Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Học giả Việt Nam nói về Biển Đông trên truyền hình Trung Quốc

Học giả Việt Nam nói về Biển Đông trên truyền hình Trung Quốc Tiến sĩ Vũ Cao Phan, Phó chủ tịch hội hữu nghị Việt - Trung, bình luận rằng, trong tranh chấp ở Biển Đông, phải làm rõ vấn đề chủ quyền trước khi nghĩ đến việc khai thác chung nguồn tài nguyên.
Dưới đây là nội dung trả lời của ông với Đài truyền hình Phượng Hoàng của Hong Kong, Trung Quốc, tuần trước do tiến sĩ gửi cho VnExpress.
- Sự thể hiện cứng rắn gần đây của Việt Nam ở Nam Hải (Biển Đông) biểu thị thái độ gì?
- Nếu chỉ nhìn vào riêng biệt các sự kiện xảy ra gần đây để đánh giá phản ứng và thái độ của Việt Nam thì sẽ không chính xác. Phải nhìn rộng ra một chút, nhìn xa ra một chút. Vài năm gần đây ngày càng có nhiều tàu đánh cá của phía Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu hết lưới cụ rồi đòi tiền chuộc. Như năm ngoái chẳng hạn, hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân khu vực miền Trung bị bắt giữ. Đây vốn là vùng đánh cá truyền thống lâu đời và yên lành của ngư dân Việt Nam, bây giờ bỗng nhiên liên tục xảy ra những sự việc như vậy.
Có lần truyền hình Việt Nam chiếu cảnh hàng trăm thân nhân của những người đánh cá đứng, ngồi lam lũ trên bờ biển khóc lóc ngóng lo chồng con trở về đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội (điều này chắc các bạn Trung Quốc không biết).
Nhà đương cục Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc về vấn đề đó nhưng hầu như không được đáp ứng. Lần này Trung Quốc hành động mạnh hơn thì phản ứng của Việt Nam cũng buộc phải mạnh hơn, không có gì quá bất thường. Trong tinh thần ấy, tôi nghĩ, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ là những phản ứng tự vệ, đâu có phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh như các bạn vừa suy luận. Nếu người dân Trung Quốc thấy bất thường thì có lẽ là vì các bạn không biết đến các sự kiện trước đó như tôi vừa nói. Còn nếu gọi đây là một sự leo thang thì phải thấy là Việt Nam leo theo các bạn Trung Quốc. Đúng thế đấy, phía Trung Quốc luôn luôn leo lên trước.
- Theo ông, tranh chấp trên Nam Hải (Biển Đông) sẽ được giải quyết bằng vũ lực hay đàm phán?
- Ở Việt Nam loại câu hỏi như thế này hầu như không được đặt ra. Tôi nói hầu như nghĩa là không phải không có. Mặc dù Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh suốt hơn nửa thế kỷ qua nhưng không nhiều người nghĩ đến khả năng có một cuộc chiến tranh Trung - Việt vào lúc này vì những hòn đảo ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải). Về phía cá nhân, tôi tin cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
Thứ nhất là vì Chính phủ hai nước luôn luôn cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp này không phải bằng vũ lực mà thông qua con đường ngoại giao, đàm phán thương lượng.
Thứ hai, cả hai nước đều đang ra sức phát triển kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chiến tranh ở Việt Nam; và công cuộc xây dựng phát triển kinh tế này đang đạt được những kết quả khả quan, chắc là không bên nào muốn để chiến tranh một lần nữa kéo lùi sự phát triển của đất nước mình.
Thứ ba, bối cảnh của một thế giới hiện đại - tôi muốn nói đến một dư luận quốc tế đã trưởng thành - sẽ mạnh mẽ góp sức ngăn ngừa một khả năng như vậy.
Thứ tư, và điều này cũng rất quan trọng, là nếu chính phủ hai nước có nóng đầu một chút thì lý trí và tình cảm của nhân dân cả hai bên sẽ giúp cho họ tỉnh táo hơn, tôi tin như vậy. Tôi xin hỏi lại anh, chắc anh cũng không muốn có một cuộc chiến tranh chứ?
Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra những va chạm, xung đột nhỏ.
- Bản chất của sự tranh chấp Trung - Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế hay chủ quyền? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc "gác tranh chấp, cùng khai thác” như thế nào?
- Đây là một câu hỏi thú vị. Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan thì thấy Trung Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”.
Ta thử phân tích xem tại sao nhé. Và đây là ý kiến của cá nhân tôi thôi. Lý do thứ nhất là tài nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra? Liên quan đến nó là lý do thứ hai: “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà các bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà nguyên văn là: “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, có đúng không ? Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là “chủ quyền”! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài nguyên?
Tôi ủng hộ việc hai nước cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông nhưng ít nhất trước đó cũng phải làm sáng tỏ đến một mức độ nhất định nào đó (nếu chưa hoàn toàn) vấn đề chủ quyền.
Về câu hỏi của các bạn là bản chất của cuộc tranh chấp Việt - Trung là gì, kinh tế hay chủ quyền thì tôi đã phát biểu như vậy. Nhưng nếu cho tôi được phát triển theo ý mình thì tôi nói rằng, bản chất của cuộc tranh chấp này là chính trị. Quan hệ Việt - Trung không yên tĩnh đã từ mấy chục năm nay rồi và nó là một dòng gần như liên tục, trước khi xuất hiện vấn đề biển đảo những năm gần đây, có phải vậy không? Để giải quyết nó, các nhà lãnh đạo cần phải ngồi lại với nhau, ở cấp cao nhất ấy, một cách bình đẳng, bình tĩnh, thẳng thắn và chân thành. Vấn đề hóc búa đấy. Đương đầu với sự thật không dễ dàng, nhưng sẽ dễ dàng nếu xuất phát từ thiện chí mong muốn một sự bền vững thực chất cho tình hữu nghị Việt - Trung.
- Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Trung - Việt sẽ như thế nào? Làm cách nào để có thể duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước?
- Tôi là một người có nhiều năm công tác ở Hội Hữu nghị Việt - Trung, có nhiều mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc và nói một cách rất chân thành là tôi yêu Trung Quốc, khâm phục Trung Quốc và thậm chí có thể gọi là “thân Trung Quốc” cũng được. Vì thế, điều mong muốn thường trực của tôi là làm sao xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, thật sự tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Chắc các bạn cũng muốn vậy. Nhưng có không ít việc phải làm. Có việc phải bắt đầu lại. Trước hết, như tôi đã nói là phải ngồi lại với nhau. Có vị bảo với tôi là ngồi mãi rồi còn gì. Không, ngồi như vậy chưa được, ngồi như vậy không được. Ngồi thế không phải là ngồi thẳng.
Về phần mình với mong muốn như vậy, tôi xin được gửi gắm đôi điều giống như là những lời tâm sự đến các bạn:
Thứ nhất là, vấn đề đàm phán song phương giữa hai nước. Tôi nghĩ đàm phán song phương cũng tốt, cũng cần thiết. Những nơi có tranh chấp đa phương như quần đảo Trường Sa (Nam Sa) thì cần phải đàm phán nhiều bên còn như quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) là vấn đề của riêng hai nước Việt Nam và Trung Quốc lại khác.
Nhưng Chính phủ các bạn lại tuyên bố Hoàng Sa dứt khoát là của Trung Quốc, không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán. Vậy thì còn cái gì nữa để mà “song phương” ở đây? Chính tuyên bố ấy của Trung Quốc đã đóng sập cánh cửa “con đường song phương”. Tình trạng tranh chấp Hoàng Sa rất giống với tình trạng tranh chấp của đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà ở đấy, địa vị của Trung Quốc hoàn toàn giống như địa vị của Việt Nam ở Hoàng Sa lúc này. Chẳng lẽ Trung Quốc lại có một tiêu chuẩn kép cho những cuộc tranh chấp giống nhau về bản chất sao?
Thứ hai là, chúng ta thường nói đến sự tương đồng văn hóa giữa hai nước như là một lợi thế cho việc chung sống hữu nghị bên nhau giữa hai dân tộc. Điều đó đúng một phần, nhưng mặt khác, văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa ứng xử có sự khác biệt lớn với Trung Quốc. Nếu văn hóa ứng xử của người Trung Quốc là mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán (và do đó thường áp đặt?), nặng về lý trí, thì văn hóa ứng xử của người Việt Nam là nhẹ nhàng, khoan dung, nặng về tình, ơn thì nhớ lâu, oán thì không giữ. Hình như các bạn Trung Quốc chưa hiểu được điều này ở người Việt Nam. Cần phải hiểu được như vậy thì quan hệ giữa hai bên mới dễ dàng.
Tôi có thể lấy một ví dụ. Những sự kiện ở Nam Kinh, ở Lư Cầu Kiều xảy ra đã hơn bảy chục năm rồi. Nhưng mỗi khi có vấn đề với Nhật Bản, người Trung Quốc lại xuống đường biểu tình, đầy căm thù nhắc lại những sự kiện ấy. Người Việt Nam thì không như vậy. Phát xít Nhật đã góp phần gây ra nạn đói giết chết hàng triệu người Việt Nam năm 1945, và trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1965 – 1975, người Mỹ, người Hàn Quốc đã gây rất nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, chính những người lính các nước này khi trở lại Việt Nam đã rất ngạc nhiên bắt gặp những nụ cười niềm nở thân thiện của người dân. Có lẽ nhờ thái độ, cách ứng xử đó của người Việt Nam chăng mà Mỹ, Nhật, Hàn cuối cùng đã trở thành những đối tác kinh tế và thương mại lớn, và là những nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam sau chiến tranh?
Nói như thế vì tôi thấy rằng, cách ứng xử nặng nề của phía Trung Quốc đối với Việt Nam đã và đang đẩy những người Việt Nam vốn rất yêu quý Trung Quốc ra xa các bạn, chứ không phải là Việt Nam cố đi tìm liên minh để chống Trung Quốc.
Lấy thêm một ví dụ nữa nhé! Bây giờ chúng ta đã có thể hiểu bản chất sự kiện (cũng có thể gọi là cuộc chiến tranh) tháng 2/1979 rồi. Người Việt Nam đã muốn quên đi, và khi tiếp xúc với các bạn Trung Quốc vẫn luôn giữ một sự niềm nở chân tình. Trái lại người Trung Quốc rất hay nói đến sự kiện đó. Các bạn biết không, năm 2009, tôi chẳng để ý đó là năm gì, giở báo, mạng của các bạn mới biết là đã 30 năm kể từ 1979. Không phải chỉ vào tháng 2 đâu mà suốt cả năm 2009 người ta nói về sự kiện này. Hàng mấy trăm bài viết, nhiều bài trên mạng mà nhìn vào chỉ muốn khóc. Lời lẽ thật tàn tệ. Thôi, cho chuyện này qua đi …
Thứ ba là, quan hệ giữa hai nước chúng ta thậm chí phải trở nên đặc biệt vì chúng ta có sự tương đồng văn hóa, lịch sử, là láng giềng không thể cắt rời, từng hoạn nạn có nhau (bản thân tôi là một người lính trong chiến tranh Việt Nam, tôi không thể nào quên sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc về cả vũ khí, lương thực mà mình trực tiếp được sử dụng). Hai nước chúng ta lại đang cùng cải cách mở cửa, phát triển kinh tế. Chừng ấy lý do là quá đủ để quan hệ này trở nên hiếm có, trở nên đặc biệt. Tôi nói như vậy là muốn phát biểu thêm rằng, hai nước còn một lý do tương đồng nữa là cùng thể chế chính trị, cùng ý thức hệ, điều hay được người ta nhắc đến. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi - của riêng tôi thôi nhé - thì không cần nhấn mạnh điểm tương đồng này. Nó tồn tại như một điều kiện, một lý do thế thôi, không cần nhấn mạnh như cách hai nước vẫn làm. Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi. Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau. Hơn nữa, giả dụ một ngày nào đó một trong hai nước chúng ta có một thể chế chính trị khác thì sao, chúng ta lúc ấy còn cần duy trì quan hệ láng giềng tốt nữa không? Vẫn cần chứ, rất cần. Vậy thì …
Tôi rất sẵn lòng cùng các bạn làm tất cả những gì để hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã hiểu biết càng hiểu biết nhau hơn nữa, đã gần gũi càng gần gũi nhau hơn nữa. Cám ơn Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này


'Tôi bất ngờ về hiệu ứng buổi phỏng vấn của đài Phượng Hoàng'

Là học giả Việt Nam duy nhất được mời tham dự trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong, Trung Quốc) về sự kiện biển Đông, tiến sĩ Vũ Cao Phan chia sẻ với VnExpress xung quanh nội dung bài phát biểu gây nhiều chú ý trong và ngoài nước này

- Đài truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc) đặt vấn đề phỏng vấn ông trong bối cảnh nào?
- Phượng Hoàng là đài truyền hình vệ tinh toàn cầu, một trong những đài có ảnh hưởng đặc biệt với giới người Hoa nói chung. "Nhất Hổ nhất tịch đàm" là một đại talk show liên tuyến toàn cầu mỗi tháng một kỳ, truyền phát đến hơn 150 quốc gia do người dẫn chương trình nổi tiếng Hồ Nhất Hổ chủ trì, phát vào tối thứ bảy và phát lại vào chiều chủ nhật.
Nhân sự kiện nóng lên ở biển Đông, đài Phượng Hoàng muốn tổ chức một talk show và mời một số học giả ở các đầu cầu Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đại Lục và Việt Nam tham gia theo cách liên tuyến.
Ở Việt Nam, Đài Phượng Hoàng đã đề nghị Viện nghiên cứu Trung Quốc (Viện Khoa học xã hội) cử một học giả tham gia và Viện đã giới thiệu tôi. Tôi nghĩ đây là cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề biển Đông, để nhân dân Trung Quốc biết được cái gì đúng, cái gì không đúng xung quanh việc này.
ong Phan
Tiến sĩ Vũ Cao Phan: "Tôi nghĩ đây là cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề biển Đông, để nhân dân Trung Quốc biết được cái gì đúng, cái gì không đúng xung quanh việc này". Ảnh: Hoàng Hà.
- Cuộc phỏng vấn được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Chương trình được thực hiện theo phương thức ghi hình trước, phát sóng sau (cách nhau hai ngày). Trước khi ghi âm, ghi hình, đài Phượng Hoàng gửi cho tôi câu hỏi và đề nghị trả lời bằng văn bản. Tôi chuẩn bị trả lời bằng cả tiếng Việt, tiếng Trung và yêu cầu tất cả những gì tôi nói trong văn bản này không được cắt bỏ. Nếu thỏa mãn yêu cầu ấy tôi mới tham gia và họ đồng ý. Họ cho biết thời lượng chương trình dành cho tôi khoảng 30 phút.
Nhưng hôm đó buổi truyền hình có nhiều học giả ở nhiều đầu cầu cùng tham gia, không đủ 30 phút cho tôi. Trong buổi truyền hình, tôi chỉ trả lời hai câu hoàn chỉnh, câu 3 (bản chất của sự tranh chấp Trung - Việt) do sắp hết thời lượng nên bị cắt để chuyển sang câu 4 mà đài cho rằng quan trọng hơn. Câu này cơ bản tôi nói được đúng ý, nhưng không đủ thời gian nói hết. Tôi hơi tiếc câu 3, câu tôi tâm đắc nhất thì lại không có thời gian nói. Tuy nhiên tôi hy vọng toàn bộ phần trả lời của tôi sẽ được họ đưa lên mạng như tôi đã đề nghị. Hiện tôi cũng chưa biết điều này có thực hiện được không.
Tôi cũng không được xem chương trình phát sóng vì Việt Nam không bắt được đài Phượng Hoàng, nên không biết diễn biến thực tế trên trường quay như thế nào, việc đưa thông tin câu trả lời của tôi đến đâu. Tôi đã gửi bản tiếng Việt và bản tiếng Trung phần trả lời bằng văn bản sang nhờ một số bạn ở Trung Quốc đối chiếu với chương trình được phát.
Các bạn cho biết, về cơ bản phù hợp với những nội dung đã phát trên truyền hình và họ còn cho biết truyền hình một mặt đưa lời của tôi (bằng tiếng Việt vì tiếng Hán của tôi không được lưu loát lắm), một mặt hiển thị câu trả lời của tôi bằng chữ Trung Quốc theo văn bản mà tôi gửi sang. Văn bản này đã được bạn Phó Thiên Phóng, một người giỏi tiếng Hán hiệu đính. Điều này cũng thể hiện tính khách quan của phía Phượng Hoàng.
- Mặc dù không ghi hình trực tiếp, nhưng ông có thể cảm nhận điều gì về không khí của buổi truyền hình?
- Tôi cảm nhận không khí trường quay có vẻ nóng, trong đó một học giả nói về Việt Nam khá gay gắt. Lúc ấy tôi định trả lời ngay, nhưng rất tiếc là họ đã chuyển qua đầu phía Đài Loan.
Trong chương trình, tôi cũng thấy vui khi có người Trung Quốc nói: "Hai nước chúng ta phải nắm tay nhau để đến giữa thế kỷ này Việt Nam và Trung Quốc đều là những xã hội khá giả". Tôi nghe loáng thoáng tiếng người ở đầu dây của một nước khác nói: "Hai nước Việt - Trung cần phải ngồi lại với nhau để tìm ra nguyên nhân, cùng nhau thỏa thuận để thúc đẩy quan hệ tốt đẹp, không nên để xảy ra tranh chấp dẫn đến vũ lực".
- Sau khi chương trình lên sóng, ông nhận được phản hồi thế nào từ khán giả, nhất là người Trung Quốc?
- Tôi nghĩ chắc là tích cực. Trong thế giới người Hoa, đài Phượng Hoàng là một trong những đài có vị thế cao nhất nên tôi rất muốn họ biết được những điều trung thực đã xảy ra ở biển Đông. Vài người bạn của tôi bảo rằng buổi phát hình thứ hai người xem đông hơn. Có lẽ do hiệu ứng của buổi phát hình đầu tiên đã kéo mọi người đến chăng?
Ý định của tôi tham gia chương trình này là muốn đưa thông tin đến với các bạn Trung Quốc, chứ không hướng đến người xem Việt Nam vì mình không xem được chương trình và những điều tôi nói mọi người đều biết rồi. Nhưng tôi rất ngạc nhiên về hiệu ứng bài trả lời truyền hình của mình đối với trong nước. Hiện riêng trên mạng có đến hàng trăm nghìn người truy cập vào bài phỏng vấn và mới qua một tuần tôi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn, chủ yếu là người trong nước, nhưng cũng có không ít người Việt ở nước ngoài.
Tôi nhớ, có hai cuộc điện thoại, một ở phía nam, một ở nước ngoài gọi về, đều là giọng nữ, vừa nói vừa như muốn khóc. Họ cảm ơn tôi đã giúp họ hiểu tình hình. Họ còn nói từ bây giờ có thể tự tin hơn nhiều lắm.
- Trong bài phỏng vấn, ông nói khi hai nước ngồi với nhau thì phải “ngồi thẳng”, điều đó có ý nghĩa gì?
- Rất nhiều người đã hỏi tôi câu này. Câu trả lời của tôi đơn giản thôi. Thẳng lưng sẽ thẳng lòng, thẳng thắn và trung thực. Thẳng lưng giúp nhìn cao, thấy xa. Thẳng lưng sẽ thấy mình lớn hơn và tự tin hơn, loại đi cái mặc cảm nhược tiểu nếu có.
"Có học giả cũng ngờ ngợ về việc tuyên bố chủ quyền trong vùng nội thủy đường lưỡi bò". Ảnh: Hoàng Hà.
- Là phó chủ tịch hội Hữu nghị Việt Trung, ông đánh giá thế nào về cách nhìn nhận của số đông người Trung Quốc về vấn đề biển Đông?
- Cuối năm ngoái chúng tôi có một cuộc trao đổi thẳng thắn với các học giả Trung Quốc, tôi nhận thức rằng có những điều các bạn biết, có những điều không biết. Khi tôi đưa thông tin, các bạn tỏ ra hơi ngạc nhiên, chứng tỏ họ không có đủ thông tin. Rất nhiều học giả Trung Quốc thông qua báo chí, trang mạng phát biểu quan điểm giống như quan điểm của Chính phủ. Có thể họ không nắm được thông tin, hoặc có thể cố tình nói thế. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến khác lạ.
Gần đây tôi đọc được thông tin về một học giả Trung Quốc, thiếu tướng Kiều Lương, nêu một ý kiến thế này: "Cách suy nghĩ về biển Đông của người Trung Quốc chúng ta chưa rõ ràng. Chúng ta chưa xem các quan điểm, tuyên bố chủ quyền của chúng ta thế này có phù hợp với luật pháp quốc tế nói chung, hay công ước về biển nói riêng chưa. Ngay cả khái niệm cùng khai thác mà ta nêu ra, ta nhấn mạnh thì ta đã có ý tưởng thực tế, thiết kế như thế nào, đã bàn bạc với các nước chưa, hay mới chỉ là khẩu hiệu suông". Chính họ cũng ngờ ngợ về việc tuyên bố chủ quyền trong vùng nội thủy đường lưỡi bò.
- Vậy làm thế nào để người dân Trung Quốc tiếp cận được với sự thực khách quan?
- Vừa rồi bài trả lời phỏng vấn của tôi có bản tiếng Hán, tôi không biết đưa bản tiếng Hán vào kênh nào của Việt Nam để người Trung Quốc có thể đọc được. Chúng ta không có một kênh tiếng Hán nào, thật đáng tiếc.
Vấn đề này rất quan trọng, chúng ta đưa thông tin không phải tuyên truyền gì cả, chúng ta chỉ cần nói đúng. Nếu những sự kiện xảy ra vừa rồi, ta có kênh để nhân dân Trung Quốc biết được không có gì đột xuất cả, càng không có chuyện Việt Nam đe dọa dùng vũ lực. Nếu người Trung Quốc biết chuyện thuyền cá Việt Nam nhiều lần bị bắt, bị chuộc đòi tiền, giàn khoan bị áp lực thế này thế kia, thì họ sẽ hiểu không phải tự nhiên Việt Nam phản ứng.
- Để giải quyết tình hình căng thẳng ở biển Đông, theo ông chúng ta nên có hành động như thế nào?
- Tôi từng nói chúng ta không thể chống con sào xuống Thái Bình Dương để đẩy con thuyền Việt Nam ra xa khỏi Trung Quốc. Hai nước trở thành láng giềng đó là sự ấn định của của tạo hóa lịch sử, không thể thay đổi được. Chúng ta không có cách nào khác là chấp nhận vị trí địa lý mà mình có, từ đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nước bạn, có lợi cho hai bên. Vấn đề là chúng ta phải ở tư thế như thế nào, phải xử sự ra sao thì lại là câu chuyện tưởng dễ mà khó. Nhưng tôi là một người lạc quan, tôi rất tin mọi sự sẽ được giải quyết theo hướng tích cực.
Ông Vũ Cao Phan là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật quân sự, nguyên cán bộ giảng dạy Học viện Quốc phòng; trợ lý Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Hiện ông là Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung.
Hồng Khánh - Hoàng Thùy thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?