Đất nước Bắc Âu nổi tiếng yên bình với xã hội cởi mở và người dân không thấy có lý do phải tự bảo vệ mình. Nhưng tất cả đã thay đổi khi chỉ trong một ngày, Na Uy chìm trong hai vụ khủng bố đẫm máu mang tính lịch sử.
Vụ đánh bom ở trung tâm thủ đô Oslo nhằm vào các cơ quan đầu não của chính phủ và đặc biệt là vụ xả súng trên đảo Utoeya cướp đi sinh mạng gần 100 người có thể được coi là vụ 11/9 của Na Uy. Kể từ Thế chiến II đất nước thanh bình ở Bắc Âu này chưa từng hứng chịu bất cứ hành động bạo lực nào tương tự.
Cảnh đổ nát trong vụ đánh bom tại Oslo. Ảnh: AFP. |
Thiên đường phải thay đổi
Sự bình yên trong suốt một thời gian dài của Na Uy không phải vì nước này giỏi trong việc tự bảo vệ mình, mà phần nhiều là do chính sách của nước này tránh xa các cuộc xung đột quốc tế. Dù là thành viên của khối quân sự NATO từ lâu, nước này gần đây mới bắt đầu tham gia các chiến dịch quân sự tại Afghanistan và Libya.
Chính sách đối ngoại ôn hoà truyền thống của Na Uy nhìn chung không khiến cho nước này có nhiều kẻ thù. Các nhà ngoại giao Na Uy trước đây thường nói rằng việc đánh bắt và kinh doanh thịt cá voi chính là vấn đề gây tranh cãi duy nhất của nước này khi họ tiếp xúc cộng đồng quốc tế.
Xã hội Na Uy hoàn toàn cởi mở với các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau và vấn đề an ninh tại đây từng được nhiều người nước ngoài mơ ước. Các thành viên trong Hoàng gia Na Uy thường tự do đi lại với sự hỗ trợ rất hạn chế của lực lượng an ninh tại các thành phố cũng như trong các kỳ nghỉ bên bờ biển hoặc vùng đồi núi.
Đa phần những thông tin cá nhân của người dân Na Uy cũng để mở nên hầu như hiếm người có địa chỉ hay số điện thoại bí mật. Chỉ cần mở các danh bạ trực tuyến là có thể tìm thấy những đường dẫn cung cấp cả ảnh chụp vệ tinh ngôi nhà và địa chỉ chính xác một người nào đó đang sống. Trên đó còn có chứa đựng cả chi tiết về địa chỉ email và nơi làm việc của họ.
Na Uy cũng là đất nước mà các chính trị gia, doanh nhân hay ngôi sao giải trí hàng đầu không ngại in số điện thoại và địa chỉ cá nhân ngay trên danh thiếp của mình. Ngay cả lương bổng và tài sản của họ cũng được cơ quan thuế công bố mỗi năm một lần và chúng có thể xuất hiện dày đặc trên các báo.
Xã hội cởi mở và an toàn của Na Uy còn được thể hiện qua việc người dân có thể sử dụng phương tiện tìm kiếm trực tuyến để tìm hiểu vấn đề tài chính của bạn bè hay thậm chí là hàng xóm của mình. Các hộp thư không khoá đặt bên ngoài mỗi ngôi nhà và các sao kê ngân hàng hay hồ sơ y tế thường được đặt vào đây mà không lo có ai tọc mạch.
Đối với thế giới bên ngoài, cách sống cởi mở của người dân Na Uy có thể bị coi là quá "thật thà" trong một thế giới ngày càng phức tạp. Nhưng theo nhiều người, cho đến trước vụ khủng bố kép đẫm máu ngày 22/7 vừa qua, người dân Na Uy vẫn không thấy có lý do gì để phải có biện pháp tự bảo vệ mình.
Cũng giống như Thụy Điển trước vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme năm 1986, người dân Na Uy thường phản đối những lời kêu gọi các biện pháp nhằm tăng cường an ninh ở trong nước. Theo BBC, đối với người Na Uy, sống trong một xã hội mở không chỉ là một đặc ân mà còn là lời tuyên bố đối với thế giới rằng, đó chính là nơi cho thấy mọi người có thể sống trong hoà bình như thế nào.
Năm 1993, người phụ trách xuất bản tập sách gây tranh cãi Những vần thơ quỷ Satăng (The Satanic Verses) của Salman Rushdie là William Nygaard bị bắn trọng thương bên ngoài nhà riêng ở thành phố Oslo, sau khi Đại giáo chủ Iran Khomenei ra sắc lệnh Hồi giáo chống lại người đàn ông Na Uy này vì tội cho xuất bản tập sách mà họ coi là "báng bổ tôn giáo".
Sự kiện trên đã phần nào đánh động những vấn đề an ninh của Na Uy, nơi vốn tự hào về sự thanh bình. Vụ khủng bố kép ngày 22/7 cũng sẽ có tác động tương tự nhưng trên quy mô hoàn toàn khác. Quan điểm về nguy cơ mất an ninh của Na Uy có thể sẽ thay đổi nhanh chóng và toàn diện. Nói cách khác, nếu những kẻ tấn công âm mưu đánh cắp cuộc sống thiên đường ở Na Uy thì chúng đã thành công.
Khủng bố mang màu sắc chính trị
Nghi phạm duy nhất bị bắt Anders Behring Breivik mang vẻ ngoài đậm nét Na Uy. Ảnh: AP. |
Những vụ tấn công liên tiếp có phối hợp với nhau xảy ra ở châu Âu không thể tránh khỏi việc đặt ra câu hỏi tổ chức nào đứng sau hành động này. Phần lớn những kết luận ban đầu đều cho rằng có một tổ chức Hồi giáo cực đoan thực hiện vụ khủng bố đẫm máu ở Oslo, cũng giống như các sự kiện tương tự trước đây ở London và Madrid.
Nhưng nghi phạm duy nhất bị bắt trong vụ xả súng trên đảo Utoeya khiến 85 người chết là Anders Behring Breivik, 32 tuổi, có bề ngoài đậm nét Na Uy: dáng cao lớn, mắt xanh và tóc vàng. Tên này cũng được phát hiện đã lảng vảng ở Oslo ngay trước khi vụ đánh bom xảy ra. Sau đó anh ta lại giả danh cảnh sát tới đảo Utoeya nói rằng đang điều tra manh mối về các vụ nổ để xả súng.
Từ nghi vấn ban đầu, cảnh sát đã cáo buộc một mình Breivik thực hiện cả vụ đánh bom trung tâm Oslo khiến 7 người chết lẫn vụ bắn giết làm 84 người thiệt mạng tại trại hè thanh niên Utoeya. Cảnh sát Na Uy nhận định vụ tấn công kép không có dấu hiệu liên quan đến các tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế mà là hành động của "một gã điên rồ".
Có một điều dễ nhận thấy là các vụ tấn công ngày 22/7 mang màu sắc chính trị vì đều gắn với đảng Lao động cầm quyền ở Na Uy. Các toà nhà bị đánh bom đều thuộc chính phủ của Thủ tướng Jens Stoltenberg, đặc biệt là khu nhà văn phòng của ông. Trong khi vụ xả súng tại trại hè thanh niên do đảng Lao động tổ chức. Thủ tướng Stoltenberg cũng có lịch trình đến thăm đảo Utoeya để gặp gỡ các thanh niên đang tham dự trại hè trong ngày hôm nay.
Nhưng tất cả các điểm đến của ông có gắn với đảng Lao động đều bị tấn công trong một ngày, khiến nhiều người nghiêng về giả thuyết chúng mang động cơ chính trị hơn là âm mưu reo rắc nỗi sợ hãi trên diện rộng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Nhiều chuyên gia nghiêng về giả thuyết đây giống như vụ Oklahoma của Mỹ năm 1995, khi toà nhà liên bang bị kẻ đánh bom Timothy McVeigh tấn công vì lý tưởng riêng của hắn chứ không liên quan đến tổ chức khủng bố nào. Động cơ của kẻ máu lạnh Anders Behring Breivik có thể cũng tương tự, nên vụ tấn công Na Uy khác với vụ 11/9/2001 tại Mỹ vốn do các phần tử khủng bố nước ngoài gây ra.
Trong khi đó, một nhóm tự xưng là "Thánh chiến Hồi giáo toàn cầu" hôm nay lên tiếng nhận trách nhiệm vụ khủng bố Na Uy để trả thù việc nước này đã đưa quân đến Afghanistan và xúc phạm đấng tiên tri Muhammad trước đây. Tuy nhiên sau đó tuyên bố nhận trách nhiệm này đã được rút lại.
Một ngày sau vụ khủng bố đẫm máu, cảnh sát Na Uy vẫn chưa thể thống kê chính xác số người thương vong cũng như quy mô đầy đủ của vụ tấn công kép ngày 22/7. Cuộc điều tra đang tiếp tục nên kết luận cuối cùng có thể có thay đổi. Hơn nữa, hồi đầu năm nay cơ quan tình báo Na Uy cũng từng cảnh báo về nguy cơ khủng bố ngày càng tăng khi có các công dân Na Uy được huấn luyện khủng bố tại các nước như Afghanistan, Pakistan, Somali và Yemen.
Trò lừa tàn độc của kẻ thảm sát Na Uy
Làm thế nào nghi phạm giết người hàng loạt Anders Breivik ở Na Uy có thể lùa các nạn nhân ra bãi đất trống và xả đạn giết chết họ. Một cú lừa tàn độc khiến ít người ngờ tới chính là câu trả lời. Trò lừa tàn độc của kẻ thảm sát Na Uy
Kẻ giết người đóng giả làm cảnh sát
Tay súng đã vãi đạn từ ven bờ suốt 20 phút, sau đó là im lặng. Sự tĩnh lặng kéo dài 10 phút rồi một giọng nói vang lên khắp vịnh: "Tôi là cảnh sát chống khủng bố. Hãy rời chỗ nấp, ra khỏi nơi bạn đang ẩn náu...có một thuyền đang ở đây sẽ đưa các bạn trở lại đất liền".
Tuy nhiên, đó là một trò gian trá. Tiếng súng lại vang lên khi Anders Breivik vãi đạn vào những người vừa rời khỏi nơi ẩn nấp cùng với suy nghĩ họ đã được cứu. Một trong số những thanh niên rời nơi ẩn nấp là Thorbjorn Vereide, 22 tuổi. Vẫn còn run rẩy khi nhớ lại những gì diễn ra, Vereide kể lại: "Tôi có thể nhìn thấy hắn giết bạn bè tôi...Tôi không biết đã mất bao nhiêu người bạn thân".
Vereide đang làm việc tại quán cà phê trên đảo Utoya khi nghe thấy những tiếng súng đầu tiên. Vereide chạy về hướng phòng họp gần đó, nơi tay súng nhả những phát đạn đầu tiên và nhìn thấy các sinh viên ngã xuống.
Vereide đang làm việc tại quán cà phê trên đảo Utoya khi nghe thấy những tiếng súng đầu tiên. Vereide chạy về hướng phòng họp gần đó, nơi tay súng nhả những phát đạn đầu tiên và nhìn thấy các sinh viên ngã xuống.
"Đó là một gã điên sở hữu súng ngắn và súng trường, và họ bắn vào bạn bè tôi. Tôi còn sống sót vì chui dưới nước và chui vào một cái hang ở ven bờ", Vereide kể. Đá cắt vào chân Vereide khi cố gắng không để bị phát hiện.
"Tôi lẩn ra một chỗ cách Breivik một đoạn và cứ náu mình dưới những đợt sóng vì thế hắn không thấy tôi. Tuy nhiên, tôi không thể ở dưới nước một thời gian dài và cuối cùng hắn cũng nhìn thấy rồi bắn tôi. Sau đó, tôi bơi tới một cái hang nhỏ cùng với vài người khác. Chúng tôi cố trèo lên nơi an toàn. Khi chúng tôi cố gắng thoát thân, hắn lại nhắm bắn tôi và các viên đạn găm vào đá. Chúng tôi đi sâu vào hang và chờ ở đó. Khi nhìn lại, tôi vô cùng hoảng sợ khi thấy hắn lạnh lùng như thế nào. Hắn chỉ đứng trên bờ và nã đạn vào mọi người".
Vụ giết người đẫm máu trên hòn đảo xinh đẹp, hình giọt nước diễn ra không lâu sau khi Breivik đăng tải trên mạng thông điệp cuối cùng: "Hôm nay là thứ sáu, ngày 22/7, 12h56, các vị sẽ không được tin tức gì từ tôi nữa".
Lúc 3h25 chiều, một tòa nhà chính phủ ở Oslo rung chuyển trong vụ nổ bom. Có ít nhất 7 người thiệt mạng, con số người chết có lẽ sẽ còn cao hơn nếu hôm đó không phải là ngày nghỉ. Trong khi đó, Breivik thẳng hướng tới hòn đảo, nơi hơn 500 người mà hắn coi là mục tiêu cần tiêu diệt ở đó. Được vũ trang bằng khẩu súng được cấp phép để săn hươu và nai quanh trang trại, mục tiêu của Breivik là giết càng nhiều người càng tốt.
Mục đích của Breivik được thực hiện khá dẽ dàng vì các nhân viên an ninh trên đảo chỉ được huấn luyện để bảo vệ các cuộc tụ tập hàng năm. Tất cả những gì kẻ ác cần làm là cải trang là cảnh sát, lên thuyền sang đảo. Khoảng 5h, những người cắm trại và các nhân viên trại được triệu tập tới phòng họp. Khi hàng chục người có mặt, Breivik bắt đẩu nổ súng bắn vào họ.
Hôm 23/7, Anders Behring Breivik, nghi phạm gây ra vụ đánh bom, xả súng ở Na Uy làm 92 người thiệt mạng, đã thừa nhận tội lỗi. Tên này giải thích, đó là hành động tàn ác nhưng... cần thiết.
Geir Lippestad, luật sư biện hộ của nghi phạm cho hay, Breivik không hề cảm thấy lo lắng hay sợ sệt khi đang bị giam giữ và thẩm vấn gắt gao. Thậm chí, Breivik còn tỏ ra sẵn sàng hầu tòa.
"Behring Breivik, 32 tuổi, đã nhận tội. Hắn đã giải thích rằng đó là hành động tàn nhẫn nhưng cần thiết", luật sư Geir Lippestad phát biểu trên kênh truyền hình NRK của Na Uy.
Cũng theo ông Lippestad, các vụ tấn công có vẻ đã được Breivik lên kế hoạch trong một thời gian dài. Trong khi theo các báo Na Uy, vụ tấn công kép do Breivik thực hiện đã được y lên kế hoạch từ mùa thu năm 2009.
Cũng trong ngày 23/7, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án các vụ tấn công đẫm máu ở Na Uy làm 92 người thiệt mạng, đồng thời bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với chính phủ và người dân nước này.
Ngay trước khi thực hiện những hành động tàn ác hôm 22/7, Anders Behring Breivik đã làm điều mà hàng triệu người ngày nay vẫn thường làm - trò chuyện với bạn bè trên Facebook. Thông điệp chia tay mà hung thủ đưa lên mạng là một phần kế hoạch giết người mà y thực hiện ở Oslo và đảo Utoeya làm 93 người thiệt mạng trong vụ khủng bố đẫm máu nhất ở Na Uy kể từ Thế chiến II.
Entry cuối cùng trên Facebook của Breivik là một tài liệu 1.516 trang và một đường link video tới Youtube. Hắn đã làm ra bản tuyên ngôn đó và đoạn video từ rất lâu trước khi ra tay để kiểm soát những gì sẽ được truyền thông nói về mình sau khi gây tội ác. Hắn cũng khuyến khích hơn 7.000 người bạn trên Facebook sử dụng tuyên ngôn của mình như một kế hoạch hành động.
Tài liệu mang tên "2083: Tuyên ngôn độc lập của châu Âu" là một kiểu mẫu khủng bố cánh hữu, một bản tuyên ngôn dông dài một mặt chửi bới "những người Marxist văn hóa" và "chủ nghĩa đa văn hóa", quy kết chúng phá hủy văn hóa phương Tây, mặt khác đưa ra các hướng dẫn về cách tự xuất bản trên nền Web, bình luận của Breivik về sở thích xem tivi của hắn, và cung cấp những thủ thuật xây dựng một chi nhánh khủng bố thành công.
Ngoại trừ một số khoảnh khắc cá nhân trong đó tác giả mô tả sự trưởng thành của hắn cùng nỗi đau từ sự chia ly của cha mẹ, tài liệu này là một sự hồi tưởng kỳ quái về các chỉ dẫn Hồi giáo thánh chiến vốn lan truyền rộng rãi trên Internet kể từ sau loạt vụ khủng bố 11/9/2001.
"Đó là một sự phản chiếu hoàn toàn của al-Qaeda, hình ảnh cắt-dán của một tuyên ngôn thánh chiến", Magnus Ranstorp, một chuyên gia về khủng bố ở trường Đại học Quốc phòng Thụy Điển, nói với báo TIME.
Khi Na Uy tiến hành tưởng niệm các nạn nhân của hai vụ tấn công hôm 22/7 và cảnh sát tiếp tục thẩm vấn Breivik thì một bức tranh về thế giới đen tối bí mật của những người theo chủ nghĩa dân tộc châu Âu sinh ra y bắt đầu nổi lên. Nhưng ngay cả khi các nhà điều tra đã hiểu thêm về hoàn cảnh mà Breivik sinh ra, vẫn chưa rõ liệu hắn có phải là chiến binh đầu tiên trong cái có thể sẽ phát triển thành một cuộc thánh chiến Thiên Chúa giáo hay đơn thuần chỉ là một kẻ cô độc loạn trí, người đã tạo ra một phiên bản thế giới thực của game video ưa thích của mình: World of Warcraft.
Ở nhiều đoạn, những gì Breivik viết là một cuốn nhật ký mà trong đó hắn ghi lại nhiều tháng ngày lên kế hoạch cho cuộc tấn công. Hắn mô tả mình là thành viên của một xã hội bí mật sẵn sàng giành quyền kiểm soát châu Âu và trục xuất tất cả những người Hồi giáo. "Thời điểm dành cho đối thoại đã qua. Chúng tôi đã cho hòa bình một cơ hội. Thời khắc kháng chiến vũ trang đã đến", hắn viết.
Dường như rất khôn khéo trong các mối quan hệ cộng đồng, Breivik thậm chí còn tự phỏng vấn mình. Trong một loạt các câu hỏi và câu trả lời, hắn thổ lộ rằng khơi mào những hành động của hắn là sự tham gia của Na Uy vào chiến dịch ném bom Serbia của NATO trong cuộc chiến Kosovo năm 1999. Hắn cũng khinh thường "cách xử lý hèn nhát vụ tranh biếm họa Muhammad" của Na Uy.
Trong một câu hỏi khác, Breivik tự hỏi sẽ mô tả hệ tư tưởng của mình như thế nào, và hắn nói mình thuộc một phong trào về các quyền của người bản xứ với ý thức hệ bảo thủ văn hóa. "Tôi rất tự hào về giáo hội Viking của mình. Tên tôi, Breivik, là địa danh ở phía bắc Na Uy, có từ trước thời Viking", hắn viết.
Xã hội bí mật mà Breivik mô tả nhắm tới tái thành lập Knights Templar. Nổi tiếng với những chiếc áo choàng trắng riêng biệt có một dấu thập đỏ, tổ chức Knights Templar gồm toàn những chiến binh điêu luyện tham gia các Cuộc thập tự chinh và có ảnh hưởng rất lớn về chính trị và kinh tế thời Trung Cổ.
Breivik viết rằng có một cuộc gặp bí mật ở London hồi tháng 4/2002 để tái thiết trật tự và 9 người đại diện cho 8 nước châu Âu đã tham dự.
Có thể đó là tất cả những gì đã xảy ra - hoặc cũng có thể không. "Có thể tất cả chỉ nằm trong đầu hắn", Thomas Hegghammer, một chuyên gia về khủng bố thuộc Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, nhận định trên TIME. "Các tài liệu phản chiếu ý thức hệ al-Qaeda theo một số cách quan trọng. Mục tiêu chủ đạo là trục xuất người Hồi giáo ra khỏi châu Âu, cũng như al-Qaeda muốn trục xuất người phương Tây ra khỏi các vùng đất linh thiêng".
Nhưng ở một khía cạnh quan trọng, Breivik cho thấy một loại nghi phạm khủng bố khác biệt so với những người Hồi giáo mà hắn không thích và kình địch: Hắn rõ ràng không có ý định trở thành một kẻ chết vì nghĩa. Thay vì chiến đấu đến cùng với cảnh sát hôm 22/7, hắn đã tự nguyện đầu hàng và sau đó còn muốn giải thích về động cơ của mình.
"Hắn thú thật đã thực hiện cả vụ đánh bom và vụ xả súng nhưng hắn không nhận tội ác", Sveinung Sponheim, quyền chỉ huy cảnh sát Oslo, cho biết tại một cuộc họp báo. Theo luật sư Geir Lippestad, Breivik "tin những hành động của mình là tàn bạo nhưng trong đầu hắn nghĩ chúng là cần thiết".
Sẽ mất một thời gian trước khi cảnh sát xác định được liệu Breivik có phải là kẻ tiên phong trong một phe hữu ở châu Âu, hay hành động của hắn chỉ là một kịch bản chính trị - chết chóc, thảm thương, được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng là hành động của chỉ một kẻ loạn trí. Cũng có thể Breivik muốn giữ cho mình một chỗ trong lịch sử. Trong bài tự phỏng vấn, hắn kêu gọi những người ủng hộ "xây dựng một mạng lưới của bạn trên Facebook. Hãy làm theo những hướng dẫn trong sách này và bạn sẽ thành công".
Vậy thì, sửa soạn đi giết người và có lẽ thưởng thức giây phút tĩnh lặng cuối cùng, Breivik khép lại tuyên ngôn của mình bằng một ý nghĩ ớn lạnh sau chót: "Tôi tin rằng đây sẽ là entry cuối cùng của tôi. Bây giờ là 12h51' ngày thứ Sáu, 22/7".
Sát thủ ở Na Uy lên kế hoạch dài 1.500 trang
Toàn bộ nội dung đều bằng tiếng Anh và đề "London, 2011". Nghi phạm giết người hàng loạt ký tên là Andrew Berwick, một phiên bản Anh hóa cái tên Anders Behring Breivik của y, và mô tả kẻ hướng dẫn y là một người Anh có tên Richard.
Một cuộc tìm kiếm những tòng phạm người Anh của Anders Behring Breivik đang được tiến hành, khi y khoe thực hiện vụ hai khủng bố sau cuộc gặp với những phần tử cực đoan ở London.
Cảnh sát chống khủng bố của London đang cố gắng xác minh việc Breivik có tới London trong những năm gần đây, và liệu y có phải là một phần trong một mạng lưới lớn hơn đang chuẩn bị cho những vụ tấn công tương tự.
Nghi phạm 32 tuổi lớn tiếng khoe trong tài liệu dài hơn nghìn trang rằng y chỉ là một trong số "80 kẻ tử vì đạo đơn lẻ" được tuyển chọn khắp châu Âu, và khẳng định những người này sẵn sàng làm theo hai vụ khủng bố ở Na Uy, để trừng phạt những chính phủ thể hiện sự khoan dung với đạo Hồi.
Những hình ảnh của nghi phạm Breivik tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng trong vài ngày qua. Ảnh: AFP |
Breivik tự cho y là truyền nhân của hiệp sĩ thời trung cổ Templar và khẳng định được tuyển mộ trong một cuộc gặp gỡ có sự tham gia của 8 người ở London vào tháng 4/2002, được tổ chức bởi hai phần tử cực đoan người Anh. Đơn vị chống chủ nghĩa cực đoan nội địa của cảnh sát London đang cố gắng xác minh 7 người còn lại trong cuộc gặp gỡ kể trên. Breivik mô tả rằng đó là những doanh nhân thành đạt, những nhà quản lý và cả các thủ lĩnh chính trị.
Con trai của một nhà ngoại giao nghỉ hưu còn khoe rằng y có liên hệ với phong trào cực hữu English Defence League, đồng thời liên tục nhắc tới những chính trị gia người Anh như các cựu thủ tướng Gordon Brown hay Tony Blair cùng nhiều nghị sĩ và thậm chí cả Thái tử Charles như những mục tiêu. Breivik cho rằng những người này phải chịu trách nhiệm trong việc biến London thành một trung tâm toàn cầu của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Ngoài những người Anh kể trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Tổng thống Bồ Đào Nha Jose Manuel Barroso cũng bị coi là những mục tiêu vì ít nhiều có sự khoan thứ với Hồi giáo, Telegraph cho hay. Breivik còn lên danh sách 100 đảng phái chính trị ở châu Âu có sự ủng hộ trực tiếp hoặc gián tiếp đối với đạo Hồi.
Y cho rằng có khoảng 62.216 người ở Anh đáng phải nhận kết cục như 93 người ở Na Uy, và phân loại họ thành "những kẻ phản bội loại A và loại B". Thậm chí, Breivik còn có mưu đồ khủng khiếp khi muốn sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí sinh hóa để uy hiếp các chính phủ, nhằm đẩy họ tới trước lựa chọn giữa việc phải nghe theo y và việc khoảng hai triệu người thiệt mạng.
Breivik dành ra 9 năm để chuẩn bị cho hai vụ khủng bố trong ngày thứ sáu đen tối nhất lịch sử Na Uy, và 3 năm cho 1.518 trang viết có tiêu đề "A European Declaration of Independence". Y gửi thư điện tử đính kèm những trang viết này tới 5.700 người vài giờ trước khi kích hoạt quả bom tại thủ đô Oslo của Na Uy, nhằm đánh lạc hướng cảnh sát để thực hiện vụ thảm sát ở đảo Utoeya. Ít nhất 93 người được xác định đã chết, trong khi vẫn còn 5 người mất tích sau hai vụ khủng bố mà Breivik thực hiện.
Cuộc đời hai mặt của tay súng Na Uy
Anders Behring Breivik. Ảnh: Facebook. |
Ngoài lúc chế tạo bom và lên kế hoạch vụ thảm sát ở Na Uy tuần trước, Anders Behring Breivik chơi games, đọc blog, nghe nhạc và xem phim bộ về ma cà rồng. Chủ nhật nào anh ta cũng ăn tối cùng mẹ.
Đấy là cuộc sống hai mặt mà Breivik duy trì suốt những năm gần đây. Bạn học và đồng nghiệp cũ mô tả hắn là người không có gì đặc biệt và dễ bị quên lãng, những phẩm chất có lẽ hắn có từ bé và hắn dường như cố tình phát triển chúng để che giấu cho cái mà hắn gọi là "chiến dịch tử vì đạo".
Nhiều năm trời, Breivik, 32 tuổi, tranh luận trên các diễn đàn mạng về sự nguy hiểm của đạo Hồi và làn sóng nhập cư. Hiện chưa rõ từ lúc nào người này nghĩ rằng bạo lực là giải pháp duy nhất cho những ung nhọt mà hắn tin đã hủy hoại nền văn minh châu Âu. Trước vụ tấn công nhằm vào các tòa nhà chính phủ và trại hè của thanh niên hôm 22/7, Breivik luôn kín kẽ về âm mưu này.
"Anh ta chẳng nói gì đáng nhớ cả", Stig Fjellskaalness, từng biết Breivik khi còn là thành viên đảng Tiến bộ những năm 2000, cho hay. "Anh ta lẫn trong đám đông. Anh chẳng nhớ nổi anh ta".
Tuy nhiên, từ khoảng 10 năm trở lại đây, Breivik bắt đầu thay đổi. Thời còn học trung học, Breivik thích nhạc hip hop và có bạn thân là người Hồi giáo. Năm ngoài 20 tuổi, người này bắt đầu coi người nhập cư tự do vào Na Uy và khắp châu Âu là kẻ thù, những người chào đón họn là kẻ phản bội và đáng bị xử tử.
"Từ khoảng năm 2000, tôi nhận thấy phong trào dân chủ chống nạn Hồi giáo hóa châu Âu đã thất bại", Breivik viết trong bản thú tội đăng trên một trang web ngay trước cuộc tấn công. "Tôi quyết định khám phá những hình thức thay thế. Phản đối là nói rằng các vị không đồng ý. Kháng cự là nói rằng các vị sẽ ra tay chấm dứt nạn đó. Tôi muốn tham gia phong trào kháng cự".
Bằng bản thú tội dài 1.500 trang, mất tới 3 năm để hoàn tất, Breivik muốn tìm ra một chân lý chung cho những nhóm bài ngoại khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. "Hắn ta nghĩ sẽ mất khoảng 70-80 năm để đảo ngược quá trình Ảrập hóa châu Âu. Hắn nghĩ bản thân là một phần của lịch sử", Magnus Ranstorp, giám đốc nghiên cứu thuộc trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa không đối xứng thuộc đại học quốc phòng Thụy Điển, nhận định.
Khi còn nhỏ, Breivik không hề có tư tưởng cực đoan. Tay súng lớn lên ở Skoven, một quận của tầng lớp trung lưu ở tây Oslo, có cha là một công chức và mẹ là y tá. Họ li dị khi hắn mới một tuổi. Tuy nhiên, tuổi thơ khá êm đềm và Breivik nói trong bản thú tội rằng hắn đã rất hạnh phúc.
Tay súng này học ở trường dành cho giới giàu, nơi mà quốc vương Na Uy hiện tại Harald V và con trai ông từng học. Bạn cũ nói y ít nói, song thông minh và có đôi chút nổi loạn. Y rất thích vẽ graffiti.
Đến cuối năm trung học, Breivik gia nhập đoàn thanh niên của Đảng Tiến bộ. Hắn quan tâm tới đảng này vì chủ trưởng phản đối nhập cư và xu hướng chủ nghĩa tư bản thị trường. Tuy nhiên, anh ta không để lại bất cứ dấu ấn nào cả.
Sau đó, cuộc sống của Breivik bắt đầu khó khăn hơn. Cha y bỏ sang Pháp sống còn chị gái Elisabeth tới Mỹ và lấy chồng Mỹ. "Elisabeth là nguồn vui duy nhất của anh ta trong đời", một người bạn thời bé nói. "Khi Elisabeth bỏ đi, đó là lúc Anders bắt đầu xuống dốc".
Đấy cũng là lúc khi mà, theo bản tường trình, quan điểm chính trị của Breivik thay đổi. Hắn bắt đầu nhận thấy cái mà hắn gọi là sự thù địch của thanh niên Hồi giáo. Hắn thu thập những thông tin về những băng nhóm nhập cư tấn công đàn ông Na Uy và cưỡng hiếp phụ nữ Na Uy.
Dagbladet, báo Na Uy, dẫn một bạn học thời trung học cho biết Breivik quan tâm tới phong trào Quốc xã mới khi 18 tuổi. Anh ta bị ngờ từng làm người gác cửa tại các sự kiện của những nhóm Quốc xã mới. Sau đó, y tỏ ra chỉ trích các nhóm này.
Breivik viết rằng vụ NATO đánh bom Serbia năm 1999 là giọt nước làm tràn ly. Hắn gọi chiến dịch nhằm ngăn chặn nạn diệt chúng này là sự phản bội người Công giáo vì người Hồi giáo. Hắn dùng cả 10 năm tiếp theo lên từng bước kế hoạch khủng bố.
4 năm trước, Breivik tham gia hội Norwegian Order of Freemasons. Để được làm thành viên, một người phải "có cuộc sống ổn định", IVar A. Skar, thủ lĩnh hội, nói. "Giờ anh ta đã bị loại khỏi hội ngay lập tức".
Để kiếm tiền tiền thực hiện vụ tấn công, Breivik cho biết đã lập công ty. Tuy nhiên, hàng xóm của y không tin vào điều đó và cho rằng y đã được thừa kế từ họ hàng.
Trong khi tiếp tục thu thập nguyên liệu chế tạo bom, Breivik hoạt động sôi nổi trên mạng, phản đối Hồi giáo và Marxist. Hắn từng tiếp cận Hans Rustad, biên tập trang web bảo thủ nổi tiếng Decument.no, với kế hoạch gây dựng một phong trào khắp châu Âu giống đảng bảo thủ Tea Party ở Mỹ.
Khi không đọc các trang blog bảo thủ, Breivik chiến đấu chống những con quái vật, yêu tinh và những con vật giả tưởng trong video games. Hắn từng rất nổi danh trong diễn đàn của các tay chơi trò World of Warcraft, và dùng một hình đại diện là một cô gái ngực to.
Hàng xóm nói Breivik gần đây vắng nhà một cách đáng ngờ. Cảnh sát cho biết hắn thuê một nông trại ở miền đông Na Uy, không xa thủ đô và ở đó để chế tạo bom. "Kẻ thực sự nguy hiểm luôn giấu mục tiêu của hắn", Rustad nói. "Và đó chính là điều hắn ta đã làm".
Bóng tối thiên đường Bắc Âu
Sự kiện bạo lực vừa diễn ra ở Na Uy khiến cả thế giới phải sững sờ bởi nó xảy ra tại một đất nước nổi tiếng thanh bình. Khi cựu quân nhân Mỹ Timothy McVeigh tàn sát 168 người ở Oklahoma vào năm 1995, người ta không quá khó khăn để tìm kiếm lời giải thích ở một đất nước ngập tràn súng ống cùng những chia rẽ chính trị và tôn giáo. Nhưng Na Uy thì khác.Bóng tối thiên đường Bắc Âu
Giữa những giọt nước mắt đau buồn, người dân Na Uy vật lộn với câu hỏi tại sao một thành viên trong số họ - sản phẩm của một trong những xã hội cởi mở và thịnh vượng nhất châu Âu - có thể thực hiện một cuộc tấn công đẫm máu như thế.
Một phụ nữ ngóng nhìn sang đảo Utoya - Ảnh: AFP |
Hòa bình và thùng thuốc nổ
Nơi cuối cùng mà bà Poole nói đó là Oslo, thủ đô nổi tiếng với giải Nobel Hòa bình, song nó không phải thay đổi chỉ trong một ngày. Có một điều mà có lẽ không nhiều người nhớ rằng cha đẻ của giải thưởng Nobel, Alfred Nobel, từng làm giàu bằng thuốc nổ.
Sự tương phản đó, trớ trêu thay, là hình ảnh tiêu biểu cho một Na Uy thanh bình trong những ngày tang thương này. Đằng sau vẻ thanh bình, thịnh vượng ở Na Uy nói riêng và Bắc Âu nói chung là một xã hội già cỗi đang chực chờ bùng nổ bởi những mầm mống xung khắc.
Trong phiên tòa xử kín hôm, 25.7, kẻ thảm sát hàng loạt Anders Behring Breivik nói hắn thực hiện các cuộc tấn công giết hại 76 người để gửi tín hiệu đến chính phủ cánh tả của Na Uy rằng họ phải ngừng việc “phá hủy văn hóa Bắc Âu và nhập khẩu người Hồi giáo hàng loạt”.
“Breivik dĩ nhiên hành động một mình khi thực hiện tội ác”, Giám đốc Trung tâm chống phân biệt chủng tộc ở Oslo - Kari Helene Partapuoli nói với AFP. “Song điều đáng quan tâm là hắn được hình thành trong một bối cảnh chính trị - xã hội nhất định và vụ xả súng không phải là ngẫu nhiên”, ông cho biết.
Dọc khắp châu Âu, từ Thụy Điển đến Ý, một làn sóng cực hữu đang nổi dậy. Geert Wilders, ngọn cờ đầu của chủ trương bài Hồi giáo mà Breivik rất ngưỡng mộ, vốn là lãnh đạo một đảng lớn thứ ba ở Hà Lan. Tại Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc có xu hướng chống nhập cư Marine le Pen cũng nổi tiếng như Nicolas Sarkozy.
Nhiều trong số các đảng cực hữu đã từ bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc công khai như trong quá khứ và thay thế chúng bằng niềm kiêu hãnh văn hóa và dân tộc vốn dễ được đón nhận hơn.
Các phong trào cực hữu đã nhanh chóng lên án Breivik là một kẻ thần kinh hoang tưởng. Tuy nhiên, bản tuyên ngôn dài 1.500 trang mà Breivik tung lên mạng trước vụ tàn sát cho thấy hắn chia sẻ nhiều mối quan tâm với các đảng phái cựu hữu: Đó là nền văn minh phương Tây đang bị đe dọa bởi những nhược điểm của chủ nghĩa đa văn hóa, bản sắc dân tộc đang bị lu mờ trước làn sóng người nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo, và hệ thống chính trị chính thống đồng lõa hoặc quá mềm yếu trước mối đe dọa hiện hữu đó.
Cơn sốt của phong trào cực hữu không tạo ra Breivik song nó thúc đẩy hắn và những kẻ cực đoan khác tiến gần đến việc hành động.
Từ “tuyên ngôn” đến hành động
Với tình trạng thất nghiệp lan tràn tại nhiều nước châu Âu, mối băn khoăn lo lắng về một hiện thực xã hội mới đang ngày càng tăng lên. Sự kết hợp giữa mức thuế lao động cao và thị trường lao động khốc liệt đang đẩy nhiều người ra bên rìa xã hội, đặc biệt là những người trẻ. Những nỗi khốn khổ của người thất nghiệp được các đảng phái chống nhập cư đổ trách nhiệm cho người nước ngoài. Họ cho rằng người nhập cư tước mất việc làm cũng như chia sẻ hệ thống phúc lợi mà theo họ, lẽ ra sẽ thuộc về những “công dân đích thực”.
Theo ông Magnus Ranstorp, Giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Đe dọa Bất cân xứng thuộc Học viện Quốc phòng Thụy Điển, sự trỗi dậy của phong trào cựu hữu ở châu Âu được xem như là phản ứng chậm của môi trường hậu 11.9.
Nhiều hoàn cảnh xung đột đã hội tụ thành một cơn bão: các sự kiện khủng hoảng như phản ứng của người Hồi giáo với vụ tranh biếm họa Đan Mạch, các âm mưu khủng bố của al-Qaeda, phong trào mùa xuân Ả Rập cùng làn sóng người tị nạn. Tất cả cộng với cuộc khủng hoảng tài chính đã tạo ra mối lo âu cho nhiều người châu Âu đồng thời mang đến thời cơ cho những kẻ kích động cực hữu.
Thông điệp về các mối đe dọa được phóng đại bởi các cộng đồng trên mạng và mạng xã hội. Ngoài ra, các lãnh đạo chính trị ở châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đổ dầu vào lửa với những tuyên bố công khai về sự thất bại của chủ nghĩa đa văn hóa trong thời gian gần đây.
Breivik đã tuyên bố vụ tấn công kép ở Na Uy là một hành động “tàn bạo” nhưng “cần thiết” trong cuộc thập tự chinh chống lại chính sách nhập cư tự do và làn sóng Hồi giáo.
Hung thủ vụ tấn công kép Anders Behring Breivik - Ảnh: Reuters |
Nhà báo Johannes Jakobsson của tờ Expo nói: “Đảng Dân chủ Thụy Điển tấn công người Hồi giáo bằng một hệ tư tưởng rất hung hăng… Việc nói về người Hồi giáo theo kiểu như thế đang ngày càng được chấp nhận nhiều hơn”.
Bắc Âu: Thiên đường đã mất?
Cho đến những năm 1970 và 1980, gần như không hề có cộng đồng người ngoài châu Âu nào ở Bắc Âu. Tuy nhiên, kể từ đó vùng Scandinavia đã trở thành thiên đường cho hàng trăm ngàn người chạy trốn các khu vực xung đột ở Nam Tư cũ, Somalia và Kurdistan…
Đơn cử như Thụy Điển đã chào đón nhiều người tị nạn từ cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 hơn tất cả các nước lớn ở châu Âu gộp lại, theo Sở Di trú Thụy Điển. Tại Oslo, tên được đặt nhiều nhất cho các đứa trẻ sơ sinh trong năm 2010 là Mohammed.
Tỉ lệ người dân được sinh ra ở nước ngoài hiện tại lớn hơn 10% ở Thụy Điển, Na Uy và ở mức 8% tại Đan Mạch. Theo ước lượng của nhà chức trách, tỉ lệ này tăng lên đến 27% ở Oslo và 80% tại những khu ngoại ô nhất định ở Thụy Điển.
Manh nha ở Đan Mạch vào những năm cuối thập niên 1990, sự gia tăng của phong trào chống nhập cư thuộc cánh hữu ở Bắc Âu dường như không thể ngăn cản.
Đảng Tiến bộ đã trở thành đảng lớn thứ hai ở Na Uy với tỉ lệ ủng hộ là 23% trong cuộc bỏ phiếu gần nhất. Đây là đảng mà Behring Breivik là thành viên trong nhiều năm trước khi rời bỏ vì cho rằng nó quá ôn hòa. Lãnh đạo đảng Siv Jensen vốn luôn coi “sự lan tràn của Hồi giáo” là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mình.
Tại Đan Mạch, chính phủ thiểu số của liên minh dân chủ - bảo thủ từ năm 2001 đã phải cầu viện sự ủng hộ của đảng Nhân dân Đan Mạch trong nghị viện. Điều này mang lại cho đảng cánh hữu này một bệ phóng lý tưởng cho những quan điểm của mình.
Việc đảng Dân chủ Thụy Điển lần đầu tiên chiếm ghế trong nghị viện vào tháng 9 năm ngoái đã gây ra một làn sóng chấn động ở Bắc Âu. Cơn địa chấn chính trị đó tái diễn sau đó bảy tháng tại Phần Lan khi đảng Người Phần Lan Đích thực giành được 19% số phiếu trong cuộc bầu cử.
Giới cực hữu ở Bắc Âu hiện bám rễ sâu trong cơ cấu chính trị đến mức các chuyên gia nói rằng danh xưng “cực đoan” đã không còn thích hợp nữa. “Họ đã củng cố và giờ họ là một phần của xu thế chủ đạo”, Anders Hellstroem, một chuyên gia về phong trào chủ nghĩa dân tộc ở Thụy Điển nói với AFP.
Thảm kịch ở Na Uy vào tuần trước đã soi rọi ánh sáng vào một quan niệm sai lạc phổ biến về nguy cơ an ninh. Bất chấp thực tế, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo không phải là mối đe dọa an ninh hàng đầu ở châu Âu. Các bản báo cáo của Cơ quan Cảnh sát châu Âu gần đây, gồm cả năm 2011, cho liên tục cho thấy phần lớn những âm mưu và hành động khủng bố lớn ở khắp châu Âu là do các nhóm ly khai và dân tộc chủ nghĩa thực hiện.
Những mầm mống căng thẳng về vấn đề nhập cư và sự hòa nhập ở Na Uy, Scandinavia và phần còn lại của châu Âu không phải là chuyện mới. Có một sự thật buồn bã là những cuộc tấn công kiểu như ở Oslo có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu.
Ảnh hiện trường vụ nổ tại Oslo
Cảnh sát đang phong toả hiện trường vụ đánh bom ở thủ đô Oslo với cảnh đổ nát phía sau. Ảnh: AP. |
Lửa và khói bốc ra từ một tầng của toà nhà, trong khi mảnh vụn phủ kín con phố bên dưới sau vụ nổ ở Oslo chiều 22/7. Ảnh: AP. |
Những người bị thương đang được cấp cứu ngay trên phố. Ảnh: AP. |
Hầu hết cửa sổ của toà nhà chính phủ Na Uy bị phá vỡ. Ảnh: AP. |
Cảnh sát Na Uy đang đưa một người bị thương mình bê bết máu ra khỏi hiện trường vụ đánh bom. Ảnh: AP. |
Một chiếc xe bị vụ nổ xé nát và lật nhào. Ảnh: AP. |
Khói bốc cao từ các toà nhà bị hư hại trong vụ nổ. Ảnh: AP. |
Một người đang cố bước qua đống hỗn độn trên phố để rời hiện trường. Ảnh: AP. |
Hai người đang cố thoát khỏi toà nhà đổ nát sau đánh bom ở Oslo. Ảnh: AFP. |
Các nhân viên cứu hộ hối hả hoạt động tại hiện trường. Ảnh: AFP. |
Cảnh ngổn ngang gạch đá và kính vỡ tại trụ sở chính phủ Na Uy sau vụ nổ. Ảnh: BBC. |
Những nơi chịu thiệt hại nặng nhất trong vụ nổ ở trung tâm Oslo gồm các toà nhà văn phòng chính phủ, trụ sở Bộ Dầu mỏ và Năng lượng và trụ sở báo khổ nhỏ VG Dưới đây là hiện trường hai vụ tấn công kinh hoàng tại Na Uy vào hôm qua (22/7):
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Có ý kiến gì không?