Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Kiêu hãnh Tỷ phú người Việt: PHẦN III - Đẳng cấp Quốc tế


6 tỷ phú người Việt khiến dân Mỹ nể trọng

Làm ngành tài chính, công nghệ, thậm chí là chăm sóc móng tay… nhưng họ đều ghi dấu ấn đậm nét về kinh doanh trên đất Mỹ.
Đoàn Trí Trung - "Ngôi sao đang lên" của chip LED
Được mệnh danh là “ngôi sao đang lên” của lĩnh vực chip LED (chíp điot bán dẫn trong công nghệ thông tin), kỹ sư gốc Việt Đoàn Trí Trung là một trong những người sáng lập công ty Semiled (bang Idaho, Mỹ).
Ông cũng là chủ hoặc đồng chủ sở hữu 250 bằng sáng chế có giá trị trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử tại Mỹ.
Công ty chuyên về thiết bị bán dẫn của ông Trung đã phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) năm 2010 và được dự báo sẽ dẫn đầu thị trường chip LED.
Công ty của doanh nhân này, ngoài trụ sở ở Mỹ, còn có thêm 2 nhà máy tại Trung Quốc và Đài Loan.
tỷ phú Việt, Mỹ, ngả mũ

Charlie Tôn Quý - "Vua" nails tại Mỹ
Doanh thu mỗi năm của toàn hệ thống Regal Nails lên tới 450 triệu USD nếu tính trung bình mỗi tháng là 34.000 USD/tiệm. Ông chủ của chuỗi tiệm chăm sóc móng “hái ra tiền” tại Mỹ nói trên là Charlie Tôn Quý - một nhân vật với mái tóc dài bồng bềnh như nghệ sĩ, đã từng xuất hiện trên trang web cá nhân của chuyên gia Alan Phan.
Doanh nhân gốc Việt nổi danh trên đất Mỹ
Charlie Tôn Quý cũng là người đàm phán được với “người khổng lồ” WalMart của Mỹ để được đặt tiệm nails của mình trong siêu thị, sau 2 năm thuyết phục tập đoàn này. Hơn 1.100 tiệm nails trải dài trên đất Mỹ của doanh nhân này là một con số không nhỏ và với mức doanh thu lên tới nửa tỷ USD mỗi năm chỉ với công việc chăm sóc, sơn sửa móng tay, móng chân.
Ông Alan Phan - một trong những chuyên gia với phát ngôn gây chú ý của dư luận đánh giá, nếu Regal Nails niêm yết trên sàn chứng khoán, thì cổ phiếu của hãng này sẽ là một trong những bluechip “hot” nhất vì con số doanh thu ấn tượng cũng như yếu tố an toàn là không có nợ.
tỷ phú Việt, Mỹ, ngả mũ

Bill Nguyễn - Người có duyên bán hàng cho Apple
Khởi nghiệp từ nghề phụ bán xe hơi cũ tại Mỹ, Bill Nguyễn - doanh nhân được Forbes vinh danh là một trong 40 người dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ và tập đoàn truyền thông MSNBC bầu chọn “có khả năng thay đổi bộ mặt công nghệ thông tin toàn cầu” - đã thành lập liên tiếp 7 công ty tính đến thời điểm hiện tại.
Năm 1999, với thương vụ bán lại công ty Onebook giá 850 triệu USD, Bill Nguyễn là cái tên được chú ý. Ông cũng là chủ nhân của một ứng dụng trực tuyến mang tên Lala.com được Apple mua lại với giá hơn 80 triệu USD vào năm 2009, sau đó Apple tích hợp ứng dụng này vào iTunes cho sản phẩm của mình.
Năm ngoái, Apple cũng đã chi ra vài chục triệu USD để mua lại ứng dụng chia sẻ hình ảnh do Bill Nguyễn phát triển. Hiện tại, doanh nhân này đang phát triển công ty Seven Networks chuyên cung cấp dịch vụ ứng dụng và nội dung cho nhà mạng.
tỷ phú Việt, Mỹ, ngả mũ

Ông chủ khách sạn Trần Đình Trường
Khối tài sản trên 1 tỷ USD khiến cho Trần Đình Trường – ông chủ nhiều khách sạn tại New York (Mỹ) được biết đến như là một trong những doanh nhân gốc Việt giàu có nhất. Ông Trường sinh năm 1932 quê ở Hà Tĩnh, là ông chủ hãng vận tải đường biển Vishipco trong những năm trước 1975 tại TP.HCM. Từ năm 1975, ông sang Mỹ và kinh doanh khách sạn tại New York, Manhattan.
Năm 1984, ông bỏ tiền mua 2 máy bay trực thăng khoảng 3,2 triệu USD cho các tổ chức cứu trợ nạn đói tại Ethiopea. Đây cũng là doanh nhân đã tài trợ 2 triệu USD khi Mỹ gặp sự kiện khủng bố hôm 11/9/2001 sau đó được Liên hiệp người Mỹ gốc Á vinh danh năm 2003 vì hành động này.
Trần Đình Trường đã từ trần vào tháng 5/2012 tại Mỹ, song gia đình ông vẫn đang phát triển sự nghiệp do doanh nhân này gây dựng với việc kinh doanh, cho thuê khách sạn tại Mỹ.
tỷ phú Việt, Mỹ, ngả mũ

Triệu Như Phát: Tỉ phú từ BĐS
Sinh ra tại Hải Phòng, năm 7 tuổi, ông theo gia đình vào Sài Gòn. Lớn lên trong gia đình có đến 10 anh chị em, ông phải vất vả lắm mới tốt nghiệp đại học ngành văn và ngoại ngữ. Sau đó, ông làm công việc xúc tiến kinh doanh cho một công ty tại Sài Gòn rồi làm thông dịch viên.
Năm 1975, ông cùng vợ sang Mỹ định cư. Nhờ vào vốn tiếng Anh nên ông dễ dàng tìm được công việc bán máy hút bụi tại California. Thế nhưng, với đam mê làm giàu sẵn có, ông quyết tâm khởi sự kinh doanh cho riêng mình.
Khi đó, chàng trai trẻ Triệu Như Phát không vội vã làm giàu mà muốn có trước hết một nền tảng kiến thức vững chắc. Vì thế, ông chấp nhận làm công việc bảo vệ để đi học thêm. 

Năm 1978, ông Triệu Như Phát chính thức khởi sự kinh doanh ngành bất động sản tại California khi thành lập Công ty Bridgecreek. Dồn hết tâm huyết vào đây, suốt 10 năm trời gần như tuần nào ông cũng làm việc 7 ngày với hơn 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Từ khi thành lập đến nay, Bridgecreek đã đầu tư các dự án bất động sản với tổng trị giá lên đến 400 triệu USD. Trong đó, có Khu thương mại Phước Lộc Thọ (còn mang tên tiếng Anh là Asian Garden Mall) đóng vai trò trung tâm thương mại quan trọng của người châu Á tại Mỹ.
Vào năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó là ông George Bush chỉ định doanh nhân Triệu Như Phát vào Ban giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Đây là một quỹ trực thuộc Nhà Trắng chuyên hỗ trợ trao đổi giáo dục Việt - Mỹ, từng cấp học bổng cho hàng trăm trí thức Việt Nam sang Mỹ để tu nghiệp, học thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Sau đó, ông trở thành Giám đốc của VEF.
tỷ phú Việt, Mỹ, ngả mũ


Tỉ phú công nghệ Trung Dung 

Đến Mỹ vào năm 1984 với số tiền vỏn vẹn 2 USD trong túi cùng vốn tiếng Anh ít ỏi, chàng thanh niên Trung Dung 17 tuổi bắt đầu ra sức làm thêm để đi học.
Trung Dung vừa làm việc hằng đêm tại một nhà hàng và gác cổng ở một bệnh viện vào cuối tuần nhưng cũng chỉ kiếm được 350 USD mỗi tháng. Thế nhưng, trong 3 năm ông không chỉ nhận bằng cử nhân toán và máy tính của Đại học Massachusetts, mà còn hoàn thành 90% chương trình thạc sĩ khoa học máy tính.
Sau đó, ông nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Boston. Hoàn thành chương trình tiến sĩ, ông bắt đầu theo đuổi sự nghiệp theo đúng chuyên môn sẵn có và làm việc tại Công ty phần mềm thương mại điện tử OpenMarket.
tỷ phú Việt, Mỹ, ngả mũ

Sau vài năm làm việc, ông rời khỏi công ty này và chấp nhận từ bỏ lợi ích khoảng 1 triệu USD nhờ quyền chọn mua cổ phiếu. Tuy nhiên, Trung Dung lại sở hữu những nền tảng vững chắc để thành lập Công ty phần mềm OnDisplay chuyên cung cấp các ứng dụng trực tuyến cho doanh nghiệp vào năm 1996.
Vượt qua vô số khó khăn, OnDisplay từng bước lớn mạnh và trở thành một trong số ít các công ty thành công lớn khi lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra thị trường vào năm 1999. Không chỉ thu về nhiều triệu USD, OnDisplay còn là công ty tiên phong cho làn sóng những doanh nghiệp của các ông chủ gốc Á trỗi dậy trong ngành internet Mỹ.
Đến năm 2000, Trung Dung chính thức trở thành tỉ phú bằng việc thu về 1,8 tỉ USD nhờ vào thương vụ bán cổ phần của ông trong OnDisplay cho Vignette Corporation (nay là OpenText). Nhờ đó, ông trở thành một điển hình trong cuốn sách Giấc mơ Mỹ của tác giả Dan Rather.

Tỷ phú gốc Việt Chính E.Chu 'đạo diễn' vụ mua lại Tập đoàn Dell

Chính E. Chu được Tập đoàn Blackstone chỉ định làm "tổng chỉ huy" thương vụ trị giá khoảng 25 tỷ USD cùng với một giám đốc cấp cao khác.

Tập đoàn đầu tư tài chính Blackstone (Mỹ) giao trọng trách này cho hai giám đốc cấp cao là David Johnson và Chính E. Chu, một tỷ phú gốc Việt 45 tuổi. TheoTheRichest, tài sản hiện tại của Chính Chu khoảng 1,1 tỷ USD. Chính Chu là người giữ vai trò chủ đạo trong thương vụ lần này. Còn Johnson là "người cũ" của Dell, từng giữ chức Giám đốc Mua bán và Sáp nhập trước khi đầu quân cho Blackstone từ tháng 1/2013.
Trước đó, Chính Chu cũng đứng ra "đạo diện" hàng loạt vụ thương thuyết khác của Blackstone. Các khoản đầu tư mua lại thành công những công ty, tập đoàn với giá trị hàng tỷ USD giúp Chính Chu có được tên tuổi tại Phố Wall. Dù chưa đưa ra giá cuối, nhưng mua được tập đoàn Dell sẽ trở thành thương vụ đắt giá nhất mà Chính Chu từng thực hiện.
NYTimes đưa tin, cuối năm 2007, Chính Chu chi 34,3 triệu USD để mua trọn tầng 89 và nửa tầng 90 của tòa tháp Trump World Tower do tỷ phú bất động sản nổi tiếng Donald Trump đầu tư. Sau đó, ông tiếp tục bỏ 5 triệu USD để mua thêm không gian trên tầng mái của công trình. Tổng chi phí 39,3 triệu USD trở thành hợp đồng mua bán căn hộ đắt thứ 7 tại Manhattan, khu "đất vàng" của New York (Mỹ).
Tỷ phú này là chồng của ca sĩ Hà Phương (chị em của 2 ca sĩ nổi tiếng Cẩm Ly và Minh Tuyết). Ngoài công việc kinh doanh, hai vợ chồng Chính Chu còn tổ chức và điều hành một số hoạt động từ thiện và có 2 quỹ riêng: Vietnam Relief Effort và Ha Phuong Foundation.
Theo Bloomberg, tháng 2/2012, CEO Michael Dell tuyên bố muốn cùng quỹ đầu tư Silver Lake mua lại toàn bộ cổ phần của tập đoàn máy tính Dell do mình sáng lập với giá 24,4 tỷ USD. Blackstone "nhảy vào" và định giá 14,25 USD một cổ phiếu, sẵn sàng chi khoảng 25 tỷ USD để thâu tóm tập đoàn máy tính, đồng nghĩa Michael sẽ mất ghế Giám đốc điều hành.
Trong khi đó, nhà đầu tư khác là Carl Icahn, một tỷ phú đầu tư sẵn sàng trả 15 USD cho một cổ phiếu của Dell (hiện có giá 14,2 USD) và không yêu cầu CEO từ chức, nhưng Carl chỉ đủ tiền để "ôm" 58,1% tập đoàn. Cái giá mà Carl và Blackstone đưa ra đã đặt dấu chấm hết cho kế hoạch mua lại tập đoàn với giá 13,64 USD một cổ phiếu mà Michael Dell và Silver Lake lập ra.
Sự góp mặt của Blackstone khiến Michael Dell phải lên tiếng đề nghị được giữ lại chức vụ hiện tại, đổi vào đó ông sẽ giúp Blackstone giảm được khoảng 4,5 tỷ USD khi mua Dell nhờ vào 15,6% cổ phiếu mà mình đang nắm giữ tại đây. Michael đã không thông báo gì với Silver Lake về cuộc gặp này. Hiện tại người phát ngôn của cả Dell, Blackstone và Silver Lake đều từ chối đưa ra bình luận.

... và 15 lần xin việc thất bại

Tốt nghiệp trường đại học không danh tiếng trong ngành Tài chính, 15 lá đơn xin việc gửi đi đều bị từ chối nhưng tỷ phú Chính Chu không từ bỏ, dần dần tạo dựng được tên tuổi tại Phố Wall (Mỹ).

Chính Chu và vợ trong một lần về Việt Nam. Ảnh: Ha Phuong Foundation
Chính Chu và vợ trong một lần về Việt Nam. Ảnh: Ha Phuong Foundation
Chính E. Chu (Chính Chu) sinh năm 1966 tại Việt Nam. Năm 1975, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Vừa đi học, ông Chu vừa đi bán sách lẻ và giao đến tận nhà. Chi tiết về quãng thời gian trong nhà trường của Chính Chu không được tiết lộ nhiều. Trong hồ sơ Tập đoàn Blackstone nơi ông đang làm việc chỉ ghi tốt nghiệp loại xuất sắc. Chu có bằng cử nhân Tài chính tại Đại học Buffalo, một trường công tại New York (Mỹ).
Chính Chu chia sẻ, khi còn đi học ông không bao giờ nghĩ có thể tham gia lĩnh vực tài chính ở Phố Wall. Với ông, chỉ những cá nhân xuất sắc, được đào tạo căn bản về tài chính trong các trường đại học tên tuổi như Harvard, Cornell, Wharton, Yale... "Còn tôi thì tốt nghiệp ở Buffalo, một trường công", ông nói.
Cũng vì xuất thân từ ngôi trường không mấy tên tuổi trong ngành tài chính, ông gặp không ít khó khăn khi xin việc. "Tôi nộp 15 bộ hồ sơ vào các công ty ở Phố Wall và nhận được 15 thư từ chối". Nhưng điều này không khiến ông bỏ cuộc mà làm Chu thêm hứng thú với lĩnh vực này vì những khó khăn khi tham gia. Ông kết luận: "Trong cuộc sống, bạn cần có tính kiên trì để theo đuổi mục tiêu của mình".
Nhận xét về vị tỷ phú này, James Barlett, Phó chủ tịch TeleTech nói: "Tôi may mắn được làm việc cùng Chính. Ông có khả năng phân tích sâu sắc và nhạy bén về tài chính, nơi mà để thành công phải có tài nổi trội".
Trước khi gia nhập Blackstone vào năm 1990, Chính Chu từng làm việc tại bộ phận mua bán và sáp nhập của công ty Salomon Brothers từ năm 1988. Hiện ông là đồng Chủ tịch kiêm Giám đốc cao cấp quản lý tài sản của Blackstone. Ông được đánh giá là một trong những thương nhân châu Á thành công nhất. Dưới bàn tay đạo diễn của Chính Chu, Blackstone đã hoàn thành nhiều vụ đầu tư sinh lãi với giá hàng tỷ USD như hợp vốn mua hãng dược Nycomed và Catalent Pharma Solutions (3,3 tỷ USD), DJ Orthopedics (1,6 tỷ USD)...
Năm 2004, Blackstone thực hiện vụ mua lại lớn nhất lịch sử châu Âu khi nắm quyền kiểm soát tập đoàn hóa chất Celanese của Đức với giá 3,8 tỷ USD chỉ sau vài cú điện thoại. Theo đánh giá, bản hợp đồng có hời được lập nhờ những nỗ lực thương thảo và hiểu biết của Chu. Ông đang là "tổng chỉ huy" của chiến dịch mua lại Tập đoàn máy tính Dell với giá khoảng 25 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ lớn nhất Chính Chu từng thực hiện.
Vợ chồng Chính Chu - Hà Phương cùng 2 cô con gái.
Vợ chồng Chính Chu - Hà Phương cùng 2 cô con gái.
Báo giới biết đến ông nhiều hơn kể từ khi vén bức màn về "một thương nhân ẩn danh" chi 34,3 triệu USD để mua trọn tầng 89, một nửa tầng 90 tại tháp Trump World Tower do tỷ phú Donald Trump đầu tư vào cuối năm 2007. Sau cố gắng bất thành để mua nốt nửa tầng còn lại, Chính Chu bỏ thêm 5 triệu USD để tăng không gian trên tầng mái tòa nhà, nâng tổng chi phí lên 39,3 triệu.
Thành công trong kinh doanh, Chính Chu cùng vợ mình là ca sĩ Hà Phương (chị em ruột với Cẩm Ly và Minh Tuyết) tổ chức, điều hành các hoạt động từ thiện. Hiện gia đình ông có 2 quỹ là Vietnam Relief Effort (do ông cùng chị gái Kathy Chu lập nên) và Ha Phuong Foundation (do vợ sáng lập).
Chính Chu gặp vợ lần đầu khi vốn tiếng Việt còn rất tệ nên không hiểu hết những gì Hà Phương hát. Nữ ca sĩ tiết lộ, quen nhau được 3 tháng thì Chính Chu ngỏ lời yêu. Hai năm sau đó (2002) cả hai người thành thân. Hiện hai người đã có 2 mặt con gái. Cả gia đình định cư tại Mỹ nhưng mỗi năm, Hà Phương đều dành thời gian về làm từ thiện tại Việt Nam.


TS Alan Phan mất 7 năm ròng rã đấu tranh với cáo buộc của SEC

Alan Phan là doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc. Ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987) - Công ty Hartcourt đạt thị giá 670 triệu đôla vào năm 1999.
Ông cũng là doanh nhân đầu tiên đưa giao dịch chứng khoán và giáo dục từ xa qua mạng Internet tại Trung Quốc (1997). Hiện ông đang là Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hong Kong và Thượng Hải.
TS Alan Phan cho biết, ông từng bị nhiều cáo buộc và đều thắng kiện. Vì lòng tự ái, ông đã mất cả 7 năm cũng như tiền bạc, vật chất để lấy lại công bằng cho mình khi bị cáo buộc gian lận chứng khoán của Sở Chứng khoán Hoa Kỳ

Trước nguồn tin cho rằng ông Alan Phan từng bị Sở Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) cáo buộc vi phạm đăng ký và gian lận, qua đó phán quyết cấm vĩnh viễn ông Phan không được làm viên chức hoặc giám đốc cho một công ty đại chúng; cấm không được có mặt trên sàn chứng khoán và lại bị phạt thêm mấy chục nghìn USD, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về cáo buộc trên, TS Alan Phan cho rằng đây chỉ là 1 trong nhiều cáo buộc ông đã bị tố cáo phải ra tòa trong thời gian làm ăn bên Mỹ và ông đều được minh oan.



Chở xe tải hồ sơ lên Sở Chứng khoán Mỹ



Trong cuốn sách “Niêm Yết Sàn Mỹ” xuất bản năm 2008, TS Alan Phan có kể lại diễn biến cáo buộc của SEC (Sở Chứng khoán Mỹ) kiện Alan Phan dùng Form S-8 để gây quỹ cho Công ty Hartcourt (sai quy tắc hành chính).



Mọi chuyện bắt nguồn vào năm 2000, khi cổ phiếu của Công ty Hartcourt (TS Alan Phan  nắm giữ 32% cổ phần và là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc) nhảy vọt từ 0.80 USD tháng 11/1999 lên đến 19 USD vào ngày 6/3/2000. Số lượng giao dịch lên đến gần 3 triệu cổ phiếu mối ngày. Thị giá công ty đạt đến 670 triệu USD. Khi cổ phiếu công ty lên quá nhanh, thông lệ là Hartcourt sẽ bị SEC cho vào danh sách để kiểm tra (watchlist). 



Vào thời điểm này, TS Alan Phan cũng là Việt kiều đầu tiên được vinh danh là doanh gia gốc Á thành công nhất năm 2000 của Hội doanh nhân Mỹ gốc Á tại California, nên sự chú ý của cơ quan công quyền về các hoạt động cũng gia tăng.



Như tiên đoán, tháng 12/2000, tất cả các tài liệu công ty từ pháp lý, hành chính đến tài chính của công ty và mỗi cá nhân Ban quản trị bị điều tra. “Ngoài ra chính bản thân tôi bị mời lên văn phòng SEC để thẩm vấn 3 lần. Sau đó, họ còn thu hồi để kiểm tra hồ sơ tài liệu của các con tôi cũng như bạn bè thân thuộc (chúng tôi phải thuê một xe tải để chở hết khoảng 140 thùng hồ sơ). 



Tôi rất tự tin vì nghĩ mình chẳng làm gì phạm luật, nhưng với người thân, đây là một sự quấy nhiễu vô cùng khó chịu. Thái độ của tôi trở nên cứng rắn và tôi thường xuyên kích bác SEC. Hai bên coi nhau như thù địch, nhưng họ chẳng làm gì được dưới một chế độ dân chủ pháp trị. Suốt 3 năm kế đó, họ không tìm được một chứng cứ gì để buộc tội tôi” – TS Alan Phan nhớ lại.



Tháng 5/2003, SEC nộp hồ sơ kiện cá nhân tôi và Công ty Hartcourt tại tòa án dân sự Mỹ về hai vi phạm: Quảng bá 5 thông tin sai lệch về hoạt động công ty và dùng hồ sơ đăng ký S-8 để gây quỹ cho công ty. Đây là 2 tội nhẹ nhất họ có thể tạo ra vì nó không phải là hình sự mà chỉ là dân sự. 



Thực sự, họ muốn tìm các chứng cứ để buộc tội hình sự, vì họ nghi ngờ là tôi giao dịch nội gián để thổi phồng giá trị công ty. Luật sư của Alan Phan, ông Irving Einhorn (nguyên cựu Giám đốc SEC miền Tây) khuyên ông nên thương lượng trả tiền phạt không nhận lỗi.



TS Alan Phan liên tục khẳng định rằng tiền không phải vấn đề mà danh dự cá nhân và lòng tin từ các cổ đông mới quan trọng. Cuộc kiện tụng kéo dài thêm 3 năm với những thẩm cung và điều tra của hai bên. Trong diễn tiến, SEC bỏ lời kiện đầu về tội quảng bá các thông tin sai lệch và chỉ giữ lời kết tội là Hartcourt dùng đăng ký S-8 để gây quỹ. 



Vào ngày 20/5/2005, tòa sơ thẩm liên bang đồng ý với SEC và phạt Hartcourt cùng cá nhân tôi khoảng 2,5 triệu USD, cấm TS Alan Phan không được làm quản trị viên của công ty công cộng Mỹ trong 5 năm.



Kháng cáo và câu chuyện về tự ái



Sau phán quyết của tòa sơ thẩm liên bang, TS Alan Phan đã kháng cáo đến ngày 29/8/2005 và ông mất thêm hai năm theo vụ kiện này. Đến tháng 8/2007, tòa phúc thẩm liên bang hủy bỏ án lệnh của tòa sơ thẩm và trả vụ kiện lại cho SEC. Trước tuyên bố của tòa phúc thẩm SEC đã không làm gì, TS Alan Phan thẳng kiện. 



7 năm ròng rã đấu tranh với cáo buộc của SEC, TS Alan Phan tự hào rằng đúng là một chiến thắng hy hữu của một công dân tầm thường đối chọi với một quyền lực liên bang mạnh mẽ như SEC. Bao nhiêu tập đoàn đa quốc gia hay ngân hàng đầu tư lớn mạnh hơn thường đầu hàng SEC nhanh chóng khi bị kết tội để tránh những thiệt hại mà SEC có thể gây ra cho công ty hay cá nhân.



Trong vụ việc này, công ty và cá nhân TS Alan Phan đã tốn khoảng hơn 2,5 triệu USD tiền phí tổn cho luật sư trong vụ kiện. Trong 7 năm kiện tụng, cổ phiếu của Hartcourt bị giảm hơn 60%, ảnh hưởng nặng nề đến việc kinh doanh cũng như là mất đi sự ủng hộ ban đầu của cổ đông.



“Nghĩ lại, vì tự ái (danh dự) cá nhân, tôi đã lao mình vào một kiện tụng mà bất cứ kết quả ra sao, mình cũng thua nặng. Người Việt mình có câu “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, có lẽ tôi đã sai lầm khi quyết định dựa trên cảm xúc cá nhân thay vì quyền lợi của cổ đông công ty”, TS Alan viết.



Chốt lại vấn đề này, TS Alan Phan khẳng định: “Sự thành công của một doanh nhân gốc thiểu số thường tạo ra nhiều ganh tị với những người Mỹ chính gốc tại các cơ quan công quyền cũng như các đối thủ cạnh tranh. Họ sẽ tìm đủ mọi cách để tiêu diệt và gây thiệt hại cho những nhân vật hay cơ chế mà họ cho là “nổi” hơn họ. Bây giờ, tôi đã học được bài học “tình khẩu” nhưng hơi trễ”.
Vâng thưa quý vị “Hãy thay đổi để vượt bão, hãy sẵn sàng chết để được tái sinh” – một đúc kết đầy ý nghĩa mang đậm triết lý nhân sinh được trích ra trong một bài viết từ website cá nhân của một doanh nhân khá nổi tiếng, không chỉ trên thương trường mà còn được biết đến khá nhiều trong những bài viết, ấn phẩm phân tích sâu sắc về kinh tế tài chính tại nhiều quốc gia. Với những ai đã từng đọc các tác phẩm của ông, 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc, Tư duy khác về kinh tế xã hội Việt Nam hay là độc giả thường xuyên trên trang Góc nhìn Alan thì sẽ không xa lạ gì với cái tên Alan Phan. Ông hiện là Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa tại Hồng Kông và Thượng Hải, là doanh nhân Việt Kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987. Năm 1999 thì tập đoàn Harcourt của ông đạt mức thị giá 670 triệu đô la. Tiến sĩ Phan đã xuất bản 8 cuốn sách bằng Anh ngữ và Việt ngữ về Kinh tế tài chính tại các quốc gia mới nổi. Vâng, vị khách mà chúng tôi mời đến phòng thu sáng nay không ai khác, chính là tiến sĩ Alan Phan. Xin chào ông, cám ơn ông đã dành thời gian cho chương trình Doanh nhân Việt sáng nay.

-         Thưa ông, trong suốt quãng đường kinh doanh của mình thì ông đã bao nhiêu lần phải “thay đổi” để “vượt bão” ạ?
-         Thật tình thì 42 năm là một thời gian khá dài, nếu kể chuyện thay đổi thì phải nói là thay đổi rất nhiều. Nhưng có những cái mốc lớn mà tôi muốn chia sẻ ở đây. Thứ nhất là vào năm 1975, thì tôi đang kinh doanh ở ViệtNamthì thời thế thay đổi, tôi đi qua Mỹ với 600 đô la. Đang là một doanh nhân có khoảng 12 ngàn nhân công và 6 cái nhà máy ở VN mà qua Mỹ với 600 đô la thì đương nhiên là phải có những thay đổi công việc, thay đổi tư duy, thay đổi mọi thứ…để làm lại từ đầu. Sau đó tôi cũng khá thành công, làm ở nhiều lĩnh vực. Đến năm 1982, lạm phát ở Mỹ cũng như sự suy thoái kinh tế lên trầm trọng, dưới thời tổng thống Ronald Reagan. Lúc đó tôi đang làm địa ốc, xây dựng 120 biệt thự ở Scottsdale, Arizone và dự án thất bại làm tôi gần như bị phá sản. Phải thay đổi một lần nữa để kinh doanh, để vượt bão. Tới 1995, thời gian đó coi như tương đối tôi đã vật lại được, có một công ty lên sàn Mỹ nhưng vẫn chưa đi tới đâu. Tôi phải ngồi lại để suy nghĩ về tất cả mọi thứ để tìm ra một hướng đi mới. Đó là thời điểm Internet bắt đầu bùng nổ ở Mỹ. Lúc đó tôi suy nghĩ nếu mình làm internet thì cơ hội đột phá sẽ mạnh hơn. Và một lý do nữa vì tất cả mọi người đều là những tay chơi mới trong trò chơi internet này, chưa ai biết nhiều về nó, nên sẽ không có những lợi thế cạnh tranh lâu đời để bị thua thiệt. Và tôi suy nghĩ thêm, tại Mỹ, toàn những cao thủ, nên sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Thế là tôi lại khăn gói đi sang Tàu. Vì Trung Quốc thị trường mới mở, còn mới mẻ, và tôi cũng làm ăn ở đó nhiều năm, cũng có chút kinh nghiệm. Tôi dời nhà sang Hồng Kông, sau đó là Thượng Hải, làm một công ty chuyên về IT – công nghệ thông tin ở Tàu. Lúc đó có thể nói, tôi là một trong những người vừa có tiền, vừa có căn bản và những mối quan hệ bên Mỹ, được người Tàu rất kính nể. Do đó, tôi xây được Harcourt lên thành công ty IT hàng đầu ở Trung Quốc . Năm 1999, 5 năm sau, Hartcourt đạt thị giá gần 7 trăm triệu đô la trên thị trường chứng khoán Mỹ. Đó là một trong những cách tư duy để thay đổi và khi thay đổi, dám chấp nhận hành xử theo suy nghĩ của mình thì sự thành công hay thất bại sẽ rất ấn tượng.
-         Tức là từ những cột mốc vượt bão như thế ông mới rút ra được kinh nghiệm rằng phải thay đổi tư duy thì mới thích ứng được hoàn cảnh mới, mới dẫn đến thành công được?
-         Đó là điều kiện tiên quyết. Không có thay đổi tư duy, thì vẫn phải trì trệ trong đống bùn, đợi chờ phép lạ.
-         Thế còn những yếu tố quan trọng tiếp theo là những yếu tố nào thưa ông?
-         Tiếp theo là sự sáng tạo. Tức là phải dám suy nghĩ khác người, phải dám đi vào lề trái. Phải tập hợp những anh em, những bạn trẻ để cùng đi với nhau. Không thể làm theo một quy tắc A, B, C, D… Đây là lúc phải suy nghĩ, đúc kết, phân tích tình hình và quan trọng hơn hết, là phải hành động. Không thể cứ ngồi suy nghĩ mãi. Đương nhiên, khi hành động thì cơ hội thất bại cũng gần như tương đương với thành công. Và ta phải đối diện với nó.
-         Vâng, rất nhiều doanh nhân, thậm chí là nhiều người, khi gặp thất bại thì dễ nhụt chí, thỏa hiệp lắm. Như ông đã nói, phải đối diện với thất bại. Vậy thì có cách nào để tự tin vượt qua thất bại để đạt đến thành công?
-         Thật ra không phải là sự tự tin. Chúng ta phải phân tích thật kĩ càng cơ hội thất bại và thành công. Nhưng tôi nghĩ tôi khác nhiều doanh nhân ở chỗ tôi không coi thất bại là kẻ thù. Mình phải coi nó là một người bạn, vì thật tình, nó giúp mình nhiều hơn thành công. Nó giúp mình cải tiến hiệu năng, kĩ năng, giúp mình có những bài học đáng giá hơn tất cả bài học trong lớp. Chúng ta phải quan niệm thất bại chỉ là một kết quả thôi. Tôi đã nói rất nhiều với các bạn trẻ. Cũng như Edison ở trong phòng thí nghiệm, ông ta cũng đã thất bại hơn một ngàn mấy trăm lần trước khi đạt đến thành công là sáng chế ra bóng đèn điện. Một hai lần thất bại của chúng ta có là gì đâu. Cái thứ hai là tư duy của người Á đông mình, coi thất bại là một chuyện đáng xấu hổ, và họ che giấu những thất bại của mình, từ đó, có thêm nhiều mặc cảm. Để rồi không dám làm những gì mình thích, co rúm lại để che giấu đi những thất bại bị cho là đau thương. Đối với tôi, dù thất bại hay thành công cũng chỉ là một cái kết quả để mình đi tiếp, có vậy thôi. Dĩ nhiên là mình phải trả giá những thất bại của mình, nhưng rất vui vẻ mà trả giá. Và đừng có giấu giếm. Đối với tôi, từ bạn bè cho đến nhân viên, đối tác, khách hàng… hễ thất bại thì tôi đều “ ô kê, chúng ta đã thất bại trong vấn đề đó” bây giờ sẽ cùng tìm ra một giải pháp để sửa đổi và tìm ra con đường đi mới.
-         Ông nói thất bại cũng là một giá trị mới trong việc kinh doanh của mình. Nhưng thực tế, khi làm ăn với một đối tác, một doanh nghiệp, nếu mình biết được rằng họ thành công, luôn có hướng đi lên thì vẫn là một biện pháp an toàn hơn là một doanh nghiệp có quá nhiều thất bại, quá nhiều thăng trầm phải không ạ?
-         Không, đó chỉ là tư duy phần lớn của xã hội Á đông. Chứ còn đối với người Mỹ, nếu anh nói rằng mình chưa lần nào thất bại thì họ lại đâm ra sợ, nhất là những nhà đầu tư. Anh đến với tôi mà bảo rằng “trong việc làm ăn tôi chưa từng thất bại” thì tôi sẽ nghĩ “chắc là anh này sắp thất bại đây rồi”. Vấn đề là mình đừng ngu xuẩn, tiếp tục thất bại nhiều lần trong những tình huống giống như các thất bại trong quá khứ. Phải biết thay đổi để không lặp lại sai lầm. Học một bài học và tiếp tục đi.
-         Vâng, qua một quá trình kinh doanh thì ông đã rút ra được một kinh nghiệm rất quý giá như thế. Vậy thì bí quyết của ông để có được sự thay đổi đúng đắn, để không bị “bão” nhấn chìm  là gì ạ?
-         Có ba vấn đề thường gây ra thất bại. Thứ nhất là chủ quan. Đôi khi mình lạc quan một cách sai lầm. Mình nghĩ khả năng của mình cao hơn trong thực tế. Và đó là một lối tư duy rất nguy hiểm. Như trong bóng đá chẳng hạn, nếu anh coi thường địch thủ, nghĩ rằng mình sẽ thắng thì thường sẽ phải đối mặt với nhiều bất ngờ. Thứ hai là khi tình thế thay đổi rồi, anh vẫn tiếp tục phương pháp cũ đã mang đến thành công cho mình thì cũng sẽ là một cơ hội để đưa đến thất bại. Khi tình thế thay đổi thì lối làm việc cũ cũng phải thay đổi theo. Ở VN, bất động sản và chứng khoán đang suy sụp, nếu mình không thay đổi thì sẽ vô tình mời gọi tai họa đến. Thứ ba là những dự phóng về tương lai phải chính xác. Nếu dựa trên những dữ kiện, những số liệu sai lầm thì sẽ đưa ra những dự phóng sai lầm. Vì vậy, phải nghi ngờ và nghiên cứu kĩ lại tất cả những số liệu. Tôi thấy đó là một nhược điểm của những doanh nghiệp VN. Những dự phóng của họ rất mơ hồ, kém chính xác. Nếu vượt qua được ba điểm đó thì tương đối tránh được nguy cơ thất bại. Ngoài ra còn có yếu tố may mắn nữa. Nhưng tôi không phải thầy bói và tôi cũng không tin trên đời này có ông thầy bói nào có thể dự đoán được điều đó. Sẽ có rất nhiều yếu tố khác nhưng nếu giảm bớt được ba yếu tố đó thì sẽ giảm bớt những cơ hội thất bại.
-         Vâng, tức là không được chủ quan, phải thay đổi theo hoàn cảnh mới, thích ứng với hoàn cảnh mới và phải có những dự phòng, những tầm nhìn với các số liệu chính xác. Theo tiêu chí của chương trình, chúng ta luôn đề cao ý chí của doanh nhân, đặc biệt là ý chí vượt qua khó khăn, vượt qua bão táp để làm giàu. Vậy thì ông đánh giá ý chí của mỗi doanh nghiệp, mỗi doanh nhân như thế nào ?
-         Thật ra đây chỉ là đánh giá rất chủ quan, rất cá nhân của tôi. Có những người sinh ra ý chí đã rất mạnh, cũng có những người rất yếu đuối. Nó là sự kết hợp và tích tụ của nhiều yếu tố đã xảy ra trong quá khứ. Nên tôi nghĩ mình cũng không khuyên được điều gì. Nhưng mà tôi luôn cho rằng, nếu mình yếu đuối, thì mình có thể tập luyện cải tiến. Có rất nhiều những khóa học, các bài học trên internet giúp rèn luyện kĩ năng, làm cho  tinh thần của mình mạnh hơn. Thứ hai là niềm tin về những gì cao cả hơn đời sống, nhất là về tôn giáo, bất kể tôn giáo nào. Khi có một niềm tin nào đó thì tinh thần của con người thường mạnh hơn. Vì vậy, yếu tố tâm linh là một yếu tố mà tôi nghĩ các bạn thính giả nên suy xét.
-         Vâng, thật ra Hoàng Dũng muốn hỏi ông về giá trị của ý chí trong việc kinh doanh, trong việc khởi nghiệp, trong việc làm giàu của mỗi con người như thế nào ạ ?
-         Ý chí là một yếu tố quan trọng trong rất nhiều những yếu tố. Nó là động lực thúc đẩy mình đi tới. Như tôi nói, không có một việc kinh doanh nào luôn thông suốt cả. Và thật ra nó càng thông suốt thì mình càng nên sợ, bởi vì sẽ có những biến chuyển rất bất ngờ. Khi gặp những rắc rối, những khó khăn thì ý chí là một điều có thể đẩy mình vượt qua. Đương nhiên, đây là một yếu tố rất cốt lõi giúp ta thành công.

'Nên để thị trường bất động sản rơi tự do' (tháng 3/2013)

Lo ngại rót 30.000 tỷ đồng chỉ cứu được một số đối tượng, địa ốc có thể cầm máu mà vết thương khó lành, tiến sĩ Alan Phan cho rằng nên để thị trường tự điều chỉnh để sau 4-5 năm có thể quay về thời hoàng kim.

Theo tiến sĩ Alan Phan, giá nhà có thể giảm thêm 30-50% nữa. Ảnh:Hoàng Lan
Vấn đề giải cứu bất động sản đang gây tranh cãi, một bên nói cần tháo gỡ vì địa ốc liên quan đến hơn 80 ngành nghề, số khác cho rằng không nên bi kịch hóa. Ông nghiêng về ý kiến nào?
- Bất cứ phương án giải cứu nào cũng đòi hỏi một cái giá phải trả. Thứ nhất là tiền bạc, thứ hai là ảnh hưởng của nó tới các hoạt động khác. Nếu Chính phủ in tiền để giải cứu bất động sản thì hệ quả đầu tiên là lạm phát và toàn dân phải chịu. Các giải pháp khác như đánh thuế vào tài khoản tiết kiệm giống Síp làm thì chúng ta đã thấy hậu quả thế nào. Tôi cho rằng, với giải pháp nào, Chính phủ cũng như nền kinh tế Việt Nam sẽ phải trả cái giá đắt.
Quan điểm của tôi là hãy để cho bất động sản rơi tự do. Điều này sẽ làm giá nhà giảm thêm 30-50% để "bắt kịp" thu nhập của người dân và sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu có đủ điều kiện mua nhà. Người dân sẽ có thêm niềm tin và đây chính là một cú hích tạo ra sự kích cầu lớn. Giống như nền kinh tế Mỹ nợ ngập đầu nhưng vẫn rất năng động, bởi họ phải "kéo cày" làm việc tới 15-16 tiếng mỗi ngày để trả nợ.
Tất nhiên, khi để bất động sản rơi thì nợ xấu ngân hàng sẽ tăng, nhà băng có thể "chết" nhưng không sao cả vì số lượng ngân hàng hiện dư chứ không thiếu. Nếu một nửa nhà băng chết, một nửa sống thì cũng không sao, miễn là Chính phủ bảo đảm người dân sẽ không mất tiền. Ngân hàng chết, chứng khoán sẽ tụt nhưng sau đó niềm tin sẽ lấy lại và đi tới một chu kỳ kinh tế mới.
Ông đánh giá thế nào về giải pháp rót 30.000 tỷ đồng qua ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn cho địa ốc, trong đó tập trung cho phân khúc nhà thu nhập thấp và nhà thương mại giá rẻ?
- Theo tôi giải pháp này không khả thi. Hiện nợ xấu ngân hàng chồng chất rồi, giờ phải cho vay thêm thì sẽ rất "ngượng ngùng". Chính phủ rót 30.000 tỷ đồng chỉ cứu được một vài đối tượng. Thị trường bất động sản Việt Nam chỉ cầm máu một chút và vết thương sẽ không khỏi. Phương thức can thiệp này không hữu hiệu mà chỉ lợi cho một nhóm người. Ngoài ra, khi bơm tiền ra sẽ có ít nhất 50% lượng tiền biến mất vì sự không minh bạch, thiếu kiểm soát nghiêm túc. Phải nhớ rằng, ở đâu cũng thế, tiền của người khác thì ta luôn có sự cẩu thả trong tiêu xài. Không có sự kiểm soát chặt chẽ thì luôn có những đối tượng lợi dụng, đó là tình trạng chung của mọi xã hội, "thừa nước đục thả câu".
Ở Mỹ, Chính phủ không cứu bất động sản mà để giá địa ốc xuống ồ ạt. Khi ngân hàng lớn lâm nguy, Chính phủ phải rót tiền vào để có thăng bằng nhưng sau đó chính ngân hàng phải tự tìm vốn để bù vào. Sau khi có thêm một nguồn vốn mới, ngân hàng phải trả lại Chính phủ.
Kết quả thăm dò ý kiến độc giả trên VnExpress, tính tới chiều 21/3.
Ông cho rằng, giải pháp đưa ra khó khả thi, vậy Chính phủ nên làm gì lúc này?
- Chính phủ phải làm sao để giá xuống và thu nhập người dân lên. Tới điểm nào hai bên gặp nhau thì cung cầu mới cân bằng. Nhưng theo tôi, để hai điểm này gặp nhau thì phải mất đến 10 năm.
Các chuyên gia cho rằng, hiện có sự chờ đợi của doanh nghiệp cũng như người dân vào các biện pháp giải cứu. Theo ông, tâm lý chờ đợi bao trùm này sẽ ảnh hưởng thế nào đối với thị trường bất động sản?
- Nếu bất động sản nằm yên không bán được thì càng đợi, người ta càng tuyệt vọng sẽ có nhiều người bỏ cuộc và giá sẽ xuống. Đó là áp lực chính. Tôi cho rằng, người mua nhà tỏ ra khôn ngoan, họ chờ đợi sự nao núng từ phía người bán. Giá nhà xuống họ mua được và nền kinh tế sẽ tốt hơn. Họ chờ đợi vì không có niềm tin. Thực tình tiền trong dân rất nhiều nhưng họ không muốn kinh doanh gì cả vì lúc này mà đầu tư thì bấp bênh quá. Nhiều người tôi biết có khả năng kinh doanh nhưng họ không muốn động tới tiền của mình, họ muốn đợi. Đôi khi tôi thấy những nhà đầu tư nước ngoài tin nhiều hơn là những người đã ở đây lâu.
- Lời khuyên của ông cho các nhà đầu tư cũng như người dân trong bối cảnh địa ốc như hiện nay là gì?
- Nếu doanh nghiệp trường vốn thì có thể đợi chờ và tìm cách để làm dự án hấp dẫn hơn. Trường hợp kẹt vốn, doanh nghiệp nên "phủi tay" làm lại, chấp nhận bỏ cuộc chơi thay vì tham gia một cách vô vọng. Người dân nếu thấy dự án tốt, sức mua ổn đáp ứng nhu cầu thì nên mua để đầu tư dài hạn.
Theo ông, mất bao lâu để thị trường địa ốc phục hồi?
- Tình hình đang xấu, sẽ mất rất nhiều năm để bất động sản lại thời vàng son 10-15 năm nếu không có gì thay đổi. Không giải cứu, địa ốc sẽ đi lên sau 4-5 năm. Doanh nghiệp mà không còn khả năng hoạt động thì nên để phá sản. Giống như một hình ảnh vui là có một con cóc mà mình phải nuốt thì nuốt ngay để đi làm việc khác thay vì ngồi nhìn nó hoài mà đến cuối ngày nó vẫn xấu chứ không đẹp hơn.
- Có nhiều kinh nghiệm đầu tư quốc tế, ông đánh giá thế nào về sức hút của thị trường bất động sản trong nước đối với các nhà đầu tư ngoại?
- Thị trường bất động sản Việt Nam chứa nhiều nghịch lý và nhạy cảm nên thật tình mà nói chưa hút nhiều nhà đầu tư ngoại. Thủ tục pháp lý và quan niệm toàn dân sở hữu đất đai vẫn chưa quen lắm với người nước ngoài. Thị trường hiện không sáng sủa nên việc kiếm tiền trong 3-5 năm rất khó, bởi vậy cơ hội ngắn hạn không dễ dàng. Còn cơ hội dài hạn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việt Nam đang yếu thế trong việc thu hút dòng tiền bên ngoài vào so với Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng chưa bền vững.
Các trường hợp mua lại dự án phải có một mức giá hợp lý, chủ đầu tư chịu lỗ còn đơn vị mua lại thấy có cơ hội rút lui trong chiến thắng 3-4 năm thì họ vẫn làm. M&A chủ yếu là dự án đang xây dở dang, chỉ cần nhà đầu tư ngoại rót thêm một khoản tiền nữa để hoàn thiện nên họ sẵn sàng mua lại. Còn bảo họ đầu tư dài hạn, mua đất giải phóng mặt bằng sau đó triển khai dự án thì câu trả lời là không.
Từng là một nhà đầu tư dự án bất động sản ở Mỹ và sau 7 năm huy hoàng với lợi nhuận, ông Alan Phan và các đối tác đã trắng tay trong dự án lớn ở Arizona. Vì vậy, ông cho rằng mình đồng cảm với trải nghiệm “của thiên trả địa” hiện tại của nhà đầu tư bất động sản.
Tiến sĩ Alan Phan. Ảnh: Hoàng Lan
Tiến sĩ Alan Phan. Ảnh: Hoàng Lan
Theo ông, vấn nạn của bất động sản hiện nay là câu chuyện thị trường thay vì đóng khung trong công thức tài chính như nhiều người lầm tưởng. Vốn trong dân tại Việt Nam được các nhà chuyên gia nước ngoài ước tính vào khoảng 60 tỷ USD, vốn từ Việt kiều và các nhà đầu tư ngoại có thể lên thêm khoảng 20 tỷ và số tiền này theo Tiến sĩ Alan Phan là “thừa đủ để giải quyết mọi hàng bất động sản tồn kho”. Khủng hoảng bất động sản hiện nay là một tính toán sai lầm của nhà sản xuất về giá cả và loại hàng. Cơ cấu giá thành bất hợp lý, nhu cầu nhà thu nhập thấp rất cao nhưng sản phẩm quá ít trong khi nguồn cung phân khúc nhà cao cấp mất cân bằng dẫn tới lượng tồn kho 10 năm mới tiêu thụ hết.
Vị chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư hay vin vào lý do giá đất, nguyên vật liệu, chi phí hành chính và bôi trơn quá cao khiến giá bán nhà cao ngất trời cho thấy cách làm ăn thiếu hiệu quả cũng như sự yếu kém của các quyết định bầy đàn và chụp giật.
Giai đoạn 1995-2006, khi giá nhà đất lên cao, không ai kiến nghị Chính phủ phải can thiệp. Nay, việc các nhà đầu tư trông chờ vào Chính phủ giải cứu, được ông Alan Phan ví von với tình huống các “cầu thủ” yêu cầu trọng tài áp dụng luật chơi mới khi trận bóng đã đi quá nửa. Chia sẻ về thất bại của dự án Arizona mình đầu tư vào năm 1979, ông Alan Phan cho biết vì không ngờ lãi suất vọt lên tới 16-18% thay vì 8-9% dẫn đến dự án đổ bể. “Dù không phải lỗi chủ quan, nhưng chúng tôi hiểu rõ luật chơi của thị trường và cúi đầu chấp nhận”, ông tâm sự.
Theo Tiến sĩ Alan Phan, tất cả những suy thoái, trì trệ và kém hiệu quả trong các đầu tư để công nghiệp hóa hay gia tăng sản lượng nông, hải , sản… đều do bong bóng tài chính như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng gây ra. Khi dòng tiền tấp nập chảy về các lĩnh vực này thì người ta dễ dàng hy sinh những đầu tư xã hội cần thiết và dài hạn như y tế, giáo dục, công nghệ cao, nông nghiệp…
“Tai hại của sự lãng phí và tham ô trong việc sử dụng tài lực quốc gia này sẽ làm cả dân tộc trả giá trong nhiều thập kỷ sắp đến”, ông nói.
Nhìn nhận có thể hơn 50% các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và vật liệu xây dựng cũng như 50% các ngân hàng yếu sẽ chết vì nợ xấu, tuy nhiên, ông Alan Phan cho rằng, những doanh nghiệp, ngân hàng…này cũng đã chết lâm sàng và không đóng góp gì cho sản lượng quốc gia trong khi tiếm dụng một phần nguồn lực không nhỏ. Còn các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cũng đã ngất ngư vì không thể cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan… “Bởi vậy, đổ lỗi cho tình hình bất động sản chỉ là một thủ thuật phát sinh từ thói quen lười biếng”, ông nói.
Cho rằng hệ lụy khi bong bóng bất động sản nổ chỉ là những con “ngáo ộp” mà người đầu tư bất động sản đem ra hù dọa. Chẳng hạn, vài chục ngàn trong số 53 triệu công nhân toàn quốc sẽ bị ảnh hưởng, người dân mất mát khi bong bóng bất động sản nổ tung. Ông Alan Phan cho rằng, nền kinh tế sẽ phát triển bền vững do đó tạo ra việc làm cho các công nhân thất nghiệp này chỉ là chuyện nhỏ. Mỗi tài khoản hiện được bảo hiểm đến 50 triệu đồng và đang được Ngân hàng Nhà nước đề xuất lên 100 triệu đồng do vậy, tỷ lệ mất mát cho những tài khoản trên 100 triệu đồng tại các ngân hàng sẽ rất nhỏ.
Theo Tiến sĩ Alan Phan sẽ có 5 hệ quả tích cực khi bong bóng bất động sản nổ. Cụ thể, vài trăm nghìn gia đình lần đầu trong đời sẽ được sở hữu một căn nhà vừa túi tiền. Hiện tượng tâm lý “an cư lạc nghiệp” sẽ tạo cú kích cầu tiêu dùng, gây lại niềm tin cho kinh tế, loại bỏ các thành phần phi sản xuất yếu kém, tăng thu ngân sách và thu hút đầu tư nội ngoại. Ngoài ra, khi in tiền đủ để cứu trợ, nạn lạm phát sẽ bùng nổ lại và tỷ giá sẽ rơi.
Vị chuyên gia đánh giá, ngân sách hiện đã bội chi vì các vấn đề kinh tế xã hội từ khủng hoảng và nguồn thu từ thuế và phí đang thu hẹp đáng kể. Vì vậy, dùng những tài lực hiếm hoi để nuôi các lĩnh vực phi sản xuất là kéo dài cuộc suy thoái cho các thành phần khác trong nền kinh tế.
“Khi giải cứu, mọi sai phạm lầm lẫn sẽ được che đậy và bảo vệ; và các quy luật của thị trường có quyền đi ‘nghỉ mát’ khi quyền lợi của các nhóm lợi ích bị xâm phạm”, ông nói.
Giá trị bất động sản đã lên đến 25 lần thu nhập trung bình của người dân là một thành tích đáng ghi vào kỷ lục Guinness. “Nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn mang nhiều hy vọng. Có thể một lúc nào đó, những tinh hoa của đất Việt sẽ quên đi quyền lợi cá nhân của mình và gia đình… để san sẻ lại cho các người dân kém may mắn hơn”, Tiến sĩ Alan Phan dốc lòng.
Tiến sĩ Alan Phan đang đứng trước áp lực của giới kinh doanh bất động sản, sau khi ông chia sẻ trên VnExpress về việc không nên giải cứu, mà để thị trường tự điều tiết. 1.000 hội viên Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cùng gửi thư chất vấn, thậm chí muốn đối thoại với ông về quan điểm này.

Thành tỷ phú Thái Lan từ gánh nem Huế của mẹ
Vừa đặt chân đến tỉnh Nongkhai ở Đông Bắc Thái Lan, anh bạn hướng dẫn viên du lịch đã đề nghị chúng tôi nếm thử món nem nướng nức tiếng của nơi này. Ai ngờ vào quán, ngoài món ăn ngon chúng tôi còn được thưởng thức câu chuyện về nghị lực sống và tình yêu quê hương của một tỉ phú Việt kiều.
Bơ vơ giữa đất khách
Ngồi trước mặt chúng tôi là bà lão gần 80 tóc trắng như cước, nụ cười hiền hậu và vẫn giữ được giọng Việt chuẩn. Đó là bà Lương Thị Vỵ, chủ nhà hàng Daeng Namnuang nổi tiếng ở Nongkhai.
Bà kể, ngày ấy cô bé Vỵ quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng cha mẹ đặt chân đến đất Thái khi mới 13 tuổi. Hành trang gia đình đem theo là cách nấu một số món Huế như bún, nem lụi, bánh cuốn... Ngày ngày cha mẹ cô dậy từ sáng sớm để chuẩn bị rồi rong ruổi trên khắp các nẻo đường của Nongkhai bán cho người Thái. Cuộc sống đầy cơ cực nhưng niềm vui luôn tràn ngập trong ngôi nhà bé nhỏ nằm nép mình bên dòng MeKong.
Niềm vui tồn tại không được bao lâu thì cha mẹ lần lượt qua đời, để cô bé Vỵ đang vào tuổi thiếu nữ bơ vơ giữa xứ lạ. Từ ấy, Vỵ phải bươn chải một mình giữa dòng đời để kiếm sống. Ở tuổi dễ sa ngã khi không có nơi bấu víu, thay vì sống dựa vào người khác để an nhàn thì bà chọn cuộc sống vất vả với gánh hàng ăn nhưng tâm hồn được thư thái. Với “gia tài” là gánh bún chả, nem nướng mà cha mẹ để lại, ngày ngày bà quảy gánh mưu sinh.
tỉ phú, Thái Lan, Huế, nem nướng, Daeng Namnuang, cộng đồng người Việt,
Bà Lương Thị Vỵ với món“namnuang”nổi tiếng.
Nhận thấy người Thái đặc biệt ưa thích món nem nướng Việt, hàng ngày bà ghi nhớ yêu cầu của khách rồi mày mò sáng chế sáu món nem nướng phù hợp khẩu vị người Thái. Bà tìm tòi thêm các loại rau, pha chế gia vị, nước chấm cho hợp với người bản xứ. Gánh hàng rong của cô thiếu nữ Vỵ ngày càng đông khách và trở nên nổi tiếng. Thay vì phải rong ruổi khắp các nẻo đường, gánh nem bà Vỵ chỉ cần đặt một chỗ cố định đã nườm nượp khách. 
Nhận thấy người Thái đặc biệt ưa thích món nem nướng Việt, hàng ngày bà ghi nhớ yêu cầu của khách rồi mày mò sáng chế sáu món nem nướng phù hợp khẩu vị người Thái. Bà tìm tòi thêm các loại rau, pha chế gia vị, nước chấm cho hợp với người bản xứ. Gánh hàng rong của cô thiếu nữ Vỵ ngày càng đông khách và trở nên nổi tiếng. Thay vì phải rong ruổi khắp các nẻo đường, gánh nem bà Vỵ chỉ cần đặt một chỗ cố định đã nườm nượp khách.

Tấm gương cho cộng đồng Việt

Cô thiếu nữ Lương Thị Vỵ tần tảo, khéo léo trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng người Việt bấy giờ ở tỉnh Nongkhai. Nhiều chàng trai Việt kiều và cả dân bản địa đem lòng yêu mến cô. Trong số ấy, bà chọn trao gửi trái tim mình cho ông Hồ Văn Tuân - một chàng trai hiền lành cũng là người Thừa Thiên - Huế.
Sau khi kết hôn, hàng nem nướng của bà Vỵ càng đắt khách và cần thêm người phụ giúp, ông Tuân tự nguyện từ bỏ công việc công nhân để phụ giúp vợ. Chính ông đã đi qua nhiều ngả đường của Nongkhai để tìm ra vị trí ưng ý mở một quán nem nướng nhỏ cho vợ có chỗ bán ổn định.
tỉ phú, Thái Lan, Huế, nem nướng, Daeng Namnuang, cộng đồng người Việt,
Mỗi ngày nhà hàng Daeng Namnuang của bà Vỵ đón hàng ngàn thực khách.
Với tài nghệ của bà Vỵ kết hợp khả năng điều hành của ông Tuân, từ một gánh hàng nhỏ rồi một gian quán nhỏ, vợ chồng bà Vỵ mở được nhà hàng sang trọng với quy mô hàng ngàn mét vuông, kèm theo một nhà hàng nổi trên sông MeKong với tên gọi Daeng Namnuang, mỗi ngày phục vụ hàng ngàn lượt khách Thái và du khách quốc tế đến thưởng thức món nem nướng Việt. Đến nay, thương hiệu này đã được gia đình bà Vỵ phát triển thành chuỗi nhà hàng với ba cơ sở ở Nongkhai, Udon và Chiang Mai. Đặc biệt, mỗi tuần nem nướng Việt đều có mặt trong thực đơn hoàng gia Thái Lan để phục vụ nhà vua và các hoàng thân.
Gia tài của mẹ là nghị lực sống
Vợ chồng bà Vỵ sinh được tám người con. Bà lấy tên người con gái đầu là Daeng – theo tiếng Thái là đỏ, may mắn, hạnh phúc kết hợp với phiên âm “nem nướng” theo tiếng Thái để đặt tên cho nhà hàng của mình.
Lớn lên không người thân, với bà Vỵ, con cái là báu vật của cuộc đời. Khi các con lớn khôn thì công việc kinh doanh của bà đã thành công nên hầu như các con không nhìn thấy hết được sự khó nhọc của cha mẹ. Bà tâm niệm: “Tình yêu thương của mẹ cha là bệ đỡ cho các con, nhưng sự thành công của các con là do nỗ lực mỗi người”. Hai ông bà buộc các con tự tìm cho mình hướng đi chứ không sống bám vào thành công của cha mẹ. Bà tự hào là đến nay các con đều lớn khôn và thành đạt, thành những cử nhân giáo dục, kỹ sư, có ba người con nối nghiệp bà điều hành chuỗi nhà hàng Daeng Namnuang.
Sinh ra và lớn lên ở đất nước Thái Lan, nhưng các con bà Vỵ luôn được dạy hướng về nguồn cội. Những câu chuyện rời rạc về quê hương còn đọng lại trong tâm trí luôn được ông bà chắp nối thành những câu chuyện đẹp để các con khắc ghi ngay từ ấu thơ.
Ngày ông Tuân mất, tất cả các con đồng lòng đưa di hài cha về quê hương ở làng Hoà Viện (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền) an táng. “Năm nào đại gia đình tôi cũng tổ chức về quê tảo mộ, vừa để thăm quê hương, cho con cháu thế hệ thứ hai, ba trong đại gia đình biết được cội nguồn, hiểu hơn về cuộc sống đồng bào mình và tìm cách giúp đỡ những gia đình nghèo khó ở đây”, bà Vỵ chia sẻ. Bà Vỵ cho biết năm vừa rồi, thông qua lãnh sự quán Việt Nam tại Đông Bắc Thái Lan, bà đã tặng mấy chục chiếc xe lăn cho người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Bà và gia đình sẽ tiếp tục các kế hoạch thiện nguyện của mình ở quê nhà.
Chuỗi nhà hàng Daeng Namnuang của bà Lương Thị Vỵ đã được báo chí Thái Lan vinh danh là nhà hàng thành công nhất của người Việt trên đất Thái. Công việc kinh doanh phát đạt là niềm tự hào của cuộc đời bà, nhưng “Gia tài lớn nhất tôi để lại cho con cháu không phải là khối tài sản to lớn mà chính là cách tôi vượt qua những khó khăn, nghiệt ngã của cuộc đời, niềm tin vào cuộc sống và tình yêu dành cho mọi người xung quanh”, bà cụ Việt kiều 80 tuổi nhẹ nhàng chia sẻ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?