Tàn mà không phế
Ông Lê Văn Hòa sinh năm 1931 tại xóm lưới Bình Thủy (Cần Thơ), trong một gia đình nghèo có 6 anh em. Chiến tranh, giặc dã triền miên khiến gia đình ông lưu lạc mỗi người một nơi. Riêng ông ở lại với cha mẹ già, làm nghề chài lưới kiếm sống qua ngày. 15 tuổi, đôi mắt ông bỗng mờ dần rồi mù hẳn. Ông nhà nghèo, không có tiền cứu chữa nên cuộc đời ông gắn bó với đêm đen từ đó.
Nhưng không vì thế mà cuộc đời ông đi vào ngõ cụt. Với nghị lực phi thường, ông quyết đứng vững, sống khỏe trong cảnh mù lòa. Bắt đầu từ việc lần mò làm quen với các vật dụng trong nhà. Hai đầu gối ông không biết bao nhiêu lần tóe máu sau mỗi lần vấp ngã. Quen với trong nhà, ông tập lần ra ngoài ngõ. Rồi ông mò mẫm theo cha giăng câu, lưới cá ở con rạch trước nhà. Ông cứ cắm các cây sào tre ở từng đoạn kênh rồi giăng dây cột lại, trầm mình xuống nước lần theo các cọc ấy để giăng lưới, thả câu...
Nhiều người dân trong ấp thấy cậu bé mù đi bắt cá đâm lạ, người động viên, kẻ mỉa mai nhưng ông phớt lờ mọi đàm tiếu, ngày đêm hì hục mưu sinh, tự kiếm sống, tự nấu ăn…
Vài năm sau đó, ông theo cha mẹ chuyển về Rạch Chanh (Long Hòa) để giữ vườn mướn. Một lần người cha già trèo cây hái trái bị ngã gãy tay, nghĩ cảnh người cha nén đau tiếp tục làm việc nuôi cả nhà, ông cám cảnh và nung nấu ý chí học leo cây để phụ giúp gia đình. Những ngày đầu, cha mẹ phải dắt ông ra cây, hướng dẫn, mò mẫm, cả hai bàn tay ông rách toác, ứa máu. Dần dà rồi ông cũng quen việc rồi yêu “nghề” lúc nào không biết.
“Đệ nhất tài tử” miệt vườn
Khi tôi hỏi về cái nghề leo dừa mướn, đốn cây, mé nhánh, ông lặng thinh không nói, chỉ xòe đôi bàn tay cho tôi xem. Đôi bàn tay to bè với những nốt sần sùi, chai cứng; lòng bàn tay đầy vết trầy xước át hết những đường chỉ tay. Vuốt nhẹ tay ông, tôi có cảm giác như vừa chạm vào tờ giấy nhám thô ráp. Ông tỉnh queo: “Đó. Chú mày thấy chưa, nhờ nó mà gần 50 năm nay tui sống khỏe re với cái nghề leo dừa mướn, mé nhánh cây, chặt củi”.
Ở miệt Bình Thủy - Long Tuyền, nhà vườn nào cần tỉa nhánh cây, cưa cây làm cột, xẻ ván đều cậy đến ông Tám mù (cái tên thân thương mà gia đình và bà con chòm xóm vẫn dành gọi ông). Có những cây dừa lão cao chót vót gần 20 mét, thợ củi trong vùng đều chào thua vì cây quá cao, leo lên sợ ngọn yếu dễ bị té, duy chỉ có ông Tám mù đủ sức “chinh phạt”.
Ông tự chế ra cọng dây nài để giảm bớt sức khi leo lên cây cũng như khi tụt xuống. Dây nài thực ra chỉ là một cọng dây bố dài độ 4 tấc được cột tròn lại. Mỗi khi leo cây, ông tròng 2 chân vào cái nài và dạng chân ra, dùng khoảng trống của 2 sợi dây nằm giữa 2 chân để làm vật bám và cọ xát với thân cây để lấy lực nhún leo lên.
Rê một điếu thuốc còn nhanh hơn người sáng mắt, kéo một hơi dài sảng khoái, ông nhờ tôi dẫn đến một cây dừa cao khoảng 6 mét trước cửa nhà. Bắt được thân cây, ông thoăn thoắt leo lên ngọn trong phút chốc. Ngoài 70 tuổi, cái dáng của ông vẫn cứng cáp và nhanh thoăn thoắt.
Không chỉ leo cây, các công việc nhà như bửa củi, dựng vách, dọn dẹp vườn tược ông đều làm rành rẽ không thua gì người sáng mắt. Một ngày vợ chồng ông kiếm được trên dưới 40 ngàn đồng tiền công. Cứ thế, ông nuôi sống bản thân và gia đình mình hơn nữa thế kỷ.
Ông Tám mù “không con mắt nhưng hai vợ”, thế mới siêu! Hỏi thì ông bảo đó là duyên số chứ ông nào có tài giỏi gì. Năm 18 tuổi (năm 1949), ông cưới vợ nhờ cái nghề bắt cá kiếm bộn tiền. Chưa tròn 2 năm, vợ ông bỏ đi, mang theo giọt máu của ông trong mình không một lời từ biệt. Đó là lần đầu tiên và duy nhất Tám mù thấy đau cái nỗi đời.
Năm 1964, Tám mù lại cưới vợ, bà Nguyễn Thị Tám khi ấy mới 27 tuổi nhưng đã một nách 3 con, vợ liệt sĩ. Hai con người bất hạnh gặp nhau trên một cánh đồng trưa, nói chuyện một lúc là thương, thương là cưới. 44 năm, lần lượt 4 người con, 2 trai 2 gái chào đời trong mái tranh nghèo và lớn lên bằng những đồng tiền công leo cây mướn của cha mẹ. Những người con ấy giờ đã có ba người được ông bà lo dựng vợ gả chồng, riêng cậu con trai út vẫn ở với ông bà. Con cháu đề huề, khá hơn cha mẹ, muốn phụng dưỡng nhưng ông gạt phắt vì còn ông sức vóc không muốn lụy ai, với lại bỏ nghề thì ngứa chân tay lắm.
Ông Hòa kể lại tai nạn nghề nghiệp duy nhất và đau nhất trong cuộc đời đầy kiêu hãnh của mình: một cú ngã từ ngọn cây gần 11 mét xuống đất, ông ngất xỉu và nằm liệt giường vài tháng. Hết bệnh ông lại tiếp tục leo cây bất chấp con cháu khuyên ngăn. Ông bảo: “Có ngã mới có đứng lên, lẽ đời là thế, nếu nguy nan mà nản, mà buông xuôi thì cuộc sống còn ý nghĩa gì hả chú”.
Tôi chợt hiểu đó là lời nói xuất phát từ chính nghị lực sôi sục trong một con người kỳ lạ. Chính nghị lực đó đã đưa ông vượt qua bóng tối để sống bằng niềm kiêu hãnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Có ý kiến gì không?