Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Đương kim minh chủ Túc cấu giáo - Độc cô cầu bại Barcelona (P1)

Barca - Porto 2-0: Messi lại tỏa sáng, Barca đoạt siêu cúp Châu Âu

 Hai bàn thắng của Messi và Fabregas giúp Barca hạ Porto 2-0 và giành siêu cúp Châu Âu lần thứ 4 trong lịch sử.
Sau chiến quả đầu tiên trong mùa giải mới là siêu cúp Tây Ban Nha, Barca tới Monaco với mục tiêu chinh phục danh hiệu tiếp theo là siêu cúp Châu Âu. Nhà VĐ Champions League vẫn xuất phát với bộ ba tấn công Messi-Villa-Pedro trong đó Messi đá phía sau cặp bài trung Villa-Pedro. Ở trung tâm hàng thủ, Guardiola sử dụng cặp trung vệ Mascherano-Abidal. Cả Pique lẫn Puyol đều không thể góp mặt do chấn thương. Cả hai tân binh Sanchez, Fabregas đều ngồi dự bị, Busquets không ra sân từ đầu.
Messi ăn mừng bàn mở tỷ số cho Barca - Ảnh Getty
Trong khi đó, ĐKVĐ Europa League Porto xuất phát với sơ đồ 4-3-2-1 với Kleber chơi cao nhất trên tuyến đầu. Đá ngay phía sau chân sút người Brazil là Hulk và Rodriguez. Dù vừa bán cây làm bàn Falcao cho Atletico Madrid nhưng Porto mới là những người nhập cuộc tốt hơn trong những phút đầu tiên. Ngay phút thứ 6, đội bóng Bồ Đào Nha được hưởng quả phạt ở mép vòng cấm Barca sau khi Guarin sút bóng chạm tay Abidal. Nhưng đáng tiếc cú sút của Hulk bóng đi hơi cao so với khung thành Valdes. Đến phút thứ 7 vẫn là đội bóng áo xanh trắng có cơ hội nguy hiểm. Nhận đường chuyền của đồng đội từ cánh trái, Moutinho tung ra cú sút vào góc xa buộc Valdes bay người hết cỡ đẩy bóng cứu thua bằng những đầu ngón tay. Sau đó đến lượt Hulk làm động tác giả qua mặt Abidal rồi sút chân trái khá căng nhưng bóng đi chệch khung thành Barca.
Phải tới phút 10, đội bóng Tây Ban Nha mới tạo ra được tình huống nguy hiểm đầu tiên nhưng đáng tiếc Pedro lại lốp bóng vào nóc lưới khung thành Porto trong tư thế hoàn toàn trống trải. Phút 30, Messi đi bóng đột phá qua hai cầu thủ áo sọc xanh trắng rồi chuyền xuồng cho Villa nhưng một hậu vệ Porto đã kịp xoài chân chạm bóng khiến cho đường chuyền của số 10 đổi hướng nếu không cơ hội ghi bàn đã đến với nhà VĐ Champions League.
Phút 37, sau pha phối hợp giữa Villa và Adriano, Xavi cảnh báo Porto bằng cú sút xa từ cự ly khoảng 25m. Bóng đi căng nhưng gần đúng vị trí của Helton nên thủ thành Porto đã đẩy bóng vọt xà. Nhìn chung trong phần lớn thời gian của hiệp 1, Barca kiểm soát bóng nhiều hơn hẳn Porto (67% so với 33%) nhưng tình huống nguy hiểm họ tạo ra không nhiều hơn đội khách. Các hậu vệ áo sọc xanh trắng che chắn và bọc lót cho nhau khá tốt nên những pha chọc khe quyết định hoặc những pha phối hợp gần cấm địa Porto của dàn sao của đội bóng xứ Catalunya bị hạn chế đi nhiều.
Trong tình thế khá bế tắc đó thì đội VĐ Champions League lại bất ngờ ghi được bàn thắng để dẫn trước 1-0 sau 45 phút đầu tiên. Trong pha tranh chấp bóng với một cầu thủ Barca, Guarin chuyền về sân nhà mà không quan sát nên tất cả các đồng đội của anh đều lỡ trớn. Bóng đến chân Messi khi chính số 10 của Barca cũng phải bất ngờ. Siêu sao người Argentina làm động tác giả đánh lừa Helton rồi đưa bóng vào lưới trống.
Bước sang hiệp 2, Porto lại là những người dứt điểm đầu tiên nhưng cú sút gần vòng cấm Barca của Moutinho ở phút 52 lại đi chệch khung thành Valdes. Hai phút sau Guarin tìm cách chuộc lỗi cho sai lầm chết người trong hiệp 1 bằng cú sút xa tầm 25m nhưng Valdes đã xuất sắc bay người đẩy bóng cứu thua. Đến phút 56, Barca đáp trả bằng pha dứt điểm vào góc gần của Villa ngay trong cấm địa Porto nhưng Helton đã cảnh giác và đổ người cản phá kịp thời.
Phút 60, đội VĐ Champions League bỏ lỡ cơ hội nhân đôi cách biệt. Từ một pha phản công nhanh, Messi chuyền bóng rất đẹp cho Pedro băng xuống đối mặt Helton. Nhưng tiền đạo Barca hãm bóng bị lỗi nên để cho thủ thành Porto kịp thời phá ra. Phút 67, Iniesta chọc khe cho Messi thoát xuống đối mặt Helton và lần thứ hai đánh bại thủ thành Porto nhưng bàn thắng không được công nhận. Trọng tài thổi việt vị số 10 của Barca trong tình huống khá nhạy cảm. Trong hiệp 2, Guardiola quyết định tung Sanchez và Busquets vào thay Villa và Adriano. Tiền đạo số 7 của Barca chơi không hiệu quả ở trận này. 14 phút sau khi vào sân, Sanchez mới có pha bóng đầu tiên để lại dấu ấn. Số 9 đảo chân điệu nghệ đánh lừa Sapunaru rồi sút vào góc xa khung thành Helton nhưng bóng đi không chính xác.
Khi trận đấu còn hơn 10 phút, Guardiola tung tiếp Fabregas vào thay Pedro và bản hợp đồng mới của Barca chứng tỏ giá trị của anh bằng bàn thắng nâng ấn định tỷ số 2-0 cho Barca. Một lần nữa Messi lập công đầu với pha bấm bóng tinh tế cho Cesc thoát xuống, dùng ngực hãm bóng và hạ gục Helton bằng pha dứt điểm cận thành. Không chỉ để thua 2 bàn và bế tắc trong tấn công, chỉ trong ít phút cuối trận, cả Rolando lẫn Guarin của Porto đều bị truất quyền thi đấu vì phạm lỗi với Messi và Mascherano.
Cầm chắc chiến thắng trong tay và đá hơn tới 2 người, Barca vừa chơi vừa biểu diễn chờ hết giờ. Lẽ ra họ còn có bàn thắng thứ 3 nếu như Iniesta dứt điểm hiểm hóc hơn trong vòng cấm Porto ở cuối trận. Tiền vệ của Barca sút bóng đúng vị trí của Helton nên thủ thành Porto cản được.
Dù sao chiến thắng 2-0 là quá đủ để đội bóng Tây Ban Nha hài lòng. Barca có danh hiệu thứ 2 ở mùa giải mới. Sau siêu cúp Tây Ban Nha là siêu cúp Châu Âu. Đội quân thiện chiến của Guardiola tiếp tục thể hiện sức mạnh chinh phục từ đấu trường quốc nội đến quốc tế. Đây là lần thứ 4 gã khổng lồ xứ Catalunya đoạt siêu cúp Châu Âu sau 3 lần trước vào các năm 1992, 1997 và 2009. Với thành tích này, Barca đứng thứ 2 trong số những CLB giành siêu cúp Châu Âu nhiều nhất trong lịch sử sau Milan với 5 lần chiến thắng.
+Ghi bàn: Messi 39’, Fabregas 88’
+Đội hình thi đấu
Barcelona: Valdes; Dani Alves, Mascherano, Abidal, Adriano (Busquets 63’); Keita, Xavi, Iniesta; Pedro (Fabregas 80’), Messi, Villa (Sanchez 61’)
Porto: Helton; Fucile, Otamendi, Rolando, Sapunaru; Souza (Fernando 77’), Guarin, Moutinho; Hulk, Kleber (Belluschi 77’), Rodriguez (Varela 68’) 

HLV của Porto ám chỉ trọng tài thiên vị Barca

HLV Vitor Pereira của Porto cho rằng lẽ ra đội bóng của ông phải được hưởng một quả phạt đền trong hiệp 2 trận tranh Siêu Cúp châu Âu với Barca.
Barca đã có thêm 1 chiếc Cúp nữa - Ảnh Getty
Không có bất ngờ nào xảy ra khi Barca tiếp tục cuộc chinh phạt không ngừng của mình bằng chiến thắng 2-0 trước Porto trong trận tranh Siêu Cúp châu Âu nhờ hai pha lập công của Lionel Messi và Cesc Fabregas. Dù thừa nhận Barca xứng đáng giành chiến thắng nhưng HLV Pereira của Porto tỏ ra tiếc nuối bởi đội bóng của ông không được thổi quả 11m mà họ xứng đáng được nhận.
Đó là tình huống mà Eric Abidal để mất bóng trong vòng cấm Barca ở phút 80 và để Freddy Guarin cướp được, ngay lập tức hậu vệ người Pháp đã phạm lỗi với đối phương nhưng trọng tài lại không nổi còi. Nếu đó là một quả penalty, Porto đã có thể gỡ hòa 1-1 và trận đấu có lẽ đã đi theo một kịch bản khác. Ngoài ra, Porto cũng bị truất quyền thi đấu hai người là Rolando và Guarin trong trận đấu này.
“Tôi biết rất khó để thổi phạt penalty chống lại Barca khi trận đấu bước sang phút 80. Nhưng nếu pha bóng đó xảy ra ở phần sân đối diện, đó sẽ là một quả phạt đền”, HLV Pereira khẳng định trước khi ca ngợi màn trình diễn của các học trò.
“Tôi nghĩ Porto đã có một trận đấu tuyệt vời bởi chúng tôi luôn chơi ngang bằng với Barca. Chúng tôi đã có một trận đấu tốt và thậm chí khi bị dẫn trước 0-1, Porto đã có một hoặc hai cơ hội rõ rệt để ghi bàn. Thật đáng tiếc khi chúng tôi không thể tận dụng được những sai lầm mà Porto buộc Barca mắc phải. Hôm nay chúng tôi có một Porto dám giữ bóng, gây áp lực lên khắp mặt sân và không e ngại bất cứ đối thủ nào. Chúng tôi đã cho thấy rằng Porto có mặt ở đây không phải để xem Barca chơi bóng theo cách của họ”, chiến lược gia của Porto nói tiếp.
Trong khi đó, Pep Guardiola đã giành danh hiệu thứ 12 trong sự nghiệp cầm quân với Barca, phá kỷ lục giành 11 chiếc Cúp của bậc tiền bối Johan Cruyff, nhưng phát biểu sau trận đấu, ông đã hướng hết sự chú ý vào các học trò.
“Chúng tôi rất, rất hạnh phúc không chỉ bởi Barca đã giành danh hiệu thứ 12 mà bởi đây là một trận đấu rất khó khăn. Giành 12 trong tổng số 15 chiếc Cúp có thể là một điều không thể tưởng tượng nổi, nhưng nó chỉ nói lên một điều rằng các cầu thủ tuyệt vời như thế nào. Tôi không bao giờ chán ca ngợi họ. Để giành  được ngần đấy danh hiệu trong 3 năm qua, bạn cần có nhiều thứ mà một trong số đó là bạn phải có một cầu thủ, người là lá cờ đầu để kéo cả đội đi lên. Chúng tôi có Messi, và khi bạn bổ sung những người khác vào nữa, họ trở nên thật tuyệt vời”, Guardiola nói.
Chấm điểm trận tranh Siêu Cúp châu Âu (theo Goal):
Barcelona: Valdes - 6,5; Dani Alves - 6; Mascherano - 7,5; Abidal - 6; Adriano -6; Busquets - 6; Keita - 7; Xavi - 6,5; Iniesta - 7; Pedro - 7; Fabregas - 7; Messi - 8,5; Villa - 6; Sanchez - 6,5.
Porto: Helton - 7; Fucile - 5,5; Otamendi - 6; Rolando - 6; Sapunaru - 5,5; Souza - 5; Guarin - 4,5; Moutinho - 7; Hulk - 6,5; Kleber - 5; Rodriguez - 6.

Đủ bộ sưu tập cho Messi

Món quà của tiền vệ Guarin bên phía Porto đã đặt Messi vào "thế khó": Từ bây giờ, anh chẳng biết mình còn thiếu gì để mà chinh phục nữa.
Messi đã có đủ bộ sưu tập danh hiệu - Ảnh AP
Trước khi đến Monaco, Siêu Cúp châu Âu là đấu trường duy nhất mà tiền đạo người Argentina chưa để lại dấu ấn bằng những bàn thắng. Trước đó, anh đã ghi bàn ở Liga, ở Chung kết Cúp Nhà Vua, ở Champions League, Chung kết Champions League, giải VĐTG các CLB, và cả Siêu Cúp Tây Ban Nha, nhưng vẫn chưa có bàn nào ở Siêu Cúp châu Âu sau 2 lần thử sức. Cũng với bàn thắng vào lưới Porto, Messi đã có tổng cộng 6 bàn thắng (3 ở Siêu Cúp TBN, 2 ở Cúp Joan Gamper, 1 ở Siêu Cúp châu Âu) dù mùa giải còn chưa thực bắt đầu.
Cesc: 3 trận, 3 chiếc Cúp
Cesc đến, Cesc thấy và Cesc chinh phục. Sau đói góp là no dồn. Trong khi phải chờ đợi suốt 6 năm mà không có được danh hiệu nào với Arsenal, Cesc đoạt liền một mạch 3 danh hiệu chỉ trong có hơn 10 ngày cùng Barca. Thực ra, suốt 8 năm với Arsenal, Cesc chỉ có được 2 danh hiệu là Siêu Cúp Anh 2004 và Cúp FA 2005. Và đáng nói là trừ trận tranh Siêu Cúp TBN lượt về chỉ góp mặt gần như là cho vui, Cesc trong cả hai trận Chung kết còn lại đều để lại dấu ấn với những bàn thắng. Trận gặp Napoli ở Cúp Gamper, Cesc chính là người mở tỉ số, còn trận gặp Porto, anh là người khép lại chiến thắng với một pha xâm nhập vòng cấm, khống chế gọn ghẽ và dứt điểm lạnh lùng từ đường chuyền đẹp của Messi.

Fabregas-Messi: Như chưa từng có cuộc chia ly

 1. Phút 88 của trận tranh Siêu Cúp châu Âu. Nhận thấy Messi có bóng trước vòng cấm địa của Porto, Cesc Fabregas đã từ gần giữa sân phóng thẳng vào vòng cấm của đối thủ, như thể anh biết chắc rằng Messi sẽ nhận ra anh và, quan trọng hơn, sẽ tìm ra cách để đưa bóng qua một rừng hậu vệ Porto tới chân anh trước khi anh rơi vào thế việt vị.
Fabregas và Messi - Ảnh Getty
Thực tế đã diễn ra đúng như thế. Trong một tích tắc trước khi Fabregas băng qua ranh giới việt vị, Messi đã thực hiện một động tác sục bóng hoàn hảo, loại bỏ sức chiến đấu của toàn bộ hàng thủ Porto. Và Fabregas, sau một nhịp khống chế bằng ngực gọn gàng, nhẹ nhàng đệm bóng tung lưới các nhà vô địch Europa League.
Nếu trận tranh Siêu Cúp châu Âu là một trận đấu của 8 năm về trước, sẽ chẳng ai cảm thấy ngạc nhiên khi Fabregas và Messi thể hiện sự ăn ý tuyệt vời như thế. Cùng đến La Masia vào năm 13 tuổi, cùng ở trong một phòng, cùng có mặt trong "thế hệ 1987" được đánh giá là mạnh và đồng đều nhất trong lịch sử La Masia, Fabregas và Messi đã hiểu nhau rõ tới mức chỉ cần một cử chỉ, một ánh mắt thôi cũng đủ để người này biết người kia muốn gì và định làm gì. Trong hơn 3 năm khoác áo các đội trẻ Barca, hai chàng trai ấy đã ghi không biết bao nhiêu nhiêu bàn thắng từ những pha phối hợp như thế - chính xác, hiệu quả, và rất tự nhiên.
Nhưng bây giờ là năm 2011 chứ không phải 2003. Và thật khó tin là sau 8 năm với biết bao thay đổi lớn lao, trái tim bóng đá của Messi và Fabregas vẫn đập cùng một nhịp như thế.
2. Những ngày đầu ở La Masia của Messi thực sự khó khăn. Phải xa quê hương, xa gia đình khi mới 13 tuổi là những trải nghiệm có thể đánh gục ý chí còn non nớt của bất kỳ đứa trẻ nào. Theo lời kể của những người quản lý ở La Masia, trong những ngày đầu, Lionel Messi, cậu bé mắc bệnh còi xương quê Rosario, chỉ biết thu mình vào một góc sau những buổi tập. Chính vào lúc khó khăn ấy, Fabregas xuất hiện, giang tay chào đón và giúp cậu bạn người Argentina từng bước hòa nhập với cuộc sống mới. Không có Cesc, vì thế, có thể cũng chẳng có luôn Messi như hôm nay. Messi luôn biết ơn Fabregas vì những ngày ấy, và bây giờ, anh cũng muốn làm cho bạn điều tương tự.
Tất cả đều nói Cesc trở về Barca là trở về nhà. Nhưng thực tế không đơn giản như thế. Trước khi Fabregas về, Barca đã giống như một vòng tròn khép kín, và không phải nhân tố mới nào cũng được chấp nhận dễ dàng (kể cả khi nhân tố đó là mới mà cũ như Cesc). Ngay cả trong mối quan hệ với Iniesta, Xavi, hay Busquets, những người luôn dang tay chào đón anh, Cesc cũng không dễ tìm được cảm giác tự nhiên, bởi giữa anh với họ dù gì vẫn tồn tại sự khác biệt về thế hệ. Để được như ngày xưa, Cesc còn phải vượt qua nhiều bỡ ngỡ, thậm chí cả mặc cảm nữa. Thế cho nên, hơn lúc nào hết, anh cần vòng tay, nụ cười, và tất nhiên cả những đường chuyền của Messi.
Messi thay Mascherano làm đội trưởng Argentina
Quyết định đáng chú ý đầu tiên của tân HLV đội trưởng Argentina, ông Alejandro Sabella, là bổ nhiệm Messi làm đội trưởng của đội, thay cho Javier Mascherano. Mascherano bắt đầu được đeo băng đội trưởng khi Maradona lên làm HLV trưởng và đến thời Sergio Batista vẫn giữ được chiếc băng này. Trận đầu tiên của Messi trên cương vị mới sẽ là trận gặp Venezuela vào thứ Sáu tới đây. Thực ra, Messi trước đây đã từng mang băng đội trưởng của Argentina. Đó là trong trận gặp Hy Lạp ở World Cup 2010.



Barca: Tất cả mới là khởi đầu!

Cái mạch chảy của chiến thắng vẫn đang thấm đẫm vào trong mọi nẻo đường đi của Barcelona, đạo quân được Guardiola dẫn dắt và Messi mở lối tiên phong. Trận thắng Porto không làm ai bất ngờ vì Barca đã xem thắng lợi như một thói quen, nhưng chiếc Siêu Cúp đấy là một phát pháo lệnh gửi đến toàn Châu Âu: Quên chuyện họ thiếu động lực đi và Barca lại chuẩn bị chinh phạt khắp Lục địa già!
Thực dụng như Barca!
Ở Monaco, đấy vẫn chưa phải là Barca đạt đến độ hoàn thiện. Họ mất cặp trung vệ chính thức, có vẻ chưa bắt nhịp hoàn toàn với nhịp độ thi đấu đỉnh cao và đôi lúc trông cũng không được cảm hứng lắm cũng như khá bối rối khi Porto hãm thành. Nhưng Barca vẫn giành vinh quang sau cùng và qua đó, có vài điều được phơi bày: 1) Chưa ai đủ trình độ khiến họ mất phương hướng trong kiến tạo trận cầu vì Barca không bao giờ để mất kiểm soát thế trận trong một quãng thời gian dài. 2) Bàn thắng cho Barca có thể đến mọi lúc mọi nơi nhờ vào Messi, nay thêm Fabregas nữa. 3) Bản lĩnh và sự thực dụng. Porto có cơ hội mà không tận dụng được, Barca thì khác. Trong đó, sự thực dụng hơn nữa có thể là nét khác biệt của Barca, không chỉ trong trận với Porto mà còn cả mùa giải này.
Barca đã sẵn sàng cho một mùa chinh phục mới - Ảnh Getty
Thực dụng kiểu Barca có thể sẽ xuất phát từ những nguyên do thế này: Sẽ có những lúc họ không cụ thể hóa được ưu thế cầm bóng thành những dịp ăn bàn thực sự, có thể do mỏi mệt hay do đối phương ra sức đối phó bằng nhiều cách. Cuối mùa bóng trước ở Liga, số bàn của Barca đã giảm hẳn đi là một minh chứng. Barca sẽ thay đổi để làm mới mình: Ngoài việc chiêu mộ thêm nhân lực, tăng cường những miếng phối hợp khác lạ dựa cơ bản vào Messi và phản công nhiều hơn, nghĩa là nhử địch thủ dâng lên ở một vài thời điểm nhất định. Trong trận với Porto, Barca đã có vài pha lên bóng nhanh và rất nguy hiểm từ Leo và đấy có thể là một vũ khí chết người của họ. Tức là Barca đã lí trí nay còn lí trí và khoa học hơn để tiếp tục giữ ngôi vương.
Khát vọng như Barca
Messi là đại diện tiêu biểu nhất cho khát khao chiến thắng của đội, nhưng chẳng ai tìm ra người tiêu biểu...nhì của CLB cả. Đơn giản vì chưa ai trong số các ngôi sao của Pep tỏ ra chán với việc bật sâm banh ăn mừng. Cả tập thể ấy, ai cũng nung nấu quyết tâm san bằng mọi thử thách. Barca không cần những lời khiêu khích làm động lực, không cần tự đẩy mình vào thế chân tường để vùng lên, không luôn việc nhìn vào quá khứ để phấn đấu, họ chỉ sống cho hiện tại, hiện thực với những trận đấu hay nhất, bàn thắng đẹp nhất luôn là ở ngày mai.
Nhìn Messi nhé, đủ mọi danh hiệu cá nhân cùng Barca. Nhìn Fabregas xem, 6 năm trắng tay cùng Arsenal. Người no nê, người đói vinh quang, nhưng lửa chắc chắn vẫn cháy trong từng ánh mắt của họ. Cặp đôi ấy cùng nhau ghi bàn trước Porto, người cũ giúp người mới, một sự tiếp nối hoàn hảo. Đâu là yếu tố giúp khát vọng của Barca luôn tràn đầy: Guardiola, một bậc thầy về tâm lý cầm quân, một Napoleon của bóng đá và quân đoàn Barca. Thiên tài quân sự khi xưa ấy luôn biết cách khích lệ tinh thần tướng sĩ bằng những phát ngôn khơi dậy tình yêu trong lòng họ với nước Pháp. Bây giờ, Guardiola cũng luôn làm sống dậy tình yêu với CLB Barcelona, với bóng đá của những người dưới trướng mình. Ông nuôi cho các học trò niềm tự hào sắc áo mà ông từng khoác. Họ có thể đến từ Brazil, từ Argentina, Chile hay những vùng miền khác của TBN, nhưng với họ, dưới tay Pep, được chơi bóng dưới ngọn cờ Barcelona là vinh dự rồi!
Có thể rồi ai cũng sẽ gặp phải một trận Waterloo của cuộc đời như Napoleon, cả Pep cũng vậy. Một ngày nào đó, triều đại Barcelona mà ông gây dựng sẽ suy tàn đi như một quy luật không thể chối bỏ của số phận. Nhưng cách mà Pep gây dựng nên đế chế của mình thật đáng khâm phục vì ông và những Messi hay Xavi, hễ còn sức, lúc nào cũng cố chơi bóng đẹp với tất cả khát khao để bảo vệ giá trị cốt lõi môn thể thao này.
Vậy thì lúc này, Porto hay bất kỳ ai với Barca cũng vậy thôi…
Huỳnh Anh

4 Đây là chiếc Siêu Cúp thứ tư trong lịch sử mà Barcelona đoạt được. Lần đầu tiên Barca vô địch là năm 1992 sau khi vượt qua Werder Bremen (đá 2 lượt). Năm 1997, Barca đánh bại Borussia Dortmund để lần thứ 2 lên ngôi. Lần gần đây nhất là năm 2009 với chiến thắng trước Shakhtar.
18 sau trận thắng Porto, Xavi trở thành cầu thủ Barca sưu tập được nhiều vinh quang cùng Barca nhất với 18 danh hiệu đủ các loại.Trước khi Pep dẫn dắt Barca, cựu tiền vệ Guillermo Amor là người có nhiều chức vô địch các giải đấu nhất (17 lần).

 LẦN NGƯỢC VÒNG QUAY LỊCH SỬ CỦA KỶ NGUYÊN PEP GUARDIOLA - MỘT ĐỘC CÔ CẦU BẠI BARCA ĐÃ XUẤT HIỆN:

Bắt đầu kỷ nguyên Guardiola Chủ Nhật, 13/07/2008 

Hãy tạm quên đi những cơn sóng gió vừa qua ở Nou Camp, bởi từ ngày 14/07/2008, các cầu thủ Barca sẽ chính thức tập trung để chuẩn bị cho mùa giải mới dưới sự điều khiển của tân HLV Josep Guardiola.
Cần “cánh tay nối dài” mới
Sau vụ chính biến vừa qua, người ta đã bắt gặp HLV 37 tuổi này vẫn đi ăn tối cùng với 4 thành viên Ban giám đốc vừa từ chức là Soriano và Marc Ingla, Vives-Fierro và Toni Rovira. Ngoài ra, Guardiola còn có mối quan hệ rất thân tình với một trong những “kẻ nổi loạn” khác là Evarist Mutra. Trong kỳ bầu cử năm 2003, Mutra còn là cộng sự của ứng cử viên Lluis Bassat. Và khi đó, chính Mutra đã đề nghị Bassat đưa Guardiola vào chiến dịch tranh cử của mình. Sau này, Mutra được Laporta mời gia nhập Ban giám đốc, và sau khi sa thải Rijkaard, cũng chính Mutra đã khuyên Laporta đưa Guardiola lên thay.
Giờ đây, dù Mutra đã ra đi, song có lẽ Pep cũng sẽ không cảm thấy cô đơn ở Nou Camp. Laporta lại định mời một cộng sự cũ khác của Bassat là Manel Estiarte về đảm nhận một chức danh mới toanh, tương đương với Giám đốc thể thao (phụ trách chung về thể thao, Begiristain chỉ phụ trách bóng đá), có chức năng như là cánh tay nối dài giữa HLV và BLĐ. Nghĩa là Laporta muốn tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong đội bóng, lấp đầy những vết rạn sau những vụ chính biến vừa qua.
Estiarte năm nay 46 tuổi, vốn là một cựu VĐV bóng nước, hiện sống tại Italia, nơi ông có rất nhiều mối quan hệ trong làng thể thao nước này. Trước đây, chính ông này là người môi giới cho Guardiola chuyển từ Barca sang thi đấu cho Brescia. Và sau khi Guardiola dính vào vụ bị nghi ngờ sử dụng chất bị cấm, Estiarte cũng đã vận dụng mối quan hệ của mình để giúp đỡ cựu tiền vệ này chứng minh sự trong sạch. Hiện Estiarte vẫn chưa nhận lời mời của Barca, song đội bóng xứ Catalan tin tưởng, trong tuần tới, ông này sẽ có câu trả lời chính thức. Và nhiều khả năng sẽ là “Si” (Có).
 
Estiarte và Guardiola khi còn là cầu thủ
Trẻ hóa mạnh mẽ
Trong khi đó, về phần mình, Guardiola cũng đã đưa ra những quyết định đầu tiên trên cương vị là HLV trưởng. Đó là việc đôn 7 cầu thủ trẻ từ Barca B (hiện có tên mới là Barca Aletic) lên đội 1, gồm David Corcoles, Sergio Busquets, Víctor Sanchez, Victor Vazquez, Pedrito, Jeffren và Abraham. Trước tiên, những cầu thủ này sẽ tham gia chuyến tập huấn trước mùa giải của Barca, và nếu cầu thủ nào có năng lực thì sẽ được giữ lại hẳn đội 1. Còn không, họ sẽ quay lại đội B, hiện được dẫn dắt bởi cựu tiền vệ Luis Enrique để thi đấu ở giải hạng Ba.
7 cầu thủ này đều là những học trò của của Guardiola ở Barca B mùa trước, và trong số đó thì Pedrito, Víctor Vázquez và Víctor Sánchez đều đã từng được cựu HLV Rijkaard cho ra mắt ở Liga 2007-08. Pedrito từng đá các trận gặp Murcia và Valladolid, Vazquez chơi 13 phút ở trận gặp Recreativo còn Sanchez thì dự trận gặp Almeria. Theo HLV Guardiola thì đó đều là những cầu thủ có năng khiếu, và họ cần có cơ hội chứng tỏ tài năng của mình.
Như vậy, quan điểm của Pep là rất rõ ràng: Tất cả mọi cầu thủ đều có cơ hội ngang nhau, không phân biệt ngôi sao hay cầu thủ trẻ. Trước đó, Guardiola cũng đã nói thẳng là ông không cần tới Ronaldinho và Eto’o, bởi mối bất đồng giữa họ đã khiến cho phòng thay đồ ở sân Nou Camp mất đi sự yên bình trong 2 năm qua. Thứ mà Guardiola hướng tới là bầu không khí đoàn kết, cả ở trong lẫn ngoài sân bóng. Mà phẩm chất đó dường như ngày càng trở nên khan hiếm ở Barca, nhất là sau những vụ đấu đá vừa qua trên hàng ghế lãnh đạo.
7 cầu thủ trẻ được đôn lên đội 1
David Corcoles: Hậu vệ, sinh ngày 08/05/85
Sergio Busquets: Tiền vệ 16/7/88
Abraham Gonzalez: Tiền vệ 16/7/85
Víctor Sánchez: Tiền vệ 8/9/87
Pedro Rodríguez: Tiền đạo. 28/8/87
Víctor Vázquez: Tiền đạo. 20/1/87
Jeffren Suarez: Tiền đạo. 20/1/88
Mùa Hè của Barca
Trong ngày đầu tập trung (14/7), Barca sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe cho các cầu thủ để đưa ra giáo án luyện tập (2 mùa qua, thể lực của các cầu thủ Barca đều không đạt chuẩn). Sang ngày hôm sau, thầy trò Guardiola sẽ tập luyện sau những cánh cửa đóng kín. Đội sẽ tập luyện trong vòng 1 tuần ở Barca trước khi đi tập huấn tại St Andrew (Scotland) từ 21 đến 26/7.

Barcelona khởi đầu thời kỳ mới với Guardiola

Thứ Hai, 14/07/2008
Sau 39 ngày ký hợp đồng dẫn dắt FC Barcelona trong hai năm và 27 ngày sau khi ra mắt chính thức, hôm nay HLV Josep Guardiola bước vào ngày đầu tiên với tư cách là người chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn của “gã khổng lồ xứ Catalan”.
 
Josep Guardiola khi còn làm đội trưởng Barca
 
Sự có mặt của Guardiola trên băng chỉ đạo đã làm dấy lên sự hy vọng to lớn từ phía các cổ động viên của Barca, bởi vì trên tư cách là cầu thủ có vai trò quyết định của Dream Team, Guardiola đã có tất cả sự vinh quang, tạo niềm tin để giờ đây các “barcelonistas” kỳ vọng anh sẽ lại chiến thắng, lần này trên cương vị là huấn luyện viên.

Người cầm lái mới của Barca chưa có đủ đội quân của mình trong ngày khởi đầu xuất trận bởi không phải cầu thủ nào cũng đã kết thúc kỳ nghỉ hè truyền thống ở châu Âu, chưa kể các trận vòng loại ở châu Phi và Nam Mỹ, hướng tới World Cup 2010.
 
Hôm nay, Guardiola xuất quân với 16 cầu thủ, trong đó có những cái tên quen thuộc như Valdes, Henry, Milito, Abdial, Toure... Ngày mai sẽ có thêm Messi và tiếp đến là Keita, Alves và Eto’o vào ngày 19/7 và cuối cùng là Xavi, Puyol và Iniesta, vào ngày 23/7. Câu hỏi còn lơ lửng là liệu Ronaldinho sẽ còn có mặt trong đội hình của “gã khổng lồ xứ Catalan” hay không?
 
Trong khi đó, Real Madrid khởi đầu mùa tập trung bằng chuyến đi nghỉ của cả đội bóng và gia đình các cầu thủ tại thành phố El Algarve, quê hương của siêu sao người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo.

Mục đích của chuyến đi một tuần này là tạo ra không khí thoải mái, hoà thuận và đồng lòng nhất trí của “đàn kền kền trắng” trước khi bước vào giai đoạn chuẩn bị cho mùa La Liga, sẽ bắt đầu từ 21/7 tới.

Sau kỳ nghỉ tập trung, đội bóng sẽ sang Áo để chuẩn bị thể lực và luyện tập chiến thuật.
Trong ngày đầu tập trung, các cầu thủ chủ yếu đi khám sức khoẻ, thử nước tiểu và máu, đo điện tâm đồ... và họ chỉ bắt đầu với trái bóng sau khi hoàn tất các xét nghiệm y tế vào ngày mai.
 
Ngày 21/7, toàn thể đội bóng sẽ bay sang St Andrews (Scotland), nơi Barca sẽ có hai trận đấu giao hữu với các câu lạc bộ Hibernian và Dundee United, trong khuôn khổ của giai đoạn chuẩn bị đầu tiên cho Champions League.
 
Giai đoạn chuẩn bị thứ hai cho Champions League sẽ được tiến hành tại Chicago và Nueva York của Mỹ. Nhưng trước đó sẽ có một trận đấu hữu nghị tại Florencia (Italia).
 
Ngày 7/8, Liên đoàn Bóng đá châu Âu sẽ đóng cửa việc đăng ký các cầu thủ tham gia vòng ba trước đó, và ngày 12 và 13 cùng tháng FC Barcelona sẽ chơi trận đầu tiên lượt đi trước đối thủ sẽ được công bố vào ngày 1/8 tới.






Guardiola: Ai nghĩ tôi là HLV mềm yếu thì họ thật không may mắn

Thứ Hai, 14/07/2008

Phát biểu với báo chí trong ngày đầu cầm quân, huấn luyện viên câu lạc bộ FC Barcelona, Pep Guardiola, tuyên bố: nếu các cầu thủ chờ đợi ở tôi một huấn luyện viên mềm yếu, thì thật không may mắn cho họ.
 
 
“Tôi biết tôi mới 37 tuổi và có ít kinh nghiệm. Có thể có cầu thủ muốn một HLV mềm mỏng hơn, nhưng thật không may cho họ vì tôi không phải là người như vậy và tôi tin rằng tôi sẽ làm cho họ phải làm việc cật lực”, HLV Guardiola cảnh báo.

Được hỏi liệu việc Barca chưa tìm được một số 9 có làm ban lãnh đạo đội bóng lo lắng, HLV mới của “gã khổng lồ xứ Catalan” khẳng định: “Đó không phải là một vấn đề. Tôi biết đôi khi mọi việc không dễ dàng, nhưng việc chưa mua được một số 9 cũng không sao cả. Với đội bóng mà tôi hiện có, chúng tôi có thể đi xa và thi đấu với cả thế giới”.
Đề cập đến Thierry Henry, Pep Guardiola thổ lộ: “Tôi hy vọng rất nhiều ở anh ấy. Tôi đã nói chuyện với Henry, anh ấy biết năm đầu ở Barca chẳng dễ dàng gì nhưng mặc dù vậy vẫn ghi được nhiều bàn thắng. Tôi tin tưởng và muốn anh ấy cũng như Bojan có vai trò quan trọng”.
Về khả năng Ronaldinho sẽ ra đi, nhà cầm quân mới của Barca nêu rõ: “Tôi nghĩ anh ấy sẽ ra đi một cách vui vẻ và mọi người vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về Ronaldinho. Anh ấy đã cống hiến rất nhiều cho câu lạc bộ và Barca không phàn nàn gì về anh ấy cả, đồng thời hy vọng anh ấy cũng cảm thấy như vậy đối với Barca”.
Về mục tiêu đầu mùa giải, HLV Guardiola nhấn mạnh sự cần thiết phải “giành từng trận thắng, tấn công tốt và phòng thủ cũng tốt, với lối chơi tập thể”.
 
5 định hướng của Guardiola trong những ngày đầu
1- Tập hai lần một ngày, bóng nhanh và tạo ra các bài chơi chiến lược
2- Áp dụng lối chơi một chạm trong hệ thống 4-3-3 mở và có thể điều chỉnh được.
3- Không chấp nhận sự tự phát trong và ngoài sân cỏ.
4- Đòi hỏi tính chuyên nghiệp ở cả đội bóng và xây dựng sự đoàn kết nội bộ thông qua các buổi họp và ăn chung.
5- Tận dụng những kinh nghiệm còn nóng hổi với tư cách là cầu thủ để đạt được mục tiêu.

Barca tập trung ngày đầu: Sức khỏe là vàng

Thứ Ba, 15/07/2008
Buổi ra mắt của tân HLV Josep Guardiola ở trung tâm La Masia im lìm hơn so với dự kiến ban đầu. Ronaldinho trở về Barcelona là để giải quyết hợp đồng. Messi ngày hôm nay mới trở về, Eto’o vẫn chưa biết trả phép bao giờ, những người hùng EURO là Xavi, Iniesta và Puyol thì vẫn đang đi nghỉ và sẽ trở lại vào ngày 23/7. Trong số 4 bản hợp đồng mới thì Keita và Daniel Alves cuối tuần này mới góp mặt.

Thế nên, chỉ có 15 cầu thủ đội 1 tập trung dưới trướng HLV Guardiola vào ngày hôm qua là Victor Valdes, Jorquera, Pinto, Henry, Marquez, Oleguer, Sylvinho, Bojan Krkic, Gaby Milito, Eric Abidal, Gudjohnsen, Yaya Toure, Gerard Pique, Martin Caceres và Marc Crosas cộng thêm 7 cầu thủ trẻ mới được đôn lên đội 1.
 
Trong ngày đầu này, lần lượt các cầu thủ được tiến hành kiểm tra sức khỏe, và khâu này cũng được HLV Guardiola đặc biệt đề cao. Một trong những điểm được chú ý nhiều nhất là tốc độ và phản ứng của cơ bắp. Tiếp đó là thử máu và kiểm tra lượng mỡ trong máu. Vào ngày mai thì tất cả mới bắt đầu bước ra sân tập, và giáo án huấn luyện của Guardiola sẽ được đưa ra dự trên những báo cáo về tình hình sức khỏe của mỗi cầu thủ.

Thực tế, thể lực luôn là yếu tố đáng lo ngại đối với Barca những mùa giải qua, khiến họ thường chơi rất tệ ở giai đoạn cuối mùa. Mùa 2007-08, ở Barca xảy ra tới hơn 60 ca (!) chấn thương cơ bắp trong đó nặng nhất là các trường hợp của Messi, Marquez và Ronaldinho. Trong cuộc kiểm tra thể lực vào đầu mùa trước, có tới 12 cầu thủ Barca không đạt yêu cầu về sức khỏe. Song thông tin này đã được bưng bít bởi Barca còn bận đi du đấu châu Á. Và điều đó càng khiến cho tình trạng thể lực của các cầu thủ trở nên tồi tệ.
 
Henry và Marquez trong cuộc kiểm tra y tế
 
Sau khi đội tuyển Pháp bị loại khỏi EURO 2008 ngay từ vòng 1, chính hậu vệ Eric Abidal đã lên tiếng chỉ trích công tác huấn luyện thể lực ở Barca. Bởi ở Lyon trước đây, Abidal luôn được đánh giá cao về thể lực. Vậy mà sau một mùa giải, cầu thủ này đã kiệt sức và chơi rất dở ở EURO vừa qua.

Tập trung vào Henry

Sau buổi đầu tập trung, Guardiola cũng đã tổ chức họp báo, và một lần nữa, HLV 37 tuổi này đã nêu rõ quan điểm rằng ông không cần tới Ronaldinho cũng như Eto’o. “Họ không nằm trong kế hoạch của tôi. Nhưng nếu ở lại, họ cũng sẽ được chào đón”, Guardiola phát biểu đầy tính ngoại giao. Theo nhận định của giới chuyên môn, Guardiola sẽ đặt nhiều niềm tin vào Henry, người đã gây thất vọng trong mùa giải đầu tiên khoác áo Barca.

Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng Rijkaard đã không biết sử dụng tiền đạo người Pháp thế nào cho hợp lý, bởi vị trí trung phong cắm thì đã thuộc về Eto’o, còn vị trí tiền đạo trái thì dành cho Ronaldinho. Vì vậy, Guardiola dự định sẽ đẩy Henry lên đá trung phong cắm, và được hỗ trợ bởi Iniesta hoăc Krkic ở bên trái và Messi ở bên phải. "Tôi chờ đợi nhiều ở Henry. Cần phải thông cảm cho cậu ấy, ai cũng gặp khó khăn ở mùa giải đầu tiên. Henry có thể chơi ở nhiều vị trí, nhưng cần thiết phải thử nghiệm cậu ấy ở vị trí mũi nhọn”, Guardiola cho biết.
 
Mùa Hè của Barca

14/7: Tập trung
21/7: Bay sang Scotland tập huấn ở St Andrew.
24/7: Giao hữu với Hibernian
26/7: Giao hữu với Dundee United
30/7: Giao hữu với Fiorentina tại Florence. Sau đó từ Italia bay thẳng sang Mỹ.
4/8: Giao hữu với Guadalajara của Mexico ở Chicago.
7/8: Giao hữu với Red Bull ở New York
12/8: Đá trận lượt đi vòng loại thứ 3 Champions League
16/8: Tranh Cúp Joan Gamper với Boca Juniors
27/8: Lượt về vòng loại Champions League
31/8: Vòng 1 Liga (chưa có lịch)

Barca hậu Ronaldinho: Khoảng trống mênh mông

 Kể cả khi tưng bừng trên sân hay lúc ồn ào trong cuộc sống đời thường, Ronaldinho vẫn là cái tên không thể thiếu được trong đời sống bóng đá ở Liga. Sẽ phải mất một thời gian để người ta quen được với cái cảm giác rằng, "chàng Vẩu" Ronaldinho đã thực sự rời xa các mặt cỏ trên bán đảo Iberia, và câu hỏi liệu Barca có tìm được người đủ sức lấp vào những khoảng trống mà Ronnie để lại hay không chưa biết đến bao giờ mới có lời giải.
Khoảng trống bên cánh trái
Kẻ nào mạnh miệng, thì cứ chỉ trích Ronaldinho đi! Nhưng trước đó, hãy nhớ kỹ một điều rằng, những gì mà Ronaldinho làm được cho Barca trong 5 năm qua là thành quả của một huyền thoại. Có thể khẳng định, khoảnh khắc Ronaldinho nở nụ cười... vẩu ở Nou Camp vào mùa Hè 2003 cũng chính là khoảnh khắc đánh dấu giai đoạn phục hưng mạnh mẽ của Barca. Trước khi có Ronaldinho, Barca chìm trong tăm tối với 4 năm tay trắng, còn thương hiệu Barca thì xuống giá thê thảm, nhất là khi đặt cạnh những ông lớn khác như Real Madrid hay M.U. Sau khi có Ronaldinho, Barca đoạt liền một lúc 2 chức VĐ Liga (2005, 2006), và đặc biệt là giành chiến thắng, lần thứ 2 trong lịch sử, ở trận chung kết Champions League 2006. Cùng với nụ cười của chàng Vẩu, Barca dần giành lại được tình cảm từ các CĐV, để đến bây giờ, đã trở lại là một trong những thương hiệu "hút khách" nhất trên thế giới.
Vì thế, một khi đã đặt chân lên những vuông cỏ mà Ronaldinho đã đi qua trong suốt 5 năm vừa rồi, bất kỳ cầu thủ nào cũng phải xác định họ cần làm được, và làm xuất sắc, cùng lúc 3 việc: Kiến tạo, ghi bàn, và trở thành biểu tượng. Với 93 bàn thắng, Ronaldinho chỉ kém mỗi tiền đạo chủ lực Samuel Eto'o về số bàn thắng ghi được cho Barca thời Rijkaard. Còn với 55 pha kiến tạo trên tất cả các mặt trận, trong đó đỉnh cao là mùa giải 05-06 với 19 đường chuyền thành bàn, R10 đơn giản là số 1. Thực ra, những con số ấn tượng ấy vẫn chưa nói hết được tầm quan trọng của Ronaldinho ở Nou Camp. Nói một cách ngắn gọn và khái quát nhất, là trong 5 năm qua, Barca là Ronaldinho và Ronaldinho là Barca. Ronaldinho cười, thì Barca cười. Còn khi Ronaldinho đã không cười được nữa, Nou Camp chỉ có sóng với gió.
 
Khoảng trống trên mặt báo
Xấu trai, chân vòng kiềng, tóc tai lòa xòa, quần áo lòe loẹt và chẳng bao ăn nhập gì với xu thế thời trang, ấy vậy nhưng Ronaldinho lại là cái tên có sức hút rất lớn với giới truyền thông. Tất tần tật những thông tin liên quan đến anh, tốt hay xấu gì không quan trọng, từ những việc cỏn con như việc anh lồng chữ R10 vào dây chuyền hay những việc đại sự như vụ con rơi con rớt, đều được các phóng viên đưa hết lên mặt báo. Có thể là có nhiều, thậm chí là phần lớn, những thông tin như thế khiến các ông chủ ở Barca cảm thấy khó chịu, nhưng thực tế là đội bóng xứ Catalan khó có thể tìm ra cách PR tên tuổi nào tốt hơn là "ăn theo" đời sống cá nhân (đặc biệt là mặt trái?!) của Ronaldinho. Đơn giản như việc tìm kiếm thông tin trên Google. Cứ mỗi lần bạn gõ từ khóa "Ronaldinho", thể nào cũng có thêm vài từ "Barca" hay "Barcelona" đi kèm!
Thực ra, những gì xuất hiện trên báo chỉ là sự phản ánh nhu cầu của người đọc. Người đọc, mà cụ thể là các CĐV Barca, quan tâm nhiều nhất đến Ronaldinho, thì mặc nhiên là tên anh sẽ xuất hiện nhiều nhất thôi. Từ suy luận ấy, lại nổi lên một vấn đề nữa: Bán áo. Đừng nghĩ đơn giản, việc bán áo đấu có vai trò không nhỏ, thậm chí là quyết định, đến vận mệnh tài chính của một đội bóng đấy! Ví dụ tiêu biểu là khi Real Madrid mua được Beckham từ M.U, họ cũng chiếm luôn vị trí số 1 về kinh doanh từ "Quỷ Đỏ" nhờ bán được hàng triệu chiếc áo số 23 mỗi năm, trong khi Old Trafford thất thu một số lượng tương đương như vậy. Kể cả khi sa sút phong độ rồi biến mất vì chấn thương và nhường vị trí dẫn đầu cho Messi và Henry, chiếc áo số 10 của Ronaldinho vẫn luôn là sản phẩm bán chạy bậc nhất ở Nou Camp. Ronnie đi rồi, Barca bán áo cho ai?
Ai mang áo số 10?
Ronaldinho đi, chiếc áo số 10 huyền thoại của Nou Camp cũng sẽ trở thành vô chủ, và bất kỳ ai dám khoác nó lên mình cũng xem như đã chấp nhận cõng theo cả một núi áp lực. Hiện Barca vẫn chưa chỉ định số cho mùa giải mới, nhưng nhiều khả năng những ngôi sao cũ như Messi (19), Henry (14), Xavi (6) hay Iniesta (8) sẽ vẫn giữ nguyên số áo của mình. Những tân binh như Keita, Caceres, Alves, Pique đều thuộc hàng thủ, nên có điên mới chọn áo số 10. Liệu Hleb có đủ dũng cảm để chọn nó, hay nó sẽ dành cho một ngôi sao tấn công sẽ cập bến Nou Camp trong thời gian tới?
Giải Trận Bàn
Liga 145 69
Champions League 35 14
Cúp UEFA 7 4
Cúp Nhà Vua 13 4
Các Cúp khác 7 2
Tổng 207 93
Trận đầu tiên của Ronaldinho cho Barca là trận thắng Bilbao 1-0 ngày 30/8/2003. Trận cuối cùng là trận thua Villarreal 2-3 ngày 9/3/2008.

Barca: Cuộc cách mạng trong bảy ngày

Thứ Hai, 21/07/2008
Huấn luyện viên mới của FC Barcelona, Pep Guardiola, chỉ cần có bảy ngày để làm một “cuộc cách mạng nhỏ” khi thiết lập các quy chế sinh hoạt rõ ràng buộc mọi cầu thủ dưới trướng ông phải tuân theo.  
 
Guardiola (áo đen)
Ông thầy mới đã thông báo với các học trò kể từ nay trở đi các các cầu thủ phải có mặt ở phòng thay đồ một giờ trước khi bắt đầu luyện tập và họ sẽ ăn sáng cùng nhau với một thực đơn thống nhất là hoa quả, ngũ cốc, bánh mỳ và cà chua.
Sau bữa ăn sáng tập thể, các cầu thủ sẽ luyện tập tại Mini Estadi (sân vận động nhỏ) chứ không tập ở La Masia như thời Frank Rijkaard nữa, vì theo HLV Guardiola “ La Masia thậm chí không có kích thước chuẩn cho một sân bóng đá”.
 
Một điểm mới mẻ khác là tất các cầu thủ đều phải đi xe chung từ sân vận động Camp Nou đến Mini Estadi, chứ không được đến bằng xe riêng như trước đây.
Biện pháp này đã từng được Johan Cruyff, cựu HLV của Barca, áp dụng trong thời gian Pep Guardiola còn là cầu thủ của “gã khổng lồ xứ Catalonia”.
 
Sau buổi tập sáng, các cầu thủ lại ăn trưa cùng nhau, với thực đơn chủ yếu vẫn là rau xanh, sa-lát, pasta (mỳ trộn pho mát) hoặc cơm và hoa quả.
Buổi chiều cả đội lại tập luyện kín. Các phóng viên chỉ được dự 15 phút đầu tiên khi các cầu thủ khởi động. Buổi tối, theo quy chế mới, các cầu thủ đều không được đi chơi quá 12 giờ đêm, một biện pháp chắc chắn được các “bà xã” hoan nghênh nhiệt liệt.

Barca đại thắng Hibernian 6-0: Bắt đầu kỷ nguyên Guardiola

Thứ Bảy, 26/07/2008  
Rạng sáng qua, kỷ nguyên Guardiola đã chính thức bắt đầu bằng trận giao hữu với đội bóng Scotland Hibernian. Dù chỉ là một trận giao hữu và đối thủ quá yếu, nhưng từ trận thắng 6-0 ấy, các cule có đủ lý do để mà tin tưởng vào đội bóng "mới" của mình.
Đội hình ra sân của Barca trong hiệp 1 trận đấu này đúng là nặng tính... thử nghiệm, khi nó là sự pha trộn giữa những trụ cột (Valdes, Alves, Marquez, Messi và Henry), những cầu thủ sẽ đóng vai dự bị (Pique, Gudjohnsen) và các cầu thủ trẻ (Corcoles, Sergio Busquets, Victor Vazquez và Pedro). Tuy nhiên, vì đối thủ quá yếu và chỉ chăm chăm phòng ngự, Barca vẫn dễ dàng làm chủ thế trận để từ đó dồn dập gây ra sóng gió lên khung thành của Hibernian. Chơi đặc biệt hay ở trận này tất nhiên không thể là ai khác ngoài Messi, với số 10 huyền thoại trên lưng. Dù chỉ chơi có 45 phút, Messi vẫn được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất trận khi liên tục khuấy đảo hàng thủ tội nghiệp của Hibernian bằng những pha đi bóng lắt léo và tốc độ của mình, góp 1 bàn và khởi xướng 3 bàn còn lại. Nhìn Messi đá, đừng hỏi thêm vì sao Barca quyết chống lại FIFA đến cùng để giữ anh ở lại.
 
Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất - Barca sẽ chơi với sơ đồ nào dưới thời Guardiola, cũng đã có lời giải. Barca sẽ tiếp tục trung thành với sơ đồ 4-3-3 đã được định hình và mang lại nhiều thành công từ thời Rijkaard. Khác biệt là ở chỗ, 4-3-3 của Guardiola được đánh giá là sinh động hơn so với 4-3-3 của Rijkaard trong những ngày cuối: Trái bóng luân chuyển với tốc độ cao hơn, thời gian giữ bóng được giảm xuống, hàng tiền đạo và tiền vệ liên tục gây áp lực để đòi lại bóng, còn hàng thủ được đẩy lên cao hơn để đóng góp vào lối chơi tấn công của toàn đội. Tất nhiên là chuyện sẽ rất khác một khi Barca bước vào các trận đấu chính thức, nhưng từ trận đấu này vẫn có thể nhận ra một điều rất tích cực từ Guardiola: Ông không cố áp đặt ý tưởng của mình, mà xây dựng đội bóng bắt đầu từ việc sửa chữa những sai lầm của người tiền nhiệm.
Câu hỏi cuối cùng: Các tân binh ra mắt thế nào? Trả lời: Trên cả mong đợi. Dani Alves cho thấy cái giá 30 triệu euro mà Barca bỏ ra cho anh là đáng tới từng đồng xu, lên công về thủ rất nhịp nhàng và đặc biệt là chơi ăn ý đến không ngờ với người chơi cùng hành lang Lionel Messi. Pique chắc chắn, ổn định và là tân binh duy nhất được chơi trọn 90 phút. Vào thay Marquez trong hiệp 2, Caceres đã bộc lộ được hết những điểm mạnh của mình: Nhanh nhẹn, tập trung và đọc tình huống rất nhanh. Cùng chỉ xuất hiện trong 30 phút cuối trận, nhưng cả Hleb và Keita đều để lại được ấn tượng rất tốt. Hleb nhiệt tình, khéo và có thường những pha xử lý mang tính đột biến cao, trong khi Keita lại rất tích cực lên tham gia tấn công và không ít lần khiến thủ môn Hibernian "phát khiếp" với những cú sút xa sấm sét.
Có thể nói, đây là một trận đấu có thể làm hài lòng những CĐV khó tính nhất của Barca, cả về tỉ số, lối chơi lẫn sự thể hiện của từng cá nhân. Và nó còn có cái kết rất mở: Eto'o, cầu thủ được thông báo là phải ra đi, đã mất áo số 9 vào tay Henry và phải đeo áo số 14 tiền đạo người Pháp bỏ lại, nhưng lại kết thúc trận đấu với chiếc băng đội trưởng trên tay.

Iniesta ca ngợi “kỷ luật thép” của Guardiola

Thứ Hai, 28/07/2008
 Andres Iniesta, tiền vệ của FC Barcelona, đã hết lời ca ngợi phương pháp làm việc của huấn luyện viên mới Pep Guardiola cũng như kỷ luật thép mà ông đang áp dụng đối với đội bóng.
 
Iniesta
 
Theo cầu thủ người Tây Ban Nha, “khi sự việc không diễn biến tốt đẹp thì việc thay đổi cách quản lý nội bộ là cần thiết” và “đã đến lúc phải chấm dứt thời kỳ tự quản” mà HLV Frank Rijkaard đã để lại.
 
“Trong bất cứ công việc gì cũng cần sự thay đổi khi sự việc diễn biến xấu, và khi mọi việc không suôn sẻ thì chắc phải có một nguyên nhân nào đó”, tiền vệ Iniesta thổ lộ trên tờ “El Mundo” (Thế giới).
Iniesta khẳng định “mặc dù mỗi thành viên đội bóng có cá tính riêng của mình nhưng ở Barca luôn tồn tại thứ “văn hoá nỗ lực”, đồng thời đồng tình với những thay đổi đang diễn ra đối với “gã khổng lồ xứ Catalonia”.
Cũng giống như các đồng đội Xavi và Messi, tiền vệ Iniesta cũng mong muốn tiền đạo Samuel Eto’o được ở lại với Barca bởi vì “tiền đạo người Cameroon là một trong ba người xuất sắc nhất thế giới ở vị trí này”.
Về “trường hợp Messi” có nên tham dự Thế vận hội Bắc Kinh hay không, cầu thủ người Tây Ban Nha bày tỏ: “Đó là một việc mà tôi không thể phát biểu được gì và không biết cuối cùng sẽ ra sao. Nói một cách ích kỷ thì cầu trời Messi ở lại với Barca vì anh ấy là một cầu thủ quan trọng, nhưng có lẽ việc của anh ấy chỉ có thể giải quyết được đúng theo quy chế”.

Eto'o tiến sát... Nou Camp: Bản hợp đồng giá trị nhất

Thứ Tư, 30/07/2008
Sau nửa mùa chuyển nhượng, Barca cuối cùng cũng đã tiến rất sát bản hợp đồng quan trọng nhất của mùa Hè. Đó không phải là một chân sút đến từ Premier League, cũng không đến từ Serie A, càng không phải là một chân sút nội. "Tân binh" ấy đang ở ngay Nou Camp. Samuel Eto'o. Một Samuel Eto'o hoàn toàn mới.
Cư xử như... Eto'o
Nếu phải chỉ ra nguyên nhân khiến BLĐ Barca thay đổi gần như hoàn toàn thái độ trong vụ Eto'o, từ chỗ muốn bán tống bán tháo tiền đạo này đi chuyển sang không loại trừ khả năng giữ anh ta lại, thì đó chính là cái cách mà cầu thủ này đã cư xử trong những ngày qua. Ngạc nhiên chưa? "Rất chuẩn mực và đáng ngưỡng mộ", không thể tưởng tượng nổi, đó lại là những đánh giá mà Chủ tịch Laporta dành cho một cầu thủ mà tài năng và những đóng góp về chuyên môn luôn bị lấn át bởi ấn tượng về một anh chàng "lắm điều" và luôn sẵn sàng khiến đội bóng vỡ tung vì những phát biểu văng mạng. Nhưng đúng là giữa Eto'o của những năm cũ và Eto'o của 10 ngày qua đã có một sự chuyển biến lớn lao. Nhã nhặn, đúng mực và chuyên nghiệp, dường như con sư tử bất khuất ấy đã nhận ra, giờ là lúc để cho những cá tính bùng nổ của mình ngủ yên bên ngoài thảm cỏ.
 
Người ta đã chờ đợi những phản ứng kiểu khác từ Eto'o. Không hét vào mặt cánh phóng viên hay làm loạn phòng thay đồ thì ít ra cũng phải "thể hiện được" một thái độ thờ ơ, uể oải và thiếu cố gắng trên sân tập, những phản ứng "có thể hiểu được" sau những gì Barca đã làm với anh. Hãy thử đặt mình vào trường hợp của Eto'o! 4 năm qua, bạn ghi bàn như một cỗ máy cho đội bóng, và ngay cả ở mùa giải phải vắng mặt tới 5 tháng vì CAN và chấn thương như mùa trước, bạn vẫn đóng góp tới 16 bàn. Đổi lại, người ta gạt phăng bạn ra ngoài mọi kế hoạch mới, như thể bạn không hề tồn tại vậy. Người trầm tĩnh nhất cũng phải nổi loạn, nói gì đến một người vốn rất dễ... nổi loạn như Eto'o! Nhưng trái ngược với sự chờ đợi của nhiều người, Eto'o vẫn tập trung đúng ngày, vẫn chăm chỉ, cần mẫn trên sân tập và chơi hết sức trong các trận giao hữu. Như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra vậy.
Trong thời đại mà lòng trung thành đang trở thành một xứ xa xỉ phẩm, những phản ứng đầy tích cực ấy không thể không khiến các ông chủ của sân Nou Camp cảm thấy mát lòng mát dạ. Hôm qua là lần đầu tiên, Chủ tịch Laporta xác nhận không loại trừ khả năng giữ chân Eto'o. "Không có gì là không thể đảo ngược, trường hợp của Eto'o cũng vậy. Chúng tôi sẽ còn xem xét kỹ trường hợp của anh ấy, nhưng sự hồi phục, cả về tinh thần lẫn thể chất, của chính Eto'o sẽ có tiếng nói quyết định. Thái độ của Eto'o trong những ngày qua là thứ chúng tôi chờ đợi nhất từ cậu ấy". Những cầu thủ có tiếng nói trong đội, từ Puyol, Xavi, Iniesta, Messi cho tới Toure, đều đã kêu gọi Barca đừng bán Eto'o. Chỉ còn thiếu HLV Guardiola và GĐTT Txiki Begiristain nữa...
Bản hợp đồng giá trị nhất
Từ đầu mùa Hè, Barca không lúc nào ngớt quay quắt với bài toán tìm kiếm một "số 9" đích thực. Guardiola rất thích Adebayor, mẫu tiền đạo cao to nhưng không hề thiếu sự khéo léo, nhưng Arsenal giữ người quá chặt và không ngừng hét lên những cái giá khủng khiếp. Thất bại với vụ Ade, Barca quay sang theo đuổi Drogba, nhưng lại vấp phải thái độ tương tự từ Chelsea, dù tiền đạo người Bờ Biển Ngà "rất máu" đến Nou Camp. Rồi là Berbatov, Benzema và bây giờ là Trezeguet. Barca gần như đã đưa tất cả những tiền đạo xuất sắc nhất ở châu Âu vào tầm ngắm của mình. Chỉ thiếu một người. Có thể không xuất sắc nhất, nhưng chắc chắn là phù hợp nhất với Barca. Nếu muốn có anh, Barca chẳng phải mất một xu nào, cũng không tốn thời gian và công sức cho những cuộc thương thảo. Người ấy đang ở ngay Nou Camp, từng bị ghẻ lạnh ở nơi này nhưng đang dần giành lại niềm tin của tất cả, bằng khát khao làm mới mình.
Nếu Eto'o "mới" ấy ở lại Nou Camp, thì đó mới chính là bản hợp đồng giá trị nhất cho Guardiola.
Họ đã nói:
Xavi: "Eto'o là một minh chứng sống động cho sự chuyên nghiệp và tài năng trên sân. Một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trên thế giới".
Iniesta: "Với tư cách là một đồng đội và một người bạn, tôi luôn muốn có Eto'o ở bên cạnh. Anh ấy là một trong những người xuất sắc nhất ở vị trí của mình, nếu không phải là xuất sắc nhất thì cũng nằm trong top 3".
Messi: "Đừng bán Eto'o. Không còn ai trên thế giới này có thể sánh được với anh ấy".
Toure: "Tôi nghĩ Eto'o là một người tốt, có nhân cách tuyệt vời. Tất cả đều muốn giữ anh ấy lại vì anh ấy chắc chắn sẽ còn đóng góp được rất nhiều cho đội bóng. Tôi ngưỡng mộ Eto'o".
Guardiola: "Eto'o là một cầu thủ tài năng. Chừng nào còn chưa đi khỏi Nou Camp, chừng đó cậu ấy vẫn là một cầu thủ Barca như bao người khác".
Ivan Zamorano mới
Trường hợp của Eto'o gợi lại câu chuyện từng xảy ra ở Liga cách đây 14 năm. Năm 1994, Real Madrid chào đón tân HLV Jorge Valdano, và ngay trong ngày đầu tiên, ông tuyên bố mình không còn muốn thấy Ivan Zamorano và Amavisca trong đội bóng. Đáp lại, Zamorano đã tập luyện "với lửa trong mắt" trong giai đoạn trước mùa, và ngay trong trận đầu tiên của mùa giải mới đã lập được 1 cú đúp, trong đó bàn đầu tiên được ghi ở giây thứ 12 và bàn tiếp theo được ghi chỉ sau đó 4 phút. Cuối mùa, Zamorano đoạt Pichichi với 28 bàn thắng.
Eto'o vắng mặt trận gặp Fiorentina
Sau một pha "đầu đối đầu" với cầu thủ trẻ Victor Vazquez, Eto'o đã bị choáng nặng và ngay lập tức được đưa đi kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy không có dấu hiệu của rạn xương hay tụ máu, nhưng Eto'o được khuyến cáo phải nghỉ ngơi hoàn toàn trong ít nhất 48 tiếng. Như vậy, anh chắc chắn sẽ vắng mặt ở trận đấu với Fiorentina vào ngày 30/7 tới đây. Hung thủ và nạn nhân Vazquez thì phải khâu nhiều mũi ở đầu.
Em trai Eto'o lại lang thang
Sự quyết đoán trong việc đổi chỗ làm là điều Eto'o còn phải học hỏi ở người em của mình, David Eto'o, rất nhiều. Hôm qua, David đã chính thức ra mắt Reus de Tarragona, một CLB đang chơi ở giải hạng Ba TBN, và đó chính là lần ra mắt đội bóng mới thứ... 12 của cầu thủ mới 21 tuổi này. Trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình, David đã lang thang qua 4 quốc gia, từ TBN, Pháp, Thụy Sỹ cho tới Hy Lạp. Cá biệt trong năm 2007, David đã thay tới 4 CLB: Union Sportivo (Pháp), Metalurh Donetsk (Ukraine) và Aris và Ilisiakos (Hy Lap).
Các CLB David đã chơi gồm: Real Mallorca (03-05), Ciudad de Murcia (2004), Yverdon-Sport (2005), Sedan (2005), Champagne (05-06), Meyrin (2006), Ponferradina (2006), Union Sportive (2007), Metalurh Donetsk (2007), Aris (2007) và AO Ilisiakos (2007).

Eto'o sẽ ở lại Barca: "Đắc nhân tâm" của Pep & nỗ lực của Eto'o

Chủ Nhật, 10/08/2008 15:39
(TT&VH) - Nhà làm phim người Cameroon, Jean-Pierre Bekolo, đang chuẩn bị làm một cuốn phim về người đồng hương Samuel Eto'o của ông, trong chiến dịch chào mừng sự kiện World Cup lần đầu tới châu Phi (Nam Phi 2010).
 
Dù dự án của Bekolo, người vừa đoạt giải ở "Liên hoan phim châu Phi 2007" với tác phẩm "Les Saignantes" (tạm dịch "Những vết thương rỉ máu"), hiện đang nằm trên giấy, vẫn có thể khẳng định một điều: Chỉ cần Bekolo trung thành với những chất liệu thật được lấy từ cuộc sống và sự nghiệp của Eto'o, bộ phim ấy sẽ thực sự đáng xem. Sẽ không thiếu thăng, chẳng thiếu trầm. Có sự bùng nổ, có nụ cười, có vinh quang; nhưng cũng có cả sự sụp đổ, thất bại và nước mắt. Có sự mâu thuẫn gay gắt giữa tài năng và cá tính mạnh mẽ đến thành "tật". Và có... Guardiola.
"Đắc nhân tâm" của Pep
Một mùa Hè quá căng thẳng với Guardiola. Chỉ trong vòng mấy ngày qua, ông đã phải đối mặt với 2 tình huống cực khó nhưng có liên quan đến thành bại của cả đội bóng. Đầu tiên, là quyết định cho hay không cho Messi tiếp tục thi đấu ở Olympic Bắc Kinh. Và bây giờ, là quyết định về tương lai của tiền đạo Samuel Eto'o. Nếu giữ Eto'o lại, Guardiola xem như đã chấp nhận mang tiếng "tiền hậu bất nhất", bởi chính ông trong ngày nhậm chức đã nói rằng Ronaldinho, Eto'o và Deco sẽ không nằm trong kế hoạch của mình. Ngoài ra, cũng chưa ai dám loại trừ khả năng tiền đạo người Cameroon sẽ lại khiến Nou Camp dậy sóng trong tương lai. Nếu điều đó xảy ra, Guardiola tất nhiên sẽ là người phải chịu trách nhiệm chính.

Nhưng cuối cùng, HLV trẻ ấy đã đưa ra được những quyết định giàu tính nhân văn, và cũng đầy dũng cảm. Ông chấp nhận để Messi ở lại Trung Quốc, dù biết rằng có anh, nhiệm vụ vượt qua Wisla sẽ dễ dàng hơn nhiều. Từng là một cầu thủ và từng chiến thắng ở Olympic (Barcelona 1992), Guardiola hiểu hơn ai hết khát khao được thi thố ở đấu trường này trong Messi là cháy bỏng đến thế nào.
 
Đó là một Guardiola biết đặt mình vào vị trí của người khác. Còn vụ Eto'o lại cho thấy một Guardiola "đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại". Eto'o đã thể hiện được sự hối cải và mong muốn thật lòng được tiếp tục gắn bó với Barca; vậy nên, sẽ là quá khắc nghiệt nếu đẩy anh theo bước Ronaldinho và Deco. Dù rằng nếu Guardiola có làm thế, thì cũng chẳng ai có thể trách được ông. Vì thế, trước ân tình của Pep, Eto’o sẽ quyết gạt sang một bên tính khí bốc đồng của mình?
Một Eto'o hoàn toàn mới?
Khách quan mà nói, Guardiola có vị tha đến mấy đi chăng nữa thì cũng không bao giờ chấp nhận mang tiếng "tiền hậu bất nhất" để giữ Eto'o lại, nếu anh ta cứ lười biếng, bất cần trên sân tập và hời hợt, nhạt nhòa trên sân đấu. Eto'o được giữ lại, vì anh thực sự xứng đáng với phần thưởng ấy.
 
Một tháng qua, người ta đã thấy một Eto'o hoàn toàn khác, nghiêm túc, cần mẫn và cực kỳ chuyên nghiệp. Không thể tưởng tượng nổi, đó là một Eto'o từng cầm micro chửi thẳng vào mặt đội bóng cũ Real Madrid, từng thẳng thừng chỉ trích HLV và đồng đội ở vụ Villafranca, từng cho một phóng viên lãnh trọn cú "thiết đầu công" trong một buổi họp báo của đội Cameroon cách đây chưa đầy 2 tháng. Trước sự "lột xác" của Eto'o, Chủ tịch Laporta đã phải thốt lên: "Đây là một Eto'o mà Barca đã chờ đợi từ lâu lắm rồi!".

Tuy nhiên, vẫn còn một thứ trong Eto'o không thay đổi. Bản năng sát thủ. Mặc dù tập trung muộn hơn so với các đồng đội khác, lại phải vắng mặt trọn vẹn cả 2 trận, gặp Hibernian vì chưa đủ thể lực và Fiorentina vì chấn thương đầu, Eto'o vẫn là cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất trong loạt trận giao hữu của Barca, với 5 lần lập công.
 
Và để có được 5 bàn thắng ấy, Eto'o chỉ mất có 160 phút, nghĩa là cứ 32 phút anh lại nổ súng một lần. Một hiệu suất quá thuyết phục! Càng thuyết phục hơn nữa, khi những người được trao rất nhiều cơ hội như Henry hay Krkic gây thất vọng ghê gớm, đặc biệt là tiền đạo người Pháp, người chỉ ghi được đúng 1 bàn sau 195 phút trên sân. Trong bối cảnh vẫn chưa bổ sung được tiền đạo nào, sẽ thật mạo hiểm và cả phung phí nếu Guardiola gạt Eto'o ra ngoài trong trận đấu với Wisla tới đây.

Mà nếu Eto'o ra sân ở trận đấu ấy, dù chỉ là một phút, chúng ta sẽ không cần phải nói về sự đi-ở của Eto'o nữa...
 
"Cảm ơn" Henry!

Việc Eto'o được ở lại có sự đóng góp không nhỏ của Henry. Chính vì phong độ đáng thất vọng của cầu thủ này, HLV Guardiola đã quyết định trao nhiều cơ hội hơn cho Eto'o, và Eto'o mới là người không khiến ông thất vọng. Trong các trận giao hữu mùa Hè, Henry được ra sân trong 195 phút, nhưng chỉ ghi được đúng 1 bàn thắng, bằng... trung vệ Caceres. Hiệu suất 195/bàn của Titi thật đáng hổ thẹn, nếu đặt bên cạnh 32 phút/bàn của Eto'o hay 40 phút/bàn của Messi.

 Khởi đầu mùa giải 2008:

Barca đại thắng Wisla 4-0: Eto’o- “Số 9” đích thực

Thứ Sáu, 15/08/2008  
Eto’o đã thuyết phục Guardiola giữ anh ở lại bằng cách liên tục ghi bàn trong những trận giao hữu. Và ở trận chính thức đầu tiên dưới triều đại Guardiola, tiền đạo người Cameroon tiếp tục khẳng định không ai xứng đáng hơn anh để mang chiếc áo số 9 của Barca.
Trong trận đấu cuối cùng trên sân nhà ở mùa giải trước, Eto’o đã bị khán giả sân Nou Camp la ó dữ dội. Tiếp đó, khi lên thay thế Rijkaard, tân HLV Guardiola đã khẳng định tiền đạo người Cameroon không nằm trong kế hoạch của ông. Khi đó, ít ai còn nghĩ đến việc tiếp tục được thấy Eto’o xuất hiện trong màu áo Barca ở mùa giải mới.
 
Tuy nhiên, khi mùa Hè sắp kết thúc, những mong mỏi về một số 9 mới (Drogba, Adebayor, Benzema) của Guardiola đã không được đáp ứng. Trong khi đó, Henry vẫn tiếp tục vô duyên trong những trận giao hữu khởi động, còn Eto’o thì vẫn cứ liên tiếp nhả đạn. Vì thế, Guardiola đã buộc phải nghĩ lại.
Đó là một quyết định đúng đắn. Quan điểm của Guardiola thay đổi, cả khán giả sân Nou Camp cũng vậy. Tất cả đều đồng loạt vỗ tay khi được chứng kiến 2 pha ghi bàn mang những phẩm chất đặc trưng của Eto’o: Mạnh mẽ, tốc độ và pha chút nổi loạn. Bàn đầu tiên, Eto’o nhận bóng bằng chân phải từ đường chuyền dài của Marquez, bứt khỏi sự đeo bám của hậu vệ đối phương rồi dứt điểm bằng chân trái. Tất cả chỉ diễn ra trong tích tắc. Còn bàn ấn định tỷ số 4-0 thì là kết quả của một pha chạy chỗ khôn khéo để nhận đường chuyền của Iniesta trước khi đưa bóng vào góc hẹp. Ngoài ra, chính Eto’o còn là người có pha bật tường để Henry nâng tỷ số lên 3-0. Tóm lại, tài năng của tiền đạo người Cameroon đã lấn át tất cả những nghi ngại của Pep.
Thực tế, tính “hoang dã” của Eto’o đôi khi đem lại những rắc rối cho Barca. Nhưng nếu người HLV có cách ứng xử phù hợp, tính cách ấy có thể sẽ lại trở thành một lợi điểm đối với tiền đạo người Cameroon. Và có vẻ như, bước đầu, vị HLV 37 tuổi của Barca đã “thuần hóa” được “sư tử bất khuất”, và kết quả là những bàn thắng liên tục xuất hiện từ đôi chân của Eto’o.
Một nghi ngại khác của Pep là nỗi lo về sự vắng mặt của Messi cũng đã bị dẹp tan. Trong 3 trận giao hữu trước khi Messi lên đường dự Olympic Bắc Kinh 2006, Barca của Pep đã thể hiện sự phụ thuộc có phần thái quá vào ngôi sao người Argentina. Nhưng sự vắng mặt của Messi lại là dịp để Eto’o và Henry chứng tỏ sự hữu dụng của mình. Màn trình diễn của bộ đôi này đã làm các CĐV quên đi sự vắng mặt của “số 10”. Người được xếp chơi thay vị trí của Messi là cầu thủ trẻ Pedro, vậy mà Barca vẫn đủ sức đè bẹp đội bóng Ba Lan tới 4 bàn không gỡ.
Trong trận chính thức đầu tiên của mùa giải mới, Pep vẫn tỏ ra khá thận trọng khi chỉ sử dụng 2 tân binh đá chính ngay từ đầu là Dani Alves và Keita, còn Hleb chỉ được tung vào sân trong 9 phút cuối. Guardiola không cần phải vội vàng. Ông vẫn còn thời gian để thử nghiệm những vị trí khác. Bởi mối băn khoăn lớn nhất, vị trí trung phong coi như đã được giải quyết.
Eto’o sẽ nhận lương khủng?
TờL’Equipe cho biết, trước trận gặp Wisla, thông qua người đại diện của mình, Mesalles, Eto’o đã đề nghị Barca gia hạn hợp đồng tới năm 2012 đồng thời tăng lương từ 7,5 triệu lên 9 triệu euro/mùa. Tuy nhiên, người đại diện của Eto’o đã phủ nhận điều này và cho biết Eto’o chỉ muốn GĐTT Txiki Begiristain đảm bảo với anh rằng sẽ không mua thêm tiền đạo nào nữa. Txiki cũng cho biết Eto’o đã thay đổi tâm tính, không còn đòi tăng lương như trước nữa và rất muốn gắn bó với Barca. Thực tế, sau khi đã ra sân ở trận gặp Wisla, nếu có chuyển qua một đội bóng khác thì tiền đạo người Cameroon cũng sẽ không được tiếp tục ra sân tại Champions League mùa này.
Trận đấu lịch sử của Xavi
Cầu thủ xuất sắc nhất EURO 2008 đã có một đêm đáng nhớ khi ghi được 1 bàn thắng đẹp mắt từ cú sút ngoài vòng cấm địa (dứt điểm 1 chạm từ đường chuyền của Henry). Bàn thắng càng trở nên có ý nghĩa hơn bởi đây là trận đấu thứ 412 của Xavi cho Barca, giúp anh sánh ngang với cựu danh thủ Guillermo Amor. Bàn thắng vừa qua là bàn thứ 37 trong sự nghiệp của tiêng vệ này. Mục tiêu tiếp theo của Xavi là san bằng thành tích của Carles Rexach, hiện xếp thứ 2 trong danh sách những cầu thủ đá nhiều trận nhất cho Barca với 452 trận (đứng đầu là cựu danh thủ Migueli với 548 trận). Cũng trong trận đấu kể trên, đồng đội của Xavi là Puyol đã có trận đấu thứ 396, ngang với cựu danh thủ Asens

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?