Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

PN&HĐ: Khẩu chiến, mạo bằng và những dấu ấn chìm nổi

Cơ chế điều hành xăng dầu, nghi án mạo học vị và những tuyên bố liên quan tới tình hữu nghị và tranh chấp là những lát cắt trong mục Phát ngôn & Hành động tuần này.
Xăng dầu và dấu ấn Vương Đình Huệ
Hầu hết các vị chức sắc quốc hội đều từ chính phủ sang, chứ rất hiếm trường hợp chuyển theo chiều ngược lại.
Vương Đình Huệ là một nhân vật trong số hiếm hoi đó, khi ông từ chân Tổng Kiểm toán Nhà nước, thuộc Quốc hội, chuyển sang ngồi ghế Bộ trưởng Tài chính, thuộc Chính phủ. Mặc dù, khi ông còn làm phó ở Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này vẫn thuộc Chính phủ.
Và ông đã tạo dấu ấn riêng trước Chính phủ, với tư cách một cựu chính khách quốc hội.
Tại hội thảo "điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay", diễn ra vào sáng 20.9 vừa qua tại Hà Nội, chính sự chủ trì của ông đã thật sự biến cuộc hội thảo này thành cuộc "khẩu chiến" giữa một bên là các công ty xăng dầu và Bộ Công thương, và một bên là Bộ Tài chính. Mặc dù, ông không phải là người "khai chiến".
Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, theo Báo Tuổi Trẻ tường thuật, chính là người khai hoả. Ông cho rằng chính sách xăng dầu được điều hành theo kiểu "bịt mắt bắt dê".
Tuy ông không giải thích "dê" là gì, nhưng căn cứ vào những mục tiêu mà chính phủ theo đuổi, có thể ngầm hiểu "ba con dê" đó là "đảm bảo an ninh năng lượng", "chống lạm phát" và "người tiêu dùng" được một phần bao cấp. Và, theo ông Tú, trên thực tế, "con dê" cuối cùng lại được ưu tiên nhất.
Cũng theo ông Tú, trong một thời gian dài, Bộ Tài chính điều hành giá xăng theo kiểu dư luận tới đâu, điều hành tới đó. Các mục tiêu cân đối cung cầu, hệ thống ra sao, doanh nghiệp lỗ lãi thế nào, xuất lậu ra sao đều bị bỏ qua.
(Theo thiển nghĩ của người viết, về điểm này, vị lãnh đạo Bộ Công Thương hoàn toàn có lý. Và nhận xét của ông không chỉ đúng với Bộ Tài chính, hay đối với lĩnh vực xăng dầu. Riêng với lĩnh vực xăng dầu, cũng phải phân loại đối tượng tiêu dùng, để có chính sách bao cấp phù hợp. Bởi điều này cũng giúp hạn chế việc nhập khẩu và sử dụng xe hơi tràn lan, và nhất là hạn chế việc nhập khẩu những trang thiết bị rẻ tiền, nhưng hao tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường từ quốc gia láng giềng phía Bắc.)

Còn một người cùng họ Vương Đình với ông Huệ là TGĐ Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Vương Đình Dung) lại cho rằng Nhà nước "vừa muốn doanh nghiệp theo cơ chế thị trường vừa muốn bình ổn giá" nên điều hành luẩn quẩn, và không bao giờ thực hiện được theo cơ chế thị trường.
Chỉ sau màn "bi ca" than lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhất là Petrolimex (nói lỗ 1800 tỷ đồng từ đầu năm tới nay), Tân Bộ trưởng Vương Đình Huệ, người hoàn toàn không chịu trách nhiệm về sự điều hành trước đây của người tiền nhiệm và hiện cũng là thủ trưởng trực tiếp của ông, mới lên tiếng.
Ông Huệ phê phán việc Petrolimex không thể nói lời lỗ từng mặt hàng là không thể chấp nhận được. Ông còn đi xa hơn nữa khi nghi ngờ khả năng quản trị của ông Bùi Ngọc Bảo, khi không biết hạch toán từng mặt hàng...
Ông Huệ cũng cho rằng khó có thể thực hiện cơ chế thị trường hoàn toàn khi 3 doanh nghiệp hàng đầu chiếm tới 90% thị phần phân phối xăng dầu, và khả năng họ thông đồng với nhau là hoàn toàn có thể xảy ra. "Hơn mười năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu", ông đoan chắc.
Đến cuối buổi hội thảo vẫn chẳng ai chịu ai, và bằng chứng là ông Bùi Ngọc Bảo đến ngày hôm sau còn tổ chức họp báo riêng để giải thích rằng số liệu hải quan mà ông Vương Đình Huệ dựa vào để phản bác rằng Petrolimex lãi chứ không lỗ chỉ là số liệu tạm khai. Tuy nhiên, nó đã để lại dư âm lớn trong dư luận và giới chuyên gia kinh tế.
TS Nguyễn Minh Phong nói rằng hội thảo này đã đưa ra hai thông điệp rất lớn.
Thông điệp đầu tiên là sự công khai, minh bạch đối với hoạt động của doanh nghiệp, để tránh câu chuyện "lãi thật, lỗ giả", khiến người tiêu dùng và bản thân nhà nước chịu thiệt.
Thông điệp tiếp theo chính là việc công khai, minh bạch chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, để rạch ròi giữa nhiệm vụ công ích là góp phần cân đối vĩ mô, trong đó có chống lạm phát, với sự điều hành yếu kém, thậm chí tham nhũng của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự công khai minh bạch chính sách nhà nước cũng là điều kiện tiên quyết buộc doanh nghiệp cũng phải công khai minh bạch.
Cũng chính vì vậy, theo thiển nghĩ của người viết, với tình trạng thiếu công khai, minh bạch từ cả hai phía, cả doanh nghiệp xăng dầu, cả bộ chủ quản của họ là Bộ Công thương, và cả Bộ Tài chính đều có những cái lý riêng của mình.
Và có lẽ có lý nhất chính là cụ Nguyễn Du, người đã từng viết: "Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ."
Xử lý được "thằng bán tơ" này mới giải quyết dứt điểm được mọi chuyện - điều nằm ngoài thẩm quyền của ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Cẩm Tú, hay tất cả những người tham dự hội thảo hôm đó.
Riêng ông Vương Đình Huệ, trước mắt, vẫn có những việc phải làm trong nội bộ của mình như Cục Quản lý giá, hay Tổng cục Hải quan, để buộc những người mà ông đã thách thức trong hội thảo phải "tâm phục khẩu phục". Và, như vậy, cái Bộ Tài chính mà ông vừa tiếp quản sẽ không phải chịu cái thái độ mà người ta đã cư xử với ông trong hội thảo. Xét cho cùng, cái gì cũng có cái lý riêng của nó.

Từ trái qua phải: Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo
Nghi án "mạo bằng" và dấu ấn "nổi mặt sau" ở Bộ Y tế
Một dấu ấn khác trong tuần vừa qua diễn ra ở Bộ Y tế của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhưng là dấu ấn chìm. Bởi nó nổi ở mặt sau.
Đó là sự tiếp nối của xì căng đan liên quan đến Thứ trưởng Cao Minh Quang. Sau nghi án tham nhũng chưa được kết luận rõ ràng, ông lại bị cáo giác đã khai man rằng trong giai đoạn 1991-1994, ông là nghiên cứu sinh của Đại học Uppsala (Thuỵ Điển), và đã bảo vệ luận án tiến sỹ dược khoa tại đại học này.
Có điều những nguồn tin khác nhau của những tờ báo khác nhau lại khiến cho dư luận có cảm giác lẫn lộn về câu chuyện này.
Cách đây đúng một tuần, báo Tiền Phong đưa tin, ngày 9.9.2011, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ Giáo dục & Đào tạo) đã có văn bản 664/KTKĐCLGD-VB, xác nhận rằng cái "Licentiatexamen" về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên của ông Cao Minh Quang chỉ là chứng chỉ "để tham dự khoá học tiến sĩ", chứ không phải văn bằng học vị. Kết luận trên lại được tái khẳng định bởi Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) thuộc Tổng cục An ninh II, theo văn bản số 3157/A83 (P5), cũng theo bài báo này.
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ, ra ngày 19.9.2011, dẫn nguồn tin một cán bộ Bộ Y tế, lại khẳng định rằng về bằng cấp, do chưa có quy định về tương đương bằng cấp giữa Thụy Điển và Việt Nam, một thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo khi đó đã ký xác nhận công nhận chứng chỉ kể trên tương đương học vị tiến sĩ.
Sự rối rắm về thông tin đó chỉ được gỡ ra khi một tiến sĩ Việt Kiều ở Phần Lan vào cuộc, khi ông đặt vấn đề nghi vấn điều khẳng định của Cục KTKĐCLGD. Bởi, dù đã đi nhiều, biết nhiều, ông chưa bao giờ nghe thấy cụm từ "tham dự khoá học tiến sĩ" cả, bởi vì "cứ nghe như tiến sĩ là một khoá học ngắn hạn vài ba tháng là xong".
Theo tìm hiểu của TS Lê Văn Út, "licentiatexamen" là một văn bằng (degree), chứ không phải chứng chỉ. Bởi nó (gọi là PhL) nằm trong hệ thống văn bằng chính thức của Thuỵ Điển, và nằm giữa "thạc sĩ" (master) và "tiến sĩ" (PhD).
Lúc này, người ta có thể dễ dàng nhớ câu chuyện chuyển đổi văn bằng phó tiến sĩ, vốn phổ biến ở các nước XHCN, sau sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô. Chính phủ Việt Nam đã quyết định chuyển tên gọi "phó tiến sĩ" thành "tiến sĩ", nhưng gọi là "tiến sĩ chuyên ngành" (sau đó bỏ bớt từ "chuyên ngành" đi) để phân biệt với tiến sĩ khoa học.
Vậy là dường như ông Cao Minh Quang đã được "giải oan" về chuyện bằng cấp. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ "thoát tội".
Bởi chắc chắn câu chuyện "dích dắc" của "nghi án 2 tỷ đồng" sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Nhất là mối quan hệ tay ba giữa ông Cao Minh Quang, bà Nguyễn Ngân Quyên, người tháp tòng ông Quang đến BV Pharma BV mà ông Quang dặn "đừng nói ra ngoài", và bà vợ Nguyễn Thị Ngọc Giao của ông Quang, người nghe nói cũng có nhân thân khá đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
Người viết chỉ thấy băn khoăn một điều là toàn bộ câu chuyện nói trên của ông Quang đã xảy ra từ đầu nhiệm kỳ của bộ trưởng y tế khoá trước mà đến đầu nhiệm kỳ của bộ trưởng y tế khoá này mới bung bét ra.
Đó là chưa kể, việc ông Cao Minh Quang từng bị Ủy ban Kiểm tra TW quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về Đảng năm 2009, bây giờ mới bị báo chí "phui" (?!) ra.
Rồi ngay cả một quan chức đã nghỉ hưu là TS Trần Đáng, nguyên viện trưởng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, cũng vừa mới "góp gió" với một cuốn sổ tay ghi "tội vặt" của nguyên thủ trưởng trực tiếp của mình. Trong đó, có chi tiết thú vị nhất, theo ghi chép của TS Trần Đáng, là ông Cao Minh Quang nhầm lẫn giữa khái niệm "chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm" với "điều kiện của mắm tôm".
Có lẽ, cũng vì như vậy, thời đó Báo Sài Gòn Tiếp Thị có bài viết "Mắm tôm đi kiện" chăng?!
Liệu đây có là dấu hiệu khởi đầu cho một cuộc cải tổ? Hay là...
Vẫn còn hơi sớm để đưa ra nhận định, nhỉ?
Về phần mình, theo thiển nghĩ người viết, có lẽ ông Cao Minh Quang nên chủ động viết đơn từ chức. Chứ đừng để đến lúc mà ở Bộ Y tế phải ép ông, như lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch đã từng làm với hai ông nguyên cục trưởng và cục phó của Cục Điện ảnh, hay Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đối với ông nguyên trưởng giải Dương Nghiệp Khôi.
Bởi, với cách người ta moi những câu chuyện "từ xửa từ xưa" ra để "xử" ông, chắc chắn ở Bộ Y tế người ta chẳng dành cho ông chút "tình" nào, như trường hợp của hai cơ quan kể trên. Còn trong trường hợp ngược lại, biết đâu sau này người ta sẽ lại nhắc đến tên ông, như một người khởi xướng cho một trào lưu văn hoá mới - văn hoá từ chức (tự nguyện).
Chắc ông nhớ câu chuyện "Tái ông thất mã"?!
ĐS Khổng Huyễn Hựu và dấu ấn đối ngoại
Một dấu ấn quan trọng nữa là dấu ấn trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, về mặt đối ngoại.
Đó là việc chiều 20.9 vừa rồi, ông đã tiếp các tân đại sứ Lào, Mỹ và Trung Quốc. Chả là theo phân công chức năng nhiệm vụ giữa các lãnh đạo chính phủ, Thủ tướng phụ trách cả mảng đối ngoại.
Trong lời đáp từ của các vị tân đại sứ trước hy vọng của Thủ tướng đối với họ trong việc góp phần làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, có lẽ Tân Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu là ấn tượng nhất.
Đại sứ Khổng Huyễn Hựu khẳng định nhiệm vụ thúc đẩy và phát triển sâu rộng hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc là sứ mạng, là niềm vinh dự mà hai Đảng, hai Nhà nước giao cho cá nhân Đại sứ.
Trước đó, vào ngày 12.9, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong cuộc tiếp xã giao Đại sứ Khổng Huyễn Hạo đã hứa rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đại sứ Trung Quốc hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Có vẻ như Đại sứ Khổng Huyễn Hựu, so với những người tiền nhiệm của mình, đã có sự khởi đầu thuận lợi hơn hẳn...
Thế nhưng, sự đời lại không đơn giản thế. Bởi cùng lúc đó, đã có những diễn biến không mấy thuận lợi cho mối quan hệ mà ông Khổng Huyễn Hựu coi việc thúc đẩy cũng là sứ mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam giao cho cá nhân ông.
Thứ nhất là việc Trung Quốc cử tàu cá có trọng tải 1000 tấn đến Trường Sa để hỗ trợ việc nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Bên cạnh việc có 500 tàu cá Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở Trường Sa.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị
Thứ hai là việc hai đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao của ông Khổng Huyễn Hựu là Khương Du và Hồng Lỗi đã lớn tiếng phản đối Ấn Độ hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí tại Lô 127 và Lô 128, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chính vì vậy, giữa hai cuộc tiếp của người đứng đầu ngành ngoại giao và người đứng đầu chính phủ Việt Nam đối với ông Khổng Huyễn Hựu, Tân Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị, người còn chưa kịp nhận đầy đủ sự bàn giao công việc từ người tiền nhiệm, đã phải lên tiếng về lập trường kiên định của phía Việt Nam, nhất là với sự tham gia của Ấn Độ vào thăm dò dầu khí ở thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 16.9.2011, ông Lương Thanh Nghị nói: "... Các ý kiến phản đối sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị."
Còn nhớ, người tiền nhiệm của ông Lương Thanh Nghị là Tân Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga, khi kể từ khi nhậm chức người phát ngôn cách đây hơn 2 năm, đã có tới 2 tháng để làm quen trước khi ra tuyên bố đầu tiên liên quan đến Trung Quốc.
Đó là vụ 16 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi vào tránh bão số 9 tại quần đảo Hoàng Sa.
Thế nhưng, trong hai năm trên cương vị này, bà đã liên tục phải làm những việc tương tự, tuy nội dung có khác nhau.
Đó là điềm báo cho một nhiệm kỳ chắc hẳn còn vất vả hơn đối với ông Lương Thanh Nghị - người, cũng như bà Nguyễn Phương Nga, sẽ có nhiều việc phải làm với Đại sứ Trung Quốc, mỗi khi có sự cố xảy ra giữa hai nước trên Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chắc ông Lương Thanh Nghị cũng cảm thấy hơi buồn, vì, trong trường hợp của ông, lại là Đại sứ Khổng Huyễn Hựu, người vừa có những lời hứa đầy xúc động và tâm huyết trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng biết làm sao được! Cho dù có là ông Khổng Huyễn Hựu, giới chức Việt Nam, trong đó có ông Lương Thanh Nghị, cũng vẫn phải tỉnh táo để không (bị) huyễn hoặc.

Chuyện “đoàn kết” của các bộ nhìn từ khẩu chiến xăng dầu

Việc các bộ thiếu gắn kết, phối hợp, hiểu biết lẫn nhau trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội ai cũng hiểu rằng nó sẽ gây ra những hậu quả tệ hại như thế nào.
Nhưng cho đến vụ tranh cãi đến mức một số báo gọi là "khẩu chiến" giữa bộ Tài chính và bộ Công thương tại hội thảo về cơ chế điều hành xăng dầu tổ chức ngày 20.9 thì quả thực, sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa bộ này, bộ kia quả thực đáng đến mức báo động và cần phải có sự lên tiếng của Chính phủ. Trong khi mà thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú và một cán bộ thuộc cấp của ông này cho rằng, việc giảm giá xăng dầu vừa qua là một sai lầm của bộ Tài chính thì bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, ông đã ra quyết định một cách có trách nhiệm và sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định đó. Nhưng không dừng ở đấy, quan chức, cán bộ của bộ Công thương đã dùng những lời lẽ khiếm nhã bất thường khi dạy bảo bộ Tài chính rằng "phải điều hành bằng cái đầu chứ không phải bằng chân tay", rồi thì, khi thấy bộ Tài chính giảm giá xăng dầu thì họ thấy bộ Tài chính bị "làm sao"... Tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ tháng trước, ông Vũ Đức Đam, bộ trưởng-chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có nói rằng, một trong những yêu cầu lớn cho Chính phủ khóa mới (khóa XIII) là đoàn kết, phối hợp với nhau chặt chẽ để thực hiện tốt việc điều hành, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước.
Chưa biết các bộ phối hợp tốt hơn với nhau thế nào nhưng qua một số vụ việc gần đây, người ta lại thấy có những dấu hiệu khác về những vụ việc rất cụ thể.
Đầu tiên là tranh cãi giữa bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với bộ Tài nguyên và Môi trường về con tôm thẻ chân trắng và con hàu Thái Bình Dương. Bộ Tài nguyên và Môi trường, bằng một văn bản chính thức của bộ này gọi đó là 2 loại sinh vật ngoại lai, có khả năng xâm hại mùa màng, đồng ruộng...Trong khi đó bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại có quan điểm ngược lại, theo đó hai loài nói trên, từ khi được nhập về, đã phát triển thương phẩm rất tốt ở nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế.
Theo quy định của bộ Tài nguyên và Môi trường, những sinh vật có tên trong danh sách sinh vật ngoại lai sẽ không được phép nhập về Việt Nam hoặc nếu được gây nuôi thì chỉ với số lượng có hạn và phải được sự cho phép của cơ quan quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại cho rằng, nếu đưa con hàu Thái Bình Dương và con tôm thẻ chân trắng vào danh sách này thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản và sinh kế của nhiều người.
Vụ tranh cãi ấy cũng kéo dài hàng tháng trời và mãi đến ngày 9.9 mới đây mới đi đến kết thúc có hậu là 2 bộ này đã thống nhất được quan điểm, đưa 2 loài sinh vật trên khỏi danh sách "sinh vật ngoại lai" gây tranh cãi đó.


Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (ảnh trái), Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Cẩm Tú (ảnh phải.
Việc giảm giá xăng, điều hành giá xăng dầu có đúng, có sai ở bộ này, bộ kia như thế nào thì có lẽ Chính phủ sẽ phải có động thái kiểm tra, giải quyết trên cơ sở minh bạch hóa rõ ràng chi phí, lỗ lãi của các doanh nghiệp qua các đợt thanh tra, kiểm toán của thanh tra Chính phủ hay kiểm toán Nhà nước chứ không phải do những cuộc tự kiểm tra rồi ra kết luận đơn phương từ một trong hai bộ, bởi bộ nào rồi cũng tự cho là mình đúng, bên kia sai. Với những cách nói về nhau của 2 bộ tại hội thảo nói trên, thật khó hình dung là 2 bộ này sẽ có sự nhượng bộ để đi đến "đồng thuận" trong việc thực hiện cơ chế điều hành thị trường xăng dầu-một cơ chế do 2 bộ này là 2 thành viên chính trong tổ điều hành.
Việc các bộ thiếu gắn kết, phối hợp, hiểu biết lẫn nhau trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội ai cũng hiểu rằng nó sẽ gây ra những hậu quả tệ hại như thế nào. Điều rõ rang nhất, như việc điều hành thị trường xăng dầu không đúng có thể làm cho thị trường này rối loạn, doanh nghiệp không biết đâu mà lần còn người dân thì chịu khổ vì chỉ thấy giá tăng mà khi có giảm thì giảm rất thấp. Hay vụ tranh cãi về con tôm thẻ chân trắng, con hàu Thái Bình Dương, việc tranh cãi không sớm kết thúc thì hơn ai hết, chính những người nông dân, những người nuôi trồng thủy sản sẽ bị thiệt hại vì họ không thể biết khi nào được nuôi, khi nào bị cấm. Có khi nhận được thông báo cho nuôi thì cơ hội có lợi nhuận cao đã qua mất rồi.
Trong một, hai năm trở lại đây, người ta hay thấy báo chí đưa tin bộ này, bộ kia cùng ký văn bản về cơ chế phối hợp. Đến nay, rất nhiều bộ, ngành đã ký kết quy chế phối hợp công tác nhưng với những câu chuyện xảy ra như trên, người ta nghi ngờ về hiệu quả thực tế của việc thực hiện các điều khoản ở trong các bản quy chế ấy. Một trong những điều chủ yếu gây nên những bất hòa giữa bộ này, bộ kia là vấn đề quyền, lợi ích riêng của mỗi bộ. Ví dụ như các quyền về cấp phép, quyền điều hành cơ chế như nhập khẩu xăng dầu, nhập khẩu đường, muối...những thứ còn đòi hỏi phải giấy phép, phải có "xin-cho" thì khi lợi ích đó phải san sẻ, chia sẻ nó sẽ dễ nảy sinh tranh chấp, thậm chí là nảy lửa như tranh cãi về điều hành xăng dầu giữa 2 bộ có thể nói lớn nhất nước: Tài chính-Công thương như vừa qua.
Cho nên, phân biệt rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bộ, hạn chế lợi ích cục bộ, thường xuyên có sự trao đổi, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa bộ bộ mới tránh được những vụ việc như ở bộ Tài chính và bộ Công thương mới rồi.

Chung quanh hạt gạo xuất khẩu


Cùng vào một thời điểm, có hai thông tin về lúa gạo mà chúng ta không thể bỏ qua. Thông tin thứ nhất: Hãng tin Bloomberg hôm 13-9 dẫn lời Phó thủ tướng Thái Lan, ông Kittiratt Na-Ranong nói rằng Thái Lan sẵn sàng từ bỏ vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới để thực hiện kế hoạch thu mua lúa gạo mới. Ông nói nước ông "không tự hào là quốc gia xuất khẩu gạo lớn mà tự hào rằng nông dân Thái Lan có thể trồng trọt và bán sản phẩm của họ ở mức giá hợp lý với nụ cười".
Thực hiện kế hoạch này, chính phủ Thái Lan sẽ mua lúa tẻ thường của nông dân với giá 15.000 baht/tấn (tương đương 446 USD). Như vậy gạo xuất khẩu của Thái theo tính toán sẽ lên đến 750 USD/tấn, cao hơn 25% so với mức hiện tại. Kế hoạch này bắt đầu từ ngày 7-10 nhằm thực hiện chính sách của bà tân thủ tướng Yingluck Shinawatra nâng cao thu nhập cho người nghèo, nhất là nông dân. Thông tin thứ hai: Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường lúa gạo châu Á trong đó có Việt Nam, giá gạo sẽ tăng mạnh, cao nhất trong vòng ba năm nay. Thế nhưng tuần này giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục giảm mạnh liên tiếp trong hai tuần lễ.
Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại Tiền Giang cho biết: "Trong tháng 8, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có tiềm lực đã tranh thủ thu gom hàng trữ vào kho chờ mặt bằng giá gạo thế giới tăng cao qua việc Thái Lan mua lúa trong dân với giá gần 500 USD/tấn. Trước đó, thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, trong cuộc họp báo ngày 24-8 với mục đích làm hạ nhiệt giá lúa gạo trong nước đã cho rằng đến tháng 11 Thái Lan mới tăng giá thu mua lúa gạo cho nông dân. Thế nhưng các công ty lương thực của nhà nước có lẽ không tin vào điều ông thứ trưởng nói nên họ đã tranh thủ thời điểm mua ép giá nông dân để sau này bán kiếm lời.
Hai thông tin rất khác nhau trên đây phản ánh thái độ đối xử với sản phẩm của nông dân cũng rất khác nhau, điều này làm rõ thêm băn khoăn lâu nay của nhiều người trong chúng ta: tại sao nông dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo.
Đã có một khoảng cách rất xa trong suy nghĩ chung quanh hạt gạo xuất khẩu giữa người làm ra sản phẩm (nông dân), nhà kinh doanh (những công ty lương thực) và các cấp quản lý (bộ, ngành) mà cuối cùng phần thiệt vẫn thuộc về người nông dân.

Bốc xếp gạo ở cảng Sài Gòn

Chắc hẳn nhiều người chưa quên cách điều hành xuất khẩu gạo vào thời điểm giữa năm 2008 khiến cho nông dân phải ngậm đắng nuốt cay khi thấy hạt gạo kết tinh bao nhiêu mồ hôi và công sức của mình bị đối xử một cách phũ phàng. Vào thời điểm ấy, giá gạo thế giới đang tăng lên đến 975 USD/tấn thì chính phủ lại có lệnh ngừng xuất khẩu với lý do bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng theo cách nhìn của người nông dân thực chất đó là nhằm khống chế giá trong nước không tăng mạnh theo giá lúa gạo thế giới. Suy nghĩ này càng được củng cố khi Bộ Công thương cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát là rất quan trọng vào lúc ấy do đó điều hành lúa gạo không thể chạy theo mục tiêu đảm bảo có lãi cao cho nông dân. Thực tế diễn ra sau đó là Hiệp hội Lương thực xuất khẩu (VFA) bán lúa với giá 6.432 đồng/kg nhưng mua lúa của nông dân trước đó chỉ 4.000 đồng/kg.
Nhiều năm qua, trên các diễn đàn công khai, nhiều chuyên gia nông nghiệp và nông dân đã than phiền về tình trạng VFA được độc quyền trong mua bán lúa gạo. Là một tổ chức quy tụ các công ty kinh doanh lương thực mà lợi nhuận luôn là mục tiêu hàng đầu nên VFA thường ấn định giá có lợi cho mình.
Phải chăng do tính độc quyền này mà từ năm 2001 đến 2005 giá gạo xuất khẩu của chúng ta chỉ bằng khoảng 80% giá bình quân của thế giới. Năm 2009 và 2010, gạo xuất khẩu của chúng ta bán rẻ hơn gạo cùng loại của Thái Lan từ 100 đến 150 USD/tấn, điều này cho thấy nông dân luôn bị ép giá, trong khi vũ khí lợi hại nhất mà VFA và Tổng công ty Lương thực Miền Nam thường áp dụng là mua lúa tạm trữ trong khi không hề đầu tư kho chứa, nhà máy xay lúa cũng như không thiết tha đến việc tạo thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Có năm, nông dân không có tiền ăn tết trong khi mức thưởng của các công ty quốc doanh kinh doanh lương thực thuộc vào loại cao nhất.
Mới đây trên một trang mạng xã hội có uy tín, tác giả Hoàng Kim ở Đồng Tháp có nêu lên một số nguyên nhân khiến đời sống người nông dân vẫn khó khăn trong khi năng suất trồng lúa ngày càng tăng, gạo xuất khẩu của chúng ta ngày càng nhiều. Ngoài việc giá lúa bị khống chế theo hướng lợi cho các đơn vị kinh doanh xuất khẩu gạo, bài viết còn đề cập đến những nguyên nhân mà ai cũng nhận ra từ lâu trong thực tế sản xuất lúa gạo ở nước ta khiến nông dân không thể làm giàu, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Đó là:
- Chính phủ không có các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, cụ thể là chưa xây dựng được một nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp, hỗ trợ giống cho nông dân, không tích cực xúc tiến việc cơ giới hóa trong thu hoạch và sau thu hoạch khiến gây thất thoát đáng kể.
- Đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm dần từ năm năm nay. Cụ thể vào năm 2009, tổng nguồn vốn dành cho nông nghiệp chỉ chiếm 6,26% tổng đầu tư toàn xã hội, thấp hơn so với năm trước đó, trong khi đóng góp của lĩnh vực này vào GDP lên đến 20,91% trong khi chúng ta vẫn còn là một nước nước nông nghiệp lạc hậu.
- Sự độc quyền của Hiệp hội phân bón và các công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tình trạng giá các loại vật tư nông nghiệp này ngày càng tăng cao, nhưng chưa bao giờ được sự can thiệp của chính sách bình ổn giá.
- Hội nông dân không phải là của nông dân nên không bảo vệ được quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa của họ. Điều này có những dẫn chứng trong thực tế vào những thời điểm khó khăn của nông dân như bị ép giá, chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc điều hành xuất khẩu gạo hay chủ trương mua tạm trữ, trong khi vấn đề được mổ xẻ trên diễn đàn Quốc hội khiến Thủ tướng phải trả lời chất vấn của các đại biểu, thì Hội nông dân vẫn không hề lên tiếng.
- Cách chỉ đạo của chính phủ chưa sâu sát. Bài viết nói trên dẫn lời ông Lê Phước Thọ, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, từng là bí thư hai tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang, phát biểu trên báo mạng Vietnamnet rằng: "Đồng bằng sông Cửu Long ở xa Trung ương quá, Bộ lâu mới vào một lần. Trung ương mà không sớm thay đổi cung cách chỉ đạo thì miền Tây chưa thoát nghèo được".
Những ghi nhận trên đây cho thấy thành quả của nông nghiệp sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa nếu nông dân không được hưởng thụ tương xứng với những giá trị mà mình đã đóng góp. Trong tình hình lạm phát vẫn trì trệ và kéo dài nhiều năm nay thì nông nghiệp của chúng ta ít bị tác động nhất, sản lượng vẫn tăng đều. Nhưng không vì thế mà chúng ta bị ru ngủ bởi chủ nghĩa thành tích khi tự hào là nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, mà cần có cái nhìn thực tế về chủ trương xuất khẩu gạo từng thời kỳ, từng hoàn cảnh để hướng đến sự hài hòa về quyền lợi của cả người sản xuất lẫn kinh doanh.
Phải làm sao để ngày càng bớt đi những hàng rào cản trở ước mơ làm giàu chính đáng của người nông dân trong điều kiện thu nhập bình quân của người dân nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long chỉ ở mức 800 USD/đầu người, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước là 1.200 USD.
Khoảng cách giữa giá gạo Việt Nam và Thái Lan đang lớn dần
Giá gạo Thái Lan tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng gần ba năm nay, do nhu cầu bốc xếp lớn cho các đơn đặt hàng từ Nigeria, và kỳ vọng vào chương trình can thiệp của chính phủ mới, trong khi gạo Việt Nam tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu thấp và hầu hết khách hàng chỉ đứng ngoài thị trường quan sát.
Gạo 100% B của Thái hôm 7-9 tăng lên 640 đôla/tấn, mức cao chưa từng có kể từ tháng 10-2008. Một tuần trước đây loại gạo này giá 615 đôla/tấn.
Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết: "Các nhà xuất khẩu buộc phải tăng giá chào bán bởi các nhà máy xay xát tăng giá", và thêm rằng hầu hết các nhà máy trong nước găm hàng lại chờ đến khi chính phủ mới thực hiện chương trình can thiệp như đã hứa, bắt đầu từ tháng tới.
Dự báo xu hướng tăng giá gạo Thái sẽ còn tiếp tục tăng trong tháng này, lên khoảng 750-800 đôla/tấn.

Lương: Cải cách thật chứ đừng ‘gọt chân cho vừa giày’

Rất nhiều đề xuất được đưa ra cho đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020 để cán bộ, công chức có thể sống bằng lương. Với điều kiện, cải cách lần này phải thật.

Hội thảo ngày 23/9 ở Đồ Sơn, Hải Phòng đánh giá kết quả cải cách chính sách tiền lương từ 2003 đến nay và định hướng giai đoạn 2012-2020 do Bộ Nội vụ tổ chức và UNDP tài trợ quy tụ cán bộ cùng chuyên gia từ nhiều bộ và địa phương phía Bắc.
Tất cả đều thống nhất: Cải cách lương không dễ. Nhưng, nói như nguyên Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Đặng Như Lợi, vấn đề bây giờ là chúng ta có định cải cách thật hay không. “Nếu chỉ là khẩu hiệu thì không nên làm, sẽ mất thì giờ”, ông Lợi nói.
Cải cách lương không dễ.
8 năm 7 lần chỉnh vẫn chưa đủ sống
Theo dự thảo báo cáo tổng kết của Bộ Nội vụ, 8 năm qua, mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh 7 lần, từ 210.000 đồng lên 830.000/đồng, nghĩa là tăng 295,2%, so với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 142,27% và tăng GDP 85,9%.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường thừa nhận, đến nay, lương tối thiểu chung vẫn chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức (CBCC). Và hậu quả đầu tiên được dự thảo nêu, là không thu hút được người tài vào cơ quan nhà nước hoặc có người tài nhưng họ chưa toàn tâm, toàn ý tập trung thực thi nhiệm vụ công vụ, khiến “chất lượng việc xây dựng hệ thống thể chế và các quyết sách về chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội có phần bị hạn chế”.
Dự thảo báo cáo cũng cho hay lương không đủ sống đã làm “một số người” rời khu vực Nhà nước. Nghịch lý là, vẫn có người muốn vào làm việc trong bộ máy, nhưng trong số đó có cả những người năng lực yếu kém không thể tìm được việc làm ở khu vực doanh nghiệp. Cũng có người muốn vào Nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng, tiến thân theo con đường quan chức, tham nhũng, làm giàu bất chính...
Một nghịch lý nữa được Bộ Nội vụ chỉ ra, đó là lương thấp khiến CBCC tìm mọi cách để tạo ra thu nhập, “chỉ muốn làm những việc cụ thể liên quan đến nhân sự, tài chính, đất đai... trực tiếp với dân, doanh nghiệp để có điều kiện nhũng nhiễu”. Và do đó, ngay đội ngũ CBCC cũng phân hóa giàu nghèo, lương không đủ sống nhưng nhiều người sống đàng hoàng.
Những đánh giá này, theo Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, vẫn “chưa đủ đậm”. Ông Đinh Duy Hòa cho rằng, lần cải cách này “phải tạo chuyển biến thực sự  trong nhận thức” về lương. Muốn vậy, báo cáo cần nêu bật được việc CBCC vì không sống nổi bằng lương nên phải tận dụng công việc đang làm để “kiếm thêm” và chuyện tham nhũng, tiêu cực càng ngày càng gia tăng chứ không giảm.
Cũng như vậy, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Hữu Dũng nhận xét, dự thảo báo cáo chưa nêu được hết bức xúc. “Có rất nhiều điểm nếu không được  giải quyết thì không gỡ được nút thắt của cải cách. Hiện nay, thu nhập ngoài lương rất cao, không kiểm soát được, không có giới hạn”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Thu nhập ngoài lương rất cao, không kiểm soát được, không có giới hạn. Ảnh: H.Anh
Không thể tăng lương nếu không đủ nguồn 
Một trong những nội dung làm nóng cuộc hội thảo mở màn cho chuỗi các cuộc gặp góp ý về đề án cải cách tiền lương là nguồn cho cải cách ở đâu? “Mấy lần cải cách trước đều xảy ra tình trạng ‘gọt chân cho vừa giày’”, ông Đặng Đức Đạm, nguyên Phó trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng nhận định.
Nếu ông Đặng Như Lợi đề xuất phải giảm đến 40% tổng số cán bộ, công chức, viên chức không đủ chất lượng theo yêu cầu, thì Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng đối với các dịch vụ công như y tế, giáo dục, khoa học, chỉ cần tạo cơ chế chứ không cần dựa 100% vào ngân sách nhà nước. Vì mục tiêu an sinh xã hội, chẳng hạn với vùng sâu, vùng xa thì cần bao cấp đủ. Bà Hương cũng thiết tha đề nghị phải phân cấp trong cải cách tiền lương. Khu vực hành chính công phải đi trước, bằng cách tạo lương lành mạnh, chẳng hạn lương của công chức vừa tốt nghiệp đại học phải là 4-5 triệu đồng. Vụ trưởng 10-15 triệu đồng/tháng. Thứ trưởng có thể nhận lương mấy chục triệu.
Ông Đặng Đức Đạm cũng đề xuất cả một nhóm giải pháp tạo nguồn để cải cách tiền lương, trong đó Nhà nước cần bớt một phần đầu tư cho phát triển doanh nghiệp nhà nước, dành vốn đầu tư nhiều hơn cho phát triển yếu tố con người trong bản thân bộ máy hành chính, triệt để “tiền tệ hoá lương”, đưa tất cả các khoản bao cấp vào thể hiện trong lương (nhà, xe, điện thoại...). Theo ông, cần công khai hoá, tiến tới quản lý các khoản thu nhập ngoài lương của công chức, trước hết là các khoản từ đề tài khoa học, dự án hợp tác quốc tế, hợp đồng ký với doanh nghiệp...
Một trong những người phát biểu sau cùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đồng tình phải cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phân tách rõ khu vực hành chính, doanh nghiệp và sự nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh đòi hỏi phải cải cách cơ bản hệ thống tiền lương, đừng lặp lại việc “mỗi lần sửa lại là một sự chắp vá mới”.
Ngày 26/9, Bộ Nội vụ tổ chức một hội thảo nữa tại TP.HCM để nghe ý kiến của đại diện các tỉnh, thành phía Nam. Dự kiến, đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2012 - 2020 sẽ được trình Trung ương tháng 4 năm sau.

Người Việt quá duy tình, sao lại nói vô cảm?

Trong mối quan hệ mang tính Nhà nước, hay còn gọi là công việc, thỉnh thoảng, người ta thường hay nhắc đến từ "tội" mỗi khi có chuyện phê bình, kỷ luật xử lý một cá nhân nào đó, chữ tình hay được xét đến đầu tiên sau đó mới đến lý, mới đến quy định, pháp luật.
Tính cách mới của người Việt?
Dân tộc Việt Nam, cùng với lòng yêu nước đã có từ ngàn đời nay, không thể không nhắc đến truyền thống đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, nhất là trong lúc khó khăn hoạn nạn. Đã có biết bao câu ca dao, tục ngữ nói về đức tính quý báu này.  Trong hoạn nạn khó khăn tình người càng thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Người ta thường nói người Việt Nam duy tình, điều đó quả là không sai. Bất cứ biểu hiện nào trong đời sống xã hội, từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, từ công sở đến gia đình, cộng đồng, ở đâu cũng có thể thấy bóng dáng của việc "tình đi trước lý". Trong quan hệ xã hội, hoạt động chính quyền, thậm chí trong khuôn khổ pháp luật v.v... thì thường vẫn là vận động, giáo dục, khuyên bảo rồi mới đến răn đe, xử phạt, cưỡng chế...
Thế nhưng, khi đời sống vật chất được cải thiện đáng kể, khi cơ chế thị trường len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, thì có lúc có nơi tình người đã bị phai nhạt đi. Người Việt không còn thân tình như trước kia, khi cuộc sống rất khó khăn, mà bây giờ họ sống theo kiểu "đèn nhà ai nhà nấy rạng". Tính cộng đồng, sự giúp đỡ lẫn nhau không còn phổ biến nữa, mà xen vào đó là sự toan tính, thấy có lợi cho bản thân mới giúp, mới quan tâm hỏi han.
Hay đó là một... tính cách mới của người Việt chúng ta?
Không ai phủ nhận cái tình người, một tài sản vô hình nhưng cũng vô giá. Không chỉ là biểu hiện của tính nhân đạo đơn thuần mà còn là thể hiện của bản sắc văn hoá, nhân văn, nhân bản rất đặc trưng của người Việt Nam. Tuy nhiên, nó sẽ thật sự quý báu, mang đúng nghĩa chữ TÌNH khi người ta không để nó lấn át hết lý chí, khi để nó hiện diện trong những biểu hiện của sự xuê xoa, vị nể, "giơ cao đánh khẽ" mà trong công việc và cuộc sống đời thường của chúng ta hiện nay rất dễ băt gặp.
Có những điều, nếu ở nước ngoài người ta cứ theo lý, theo luật mà làm thì có thể đối tượng nào đó bị thiệt nhưng bù lại sẽ có tác dụng giáo dục, đem lại cái lợi cho cộng đồng, cho xã hội. Còn ở ta, đôi khi cái tình với cái lý  cứ vương vấn, đan xen lẫn lộn, dẫn đến  những kết quả không theo kỷ cương nào cả.
Đất nước đang trong giai đoạn tiến lên văn minh hiện đại, hội nhập và mở cửa. Điều đó không đồng nghĩa với việc không xem trọng chuyện tình nghĩa. Tình người phải được bảo tồn và phát huy, không để vật chất, đồng tiền làm lu mờ. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải làm quen với tính chuyên nghiệp, với những quy định của luật pháp hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nếu không muốn bị tụt hậu so với thế giới.
Khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật" không chỉ là câu nói cửa miệng mà là sự nhắc nhở mọi người sống chung với sự nghiêm minh của pháp luật, tình lý phải rõ ràng, phân minh. Tất cả là để hướng đến cái chung tốt đẹp cho xã hội, cho cộng đồng, chứ không phải với 1 ai đó mà làm thiệt hại cho cái chung.

Chữ tình đáng trọng và chữ tình bị lợi dụng
Tính cả nể là biểu hiện đầu tiên của việc chữ tình bị lạm dụng. Có thể dẫn chứng trong bóng đá. Cầu thủ của đội bóng A trước kia đá cho đội B, khi đội A gặp lại đội B trong một giải đấu nào đó thì tìm cách thoái thác, cáo bệnh không có tên trong danh sách cầu thủ đá với đội bóng cũ của mình, ngoài ra huấn luyện viên vì tế nhị không bố trí cầu thủ này đá chính.
Tương tự huấn luyện viên cũng có trường hợp như vậy. Chuyện này ở bóng đá chuyên nghiệp của thế giới họ không quá nể nang như chúng ta, mà đã khoác áo đội nào là hết mình vì màu cờ sắc áo của đội ấy, dù là đá với đội bóng cũ, với đồng đội cũ. Đó là biểu hiện thể hiện của sự trung thực, tính chuyên nghiệp và fair play.
Khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật" không chỉ là câu nói cửa miệng mà là sự nhắc nhở mọi người sống chung với sự nghiêm minh của pháp luật, tình lý phải rõ ràng, phân minh. Tất cả là để hướng đến cái chung tốt đẹp cho xã hội, cho cộng đồng, chứ không phải với 1 ai đó mà làm thiệt hại cho cái chung.
Trong  mối quan hệ mang tính nhà nước, hay còn gọi là công việc, thỉnh thoảng, người ta thường hay nhắc đến từ "tội" mỗi khi có chuyện phê bình, kỷ luật xử lý một cá nhân nào đó, chữ tình hay được xét đến đầu tiên sau đó mới đến lý, mới đến quy định, pháp luật.
Chưa nói đến chỗ thân quen, là bà con họ hàng thân thích v.v..là đối tượng bị xử lý mà chỉ vì mối quan hệ thân tình nào đó, người ta thường nương tay hoặc cho qua những lỗi lầm, những vi phạm của ai đó. Ngay cả việc xử phạt - không tính đến chuyện tiêu cực - vẫn có những trường hợp vì " thấy tội" mà nương nhẹ thậm chí bỏ qua cho người phạm lỗi lầm, khuyết điểm.
Cứ như vậy, sẽ có những sự châm chước, lách tránh, che chở cho những người có hành vi vi phạm. Trong các buổi họp xét thi đua khen thưởng, không phải lúc nào cũng "ngang ngay sổ thẳng" căn cứ theo quy định, hồ sơ để xét mà còn có những nhận xét liên quan đến yếu tố "dễ thương", "tội", "hiền", "chơi được".
Ngược lại, trong xét kỷ luật cũng đôi khi có những tình huống tương tự cũng được ai đó nêu ra để giảm nhẹ mức độ kỷ luật. Trong xử phạt hành chính, vi phạm luật lệ nào đó v.v... đôi khi chỉ vì những lời năn nỉ, van nài, và cả nước mắt mà người thi hành công vụ lại mềm lòng, không nỡ xử phạt, hoặc chỉ phạt ở mức thấp nhất, phạt tượng trưng...
Dẫn đến người ta hay lợi dụng chữ tình để vi phạm luật lệ ở các lần tiếp theo. Vì tình mà kỷ cương phép nước không nghiêm, trên bảo dưới không nghe hoặc nghe nhưng không chấp hành, vì họ không bị xử phạt một cách nghiêm minh, không theo quy định của pháp luật
Sự khoan dung, độ lượng trong cuộc sống là quý và cần thiết nhưng phải tuỳ trường hợp, tuỳ tình huống. Quan trọng là làm chủ được cái lý, vận dụng được cái tình một cách đúng lúc. Cái cần phải phát huy, giữ gìn và tôn vinh là cái tình người như trong câu chuyện nóng hổi vừa mới đây. Thể hiện ở tấm lòng đồng bào cả nước đối với các nạn nhân cơn bão Chanchu.
Hay hàng chục người tình nguyện hiến thận cho huấn luyện viên Alfred Riedl mà như lời vị HLV này thốt lên" ở châu Âu chắc không ai tưởng tưởng là chuyện có thật!". Đó là cái TÌNH đáng trân trọng, làm cho bản chất của người Việt Nam thêm toả sáng.
Điều đó không đồng nghĩa với những loại tình của sự vụ lợi, cơ hội cũng như của sự nhu nhược, nể nang nhất là trong những vấn đề có ý nghĩa trò quan trọng đối với quá trình phát triển đi lên của mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đất nước ta.

Kinh tế vĩ mô bất ổn đến mức nào?

Nhiều nhận định không mấy lạc quan đã được đưa ra cho tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm và cả năm tiếp theo.

Với mục tiêu phân tích tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng 2012 và đóng góp các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM vào sáng 23/9 đã nhận được tham luận của nhiều chuyên gia kinh tế với các phân tích đa chiều.

2011: Tiếp nối và tích hợp khó khăn

Tốc độ tăng trưởng giảm, lạm phát, bất ổn chưa giảm và rất khó chống là khái quát của Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên về tình hình kinh tế 2011.

Ông Thiên cho rằng, 2011 là năm tiếp nối và tích hợp khó khăn các năm trước, khi cả lạm phát và hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP - PV) đều “vô địch”. Và từ được vị viện trưởng này dành cho tình thế năm 2011 là “very hot”.

Còn theo phân tích của chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh thì tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô như lạm phát , bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam... đã khiến niềm tin của người dân và các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế đều giảm sút.

"Không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay”, ông Doanh quả quyết.


Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhìn tổng quan nền kinh tế, nỗi lo của không ít chuyên gia kinh tế thêm một lần nữa lại tập trung vào hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước.

Theo số liệu tại tham luận của ông Trần Đình Thiên thì năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể lỗ 11.669 tỷ đồng (2010 lỗ 23.647 tỷ), Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex): 1.200 tỷ đồng;  Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy (Vinashin): 3.092 tỷ; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines): 613 tỷ đồng...

Thiếu vốn đầu tư ngành chính nhưng đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ. Lĩnh vực được chuộng  nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ, vẫn theo số liệu của ông Thiên.

Phân tích các chỉ số vĩ mô, ông  Trần Kim Chung, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh rằng tỷ lệ lạm phát có xu hướng bùng phát, giá vàng tăng mạnh và đồng Việt Nam giảm giá nhanh chóng trong thời gian vừa qua là các tín hiệu cho thấy cho những bất ổn tiềm ẩn trong nền kinh tế.

Vì thế các giải pháp đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề trong các tháng cuối năm sẽ trở nên rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn so với 9 tháng đầu năm, ông Chung nhận định.

Một lưu ý khác cũng được ông Chung nhấn mạnh là thị trường vàng và thị trường ngoại hối sẽ có những biến động khó lường trong các tháng cuối năm. Do một thời gian bị kìm nén bởi các biện pháp hành chính, giá vàng và giá đồng USD (tỷ giá giữa đồng VND và đồng USD) sẽ vọt lên cao nếu các giải pháp chính sách không được triển khai kịp thời, đúng liều lượng và đúng đối tượng.

2012: Giảm lạm phát vẫn là ưu tiên số 1


Để giải quyết căn cơ những bất ổn của nền kinh tế, không chỉ có nhận định mà nhiều đề xuất về giải pháp ngay cho năm 2012 cũng đã được đặt ra tại các bản tham luận.

Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong năm 2012 về cơ bản vẫn phải duy trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với sự điều chỉnh linh hoạt hơn 2 nhóm giải pháp về tiền tệ và tài khóa như đã xác định trong Nghị quyết 11 của Chính phủ (không thay đổi quan điểm chính của hai nhóm chính sách này).

Do đó, năm 2012 cũng như năm 2011 không nên đặt mục tiêu tăng GDP cao (khoảng 6- 6,5%), mà vẫn ưu tiên số một là kéo giảm CPI xuống dưới một con số (khoảng 9%) và quan trọng hơn là từng bước triển khai các chính sách và giải pháp để  giải quyết căn cơ những vấn đề kinh tế đang đặt ra trong bài toán phát triển.

Trong hàng loạt các giải pháp, ông Lịch cho rằng có bốn vấn đề cần được ưu tiên triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ khoá 13, bằng hệ thống pháp luật điều chỉnh, chứ không phải trên quan điểm định hướng.

Đó là phải cấu trúc lại đầu tư công, dựa trên hai nguyên tắc là phí tổn cơ hội và tính lan tỏa, tính đồng bộ; gắn liền với chính sách phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả sử dụng. Thứ hai, là tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó ưu tiên hệ thống ngân hàng thương mại và phát triển các định chế tài chính- tín dụng phi ngân hàng.

Thứ ba, cần sửa đổi các đạo luật có liên quan để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó ưu tiên tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và phải sớm ban hành cho được luật về quản lý vốn kinh doanh của nhà nước. Và thứ tư là tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, tạo ra sức mua từ bên trong, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp trong nước làm chủ mạng phân phối nội địa.

Quan điểm phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tái cấu trúc nền kinh tế cũng được đề cập tại khá nhiều tham luận khác.

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội không bình thường hiện nay cần được phản ánh trung thực với Quốc hội để có quyết sách thích hợp cho 5 năm tới và năm 2012.

Theo ông Doanh, đặc trưng của nền kinh tế hiện nay là có nhiều bệnh mà nguồn gốc sâu xa gắn liền với thể chế kinh tế, chính sách của Nhà nước như chính sách đầu tư công, hoạt động yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước. Để khắc phục các căn bệnh đó, không thể không cải cách bộ máy quản lý của nhà nước, các chính sách kinh tế.

Nếu không có những cải cách mạnh mẽ, có hiệu lực thì khả năng nước ta sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” ngay trong những năm sắp tới, với mức thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp sau khi vừa vượt qua ngưỡng nước nghèo, ông Doanh lo ngại.

Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên viết trong tham luận "không thể chống được lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô, khôi phục và xác lập cơ sở tăng trưởng hiện đại nếu không thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?