Số phận đất nước, số phận những người dân lành vẫn là những lát cắt bi tráng và bi phẫn mà Phát ngôn và hành động tuần này xin gửi đến quý bạn đọc. Cũng là gióng lên tiếng chuông đau mong muốn cả xã hội cùng nhìn về một hướng, bảo vệ an ninh đất nước, bảo vệ người dân lành. Bởi có dân mới làm nên dân tộc.
"Của Xeda, trả về Xeda"
Chủ quyền biển đảo, chủ quyền Tổ quốc mãi mãi là những yêu thương, lo âu và nhức nhối, như những con sóng táp trong mỗi con tim người dân Việt những tháng năm này.
Và vì vậy, Phát ngôn và hành động tuần này xin được chọn một thông điệp trong bài viết nổi tiếng, trên Tuần Việt Nam, đã làm rung động hàng triệu tấm lòng. Đó là bài trả lời Đài truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc) của TS Vũ Cao Phan (Phó CT Hội Hữu nghị Việt- Trung), được truyền đến 150 nước trên thế giới vào ngày 25/6/2011 mới đây, với những phát ngôn mềm dẻo, nhã nhặn, nhưng rất ấn tượng vì nó rõ ràng, và sòng phẳng.
TS Vũ Cao Phan tự nhận là người "thân Trung Quốc" và "yêu Trung Quốc". Đó là lời nói chân thực. Vì văn hóa Trung Quốc với cả chiều dài lịch sử, chiều sâu và đỉnh cao bản sắc văn hóa Á Đông đã trở thành di sản văn hóa nhân loại được ngưỡng mộ, không người Việt nào có thể phủ nhận. Người viết bài cũng không ngoại lệ.
Nhưng cho dù có yêu những di sản văn hóa khổng lồ của Trung Quốc cống hiến cho văn hóa nhân loại đến mấy, thì TS Vũ Cao Phan cũng như hàng triệu triệu người dân Việt Nam còn yêu hơn biển đảo Tổ quốc mình, và không quên chủ quyền Tổ quốc đang bị đe dọa. Vì không thể nhân danh tình yêu mà mù quáng, mà lú lẫn, đánh đổi như câu thơ cay đắng về lịch sử xa xưa: "Trái tim lầm chỗ để trên đầu".
Tiến sĩ Vũ Cao Phan. Ảnh: Vnexpress |
Thì đây, trong một loạt bài nghiên cứu Biển Đông, ngày 4/7/2011, báo Đại Đoàn Kết đưa: "Trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974" đã được hàng vạn lượt người đón đọc.
Đó là trận huyết chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc trong cái ngày định mệnh 19/1/1974, để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa.
Sự thật lịch sử được vén dần lên: Từ tháng 4-1956, khi tiếp quản quần đảo Hoàng Sa từ quân đội Pháp, Việt Nam Cộng hòa đã phải đối mặt với những thủ đoạn của Trung Quốc, khi phát hiện ra họ đã bí mật chiếm đóng trái phép các đảo phía đông của quần đảo này. Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng đến mức cho xây các ngôi mộ giả không hề có xương cốt, bên trên chỉ có tấm bia gỗ ghi chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước. Một sự xâm chiếm bài bản, thâm sâu đúng bản chất người Trung Hoa.
Kể từ đó cho đến khi diễn ra trận huyết chiến 1974, vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam không một ngày bình yên.
Thì đây, ngày 3/7/2011, Tuần Việt Nam đưa bài viết: "Gặp nhân chứng trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974".
Họ là Trần Văn Hà, thủy thủy tàu HQ- 10, là Nguyễn Văn Chọn, thủy thủ tàu HQ- 6, những người trực tiếp chiến đấu trong trận huyết chiến năm xưa với Hải quân Trung Quốc. Họ may mắn trở về với cuộc sống, nhưng 58 người lính đồng đội của họ đã ngã xuống. Máu đỏ của người Việt hòa lẫn với nước biển xanh, vì chủ quyền quê hương.
Trong quá khứ, có thể khác nhau về ý thức hệ, nhưng đất nước Việt Nam chỉ có một và là mãi mãi.
Dân tộc Việt Nam, với định mệnh của tạo hóa và lịch sử, luôn phải nằm cạnh Trung Quốc, "núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông...". Núi vẫn liền núi, sông vẫn liền sông, vậy nhưng chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông kể từ năm 1956 đến tận bây giờ, năm 2011 của thế kỷ 21 chưa bao giờ là thôi nổi sóng, chưa bao giờ được bình yên. Vậy nhưng cái ấm lạnh, no đói của người dân Việt Nam 1000 năm Bắc thuộc còn in đậm.
Sự dối lòng của một quốc gia với một quốc gia, có thể tính được bằng tháng, bằng năm nhất thời, nhưng không thể đánh lừa được lịch sử. Kinh Thánh có câu: "Của Xeda, trả về Xeda".
Lịch sử Việt Nam hiện đại đang viết tiếp câu: "Của Việt Nam, phải trả về Việt Nam".
Nó rõ ràng như văn hóa đỉnh cao và dã tâm thâm sâu của một quốc gia.
Và cũng rõ ràng và sòng phẳng như lòng yêu hòa bình và lòng tự tôn dân tộc của một quốc gia khác.
Nó rõ ràng như khí phách của thuyền trưởng Lê Văn Chiến, và các thuyền trưởng đồng nghiệp của anh- Lê Nam, Nguyễn Văn Tư, Lê Xuân Dũng, Nguyễn Văn Dũng... cùng hàng nghìn ngư dân vẫn dũng cảm bám biển, cho dù phía Trung Quốc ngang ngược bịt đường ra khơi: "Chúng tôi quyết bám ngư trường, vùng biển Hoàng Sa chẳng phải vì một áp lực nào, mà đó là mệnh lệnh từ trong tim. Giữ ngư trường cho ai? Trước hết là cho ngư dân, sau nữa bởi đó là vùng biển của ông bà, tổ tiên ta".
Nó cũng rõ ràng như tiếng hô to: "Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam" vang lên giữa rừng cờ đỏ sao vàng của hàng nghìn sinh viên, lưu học sinh tại Pháp, Úc... trên đường phố những ngày qua mà bất cứ ai khi nhìn thấy cũng nghẹn ngào. Trên khắp quả địa cầu này, có máu đỏ da vàng nào mà không hướng về Việt Nam, nhất là khi quê hương ngấp nghé họa xâm lăng?
Và nó cũng rõ ràng như hàng nghìn người dân Việt Nam cả nước, suốt 5 tuần nay nối vòng tay lớn, để gửi tới Trung Quốc thông điệp, rằng lòng yêu nước không bao giờ song hành với sự nhát sợ, đớn hèn. "Không xa đâu Trường Sa ơi"! Câu hát bật lên trong một một clip nghiệp dư trên mạng xã hội như máu con tim, giữa những ngày tháng 6 nóng bỏng, khiến người nghe gai người và bỗng rơi nước mắt.
Trong những ngày tháng 6 nóng bỏng này, cũng xảy ra một "câu chuyện cảnh giác". Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), mới đây đăng bài phỏng vấn GS Nguyễn Thế Sự, nguyên Trưởng Khoa tiếng Trung (ĐH Hà Nội- Thanh Xuân, HN), trong đó có đoạn GS Nguyễn Thế Sự phát ngôn về sự kiện "thanh niên Việt Nam biểu tình gần Đại sứ quán Trung Quốc".
Nguyên văn bài báo: ...Ông Nguyễn Thế Sự nói: "Đây (cuộc biểu tình- KD) đều là do Phái phản động của Việt Nam gây ra". Việt Nam cũng có phái phản động chủ yếu là tổ chức người Việt ở hải ngoại, ví dụ như Đảng Việt Tân ở Pháp. Bọn họ rất ghét Đảng Cộng sản Việt Nam hơn nữa lại khiêu khích mối quan hệ Việt - Trung".
Khỏi phải nói, làn sóng người Việt phẫn nộ và bất bình với người phát ngôn câu nói đó ra sao. Tuy nhiên, mới đây, GS Nguyễn Thế Sự có gửi một lá thư đến bạn đọc đăng trên blog Non sông gấm vóc.
Theo đó, GS Nguyễn Thế Sự cho biết những câu trả lời của ông đã bị "lắp ghép, nhào nặn, chế biến ra một cuộc phỏng vấn với nội dung xuyên tạc, phục vụ cho ý đồ tuyên truyền có lợi cho phía Trung Quốc", do một thanh niên Trung Quốc trẻ, 30 tuổi, đến tận nhà, tự xưng là phóng viên tờ báo Tề Lỗ vãn hóa của tỉnh Sơn Đông.
GS Nguyễn Thế Sự cực lực phản đối và bác bỏ những trích dẫn xuyên tạc những ý kiến của ông đăng trên một số báo mạng Trung Quốc.
Nếu tất cả đó là sự thực, thì việc làm của truyền thông Trung Quốc một lần nữa, cho thấy bụng dạ khôn lường, mưu mẹo thâm độc. Nó cũng cảnh báo cho bất cứ ai là người Việt Nam, khi phát ngôn trước công luận về Tổ quốc, về đồng bào, phải tỉnh táo và đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.
Con tim yêu vốn vậy. Con tim với Đất nước càng cần vậy, rõ ràng và minh bạch.
Của Xeda phải trả về Xeda!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Có ý kiến gì không?