Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Chủ đề biển Đông sẽ được đưa ra tại Hội nghị tư lệnh hải quân

Từ ngày 26 đến 29/7, hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 5 (ANCM-5) sẽ được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề hợp tác hải quân ASEAN vì hòa bình và an ninh biển. Chủ đề biển Đông cũng sẽ được thảo luận.

Trao đổi với báo chí chiều 18/7, Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó tư lệnh Hải quân Việt Nam cho biết, ACNM là hội nghị thường kỳ, tổ chức 2 năm một lần nhằm bàn về những thách thức an ninh chung của khu vực. Những diễn biến phức tạp thời gian qua trên biển Đông, trong đó có vụ cắt cáp của tàu Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền về đường lưỡi bò của nước này, sẽ được nêu ra tại hội nghị.
Theo tướng Minh, trong khối ASEAN, nhiều nước có vùng biển chồng lấn với "đường lưỡi bò" đều tỏ ra lo ngại. Quan điểm chung để xử lý vấn đề là thông qua đàm phán hòa bình, dựa vào Công ước về Luật biển (UNCLOS) 1982 và tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC). Việt Nam sẽ nêu các vấn đề tìm kiếm sự đồng thuận của các nước ASEAN, tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Ảnh: Nguyễn Hưng.
Phó tư lệnh Phạm Ngọc Minh (trái): "Việt Nam sẽ giải quyết các vấn đề của mình bằng chính sức của mình". Ảnh: Nguyễn Hưng.
"Mục tiêu của chúng ta là giữ được chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, cũng như môi trường hòa bình, ổn định. Chúng ta hợp tác với các nước trên quan điểm độc lập, tự chủ, không liên minh, không liên kết quân sự, không dựa vào bất kỳ nước nào để giải quyết vấn đề của mình", vị Phó tư lệnh Hải quân nói.
Tướng Minh cho biết, thời gian qua hải quân Việt Nam và hải quân các nước ASEAN đã có các hoạt động hợp tác chia sẻ thông tin, chống cướp biển, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, chống buôn lậu... ; ở cấp độ song phương đều có các hợp tác cụ thể.
Hiện nay, hải quân Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng với Thái Lan, Campuchia và đã tuần tra chung với hải quân 2 nước này trên 20 lần; thiết lập đường dây nóng với Philippines và đang thúc đẩy tuần tra chung với Malaysia và Indonesia. Theo kế hoạch, cuối năm 2011 Việt Nam sẽ ký về tuần tra chung với Malaysia và Indonesia. Cách đây một tháng, hải quân Việt Nam và Trung Quốc cũng tổ chức tuần tra chung trong 2 ngày.
Theo Cục Chính trị Hải quân, Hội nghị Tư lệnh Hải quân là một trong 3 hội nghị quân binh chủng quan trọng (không quân, hải quân, lục quân) trong khuôn khổ hợp tác quân sự ASEAN đang được triển khai. Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa quân đội các nước ASEAN trong việc đối phó với các thách thức an ninh đang nổi lên trong khu vực hiện nay.
Với chủ đề "Hợp tác hải quân ASEAN vì hòa bình và an ninh biển", tại ANCM-5, tư lệnh hải quân các nước sẽ trao đổi và chia sẻ quan điểm về tình hình an ninh khu vực, vai trò và biện pháp hợp tác của hải quân để đối phó với các thách thức này trong thời gian tới; thảo luận hai sáng kiến của Việt Nam gồm định hướng hợp tác hải quân và giao lưu sĩ quan hải quân trẻ nội khối.

'Việt Nam không lôi kéo các nước vào biển Đông'

 "Bản chất của biển Đông là vấn đề quốc tế chứ không phải Việt Nam, Philippines hay Indonesia lôi kéo các nước khác vào để quốc tế hóa", Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN (ANCM-5) sáng 27/7.

Sáng 27/7, tư lệnh hải quân các nước ASEAN đã nhóm họp tại Hà Nội. Đây là lần thứ năm những người đứng đầu hải quân các nước trong khu vực tập trung bàn thảo về chủ đề hợp tác vì hòa bình và an ninh biển.
Theo Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh hải quân Việt Nam, những năm qua, xu thế hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên biển tiếp tục được duy trì và có những bước phát triển thuận lợi cho hợp tác hải quân cả trong và ngoài khu vực. Tính thực tiễn của hợp tác ngày càng rõ, nổi bật nhất là việc hợp tác tuần tra chung ở eo biển Malacca khiến nạn cướp biển trên tuyến hàng hải quốc tế quan trọng bậc nhất thế giới này giảm mạnh...
Tuy nhiên, ASEAN cũng đang đứng trước những thách thức an ninh đáng kể. "Một thực tế rõ ràng là trong khu vực chúng ta tồn tại những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với một số vùng biển, đảo, tập trung trên khu vực biển Đông", Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến nói.
Ảnh:
Tư lệnh Hải quân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến. Ảnh: Phan Lê.
Theo ông, nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa chủ quyền đối với một số quốc gia trong khu vực đang đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Điều này tạo nguy cơ bùng nổ xung đột nếu không có nhận thức chung đúng đắn, quyết tâm cho một giải pháp hòa bình và quản lý xung đột hữu hiệu. Đó là chưa kể đến các thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng gia tăng như thảm họa môi trường, buôn lậu, tội phạp xuyên quốc gia...
Để ứng phó, Tư lệnh Nguyễn Văn Hiến đề nghị hải quân ASEAN cùng xác định lập trường chung về giải pháp hòa bình, thông qua đàm phán cho việc giải quyết các tranh chấp trên những vùng biển có tranh chấp chủ quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982. Các nước ASEAN ngoài công khai, minh bạch chính sách quốc phòng để tạo dựng lòng tin cần ủng hộ tích cực cho nỗ lực thực thi Tuyên bố ứng xử các bên ở biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Hoan nghênh trước việc ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về Hướng dẫn thực hiện DOC, song theo ông Hiến còn cần sự thống nhất giữa lời nói và hành động cũng như thống nhất nhận thức từ cấp lãnh đạo tới người dân. "Bản chất của biển Đông là vấn đề quốc tế chứ không phải Việt Nam, Philippines hay Indonesia lôi kéo các nước khác vào để quốc tế hóa", Tư lệnh hải quân Việt Nam nói.
Cũng tại hội nghị, lần lượt người đứng đầu hải quân các nước đã nêu lên mối quan tâm của mình về hợp tác vì hòa bình và an ninh biển. Theo Đô đốc Tan Sri Abdul Aziz, Tư lệnh hải quân Malaysia, vấn đề chủ quyền trên biển của các nước hiện rất phức tạp. Tuy nhiên, những vấn đề như môi trường biển, an ninh biển… thì cần cách giải quyết chung. Vì vậy, cần hợp tác chia sẻ thông tin an ninh hàng hải giữa các nước như Malaysia đã làm khá tốt trong thời gian qua.
Vị Tư lệnh này đề nghị nên mở rộng cơ chế này trong khu vực ASEAN. "Muốn làm được điều đó, cần lựa chọn một đơn vị trung tâm kết nối thông tin ở mỗi nước để có tin đầy đủ, nhanh nhạy nhằm có hướng xử lý kịp thời", người đứng đầu hải quân Malaysia nói.
Ảnh: Admm.org.
Những người đứng đầu hải quân ASEAN chụp ảnh lưu niệm trong phiên họp sáng 27/7. Ảnh: Admm.org.
Đề cập đến chủ đề tranh chấp trên biển, Phó tư lệnh Philippines, tướng Alexander Pama đề nghị các nước ủng hộ quan điểm giải quyết bằng hình thức song phương lẫn đa phương. Trong khi đó, Phó Tư lệnh Myanmar, tướng Nyan Tun khẳng định, hợp tác an ninh biển, xử lý hài hòa lợi ích đều là mong muốn của các dân tộc yêu chuộng hòa bình. Ông hy vọng, thông qua các cuộc tiếp xúc, hội nghị của tư lệnh, vấn đề giữa các nước sẽ được giải quyết, đi đến thống nhất dựa trên quan điểm tự nguyện, nguyên tắc đồng thuận.
Đánh giá cao tầm quan trọng của an ninh hàng hải trong bối cảnh hiện tại, Phó đô đốc Marsetio - Phó tư lệnh Hải quân Indonesia - đề xuất lộ trình cụ thể để thúc đẩy hợp tác thông qua hội nghị Tư lệnh hải quân các nước theo hướng mở rộng. Indonesia cũng tán thành việc lập hệ thống chia sẻ thông tin; thành lập trung tâm huấn luyện sĩ quan các nước ASEAN, như tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các sĩ quan tham mưu các cấp để xử lý kịp thời những thông tin liên quan đến tình hình chung của khu vực.
Mang đến thông tin khá thiết thực về hợp tác hải quân, Tư lệnh hải quân Singapore, tướng Ng Chee Peng cho biết, việc tuần tra chung giữa Singapore với một số nước chống cướp biển thời gian qua là rất khả quan. "Chúng tôi đã lập cổng thông tin ASEAN về vấn đề an ninh biển, hân hạnh mời hải quân các nước tham gia để chia sẻ thông tin", vị Tư lệnh này cho biết.
Trong khi đó, Tư lệnh Hải quân Brunei đề xuất nên mở rộng hội nghị này giống ADMM+, tức là mời các nước đối tác của ASEAN tham dự. Nếu trước mắt chưa tiến tới ANCM + thì nên nghiên cứu mời quan sát viên các nước.
Trong khuôn khổ hội nghị, từ nay tới 29/7, những người đứng đầu hải quân ASEAN sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương và đi thăm một số đơn vị hải quân Việt Nam. Hội nghị ANCM 6 sẽ được tổ chức tại Brunei vào năm 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?