Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

VFF tổng kết mùa giải 2011: Giông tố - Bầu Kiên công kích trực diện VFF và trọng tài

- Hôm 08/09/2011 xứng đáng được coi là một ngày lịch sử của bóng đá VN, khi hàng loạt vấn đề nhạy cảm và gai góc cùng được đưa ra phát biểu công khai với nhiều chủ thể khác nhau. Chỉ với bài phát biểu kéo dài chừng hơn 10 phút của mình, bầu Kiên gần như đã xóa sạch toàn bộ những ác cảm mà một bộ phận dư luận đã dành cho cá nhân ông sau gần một thập kỷ chứng kiến cảnh tượng đội bóng HN.ACB “lên bờ xuống ruộng” dưới bàn tay ông.
Sau ngày hôm qua người ta mới thấy hóa ra bầu Kiên còn tâm huyết với bóng đá VN thậm chí còn hơn cả những người đang chịu trách nhiệm điều hành nền bóng đá nước nhà, và nếu không phải vì những bức xúc dồn nén trong suốt một thời gian dài giờ mới chọn được thời điểm thích hợp để giải tỏa thì khó mà thấy được ẩn sâu dưới vẻ ngoài lạnh lùng của bầu Kiên lại làm một đam mê cháy bỏng đến thế.
Bầu Kiên phát biểu đầy bức xúc trong buổi tổng kết
Nguyên văn bài phát biểu của bầu Kiên tuy không được phát sóng toàn bộ trên VTV, nhưng chỉ với vài phút trích dẫn qua bản tin thể thao của nhà đài cũng đủ để giúp bầu Kiên nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số độc giả trên TT&VH Online và số lời bình luận dưới bài phát biểu của bầu Kiên cứ tăng chóng mặt theo cấp số nhân. Điều đó cho thấy bầu Kiên đã nói trúng gan ruột của những người hâm mộ luôn dành sự quan tâm sát sao với đời sống bóng đá VN, và họ đã phải chờ rất lâu mới được nghe những lời lẽ như thế.
Diễn biến này hẳn không phải là điều mà VFF chờ mong trong ngày tổng kết mùa giải mà họ tự nhận là “mùa giải hấp dẫn nhất sau 10 năm thử nghiệm bóng đá chuyên nghiệp ở VN”, bởi khi cả đại diện của các CLB cũng như người trong nội bộ lãnh đạo VFF còn công khai bày tỏ sự thiếu hài lòng với bộ máy điều hành của VFF thì rõ ràng mùa giải vừa qua và mấy năm gần đây nữa đều chất chồng vấn đề.
Thật lạ là cùng bỏ tiền để đầu tư cho đội bóng như nhau, nhưng có ông bầu được ưu ái hết mực, chẳng hạn như được nhắm mắt làm ngơ để đồng thời sở hữu 2 đội bóng ở cùng một giải đấu trong sự bất bình thấy rõ của phần còn lại (với trường hợp của bầu Hiển), thì cũng có CLB bị dí lên dí xuống qua nhiều mùa giải tới mức ông bầu của họ phát nản mà phải đau xót từ bỏ cuộc chơi (chẳng hạn như HP.HN).
Mà nếu xét theo quy luật thông thường thì những người như bầu Tuấn, bầu Long của Hòa Phát hay bầu Kiên của HN.ACB lẽ ra phải được VFF trọng thị hết mực mới đúng, bởi họ vừa có tiềm lực tài chính rất lớn đồng thời lại sở hữu tình yêu bóng đá thực sự cùng khát khao cháy bỏng là làm bóng đá sạch từ gốc. Thế mà, cuối cùng họ đã được đối xử như thế nào?!
Như TT&VH đã từng đề cập, những gì diễn ra trong gần một tuần qua ở bóng đá VN dường như mới chỉ là sự khởi đầu, và có lẽ vẫn còn rất nhiều giông tố đang chờ đón ở phía trước.

Bầu Kiên làm cuộc họp tổng kết giải “nổi sóng”

Ngày 8/9, tại cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam ở Hà Nội, không khí đã thực sự nóng khi bầu Kiên đứng lên tham gia diễn đàn và có màn bày tỏ nhiều bức xúc với những nỗi niềm của một ông bầu đã tham gia V-League 2011.
“Các anh nghĩ chúng tôi là trẻ con lớp 1, lớp 2 hay sao mà đưa ra một bản tổng kết như vậy”, ông bầu Nguyễn Đức Kiên (HN.ACB) mở màn cho bài phát biểu "có một không hai" trong lịch sử các buổi họp tổng kết của VFF. Tưởng chừng như sẽ là một cuộc họp bình thường, với những tổng kết báo cáo "vô thưởng vô phạt" đôi khi khiến người đi dự họp cảm thấy “buồn ngủ”, nhưng phòng họp đã “nổi sóng” khi bầu Kiên lên tiếng.
Bài phát biểu của ông Kiên kéo dài với nhiều tâm trạng. Ông Kiên chỉ ra rằng một mùa giải mà trong báo cáo nói rằng “hấp dẫn nhất từ trước tới nay trong lịch sử V-League” là còn vô số những điều thiết sót, những vấn đề bất cập. Ngoài công tác trọng tài còn nhiều yếu kém, những quyết định của trọng tài khiến cho nhiều đội bóng phải điêu đứng, ông bầu của HN.ACB còn “xới” lại ví dụ điển hình nhất là tiếng còi của trọng tài Trần Công Trọng trong trận đấu của Vicem Hải Phòng và HP.HN. Bầu Kiên còn không ngại động chạm khi nói thẳng ra rằng việc chủ tịch HĐ Trọng tài Nguyễn Văn Mùi có cả con trai lẫn con rể cùng thổi còi ở giải VĐQG là điều không thể chấp nhận được.
Bầu Kiên tham gia "diễn đàn" ở cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 - Ảnh CTV
“Các anh có biết vì sao bầu Long, bầu Tuấn bỏ bóng đá không, vì chúng tôi mất hết niềm tin, mất hết sự tin tưởng vào sự điều hành nền bóng đá”, bầu Kiên bày tỏ. Ông Kiên còn khẳng định rằng những đội bóng không bao giờ chịu mất một xu cho trọng tài như HN.ACB luôn luôn là những đội bóng phải chịu thiệt thòi. Ông Kiên còn nói rằng đội của ông và một số đội bóng khác sẵn sàng tách riêng lập ra một giải đấu kiểu Super-League và điều đó đồng nghĩa với việc…tẩy chay luôn V-League.
Một cuộc họp tổng kết rõ ràng chỉ mang tính tổng kết, và đã là tổng kết thì nội dung dường như còn chung chung. Nhưng khi người ta đã dám thẳng thắn nói ra những bức xúc, bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn thì cuộc họp đột nhiên trở nên “nóng”.
Nếu như nhiều người trong cuộc cùng đứng lên, cùng dám nói như bầu Kiên thì cuộc họp tổng kết mùa giải của VFF hẳn sẽ còn “rôm rả” hơn.
Trần Uy Vũ
VFF tổng kết các giải VĐQG
... Thay mặt BTC các giải, ông Dương Nghiệp Khôi - Phó Tổng thư ký, Trưởng BTC các giải quốc gia đã đọc dự thảo báo cáo tổng kết mùa giải 2011. Mùa giải 2011 có dấu mốc quan trọng đối với quá trình phát triển của các giải đấu quốc gia, trong đó Giải bóng đá VĐQG Eximbank 2011 là mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên (sau 10 năm thử nghiệm) toàn bộ 14 CLB tham gia giải đều là chuyên nghiệp (doanh nghiệp). Đối với giải Hạng nhất QG và Cúp QG, năm 2011 cũng được đánh giá là năm bản lề trong tiến trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp theo kế hoạch và định hướng của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Bản báo cáo cũng nêu rõ: "Mùa giải năm 2011 cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được cơ quan quản lý hoạt động bóng đá giải quyết khắc phục như: "Sự thi đấu thiếu quyết tâm của một bộ phận cầu thủ, CLB khi đã đảm bảo số điểm cần thiết để trụ hạng hoặc thăng hạng tạo nên những hình ảnh, dư luận xấu trong xã hội, các sai sót của trọng tài trong những thời điểm quyết định của Giải ảnh hưởng trực tiếp đến các CLB trong nhóm liên quan, tạo áp lực vô cùng lớn đối với Ban tổ chức Giải cũng như Lãnh đạo các CLB".

Có thể nói, mùa giải 2011 đã kết thúc với nhiều sự kiện đan xen giữa tính tích cực và những tồn tại, cũng đặt Liên đoàn bóng đá Việt Nam đứng trước thực tế phát triển nhanh của bóng đá chuyên nghiệp, đòi hỏi cần phải đổi mới để phù hợp với yêu cầu quản lý và điều hành trong điều kiện mới, cũng như rất cần sự ủng hộ và quan tâm của các cơ quan, ban nghành, các CLB và người hâm mộ trên cả nước. 
Mặc dù còn một số khiếm khuyết trên bước đường chuyên nhiệp hoá bóng đá tại Việt Nam, nhưng có thể khẳng định rằng: LĐBĐVN, Ban tổ chức giải đã cùng với các Câu lạc bộ, Ban tổ chức trận đấu, các Giám sát, trọng tài, các hội Cổ động viên ở các địa phương đã có nhiều nỗ lực để giành được những kết quả đáng ghi nhận tại mùa giải 2011.
Sau phần phát biểu tổng kết mùa giải 2011, ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT AVG thông báo về công tác truyền hình trực tiếp tại mùa giải vừa qua. So với mùa giải 2010, năm 2011 các trận đấu thuộc giải 3 giải trên đã được AVG phối hợp các đơn vị truyền hình trong nước truyền hình trực tiếp với tần suất cao hơn nhiều lần. Bên cạnh đó, AVG đã báo cáo với Thường trực LĐBĐ Việt Nam về việc cung cấp miền phí bản quyền truyền hình trực tiếp giải VĐQG Eximbank 2012 cho toàn bộ đài truyền hình trong nước và các đài truyền hình địa phương. Về giải HNQG, AVG sẽ tường thuật 52 trận đồng thời sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ cho các VĐV, HLV gặp chấn thương trong quá trình tham dự giải.
Tại buổi tổng kết mùa giải, Chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi cũng có báo cáo tổng kết công tác trọng tài mùa giải 2011. Công tác đào tạo, phát triển và bồi dưỡng trọng tài được thực hiện liên tục và thường xuyên nhằm tăng cường phát triển năng lực đội ngũ trọng tài cả về chất và lượng. Tuy nhiên, do tính chất căng thẳng của mùa giải công tác phân công trọng tài của HĐTT QG ở thời điểm cuối mùa giải gặp nhiều khó khăn.
Trong điều kiện các CLB có sự cạnh tranh quyết liệt qua từng trận đấu, nhiều trận có tính chất phức tạp, tạo nhiều áp lực, một số trọng tài có biểu hiện nương nhẹ với đội chủ nhà, xử lý không kiên quyết các lỗi thô bạo nên có những cầu thủ không ngại sử dụng lối đá thô bạo và tiểu xảo với cầu thủ đội khách. Nghiêm trọng nhất là hai trọng tài chính điều khiển hai trận đấu: Vicem Hải Phòng- HPHN và Becamex Bình Dương- Vicem Hải Phòng, do không chuẩn bị tốt về tâm lý, bản lĩnh không vững vàng dẫn đến nhiều sai sót chuyên môn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đội ngũ trọng tài và của giải đấu... Dù vậy, nhìn chung các trọng tài trẻ có sự tiến bộ về chuyên môn, thể hiện được năng lực và bản lĩnh. Với sự chỉ đạo của HĐTTQG, ở hai vòng đấu cuối, các trọng tài đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong những trận đấu có tính chất căng thẳng và quyết định tới việc lên - xuống hạng của các CLB.
Tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 đã diễn ra lễ trao các giải thưởng cá nhân và CLB đạt danh hiệu tại mùa giải này. Các danh hiệu trọng tài và trợ lý trọng tài xuất sắc trong năm 2011 cũng được trao tại hội nghị...
Ngoài ra, tại cuộc hội thảo bàn về công tác chuẩn bị cho mùa giải tới, HLV ĐTVN Falko Goetz đề xuất tới vấn đề đăng ký cầu thủ ngoại thi đấu. Theo HLV trưởng ĐTVN Falko Goetz chỉ nên đăng ký 4 cầu thủ ngoại cho cả mùa giải và trong mỗi trận đấu chỉ sử dụng tối đa 3 cầu thủ nhằm tạo điều kiện cho cầu thủ nội phát triển năng lực và trình độ. Ngoài ra, việc phát triển cầu thủ trẻ như là một sự đầu tư cho tương lai. Vì vậy, cần có cam kết của tất cả các CLB đối với việc phát triển cầu thủ. Nên chăng ngay từ mùa giải tới, mỗi CLB sẽ có tối thiểu 2 cầu thủ sinh năm 1990 trở về sau cho đội hình xuất phát mỗi trận đấu. Hệ quả của việc này là LĐBĐVN có thể chọn lựa tối thiểu 70 cầu thủ cho SEA Games 2013 từ 14 CLB. HLV Falko Goetz cho rằng việc tổ chức và quy định này sẽ không quá tốn kém và mang lại hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói chung và các đội tuyển QG nói riêng.
Theo VFF

Bài phát biểu chi tiết của “bầu” Kiên

Bầu Kiên của HN.ACB đã nói như chưa bao giờ được nói những suy nghĩ của mình về thực trạng bóng đá VN hiện nay.

“Cho phép tôi nói dài vì nhiều năm nay tôi không dự các cuộc họp và cũng không được nói nhiều. Tôi nghĩ đây là lúc cần thiết phải nói thẳng các cái tồn tại, thực trạng của bóng đá VN”, ông chủ của đội bóng HN.ACB nói.
BÁO CÁO CỦA VFF. “Nếu tôi là lãnh đạo VFF, tôi sẽ không thông qua dự thảo của BTC giải và HĐTT vì đã không nêu được thực chất những vấn đề của bóng đá VN thời gian qua. Báo cáo ngày hôm nay, báo cáo 10 năm trước, có thiếu hay thừa cái gì không? 10 năm nay gần như không có sửa đổi để phù hợp với sự phát triển với thực tế, những thay đổi của FIFA. Sự thụt lùi khiến chúng ta không thể quản lý các giải chuyên nghiệp cũng như quản lý các CLB. Tôi sẽ không tham gia đóng góp vào dự thảo bởi chỉ trong vòng vài chục phút, rồi biểu quyết thông qua, đó không phải là một công việc nghiêm túc.”
BẢN QUYỀN TRUYỀN HÌNH. “Phí bản quyền truyền hình chia 50% cho VFF và 50% cho các CLB. Nhưng, VFF lại ký hợp đồng trước 20 năm mà không thông qua các CLB. VFF cho rằng đó là những điều khoản bí mật, không được phép công bố nhưng chúng tôi cũng là một phần của cuộc chơi, lại không được biết gì cả. Chúng tôi có liên hệ với ông Hỷ, với Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ để phản đối nhưng đã được thông báo vấn đề này được thông qua. Thực chất tất cả những vấn đề chúng tôi không được biết một tí gì cả”.
“20 năm độc quyền là một thời gian vô cùng dài. Tôi không tin trên thế giới có liên đoàn nào có độc quyền tới 20 năm. Nhiệm kỳ các anh chỉ kéo dài 3, 4 năm 1 nhiệm kỳ mà các anh ký tới 20 năm. Tôi không tranh luận tính hợp pháp, đúng thẩm quyền hay không, nhưng tôi cho rằng về kinh tế, VFF đã tự đưa vào một sự ràng buộc, có ảnh hưởng lâu dài cho bóng đá VN những năm về sau”.
“VFF nói không có ai quan tâm đến truyền hình, có đối tác thế rồi là quý lắm rồi, đòi hỏi gì nữa? Nhưng có công khai không? Tôi cho rằng hợp đồng này cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc”.
TRỌNG TÀI. “Tôi nói thẳng thắn anh em trọng tài đừng buồn. Trọng tài giờ tiêu cực hơn, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn mùa giải 2005 rất nhiều. Tôi được biết, trước trận đấu với ĐTLA, có những người đến tiếp xúc với Hòa phát, nếu cho trọng tài 500 triệu, bảo đảm trận này Hòa Phát sẽ thắng. Không ít người tiếp xúc với tôi bảo rằng cần phải lo trọng tài nhưng tôi luôn nói với anh em: một đồng cũng không bao giờ cho”.
“Tôi xin hỏi các anh, nếu không có bàn tay của các trọng tài, bóng đá Hải Phòng liệu có trụ hạng nổi không?” (trường hợp trọng tài Trần Công Trọng đã xử ép Hòa Phát, giúp Hải Phòng thắng vòng 23 V.League, trọng tài Nguyễn Văn Quyết bỏ qua quả 11m cho Bình Dương, gián tiếp giúp Hải Phòng thắng Bình Dương ở vòng 24 V.League).
“Với số tiền tài trợ như hiện nay, VFF phải có những chi trả thỏa đáng cho trọng tài, để anh em có cuộc sống đàng hoàng, yên tâm làm nhiệm vụ. Tôi cho rằng VFF đối xử với trọng tài, không công bằng, đầu tiên là đãi ngộ”.
VFF BAO CHE. “VFF luôn nói câu quen thuộc: Bằng chứng đâu? Bằng chứng trong tay các anh cả. Các anh biết hết, biết rõ ràng, biết trọng tài nào tốt, trọng tài nào không tốt. Tôi bảo đảm các anh biết. Bóng đá là một sân khấu và diễn viên người ta có thể xem được cả bốn mặt. Chỉ có người trách nhiệm có mở mắt ra để nhìn thấy hay không, hay cố tình cho qua. Bao nhiêu năm rồi, suốt ngày các anh hỏi câu “bằng chứng đâu?” thì nghe sao nổi”. Anh Mùi nói có 22 trọng tài, điều hành 14 đội bóng. Vì sao một trọng tài lại bắt cho một đội 5 trận ở một mùa giải? Cứ đội ý lại trọng tài đó bắt. Anh Khôi nói không dùng trọng tài địa phương để bắt, các anh tạo ra vòng kim cô và bắt người khác phải theo mình. VFF hiện nay bao cấp hơn mọi thời kỳ bao cấp khác. bộ máy phình to, chức năng, nhiệm vụ nói là rõ ràng lắm nhưng chẳng ai làm đúng và đủ chức năng của mình”.
“Anh Long là một người yêu bóng đá, và muốn làm bóng đá một cách tử tế. Nhưng cách điều hành của BTC giải, của VFF khiến anh ấy chán chường đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Chính vì vậy gia đình anh ấy không muốn anh ấy tiếp tục làm bóng đá nữa và Hòa Phát đã giải tán cũng bởi vì thế. Chúng tôi cũng đã xem xét đến việc bỏ giải, nếu như không có những thay đổi”.
SUPER LIGA. “Tôi xin truyền tải một thông điệp và nỗi bức xúc của các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tài trợ cho bóng đá. Tôi xin thưa với các anh rằng, trước đại hội này, tôi nhận được yêu cầu của 6 CLB đề nghị rời bỏ cuộc chơi, rời bỏ V.League. Sẵn sàng tổ chức một giải Vô địch mới mang tên Super Liga. Tôi cho rằng đó là những ý kiến khá tiêu cực, bản thân tôi khuyên họ bình tĩnh để có thể thẳng thắn góp ý kiến với VFF, chứ không phải mâu thuẫn hay phá đám gì. Nhưng thực sự, sự bức xúc của các doanh nghiệp với VFF là quá lớn, nhưng lãnh đạp VFF thờ ơ, BTC giải thờ ơ”.
THAY ĐỔI. “Nếu tôi là Chủ tịch VFF thì tôi không cho phép những gì đang diễn ra ở VFF. Có xử lý được trọng tài không, tôi đảm bảo được. Có xử lý được BTC giải không? Việc đó quá dễ. Bóng đá bây giờ rất khác, rất rõ ràng, nếu không có thay đổi, sẽ không ai còn chơi với chúng ta. Tôi nhận Hòa Phát chính là trách nhiệm với cầu thủ. Trách nhiệm với bóng đá HN. Nếu cần một đội lên hạng, với tôi quá dễ, tôi có thể cùng một lúc có 5-10 đội bóng, nhưng đấy không phải là tôi”.
“VFF cần có một sự thay đổi cơ bản, căn cơ từ việc giao dục cầu thủ, quy định ngặt nghèo hơn về lương thưởng. Ngoài tôi và Thanh Hóa, gần như không có lãnh đạo cao nhất ở các CLB tới dự Hội nghị này. Họ không còn quan tâm tới VFF nữa. Một cuộc chơi mà chủ tịch các CLB không quan tâm thì có còn cuộc chơi không? Tôi sẵn sàng hợp tác, để cùng VFF giải phẫu căn bệnh của bóng đá VN. Tôi tin rằng cần có những thay đổi, từ quy chế, đến tổ chức vận hành CLB và cả những điều nhỏ nhất”.
vài dòng tâm huyết ( Phạm Thiên Bình )
mừng vì xã hội vẫn còn nhiều người tâm huyết. Nhìn vào đâu của xã hội bây giờ cũng thấy tiêu cực, làm con người ta mất lòng tin. Nhưng chúng ta, những người thẳng thắn và tâm huyết không bao giờ thoái chí, lùi bước. Lịch sử Việt Nam chưa từng làm nô lệ cho cái xấu, bị đồng hoá bởi cái xấu. Đừng để những giá trị tiêu cực tha hoá chúng ta bởi như thế giá trị của chúng ta nhỏ bé quá, còn thế hệ sau sẽ như thế nào? Con người còn nhiều giá trị khác to lớn hơn bên cạnh tiền bạc, Liệu chúng ta sẽ đánh đổi tiền bạc lấy tất cả giá trị khác? Điều gì sẽ xảy ra với trí tuệ, với tự do, với nhân cách và lòng tự trọng? Đấy mới chính là những giá trị con người vĩnh hằng đưa VN sáng ngời trong bức tranh toàn cầu. Chúng ta phải tự coi trọng ta bằng nhân cách khác, thế giới phải nhìn chúng ta bằng một con mắt khác. Thiên Bình

Những phát biểu “bom tấn” ở hội nghị tổng kết mùa giải 2011

Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của bóng đá Việt Nam bỗng chốc trở nên nóng bỏng bởi những phát biểu "bom tấn" của những người trong cuộc.
* Chủ tịch CLB HN.ACB Nguyễn Đức Kiên
Tôi xin phép được nói thẳng, tôi sẽ không thông qua bản báo cáo tổng kết mùa giải mà BTC đưa ra vì nó không nêu được thực trạng của bóng đá VN. Nếu VFF không làm đến nơi đến chốn, sẵn sàng rút kinh nghiệm những vấn đề còn tồn tại thì chúng tôi sẽ từ bỏ, không tham dự V-League nữa.
Cá nhân tôi thấy BTC có vấn đề, cố tình bao che, bưng bít, không làm hết trách nhiệm. VFF hôm nay còn bao cấp hơn mọi thời bao cấp, bộ máy phình to, nhưng chức năng nhiệm vụ không rõ ràng. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VFF 10 năm nay gần như không có sửa đổi cho phù hợp với diễn biến của bóng đá VN.
Tôi được biết, hiện có ít nhất 6 CLB sẵn sàng cùng nhau đứng ra tổ chức một giải đấu Super League thay cho V-League đang tồn tại nhưng có quá nhiều vấn đề. Về việc tiếp nhận CLB HP.HN, chúng tôi đã có văn bản chính thức gửi tới Sở VH-TT-DL Hà Nội.
Công tác trọng tài đặc biệt bị phê phán ở hội nghị tổng kết hôm qua của VFF
Với tư cách là một cổ đông, tôi đề nghị Eximbank trong vai trò nhà tài trợ yêu cầu VFF phải giải trình những vấn đề tồn tại trong mùa giải vừa qua, nếu không làm được thì rút, không tài trợ nữa.
Bóng đá là sân khấu mà người đến xem được xem cả bốn mặt. Người diễn tuồng trên đó người ta cũng biết. Chỉ có điều những người có trách nhiệm có chịu mở mắt ra mà xem không thôi. Nói thật, tôi nhận CLB HP.H chỉ vì trách nhiệm với các cầu thủ, với bóng đá. Chứ để kiếm một suất lên hạng đối với tôi không có gì khó. Tôi có thể mua 5 hay 10 CLB đều được.
Tôi thấy có quá nhiều trọng tài không tốt. Trọng tài ngày nay tiêu cực hơn, tinh vi hơn, và thủ đoạn hơn trước đây, vì không được quản lý chặt chẽ, giám sát có hiệu quả. Tôi được nhiều người tiếp cận, nói trận này phải cho trọng tài ngần này, ngần kia. Nhưng xin thưa tôi không bao giờ cho trọng tài một xu nào cả.
* Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng
Tôi thừa nhận công tác chỉ đạo phải nói là kém. Vừa rồi V.Hải Phòng treo thưởng 10 tỷ đồng cho đội bóng để trụ hạng, theo tôi như thế là làm hỏng cầu thủ. Tôi cũng không hiểu tiền đó rơi vào đâu để V.Hải Phòng thắng. VFF biết, nhưng phản ứng còn chậm chạp và nói thật là cũng hơi bị “bó tay”.
Về trọng tài, qua thông tin báo chí và các kênh khác, tôi cũng cảm thấy rất bức xúc. Vừa rồi công bố kết quả bầu chọn danh hiệu Còi vàng, bạc, đồng, tôi thấy rất ngạc nhiên. Trong 3 người, thì 2 người một là con trai, một là con rể anh Mùi (chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi-PV). Như thế là hại anh ấy. Dù làm khách quan nhưng người ta sẽ nghi ngờ. Tôi đề nghị sắp tới cần phải cải tổ mạnh mẽ HĐTT QG. Phải cử người có chuyên môn tham gia ban Trọng tài.
Nếu BTC không cải tổ, thay đổi các vấn đề tồn tại thì Ngân hàng Eximbank sẽ rút lui, không tài trợ cho V-League mùa giải 2012 nữa. Vấn đề cần cải tổ trước tiên chính là công tác trọng tài. Tại hội nghị BCH vào hôm nay, tôi yêu cầu phải đánh giá bộ máy chuyên môn, điều hành nếu không đáp ứng được đòi hỏi của công việc phải thay luôn.
BCH phải có giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại. Theo tôi, từ bây giờ trở đi, với những vấn đề quan trọng VFF cần mời đại diện các CLB đến để trao đổi. Cá nhân tôi thấy đáng sợ với công tác trọng tài. Tôi nghĩ trọng tài nào yếu thì cho nghỉ chơi luôn, cần phải sòng phẳng với nhau như vậy.
Hợp đồng tài trợ của Eximbank cho V-League là 30 tỷ/mùa giải thì chẳng có lý do gì VFF không tăng chế độ cho các trọng tài trong mỗi trận đấu. Làm được như thế, trọng tài sẽ yên tâm hơn với nghề, cống hiến hết mình, hạn chế tiêu cực.
* TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh
Theo tôi VFF cần có giải pháp quyết liệt, chứ nếu khi lên đấu pháp, chiến thuật còn phải xem trọng tài nào bắt chính thì không ổn. Có những vấn đề đề cập nhiều, tại sao VFF không làm? Như chuyện một ông chủ nắm 2 CLB. Các anh có thể nói thanh tra, kiểm tra không phát hiện gì. Nhưng việc anh Hiển (chủ tịch tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển-PV) trận này thưởng cho HN.T&T một tỷ, trận sau thưởng cho SHB.ĐN một tỷ là như thế nào? Việc điều hành một giải đấu như V-League là vô cùng phức tạp và tôi thấy BTC thiếu kiên quyết, Thường trực VFF thì thiếu chỉ đạo sát sao những việc nóng bỏng nên để xảy ra nhiều chuyện.

'Có một nhóm trọng tài mafia thao túng cuộc chơi'

Phó chủ tịch VFF, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank, Lê Hùng Dũng đã tổng công kích vấn đề trọng tài vốn rất nổi cộm ở mùa bóng vừa qua.

Ông Lê Hùng Dũng.
Ông Lê Hùng Dũng.
“Nếu BTC không cải tổ, thay đổi các vấn đề tồn tại thì Ngân hàng Eximbank sẽ rút lui, không tài trợ cho V.League mùa giải 2012 nữa”.
“Vấn đề cần cải tổ trước tiên chính là công tác trọng tài. Tôi rất bức xúc trước vấn đề trọng tài mùa giải vừa qua. Có một nhóm mà báo chí gọi là nhóm trọng tài Mafia khống chế toàn bộ cuộc chơi để thu lợi bất chính. Tôi xin khẳng định là cái đó có. VFF biết nhưng phản ứng chậm chạp và hơi bị bó tay trước vấn đề này”.
“Tôi xin nhận khuyết điểm với các CLB nếu có thiệt hại liên quan đến trọng tài ở mùa giải vừa rồi. Công tác chỉ đạo của Ban thường trực phải nói là kém. Gần như khoán trắng công tác trọng tài cho các ban chuyên môn, vậy nên mới xảy ra cơ sự. Đó chính là kẽ hở của Ban thường trực.”
“Tại Hội nghị BCH vào hôm nay, tôi yêu cầu phải đánh giá bộ máy chuyên môn, điều hành nếu không đáp ứng được đòi hỏi của công việc phải thay luôn. Ban chấp hành phải có giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại. Theo tôi, từ bây giờ trở đi, với những vấn đề quan trọng VFF cần mời đại diện các CLB đến để trao đổi”.
Sau những gì đã xảy ra, ông Dũng cho rằng tại Hội nghị BCH VFF, Thường trực VFF cần xem xét lại mô hình hoạt động của Hội đồng TTQG. Việc Chủ tịch Hội đồng TTQG có đến 2 con (con trai Nguyễn Trọng Thư, con rể Võ Quang Vinh) cùng làm trọng tài chính rõ ràng là điều không ổn đối với dư luận nên cần có sự thay đổi ở mùa giải năm sau. Ông Dũng cũng tán đồng việc VFF bỏ HĐ trọng tài QG để thay bằng Ban trọng tài và yêu cầu ông Mùi nên nghỉ.
Liên quan đến hai trọng tài mắc sai lầm nghiêm trọng trong các trận của V. HP gặp Hòa Phát và Bình Dương cần phải đuổi việc, cấm làm nhiệm vụ vĩnh viễn để làm gương. Ông nói thẳng: “Nếu cảm thấy không làm được việc, việc điều hành quá kém thì anh Tuấn (ông Trần Quốc Tuấn - tổng thư ký VFF), anh Khôi (ông Dương Nghiệp Khôi - trưởng BTC giải) cũng nên nghỉ đi”.

Dấu chấm hết cho một cuộc tình

Không còn là thái độ đắn đo, lưỡng lự nữa, chủ tịch CLB HP.HN Nguyễn Mạnh Tuấn quay trở lại với sự quyết đoán thường thấy ở ông: “Hơn bất cứ ai, chúng tôi (những lãnh đạo của tập đoàn Hòa Phát) là những người tiếc nuối nhất, buồn nhất nếu chuyện chia tay với bóng đá xảy ra, nhưng ngày hôm nay, tập đoàn Hòa Phát vẫn phải chính thức xác nhận việc sẽ không tham gia tài trợ cho CLB bóng đá HP.HN bắt đầu từ mùa giải 2012”.
Vẫn lời ông Tuấn: “Toàn bộ tài sản, nhân viên trực thuộc của Cty CP bóng đá Hòa Phát đã được chuyển giao cho Cty CP thể thao ACB”. Với tuyên bố đó của bầu Tuấn, đã có thể đặt dấu chấm hết cho mối tình với bóng đá kéo dài hơn 8 năm qua của tập đoàn Hòa Phát.
Quyết định không của một người
Bầu Tuấn (trái) cho biết quyết định rút lui khỏi bóng đá của tập đoàn Hòa Phát là dựa trên biểu quyết của các thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn -  Ảnh: VSI
Trái với những thông tin đồn đoán, rằng ngay giữa các ông chủ của tập đoàn Hòa Phát đang tồn tại quan điểm trái ngược nhau về vấn đề nêu trên, cụ thể là bầu Long đưa ra quan điểm rút lui, còn bầu Tuấn và bầu Quang (Nguyễn Ngọc Quang, PGĐ Cty CP bóng đá Hòa Phát) thì bảo lưu ý kiến tiếp tục gắn bó với bóng đá, chủ tịch CLB HP.HN Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, quyết định rút lui khỏi bóng đá của tập đoàn Hòa Phát là biểu quyết được đưa ra trong cuộc họp giữa các thành viên hội đồng quản trị tập đoàn chứ không phải là ý kiến của cá nhân ai.
Theo đó, quan điểm của tập đoàn Hòa Phát là xét thấy việc đầu tư, tài trợ cho bóng đá ở thời điểm này là không phù hợp và quyết định cụ thể của họ như thế nào thì đã được mô tả ở phần trên. Bấu Tuấn không lý giải cặn kẽ “không phù hợp” nghĩa là gì nhưng ông thốt lên một câu khá chua chát: “Thời cuộc phải thế, biết làm sao bây giờ?!”.
Những điều còn lại
Một trong những điều quan tâm nhất của tập thể hơn 100 con người của CLB HP.HN là số phận của họ sẽ ra sao sau cuộc chuyển giao cho Cty CP thể thao ACB? Trả lời về vấn đề này, bầu Tuấn cho biết, tất cả chính sách, chế độ của các thành viên HP.HN vẫn được giữ nguyên sau khi chuyển giao. Bên cạnh đó, những cam kết còn dang dở của tập đoàn Hòa Phát trong bóng đá cũng sẽ được khẩn trương thực hiện trước khi bầu Long, bầu Tuấn rút lui.
Có thể đánh giá tuyên bố nêu trên của bầu Tuấn là một động thái nhằm trấn an dư luận, đặc biệt là các cầu thủ nằm trong biên chế của HP.HN, khi đã có những lo lắng hiển hiện về một sự đổ vỡ và một cuộc tháo chạy hàng loạt nếu đội bóng ấy quy về dưới trướng của bầu Kiên. Phân tích về vấn đề này, ông Tuấn cho biết: “Cơ sở để thương thảo và quyết định mọi việc là các bản hợp đồng mà HP.HN ký với cầu thủ, kể cả khi đã chuyển giao cho Cty CP thể thao ACB thì các điều khoản trong đó cũng không có gì thay đổi”.
Tuy vậy, như chính ông Tuấn thừa nhận: “Tập đoàn Hòa Phát sẽ hoàn thành hết trách nhiệm của mình tại CLB bóng đá HP.HN, nhưng sau đó hình hài của nó thế nào sẽ tùy thuộc vào chủ mới (bầu Kiên-PV)”.
Thay cho lời tạm biệt, bầu Tuấn nói: “Tập đoàn Hòa Phát không muốn nhắc lại những ân oán hay những chuyện đã xảy ra trong thời gian qua. Chúng tôi đến với bóng đá vì tình yêu, còn bây giờ thì ra đi trong thanh thản, không có bất cứ sự oán trách hay thù hận ai ở đây cả”.
Câu hỏi cuối cùng mà TT&VH đặt ra cho ông Tuấn là: “Liệu trong tương lai, tập đoàn Hòa Phát có quay trở lại với bóng đá?”. Bầu Tuấn để ngỏ khả năng đó nhưng có thể cảm nhận là ông PCT tập đoàn Hòa Phát dường như không mặn mà lắm với ý tưởng vừa nhắc.
Thế là “8 năm tình sử” của tập đoàn Hòa Phát trong lĩnh vực bóng banh cuối cùng đã kết thúc một cách khá chua xót! Còn bây giờ, trước mắt của CLB HP.HN sẽ là một cuộc bể dâu...! 

Khởi đầu cho một sự kết thúc?!

Mọi nỗ lực liên hệ của TT&VH với các lãnh đạo chủ chốt của VFF để hỏi về chuyện lãnh đạo HP.HN chính thức tuyên bố “khai tử” đội bóng của mình đều không thành công. Cũng dễ hiểu cho cái sự bất thành này, bởi ngày mai (8/9), VFF sẽ tiến hành tổng kết mùa bóng 2011 nên có lẽ đây không phải là lúc thích hợp để lãnh đạo VFF lên tiếng về một vụ việc nhạy cảm như thế. Rõ ràng VFF đã có vai trò không nhỏ để dẫn tới sự biến mất của CLB HP.HN trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp VN, và chính những ông bầu của HP.HN đã trực tiếp cảnh báo điều này sau khi họ cùng ông chủ tịch VFF trực tiếp chứng kiến cảnh tượng HP.HN bị trọng tài Trần Công Trọng ép cho phải thua V.Hải Phòng trong trận cầu sinh tử ở sân Lạch Tray.
Xét từ góc độ chuyên môn, cả HP.HN lẫn HN.ACB đều không phải những cái tên tiêu biểu của bóng đá chuyên nghiệp VN, thậm chí lối chơi tẻ nhạt của 2 đội bóng này còn được cho là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến sân Hàng Đẫy ngót chục năm nay cứ vắng hoe vắng hoắt như chùa Bà Đanh.
Hàng trăm con người ở đội bóng HP.HN đang có nguy cơ thất nghiệp sau vụ sáp nhập với HN.ACB. Ảnh: VSI
Hơn nữa, việc HP.HN được chuyển giao cho HN.ACB suy cho cùng cũng có thể được coi như là “lá rụng về cội”, bởi cách đây 8 năm, CLB LG.ACB.HN sau khi nhận vé xuống hạng ở V-League 2003 đã sáp nhập với Hàng không VN (tiền thân là CAHN) để trở thành LG.HN.ACB (và sau đó đổi là HN.ACB) và giữ luôn quyền chơi ở V-League của Hàng không VN. Các cầu thủ thừa ở 2 đội này được gộp lại tạo thành lập đội HP.HN để chơi ở giải hạng Nhất.
Vấn đề đặt ra ở đây là chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, bầu Kiên đã có tới 2 lần “cải tử hoàn sinh” cho đội bóng của mình chỉ với một cách thức, và đáng nể hơn nữa, ông bầu này lại còn thu hồi chính xác món hàng mà mình từng bán cho người khác cách đây 8 năm. Từ vụ việc của HP.HN và HN.ACB mới thấy, việc V.Hải Phòng “bung két” chi gần 10 tỷ đồng cho 4 trận đấu cuối cùng ở mùa giải năm nay để trụ hạng hóa ra lại quá lãng phí, vì nếu tìm được một ông bầu nào khác chán bóng đá ở V-League, có khi V.Hải Phòng không phải tốn kém đến thế để duy trì sự hiện diện của mình ở V-League 2012.
Những chuyện đang xảy ra ở V-League hiện tại có cái gì na ná với thị trường chứng khoán và bất động sản VN, khi sau một thời kỳ “tăng trưởng ngoạn mục”, cả chứng khoán lẫn bất động sản đều đang có dấu hiệu “xì hơi bong bóng” và khiến cho khối kẻ phải lao đao, ngay cả với những tên tuổi từng nổi đình nổi đám một thời.
Kịch bản tương tự dường như cũng đang xảy ra với bóng đá chuyên nghiệp VN, khi 2 đội bóng tiên phong trong công cuộc chuyên nghiệp hóa bóng đá VN là HA.GL và ĐT.LA thì một ngắc ngoải suốt 5, 6 năm qua (HA.GL), còn một thì xuống hạng (ĐT.LA).
Cùng lúc đó, V-League còn phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn khác, chẳng hạn như trào lưu mua bán sang tên đội bóng, xu hướng nhập tịch tràn lan cho ngoại binh để phục vụ thành tích trước mắt, hay sự bát nháo lộn xộn trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ… Đấy còn chưa kể tới những vấn đề nghiêm trọng khác như sự tồn tại ngang nhiên của tình trạng một ông chủ 2 đội bóng ở cùng một giải đấu song vẫn được VFF tặc lưỡi cho qua, trong khi bóng đá châu Âu thì thậm chí còn nghiêm cấm điều này với cả một giải đấu ở quy mô châu lục chứ không phải là giải VĐQG như V-League.
Phải chăng những điều này là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang bắt đầu phải trả giá vì sự phát triển quá nóng và thiếu bền vững trong công cuộc phát triển bóng đá chuyên nghiệp VN, mà sự rút lui của những ông bầu có tiềm lực kinh tế cực mạnh và nhiệt huyết thực sự với bóng đá như bầu Tuấn, bầu Long của HP.HN mới chỉ là sự khởi đầu?
Có lẽ VFF thấu hiểu điều này hơn bất cứ ai hết!

HP.HN: Chuyện bây giờ mới kể

Thông tin tập đoàn Hòa Phát từ bỏ bóng đá chắc chắn là sự kiện gây sốc trong giới bóng banh VN những ngày qua. Ngay cả chính những người trong cuộc cũng không ngờ đến một ngày nào đó họ lại phải chia tay niềm đam mê lớn nhất của đời mình theo cách khá bẽ bàng như vậy.
Tương lai đã có lúc màu hồng
Đó là khi bầu Tuấn quay sang vuốt mái tóc của cậu con trai đang học lớp 11 rồi trìu mến hỏi: “Thế nào, có thích bố mua Công Vinh không?”, cậu con trai mở to mắt vừa ngạc nhiên lại vừa thích thú: “Thật hả bố?”. Chuyện vừa kể không phải chỉ là những câu nói đùa, nhất là khi ông Tuấn đã có lần tâm sự: “Làm bóng đá mà cứ đì đẹt hết năm này sang năm khác khiến tôi mệt mỏi quá. Năm nay phải thay đổi mới được”.
Bây giờ, trước mắt của CLB HP.HN sẽ là một cuộc bể dâu... Ảnh: VSI
Chuẩn bị cho mùa giải mới, việc HP.HN lên kế hoạch chiêu mộ những cầu thủ thuộc hàng top tại V-League cũng không phải chỉ là để nói cho vui. Những ông chủ của họ đề ra một quan điểm khác hẳn mọi năm: “Chỉ hướng đến những cầu thủ có chất lượng cao hơn đội ngũ hiện tại và cầu thủ nào người ta mua được thì mình cũng mua được”. Chân sút Samson từng được coi là mục tiêu tối thượng cho đến khi HP.HN phát hiện ra là cầu thủ người Nigeria đã “tiêu tiền” của HN.T&T cách nay khá lâu.
Một khu huấn luyện hiện đại, một kế hoạch chiêu binh rầm rộ, những bản hợp đồng đang chờ gia hạn và “lên đời”..., ai cũng hân hoan trước viễn cảnh HP.HN trụ lại tại V-League 2011 sẽ mở ra một tương lai sáng sủa cho tất cả.
Nhưng bỗng chốc hóa thành xám xịt
Kết thúc trận đấu cuối cùng với K.KH vào ngày 21/8, BHL cùng các cầu thủ đội bóng Thủ đô ai về nhà nấy và cho tới lúc đó, chưa hề có bất cứ biểu hiện nào cho thấy các ông chủ của tập đoàn Hòa Phát sẽ từ bỏ bóng đá, thậm chí, người ta vẫn làm lễ nhập trạch ở khu huấn luyện mới và di chuyển đồ đạc về đó.
Nhưng chừng vài ngày trước kỳ nghỉ lễ 2/9 thì những tin đồn bắt đầu râm ran xuất hiện. Những người gần gũi với các ông chủ của tập đoàn Hòa Phát kể lại, trong suốt dịp họ đưa gia đình cùng đi du lịch nước ngoài vừa qua, bầu Long đề ra “nội quy” là nếu ai nhắc đến bóng đá, ngay lập tức ông sẽ bay về nước.
Đó là biểu hiện thật kỳ lạ bởi ông chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long là người có tiếng đam mê trái bóng tròn và niềm vui lớn nhất đối với ông là nói chuyện về nó. Sau trận đấu sinh tử với ĐT.LA ở vòng 25 V-League 2011, bầu Long sướng quá đến độ không muốn ăn mà chỉ muốn ngồi nói chuyện về bóng đá, về khoảng 40 cuộc điện thoại cùng những tin nhắn “khủng bố” ông trước giờ bóng lăn. Hình ảnh còn đọng lại đến bây giờ là cách ông Long cười hả hê: “Tôi làm bóng đá cho vui chứ có chạy theo thành tích đâu mà cứu với giúp”.
Thế mà giờ đây tập đoàn Hòa Phát rút lui khỏi bóng đá. Khoảng cách từ nụ cười tối hôm ấy cho đến những giọt nước mắt ngày hôm nay cách nhau chưa đầy một tháng.
Như bầu Tuấn chia sẻ, hơn ai hết, những ông chủ của HP.HN là những người buồn nhất, tiếc nuối nhất và... đau nhất với kết cục ngày hôm nay. Họ tránh nói về bóng đá cũng là cách để tránh động tới vết thương lòng của mình.
Nhưng còn vết thương, còn nỗi buồn và số phận của những người khác thì sao? Thôi đành tặc lưỡi rằng thời thế thế thời phải thế!

Những đội bóng từng “biến mất” trong lịch sử V-League

Lịch sử 11 mùa giải chuyên nghiệp vừa qua ghi nhận sự tham dự của 23 đội bóng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, có 5 đội bóng đã không còn tồn tại nữa do giải thể hoặc chuyển giao, sáp nhập với các đội bóng khác. Đó là Ngân hàng Đông Á, Thể Công, Quân khu 4 , Thanh Hóa và mới nhất là HP.HN (xem bảng thống kê dưới đây).
Trong số này, cái tên xuất hiện ít lần nhất tại V-League là Quân khu 4. Thăng hạng chuyên nghiệp năm 2009, nhưng chỉ sau đúng một mùa giải chuyên nghiệp, đội bóng mặc áo lính Quân khu 4 đã chính thức bị xóa tên khi vào cuối mùa giải 2009, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã quyết định chuyển giao đội bóng cho Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Kể từ đó cho đến nay, đội bóng mới được mang tên N.SG.
Tên đội
Số mùa tại V-League
Thành tích tốt nhất
Ngân hàng Đông Á
4
Hạng 3 mùa giải 2001-2002
Quân khu 4
1
Hạng 11 mùa giải 2009
Thể Công
6
Hạng 3 mùa giải 2000-2001
Thanh Hóa
3
Hạng 9 mùa giải 2007
HP.HN
6
Hạng 9 mùa giải 2005
Tên tuổi hơn Quân khu 4 là Ngân hàng Đông Á. Tham dự V-League từ những ngày đầu tiên dưới cái tên CATP.HCM, đến mùa giải 2003 đội bóng được đổi tên thành Ngân hàng Đông Á. Sau lần cuối cùng tham dự V-League (năm 2004), CLB Ngân hàng Đông Á bị giải thể và được chuyển giao cho CLB Sơn ĐT.LA, trước khi trở thành CLB V.Ninh Bình vào năm 2006.
Nổi tiếng nhất trong số những tên tuổi này phải kể tới Thể Công. Đội bóng giàu truyền thống bậc nhất VN đã có 6 mùa giải tham dự V-League trước khi được Bộ quốc phòng giao cho Viettel quản lý sau khi kết thúc mùa giải 2009. Gần như ngay lập tức, Tổng công ty Viễn thông Quân đội đã chuyển giao đội bóng cho Thanh Hóa và kể từ đó cái tên Thể Công biến mất trên bản đồ bóng đá VN.
Và không thể không nhắc đến trường hợp “hồn Trương Ba da hàng thịt” của Thanh Hóa. Đội bóng xứ Thanh phải xuống hạng ở mùa giải 2009, nhưng cùng năm đó Thanh Hóa được Viettel chuyển giao cho đội Thể Công, dẫn tới việc đầu năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định giải tán đội bóng Thanh Hóa phải thi đấu ở giải hạng Nhất và chỉ duy trì đội bóng Thanh Hóa vừa được chuyển giao.
Cuối cùng, với việc các ông bầu của Hòa Phát chính thức tuyên bố chuyển giao HP.HN cho HN.ACB, HP.HN đã trở thành cái tên thứ 5 biến mất khỏi V-League trong vòng 11 năm qua.

HLV Nguyễn Thành Vinh: “Bầu Long rất chán chường về bóng đá ta”

 HLV Nguyễn Thành Vinh đang nghỉ ngơi sau một mùa giải căng thẳng tại quê nhà. TT&VH đã có cuộc trao đổi với ông về bóng đá VN cũng như HP.HN.
* Theo ông, mùa giải chuyên nghiệp năm thứ 11 để lại những ấn tượng gì?
- Một giải đấu tốn rất nhiều tiền của các đội bóng và rất nghiệt ngã. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi sự nghiệt ngã không nằm ở tính đua tranh chuyên môn, mà là những toan tính không lành mạnh của nhiều người tham gia giải đấu.
* Phải chăng ông muốn nói đến BTC giải?
- Ý tôi nói là cả nền bóng đá chúng ta chưa chuyên nghiệp, chưa lành mạnh của nhiều người tham gia giải đấu, chứ không muốn nhắm vào BTC. Thực ra, vẫn có rất nhiều người tốt, có tâm huyết với bóng đá chuyên nghiệp, như bầu Đức của HA.GL, bầu Thắng của ĐT.LA, bầu Long của HP.HN, bầu Kiên của HN.ACB…
Là người trong cuộc, tôi biết mấy năm nay họ rất muốn được làm bóng đá tử tế. Họ không bao giờ chơi với trọng tài. Nếu tất cả các ông bầu đều cùng ký hiệp ước nói không với bóng đá tiêu cực, thì chắc chắn bóng đá ta sẽ lên chuyên rất nhanh. Nhưng điều đó khó quá, nên ông bầu nào càng muốn làm bóng đá tử tế thời điểm này càng thiệt và lẻ loi.
Ông bầu Trần Đình Long (trái) và HLV Nguyễn Thành Vinh buồn bã rời khỏi sân Hàng Đẫy sau trận HP.HN để thua HN.ACB ở lượt về V-League 2011
* Hôm bị trọng tài (TT) Trần Công Trọng thổi ép, ông có nói rằng có một nhóm TT đang thao túng bóng đá VN kiểu mafia?
- Tôi không nói hàm hồ, mà căn cứ những gì diễn ra trên sân cỏ. Bản thân tôi cũng nghe rất nhiều đồng nghiệp phàn nàn về trọng tài ta chưa đàng hoàng, thân đội bóng này, ghét đội kia.
Những gì tôi phản ứng về TT Công Trọng, rõ ràng đến thời điểm này có câu trả lời chính xác rồi đấy, mafia hay không ai cũng cảm nhận được. Hôm VFF gọi chúng tôi lên với thái độ động viên, tôi cũng nói thẳng: “Hòa Phát muốn các anh phải làm rõ trắng đen và phải xem trận đấu lại từ phút thứ nhất, chứ không phải động viên”.
Tôi cũng nói thẳng với anh Dương Nghiệp Khôi rằng: “Tôi nghe dư luận đang đồn, đã có quy hoạch cho 2 suất xuống hạng. HN.ACB và HP.HN khán giả ít, Hải Phòng và “Gạch” đông khán giả, đặc biệt Hải Phòng, nên có chủ trương để 2 đội bóng Thủ đô xuống hạng”. Anh Khôi bảo làm gì có chuyện đó.
Thú thực sau khi bị TT Công Trọng xử ép, bầu Long rất chán chường về bóng đá ta. Anh ấy phải sang Lào công tác, nhưng cũng điện về bảo BHL rằng nếu VFF không làm rõ trắng đen, thì các anh cứ bỏ thi đấu trận gặp SHB.ĐN, tôi chịu trách nhiệm. Các anh phải kiện đến Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch, thậm chí cả Tòa án thể thao quốc tế, không để kiểu bóng đá mafia như thế hoành hành.
* Theo ông, bóng đá VN có cần thiết phải mở một chiến dịch “bàn tay sắt” như năm 2005 để cắt bỏ triệt để những ung nhọt?
- Rất cần thiết. Bởi tôi biết chắc nếu thời điểm này tiêu cực, thì mức độ tinh vi lẫn tiền bạc sẽ rất ghê gớm. Muốn thế, VFF cần dũng cảm, không sợ thiếu người đá bóng, người làm bóng đá và cầm còi.
* Nhưng HP.HN cũng có trận đấu tai tiếng trước K.KH ở vòng cuối đấy thôi?
- Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng đấy là trận đấu mà tôi dám khẳng định phía HP.HN không hề tác động bất cứ điều gì về vật chất lẫn tình cảm với K.Khánh Hòa. Tôi nghĩ K.Khánh Hòa đã hết động lực, nên cầu thủ thiếu tập trung. Ai cũng thừa hiểu chúng tôi đã tự cứu mình bằng chiến thắng trước ĐT.LA trên sân họ vòng 25.
* Nghĩ lại về trận đấu đó, hẳn ông vẫn còn nhiều cảm xúc.
- Tôi gọi đấy là trận đấu vĩ đại. BHL đã làm đấu pháp tốt, anh em cầu thủ đồng lòng, và nói thẳng trời có mắt. Ngoài ra, TT Vũ Bảo Linh hôm đó bắt tốt. Thực ra, cầu thủ đội tôi luôn thi đấu có nhiệt huyết, nhưng đội gặp một số vấn đề về chuyên môn, nên bị kìm hãm thành tích. Nhược điểm rõ nhất trong 3 mùa qua là hàng phòng ngự.
* Ông cảm thấy thế nào sau những ngày dẫn dắt HP.HN?
-  Tôi thấy 2 vấn đề: lãnh đạo HP.HN đã chú trọng xây xựng cái nền rất kỹ càng, từ cơ sở vật chất ăn ở, tập luyện đến chăm lo lực lượng các tuyến. Về cá nhân, tôi cũng cảm thấy mình được việc khi đưa đội bóng lên hạng và 2 năm liền trụ hạng. Bạn thấy đấy, trụ được hạng đâu phải là điều dễ, đến như HA.GL, N.SG hay K.KH còn chật vật. ĐT.LA truyền thống thế còn rớt hạng thì theo tôi HP.HN trụ được là đạt yêu cầu.
Vấn đề, bản thân đội bóng đã có kỷ luật hơn, có tổ chức hơn. Nếu so sánh 3 năm trước đây, ai cũng bảo Hòa Phát rất nát và vô kỷ luật. Tôi nghĩ, chỉ cần vài ba năm nữa thì HP.HN sẽ bắt đầu có quả ngọt do hệ thống trẻ phát triển. Còn bây giờ, rất khó để đội có thành tích cao, chỉ là thời điểm cầm cự. Đấy là thực tế, bất cứ HLV nào cũng cảm nhận được điều đó.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Niềm tin nào ở lại?

Không cần phải đợi đến những lời phát biểu thẳng thắn, thậm chí rất phũ của chủ tịch CLB HN.ACB Nguyễn Đức Kiên trong hội nghị tổng kết mùa bóng 2011 người ta mới biết phía sau bản báo cáo tổng kết hào nhoáng, đẹp đẽ của BTC giải có gì. Chỉ có điều, những gì mà ông bầu của đội bóng Thủ đô nói ra giống như cái tát vào bộ máy điều hành của tổ chức xã hội này...

1. Rất gay gắt trong phần phát biểu của mình, ông chủ của đội bóng mới xuống hạng HN.ACB đã khiến cho cả phòng họp im phăng phắc, một vài người "có liên quan" cũng chẳng thể ngẩng mặt lên nổi.

Có thể những phát biểu của bầu Kiên là hơi "phũ" hoặc chẳng có "bằng chứng" về chuyện trọng tài, chuyện tiền bạc nhập nhằng..., nhưng rõ ràng chẳng phải vô cớ ông chủ của ngân hàng Á Châu lên tiếng thẳng thắn đến thế, trong 1 hội nghị của BTC giải.

Phải rất bức xúc, ông chủ của đội bóng vừa rớt hạng HN.ACB mới đăng đàn một cách quyết liệt, và phát biểu dài như thế, chứ không đơn thuần đến nói cho sướng miệng.

Hẳn chẳng cần phải nói quá nhiều vào bài phát biểu ấy, bởi chỉ thời gian rất ngắn sau khi những bản tin thể thao về hội nghị phát ra cộng đồng mạng, những người yêu bóng đá đã được xem, nghe trọn hết cả.

PCT Lê Hùng Dũng nhận khuyết điểm về ban điều hành V-League

Và cũng chẳng cần phán xét nhiều về những gì mà ông chủ của Ngân hàng Á Châu nói, cứ nhìn những gương mặt tái dại trước sự thật, những ánh mắt lảng tránh máy quay phim, máy ảnh của những "người có liên quan" thì đủ hiểu sự thật ra sao.

2. Những vấn đề mà bầu Kiên nói có mới hay không? Xin thưa rằng là không. Bởi từ lâu nay, không chỉ có dư luận mà ngay cả rất nhiều người trong cuộc, những thành viên của chính tổ chức này đã lên tiếng hết cả.

Nhưng người nói thì cứ nói, còn làm hay không lại là một vấn đề khác hẳn. Đến cựu GĐKT HA.GL ông Nguyễn Văn Vinh, GĐĐH của ĐT.LA Phạm Phú Hoà thẳng thắn, và chịu phát biểu trong mỗi lần tham dự hội nghị tổng kết như thế cũng còn nản, huống gì các thành viên khác yếm thế, và kiệm lời.

Hoặc giả như mỗi lần báo chí lên tiếng, dư luận phản đối tất cả cũng chỉ để đó. Thậm chí, phải tới lần tổng kết này báo chí mới được tham dự vào giờ chót, mà nếu như không có yêu cầu thẳng tới chủ tịch VFF của bầu Kiên, có lẽ giới truyền thông được tham dự cũng đừng hòng xảy ra.

Dường như, ở tổ chức này chuyện bưng bít sự thật, sợ trách nhiệm, sợ đối mặt với dư luận có lẽ đã trở thành truyền thống. Thế nên, đã có thời gần như những hoạt động ở đây giống như cấm cung, và chỉ người trong nhà mới biết sự thật thế nào.

Bởi thế, nhiều người đùa rằng "tổ chức xã hội của một nhóm người" chiếu với những gì đã, đang diễn ra có khi lại chẳng sai. Chỉ khổ cho người hâm mộ cứ tin rằng tổ chức cao nhất của bóng đá Việt Nam đang nỗ lực hết sức cho tương lai của bóng đá nước nhà...

3. Như đã nói những gì mà bầu Kiên nói, ai cũng biết cả, chỉ có điều nó được nói ra vào thời điểm nhạy cảm nhất, và cần phải nói nhất giống như cơn mưa đổ xuống chiều hè nắng gắt.

Đã rất lâu, kể từ khi GĐKT của HA.GL Nguyễn Văn Vinh về ở ẩn, chăm lo công tác đào tạo trẻ, hay ông GĐĐH Phạm Phú Hoà "chán chẳng buồn nói" sự thật mới được lên tiếng, và mạnh như thế.

Dư luận đồng tình là cái chắc, nhưng họ cũng buồn đấy. Cứ nhìn vào những nét biểu cảm khi lúc bầu Kiên đăng đàn của một số người có trách nhiệm thì chẳng vui hay hy vọng gì nổi.

Chút ít niềm tin còn sót lại, sau bao năm đánh rơi theo từng chặng đường phát triển của bóng đá Việt Nam, kể từ lúc lên chuyên đến giờ có khi chẳng thể còn khi cứ nhìn vào cảnh ông trưởng giải, ông chủ tịch này, chủ tịch kia tái đi vì sự thật được phơi bày.

Giả sử kết thúc bài phát biểu của mình, bầu Kiên hỏi "ai hoàn thành trách nhiệm giơ tay" có khi vài anh bảo vệ dám giơ thôi. Ít ra, bảo vệ còn quyết tâm làm theo chỉ thị của lãnh đạo không cho truyền thông vào xem, nghe tổng kết. Chứ nhiều trách nhiệm thế, ai mà dám?


“Đã có 7 câu lạc bộ có ý định từ bỏ V- League, nếu chúng tôi làm như vậy thì các anh làm bóng đá với ai”-  ý kiến thẳng thắn của bầu Kiên tại hội nghị tổng kết mùa giải hệt như một cú vả vào những yếu kém của VFF.

Dù biện minh thế nào thì riêng hành vi cấm báo chí vào dự hội nghị tổng kết mùa giải  2011 của VFF cũng là điều không thể chấp nhận được trong thời thế giới phẳng, thời “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nó chẳng những là việc làm nông cạn mà còn thể hiện rõ sự thiếu tôn trọng của lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam đối với công luận. Hay nói như bầu Kiên “chúng ta làm đúng pháp luật thì việc gì phải ngại, phải cấm báo chí vào dự”.

Trước không ít những yếu kém trong công tác điều hành, quản lý mùa giải vừa qua như chính Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng buộc phải thừa nhận, có lẽ giới lãnh đạo  VFF  muốn đóng của bảo nhau. Thế nhưng không có thuốc đắng thì chắc những cố tật của bong đá Việt Nam bắt nguồn từ sự yếu kém của chính VFF có lẽ còn lâu mới được loại bỏ khi lãnh đạo liên đoàn còn tâm lý như vậy.

Chính vì vậy, có thể coi những điều thắng thắn mà ông Kiên bày tỏ dù chỉ là một liều thuốc chưa chắc đã giúp VFF dã tật nhưng ít ra nó cũng là một lon nước ngọt giữa cái thời tiết ngột ngạt, luẩn quẩn của công tác điều hành, quản lý bóng đá của Liên đoàn.

Sau khi thẳng thắn phân tích những nhân tố khá mờ ám liên quan đến sự trụ hạng của V. Hải Phòng, ông Kiên đòi “đuổi cổ” vĩnh viễn đối với hai trọng tài liên quan đến những trận đấu này, đồng thời lớn tiếng sẽ kiến nghị HĐQT Eximbank không tài trợ cho những mùa giải tiếp theo nếu VFF vẫn duy trì cách thức quản lý, điều hành như hiện nay.

Thái độ khá gay gắt và những câu phát biểu rành rọt, nhấn nhá của bầu Kiên lẽ ra phải được lãnh đạo VFF tiếp thu với thái độ cầu thị để có cách thức giải quyết thì ở phía dưới hội trường, tiếc rằng, lại là những biểu hiện có phần ngao ngán của Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ và một số cán bộ dưới quyền. Cứ như việc nội dung phát biểu của bầu Kiên đã “đánh cướp” những chiến tích của một mùa giải hay nhất từ trước đến nay như trong báo cáo của VFF.

Những điều đó lại càng khiến cho hy vọng những bất cập của liên đoàn sẽ được khắc phục thêm xa vời ngoại trừ một ý, vẫn của ông Lê Hùng Dũng khi ông đề nghị xem xét lại vai trò của Trưởng BTC Dương Nghiệp Khôi và TTK Trần Quốc Tuấn. "Nếu không làm tốt nhiệm vụ cần phải thay ngay và tìm kiếm ra người khác thay thế".
Mất hơn 10 năm, giải V-League mới có được buổi lễ tổng kết “sôi nổi” với nhiều vấn đề gai góc được mổ xẻ trong hội trường. Quá bức xúc về hàng loạt sự cố xảy ra, Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF cũng bày tỏ nỗi thất vọng với người nhà…

Sau loạt sự cố liên quan đến công tác trọng tài, dư luận và giới truyền thông đều chờ đợi VFF, BTC giải, cùng các bên liên quan sẽ nhìn nhận thẳng thắn vào những hạn chế để từ đó đề ra hướng khắc phục. Đáp lại sự chờ đợi, VFF lại quyết định “đóng cửa” bảo nhau ở phần quan trọng nhất là đánh giá lại các mặt mùa giải 2011.

Phải nhờ tới sự tác động của nhiều đại diện CLB, các phóng viên mới được vào tham dự để nắm bắt ý kiến của lãnh đạo VFF và tiếng nói từ chính CLB. Nếm trải nhiều nỗi bức xúc kéo dài, với tư cách là Phó chủ tịch VFF - Người có cổ phần ở Eximbank (đơn vị tài trợ chính V-League) ông Lê Hùng Dũng không ngần ngại vạch ra hàng loạt nhược điểm, cùng các mảng tối mà VFF cần khắc phục:

Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng lộ rõ vẻ bức xúc và ức chế

Bóng đá là môn thể thao dành cho đại chúng, mọi việc cần phải công khai rõ ràng chẳng có gì mà phải giấu. Nhìn lại mùa giải 2011, tôi cho rằng trọng tài là một điểm đen. Hội đồng trọng tài Quốc Gia (TTQG) hoạt động không hiệu quả và có rất nhiều trọng tài mắc sai lầm.
 
Tất cả những sự cố xảy ra đều rất rõ ràng, tôi cho rằng VFF và thường trực VFF đều biết rõ sự việc nhưng lại không đưa ra được động thái xử lý kịp thời. Nói cách khác là VFF biết, nhưng lại bó tay trong hướng xử lý…”. Sau khi chứng kiến hàng loạt đội bóng phản ứng dữ dội về công tác trọng tài, vị Phó chủ tịch VFF mạnh dạn kiến nghị Hội đồng TTQG cấm làm nhiệm vụ vĩnh viễn với 2 ông “vua sân cỏ” có biểu hiện không bình thường trong các trận đấu của V. Hải Phòng là Trần Công Trọng (Bến Tre), Nguyễn Văn Quyết (Thái Bình).
Với tư cách là nhà tài trợ chính của V-League, kiêm phó chủ tịch VFF. Ông Lê Hùng Dũng còn nêu ra kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng giải đấu, lấy lại niềm tin của người hâm mộ:

Sau những gì đã xảy ra tôi cho rằng tại Hội nghị BCH VFF, Thường trực VFF cần xem xét lại mô hình hoạt động của Hội đồng TTQG. Việc Chủ tịch Hội đồng TTQG có đến 2 con (con trai Nguyễn Trọng Thư, con rể Võ Quang Vinh) cùng làm trọng tài chính rõ ràng là điều không ổn đối với dư luận nên cần có sự thay đổi ở mùa giải năm sau.
 
Đối với 2 trọng tài mắc sai lầm nghiêm trọng trong các trận của V. Hải Phòng cần phải đuổi việc, cấm làm nhiệm vụ vĩnh viễn để làm gương. Nếu những hạn chế này không được giải quyết, với tư cách là cổ đông của Eximbank tôi có thể xem xét rút lui không tài trợ cho giải V-League...

 Ông Dũng nhận định công tác trọng tài là một điểm đen

Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không ngần ngại kiến nghị BTC giải, Ban chấp hành VFF xem xét lại vai trò của Trưởng BTC Dương Nghiệp Khôi và TTK Trần Quốc Tuấn. "Nếu không làm tốt nhiệm vụ cần phải thay ngay và tìm kiếm ra người khác thay thế".
 
Liên quan đến bản quyền phát sóng giải V-League 2012, ngày hôm nay đơn vị sở hữu AVG đã công bố kế hoạch phát sóng miễn phí các trận đấu.  Cụ thể, AVG sẽ sản xuất và truyền dẫn tín hiệu trên toàn quốc và cung cấp miễn phí sóng cho các đài truyền hình có nhu cầu.
 
Theo thông tin từ AVG, tới thời điểm này đã có ít nhất 20 đài truyền hình địa phương đăng ký việc tiếp sóng các trận đấu trong khuôn khổ V-League 2012.

Super League, tại sao không? 

Xin trả lời ngay rằng điều đó hoàn toàn có thể khả thi, bởi với tiềm lực tài chính vô cùng lớn của mình bầu Kiên hoàn toàn có thể cùng những ông bầu khác của bóng đá Việt Nam tổ chức một giải đấu riêng theo đúng tiêu chí của mình.

Có nghĩa rằng, ở giải đấu đó không có vấn nạn trọng tài, không có cách điều hành yếu kém. Và quan trọng hơn, các đội bóng sẽ thi đấu vì màu cờ sắc áo, vì người hâm mộ nhiều hơn.

Hãy thử tưởng tượng rằng, với một giải đấu mà chất lượng của nó đúng như môn giải trí thuần tuý, có nghĩa cầu thủ ra sân phải chơi hết mình, cống hiến cho người xem sẽ thế nào? Chắc chắn là hấp dẫn.

Cũng như thế, nếu Super League ra đời, và hầu bao của các ông chủ luôn rủng rỉnh như thế với lực lượng cầm còi yếu kém như hiện tại sẽ không có chỗ để thể hiện ở sân chơi đó, mà thay vào đó là những vua sân cỏ quốc tế, chẳng vướng mắc với bất cứ điều gì các trận đấu sẽ ra sao? Đương nhiên, sạch là cái chắc.

Và cũng với hầu bao rủng rỉnh, với tiêu chí "chất lượng là trên hết" từ phía các ông bầu, có thể người hâm mộ sẽ có cơ hội xem các ngôi sao ở đẳng cấp châu lục, thậm chí là Thế giới đến đá ở Việt Nam chứ không đơn thuần cuối tuần tới sân xem vài pha bóng đẳng cấp của những ngoại binh đã quá quen thuộc như hiện tại.

Đương nhiên, nếu giải đấu hấp dẫn từ tính cạnh tranh, cho tới cống hiến và có nhiều ngôi sao đương nhiên người hâm mộ sẽ phải bỏ tiền vào sân, thay vì đến xem bóng đá miễn phí như bây giờ, lúc đó hẳn Super League sẽ ăn đứt V-League.

Rất khả thi, dù cũng sẽ phải mất một khoảng thời gian không nhỏ để hoàn thiện quy chế, hoàn thiện công tác tổ chức. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng lắm, bởi điều mà các ông bầu, người hâm mộ cần chính là một thứ bóng đá sạch, cuối tuần đến sân để giải trí chứ không phải ra sân để "chửi trọng tài, cầu thủ..." như hiện tại.

Và thực tế, trên thế giới đã có rất nhiều Quốc gia có tới 2, hoặc nhiều hơn những giải đấu như thế. Mà ở nước láng giềng Indonesia là một ví dụ điển hình.

Vào đầu năm 2011 vừa qua, giải The Indonesian Premier League (LPI) đã chính thức được thành lập với 18 đội bóng tham dự sau khi ông trùm dầu mỏ Arifin Panigoro khởi xướng nhằm cạnh tranh với giải chính thống được FIFA công nhận, Indonesia Super League (ISL).

Và đương nhiên, thành lập giải đấu riêng đó LPI cũng có lý do của mình khi cho rằng "Mục tiêu của LPI là nhằm cải thiện bóng đá Indonesia, bởi nền bóng đá này đang có vấn đề lớn trong điều hành, kế hoạch phát triển..."

Đã có rất nhiều đội bóng đang chơi tại giải ISL ly khai và gia nhập giải đấu LPI, bất chấp LĐBĐ Indonesia ra thông báo sẽ không gọi bất cứ cầu thủ nào tham gia thi đấu tại giải đấu ly khai đó.

Nhưng giải đấu vẫn ra đời, thậm chí được đánh giá hấp dẫn hơn rất nhiều so với giải chính thống khi các đội bóng cống hiến, bớt gian lận hơn.

Về cơ bản, chính ông Nguyễn Đức Kiên đã nói trước mắt sẽ không có giải đấu ly khai, bởi ông và những người khác vẫn muốn tham gia phát triển bóng đá nước nhà.

Nhưng, nếu mọi chuyện không thay đổi, e là sẽ có...đổi thay. Một Super League hoàn toàn có thể được ra đời, bởi đó là nhu cầu thực tế, cũng như sự đồng thuận của đại đa số các đội bóng đang chơi ở V-League, các ông bầu lẫn người hâm mộ.

Thậm chí, đó mới là xã hội hoá thể thao chứ không chỉ đơn thuần bo bo luỵ vào một tổ chức mà chính cựu chủ tịch của tổ chức này đã nói "thấp hơn mặt bằng chung của xã hội" được.

Nếu ly khai, ai sẽ theo bầu Kiên? 

 Ông chủ của HN.ACB khẳng định rằng nếu cần thiết sẽ cùng một số đội khác ra lập giải đấu riêng được gọi là Super League. Liệu ai, đội bóng nào sẽ cùng bầu Kiên đứng ra tổ chức giải đấu riêng với tiêu chí tốt hơn, sạch hơn, chuyên nghiệp hơn so với V-League?

Sẽ là HP.HN, có nghĩa rằng bầu Long sẽ quay trở lại với bóng đá, bởi nguyên nhân lớn nhất khiến ông chủ của tập đoàn Hoà Phát "nghỉ chơi" với bóng tròn bắt nguồn từ những vấn đề điều hành của BTC V-League suốt nhiều mùa qua.

Chưa kể, bầu Long và bầu Kiên ngoài tình cảm bạn bè, cùng chung chí hướng trong cách làm bóng đá đều là những người mê môn thể thao vua và muốn làm bóng đá một cách tử tế thực sự.

Bầu Trường có lẽ cũng sẽ đi theo tiếng gọi của ông chủ ngân hàng Á Châu, bởi thực sự sau vài năm làm bóng đá Ninh Bình cũng đã mất quá nhiều, nhưng để thoả mãn đam mê là gần như chưa đủ.

Bản thân ông bầu đất Cố đô đã không ít lần chỉ trích cách điều hành của BTC V-League, trọng tài một cách nặng nề thẳng trước mặt đông đảo giới truyền thông, người hâm mộ.

Thậm chí, chính việc chán cách làm đó, rồi chỉ trích VFF khiến cho mối quan hệ vốn rất tốt đẹp của đội bóng đất Cố đô với các quan chức Liên đoàn thời mới làm bóng đá rạn nứt đến mức khó có thể hàn gắn.

Bầu Kiên khẳng định rằng nếu cần thiết sẽ cùng một số đội khác ra lập giải đấu riêng được gọi là Super League

Sẽ là HA.GL, bởi cũng chẳng khác các ông chủ những đội bóng khác là mấy, bầu Đức chỉ sau ít mùa làm bóng đá đã "chán ngấy" cách điều hành không giống ai của VFF, dù tình yêu với trái bóng thì không hề suy giảm.

Bằng chứng, hàng năm HA.GL vẫn chi rất mạnh cho đội 1, thông qua việc tăng cường lực lượng. Trong khi tuyến trẻ được bầu Đức đầu tư là vô cùng "khủng" với các khoá đào tạo trẻ liên kết với Arsenal, cũng như cho riêng mình.

Nhưng rốt cuộc, rất nhiều bất cập trong cách điều hành (tất nhiên cả từ trong nội bộ HA.GL) đã khiến tiêu chí đá tử tế, lấy thành tích bằng lối chơi sạch của đội bóng phố Núi không thể thành hiện thực nữa.

Cũng chẳng khác đội bóng kình địch một thời của mình là bao nhiêu, bầu Thắng (ĐT.LA) luôn mong muốn làm bóng đá một cách thực sự, khi không tìm mọi cách đẩy bóng đá nước nhà rơi vào những cuộc khủng hoảng (về chuyển nhượng cao, về những liên minh ma quỷ...) chắc chắn sẽ tham gia.

Nói chắc chắn, bởi bản thân bầu Thắng luôn cho rằng chuyện đá phải sạch là tiêu chí hàng đầu trong cách làm bóng đá của mình thì việc đội bóng của ông xuống hạng vì trọng tài cũng vẫn đáng tự hào, không đáng buồn.

Bởi thế, khi 1 giải đấu ra đời mà tiêu chí "nâng chất cho bóng đá Việt Nam, một giải đấu sạch, đàng hoàng và chuyên nghiệp" mà bầu Kiên khởi xướng, ĐT.LA không tham gia mới là chuyện lạ.

Sẽ còn rất nhiều đội bóng khác, đang được sự hậu thuẫn của những ông bầu nhiều tiền mê bóng đá sẽ tham gia vào giải đấu (nếu được thành lập), bởi giống như tất cả những cái tên đã kể, họ đều muốn tham gia vào cuộc chơi công bằng, sạch và đẹp chứ không phải chơi ở giải đấu mà điều thì lắm, còn tiếng thì chẳng được bao nhiêu như hiện tại.

Và ai sẽ chống?

Đương nhiên, không phải hoàn toàn tất cả các ông bầu, hoặc Tổng Cty này, công ty kia đều hưởng ứng ý kiến của chủ tịch HN.ACB Nguyễn Đức Kiên cả.

Về cơ bản, có quá nhiều lý do khiến cho họ chống lại ý tưởng đó. Chẳng hạn như SLNA, đội bóng này nói nôm na vẫn thuộc quyền quản lý của nhà nước. Và khi VFF vẫn là 1 nhánh của Sở VH-TT-DL đội bóng xứ Nghệ khó có thể rời bỏ V-League để tham gia nhóm nổi loạn được.

Cũng giống như thế, với việc vẫn sử dụng bầu sữa của nhà nước để sống và phát triển như Đồng Tháp, Thanh Hoá, thậm chí là Khacoto Khánh Hoà cũng rất khó để ly khai.

Hoặc giả như HN.T&T hay SHB.ĐN những đội bóng của bầu Hiển dù mang tiếng hoạt động như 1 doanh nghiệp tư nhân (có nghĩa là 1 CLB chuyên nghiệp có thu, chi, con dấu và pháp nhân) đấy, nhưng mối quan hệ giữa ông chủ của tập đoàn T&T và VFF thì khăng khít như chân với tay.

Thậm chí thân tới nỗi, nhiều người "độc miệng" còn bảo rằng bầu Hiển có khi còn to hơn cả chủ tịch VFF, còn chủ tịch HN.T&T Nguyễn Quốc Hội quyền chẳng kém ai ở tổ chức điều hành cao nhất của bóng đá Việt Nam, thì đủ hiểu.

Tựu trung lại, thời điểm đầu tiên nếu giải đấu ly khai được thành lập, sẽ khó có thể quy tụ đầy đủ anh hào trong làng bóng đá Việt Nam tham dự.

Nhưng nếu với những thực trạng đáng buồn đang diễn ra, và giải đấu của "nhóm nổi loạn" thành công, có lẽ một ngày nào đó mọi chuyện sẽ đổi chiều.

Bởi rất khó có thể "sống chung với lũ" mãi, rất khó có thể làm bóng đá một cách tâm huyết mãi nhưng rốt cuộc chẳng được gì, kể cả là niềm vui cuối tuần tới sân xem bóng đá của các ông bầu.

Và đại ý nói như bầu Kiên cách đây không lâu, đôi khi bóng đá chỉ là môn giải trí, mà nếu đã đi giải trí mà thấy toàn chuyện bực mình thì chẳng nên chơi làm gì nữa.

Thế nên, nếu VFF không thay đổi sẽ có một ngày tổ chức này sẽ phải đứng ở ngoài cuộc chơi mất. Bởi bầu Kiên, và các ông bầu khác là những người có tiền. Thế thôi!

1 nhận xét:

  1. Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)

    Trả lờiXóa

Có ý kiến gì không?