Trung Quốc khăng khăng bảo vệ yêu sách chủ quyền ở biển Đông
"Dù khả năng một sự cố nào có thể leo thang thành đụng độ quân sự lớn không nên được phóng đại, nhưng các động cơ - đặc biệt là va chạm giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ - sẽ tồn tại và gia tăng. Khi số lượng và tần suất sự cố biển gia tăng, một lúc nào đó chúng sẽ leo thang thành đối đầu vũ trang, khủng hoảng ngoại giao hoặc có thể cả xung đột".
Lần gần đây nhất khi chiếc tàu sân bay từng được biết đến với cái tên Varyag gây nhiều lo ngại, là khi nó có nguy cơ bị chìm. Đây là một trong những tàu chiến cuối cùng của Liên Xô, nhưng việc xây dựng một xưởng đóng tàu Mykolaiv bên bờ biển Đen đã bị bỏ dở giữa chừng vào năm 1992 sau khi Liên Xô tan rã. Varyag chỉ còn là một chiếc tàu thủy cũ chưa được hoàn thành, và được dùng làm kho chứa cho đến năm 1998, khi một công ty của Trung Quốc, có trụ sở ở Ma Cao và có quan hệ với Hải quân Trung Quốc, quyết định mua nó từ Ukraine với mục đích ban đầu là biến nó thành một sòng bạc nổi. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng chiếc tàu dài 300m này - với lớp vỏ han gỉ không được trang bị vũ khí, động cơ hay các trang thiết bị hàng hải - sẽ bị chìm khi đi qua eo biển Bosphorus, gây ra một vấn đề về môi trường và rủi ro cho tàu bè qua lại. Vì vậy, họ đã hoãn việc di chuyển con tàu này trong ba năm, và mãi đến năm 2001mới đồng ý hạn chế đi lại tại Bosphorus để biểu tượng cho sự tan rã của Liên Xô này được kéo qua các công trình sang trọng và đồ sộ bên bờ biển của Istanbul, bắt đầu hành trình dài 5 tháng trên Thái Bình Dương.
Cảng Ma Cao không đủ sâu để Varyag nhả neo. Vì vậy, chiến hạm mồ côi của một cựu siêu cường này đã được đưa tới thành phố cảng Đại Liên, Đông Bắc Trung Quốc. Tại đây, nó đã được dần dần đại tu thành hàng không mẫu hạm đầu tiên của một siêu cường tương lai. Giờ đây, thế giới lại chứng kiến một loạt những lo ngại mới về chiếc tàu từng mang tên Varyag. Ngày 10/8, chiếc tàu sân bay tân trang này đã rẽ sóng tiến ra khơi từ cảng Đại Liên trong lần chạy thử đầu tiên. Câu chuyện mang tên sòng bạc nổi đã tan biến, chiếc tàu này sẽ trở thành một sự cá cược lớn: sự phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngoài biển xa.
Việc vận hành Varyag diễn ra đúng lúc. Các lực lượng vũ trang Trung Quốc đang được hiện đại hóa - chi tiêu quân sự tăng trung bình 15% từ năm 2000 - và sau một thập kỷ tấn công quyến rũ tại Đông Á và Đông Nam Á, Bắc Kinh đã bắt đầu có một quan điểm hiếu chiến hơn trong các tranh chấp lãnh thổ. Có một vài nhân tố dẫn tới cách tiếp cận cứng rắn hơn này, bao gồm khả năng các vùng biển tranh chấp có giá trị lớn về trữ lượng năng lượng, mong muốn thách thức sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cũng như sự ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, và sự lo ngại bị xem là yếu thế trước thời khắc chuyển giao lãnh đạo vào năm 2012. Ông Clive Schofield, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia về Tài nguyên và an ninh biển Australis, thuộc Đại học Wollongong, nhận định: "Thái độ của Trung Quốc dường như mang bản chất xác quyết hơn. Bạn có thể thấy điều này trên boong tàu".
Các nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, đã đáp lại bằng cách cư xử cứng rắn của mình. Năm ngoái, Trung Quốc và Nhật Bản đã tranh cãi về các quần đảo tại biển Hoa Đông mà Nhật Bản đang quản lý và hai nước đều đòi chủ quyền, được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku. Khi Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc gần quần đảo này, Trung Quốc đã lớn tiếng. Hai tuần sau, Nhật Bản thả ngư dân này - người đã trở về Trung Quốc trong sự chào đón như một anh hùng. Mùa Hè này, các tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển quốc tế gần đảo Okinawa, khiến Tokyo lo ngại. Sách trắng quốc phòng mới nhất của Nhật Bản nói rằng việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, gia tăng các hoạt động tại các vùng biển châu Á và thiếu minh bạch "là nguyên nhân gây lo ngại trong khu vực và trong cộng đồng quốc tế".
|
Khu vực xảy ra tranh chấp nhiều hơn, đó là ở biển Đông. Ba triệu km2 vùng biển này có nhiều đảo nhỏ, và nhiều nơi được cho là đang chứa những mỏ dầu và khí tự nhiên phong phú. Căng thẳng đã gia tăng giữa Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đối với hầu hết diện tích biển Đông, và một số nước châu Á khác đòi chủ quyền một phần khu vực biển này. Philippines sau khi thông báo các tàu chiến Trung Quốc đã quấy rối các tàu thăm dò và tàu cá nước mình gần chục lần kể từ đầu năm, đã tuyên bố bắt đầu coi khu vực này là biển Tây Philippines và cử tàu đô đốc của hải quân nước mình - là tàu khu trục Rajah Humabon có từ thời chiến tranh thế giới II- tới đây tuần tra. Việt Nam cũng cáo buộc các tàu cá Trung Quốc hai lần trong mùa Hè vừa qua trắng trợn cắt cáp của các tàu thăm dò của PetroVietnam, đồng thời thông báo sẽ cân nhắc khả năng phục hồi chế độ quân dịch và tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật vào tháng Sáu. Trung Quốc đáp lại bằng ba ngày tập trận hải quân.
Căng thẳng bề nổi
Các tranh chấp về các vùng biển của châu Á khiến Mỹ rất quan tâm. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyênb ố Mỹ có một "lợi ích quốc gia" về tự do hàng hải ở biển Đông và đề xuất Washington hỗ trợ như một nhà hòa giải. Trung Quốc tức giận đáp lại rằng Mỹ đang tìm cách "quốc tế hóa" một vấn đề cần được giải quyết giữa họ với các nước láng giềng.
Một số quan sát viên đã nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ có một cách tiếp cận bớt hung hăng vào năm 2011, khi chứng kiến việc các tranh chấp khu vực đã tạo điều kiện cho sự can thiệp lớn hơn của Mỹ như thế nào. Nhưng "mọi chuyện không xảy ra như vậy", ông Ian Storey, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định hồi tháng Sáu. Theo ông, "trên thực tế, trong ba tháng qua, căng thẳng đã gia tăng ở mức cao hơn so với từ sau chiến tranh Lạnh".
Ngày 20/7, Trung Quốc và ASEAN nhất trí về Quy tắc hướng dẫn không ràng buộc về cách ứng xử trên biển Đông, nhưng vẫn còn nhiều bất đồng lớn. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cảnh báo Mỹ đang đứng trước nguy cơ trở thành chướng ngại trong một cuộc xung đột khu vực nếu không giúp kiểm chế các nước khác trong khu vực. Ông phát biểu với báo giới cuối tháng Sáu rằng: "Tôi tin là các nước đơn lẻ hiện đang đùa với lửa. Tôi hy vọng ngọn lửa này sẽ được Mỹ dập tắt". Giữa tháng Bảy, Tổng tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA), Tướng Trần Bính Đức đã công khai than phiền với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, về chi tiêu quân sự của Mỹ cũng như các hoạt động do thám trên biển mà Mỹ tiến hành gần biên giới của Trung Quốc và việc Mỹ tham gia tập trận chung mà họ cho là "không đúng lúc" với Việt Nam và Philippines. Sau 4 ngày ở thăm Trung Quốc, ông Mullen cho biết không tin chắc rằng các cải cách về quân sự của Bắc Kinh hoàn toàn mang bản chất phòng thủ, và bày tỏ lo ngại tranh chấp tại biển Đông "có thể leo thang và dẫn tới hiểu nhầm có thể làm củng cố thêm cho các phỏng đoán trước đó".
Trong một môi trường nóng như vậy, tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ làm dấy lên những lo ngại mới. Con tàu này vẫn chưa được Trung Quốc đặt tên song một số người Trung Quốc đại lục vẫn gọi nó là Thi Lang (Shi Lang), tên một vị đô đốc hải quân Trung Quốc từ thế kỷ 17, người đã chinh phục Đài Loan. Dù Bắc Kinh có thể chọn một cái tên tinh tế hơn cho con tàu này, song thông điệp gửi tới khu vực sẽ là rõ ràng - khả năng Trung Quốc trở lại các yêu sách lãnh thổ ngày càng lớn.
Các chuyên gia quân sự cảnh báo bản thân chiếc tàu sân bay không phải là một người thay đổi trò chơi. Trên thực tế, nó được chế tạo từ một thân tàu thủy cũ 26 năm tuổi bị bỏ rơi. Theo ông Richard Bitzinger, một chuyên gia về các lực lượng quân đội châu Á và là thành viên tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam của Singapore, cho rằng con tàu này có thể mất ít nhất 5 năm sau khi vận hành mới thực sự sẵn sàng để sử dụng, và ngay cả tới khi đó, nó có thể chỉ được sử dụng để huấn luyện. Khi tàu bắt đầu vận hành, các phi công sẽ phải tập cất cánh và hạ cánh máy bay từ một boong tàu di động, và các thủy thủ phải học cách sử dụng các tính năng phức tạp của một con tàu mà Trung Quốc chưa từng có kinh nghiệm.
Nhưng, theo Andrew Erickson, một giáo sư tại Trường Hải chiến Mỹ, thì "Trung Quốc phải bắt đầu từ đâu đó. Một đôi uyên ương muốn một mái nhà để khởi sự, một cường quốc mới nổi muốn một tàu sân bay khởi sự". Các chuyên gia tin rằng khi Hải quân của PLA học được cách vận hành tàu Varyag cũ, Trung Quốc sẽ bắt đầu chế tạo các tàu sân bay từ bất cứ thứ gì, có thể chế tạo được tới 4 chiếc. Đây là ý nghĩa lớn nhất của chiếc tàu đang được tân trang ở cảng Đại Liên.
Trong tương lai gần, Mỹ sẽ vẫn là cường quốc bá chủ về quân sự tại châu Á. Họ chi tiêu gấp 6 lần Trung Quốc chi cho quốc phòng và có một lịch sử dài vận hành các hàng không mẫu hạm. Mỹ đã trang bị tàu sân bay đầu tiên vào năm 1934 và hiện có 11 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Mỗi chiếc có thể mang hơn 80 máy bay và mỗi phút có thể đồng thời cho cất cánh và hạ cánh vài chiếc. Cộng với các tàu ngầm, tàu tuần dương gắn tên lửa, tàu khu trục và tàu tiếp tế, nhóm tàu sân bay lớp Nimitz là một trong những lực lượng quân sự hàng đầu thế giới, hùng mạnh hơn nhiều lần bất cứ thứ gì Trung Quốc có thể tạo ra trong nhiều thập kỷ tới.
Nhưng, theo ông Erickson, một so sánh trung thực giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không chính xác "trừ phi người ta tưởng tượng ra một cuộc xung đột tổng lực giữa hai nước này, điều hiện vẫn là không tưởng". Thay vào đó, Trung Quốc đang tập trung ngăn chặn mọi nỗ lực tách ra độc lập của Đài Loan. Sự phát triển lực lượng hải quân Trung Quốc tập trung vào cái mà các chuyên gia quân sự gọi là các khả năng "chống can thiệp" hay "bao vây", nhằm ngăn cản Mỹ đến hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột. Để đạt mục đích này, Trung Quốc đã phát triển một loạt tên lửa đáng sợ, trong đó có loại tên lửa đạn đạo tầm xa bắn từ đất liền có khả năng tấn công các tàu đang chuyển động, mà Tướng Trần đã lần đầu tiên công bố trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Mullen hồi tháng Bảy.
Trung Quốc cũng có khả năng tập trung phô trưởng sức mạnh quân sự ở bất cứ đâu, khi các căng thẳng giữa hai bờ eo biển được giảm nhẹ sau khi ông Mã Anh Cửu - một người thân với đại lục - đắc cử làm nhà lãnh đạo Đài Loan năm 2008. Theo Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc dự án Đông Bắc Á của International Crisis Group, so với hạm đội Biển Bắc và hạm đội Biển Đông của Hải quân Trung Quốc, hạm đội Biển Nam "đã được chú ý và được tài chợ nhiều hơn trong những năm qua". Bà cho biết: "Bên cạnh việc nâng cấp các tàu chiến và tàu ngầm hiện có, chúng tôi cũng thấy sự huy động thêm nhân sự trong quân đội, tàu tuần tra và tàu ngầm". Sự huy động lớn nhất sẽ là tàu sân bay, mà Kleine-Ahlbrandt cho là sẽ được cử tới hoạt động ở biển Đông. Về phần mình, ông Storey nhận định: "Các sỹ quan quân sự Mỹ có xu hướng gạt đi Varyag và nói nó đã cũ và lỗi thời về công nghệ, cơ bản chỉ là một mục tiêu nằm. Tôi nghĩ là toàn cảnh Đông Nam Á rất khác. Nó đang gửi đi một thông điệp tới các nước Đông Nam Á rằng Trung Quốc nghiêm túc trong việc bảo vệ các yêu sách chủ quyền của mình ở biển Đông".
Khoảng cách niềm tin
Trung Quốc đang chơi bóng chày cả trên mặt trận ngoại giao. Bắc Kinh cắt các quan hệ quân sự với Mỹ vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và chỉ nối lại vào cuối năm 2010 để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Khác với chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô nhất trí một loạt các quy tắc và đường dây nóng nhằm giữ cho một sự cố biển không bùng lên thành một cuộc chiến tranh hạt nhân, thì Bắc Kinh và Washington lại không có thỏa thuận nào tương tự.
Trong một báo cáo của Viện Chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Australia, các tác giả Rory Medcalf và Raoul Heinrichs kể ra hơn một chục sự cố biển giữa các lực lượng hải quân hoặc các lực lượng ủy quyền của họ trên biển Tây Thái Bình Dương. Báo cáo ghi nhận rằng không có các biện pháp giao tiếp và tích cực xây dựng lòng tin của tất cả các bên, thì hoạt động hải quân tăng cường trên biển sẽ khiến nguy cơ thù địch lan rộng. Báo cáo nhận định: "Dù khả năng một sự cố nào có thể leo thang thành đụng độ quân sự lớn không nên được phóng đại, nhưng các động cơ - đặc biệt là va chạm giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ - sẽ tồn tại và gia tăng. Khi số lượng và tần suất sự cố biển gia tăng, một lúc nào đó chúng sẽ leo thang thành đối đầu vũ trang, khủng hoảng ngoại giao hoặc có thể cả xung đột".
Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kỳ kiểu giao tranh nào ở Đại Liên, nơi chiếc Varyag cũ đang nằm ở bến cảng. Người dân nhớ lại khi chiếc tàu sân bay được đưa đến đây gần một thập kỷ trước, nó chỉ là một chiếc vỏ tàu han gỉ, ít khả năng trở thành một chiếc tàu chiến. Ngày nay, họ cười nhạo vào suy nghĩ cho rằng các nước khác nên lo ngại. Một nhân viên làm việc tại một công trường gần đó nói: "Đó chỉ là một thứ đồ thừa mà cả Ukraine cũng chẳng thèm. Đối với một quốc gia 1,3 tỷ dân, nó rõ ràng không đủ. Chúng tôi cần nhiều hơn thế". Chính khái niệm này, chứ không phải là bản thân chiếc tàu sân bay kia, đang khiến thế giới lo ngại./.
Liệu Trung Quốc có bảo vệ được “lợi ích cốt lõi” tại Biển Đông?
Tác giả: Toshi Yoshihara và James R. Holmes
Việc Trung Quốc tuyên bố biển Đông là một "lợi ích cốt lõi" của mình dường như nâng tầm quan trọng chiến lược của khu vực biển này lên ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương - các lãnh thổ mà Trung Quốc coi là không thể tách rời của quốc gia và cần phải bảo vệ bằng mọi giá. Đây là một mục đích chính trị lạ lùng. Bảo vệ nó sẽ có thể cần các nỗ lực ngoại giao và quân sự ở mức cao nhất. Nhưng liệu Quân giải phóng nhân dân (PLA) có làm theo hay không, và làm thế nào?
Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài đánh giá về các năng lực mới hiện nay của Trung Quốc, giúp các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia xác định liệu các mục đích của Bắc Kinh ở biển Đông có nằm trong khả năng của quân đội hay không, và các nước khác trong khu vực có thể đáp ứng như thế nào với một chính sách ngày càng tham vọng của Trung Quốc mà không gây phản ứng thái quá từ phía Bắc Kinh.
Báo chí ồ ạt viết về sự đã rồi khi Bắc Kinh đòi xác nhận một "lợi ích cốt lõi" trên biển Đông. Theo đó, các quan chức cấp cao Trung Quốc đã khẳng định một lợi ích như thế trong một cuộc gặp hồi tháng 3/2010 với hai chức sắc Mỹ tới thăm là Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg và Phó Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia, phụ trách các vấn đề châu Á Jeffrey Bader. Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn tờ The Australian, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tiết lộ rằng các phái đoàn Trung Quốc đã khẳng định lại yêu sách của Bắc Kinh tại cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung, tổ chức tại Bắc Kinh tháng 5/2010. Kể từ đó, xuất hiện những tuyên bố trái ngược về bối cảnh thực và những gì thực sự được nói trong các cuộc gặp này. Hơn nữa cũng kể từ đó, giới chức Trung Quốc kiềm chế nói về biển Đông với những ngôn từ chính thức và mạnh mẽ như thế tại các hội nghị công khai.
Thái độ nhập nhằng và gây tranh cãi trên gợi lại một sự cố tương tự cách đây 15 năm, khi cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan lên đến đỉnh điểm năm 1996. Khi đó, một vị tướng Trung Quốc được báo giới đưa tin là đã nói với Đại sứ Mỹ Chas Freeman rằng giới lãnh đạo Mỹ "hãy quan tâm nhiều đến Los Angeles hơn đến Đài Loan". Tuyên bố của ông đã nhanh chóng được hiểu là một lời đe dọa hạt nhân. Những bác bỏ sau đó của Trung Quốc càng làm mờ đi bản chất chính xác của tuyên bố không chính thức này. Tuy nhiên, các sự cố này đều cho thấy Bắc Kinh thường bật đèn đỏ xung quanh các vấn đề mà họ cho là hết sức quan trọng đối với sự tồn tại của mình. Các sự cố này cũng cho thấy Trung Quốc dựa vào giá trị bề ngoài của các tuyên bố của mình.
Đúng là Bắc Kinh đang theo đuổi một lợi ích cốt lõi ở biển Đông như một mục đích chính trị. Tuyên bố một lợi ích như vậy dường như sẽ nâng tầm quan trọng chiến lược của khu vực biển này lên ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương - các lãnh thổ mà Trung Quốc coi là không thể tách rời của quốc gia và cần phải bảo vệ bằng mọi giá. Đây là một mục đích chính trị lạ lùng. Bảo vệ nó sẽ có thể cần các nỗ lực ngoại giao và quân sự ở mức cao nhất. Nhưng liệu Quân giải phóng nhân dân (PLA) có làm theo hay không, và làm thế nào?
Liệu Bắc Kinh có những phương tiện quân sự, chiến lược, và có dũng cảm chiến đấu nhằm bảo về một lợi ích có tầm quan trọng như thế hay không? Đánh giá về các năng lực mới có hiện nay của Trung Quốc sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia xác định liệu các mục đích của Bắc Kinh ở biển Đông có nằm trong khả năng của quân đội hay không. Nếu không, điều quan trọng là xem xét thời gian và nguồn lực mà Trung Quốc cần đầu tư để có được khả năng phòng thủ đáng tin cậy nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình. Phân tích này cũng sẽ cho thấy các nước khác trong khu vực có thể đáp ứng như thế nào với một chính sách ngày càng tham vọng của Trung Quốc mà không gây phản ứng thái quá từ phía Bắc Kinh.
Một loạt mục đích chiến lược
Trước tiên, Bắc Kinh ngụ ý gì khi nói "lợi ích cốt lõi" và một lợi ích như thế sẽ dẫn tới chỉ đạo chiến lược nào? Nếu ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc coi biển Đông giống như Đài Loan, tức là họ có một số dụng ý chiến lược như sau:
Chủ quyền lãnh thổ là không thể chia cắt: Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc coi chủ quyền biển là không thể tách rời khỏi chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ trên đất liền, điều này có nghĩa là các tranh chấp lãnh thổ không thể mãi trong tình trạng vĩnh viễn không giải quyết được. Dù Bắc Kinh đã chuẩn bị "gác lại" những yêu sách gây tranh cãi nhằm cùng nhau khai thác tài nguyên, nhưng quan điểm của họ về sự toàn vẹn lãnh thổ vẫn là bất khả xâm phạm. Và họ sẽ đi theo con đường của mình.
Ảnh minh họa: THX |
Trung Quốc cần tăng cường quân sự nhằm giành lại các lãnh thổ tranh chấp: Do đó, nếu biển Đông là một lợi ích cốt lõi phải giữ trong mọi hoàn cảnh, thì Trung Quốc sẽ tích lũy các nguồn lực cần thiết để đánh bại mọi nỗ lực của bên ngoài muốn biến sự nguyên trạng hiện nay thành thực tế chính trị vĩnh viễn. Bắc Kinh cuối cùng sẽ cần năng lực đủ để giành lấy các lãnh thổ đang tranh chấp, toàn bộ và nguyên vẹn, trong khi cảnh giác với ý định của các đối thủ nhằm đảo ngược các thành quả của Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ áp đặt một trật tự khu vực mới: Để bảo đảm sự thống nhất quốc gia và bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình, Trung Quốc sẽ thiết lập một trật tự khu vực mới bất chấp thách thức từ các nước láng giềng và các cường quốc bên ngoài. Họ có thể lập trật tự này thông qua sự đồng thuận hoặc ép buộc ngoại giao, tùy theo tình hình. Tuy nhiên, để tự vệ chống lại các mối đe dọa đối với một trật tự do Trung Quốc đi đầu, việc xây dựng một lực lượng hải quân có thể chế ngự khu vực cần phải khôn ngoan.
Các hàm ý trên sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tới một quan điểm tối đa hóa các lợi ích cốt lõi của quốc gia. Nếu Bắc Kinh hành động theo các dụng ý trên, biển Đông sẽ trở thành một cái hồ của Trung Quốc, trong đó PLA cấm các lực lượng hải quân nước ngoài can thiệp.
Tuy nhiên, có một cách hiểu đơn giản hơn, dựa trên lịch sử của Mỹ. Một số người ở Trung Quốc xem biển Đông, biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải, vốn được biết tới là "ba biển" hay "các biển gần" Trung Quốc, theo cách người Mỹ của thế kỷ 19 coi biển Caribbea và Vịnh Mexico là phần lãnh thổ mà Mỹ cần chế ngự để thực hiện tiềm năng chính trị và thương mại của mình. Với một số ít ngoại lệ là các đảo giành lại từ Tây Ban Nha năm 1898, Washington không hề đưa ra yêu sách lãnh thổ nào trên biển Caribbea hay vùng Vịnh, cũng không cấm tàu thuyền của châu Âu đi qua các khu vực biển này. Các chính quyền Mỹ chủ yếu muốn ngăn chặn các nỗ lực của châu Âu đặt các căn cứ hải quân ở hai bên hải trình dẫn tới eo biển Trung Mỹ, địa điểm dự kiến của một kênh đào xuyên đại dương.
Đây đúng là mục đích mà Tổng thống Theodore Roosevelt nêu ra trong "hệ luận" của Học thuyết Monroe năm 1904. Roosevelt đòi hạn chế quyền can thiệp vào các công việc của các quốc gia nhỏ ở Caribbea không trả nợ được cho các ngân hàng châu Âu. Thông lệ chung của các chính phủ châu Âu là cử tàu chiến đến chiếm giữ cơ quan Hải quan tại các nước này để buộc họ thanh toán cho các chủ nợ của mình. Làm như vậy, họ sẽ chiếm hữu lãnh thổ duyên hải ở châu Mỹ - nơi họ có thể chuyển thành các căn cứ hải quân dọc các hải trình qua Caribbea. Đây là điều các chiến lược gia biển của Mỹ tối kị.
Tại sao việc ngăn chặn sự xâm nhập châu Âu lại quan trọng đến vậy? Nhà tư tưởng về sức mạnh biển Alfred Thayer Mahan phân tích: eo biển Trung Mỹ là một cửa ngõ ra Thái Bình Dương của Mỹ. Việc đào một kênh qua Nicaragua hay Panama và đảm bảo cho tàu bè đi qua kênh đào này là mối quan tâm trước nhất của Mahan. Ông tiên đoán rằng "các quốc gia mạnh dạn phát triển thương mại" như Đức dưới thời Kaiser sẽ đấu tranh để chế ngự các vị trí địa chiến lược như vậy, giống như đế chế Anh và Tây Ban Nha từng làm trong nhiều thế kỷ. Mahan xác nhận là Mỹ hiện giờ "có lợi ích nhiều nhất" ở eo biển này, cả lợi ích thương mại với vùng viễn Đông và lợi ích đặc biệt về địa lý - đây là nơi qua lại nhanh và an toàn nhất giữa hai đại dương. Theo ông Mahan, việc tự do đi lại của tàu chiến và tàu thương mại giữa bờ biển phía Đông và phía Tây, và giữa Bắc Mỹ và châu Á, càng tăng thêm lợi ích cốt lõi của Mỹ tại vùng Vịnh và Caribbea.
Để bảo vệ lợi ích cốt lõi này, ông Mahan cho rằng cần một đội gồm 20 tàu chiến của lực lượng Hải quân Mỹ có khả năng chiến đấu và giành chiến thắng ở vùng biển phía Nam. Một hạm đội "có khả năng tung ra những đòn nặng" có thể ngăn cản các đội quân châu Âu được cử đến châu Mỹ để giành "vai trò điều khiển trên biển".
Biển Đông là câu trả lời của Trung Quốc đối với vùng Vịnh và Caribbea. Với một lối đi sống còn trên biển để ra Ấn Độ Dương là Eo biển Malacca, nơi này cũng giống như các vùng biển thắt eo ở châu Mỹ. Bán đảo Mã Lai và quần đảo nổi Sumatra tạo thành một eo biển lớn, mà theo con mắt Trung Quốc, chính là eo biển ám ảnh Mahan. Và biển Đông, giống như biển Caribbea trong phân tích của Mahan, là một khu vực biển với chỉ một cường quốc biển - là Trung Quốc. Biển Baltic và biển Đen khép kín, cả hai đều có một cường quốc lục địa chế ngự - là Nga - là một ví dụ tương tự . Liên Xô đã xây dựng các lực lượng hải quân để biến các biển này thành khu vực của riêng Liên Xô. Những bối cảnh địa chiến lược giống nhau dường biện hộ cho một chiến lược như nhau.
Nhưng từ cuối thế kỷ trước, Mỹ không phải đối mặt với các mối đe dọa lớn. Họ có thể không cần bảo vệ các tuyến đường bờ biển Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương, mà tập trung năng lượng của mình vào một sự mở rộng khác. Còn Trung Quốc lại không được hưởng sự thoải mái này. Nếu họ tập trung hải quân vào mỗi việc quản lý biển Đông, họ có thể đánh mất các lợi ích sống còn ở biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông.
CHDCND Triều Tiên tiếp tục gây chuyện tại cửa ngõ biển của Bắc Kinh. Đối thủ Nhật Bản tăng cường một hạm đối đẳng cấp thế giới và một vị trí chiến lược kẹp hai bên các tuyến giao thông trên biển (SLOCs) của Trung Quốc. Lối qua Eo biển Đài Loan bế tắc. Đồng thời, các lợi ích trên biển xa khiến Trung Quốc chú ý tới các vùng biển bên ngoài Đông Á và chú ý tới các sứ mệnh như chống hải tặc. Bắc Kinh không thể an toàn nếu sao lãng các vấn đề như vậy để tập trung các nguồn lực của mình vào giải quyết các sự cố ở Đông Nam Á.
Bắc Kinh cũng không thể dựa vào một hạm đội mạnh nào khác để chống lại hải quân Mỹ, vốn nắm quyền điều khiển các con sóng. Nước Mỹ của Mahan không chỉ may mắn về địa lý mà cả về ngoại giao. Trước một Hạm đội biển xa mới nổi của Đức, lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh đã phải rút từ Tây bán cầu sang bảo vệ các đảo của Anh chống lại mối đe dọa mới này. Anh không còn duy trì một hạm đội thường trực ở Bắc Mỹ nữa. Trong khi đó, Chiến lược Biển của Mỹ năm 2007 tuyên bố sẽ mãi là "sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy" ở Tây Thái Bình Dương, củng cố các đồng minh của Mỹ và cảnh giác với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ hiện thời, giống như Hải quân Hoàng gia Anh thời đế quốc cực thịnh, phải gánh các trách nhiệm toàn cầu nên phải chia nhỏ lực lượng có thể tập trung cho bất kỳ một mối đe dọa riêng lẻ nào. Vì vậy, khi lực lượng Hải quân Trung Quốc chín muồi, Bắc Kinh có thể hy vọng vượt trội hơn lực lượng lớn nhất mà Washington có thể huy động đến các vùng biển châu Á - lớn như Hải quân Mỹ từng huy động chống lại các lực lượng hải quân châu Âu, dù yếu hơn họ. Nói cách khác, lợi thế sân nhà vẫn có giá trị.
Nói chung, các vấn đề chiến lược ám ảnh Bắc Kinh dường như rất gai góc. Các yêu cầu về nguồn lực có hạn tại nhiều vùng biển sẽ làm căng mỏng các lực lượng phòng vệ biển của Trung Quốc dọc đường bờ biển dài của họ. Liệu PLA có thể tập trung đủ lực lượng để bảo vệ nhiều lợi ích cốt lõi nhất của mình trên biển Đông trong khi vẫn bảo vệ được các lợi ích tại các vùng biển quan trọng khác hay không dường như vẫn chưa có câu trả lời.
Nhưng nếu ít tham vọng hơn, dọc các tuyến đường chiến lược mà nước Mỹ của Roosevelt và Mahan theo đuổi, thì có thể. Ngăn cản các cường quốc đặt căn cứ tại Đông Nam Á trong khi dọa nạt các nước láng giềng của Trung Quốc bằng sự vượt trội của mình, lực lượng Hải quân của PLA sẽ khiến Bắc Kinh bắt đầu say mê với một trật tự khu vực mới, dù rằng hạm đội biển của họ vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Trung Quốc sẽ bảo vệ "lợi ích cốt lõi" ở Biển Đông thế nào?
Quân đội Trung Quốc có thể đã sở hữu những yếu tố cần thiết để bắt đầu thực thi một chính sách bá chủ tại biển Đông, nhưng để làm vậy, họ sẽ có thể buộc phải tập trung hầu hết các lực lượng biển của mình tới bờ biển phía Nam, bất chấp các nguy cơ lớn ở các vùng biển khác của Trung Quốc. Để trở lại chính sách lợi ích cốt lõi một cách đanh thép, Hải quân PLA phải phát triển máy móc vũ khí hạng nặng, thành thạo trong việc điều khiển tàu và thủy thủ và nhạy bén chiến thuật để hoàn thành một số chức năng.
Nhiệm vụ chính của họ là tích lũy đủ tàu, máy bay và vũ khí để áp đặt sự kiểm soát tại bất cứ vùng biển nào ở Đông Nam Á mà lãnh đạo Trung Quốc chọn. Điều này sẽ đòi hỏi phải huy động lực lượng đáng tin cậy tới hầu hết mọi nơi ở khu vực phía Nam biển Đông, cách đảo Hải Nam gần 1.000 hải lý. Kiểm soát được các vùng biển của mình sẽ tạo điều kiện cho các sứ mệnh hải quân khác ở các vùng biển tranh chấp.
Làm được điều này, hạm đội biển của Trung Quốc có thể kiểm soát các biển theo nhiều con đường khác nhau. Họ có thể bảo vệ các tàu bạn dọc các tuyến SLOCs hoặc tấn công tàu địch đi qua các hải trình này. Họ có thể đưa lực lượng vào bờ bằng máy bay hạ cánh trên biển, tên lửa tấn công mục tiêu mặt đất hay lực lượng lính thủy đánh bộ trên các tàu tấn công đổ bộ. Hoặc họ có thể thực hiện các chức năng cảnh sát như hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai, chống hải tặc... hợp thức hóa vị trí bá chủ của mình tại biển Đông, như Mỹ từng làm tại biển Caribbea và vùng Vịnh theo hệ luận của Roosevelt.
Trung Quốc cũng có thể hưởng lợi từ sự năng động của lực lượng hải quân. Như trong nỗ lực cứu hộ sóng thần đa quốc gia năm 2004, các tàu biển được thiết kế để kiểm soát trên biển hoặc việc huy động lực lượng có thể sẵn sàng được chuyển sang các sứ mệnh cảnh sát. Được xây dựng cho các chiến dịch tấn công, các tàu đổ bộ và tàu bệnh viện của Trung Quốc gần đây đã được huy động tham gia các sứ mệnh phi chiến đấu ở Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, đây là một loạt các sứ mệnh đầy tham vọng cho một lực lượng hải quân quen với việc bảo vệ bờ biển. Liệu Hải quân PLA có thể thể hiện mình với các lực lượng hiện có? Theo tạp chí Jane's Fighting Ships 2010-2011, Hải quân Trung Quốc có 135 tàu chiến lớn (tàu ngầm và tàu nổi) và một số tàu nhỏ được chưa thành ba hạm đội: hạm đội biển Bắc, hạm đội biển Đông và hạm đội biển Nam. Số lượng này khiến người ta có thể choáng, nếu nói đến tổng lực của một lực lượng hải quân.
Tuy nhiên, theo nguyên tắc của hải quân Mỹ, một lực lượng hải quân cần ba tàu để đảm bảo cho một tàu sẵn sàng tác chiến. Một tàu đi tuần tra ngoài khơi theo chu kỳ tập huấn chiến lược của hải quân; một tàu được huy động theo một chế độ tập trận, thanh tra và bảo vệ định kỳ; tàu thứ ba đang được kiểm tra lại toàn bộ tại một xưởng đóng tàu và không thể tham gia tác chiến trên biển. Nói cách khác, các tư lệnh chỉ có 1/3 tổng số tàu chiến để sử dụng, dù 1/3 khác có thể sẵn sàng chiến đấu.
Thực tế của Mỹ tạo ra một thước đo thô cho thấy mức độ sẵn sàng của hải quân Trung Quốc, rõ ràng số hạm đội trên giấy vượt quá sức mạnh chiến đấu có thể huy động rất nhiều. Theo số liệu của tạp chí trên về các tàu chiến lớn của Trung Quốc, 45-90 tàu chiến được hỗ trợ bởi các tàu nhỏ phải bảo vệ các cam kết của Trung Quốc tại ba biển của nước này, đó là chưa kể đến một loạt các sứ mệnh mở rộng ở Ấn Độ Dương. Thử đặt con số này cạnh 32 tàu chiến lớn mà các lực lượng hải quân Đông Nam Á có thể huy động. Đó là chưa nói đến các nước khác cũng có thể can thiệp vào sự cố ở biển Đông. Hải quân của Đài Loan có 28 tàu chiến lớn, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có 71 tàu, và Hải quân Australia có 18 tàu. Tất nhiên các hạm đội này cũng phải tuân thủ tỷ lệ 3:1 đối với các đơn vị có thể tác chiến.
Bên cạnh đó là sự phản đối Trung Quốc rất lớn dọc vùng ngoại biên của nước này. Hải quân PLA sẽ phải quản lý những nơi tranh chấp mà không có một hạm đội hậu cần ấn tượng - gồm những tàu có thể cung cấp vũ khí, nhiên liệu và chiến binh trên biển, từ đó mở rộng phạm vi tuần tra của các tàu chiến - và không có các năng lực quan trọng như chiến tranh chống tàu ngầm và các biện pháp đáp trả bằng thủy lôi. Hơn nữa, do không thể huy động lực lượng và các chức năng phi chiến đấu, các hạm đội đổ bộ trở nên thiếu sức sống.
Nhưng các biện pháp vật chất không nói lên toàn bộ câu chuyện. Vũ khí hủy diệt nhất không quan trọng bằng việc sử dụng nó. Các kỹ năng chiến thuật điều khiển tàu và thủy thủ của các sĩ quan và quân đội vẫn chưa được thử thách dù Hải quân Trung Quốc đã thạo trong nhiệm vụ chống hải tặc ngoài khơi Somalia. Nhiệm vụ chống hải tặc đã khiến lính thủy của Hải quân PLA mệt mỏi vì không quen với các chuyến đi dài cũng như việc bảo vệ vũ khí chống lại nước biển mặn, thời tiết khắc nghiệt và chiến dịch kéo dài. Dù PLA gần đây đã kết hợp nhiều kịch bản chiến tranh trên biển thực tế vào các cuộc tập trận huấn luyện, vẫn chưa thể nói các tư lệnh Trung Quốc sẽ điều khiển các tàu chiến của mình tốt tới mức nào trong bối cảnh căng thẳng của một cuộc chiến tranh nóng.
Bên cạnh hạm đội, Mahan cũng kể tới các căn cứ quân sự ở hai bên các tuyến SLOCs, coi đây như một "trụ cột" thứ hai của sức mạnh biển. Để có sự hiện diện thường trực, PLA sẽ phải có sự hỗ trợ của một loạt các căn cứ ở phía Nam biển Đông. Đài Loan đang kiểm soát đảo Ba Bình (tên quốc tế là Itu Aba, phía Trung Quốc gọi là Thái Bình Đảo), hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa, cùng với các đảo nhỏ gắn với nó là Bàn Than (Center Cay) và Sơn Ca (Sand Cay).
Ảnh minh họa: THX |
Nhưng ngay cả sự sở hữu này của Đài Loan cũng có giá trị chiến lược mơ hồ đối với Trung Quốc trong một sự cố quân sự lớn, đặc biệt là sự cố có sự can thiệp của Hải quân Mỹ. Đảo này quá nhỏ và có ít tài nguyên để huy động lực lượng tuần tra biển hay tiến hành các chiến dịch lớn. Hầu hết, các đảo này được coi như trạm nghỉ giữa đường để tiếp nhiên liệu và vũ khí cho các hạm đội nhỏ hơn của Hải quân PLA. Giá trị lớn nhất của các hòn đảo này có thể nhằm ở tiềm năng chống can thiệp vào các vùng biển gần đó. Trung Quốc có thể huy động các tên lửa hành trình chống hạm tầm xa tại các căn cứ này, tạo ra một vùng cấm đi lại ở biển Đông.
Các tư lệnh Trung Quốc có thể quan tâm đến một năng lực mới - tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM), một loại tên lửa có thể tấn công các mục tiêu di động trên biển ở vị trí cách hàng trăm hải lý - để bù vào các yếu kém về năng lực hải quân của mình.
Theo Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, một nguyên mẫu ASBM đã đạt được "năng lực tác chiến ban đầu", hoặc được huy động tác chiến ở giai đoạn đầu.Các ước tính về tầm bắn của nó là từ 1.500 - 2.500km. Loại ASBMs này có thể được đặt ở đảo Hải Nam hoặc ở một nơi nào đó ở phía Nam Trung Quốc, cho phép tấn công ra toàn biển Đông, cũng như chống lại mọi sự tiếp cận của phương Tây vào Eo biển Malacca. Tăng tầm bắn của hỏa lực bờ biển sẽ giảm bớt gánh nặng của hạm đội tàu Trung Quốc, từ đó tăng sức ép lên các đối thủ thách thức lợi ích của Trung Quốc trong thời bình cũng như thời chiến.
Sự khác biệt giữa các kịch bản thời bình và thời chiến là rất lớn, đơn giản bởi vì Mỹ có thể sẽ không gia tăng lực lượng của mình tới đương đầu với Trung Quốc, trừ phi xảy ra một cuộc chiến tranh nóng. Sự khiêu khích sẽ là rất nhẹ. Nếu Washington tránh can dự vào các tranh cãi trong thời bình, điều này sẽ giảm bớt căng thẳng đáng kể cho các lực lượng Hải quân Trung Quốc. PLA sẽ chỉ phải đối mặt với các hạm đội yếu hơn của các nước Đông Nam Á.
Được hỗ trợ bởi một số lượng đủ ASBMs có khả năng đặt các hạm đội của đối thủ vào tình thế nguy hiểm, thậm chí một Hạm đội Biển Nam cũng có thể hăm dọa các nước Đông Nam Á bằng việc thỉnh thoảng hoặc định kỳ phô trương lực lượng. Việc sử dụng lực lượng hải quân trong thời bình như vậycó thể nhằm áp đặt một sự bình thường mới lên các nước Đông Nam Á, vốn ngầm hiểu là Trung Quốc có nhiều lợi ích hơn ở biển Đông. Nếu đây là một phần trong một chiến lược dài hạn nhằm hủy hoại thiện chí chính trị của các nước láng giềng Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ không lo lắng về việc xây dựng một hạm đội cực mạnh hoặc việc hướng tới các mối đe dọa khác lớn hơn.
Nhưng nếu Bắc Kinh vẫn khao khát sở hữu thực sự biển Đông - một cách hiểu về "lợi ích cốt lõi" - từ đó kiểm soát thường xuyên các sự kiện trên biển, thì họ sẽ phải tăng cường mạnh mẽ việc xây dựng lực lượng hải quân, để đối phó với khả năng can thiệp của Mỹ. Chỉ có cách đó thì PLA mới đạt tiêu chuẩn của Mahan là hội tụ đủ sức mạnh hải quân để đối phó với hạm đội lớn nhất có thể sẽ được huy động chống lại họ.
ASBMs có thể lúc nào cũng có, song chúng không phù hợp với sức mạnh chiến đấu bền bỉ và đáng tin cậy trên biển. Nói tóm lại là Bắc Kinh có thể hy vọng tạo ra một trật tự khu vực mới bằng cách sử dụng vũ lực đang có trên biển hoặc đang chế tạo, nhưng làm như vậy họ sẽ phải đương đầu với sự can thiệp của Mỹ. Nếu sức mạnh Hải quân Mỹ tiếp tục suy yếu, Trung Quốc sẽ ngày càng tự do hành động hơn, đơn giản là các tổng thống Mỹ sẽ thấy ngày càng khó biện hộ cho những nguy cơ của việc đưa các đội đặc nhiệm hải quân quý báu của Mỹ vào những chỗ nguy hiểm.
Có lẽ cũng nên dự báo về các mô hình tác chiến có thể đặc trưng cho các hoạt động của Hải quân PLA trong việc bảo vệ một lợi ích cốt lõi. Đối với các sứ mệnh thời bình tại biển Đông, PLA sẽ đảo lộn trật tự theo hướng thả lỏng cho các lực lượng quốc phòng của mình tấn công. Hiện tại ASBM sẽ là loại vũ khí được sử dụng đầu tiên trong một sự cố bất ngờ ở Tây Thái Bình Dương chống Hải quân Mỹ. Các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa sẽ giúp PLA gây hư hại hoặc làm chìm lực lượng tiếp viện cho Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tiến về phía Tây từ đảo Guam, Hawaii hay các cảng ở bờ biển phía Tây nước Mỹ.
ưSau đó, máy bay được trang bị tên lửa hành trình hoạt động từ các sân bay trên đất liền có thể tham chiến, tiếp đến là các hệ thống tầm ngắn như tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel, tàu tuần tra tàng hình chớp nhoáng, và các tàu nổi lớn - tất cả đều được trang bị tên lửa hành trình chống hạm. Mục tiêu của PLA có thể là cân bằng hoặc đảo lộn cán cân lực lượng trước khi các nhóm tấn công của Mỹ vây kín các bờ biển châu Á - giống như Hải quân Đế quốc Nhật đã tưởng tượng việc sử dụng tàu ngầm và máy bay để truy đuổi "các chiến dịch ngăn chặn", ngăn chặn một hạm đội lớn của Mỹ trước khi xảy ra cuộc giao tranh quyết định.
Ngược lại, trong các cuộc khủng hoảng thời bình tại biển Đông, PLA có thể sẽ dùng ASBMs như một vũ khí răn đe để bảo vệ các tàu nổi. Với việc trang bị loại tên lửa này, kể cả các chiến hạm nhỏ cũng trở thành lý tưởng để gây sức ép lên các bên yếu hơn trong khu vực. Ví dụ, các chiến hạm tàng hình nhỏ lớp 022 Houbei được trang bị tên lửa hoạt động tại quần đảo Trường Sa với sự yểm trợ của ASBM có thể đẩy hầu hết các lực lượng hải quân Đông Nam Á đến đường cùng. Liệu Trung Quốc có kế hoạch xây dựng các nhóm tấn công bằng tàu sân bay để gây sức ép hay không vẫn còn chờ thời gian trả lời, nhưng các chuyến xuất kích định kỳ của các tàu nhỏ cũng đã nhắc nhở các nước láng giềng nhỏ hơn về các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nhấn mạnh giá trị mà Trung Quốc gắn cho biển Đông.
Nói cách khác, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh chiến đấu trên biển dù nhỏ nhất cũng có thể tác động đến tương quan lực lượng hải quân có lợi cho Bắc Kinh trong các sự cố bất ngờ trong thời bình không có sự can thiệp của Hải quân Mỹ. Dần dần, khi không bị các lực lượng bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản hay Australia phản đối, các lần chứng tỏ sự bá quyền của Trung Quốc đối với các hạm đội Đông Nam Á có thể bắt đầu nhận được sự ủng hộ bất đắc dĩ trong một trật tự mới mà Trung Quốc là trung tâm.
Điều này có thể diễn ra trong vòng ít nhất 5 năm tới - giống như Vương quốc Anh đã phải mặc nhận cách hiểu hiếu chiến của chính quyền của Tổng thống Mỹ Grover Cleveland về Học thuyết Monroe. Năm 1985, Anh quốc dọa xâm lược một mảnh đất giữa Venezuela và Guyana của Anh, phớt lờ Học thuyết Monroe của Mỹ và gây rắc rối ở Tây bán cầu. Tổng thống Cleveland khi đó đã cử tàu chiến tới Venezuela, quân Anh bị đánh bại và buộc phải mặc nhận học thuyết này.
Tiền lệ Mỹ dường như đáng tin cậy theo các xu hướng chiến lược hiện nay. Thực vậy Bernard Cole, giáo sư Viện Quân sự Quốc gia, cho biết Hải quân PLA có thể có khả năng "bá chủ biển Đông Á" vào năm 2016-2017 vì lực lượng này tăng trưởng nhanh chóng trong khi Hải quân Mỹ đang quá tải và Nhật Bản gặp khó khăn tài chính trong ngành công nghiệp đóng tàu. Các dự báo này đáng để suy ngẫm.
Trung Quốc có thể đối mặt với khả năng leo thang của đối thủ
Ngay cả khi Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hải quân, cán cân lực lượng khu vực sẽ chống lại các âm mưu áp đặt mong muốn của Bắc Kinh. Trong tương lai, Trung Quốc có thể phải đối mặt với khả năng leo thang của các lực lượng hải quân đối thủ, dù nhỏ hơn nhưng có năng lực, tại các khu vực khác trong một cuộc xung đột hoặc khủng hoảng trên biển Đông.
Đối phó với sự đáp trả
Chắc chắn là Trung Quốc sẽ thiếu các phương tiện quân sự thích hợp để biến biển Đông thành chiếc ao nhà của mình, nhưng họ có thể tiến những bước dài theo hướng này trong khi tiếp tục các dự án hải quân. Hoạt động tuần tra trên biển thường xuyên nhằm ngăn cản các lực lượng hải quân đối thủ tiếp cận các vùng biển này vẫn nằm ngoài tầm với của họ, nếu đó là mục tiêu.
Trung Quốc có thể đưa ra các đe dọa quân sự ở cấp thấp, ép các nước láng giếng phía Nam bằng các hạm đội hiện có, gồm tàu nổi, tàu ngầm, máy bay và tên lửa. Các hành động như vậy có thể gây ra một số kháng cự trước mắt, nhưng chúng vẫn chưa báo hiệu sự sắp xếp lại tương quan lực lượng trên biển một cách căn bản mà một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc có thể đòi hỏi. Các nước Đông Nam Á cũng như các cường quốc lớn ngoài khu vực này đều không chấp nhận một trật tự hàng hải trong đó Trung Quốc là trung tâm. Các nước cạnh tranh sẽ chống lại.
Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hải quân, cán cân lực lượng khu vực sẽ chống lại các âm mưu áp đặt mong muốn của Bắc Kinh. Các nước Đông Nam Á sẽ không tiến hành các chiến thuật hăm dọa chừng nào các hỗ trợ về ngoại giao và quân sự của Mỹ vẫn còn đáng tin cậy. Các tuyên bố công khai của Washington về sự can dự của họ vào các vùng biển châu Á cho thấy khu vực này không có lý do gì phải sợ là Mỹ sẽ từ bỏ vai trò bình ổn mà họ đã từ lâu đảm nhận tại các vùng biển châu Á. Dù Trung Quốc chắc chắn là một cường quốc biển đang nổi, nhưng các lực lượng hải quân trong khu vực cũng không dễ bị đánh lừa. Họ cũng sẽ không mãi để yên.
Rõ ràng là cả các nước đòi chủ quyền và các bên thứ ba trong các tranh chấp lãnh thổ đều đang đáp trả bước tiến ra biển của Trung Quốc. Singapore, Malaysia, Indonesia và cả Việt Nam đang mua tàu ngầm để chống lại Trung Quốc. Các cường quốc ngoài khu vực như Nhật Bản và Australia cũng bám sát quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc theo cách của mình. Tokyo lên kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, trong khi Canberra đã bắt đầu chương trình tàu ngầm đắt giá nhất trong lịch sử Australia. Cả hai nước này rõ ràng đang nhắm tới Bắc Kinh. Và, nhìn về hướng Đông qua vịnh Bengal, Ấn Độ cũng lo ngại rằng sự bá chủ của Trung Quốc tại biển Đông sẽ báo trước một sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, vùng biển mà New Delhi coi là một khu vực riêng của Ấn Độ.
Trong tương lai, Trung Quốc có thể phải đối mặt với khả năng leo thang của các lực lượng hải quân đối thủ, dù nhỏ hơn nhưng có năng lực, tại các khu vực khác trong một cuộc xung đột hoặc khủng hoảng trên biển Đông. Sự leo thang như vậy sẽ kiềm chế các tư lệnh quân sự và chính trị của Trung Quốc. Nói tóm lại là các xu hướng trong tương quan lực lượng hải quân đối với Trung Quốc có thể diễn ra nhanh hơn những gì có thể mường tượng.
Việc Mỹ có thể duy trì vai trò bá chủ của mình tại biển châu Á hay không là yếu tố quyết định cuối cùng - và có thể mang tính sống còn - đối với khả năng Trung Quốc sử dụng các phương tiện để đạt mục đích này. Chiến lược Biển của Mỹ năm 2007 đã xác định Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là các khu vực ưu tiên hành động của các lực lượng biển, cam kết huy động các lực lượng chiến đấu mạnh ở đây trong tương lai gần. Điều này đặt biển Đông - khu vực nối giữa hai đại dương trên - vào vị trí trung tâm lợi ích biển của Mỹ. Hơn nữa, Chiến lược Biển tuyên bố rằng Hải quân Mỹ sẽ duy trì khả năng "áp đặt sự kiểm soát biển bất cứ khi nào cần thiết, lý tưởng nhất là phối hợp với các bạn bè và đồng minh, nhưng sẽ tự lực cánh sinh nếu phải như thế".
Đây là một tuyên bố mập mờ về ý định. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã tạo ra sự nhập nhằng lớn về bản chất cam kết của Mỹ đối với khu vực này. Tuyên bố quyền tự do hàng hải qua các tuyến SLOCs ở Đông Nam Á là "một lợi ích quốc gia" của Mỹ, Ngoại trưởng Clinton cũng đã tái khẳng định rằng Washington không có quan điểm gì về việc ai sẽ có chủ quyền đối với các đảo và các vùng nước liền kề trên biển Đông. Điều này cho phép Bắc Kinh có một phạm vi để thử thách tính kiên định của Mỹ khi củng cố các yêu sách của mình. Sự đối đầu lặp đi lặp lại trong tương lai rõ ràng sẽ nảy sinh vì bối cảnh này.
Ảnh minh họa: THX |
Trung Quốc có thể đối phó với khả năng kháng cự bằng việc đưa ra các nguồn lực phụ để vượt qua các thiếu hụt về số lượng và kém về chất lượng của Hải quân PLA. Nói ngắn gọn là Bắc Kinh cần thêm nhiều tàu để đối đầu với các đơn vị hiện đại, và cần tuyển ngày càng nhiều sĩ quan có năng lực và dày dạn kinh nghiệm, cũng như lực lượng binh sĩ để điều khiển các tàu đó, đảm bảo hải quân có thể vận hành các thiết bị tinh vi trong một cuộc chiến tranh trên biển với cường độ cao.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng Trung Quốc đã không chế tạo thêm tàu khu trục mới nào từ năm 2005, nghĩa là việc tăng cường lực lượng hải quân của nước này đang tạm ngừng. Nhưng có một bằng chứng cho thấy việc xây dựng lực lượng hải quân còn lâu mới kết thúc. Trên thực tế, Bắc Kinh có vẻ đang thúc đẩy đóng tàu bên cạnh nhiều mục tiêu khác, chuyển đầu tư của mình từ đóng tàu khu trục sang một loạt hoạt động khác. Ví dụ, Trung Quốc tiếp tục biến các thân tàu cũ thành các tàu khu trục nhỏ gắn tên lửa hành trình lớp Jiangkai II, loạt tàu tân tiến nhất thuộc lớp này trong kho Hải quân PLA.
Trung Quốc cũng dồn sức tân trang tàu sân bay cũ Varyag của Nga, chủ yếu nhằm tạo một cơ sở để huấn luyện lái tàu. Việc này đã gạt sang một bên việc chế tạo tàu sân bay mới, mà Bắc Kinh đến nay đã thừa nhận là đang theo đuổi. Và cuối cùng, tin đồn về việc ngừng chế tạo tàu khu trục có thể không bao giờ có thật. Nhìn vào những bức ảnh chụp bên ngoài thì thấy một tàu chiến có trọng tải hơn 10.000 tấn - lớn nhất từng thấy ở Trung Quốc - có thể sắp hoàn thành tại một xưởng đóng tàu của nước này.
Sự kiện Đài Loan khác
Đài Loan là một nhân tố can thiệp quan trọng, thường bị bỏ qua trong chiến lược Trung Quốc đối với Đông Nam Á. Dù quan hệ hai bờ eo biển này đã "tan băng" từ năm 2008, nhưng Trung Quốc vẫn luôn chú ý và tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho một loạt các sự cố quân sự bất ngờ tại eo biển này. Đơn cử, Bắc Kinh sẽ duy trì ràng buộc cho tới khi nào tình thế bế tắc liên quan đến Đài Loan được giải quyết. Nhưng nếu hòn đảo này sẽ trở về với đại lục, một cách hòa bình hay phải dùng tới súng đạn, thì Trung Quốc sẽ đưa ra một phép tính mới trong chiến lược của mình.
Một giải pháp làm hài lòng sẽ không chỉ giải phóng Trung Quốc khỏi một vấn đề quân sự - chính trị đau đầu, nó còn tạo cho Bắc Kinh một vị trí cố thủ quân sự có thể quan sát khu vực phía Bắc biển Đông. Một thế giới hậu Đài Loan khi đó sẽ mở ra một triển vọng quân sự mới cho các tư lệnh PLA. Một mặt, Trung Quốc có thể tái huy động các lực lượng quân sự từng được dùng để chống Đài Loan tới các địa điểm khác hỗ trợ cho các chiến dịch biển phía Nam. Mặt khác, Bắc Kinh có thể sử dụng chính hòn đảo này như một căn cứ, đặt khẩu đội tên lửa, máy bay tấn công và tàu chiến để bao vây một phần biển Đông.
Đúng là Đài Loan không phải là loại "thuốc bách bệnh", nhưng nó có thể là một tài sản địa chiến lược. Các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay chiến thuật xuất kích từ bờ biển Trung Quốc sẽ không thể tấn công tới các mục tiêu dọc bờ biển Đông. Các mục tiêu này nằm rải rác quanh một đường cong hình chữ U kéo dài về phía Nam từ Việt Nam đến Indonesia và quay lên phía Bắc tới Philippines. Vành đai phòng hộ dài và cong như vậy gây phức tạp rất nhiều cho việc tấn công, kể cả đối với một sức mạnh tên lửa lớn và tinh vi như Lực lương Pháo binh thứ hai của PLA. Nhưng vấn đề sẽ đỡ phức tạp hơn khi các lực lượng được đặt căn cứ ở Đài Loan.
Đừng mắc mưu
Trung Quốc dường như đang đi theo bước của các cường quốc đại lục trước đây như Mỹ, Đế quốc Đức, và Liên Xô trong việc xác quyết quyền bá chủ đối với các vùng biển gần kề. Vì vậy, việc Trung Quốc quả quyết trong các tranh chấp ở biển Đông không đáng ngạc nhiên lắm. Nhưng có nhiều kiểu bá chủ khác nhau. Các quốc gia châu Á có thể sống chung với một Trung Quốc, giống như nước Mỹ của Mahan, hống hách nhưng không thể tham vọng nhiều. Một Trung Quốc đòi sở hữu toàn bộ các vùng biển trong khu vực là một vấn đề hoàn toàn khác. Các lãnh đạo châu Á và Mỹ nên theo dõi các yêu sách và hành động của Trung Quốc theo các mô hình lịch sử từ kinh nghiệm của Mỹ một thế kỷ trước.
Dường như không có mối nguy hiểm nào trước mắt đặt ra. Có khoảng cách lớn giữa các lợi ích cốt lõi tối đa của Trung Quốc với khả năng họ bảo vệ được các lợi ích này. Bắc Kinh đặt ra các thách thức an ninh tại các vùng biển gần, chưa kể tới các đề nghị ngoài khu vực. Nhưng nếu Trung Quốc bằng lòng với việc giải quyết một lợi ích cốt lõi hạn chế - một cái gì đó ít hơn việc đòi hỏi bá chủ hoàn toàn biển Đông - hoặc nếu họ chứng tỏ sẵn sàng tập trung lực lượng về phía Nam bất chấp các lợi ích ở các nơi khác có thể bị phương hại, thì họ có thể sớm đạt kết quả trong yêu sách bá chủ biển Đông.
Nhưng nền chính trị thế giới là một sự va chạm giữa các lực lượng đang tồn tại. Không quốc gia nào, dù nhỏ, là một thứ vô tri vô giác. Phát ngôn và hành động của Trung Quốc đã gây ra một phản ứng - một chu kỳ phản ứng trong khu vực, thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang quy mô nhỏ. Bắc Kinh sẽ không thể ra lệnh cho các nước láng giềng nhỏ hơn trong bối cảnh hiện nay. Do đó, Mỹ và các chủ thể Đông Nam Á nên sáng suốt đồng thời thận trọng để không cường điệu quá các ý định hay năng lực của Trung Quốc. Nếu làm được như vậy, họ sẽ tạo thêm cơ hội cho hòa bình./.
Trung Quốc: Từ cường quốc lục địa tới tham vọng biển xa
Tác giả: Andrew Erickson, Lyle Goldstein, và Carnes Lord
Nỗ lực chuyển sức mạnh từ lục địa ra biển đã được thường xuyên tiến hành qua các thời đại, nhưng hiếm có trường hợp nào thành công. Những bài học quá khứ là tiền đề cho Trung Quốc phát triển lực lượng hải quân nước này.
Trong khi Hải quân Mỹ tiến hành cắt giảm về số lượng, Trung Quốc lại đang đẩy mạnh công cuộc tiến ra hướng biển. Thực tế này là một mốc đánh dấu sự kết thúc của một xu hướng đã bắt đầu diễn ra từ cách đây 6 thế kỷ, mà khi đó Trung Quốc thu mình vào trong nội địa còn châu Âu mở rộng sự ảnh hưởng của phương Tây ra khắp thế giới.
Giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, một đề tài thu hút được sự tham gia luận bàn sôi nổi của đông đảo nhiều người dân Bắc Kinh là: Trung Quốc là cường quốc lục địa, cường quốc trên biển, hay cả hai? Địa chính trị, địa chiến lược và văn hoá chiến lược đại lục vốn đã tồn tại từ lâu sẽ ảnh hưởng Trung Quốc như thế nào trên con đường trở thành cường quốc biển.
Khảo cứu lịch sử
Những người Ba Tư cổ đại không có truyền thống đi biển, nhưng những người đứng đầu đất nước lại luôn sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới. Thuở ban đầu khi còn coi biển là một trở ngại, họ lựa chọn sử dụng nó như là một tuyến đường liên lạc và phát triển các kinh nghiệm hàng hải. Thông qua những khoản đầu tư tài chính lớn, cuối cùng họ đã xây dựng được một lực lượng hải quân thực sự lớn mạnh đầu tiên trong lịch sử. Quy mô và động lực kinh tế của những nỗ lực này là những gợi ý tương tự cho Trung Quốc.
Đế quốc Ottoman nổi tiếng là hùng mạnh như vậy nhưng cũng không vượt qua khỏi gianh giới của lục địa. Các biên giới trên bộ của Ottoman tiếp tục là một mối đe doạ. Việc người Ottoman sử dụng các thuyền galê dùng mái chèo để vận chuyển lực lượng là điều hoàn toàn phù hợp với biển Địa Trung Hải, nhưng không phù hợp chút nào với khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn hơn. Do không thể bắt kịp được với quá trình toàn cầu hoá kinh tế, người Ottoman đã đánh mất cơ hội thống trị thị trường toàn cầu đầu tiên.
Khi tâm điểm của cuộc cạnh tranh phát triển lực lượng hải quân chuyển sang Đại Tây Dương và một số khu vực khác, một vài cường quốc đã có những nỗ lực nhất định để vươn ra hướng biển nhưng chỉ thu được những thành công hạn chế. Pháp là một ví dụ. Nước này đã bốn lần nỗ lực tiến hành những cải cách lớn đối với lực lượng hải quân và lần nào cũng bị thất bại. Sự yếu kém và tính không thống nhất ở cấp độ chính quyền trung ương là những vấn đề kinh niên; một hệ thống tài chính yếu kém không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đóng mới các con tàu và tiến hành các hoạt động cung cấp hậu cần; và những mối quan hệ qua lại giữa hải quân và lục quân thường là không tồn tại hoặc nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ hết sức hạn chế.
Trường hợp của nước Pháp có thể có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc. Nó chỉ ra rằng đoàn kết nội bộ là điều kiện tiên quyết để phát triển lực lượng hải quân. Giống như Pháp, Trung Quốc sở hữu các cảng biển tốt và đã sẵn sàng vươn ra hướng biển. Tuy nhiên, do thủ đô Bắc Kinh và hệ thống giao thông đường thuỷ của nước này lại nằm sâu trong lục địa nên đã làm giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thương mại đường biển. Giống như Pháp, Trung Quốc có ba đường biên giới trên biển tương đối tách bạch nhau, và sự phối hợp cực tốt giữa các hạm đội ở trên mỗi đường biên giới, giúp nước này giành được nhiều thắng lợi trong các trận hải chiến. Lực lượng hải quân của cả hai quốc gia này đều có một lịch sử phát triển không lấy gì làm suôn sẻ. Cùng với đó là sự hoài nghi hay thái độ mâu thuẫn rõ ràng giữa các nhân vật chủ chốt trong đội ngũ lãnh đạo đất nước đối với vấn đề trở thành một cường quốc biển hay bành trướng ra hướng biển.
Sự tiếp cận các đại dương của đế quốc Đức bị cản trở bởi những điểm nút thuộc quyền kiểm soát của các cường quốc đối địch với nước này. Không giống như Nga, Đức phát triển quá dàn trải lực lượng hải quân bằng cách thông qua quá trình cải cách hải quân để thay thế, chứ không phải bổ sung, sức mạnh trên bộ. Chỉ riêng lực lượng hải quân thôi thì không thể giúp nước Đức đương đầu với thách thức đến từ hai đầu chiến tuyến trên đất liền.
Trường hợp của Đức có vài điểm tương đồng với Trung Quốc, và một khác biệt lớn. Ở cả hai nước đều có truyền thống đi biển từ thời xa xưa, nhưng họ lại là những người đến sau nếu xét trên khía cạnh địa chiến lược. Cả hai nước đều sử dụng công cụ tổng hợp (kinh tế, công nghệ, và giáo dục) để hỗ trợ cho quá trình cải cách lực lượng hải quân. Cốt lõi của công cuộc này là quá trình công nghiệp hoá do chính phủ điều hành với sự hậu thuẫn của một nền kinh tế biển tư bản chủ nghĩa. Do đó, cho đến nay, nhờ một phần vào các bài học quá khứ, Trung Quốc đã tránh không bị xô đẩy vào một cuộc chiến tranh giành quyền lực thảm khốc.
Những dấu mốc trong lịch sử hàng hải Trung Quốc
Các nhà lịch sử đã sai lầm khi cho rằng người Trung Quốc không quan tâm gì đến biển. Triều đình nhà Tống ở phía nam (1127-1279) đã chọn Hàng Châu, một cảng biển trên sông Dương Tử, làm nơi để định đô. Các xưởng đóng tàu lớn hỗ trợ cho một lực lượng hải quân hùng mạnh là những thứ người Mông Cổ được thừa hưởng khi nhà Nguyên (1271-1368) lật đổ được nhà Tống. Người Mông Cổ đã tiến hành các chiến dịch đổ bộ lớn nhất (mặc dù không thành công) trong thời kỳ Trung Cổ - tiến công Nhật Bản, Việt Nam, và Java. Vào những năm 1300, người Trung Quốc đạt được những tiến bộ quan trọng trong kỹ thuật đóng tàu và phát minh ra la bàn.
Nhà Minh từ khi bắt đầu lên nắm quyền lãnh đạo đất nước cho đến lúc bị diệt vong đã xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh. Điều này trước hết được khẳng định qua việc họ đánh bại các nước thù địch ở phía nam chủ yếu bằng sử dụng lực lượng hải quân. Các trận hải chiến trong lịch sử thì có nhiều nhưng nổi bật trong số này có trận đánh quyết định ở hồ Bà Dương (tỉnh Giang Tây Trung Quốc ngày nay - ND) diễn ra vào năm 1363 liên quan đến hàng trăm chiến thuyền của cả hai bên.
Đỉnh cao trong lĩnh vực hàng hải của triều đại nhà Minh được thể hiện ở việc họ thực hiện được bảy chuyến đi biển dưới sự chỉ huy của đô đốc Trịnh Hòa (1405-1433). Được sự ủng hộ của Hoàng đế Vĩnh Lạc, Trịnh Hòa đã tiến hành các cuộc hành trình với sự tham gia của hàng trăm tàu thuyền và hàng vạn người trên những con tàu bằng gỗ lớn nhất trong lịch sử, một số con tàu có lẽ dài hơn 130m và trọng tải lên đến 20.000 tấn. Những hành trình vượt biển này là nhằm mục đích phát triển việc buôn bán, thiết lập hoặc tái lập mối quan hệ với các nước chư hầu, chứng tỏ sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, và đưa lá cờ của nhà Minh đi qua Eo biển Malacca vượt qua Ấn Độ Dương đến tận vùng Vịnh và khu vực Đông Phi. Nhưng do các chuyến đi biển đầy tốn kém của Trịnh Hòa ít mang lại lợi ích cụ thể cho triều đình nên đã bị giới quan lại phản đối. Họ coi việc làm này vừa nguy hiểm lại vừa tốn kém. Sau khi Hoàng đế Vĩnh Lạc băng hà, Trịnh Hòa chỉ thực hiện một chuyến đi khác.
Ảnh BBC |
Vào những năm 1500, các chỉ dụ của nhà vua không khuyến khích thương nhân Trung Quốc buôn bán xa và đã đẩy các nhà buôn Trung Quốc và nước ngoài vào con đường cướp biển. Mặc dù vẫn là một cường quốc biển nếu xét trên khía cạnh tiềm lực và hoạt động kinh doanh buôn bán nói chung, Trung Quốc dưới triều đại nhà Minh đã không còn duy trì được vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ hàng hải và phải mất nhiều năm sau đất nước này mới bãi bỏ được các lệnh cấm và tiễu trừ nạn hải tặc hoạt động ở dọc theo bờ biển vốn đã phát triển nở rộ trong suốt giai đoạn diễn ra các xung đột với cướp biển Oa Khấu của Nhật Bản trong những năm 1540-1580.
Định hướng địa chiến lược của Trung Quốc dưới thời nhà Thanh (1644-1912) là một chủ đề bàn luận chính giữa Lý Hồng Chương, người đứng đầu lực lượng quân Bắc Dương; và Tả Tông Đường, chỉ huy lực lượng viễn chinh khôi phục Tân Cương. Nhà Thanh đã lựa chọn phát triển tiềm lực trên bộ, và cả Đại tướng Lý Hồng Minh và đất nước này đã phải gánh chịu hậu quả.
Ngoài những vấn đề chính trị nội tại, nhà Thanh bất ngờ phải đương đầu với mối đe doạ đến từ các cường quốc biển đang trỗi dậy như Anh, Pháp, và Nhật Bản. Trung Quốc dưới triều đại nhà Thanh tỏ ra không có khả năng đối phó với các thách thức trên biển của các lực lượng hải quân hiện đại của các cường quốc phương Tây. Trong cuộc Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất (1839-1842), một hạm đội của Anh thâm nhập vào tận trung tâm của mạng lưới đường sông của Trung Quốc đe doạ cắt đứt hoạt động thương mại bên trong của nước này, khiến triều đình buộc phải yêu cầu nghị hoà; Anh chiếm Hồng Kông.
Nhà Thanh cuối cùng cũng mua tàu của nước ngoài nhưng hoặc là không có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng thích hợp hoặc là hải quân nước này không có khả năng điều khiển những con tàu chiến hiện đại, dẫn đến những kết cục thảm hoạ. Trong những năm 1880, sự thất bại của hạm đội non trẻ của Trung Quốc dưới tay của Hải quân Pháp đã chấm dứt vai trò ảnh hưởng truyền thống của nước này ở Đông Dương. Đến thập kỷ cuối cùng của thế kỷ này, bất chấp việc được sở hữu tiềm lực hải quân mạnh, người Trung Quốc tỏ ra không phải là đối thủ xứng tầm của quốc đảo láng giềng có lực lượng hải quân đang được hiện đại hoá nhanh chóng và phải hứng chịu thất bại nhục nhã trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895, dẫn đến việc mất Đài Loan và quyền bảo hộ Triều Tiên vào tay Nhật Bản.
Trước sức ép của người Nga đến từ phía bắc cũng như của các cường quốc biển phương Tây, triều đình buộc phải nhượng bộ trước các yêu sách ngày càng tăng về thương mại và lãnh thổ. Năm 1905, Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề nhưng không thể cầu viện được nước nào bởi Chiến tranh Nga-Nhật diễn ra ngay trên lãnh thổ của nước này và trên các vùng biển lân cận, một phần lý do của cuộc chiến là tranh giành quyền kiểm soát cảng Arthur nằm ở một vị trí chiến lược.
Tất cả những bước phát triển này đã làm suy yếu nghiêm trọng nền tảng cũng như tính hợp pháp của triều đình. Sự sụp đổ của nhà Thanh vào năm 1911 đã dẫn đến một quá trình bất ổn kéo dài ở đất nước này. Các thất bại của hải quân Trung Quốc dưới triều Thanh do đó bắt nguồn từ việc nước này không toàn tâm toàn ý tiếp thu các kỹ thuật của hải quân phương Tây sau khi diễn ra cuộc Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất - trái ngược hoàn toàn với đối thủ cạnh tranh Nhật Bản.
Chiến tranh Lạnh lấy phát triển lực lượng trên bộ là trung tâm
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, phát triển của hải quân Trung Quốc bị kìm hãm bởi sự thống trị của Mỹ ở khu vực Đông Á và sau này là những thất bại về mặt chính sách trong nước và tình hình xấu đi trong quan hệ với Liên Xô. Hải quân Trung Quốc chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ cho Lục quân, và thậm chí còn không có một chiến lược cho riêng bản thân lực lượng này cho đến tận khoảng năm 1988.
Quan điểm của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc được hình thành từ kinh nghiệm của nước này trong chiến tranh trên bộ; rất ít các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng này có hiểu biết đôi chút về chiến tranh trên biển hoặc công nghệ tiên tiến thiết yếu trong tác chiến hải quân (hoặc không quân) thời kỳ hiện đại. Mặc dù Mao Trạch Đông đã đưa ra các kế hoạch thôn tính Đài Loan trong giai đoạn năm 1949-1950, người ta nhanh chóng nhận thấy rằng việc này nằm ngoài khả năng cho phép của những tiềm lực hiện có của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
Sự dính líu của Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên đã khiến các nguồn lực và sự quan tâm của giới lãnh đạo bị chuyển hướng sang tác chiến bộ. Chiến tranh biên giới với Ấn Độ diễn ra năm 1962 mà Trung Quốc đã giành được thắng lợi to lớn (trước một Quân đội Ấn Độ không được chuẩn bị trước cho tác chiến trong điều kiện địa hình cực kỳ khó khăn) là một ví dụ khác cho thấy chính sách hướng vào lục địa của Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông. Những tiến bộ của Bắc Kinh trong việc xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại gần như bắt đầu từ con số không có lẽ chỉ có thể đạt được với sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên Xô. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này cũng kết thúc nào năm 1960.
Một sự thực hiển nhiên trong giai đoạn những năm 1960 là nguy cơ đe doạ lớn nhất đến an ninh của Trung Quốc lại bắt nguồn từ chính Liên Xô. Năm 1969, hai cường quốc có vũ khí hạt nhân này đã tiến hành hàng loạt các cuộc giao tranh nhỏ lẻ ở khu vực Siberia mà xuýt nữa đã châm ngòi cho một cuộc xung đột quy mô lớn (thời đó, người Liên Xô dường như được cho đã tính toán đến khả năng tiến hành một cuộc tiến công phủ đầu vào lực lượng hạt nhân và các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc). Đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cả hai nước đều duy trì một lực lượng thông thường lớn ở dọc theo biên giới giữa hai nước. Do nền kinh tế của Trung Quốc cực kỳ chậm phát triển, nên các nguồn lực giành cho quân sự bị câu thúc nặng nề; và lực lượng lục quân phải được ưu tiên hàng đầu.
Một nhân tố thứ ba là việc Bắc Kinh ký hiệp ước thân thiện với Mỹ trong suốt giai đoạn này. Điều này khiến Trung Quốc không phải quá bận tâm đến mối đe doạ tiềm tàng của Hải quân Liên Xô ở các vùng biển châu Á.
Bước ngoặt
Dưới thời kỳ của Đặng Tiểu Bình và xa hơn là sau này, có phải Trung Quốc đang vượt qua được những khó khăn lịch sử của nước này để đạt được sự phát triển lâu dài đối với lực lượng hải quân? Quỹ đạo phát triển của lĩnh vực thương mại đường biển chỉ ra rằng điều này có thể thực sự đang diễn ra. Quá trình này được thực hiện dưới sự dẫn dắt của lĩnh vực đóng tàu và thương mại đường biển đang phát triển cực kỳ năng động. Lĩnh vực đóng tàu và thương mại đường biển đến lượt nó lại tạo ra những động lực mạnh mẽ cho công cuộc phát triển lực lượng hải quân. Đây là một nền tảng quan trọng cho quá trình chuyển đổi ra biển mà các cường quốc lục địa khác thường không có.
Không giống như các ngành công nghiệp đóng tàu của các cường quốc lục địa khác như Đức hoặc Nga, ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc được thúc đẩy bởi "sức hút" của lợi nhuận thương mại thay vì bởi "sự áp đặt" của nhà nước. Trung Quốc đang dần vượt qua Hàn Quốc để trở thành nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực đóng tàu (xét trên tổng khối lượng đóng mới), và chiếm khoảng 50% thị trường thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc còn lâu mới có khả năng cạnh tranh với các cường quốc biển khác như Hà Lan, Anh, và Mỹ - tất cả các nước này đều đã từng thống trị mọi cấp độ trong lĩnh vực đóng tàu thương mại trên con đường trở thành cường quốc biển. Để đạt đến cấp độ này, Trung Quốc sẽ phải tăng không chỉ thị phần của nước mình, mà còn về chất lượng con người và khả năng sáng tạo - mặc dù quá trình toàn cầu hoá trong lĩnh vực đóng tàu mở ra những cơ hội mới để đạt được tiến bộ công nghệ.
Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc đang phát triển một lực lượng hải quân hiện đại có khả năng tác chiến thực sự. Đây là sản phẩm của ba thập kỷ phát triển thuận lợi. Với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc và sự sụp đổ của Liên Xô, Trung Quốc không còn phải đương đầu với mối đe doạ đến từ biên giới trên bộ. Thay vào đó, những vấn đề an ninh đáng quan tâm chủ yếu của nước này được thể hiện rõ trong quá trình chuyển hướng ra biển. Một là, tranh chấp lãnh thổ trên biển với các nước láng giềng được cho là có những diễn biến phức tạp, mở đầu bằng tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông diễn ra vào năm 1974. Hai là, xu hướng chính trị dân chủ ở Đài Loan đang đe doạ chính sách một nước Trung Quốc, đẩy nước này vào tình thế phải chấp nhận hiện trạng hoặc thậm chí độc lập của Đài Loan. Đồng thời, việc Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan, nhất là trong cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan năm 1995-1996, buộc Trung Quốc phải tính toán đến nguy cơ đối đầu với các lực lượng của Hải quân Mỹ trong một cuộc xung đột ở vùng biển Đông Á. Cuối cùng, tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc mà khởi đầu là công cuộc cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng và được thực hiện bởi những người kế tục ông ta sau này giúp việc hiện đại hoá toàn diện các lực lượng hải quân Trung Quốc lần đầu tiên trở thành một mục tiêu có thể thực hiện được của chính sách quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong lĩnh vực hải quân, Trung Quốc đang trở thành một cường quốc hải quân khu vực sở hữu những tiềm lực tác chiến đáng kể. Nhưng nước này vẫn chưa đầu tư các nguồn lực và con người cần thiết để đạt được khả năng tác chiến ở trình độ cao ở những nơi ngoài vùng biển phụ cận.
Những bài học từ địa lý
Nghiên cứu những nỗ lực tiến ra biển của Trung Quốc và các cường quốc lục địa khác cho chúng ta thấy nhiều bài học có giá trị. Một là, địa lý là một trong những trở ngại lớn nhất - kể cả khi con người đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ. Các cường quốc lục địa nhìn chung đều có điều kiện địa lý bất lợi. Những cường quốc nào càng ở trong tình trạng bất lợi thì đôi khi phải thực hiện những dự án chiến lược đầy tham vọng nhằm mục đích thay đổi điều kiện địa lý không có lợi cho đất nước họ (Trung Quốc tiến hành xây dựng Vạn lý trường thành, Kênh Lớn, Đập Tam Hiệp, và hiện đang xây dựng một đường ống dẫn dầu chạy qua Miama). Trung Quốc có khả năng tiếp cận đại dương ở mức độ vừa phải nếu xét trên nhiều khía cạnh, nhưng nước này vẫn có những tuyên bố chủ quyền trên biển chưa được giải quyết với tất cả các quốc gia láng giềng. Theo quan điểm của nhiều nhà tư tưởng, nước này vẫn nằm trong vòng bao vây của các "chuỗi đảo". Các biên giới trên bộ đặt ra một thách thức tiềm tàng với Trung Quốc. Trung Quốc đã giải quyết được tất cả mọi tranh chấp với Ấn Độ và Bhutan, nhưng cũng vướng vào các cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ và Việt Nam, và có thể xảy ra những bất đồng trong tương lai với Nga. Cuối cùng, với những ai có tư tưởng coi nhẹ các nguy cơ trên bộ, họ hãy nhìn lại thách thức của các phong trào đòi độc lập hay ly khai đang diễn ra của các nhóm dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng.
Hai là, cải cách hải quân là một quá trình khó khăn và đầy rủi ro mà chưa cường quốc lục địa nào hiện nay đã thực sự thành công. Cơ hội có nhiều, và khả năng lấn át được các cường quốc khác là rất lớn. Trong toàn bộ lịch sử nhân loại, những trường hợp cải cách lực lượng hải quân thành công duy nhất là đế quốc Phổ và đế quốc La Mã. Tuy nhiên, kể cả trong những trường hợp đó, các đế quốc này vẫn giữ những đặc tính của cường quốc lục địa trước đây của họ - "đã là cường quốc lục địa, thì sẽ luôn là cường quốc lục địa" - ít nhất trong chừng mực nào đó. Sẽ khó để người ta đưa ra nhận định rằng quá trình cải cách hải quân sẽ được thực hiện trọn vẹn. Người Phổ chưa bao giờ thực sự sử dụng lực lượng hải quân của họ như là một công cụ để đi xâm chiếm; thay vào đó họ tập trung phát triển cái mà ngày nay được gọi là các chiến dịch liên hợp trên biển. Trong những chiến dịch này, các hạm đội của họ di chuyển dọc theo bờ biển của đối phương để làm nhiệm vụ cung cấp hậu cần và bảo vệ bên sườn cho những đội quân lớn của Phổ. Người La Mã cũng đã thành lập các hạm đội thường trực (điều này chỉ xảy ra dưới thời đế chế La Mã) và một cơ chế tuần tra trên biển; một trong những lý do dẫn đến việc này là nạn cướp biển hoành hành nghiêm trọng ở khu vực tây Địa Trung Hải kéo dài cho đến tận thế kỷ thứ nhất trước công nguyên.
Ba là, quan điểm địa chiến lược của các cường quốc được hình thành không chỉ bởi yếu tố thuận lợi về mặt địa lý mà còn bởi các yếu tố kinh tế. Tổng khối lượng của cải có được từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và một số lượng dân số nhất định (kết hợp với các nguồn lực tài chính và công nghệ) sẽ được chuyển hoá thành tiềm lực quân sự. Người Phổ cổ đại là những người đầu tiên chứng minh rằng, có tiềm lực kinh tế lớn thì có khả năng xây dựng được các lực lượng hải quân lớn. Trung Quốc có các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và trình độ công nghệ đang ngày một phát triển, để thực hiện đầu tư trong lĩnh vực này. Không giống như Liên Xô hoặc các cường quốc lục địa khác trước đây, Trung Quốc thực sự có tiềm lực quốc gia tổng hợp, với một nền kinh tế mạnh. Định hướng phát triển lâu dài có tính toán lực lượng hải quân là hợp lý về mặt kinh tế. Vấn đề ở đây là liệu việc Trung Quốc sở hữu những tiềm lực như vậy có là khôn ngoan hay không khi tính đến việc nước này còn có những nhu cầu cấp thiết khác cũng như những phản ứng không tốt có thể có của cộng đồng quốc tế./.
Một nhân tố thứ tư hết sức quan trọng là quan điểm chiến lược của một nhà nước. Điều này được hình thành bởi những tính toán quốc tế và trong nước, chủ yếu để duy trì sự tồn tại của chế độ. Các nước thường sẽ cảm thấy khó khăn trong việc cân bằng và ưu tiên các mục tiêu chiến lược khi họ phải đương đầu với hàng loạt các thách thức xung đột có thể xảy ra. Trong trường hợp của Trung Quốc, một quốc gia vốn có tư tưởng phát triển trở thành cường quốc lục địa hiện đang ngày càng trở nên cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế với việc nâng cao vị thế của một cường quốc để xoá bỏ "Thế kỷ tủi nhục" và đưa đất nước Trung Quốc trở lại vị thế xứng đáng của nước này.
Năm là, vai trò lãnh đạo có lẽ là yếu tố quyết định nhất trong việc thúc đẩy (hay làm thất bại) quá trình cải cách hải quân. Đô đốc Lưu Hoa Thanh, với sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình, tiến hành quá trình nâng cao dần dần nhưng có giới hạn vị thế của Hải quân Quân giải phóng nhân dân. Giới lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng là đánh giá cao tư tưởng của Alfed Thayer Mahan liên quan đến bảo hộ thương mại và tầm quan trọng của các tuyến đường giao thông trên biển. Dư luận chung hiện nay ở Trung Quốc ủng hộ cải cách hải quân hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước này. Nhưng các yếu tố bất lợi thì vẫn còn tồn tại rất nhiều.
Những đặc điểm có một không hai, một quá trình cải cách hiếm thấy
Một quá trình cải cách muốn có được thành công thì phụ thuộc vào hai yếu tố, chiến lược và nghệ thuật tác chiến hải quân. Các cường quốc lục địa về cơ bản không thể sánh với các cường quốc biển, nên họ sẽ áp dụng một hướng đi khác. Người Ottoman sử dụng các chiến dịch đổ bộ và tác chiến ven bờ để đánh chiếm các đảo ở Địa Trung Hải. Hình thức này giống với các chiến dịch của Trung Quốc tiến hành trong giai đoạn 1949-1955 để đánh đuổi Quốc dân Đảng ra khỏi tất cả các hòn đảo ngoài khơi ngoại trừ các đảo Đài Loan, Penghus, Kim Môn, và Mazu. Việc Trung Quốc phát triển tên lửa đường đạn tầm ngắn/tầm trung (ví dụ, tên lửa đường đạn đối hạm DF-21D) là một phần của phiên bản mới của định hướng này - "sử dụng đất liền để kiểm soát biển". Trung Quốc hiện đang gặp phải những hạn chế nhất định nên nước này quy định những đặc tính phát triển có một không hai đối với lực lượng hải quân nước này. Tác chiến hải quân của Trung Quốc có thể khác với tác chiến hải quân của Mỹ, tuy nhiên nó có thể không được thành công cho lắm khi áp dụng vào tình huống của chính Trung Quốc.
Kinh nghiệm của các cường quốc lục địa trước đây mà đã từng nỗ lực phấn đấu trở thành cường quốc biển nhìn chung là không có mấy giá trị. Vì vậy, Trung Quốc đang chèo lái con thuyền trong cơn gió ngược. Quy mô của một quá trình cải cách như vậy hiện vẫn đang được Bắc Kinh bàn bạc. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là Trung Quốc đang vươn ra hướng biển. Nước này có một vài lợi thế mà các nước khác trước đây không có:
- Một nền kinh tế biển phát triển mạnh
- Một ngành công nghiệp đóng tàu năng động
- Các biên giới trên bộ gần như được hoạch định xong với các quốc gia láng giềng
- Một hệ thống lãnh đạo ủng hộ phát triển lực lượng hải quân như là một hiện tượng tự nhiên và không muốn áp đặt việc này.
Trung Quốc rất có thể sẽ làm thay đổi phương thức chuyển đổi truyền thống tồn tại từ thời xa xưa. Nếu chứng tỏ được thành công, đây sẽ là một sự kiện nổi bất - nếu không muốn nói là duy nhất - trong lịch sử trong hai thiên niên kỷ qua. Trung Quốc sẽ học được những bài học của lịch sử nhưng sẽ không bị chỉ trích nếu lặp lại những bài học đó./.
Trung Quốc: Từ phòng ngự tích cực sang tiến công?
Tác giả: James R. Holmes, Toshi Yoshihara
Trong khi giới cầm quyền tại Bắc Kinh nổi lên từ "thế kỉ bị sỉ nhục" và họ đang hướng trọng tâm vào Ấn Độ Dương, lịch sử có thể cho ta thấy cách Trung Quốc sẽ cân nhắc các phương án chiến lược ngắn hạn tại Nam Á như thế nào.
Trung Quốc đang thu thập những kiến thức sơ đẳng về sự hiện diện hải quân tại Ấn Độ Dương, một nguồn cốt tử cho hoạt động nhập khẩu đường biển để nuôi dưỡng nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Để làm điều đó, họ đang mạo hiểm dấn thân vào những vùng lãnh thổ không ai để ý, thừa nhận một tình thế tiến công chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc.
Giả định cơ bản thúc đẩy chiến lược Trung Quốc kể từ cuộc chiến tranh Thuốc phiện năm 1840 - nó đã cho thấy tình trạng lạc hậu của các lực lượng Trung Quốc trước những kẻ chinh phục phương Tây tới từ biển - là Trung Quốc sẽ bắt đầu bất kì cuộc xung đột nào nếu đối phương yếu hơn. Các lực lượng Trung Quốc lâm vào thế thủ, vì thế họ có thể có được thời gian chuẩn bị cần thiết để xoay chuyển tình thế và tiến hành một cuộc phản công mạnh mẽ. Thực vậy, chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông đã tìm ra chiến lược "phòng ngự tích cực" - khái niệm có tác dụng truyền cảm hứng và được dùng làm tên gọi cho chiến lược phòng vệ biển gần của Trung Quốc - và đó được coi là nghệ thuật lãnh đạo đất nước này hiện nay.
Hoàn cảnh thay đổi đã buộc chiến lược của Mao phải có những điều chỉnh. Trung Quốc không còn ở thế yếu khi đối đầu với các đối thủ thủ cạnh tranh nước ngoài. Dẫu vậy, tiến hành tiến công tầm xa vẫn chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu cho Bắc Kinh khi họ có đang muốn xóa bỏ ký ức về "thế kỉ bị xỉ nhục". Để xác lập sự hiện diện phía trước nghiêm túc tại Nam Á, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phải tiếp cận khu vực này theo "các tuyến ngoài," khắc phục đặc điểm địa lí phức tạp, cạnh tranh với các nhu cầu ở vùng "biển gần" của Trung Quốc, và sự đối địch của Ấn Độ, quốc gia chiếm "vị trí bên trong" tại Ấn Độ Dương, với tất cả những lợi thế nghiêng về Niu Đêli.
Tóm lại, việc giới cầm quyền Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ thời Minh cách đây sáu thế kỉ, đã quyết định triển khai lực lượng sang Ấn Độ Dương là điều có thể hiểu được. Bắc Kinh hiểu tầm cỡ của một dự án như thế, cũng như mức độ liều lĩnh và tiềm năng bỏ lỡ các cơ hội tại Đông Á. Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc chyển các lực lượng sang Ấn Độ Dương, thì họ phải chấp nhận những rủi ro tại những vùng biển có nhiều rắc rối trong khu vực, như biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan, và Biển Đông. Những vùng nước này nằm sát đại lục, nơi thu hút sự chú ý của giới quan chức theo cách mà những vùng biển xa không có được. Và biển gần tạo thành vùng ngoại biên hàng hải lịch sử của Trung Quốc, liên quan đến danh dự và uy thế quốc gia.
|
Tàu hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Xinhua. |
Sự xa cách của Ấn Độ Dương, cộng với tình trạng bất ổn gần nhà khiến cho chiến lược của Trung Quốc bị cản trở. Mặt khác, những tiến triển trong lĩnh vực công nghệ quân sự - đặc biệt là một tên lửa đường đạn đối hạm (ASBM - Anti-ship ballistic Missile) nghe nói có khả năng công kích trên khắp các vùng biển Trung Quốc vào đến lòng chảo Ấn Độ Dương - đang hứa hẹn góp phần giảm bớt những hạn chế ấy. Nếu Hải quân Trung Quốc có thể dựa vào sự chi viện hỏa lực trên bờ ở những khoảng cách xa, thì các tư lệnh hải quân có thể xoay xở được với những nguồn lực ít hơn, không chỉ trên các biển gần của Trung Quốc mà cả trên những chiến trường xa như vùng Nam Á. Năng lực tiến hành một cuộc triển khai lực lượng có tính kinh tế cao được hỗ trợ bởi sự chi viện của hỏa lực tầm xa sẽ có tác dụng giảm bớt nguy cơ rủi ro trên biển gần - khiến Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc ra quyết định điều tàu đi chiến đấu. Trong khi công nghệ không phải là tất cả, nó vẫn có tầm quan trọng chiến lược.
Bên trong, bên ngoài
Địa chính trị góp phần phác họa triển vọng và sự mạo hiểm của việc hiện diện tại Ấn Độ Dương có thể đem lại cho Trung Quốc. Milan Vego đã liên hệ các khái niệm tuyến trong (nội tuyến) và tuyến ngoài (ngoại tuyến) - những khái niệm bắt nguồn từ tác chiến trên bộ - sang chiến tranh trên biển. Cách đây một thế kỷ, Alfred Thayer Mahan đã so sánh biển với một cánh đồng không có nét gồ ghề đặc biệt. Còn nơi nào áp dụng các khái niệm hình học tốt hơn so với một vùng biển mở rộng, một môi trường được nghiên cứu kĩ lưỡng với các hải đồ và tiêu đồ cơ động? Vego giải thích:
Trung Quốc đã quen với việc tác chiến dọc theo các đường tuyến trong. Trong những năm 1920, Hồng quân của Mao đã đương đầu với hàng loạt chiến dịch "bao vây và chế áp" qua đó Quân đội quốc gia của Tưởng Giới Thạch đã đẩy quân của Đảng Cộng sản tới bờ vực bị tiêu diệt. Nhật Bản xâm lược đại lục trong những năm 1930, cũng dọc theo các tuyến ngoài.
Mĩ và các đồng minh đã theo đuổi thành công một chiến lược "ngăn chặn" trong thời Chiến tranh Lạnh, sử dụng các lực lượng không quân và hải quân đóng căn cứ dọc theo chuỗi đảo xa để cản trở sự cơ động của Hải quân Liên Xô và Trung Quốc. Kể từ đó, Mĩ đã bảo toàn được vị thế chiến lược nhờ việc liên minh với Nhật và sự hiện diện của các căn cứ trên các đảo ở Thái Bình Dương như Guam và Hawaii.
Hiện tại, cũng như trước đây, Trung Quốc giữ vị trí trung tâm với tất cả những lợi thế mà quốc gia này có được, nhất là các căn cứ và lực lượng kề bên, sự cơ động linh hoạt trong không gian, các tuyến giao thông ngắn được hỗ trợ bởi các xa lộ và các tuyến đường sắt quốc gia đã được cải thiện đáng kể. Nếu địa vị bên trong đem lại lợi thế, thì sức mạnh tuyến ngoài sẽ có ý nghĩa như thế nào?
Chiến lược của Lincoln
Ngay những lời nói của Abraham Lincoln, vị tổng thống - nhà chiến lược tự học của nước Mĩ. Ông hiểu rõ rằng quân Miền Nam đã tổ chức các tuyến trong chống lại các lực lượng Miền Bắc khiến họ khó lòng phối hợp được các cuộc tiến công đánh vào các bang Miền Nam. Và ông hiểu rõ chiều hướng của cuộc xung đột này sớm hơn so với các tư lệnh trên chiến trường. Tổng thống Lincoln đã xây dựng nên tầm nhìn chiến lược thời chiến của mình về mặt các đường tuyến trong và đường tuyến ngoài. James McPherson, người nhận được giải Pulizer (giải báo chí quốc tế - ND), đã viết:
"Không ai có thể giải thích khái niệm chiến lược này hơn bản thân Lincoln... "Tôi tuyên bố tư tưởng chung của tôi về cuộc chiến tranh này," vị tổng tư lệnh viết, "rằng chúng ta có lực lượng lớn hơn, và kẻ địch có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tập trung tại những điểm xung đột." Các lực lượng Liên minh không thể chiến thắng "trừ phi chúng ta tìm ra cách nào đó mang lại lợi thế cho chúng ta trước đối thủ; và điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách đồng thời uy hiếp đối phương với một lực lượng ưu thế hơn tại những điểm khác; sao cho chúng ta có thể tiến công một cách an toàn, một hoặc cả hai, nếu đối phương không thay đổi; và nếu đối phương bỏ một nơi để tăng cường cho nơi khác, kiên trì không đánh vào chỗ mạnh, song chiếm giữ chỗ yếu, sẽ có lợi rất nhiều."
Đối với Lincoln, phe Miền Nam có thể tập trung vào không gian dọc theo tuyến ngoài, lảng tránh các cuộc tiến công phối hợp của quân Miền Bắc. Song quân Miền Bắc có được ưu thế về quân số và nguồn lực. Họ chỉ cần sử dụng các nguồn lực này một cách đồng thời. Như McPherson nói, quân Miền Nam "tập trung vào không gian chỉ có thể bị đánh bại nếu quân Miền Bắc sử dụng một lực lượng đông hơn... để tiến công đồng thời trên trên hai hoặc nhiều mặt trận - tức là tập trung vào thời gian." Sự tập trung đó rõ ràng đòi hỏi ưu thế về sức mạnh, khả năng tung lực lượng vào sân sau của đối phương, và khả năng phối hợp nhiều hành động trên nhiều điểm tiếp xúc - ngăn chặn và đập tan sự chống trả của lực lượng yếu hơn đang khai thác lợi thế sân nhà.
Đây là một tiêu chuẩn chính xác, song bên có thế mạnh phải đáp ứng để giành phần thắng trên các chiến trường xa. Hãy xem xét cuộc đột kích theo hai mũi qua Thái Bình Dương của các lực lượng Mĩ trong Chiến tranh thế giới II. Các đòn đánh đồng thời vào trung tâm và tây nam Thái Bình Dương đã buộc Tokyo phải phòng thủ trên hai mặt trận, ngăn không cho các lực lượng Nhật tập trung theo không gian.
Song kế hoạch chiến dịch này đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực và mất nhiều thời gian, thậm chí đòi hỏi hi sinh sức mạnh công nghiệp của nước Mĩ. Trung Quốc sẽ gặp tình thế tương tự khi họ liều lĩnh xâm nhập vào một khu vực do người Ấn Độ sinh sống, nơi Ấn Độ đang chiếm vị trí trung tâm và đang ấp ủ tham vọng hàng hải của riêng mình. Một chiến lược tuyến ngoài mà Bắc Kinh có thể theo đuổi sẽ thành công đến đâu vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Cân đối giữa các chiến trường
Trung Quốc phải triển khai sức mạnh quân sự đáng kể trên Ấn Độ Dương để tạo lập sức thuyết phục hải quân. Họ phải tích tụ đủ sức mạnh trên biển trong khu vực - hiển nhiên là gồm các lực lượng trên biển và các căn cứ phía trước - để thuyết phục các nhà quan sát rằng Quân đội Trung Quốc đã chiếm ưu thế so với Ấn Độ ngay trong phạm vi vùng ảnh hưởng tự nhiên của quốc gia Nam Á này. Và để khiến cho vấn đề thêm phức tạp, Bắc Kinh phải đưa lực lượng này ra các vùng biển chiến lược xung quanh, nơi Mĩ đã tuyên bố sẽ duy trì "một sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy", cả ở Tây Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương. Hiểu rõ điều này, các nhà phân tích Trung Quốc đang tỏ ra thận trọng với sự hiện diện quân sự của Mĩ tại Diego Garcia (một đảo san hô ở trung tâm Ấn Độ Dương - ND), mà từ đó nước Mĩ có thể tung sức mạnh hải quân và không quân ra khắp khu vực.
Nhà lí luận quân sự Carl von Clausewitz đã phác họa một thuật toán súc tích về việc cân đối các ưu tiên giữa chiến trường chính với chiến trường phụ. Logic của ông dường như khiến cho Bắc Kinh lúng túng. Clausewitz chủ trương các nhà cầm quân phải liên tục đánh vào "trung tâm" của đối phương, tung ra "hết quả đấm này đến quả đấm khác" đánh vào "trung tâm của sức mạnh và sức cơ động, mà tất cả mọi thứ phụ thuộc vào" này. Trung tâm này đại diện cho "điểm mà toàn bộ nghị lực của ta phải tập trung vào...." Trọng tâm là vấn đề tối thượng. Tuy nhiên, giống như mọi quy luật, quy luật này cũng có một ngoại lệ:
"Nguyên tắc nhắm tất cả vào trọng tâm của đối phương chứa đựng một ngoại lệ - đó là khi các chiến dịch thứ hai dường như đặc biệt có lợi. Song ta cũng phải nhắc lại rằng chỉ khi chiếm được ưu thế quyết định mới có thể biện minh cho việc chuyển hướng sức mạnh mà không gặp phải quá nhiều nguy cơ trên chiến trường chính [ông nhấn mạnh]."
Trong khi nhà lí luận Trung Quốc Tôn Tử khuyến nghị chuyển các nguồn lực thành các chiến dịch không định hướng hoặc "hỗn mang" khiến đối phương mất cân đối, ông cũng chủ trương các nhà cầm quân phải biết tiết kiệm các nguồn lực. Chẳng nhà lí luận nào ủng hộ việc cố tình phân tán lực lượng. Song khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẽ bản đồ các vùng xung quanh, vô số các sự kiện bất ngờ - chứ không phải một hai - khiến họ phân tán tư tưởng. Nếu các nhà cầm quân Trung Quốc cố làm mọi thứ với những nguồn lực có hạn, họ có thể tự thấy mình làm được rất ít tại bất kì điểm đã cho nào trên bản đồ.
Từ bắc xuống nam, một danh mục không hoàn chỉnh các vùng gây tranh cãi gồm một Bắc Triều Tiên hay thay đổi, một cuộc cạnh tranh với Nhật Bản vì các mỏ dầu trên biển Hoa Đông và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thế bế tắc trên Eo biển Đài Loan, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, và mối đe dọa cướp biển, các phần tử khủng bố trên biển, hoặc một đối thủ cường quốc nào đó sẽ chặn tàu thuyền qua lại Eo biển Malắcca. Tất cả những sự kiện bất ngờ này đều đòi hỏi nỗ lực ngoại giao và nguồn lực quân sự mạnh mẽ. Vì thế, vấn đề xác lập ưu tiên giữa các chiến trường đang được xếp vào một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà Bắc Kinh phải đương đầu.
Hãy thử suy nghĩ. Biển gần nào là chiến trường chính của Trung Quốc theo cách nói Clausewitz? Liệu Trung Quốc có chắc chắn giành được gì đó tại Ấn Độ Dương, xứng đáng với những gì họ đã bỏ ra không? Và liệu quân đội Trung Quốc có giữ được ưu thế quyết định trong bất kì - chứ đừng nói đến tất cả - chiến trường nào trong các chiến trường ở Đông Á? Việc Trung Quốc có thể còn lực lượng dành cho Nam Á hay không tùy thuộc vào cách họ trả lời những câu hỏi này.
Đã đến thời kỳ của "hạm đội pháo đài"
Các nhà chiến lược Trung Quốc luôn ám ảnh ý nghĩ cho rằng công nghệ có thể làm biến đổi tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Cuộc tranh luận về triển vọng đối với một loại tên lửa đường đạn đối hạm (ASBM) Trung Quốc đã diễn ra trên các trang báo. Ở đây, các tác giả vẫn giữ nguyên thuyết bất khả tri về ASBM với tầm bắn hiệu dụng chỉ dưới 1.250 dặm, với giả định bệ phóng cơ động được bố trí trên toàn bộ tuyến tiền duyên của lục địa Trung Quốc.
Vì thế, vòng cung xạ kích song song với biên giới Trung Quốc, vạch nên vùng bao quát xa nhất đối với khả năng chi viện hỏa lực của quân đội Trung Quốc. Từ các vị trí biên giới, xạ thủ tên lửa có thể nhắm mục tiêu là các tàu thuyền trên đường đi suốt toàn bộ Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông và Eo biển Malắcca. Chúng có thể vươn qua vịnh Bengal công kích dọc theo bờ biển phía đông Ấn Độ. Thậm chí, chúng có thể vươn tầm tới phía bắc Biển Arập. Đây là một cách nhìn nghiêm túc. Theo một nghĩa nào đó, các tỉnh khô cằn, nằm giữa lục địa như Tây Tạng và Tân Cương, hiện cũng tạo thành một bộ phận của mặt trận trên biển của Trung Quốc. Từ đó, quân đội Trung Quốc có thể bắn ASBM theo kiểu tâng bóng tới các hạm đội thù địch.
Ý kiến cho rằng các hàng rào phòng thủ trên bờ đó đem lại một lợi thế rõ ràng so với những tàu chiến liều lĩnh lọt trong tầm bắn không phải là điều gì mới. Những thuyền trưởng khôn ngoan thường giữ đúng cự li. Thuyền trưởng William Bainbridge đã chỉ huy chiến hạm USS George Washington tới thả neo dưới họng pháo của người Angiêri năm 1800, và rồi quốc trưởng nước này - đang khoe khoang về sức mạnh hỏa lực siêu hạng - đã đưa ra cho Bainbridge một đề nghị mà ông không thể chối từ. Các pháo thủ của ông đã áp đảo các khẩu đội pháo pháo đài, còn Bainbridge đóng vai một sứ thần bất đắc dĩ trước Ottoman Porte.
Tàu George Washington đã đến Constantinople (một thủ phủ của Thổ Nhĩ Kì-ND) dưới cờ Angiêri - một bằng chứng cho thấy sự yếu kém của pháo bờ biển. Một thế kỉ sau, đô đốc đáng gờm Tōgō Heihachirō đã không chịu rủi ro cho hạm đội Nhật của mình trong giai đoạn mở đầu chiến tranh Nga - Nhật 1904 - 1905, vì lo ngại quân Nga có thể pháo kích dữ dội từ Cảng Arthur.
Cái làm nên sự khác biệt ngày nay chính là khả năng chiến đấu chính xác mà ASBM có thể tạo ra. Nếu ASBM tốt như lời quảng cáo, thì quân đội Trung Quốc có thể sớm rêu rao về "hạm đội pháo đài" có hiệu quả đầu tiên, gỡ lại thể diện cho khái niệm đã bị điều tiếng từ lâu. Trong cuộc tổng kết về Chiến tranh Nga - Nhật, Mahan đã lấy làm tiếc về thói quen của các chỉ huy Nga, giữ cho các liên đội tàu được an toàn trong tầm hỏa lực chi viện của pháo ven bờ.
Nhìn bên ngoài, vết nhơ "hoàn toàn sai lầm" này có tác dụng bảo vệ thành phố khỏi hạm đội của Tōgō đang tuần tiễu ngoài xa. Trên thực tế, Mahan tuyên bố, nó đã rút ngắn bán kính chiến đấu của hải quân Nga xuống chỉ còn vài dặm xung quanh cảng Arthur. Và nó dung dưỡng tính rụt rè của các nhà cầm quân Nga, xui khiến họ chui xuống hầm dưới sự bảo vệ của hỏa lực pháo từ cảng.
Đây là ý kiến chỉ trích thời Mahan, song điều gì sẽ xảy ra nếu pháo của cảng Arthur có tầm bắn không chỉ là vài dặm mà là vài trăm dặm? Các pháo thủ Nga có thể đã quét rộng các biển có tàu chiến Nhật trong khi lại còn đe dọa Hải quân Nhật mạnh hơn tại các cảng nhà, như Sasebo. Trong khi đó, hải quân Nga rong ruổi trong các vùng nước sạch bóng quân thù mà không hề bị trừng phạt. Tầm bắn của pháo ven bờ không còn hạn chế lòng dũng cảm hay khả năng tự do hành động của người cầm quân. Tương tự, ASBM tác chiến sẽ tạo cho Lực lượng Pháo binh số 2 của quân đội Trung Quốc khả năng đưa hỏa lực chi viện trên một vùng biển rộng châu Á, tùy theo các lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Trung Quốc - một hạm đội pháo đài của Trung Quốc - chống lại các đối thủ cạnh tranh mạnh hơn.
Hơn nữa, nếu Bắc Kinh chọn cách xây dựng một mạng lưới căn cứ ở Nam Á, thì các ASBM - đặc biệt nếu triển khai ở tuyến đầu trong khu vực, mở rộng phạm vi đe dọa của nó thậm chí còn xa hơn - sẽ cho phép quân đội Trung Quốc phòng vệ các căn cứ này chống lại Hải quân Ấn Độ, Hải quân Mĩ hoặc một đội thủ nào khác. Các lực lượng Hải quân Trung Quốc có thể trở nên mạnh hơn với ít lực lượng hơn, ngay cả khi tác chiến xa nhà trên các tuyến ngoài. Rồi, các khẩu đội ASBM cơ động đã được bố trí tại phía nam Trung Quốc sẽ cho phép Quân đội Trung Quốc thực hiện những hành động vu hồi đề bù lại tình trạng địa chiến lược khó khăn. Việc sử dụng ASBM theo cách đã hình dung với các tàu ngầm và tàu nổi triển khai phía trước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chiều hướng tung sức mạnh vào vùng Ấn Độ Dương, giúp Bắc Kinh hoàn thành mục tiêu xây dựng một sự thuyết phục hải quân có hiệu quả.
Nền tảng không cam kết
Dường như Bắc Kinh đang tạo dựng nền tảng cho một sự hiện diện hải quân thường trực tại Ấn Độ Dương mà không tự cam kết hoàn toàn - và có lẽ là vội vã - trước một sự hiện diện như vậy. Điều này thể hiện một chính sách ngoại giao cẩn trọng. Ở cấp chiến lược, ASBM có thể tạm thời giúp giảm nhu cầu đưa ra một chương trình xây dựng hạm đội lớn mà các nước láng giềng của họ tại Đông và Nam Á thấy là quá khiêu khích. Không có gì có thể thay thế sự hiện diện của tàu thuyền trên biển để thực thi quyền lãnh đạo. Tuy nhiên, một lực lượng tên lửa được hỗ trợ bởi một kiến trúc tình báo, giám sát và trinh sát khổng lồ có thể giúp Trung Quốc có được một phương tiện thu hẹp khoảng cách, một loại hiện diện ảo trong vùng lòng chảo Ấn Độ Dương.
Như thế, một ASBM hứa hẹn có tác dụng hạ thấp hàng rào tác chiến để xâm nhập vào Ấn Độ Dương, hạ thấp chi phí thấy được của hoạt động tác chiến tuyến ngoài ở đó và khiến cho sự hiện diện tại đó trở nên hợp lí theo cách dùng thuật ngữ của Clausewitz. Bắc Kinh không còn sợ phải hi sinh các lợi ích dọc theo đường chu vi của mình do những quyền lợi xa cách về địa lí - song nhạy cảm về kinh tế - tại Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, do việc triển khai phía trước như thế sẽ lệ thuộc quá nhiều vào một hệ thống với đầy đủ các công nghệ vũ khí tên lửa, nên nó sẽ trở nên rất dễ bị tổn thương trước những biện pháp đối phó của Ấn Độ hoặc của Mĩ khiến hiệu quả của ASBM bị giảm sút. Vẫn còn nhiều hoài nghi về năng lực phát hiện các hạm tàu từ xa của quân đội Trung Quốc, báo hiệu cho các bệ phóng ASBM, và dẫn chính xác đầu đạn tới các mục tiêu đang cơ động trên biển. Vì thế, với chúng ta vẫn là thuyết bất khả tri.
Hậu quả dễ thấy là sự giằng co giữa công và thủ, thách thức và đáp trả trong vùng biển châu Á. Clausewitz ví chiến tranh với sự va đập của các lực lượng sống, hay miếng móc hàm của đô vật nhằm giành lợi thế chiến dịch và chiến lược. Như tên lửa hành trình Tomahawk và hệ thống chiến đấu Aegis đã làm con lắc nghiêng về phía Hạm đội trong những năm 1980, vãn hồi tiềm năng của bên công, tiến bộ công nghệ hiện nay đang đe dọa cách mạng hóa hoạt động chi viện hỏa lực trên bờ có lợi cho bên phòng thủ. Đây chính là lúc các nhà khoa học, kĩ thuật và chiến thuật bắt đầu nên kéo con lắc đồng hồ về phía có lợi cho hải quân Mĩ và đồng minh Quyền lực mềm TQ chống lại sức mạnh thông minh Mỹ
Tác giả: Carlyle A. Thayer
Nếu Trung Quốc trong suốt thập niên qua đã thực hiện các hoạt động ở Đông Nam Á trên cơ sở quyền lực mềm, thì xu thế ấy giờ dây dường như đang đảo chiều và Mỹ thì quay trở lại với quyền lực thông minh.
Mỹ đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với ASEAN; Tổng thống Barack Obama đã tham dự hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo ASEAN - Mỹ đầu tiên (và sẽ chủ trì cuộc họp lần hứ hai tại Mỹ năm nay); Ngoại trưởng Clinton không chỉ thường xuyên có mặt tại các hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN mà còn đưa ra những quan điểm, tuyên bố của Mỹ nhằm góp phần giải quyết những vấn đề an ninh tại Đông Nam Á hay tranh chấp Biển Đông. Về tổng thế, bà Clinton đã trở lại bàn hội đàm đa phương về vấn đề Trung Quốc... Mỹ đã trở lại và tham gia các vấn đề ở Đông Nam Á với sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực.
Sự hiếu chiến và gây căng thẳng ngoại giao của Trung Quốc tiếp tục duy trì có nguy cơ khiến nước này bị cô lập trong ngoại giao và làm xói mòn quyền lực mềm mà họ thiết lập trong thời gian qua. Thời gian có hại cho Trung Quốc khi cấu trúc an ninh khu vực đang tìm kiếm một sức sống mới và mở rộng sang nhiều lĩnh vực hợp tác mới.
Sự kiện đầu tiên là cuộc gặp các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và 8 đối tác đối thoại của họ diễn ra ở Hà Nội ngày 12/10. Cuối tháng đó, hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) sẽ nhóm họp với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Clinton "trong một khả năng phù hợp". Nó sẽ "lát đường" cho Mỹ tham gia nhóm 16 thành viên này, và để Tổng thống Obama tham dự EAS 2011 ở Jakarta.
Sự nổi lên của EAS sẽ nhấn chìm ưu thế của Trung Quốc trong tiến trình ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) từng bỏ qua Mỹ.
Ít nhất ba năm qua, Trung Quốc đã ngày càng quả quyết hơn để giành ưu thế trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Họ đã thành công trong việc chia tách ASEAN. Trung Quốc thậm chí còn đe doạ các tập đoàn lớn của Mỹ như ExxonMobile, nếu họ tiếp tục công việc hợp tác khai thác tài nguyên hàng hải ở Biển Đông vì cho rằng lợi ích thương mại của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.
Ảnh minh họa: news.gov.sg |
Chính quyền Obama đã trực tiếp đối đầu với Trung Quốc và cách hành xử chèn ép của họ. Tuyên bố của Trung Quốc rằng Mỹ dàn xếp, bố trí các quốc gia trong khu vực chống lại Trung Quốc là không trung thực. Đó là cách Trung Quốc tự ngồi vào ghế nhạc trưởng mà áp dụng các biện pháp ngoại giao sức mạnh để chia rẽ ASEAN và làm suy yếu mạng lưới các liên minh, hiệp ước an ninh của Mỹ.
Các sáng kiến ngoại giao Mỹ cần phải đặt trong một bối cảnh lớn hơn của những cuộc tập trận hải quân Mỹ - Hàn; của sự hiện diện ba tàu ngầm lớp Ohio trang bị tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk tại Vịnh Subic, Busan và Diego Garcia; của những lần viếng thăm tàu sân bay hạt nhân George Washington tới vùng biển châu Á. Quan điểm cho rằng, ưu thế tuyệt đối của Mỹ đã sụt giảm dường như vội vàng.
Ngoại trưởng Clinton đã tuyên bố Biển Đông là một lợi ích quốc gia của Mỹ. Tuyên bố này đối lập với lời khẳng định quả quyết của Trung Quốc khi nói Biển Đông là một lợi ích cốt lõi.
Biển Đông là huyết mạch của thương mại hàng hải toàn cầu bao gồm cả việc vận chuyển dầu và khí tự nhiên. Vì lý do này, không chắc Trung Quốc sẽ cố gắng có bất kỳ hành động nào có thể bị coi là đe doạ tới an toàn hàng hải và vận chuyển qua Biển Đông.
Kể từ cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1995 - 1996, Trung Quốc đã tìm cách mở rộng sức mạnh hải quân ở chuỗi đảo đầu tiên ở tây Thái Bình Dương nhằm giữ chân Hải quân Mỹ. Nhờ có sự gây hấn của CHDCND Triều Tiên, Hải quân Mỹ đã trở lại tập trận ở các vùng biển gần kề Trung Quốc, củng cố liên minh Mỹ - Hàn cũng như Mỹ - Nhật.
Các diễn biến ở Đông Bắc Á kết hợp với tính hiếu chiến và cách hành xử ngoại giao gây bất mãn của Trung Quốc ở Đông Nam Á dường như là dấu hiệu của sự suy yếu hơn là sức mạnh.
Carlyle A. Thayer là giáo sư chính trị tại Đại học New South Wales, học viện Quốc phòng Australia ở Canberra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Có ý kiến gì không?