hơn thế nữa, nó cũng giải thích vì sao, sự quan tâm ấy làm Trung Quốc khó chịu.
Trong khi Mỹ có thể không có các quyền hay lợi ích trong vấn đề chủ quyền ở các đảo tranh chấp, thì chủ quyền với không gian hàng hải lại là một vấn đề khác.
Trước tiên, vùng giữa Biển Đông là một khu vực có tiềm năng không phải là vùng đặc quyền kinh tế thuộc bất kỳ quốc gia nào, và tất cả các nước có thể chia sẻ các quyền như nhau trong khu vực này. Nếu một nước cố gắng đòi hỏi không gian hàng hải quá mức ở Biển Đông, thì điều đó sẽ đe dọa tước đi các quyền của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ ở khu vực trung tâm này.
Thứ hai, trong khi Trung Quốc tuyên bố rằng, họ tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông, thì sự diễn giải của Trung Quốc về tự do hàng hải trong một vùng đặc quyền kinh tế lại hạn chế hơn nhiều so với diễn giải của Mỹ. Những cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Mỹ về giám sát quân sự ở Biển Đông là do sự khác biệt trong cách diễn giải này.
Thứ ba, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức nói rõ định nghĩa về đường hình chữ U - phạm vi tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông, hoặc về các quyền hạn gì trong các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền. Việc thiếu minh bạch của Trung Quốc đặt ra sự rủi ro với tất cả các bên sử dụng Biển Đông, bao gồm cả Mỹ và đồng minh của họ. Ví dụ, Singapore, không phải là một bên trong tranh chấp, đã thúc giục Trung Quốc làm rõ tuyên bố chủ quyền bởi "sự mập mờ hiện nay gây ra những quan ngại sâu sắc trong cộng đồng hàng hải quốc tế".
Thứ tư, việc tối đa hóa khu vực tranh chấp, như Trung Quốc tìm kiếm, làm gia tăng nguy cơ xung đột và nguy cơ phản ứng ngược với các quốc gia sử dụng Biển Đông, bao gồm cả Mỹ và đồng minh của họ.
Với những phân tích này, rõ ràng Mỹ sẽ có lợi nếu phạm vi vùng biển thuộc về các đảo tranh chấp được giảm thiểu. Điều này phù hợp với lợi ích của các bên tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á và đi ngược lại với các mục tiêu của Trung Quốc, và Mỹ không nhất thiết phải đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền về các đảo tranh chấp và vùng biển thuộc đảo.
Từ quan điểm địa chính trị, nếu Biển Đông trở thành nơi Trung Quốc chiếm ưu thế, hoặc nếu Đông Nam Á rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc, thì sẽ có những tác động đáng kể với cán cân quyền lực ở Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương. Đó cũng là mối quan tâm của Mỹ để ngăn chặn những khả năng này trở thành hiện thực.
Với những lập luận này, dường như các bên tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á và Mỹ sẽ cố gắng hành động trên những lợi ích chung, mà không nhất thiết Mỹ phải nắm giữ một vị trí trong vấn đề chủ quyền về các đảo tranh chấp và vùng biển thuộc chúng. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ nỗ lực để phản đối sự can dự của Mỹ và làm việc để ngăn chặn các nước Đông Nam Á cùng nhau hành động.
* Bài viết này của nhà nghiên cứu Dương Danh Huy được đăng trên The Diplomat. Ông là tác giả của nhiều bài viết về Biển Đông trên Tuần Việt Nam.
* Tác giả xin cảm ơn David Brown, Ha Nguyen, Dang Vu, Thuy Tran, Truong Le và bạn hữu đã góp ý cho bài viết này.
Thụy Phương dịchHạ nhiệt Biển Đông và trò chơi hai mặt
Tác giả: Hoàng Phương Loan
Không phủ nhận tác động giảm nhiệt căng thẳng Biển Đông của hàng loạt động thái ngoại giao dồn dập tại Bali cuối tháng 7/2011, nhất là với bản hướng dẫn thực thi DOC muộn mằn, thế nhưng, có vẻ như, ngay cả thành quả lớn nhất ấy cũng không có gì hơn là một sự khơi gợi niềm tin về thiện chí hợp tác.Giảm nhiệt nhưng còn quá khác biệt
Không giống các cuộc họp trước, tại ARF 18 ở Bali vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì đã thừa nhận thực tế "có tranh chấp về chủ quyền đối với cả đảo, đá và phân định vùng nước ở Biển Đông".
Ông này cũng nhắc đến nhu cầu xử lý tranh chấp, giảm khác biệt, tăng lòng tin lẫn nhau, mở rộng hợp tác, vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Theo ông, các tranh chấp này nên được giải quyết hòa bình trên cơ sở tham vấn hữu nghị giữa các bên liên quan tranh chấp...
Kết quả hiện hữu được dẫn ra cho nỗ lực hợp tác của các bên trong xử lý vấn đề Biển Đông chính là bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông mà Bộ trưởng ASEAN và Trung Quốc vừa mới thông qua một ngày trước ARF.
9 năm chờ đợi, bản hướng dẫn được xem là bước tiến khiến không ít người lạc quan hơn về tương lai Biển Đông. Nhà ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh cho rằng "đây là một khởi đầu tốt và có ý nghĩa để chúng ta tiếp tục cùng nhau đối thoại và hợp tác để thúc đẩy hơn nữa sự ổn định, lòng tin trong khu vực".
"Trung Quốc và ASEAN sẽ thực thi đầy đủ và toàn diện DOC và sẽ khởi động các hoạt động thực thi thông qua các dự án hợp tác", Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói.
Ngoại trưởng Indonesia Marty cho rằng, cam kết về Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC sẽ thuyết phục thế giới rằng hai bên có thể tránh được xung đột và giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình.... Việc kết thúc các quy tắc chứng tỏ rằng các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đã nhận ra những lợi ích chung.
Thế nhưng, như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định, bản hướng dẫn chỉ là "một bước đi đầu tiên quan trọng" tiến tới một giải pháp ngoại giao cuối cùng.
Bản đồ vẽ tay "các cửa sông An Nam", là bản gốc được lưu tại Thư viện Quốc gia Pháp. Ảnh tư liệu do CTV Đoàn Kết chụp tại Thư viện Quốc gia Pháp. |
Thế nhưng nhìn vào nội dung 8 điểm của bản hướng dẫn thực thi DOC, dư luận đã phải cố giấu đi tiếng thở dài thất vọng, vì ngay cả thành quả lớn nhất đạt được đến lúc này kể từ khi có DOC năm 2002 cũng không có mấy ý nghĩa, ngoài một sự khơi gợi niềm tin về thiện chí hợp tác.
Báo Jakarta Post của Indonesia dẫn các nội dung chính của văn bản này:
1. Việc thực hiện DOC cần tiến hành từng bước phù hợp với các điều khoản trong DOC.
2. Các bên tham gia DOC sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tham vấn theo tinh thần của DOC.
3. Việc tiến hành các hoạt động hoặc các dự án đã được quy định trong DOC cần được xác định rõ ràng.
4. Việc tham gia các hoạt động hoặc các dự án cần được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
5. Các hoạt động ban đầu được cam kết trong phạm vi DOC cần phải là các biện pháp xây dựng lòng tin.
6. Quyết định thực hiện các biện pháp hoặc các hoạt động cụ thể của DOC cần dựa trên sự đồng thuận giữa các bên liên quan và tiến tới hiện thực hóa COC.
7. Trong quá trình thực hiện các dự án đã được thỏa thuận, khi cần thiết, sẽ trưng cầu sự phục vụ của các chuyên gia, các nhân vật kiệt xuất nhằm cung cấp nguồn lực cụ thể đối với các dự án liên quan.
8. Tiến trình thực hiện các hoạt động và các dự án đã được thỏa thuận trong DOC sẽ được thông báo hàng năm cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nơi vị cựu Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội đến dự với tư cách khách mời, chiều 25/7, ông Vũ Mão cho rằng, những gì đạt được còn quá nhỏ so với trông đợi và nhu cầu.
Nếu như đây là một dạng "thông tư hướng dẫn" dưới luật, không hiểu ASEAN và Trung Quốc sẽ phải vận dụng ra sao để triển khai DOC trên thực tế, giải quyết được xung đột đang ngày một gia tăng giữa các bên tranh chấp ở Biển Đông, khi những điểm đạt được mơ hồ và không đầy đủ. Những bất đồng vẫn còn đó, chưa được giải quyết. Chưa nói đến một cơ chế giải quyết xung đột, thậm chí, ngay cả quy định về phạm vi hiệu lực của DOC vẫn còn để ngỏ.
Trong khi ASEAN muốn các điều khoản của DOC được thực thi đầy đủ, thì Trung Quốc chỉ muốn tập trung làm các dự án, mà rõ ràng Trung Quốc là người hưởng lợi nhiều hơn. Trong khi ASEAN muốn đạt được COC trong dịp kỉ niệm 10 năm DOC năm tới, thì Trung Quốc "sẵn lòng thảo luận về cơ chế COC khi điều kiện cho phép". Điều kiện cho phép ấy là gì, phải chăng chính là lúc Trung Quốc đã sẵn sàng về sức mạnh và dư luận, để từ bỏ chủ trương giấu mình chờ thời?
"Việc hai bên đạt được thống nhất về Văn bản hướng dẫn này chỉ là bước nhỏ trong quản lý tranh chấp Biển Đông. Văn bản chỉ thể hiện là Trung Quốc và ASEAN có thể ngồi đàm phán và đặt được thỏa thuận với nhau. Cả DOC và văn bản hướng dẫn này không đủ hiệu lực để ngăn ngừa các hành vi làm phức tạp, căng thẳng tình hình của các bên", TS Trần Trường Thủy nói với ABC.
Nếu như DOC dù không tính ràng buộc pháp lý nhưng là một cam kết chính trị của các quốc gia liên quan, thì văn bản này, về thực chất, sẽ chỉ có tác dụng viện dẫn khi cần thiết, nhằm chứng minh khả năng tự đối mặt và giải quyết vấn đề của mình, cho Trung Quốc và ASEAN. Hành trình từ DOC đến COC có vẻ vẫn còn xa tít tắp.
"Thà là có một hướng dẫn chưa được phát triển đầy đủ, hơn là chẳng có hướng dẫn nào cả", Ngoại trưởng nước chủ nhà Indonesia đã nói như vậy với báo giới. Nhưng có thật đó là lựa chọn tốt và khôn ngoan với ASEAN trong việc giải quyết thực chất hồ sơ Biển Đông, khi chấp nhận một văn bản nửa vời và nhiều phần thỏa hiệp. Đạt được một thành tích để trấn an dư luận mỗi nước và cộng đồng quốc tế tốt hơn hay thà chấp nhận thực tế những khác biệt và đối mặt với sức ép để quyết tâm thúc đẩy một giải pháp thực chất? Không phải ngẫu nhiên nhiều nước ra về với tâm trạng không mấy phấn khởi với văn bản hướng dẫn này.
Trò chơi hai mặt
Điều đáng nói là, ngay trong khi nhấn mạnh nhu cầu hợp tác, đối thoại và đồng thuận để giải quyết tranh chấp Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc lại có những phát biểu khiến dư luận đặt câu hỏi về trò chơi hai mặt và chia rẽ của nước này.
Một mặt, ông Dương Khiết Trì trấn an láng giềng và quốc tế bằng một thỏa thuận để thực thi DOC, trong khi, mặt khác Trung Quốc vẫn không từ bỏ những tuyên bố và các hành động bị dư luận lên án của mình.
Trong khi nhấn mạnh giá trị của văn bản hướng dẫn thực thi DOC cũng như cam kết và sự chân thành của Trung Quốc trong vấn đề này tại diễn đàn đa phương, thì cũng tại Bali, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì lặp lại quan điểm cách duy nhất để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là đàm phán song phương. Trong cuộc gặp với Việt Nam, ông này còn lên tiếng khuyên Việt Nam "tránh làm nóng vấn đề" mà cố tình quên đi sự thật chính Trung Quốc chính là nước gây hấn làm nóng tình hình Biển Đông thời gian qua.
Ngay tại Bali, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nói thẳng, những lời trấn an của Trung Quốc không có nhiều ý nghĩa khi mà Bắc Kinh không hề thay đổi lập trường cố hữu, không thừa nhận chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào tại Biển Đông.
"Làm sao mà bạn có thể thảo luận được điều gì trong khuôn khổ song phương, khi bạn ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc thì họ nói rằng tất cả là của họ", ông Albert del Rosario nói.
Trong khi Trung Quốc tuyên bố "quan tâm đến tự do hàng hải ở Biển Đông", đóng góp vào tự do hàng và an toàn hàng hải, thì Trung Quốc đã cố tình quên thực tế về đường chữ U tham lam và hành động ngăn cấm, cản phá các hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ở Biển Đông (hành động cắt cáp dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một minh chứng) đang làm các nước lo ngại.
Bất chấp những chỉ trích quốc tế về yêu sách tham lam đường chữ U trên Biển Đông, thì tại ARF, Ngoại trưởng Trung Quốc vẫn khẳng định yêu sách đường 9 đoạn, mà không viện dẫn bằng chứng để chứng minh, như đòi hỏi của luật pháp và dư luận quốc tế. Nước này có vẻ cũng không thấy có nhu cầu lí giải thực chất yêu sách 9 đoạn là gì.
Dường như, những gì Trung Quốc làm tại ARF chỉ là để trấn an khu vực và thế giới, rằng "khu vực vẫn ổn định", ASEAN và Trung Quốc có đủ "lòng tin, năng lực và giải pháp" cho tranh chấp Biển Đông. Và lớn hơn, Trung Quốc không cần sự can dự của một bên thứ ba, nhất là Mỹ.
Nhân tố Mỹ
Đúng vào ngày Trung Quốc-ASEAN đạt được đồng thuận về văn bản hướng dẫn thực thi DOC sau 9 năm đàm phán, Bắc Kinh đã lên tiếng nhắc lại lập trường là không chấp nhận cho Mỹ can thiệp. Tờ "Nhân dân nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày 20/7 cho rằng Mỹ nên đứng ngoài những căng thẳng do tranh chấp ở Biển Đông, bởi "Trung Quốc và các nước láng giềng có đủ khả năng, kinh nghiệm và hiểu biết để tự giải quyết".
Giới quan sát đặt câu hỏi, phải chăng muốn ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ, thuyết phục các nước Đông Nam Á coi đây là công việc nội bộ trong khu vực mà Trung Quốc đã chấp nhận ký văn bản hướng dẫn thực thi DOC? Cũng giống như gần một thập niên trước, tuyên bố ASEAN là mặt trận thứ 2 của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố đã thúc đẩy Trung Quốc xích lại gần Đông Nam Á, kí DOC với ASEAN?
Một khi đã cho rằng Biển Đông liên quan đến lợi ích quốc gia thì Mỹ khó có thể đứng ngoài cuộc và sẽ tìm cách can dự, dù bằng cách này hay cách khác, ở các cấp độ khác nhau, tùy theo từng đối tác trong khu vực. Và chính Trung Quốc và chính sách gây hấn của nước này là nhân tố chính để Mỹ buộc phải xem lại chính sách Đông Nam Á và chính sách Biển Đông của mình, chuyển sang can dự tích cực hơn. Không vì tuyên bố mang tính trấn an của Trung Quốc, rằng "an toàn hàng hải vẫn được đảm bảo" và "an toàn hàng hải và tranh chấp Biển Đông là hai vấn đề riêng biệt, không nên bị trộn lẫn" mà Mỹ chuyển hướng tiếp cận, "sống chết mặc bay". Bởi như Ngoại trưởng Singapore, K.Shanmugam lạc quan, với ARF, lợi ích của nước nhỏ không bị bỏ qua hoàn toàn trong mối quan hệ giữa các nước lớn.
Không trông đợi Mỹ sẽ thay ASEAN giải quyết vấn đề của chính họ, nhưng ASEAN có quyền trông đợi về một nước lớn gánh trách nhiệm lớn sẽ chung tay cùng gìn giữ hòa bình và ổn định.
Thế trận hải quân châu Á - Thái Bình Dương: Các căn cứ chiến lược
Phạm vi triển khai tác chiến của các căn cứ đóng vai trò quan trọng trong thế trận hải quân dày đặc ở châu Á - Thái Bình Dương.
Dù khả năng tác chiến của các căn cứ đang được nâng lên nhưng hải quân Trung Quốc phải bao quát một khu vực rất rộng, chạy dọc theo bờ Thái Bình Dương của nước này. Trong khi đó, dù hoạt động trên khắp Thái Bình Dương nhưng năng lực của các căn cứ hải quân Mỹ vẫn rất mạnh mẽ, nổi trội vì có thể nhanh chóng kết hợp tác chiến toàn diện và có nhiều khí tài hiện đại. Các căn cứ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng rất đáng gờm nhờ kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong khu vực và nhiều tàu chiến hùng mạnh. Về phía các lực lượng hải quân của các nước ASEAN, khu vực đảm trách được chia nhỏ, khí tài phù hợp với đặc trưng riêng của từng quốc gia là những ưu thế đáng kể.
Trung Quốc
Ba hạm đội hải quân Trung Quốc là Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải có khoảng 15 căn cứ hải quân, theo các website chuyên về an ninh quốc phòng Global Security và Sinodefence. Hạm đội Bắc Hải có 3 căn cứ với 8 tàu khu trục lớn, 4 tàu khu trục nhỏ, 5 tàu ngầm hạt nhân và khoảng 15 - 20 tàu ngầm dùng động cơ điện kết hợp diesel, chủ yếu hoạt động ở Bột Hải, Hoàng Hải và vùng biển tiếp giáp với Nga. Hạm đội Đông Hải có 7 căn cứ, 8 tàu khu trục lớn, 27 tàu khu trục nhỏ, 7 tàu ngầm động cơ điện kết hợp diesel và 7 tàu đổ bộ, đảm trách khu vực thuộc biển Hoa Đông.
Nam Hải đang là hạm đội thu hút nhiều sự chú ý bởi đảm trách khu vực thuộc biển Đông. Hạm đội này có từ 5-7 căn cứ hải quân, 5 căn cứ không quân và căn cứ chính đặt tại Quảng Châu. Hạm đội Nam Hải sở hữu 11 tàu khu trục lớn, 18 tàu khu trục nhỏ, 8 tàu ngầm động cơ điện kết hợp diesel thuộc lớp Minh. Hạm đội này có một tàu đốc chuyển quân cỡ lớn, 11 tàu đổ bộ có tốc độ 14 hải lý/giờ với tầm hoạt động 3.000 hải lý, 4 tàu đổ bộ cỡ trung, 6 tàu vận chuyển lính và 1 tàu bệnh viện.
Theo tạp chí quân sự Jane's Intelligence Review, Trung Quốc đang có căn cứ tàu ngầm Hải Nam, nằm gần Tam Á trên đảo Hải Nam, là trung tâm điều hành các tàu ngầm tấn công của hạm đội Nam Hải. Jane's Intelligence Review nhận định căn cứ này quá gần với mạng lưới giao thông đường biển khu vực Đông Nam Á và do đó gây nên quan ngại vượt xa tầm khu vực. Báo Indian Express thì dẫn lời một số chuyên gia quân sự Ấn Độ cho biết căn cứ này sẽ cho phép Trung Quốc cắt đứt đường giao thông thương mại tại biển Đông và eo biển Malacca (Ấn Độ Dương) trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Tàu chiến và máy bay thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tập trận ngày 22.7 - Ảnh: C7f.navy.mil |
Hạm đội 7 thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương có ba căn cứ chính trong khu vực phía tây Thái Bình Dương với khoảng 50 - 60 tàu chiến, 350 máy bay và đồn trú khoảng 60.000 nhân sự. Ưu điểm của Hạm đội 7 chính là khả năng tác chiến linh hoạt từ ba căn cứ ở Yokosuka, Sasebo ở Nhật Bản và Apra Harbor ở Guam. Chỉ riêng căn cứ Yokosuka đã là một tổ hợp chiến đấu hùng mạnh với 1 tàu sân bay, 2 tàu tuần dương và 7 tàu khu trục.
Hỗ trợ cho lực lượng ở Yokosuka là lực lượng ở căn cứ Sasebo với nhiều tàu khu trục, tàu đổ bộ cỡ lớn có khả năng vận chuyển hàng ngàn lính cùng khoảng 35 máy bay trực thăng. Căn cứ Sasebo còn được xem là một căn cứ hậu cần với đội tàu vận tải hùng hậu. Còn căn cứ tại Guam là nơi đồn trú nhiều tàu ngầm đa nhiệm. Ngoài ra, các căn cứ không quân có khả năng bao phủ khắp vùng Đông Á và có thể can thiệp trực tiếp đến khu vực Đài Loan tạo nên một sức mạnh tác chiến lớn.
Vì thế, các căn cứ thuộc Hạm đội 7 có khả năng triển khai và tác chiến linh hoạt, kết hợp giữa lực lượng hải quân, không quân lẫn lính thủy đánh bộ để tham gia các cuộc chiến tranh toàn diện.
Nga
Hạm đội Thái Bình Dương của Nga trong khu vực này có căn cứ chính đặt tại Vladivostok. Hạm đội này, lấy Vladivostok làm nền tảng, có một đội tàu chiến hùng hậu gồm các khu trục hạm, tuần dương hạm, tàu đổ bộ và tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn. Hầu hết, các tàu chiến lớn thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Nga đều có thể phóng tên lửa hạt nhân. Ngoài ra, Nga được cho là đang xây dựng một căn cứ trên 4 hòn đảo đang tranh chấp với Nhật Bản. Giới quan sát đánh giá động thái này không chỉ để đối phó Nhật và khẳng định chủ quyền mà đằng sau còn có một chủ ý sâu xa trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc, theo tờ Ukrainian Week.
Ngô Minh Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Có ý kiến gì không?