Trong tuần này, có 3 vụ việc mà khi đọc thông tin trên các báo, ngay lập tức bạn đọc bị sốc nặng, và chỉ có thể gọi đích danh những hành động đó là cái Ác nhân danh. Bởi số phận những người dân lành trong xã hội giờ đây, sao mong manh, bất an đến thế. Và bởi cái Ác trong xã hội giờ sao ngang nhiên đến thế?
Caí Ác nhân danh bảo vệ: Đó là câu chuyện của nhân viên bảo vệ Lê Tuấn Minh, (Công ty Giai Đức- Chương Mỹ- Hà Nội), ngày 23/6/2011 mới đây, đã lái xe (không có bằng lái) đâm thẳng vào hàng trăm công nhân của công ty này đang đình công đòi tăng lương, cải thiện điều kiện sinh hoạt. Hành vi tàn bạo của Minh đã khiến 1 công nhân chết, 6 công nhân khác bị thương. Cả công ty bàng hoàng.
Đối tượng Lê Tuấn Minh. Ảnh Dân Trí |
Lê Tuấn Minh, trong chốc lát, từ nhân viên bảo vệ thành kẻ giết người.
Khai với cơ quan công an điều tra, Lê Tuấn Minh khẳng định, lãnh đạo công ty không sai đâm xe vào nhóm công nhân biểu tình, mà chỉ yêu cầu phải dẹp bằng được công nhân. Do sức ép từ lãnh đạo công ty, Minh nóng lòng muốn ổn định nhanh tình hình nên đã gây hậu quả xấu"(?)
Cái sự nóng lòng của Minh, rồi đây sẽ được pháp luật trả lời, khi Minh đứng trước vành móng ngựa. Và còn ai nữa, sẽ phải "chia lửa" với Minh về sự nóng lòng dẫn đến hành vi mất hết tính người này?
Những người thợ đình công của Công ty Giai Đức cuối cùng cũng đạt được mục đích: Lãnh đạo công ty đồng ý tăng lương cơ bản lên 1.680.000đ; tăng mức ăn ca từ 10.000đ/bữa lên 15.000đ/bữa, rồi tiền chuyên cần, tiền trợ cấp đều được tăng... Nhưng những đồng tiền được tăng nó cay đắng quá, vì máu những người lao động vô tội- đồng nghiệp của họ đã đổ.
Có một điều, vì sao trong xã hội chúng ta bây giờ, những "giá trị ngược" lại nhiều đến thế?
Vì sao, một nhân viên "bảo vệ" lại trở thành kẻ giết người một cách thản nhiên, không cần suy nghĩ?
Vì sao, cái tốt lại luôn sợ cái xấu, người ngay luôn sợ kẻ gian?
Vì sao, một hiệp sĩ bảo vệ đường phố, như Nguyễn Tăng Tiên (Thủ Dầu Một- Bình Dương), lại phải rơi nước mắt vì tủi thân, vì bị côn đồ trả thù, truy sát mà không được cơ quan chức năng nào bảo vệ?
Vì sao?
Ai có thể trả lời về những "giá trị ngược" không bình thường này đây?
Cái Ác nhân danh cứu người: Đó là câu chuyện về cái chết oan vô cùng thương tâm của một cô gái trẻ đã làm chấn động lương tâm của bất cứ ai. Cô gái Dương Thị Thu Huyền, ở Đất mũi Cà Mau, mới 17 tuổi, bị kẻ xấu cưỡng bức, bị thương tích do chấn thương tinh thần, hoảng sợ ngã dẫn đến chấn thương sọ não.
Được người nhà đem vào Bệnh viện Năm Căn cấp cứu lúc 3 giờ sáng, 1 giờ sau, em tắt thở. Cái chết oan uổng của em không hẳn do bệnh em quá nặng, mà chỉ vì sự dốt nát về kiến thức chẩn bệnh. Nhưng nhất là sự vô cảm, thờ ơ với nỗi đau con người, là sự tắc trách của ông bác sĩ Nguyễn Duy Tú cùng kíp trực.
Cổng rào của bệnh viện bị nhiều người đập nát vào tối ngày 29-6 |
Là những lời nói dửng dưng và tàn nhẫn của những vị khoác áo thầy thuốc, cho dù người nhà em đã gõ cửa tới 6 lần, và quỳ xuống van xin họ cho em được chuyển viện. Chỉ vì vô tình em được cấp cứu vào cái giờ họ...ngủ.
Đến mức báo Tuổi Trẻ phải gọi họ là "Bác sĩ máu lạnh" (ngày 4/7/2011)
Đáng tiếc nữa, cái chết oan nghiệt của của Huyền đã khuấy động cả một vùng quê, làm rối loạn cái mảnh đất vốn heo hút. 34 con người gây rối trong vụ đập phá nhà bác sĩ Tú, nhà giám đốc bệnh viện rồi đây sẽ ra trước vành móng ngựa. Nhưng ông bác sĩ Tú và những vị đồng nghiệp trực đêm hôm đó, liệu có khi nào tự quỳ xuống, để sám hối với lương tâm, với chính cái nghề được coi là từ mẫu.
Vì cái chết của một con người- như của cô gái trẻ Dương Thị Thu Huyền- sao mà dễ thế, nó "ngon lành" như giấc ngủ của các bác sĩ đêm đó vậy. Chỉ có điều, sự vô cảm, nhẫn tâm của họ, những bác sĩ nhân danh cứu người, có lẽ cần được cấp cứu trước.
Cái Ác nhân danh dạy người: Ngày 29/6/2011, một loạt các báo Tiền Phong, VietNamNet, baomoi.com... đưa tin một tội ác giết người kinh hoàng: Thủ phạm là nhà giáo- ông Nguyễn Thanh An, Hiệu trưởng Trường tiểu học C (xã Phước Long, huyện Phước Long- Bạc Liêu).
Câu chuyện rất đơn giản và bất ngờ. Ông An cùng 2 đồng nghiệp, thầy giáo Bùi Thanh Đẳng, và Trần Việt Triều gọi bia về nhậu. Trong bữa nhậu, thầy giáo Triều đưa ra đề toán cấp 3 đố giải. Hiệu trưởng An không giải nổi, nên bị thầy Triều chê: "Làm lãnh đạo, quản lý mọi mặt mà bài toán cấp 3 giải không ra!" Câu nói trêu chọc không ngờ phải trả giá quá đắt. Khi thình lình ông An cầm cây dao phay cứa cổ thầy Triều. Trong chốc lát, thầy Trần Việt Triều nằm chết trên vũng máu. Còn ông An sau phút định thần, hãi hùng bỏ trốn.
Cũng như bảo vệ Lê Tuấn Minh ở Công ty Giai Đức nói trên, phút chốc, từ một hiệu trưởng, ông An trở thành kẻ giết người.
Có rất nhiều tội ác mà khi xảy ra, xã hội còn bàn luận rất lâu, tranh cãi, lý giải nguyên nhân. Có những tội ác, người ta không sao hiểu nổi tội phạm vì sao có thể đang tâm tàn bạo đến vậy.
Còn trong trường hợp này, tội ác có vẻ được lý giải đơn giản hơn, nhưng cũng đau đớn, và tai tiếng hơn. Đơn giản, vì có thể thấy ngay được chất xúc tác- bia rượu, dù có thể trong mối quan hệ 2 phía, có những khúc mắc riêng tư, không ai dễ biết. Nhưng cũng đau đớn và tai tiếng hơn, vì cả thủ phạm lẫn nạn nhân đều là thầy giáo, ở cái ngành dạy người đòi hỏi sự mô phạm.
Xưa nay người ta thường "rượu vào, lời ra". Mà nay mới có bia vào, đã lại ...dao ra!
Trong đám tang thầy giáo trẻ Trần Việt Triều- cũng là con của một hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Phước Long I, vợ con của hiệu trưởng Nguyễn Thanh An, khóc đau đớn, thảm thiết. Nước mắt của những gia đình nhà giáo sao nó bẽ bàng và xót xa đến vậy.
Còn xã hội chúng ta, có tôi, có anh, có chị... cũng đang phải khóc cho những bất cập của ngành giáo dục.
Vì sao, mà cả sự dạy chữ lẫn dạy người lại xuống cấp thê thảm đến vậy?
"Của Xeda, trả về Xeda". Xin gửi trả cho ngành giáo dục cái dấu hỏi đau đớn của cả xã hội để ngành trả lời trước dân tộc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Có ý kiến gì không?