- Việc ban hành văn bản pháp quy liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... cần đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân. Đừng quá chăm chút đến lợi ích của chủ đầu tư và đổ hết lỗi lên đầu người dân có đất trong dự án.
Luật chưa nghiêm với chủ dự án
Nguyên nhân dự án trì trệ kéo dài, giải phóng mặt bằng chậm tiến độ do người dân có đất trong dự án chỉ là phần rất nhỏ, mà chủ yếu là do:
Mức bồi thường không thỏa đáng: Giá bồi thường chỉ bằng 5-40% giá thị trường.
Chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính: Việc chấp thuận dự án đầu tư thường bỏ khâu kiểm tra năng lực tài chính vì những lý do mà ai cũng hiểu. Nhiều dự án được thực hiện theo kiểu "xí phần" rồi sang nhượng dưới chiêu thức liên doanh, hợp tác đầu tư... Khi chưa gọi được đối tác thì tìm cách kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Thiếu đối thoại giữa chủ đầu tư và người bị thu hồi đất: Hầu hết các chủ đầu tư đều biến các cơ quan chính quyền thành công cụ phục vụ cho họ trước khi họ đối thoại với dân thay vì làm ngược lại (Không một chủ đầu tư nào chịu ra mặt đàm phàn thỏa thuận với dân ngay từ đầu, mà họ chỉ ra mặt thỏa thuận với dân sau khi chính quyền áp đặt các biện pháp hành chính không thành và người dân khiếu nại kiện cáo lên các cấp chính quyền cao hơn).
Ban bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ là cơ quan trung gian giữa chủ đầu tư và người dân bị thu hồi đất và không phải là chủ thể đền bù (người bỏ tiền đền bù), nhưng lại quyết định mọi giá cả đền bù là bất hợp lý.
Cách giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân bị thu hồi đất chưa hợp lý: Đơn khiếu nại tố cáo gửi lên cấp trên đều bị chuyển lòng vòng xuống cấp bị khiếu nại tố cáo. Thử hỏi khi nào thì đơn thư được giải quyết, nếu được thì liệu có thỏa đáng hay không?
Thực hiện luật pháp chưa nghiêm với các chủ dự án. Luật Đất đai năm 2003 quy định "... dự án được giao đất mà quá 12 tháng chưa triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm quá 24 tháng thì bị thu hồi... ", nhưng thực tế có nhiều dự án sau nhiều năm chưa triển khai hoặc triển khai chậm 10-15 năm vẫn không bị thu hồi và cũng không có biện pháp chế tài nào.
Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án hầu hết chủ đầu tư chẳng thiệt hại gì, mà chỉ có người dân là "chịu trận". Chủ đầu tư luôn kêu ca về chi phí hàng ngày cho dự án tăng: như nguyên vật liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng,... nhưng những thứ đó chẳng thấm vào đâu so với giá trị dự án tăng lên. Chẳng thế mà họ (chủ đầu tư) thà kéo dài thời gian thực hiện dự án, chứ đâu chịu bỏ phần chi phí tăng thêm đó để đền bù thỏa đáng cho dân nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trình độ hiểu biết của dân về luật pháp còn hạn chế và cũng có những trường hợp người dân đòi hỏi quá đáng, khiếu nại kiến cáo sai thực tế, nhưng đó chỉ là những hạt cát giữa biển khơi mà thôi.
Bất cập chính sách
Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn tồn tại một số điều bất cập:
Khi một dự án được phê duyệt là gây ảnh hưởng đến hàng trăm hàng ngàn hộ dân, nhưng chỉ cần dự án được phê duyệt là người dân trong dự án gần như mất quyền sử dụng đất: không được xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng...
Gần đây, có quy định cho xây nhà tạm, nhưng lại bắt cam kết tự tháo dỡ và không yêu cầu bồi thường khi giải phóng mặt bằng - đây là điều phi lý và đẩy hết thiệt hại lên đầu người dân. Nếu quy định trong thời hạn 1-2 năm kể từ ngày chấp thuận dự án thì người dân còn chịu được, đằng này nhiều dự án treo hoặc thực hiện trì trệ kéo dài 10-15 năm, người dân quá bị thiệt thòi.
Khi người dân khiếu nại kiện cáo thì bảo phải thực hiện các quyết định hành chính trước rồi kiện cáo khiếu nại sau. Nhà, đất đã bị mất rồi (cưỡng chế thu hồi bất kể đúng sai) rồi mới đi khiếu nại kiện cáo và cách giải quyết khiếu nại kiện cáo như trên chỉ làm cho dân càng thiệt thòi thêm. Nên có trường hợp khiếu nại kiện cáo kéo dài, sau 10-20 năm được giải quyết thỏa đáng thì cũng bằng không vì nhà mất, đất mất lại mất thêm công sức thời gian tiền bạc cho khiếu nại kiện cáo, đôi khi còn mất luôn cả hạnh phúc gia đình, thậm chí mất mạng. Phần mất mát này còn lớn hơn cả nhưng gì được bồi thường cho dù là thỏa đáng.
Đơn thư khiếu nại của dân không được thẩm tra giải quyết rốt ráo mà bị chuyển lòng vòng, cuối cùng lại về với đối tượng bị khiếu nại. Thử hỏi có bao giờ kẻ có tội, làm sai lại tự nhận là mình sai trước kẻ kiện cáo mình.
Sự thiếu minh bạch trong kết quả xét xử khi tòa án các cấp quận, huyện, thành phố, thị xã lại trực thuộc UBND các cấp đó.
Đừng để giọt nước làm tràn ly
Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng lâu nay chưa thỏa đáng, khiến người dân bất bình, dẫn tới khiếu kiện chủ yếu liên quan đến đất đai và công tác đền bù giải phòng mặt bằng. Nay với hai phương án mà Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất, nên:
Thứ nhất, bỏ việc nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế, thay vào đó Nhà nước thu hồi đất đối với mọi trường hợp.
Thứ hai, vẫn giữ cơ chế nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất, nhưng bổ sung theo hướng trường hợp nhà đầu tư mua được trên 80% diện tích đất cho dự án, hoặc mua được đất của trên 80% số chủ sử dụng ở trong khu vực dự án, mà phần diện tích đất còn lại, hoặc số chủ sử dụng đất còn lại nhà đầu tư không thoả thuận được, thì Nhà nước ra quyết định thu hồi đất.
Với lý do: "... một số dự án đã thỏa thuận được trên 90% diện tích đất nhưng vẫn không hoàn tất được việc thu hồi đất do 10% còn lại... không đồng ý nhưng không có cơ chế xử lý!"; "... khi thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất thì giá thỏa thuận thường cao hơn giá bồi thường dẫn tới khó khăn cho việc thu hồi đất của dự án khác trong cùng địa bàn".
Rõ ràng những đề xuất này chỉ nhằm mục đích tạo thuận lợi cho chủ đầu tư và càng làm thiệt hai cho người dân bị giải tỏa. Bác Hồ đã dạy "Khó mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong", nhưng đề xuất như vậy khác nào chỉ chú trọng lợi ích của chủ đầu tư mà chưa qan tâm đến người dân?.
"10% còn lại" không phải không có cơ chế xử lý - chính quyền đã chẳng thi hành cưỡng chế rồi đó sao. Thậm chí không phải còn 10%, 20% chính quyền địa phương mới ban hành quyết định và thi hành cưỡng chế, mà còn 30- 40% đã cưỡng chế dân rồi, như dự án sân golf Rạch Chiếc - An Phú quận 2, TP.HCM chẳng hạn.
Vì sao "... giá thỏa thuận cao hơn giá bồi thường", điều đó chứng tỏ giá bồi thường chưa hợp lý. Các dự án khác cũng phải theo đó mà bồi thường mới đúng chứ. Dân giàu nước mạnh là đường lối chủ trương phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước.
Nhà nước chủ trương: "Phải đảm bảo quyền lợi cho dân, đền bù cho dân thỏa đáng, sát giá thị trường để tránh khiếu nại kiện kéo dài", gây lãng phí tiền bạc, thời gian của dân của nước. Nhưng với đề xuất như thế của Tổng Cục quản lý đất đai, liệu có làm giảm thêm khiếu nại, kiện cáo hay không? Liệu đã đảm bảo quyền lợi của người dân?
Để hạn chế, những người dân đòi hỏi quá đáng, sao không ban hành quy định về "giá trần" bồi thường. Chẳng hạn, giá trần được xác định bởi giá thị trường tại thời điểm thỏa thuận (trong thời hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng tối đa là 6 tháng). Nếu người dân không chấp nhận giá trần thì mới tiến hành cưỡng chế.
Hành chính hóa thu hồi đất: Đổ thêm dầu vào lửa?
Tác giả: Trường Sơn
- Việc dự kiến ban hành những quy định liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất,... cần được cân nhắc cẩn trọng về tính khả thi lẫn xem xét tổng hòa trên phương diện xã hội - chính trị.
70% nguyên nhân là do mức bồi thường không thỏa đáng
Trong những năm qua, có đến 70% số trường hợp khiếu tố trên cả nước thuộc về lĩnh vực đất đai, trong đó nguyên nhân mức bồi thường đất không thỏa đáng, chiếm đến 70% trong tổng số đơn thư khiếu tố đất đai. Thực trạng này đã và vẫn đang được xem là một "điểm nóng" của xã hội và cho tới nay chưa hề có dấu hiệu bớt căng thẳng.
Một trong những nguồn cơn chính của tình trạng đó là khi thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều chủ đầu tư dự án đã tìm nhiều biện pháp ép người dân nằm trong diện phải giải tỏa phải chịu mức giá thấp hoặc không ngang bằng với giá thị trường. Có những trường hợp người bị giải tỏa rơi vào tình thế trắng tay sau khi buộc phải nhận tiền đền bù - vấn nạn mà họ gọi là "nạn cướp đất".
Trong nhiều trường hợp khác, khi không ép được người phải giải tỏa nhận tiền đền bù thiếu thỏa đáng, chủ dự án đã tạo ra một thứ "dịch vụ" bằng cách nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương nơi tiến hành dự án.
"Dịch vụ" này liên quan mật thiết đến biện pháp cưỡng chế hành chính, có khi cưỡng chế thô bạo, bỏ mặc lời khẩn cầu của đối tượng bị giải tỏa.
Từ việc thỏa thuận mang tính dân sự thuần túy, những biện pháp ép buộc và cưỡng chế hành chính đã vô hình trung biến hành vi dân sự thành yếu tố có tính hình sự, lại càng làm cho người dân bất bình và dẫn đến nhiều hơn phản ứng khiếu kiện, khiếu tố về đất đai, khiến cho các cơ quan công quyền phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết.
Lại hành chính hóa việc thu hồi đất
Gần đây, có thông tin cho biết một quy định mới về "tiếp cận đất đai" đang được dự thảo và đề xuất bởi Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường (xem bài "Tiếp cận đất đai: Nhà đầu tư sẽ "dễ thở" hơn?", VnEconomy ngày 26/7/2011). Trong đó, Tổng cục Quản lý đất đai đề xuất hai phương án:
Thứ nhất, bỏ việc nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế, thay vào đó Nhà nước thu hồi đất đối với mọi trường hợp.
Thứ hai, vẫn giữ cơ chế nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất, nhưng bổ sung theo hướng trường hợp nhà đầu tư mua được trên 80% diện tích đất cho dự án, hoặc mua được đất của trên 80% số chủ sử dụng ở trong khu vực dự án, mà phần diện tích đất còn lại, hoặc số chủ sử dụng đất còn lại nhà đầu tư không thoả thuận được, thì Nhà nước ra quyết định thu hồi đất.
Chiếu theo Luật Đất đai, có quy định là nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với người sử dụng đất khi muốn triển khai dự án đầu tư; còn nhà nước chỉ quyết định thu hồi đối với một số dự án đầu tư quan trọng.
Đối với quy định này, theo nhận xét của ông Lê Thanh Khuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đã giúp giảm áp lực trong việc thu hồi đất bằng các quyết định hành chính, nhưng trên thực tế lại tạo ra sự bất bình đẳng giữa chủ đầu tư các dự án lớn (được nhà nước ra quyết định thu hồi) và dự án nhỏ (tự thỏa thuận).
Hơn nữa, Tổng cục Quản lý đất đai đã ghi nhận, khi thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất thì giá thỏa thuận thường cao hơn giá bồi thường dẫn tới khó khăn cho việc thu hồi đất của dự án khác trong cùng địa bàn. Một thống kê của cơ quan này cũng cho hay một số dự án đã thỏa thuận được trên 90% diện tích đất nhưng vẫn không hoàn tất được việc thu hồi đất do 10% còn lại không đồng ý nhưng không có cơ chế xử lý.
Vậy những lý do mà Tổng cục Quản lý đất đai nêu ra đã đủ thuyết phục cho việc soạn thảo một quy định mới về thu hồi đất hay không? Cần nhắc lại, theo những thông tin từ chính Bộ Tài nguyên và Môi trường (VietNamNet ngày 6/8/2006), có đến 70% trong tổng số trường hợp khiếu tố về đất đai là vể giá đất tính bồi thường thấp hơn so với giá thị trường, 20% là khiếu nại đòi bồi thường thêm theo giá đất mới. Thông thường, điều mà người chịu giải tỏa yêu cầu là "giá bồi thường hợp lý".
Thực tế, những người trong cuộc (người bị giải tỏa, chủ dự án và cơ quan quản lý nhà nước) đều nằm lòng "chủ trương" bồi thường cho người dân của không ít chủ dự án là đi từ thấp đến cao, ban đầu đưa ra mức giá thấp với nhiều lý do nhằm buộc người dân phải chấp nhận, sau đó nếu thấy khó khăn và bị người dân phản ứng mạnh mới dần từng bước nâng giá bồi thường lên đến một mức mà người dân có thể chấp nhận như "giá bồi thường hợp lý". Mức giá hợp lý này đương nhiên phải cao hơn, hoặc cao hơn hẳn mức giá bồi thường ban đầu được chủ dự án áp đặt.
Chính khoảng cách giữa "giá bồi thường hợp lý" với "giá bồi thường" đã làm phát sinh khiếu kiện và phản ứng của người dân trong những năm qua. Khoảng cách này càng lớn thì mức độ khiếu kiện càng trầm trọng. Việc xử lý khoảng cách này đã được Luật Đất đai quy định là tự thỏa thuận, cũng là một phương thức làm nhẹ bớt căng thẳng xã hội.
Đừng "đổ thêm dầu vào lửa"
Nay, với hai phương án mà Tổng cục Quản lý đất đai đề xuất đề thiên về biện pháp hành chính là "thu hồi đất", liệu có phải là một động tác "đổ thêm dầu vào lửa"? Nếu đề xuất này được cấp trên thông qua và ban hành, đúng là nhiều chủ dự án sẽ "dễ thở" vì họ lại được trở về với không khí ưu đãi trước khi có quy định về cơ chế tự thỏa thuận giá bồi thường. Với ưu đãi mang tính đặc quyền này, họ sẽ lại được quyền đưa ra những mức giá đền bù thấp hơn hẳn giá thị trường, còn nếu người bị giải tỏa không đồng ý thì họ luôn có thể dùng tới biện pháp "dịch vụ" - nhờ vả sự can thiệp của chính quyền địa phương để hành chính hóa việc thu hồi đất thông qua hoạt động cưỡng chế.
Cũng cần nhắc lại là hoạt động khiếu kiện đất đai hiện nay đã khác nhiều với cách đây gần mười năm. Trước năm 2005, hoạt động này chỉ diễn ra lẻ tẻ, rời rạc, mang tính cá nhân đơn lẻ. Nhưng những năm sau đó, khiếu kiện đất đai dần trở nên một hoạt động mang tính xã hội, có liên kết và có tổ chức giữa các nhóm cá nhân, thậm chí giữa các địa phương.
Trong quan điểm giải quyết vấn đề đất đai, Nhà nước không bao giờ lại muốn hoạt động này chịu áp lực của những căng thẳng không đáng có, cũng như không nên để vấn đề này trở thành một "điểm nóng" mà khiến cho Nhà nước lẫn người dân đều phải bức xúc và khó nghĩ trong các cuộc đối thoại.
Thế nên việc những cơ quan quản lý nhà nước về đất đai như Tổng cục Quản lý đất đai dự kiến ban hành những quy định liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... , cần được cân nhắc cẩn trọng về tính khả thi lẫn xem xét tổng hòa trên phương diện xã hội - chính trị, hạn chế đến mức tối thiểu khả năng xảy ra tiêu cực từ cán bộ thực hiện bồi thường, mang lại công bằng cho người dân bị giải tỏa.
Hành chính hóa thu hồi đất: Làm lợi cho ai?
Tác giả: Nguyễn Nga (tổng hợp)Cho rằng cả hai đề xuất về hành chính hóa thu hồi đất đều không thỏa đáng, độc giả qualuuniem@... thẳng thắn đặt giả định: nếu ở vào địa vị một người dân bình thường có nhà trong diện giải tỏa, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai sẽ quyết định thế nào:
"Nhà ông có 100m2 đất ở ngay ngã tư hiện hữu. Giá đất thị trường khu vực này là 4 triệu đồng/m2. Nay nhà nước mở rộng đường, ngay ngã tư nhà ông đặt một vòng xoay lớn, nhà ông bị giải tỏa trắng, giá đền bù cho ông là 2 triệu đồng/m2.
Tất cả người dân ở khu vực này đều đồng ý vì họ còn đất rất nhiều. Với số tiền ít ỏi đó, họ vẫn có thể xây lại căn nhà khác, còn ông phải di dời. Lúc đó, đương nhiên ông phải tính, liệu với tiền nhà nước đền bù ít ỏi, có đủ để ông vừa mua đất, vừa xây nhà tại một khu vực mà ông cho là hợp lý. Hay ông sẵn sàng nhận số tiền đó rồi đến khu vực nào chưa có người ở, vợ chồng ông mua đất xây nhà"?
"Nếu ông lựa chọn đến khu vực chưa có người ở để xây nhà sinh sống thì ông vĩ đại quá"! - độc giả Qualuuniem bình luận.
Lý giải việc khiếu nại, không chấp hành giải tỏa luôn là vấn đề bức bối trong xã hội, độc giả Nguyễn Thanh Ngọc (thanhngocnguyen@...)
cho rằng không chỉ do giá đền bù chưa thỏa đáng, xa rời thực tế, mà còn bởi các nghịch lý trông thấy như sự bất công bằng, tạo tình trạng đầu cơ chia lô, xây nhà để được đền bù giải tỏa.
Chủ đầu tư không công khai hồ sơ các hộ được đền bù, danh sách các hộ được bố trí tái định cư. Và thứ nữa là, sau khi giải tỏa, quy hoạch, các hộ bị giải tỏa không được tái định cư tại chỗ mà đất chia lô lại được bố trí cho các hộ từ nơi khác đến.
Lấy ví dụ từ Đà Nẵng, độc giả này phản ảnh: Quy định hộ giải tỏa có diện tích đất ở thu hồi từ 75-100m2 được bố trí 1 lô đường 5,5m; từ 100-150m2, có nơi đến 200m2 được bố trí 1 lô đường 7,5m... Các lô đất quy hoạch thường có diện tích 90 hay 100m2.
Khá nhiều hộ chỉ 75m2 (phần nhiều không phải là dân sở tại, chủ yếu là người kinh doanh, đầu cơ) được "thêm" đất khi bố trí, người dân sinh sống lâu đời có diện tích thu hồi đến 100m2 cũng chỉ được nhận diện tích bằng người thu hồi đất 75m2. Giá đất mua như nhau, tiền đền bù 25m2 chênh lệch chỉ vài chục triệu nhưng chênh lệch giá trị đất quy hoạch 25m2 lên đến vài ba trăm triệu.
Người có diện tích thu hồi càng lớn hơn hạn mức càng thiệt bởi họ là dân sở tại, con cái chưa có gia đình không được tách thửa. Người nơi khác đến mua đất chỉ mua đúng 75m2, 100m2 lại hưởng lợi.
Không chỉ vậy, các hộ có giấy tờ đầy đủ, có hộ khẩu thường trú, có nhà ở thực tế, kiên cố và đang sinh sống bị thiệt thòi so với hộ xây nhà "chờ giải tỏa", bởi giá trị đầu tư lớn (vì để ở) cũng chỉ được đền bù m2 theo giá quy định. Nhà cấp 4 kiên cố có giá chẳng hơn gì nhà xây "dỏm" mái tôn, xà gồ bằng cây gỗ tạm bợ...
Sau khi quy hoạch tại các đường lớn, đẹp, đất "vàng", hầu hết các lô này đều có chủ "lạ", không phải là người dân bị giải tỏa. Dân "thổ địa" được bố trí vị trí xa hơn, không được hưởng lợi từ quy hoạch. Dù diện tích đất ở bị thu hồi lớn hơn nhiều đất phân lô. Mục đích quy hoạch cũng không phải cho công trình nhóm A, cũng không công khai đấu giá hay danh sách sẽ bố trí.
"Vô hình chung, người dân sở tại sinh sống lâu nay, diện tích đất ở lớn hơn đất chia lô sau giải tỏa phải "nhường chỗ" cho người khác và "được" tái định cư nơi khác. Chủ trương là "ưu tiên tái định cư cho hộ dân bị giải tỏa" nhưng thực tế hoàn toàn khác và do ban quản lý dự án nắm quyền" - độc giả Nguyễn Thanh Ngọc nêu ý kiến.
Đang và còn nhiều tiêu cực, tham nhũng
Giá đất đền bù rẻ, nhà nước thu tiền sử dụng đất của người được giao đất cũng rất rẻ, nhưng giá chuyển nhượng đất lại chênh lệch rất cao. Trong khi nhiều người dân nghèo đi vì bị thu hồi đất thì không ít người lại giàu lên nhanh chóng từ bất động sản.
Đó cũng là cơ sở nghịch lý mà độc giả có nickname Nông dân băn khoăn với câu hỏi: Tại sao các đại gia lại làm được như vậy? - rồi tự trả lời: đó là vì cơ chế Nhà nước có thể thu hồi đất của hàng trăm người để giao cho nhóm nhỏ người.
Vậy thì hiểu theo logic, những người được giao đất tất nhiên sẽ được lợi? - Nhưng tôi cũng đã hỏi rất nhiều người trong trường hợp này. Họ nói là "cũng không lợi nhiều như anh nghĩ đâu, tôi cũng còn rất nhiều nghĩa vụ khác, không thể nói được với anh".
Chúng ta hiểu là ở đây, nguy cơ tham nhũng nó đang hoặc đã xuất hiện - độc giả Nông dân chốt lại.
Trong khi đó với phương án thứ nhất của đề xuất hành chính hóa thủ tục giao đất, độc giả Anhduc1952 bổ sung góc nhìn, việc không đền bù theo giá thị trường mà lại là giá áp đặt, thì ngay chính bản thân việc làm ấy đã chứa đựng trong nó sự tiêu cực, cùng những mầm mống tham nhũng. Chưa kể, khi đã có được cái giá rẻ rồi, thì luôn mâu thuẫn với việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất đai.
"Vậy nên vấn đề còn lại chỉ là việc phải xác định thật khách quan minh bạch sát đúng với giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất. Đừng có thái độ đối xử nhất bên trọng nhất bên khinh thì đất nước, xã hội mới thoát khỏi lùng nhùng mãi không dứt" - độc giả nêu quan điểm.
Cần định nghĩa lại vấn đề
Có một cơ chế rất quan trọng để hóa giải mâu thuẫn nêu trên, theo bạn đọc Nông dân, đó là khi chuyển đổi đất từ khu vực nông nghiệp sang đất đô thị, người ta có thể kết hợp việc thu hồi đất với việc qui hoạch khu đất mới cho tất cả những người mất một diện tích lớn đất phi nông nghiệp, với giá trị tăng lên rất nhiều. Để ngoài việc nhận một khoản đền bù, họ vẫn còn một phần đất ở đô thị sẽ hình thành:
"Cơ chế này hầu hết các nước đang làm và đều chấp nhận, nhưng ta thì gần như chưa triển khai được gì. Các cơ quan hữu trách trong lĩnh vực này thường đổ đồng đất nông nghiệp thuần tuý - bất di bất dịch trong quy hoạch ổn định lâu dài, với đất nông nghiệp nằm tại địa bàn các phường (thuộc nội thành) theo quy hoạch chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp.
Đó chính là một lỗ hổng rất lớn, tạo điều kiện, cơ hội cho những "nhóm lợi ích" hoành hành và tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng. Bởi lẽ khi đang còn là đất nông nghiệp thì chủ các dự án chỉ phải chi trả một khoản tiền gọi là bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng với giá "bèo bọt". Nhưng khi đã chuyển đổi xong thành mặt bằng đất phi nông nghiệp, chủ các dự án sẽ có giá đất tăng cao phi mã gấp mấy trăm lần giá đất đền bù.
Do siêu lợi nhuận như vậy, các chủ những dự án sẵn sàng tiêu cực - đem phong bì "chạy" từ cơ quan quy hoạch kiến trúc, địa chính, đến các cấp chính quyền địa phương để được "bật đèn xanh" địa điểm đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh trên mặt bằng diện tích đất nông nghiệp biến thành đất phi nông nghiệp, kể cả tại địa bàn các phường thuộc nội thành Hà Nội.
Nhiều độc giả khác như Hanhluyen56, Nguyễn Thành An, Phamngoctan, Photung2008... , đồng quan điểm, vấn đề khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng luôn là chủ đề rất nóng trên cả nước chứ không riêng địa phương nào. Vì thế, trước khi đưa ra đề xuất, Tổng cục Quản lý đất đai cần khảo sát rõ tình hình thực tế.
Ở đây, Tổng cục cần đối chiếu, xem xét đề xuất của mình có trái với Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181 hay không. Vì đã có thời điểm, nhờ ban hành kịp thời các quy phạm pháp luật nêu trên mà chúng ta mới tháo gỡ, giải quyết được dần những xung khắc, mâu thuẫn lợi ích lớn trong xã hội.
Độc giả Hanhluyen56 bày tỏ, chính sách về đền bù theo thỏa thuận đã khiến người dân có quyền hơn trên mảnh đất của mình. Độc giả Nguyễn Thành An đánh giá, quy định chủ đầu tư phải thương lượng với chủ đất là phù hợp với một nhà nước văn minh, vì dân. Nhưng nay, cơ quan nhà nước lại đưa ra kiến nghị hành chính trong thu hồi đất nêu trên là nhằm mục đích gì, đối tượng hưởng lợi là ai?
Cốt yếu của việc giải phóng mặt bằng là để thành phố khang trang, hiện đại, người dân có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn, chứ không phải đẩy người dân ra vùng xa hơn rồi buông xuôi, mặc kệ. Đối với nhà đầu tư nếu là của nhà nước thì càng nên chăm lo hơn cho người dân bị giải tỏa, những người đang sinh sống ổn định, vì lợi ích chung, họ phải từ bỏ, chịu thiệt. Nếu chủ đầu tư đem lại điều kiện sinh sống tốt hơn thì thử hỏi có người dân nào phải đi khiếu kiện đất đai nữa hay không?
Vì thế nên xem xét lại tư cách, đạo đức trong kinh doanh của nhà đầu tư và tính nhân đạo của các cấp có thẩm quyền khi ký các quyết định về thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, GPMB cũng như sự sáng suốt của các nhà làm luật trong việc phân định rạch ròi giữa nhà ở ổn định và nhà ở đầu cơ tích trữ - bạn đọc Photung2008 gửi gắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Có ý kiến gì không?