Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

'Chấn động' phố vàng

- Giá vàng trong nước mở cửa đầu tuần này tiếp tục gây “chấn động” khi tăng gần 2 triệu/lượng. Tuy nhiên, “phố vàng” như lắng dịu khi có thông tin NHNN sẽ can thiệp vào nhằm xoá bỏ cách biệt giữa giá vàng trong nước - thế giới, đồng thời các doanh nghiệp đã được nhập khẩu vàng theo quyết sách mới của NHNN: không giới hạn số lượng.


Lại lộn xộn vì vàng
Đầu giờ sáng nay, vàng nhanh chóng lập đỉnh mới 48,8 triệu đồng, tăng 500.000 đồng mỗi lượng so với mức cao nhất của tuần trước. Chưa dừng lại ở đó, giá vàng chính thức vượt ngưỡng cán 48,920 triệu đồng lúc hơn 8h19, và một tiếng sau đó, giá kim loại quý lui về 48,78 và 49,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) khi giá thế giới nhảy lên 1.906,89 USD/ounce.
Theo nhận định của Bảo Tín Minh Châu, nguyên nhân giá vàng tiếp tục tăng mạnh như vũ bão trong phiên thứ 2 của tuần này, là do tình hình tăng trưởng kinh tế cũng như món nợ khổng lồ tại châu Âu và một loạt ngân hàng trung ương các nước trên thế giới gia tăng việc thu gom mặt hàng kim loại quý này.
Cụ thể, Hàn Quốc mua thêm 25 tấn, Nga mua thêm 5,85 tấn, Thái Lan mua thêm 18,66 tấn. Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR cũng tăng lượng nắm giữ lên 1.281,76 tấn, sau khi mua vào 18,17 tấn vàng.
Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới dự báo, giá vàng sẽ còn tăng nữa cho đến khi kinh tế Mỹ, Nhật, EU phục hồi trở lại.
Việc dự báo vàng chạm mốc 50 triệu đồng một lượng chỉ còn là ngày một, ngày hai được giới đầu cơ tung ra đã khiến cảnh chen chúc bán bớt căng thẳng. Tuy nhiên tầng 1 của Bảo Tín Minh Châu quá tải, người bán thì ít, người mua nữ trang thì nhiều còn chủ yếu chỉ là những người cầm vàng đứng chờ giá.
Ảnh: Hồng Lê
Chị Nguyễn Hằng Hương, ở Long Biên, Hà Nội đang đứng chờ giá bên ngoài cho biết: “Sáng nay thấy bảng giá vàng nhảy lên gần 49 triệu, mình định bán đi mấy chỉ. Nhưng lại thấy mấy người nói, chỉ một hai hôm nữa giá nó còn lên 50 triệu, thậm chí 51 triệu chưa biết chừng. Nên mình lại thôi, chờ xem ngày mai giá cả thế nào thì mới quyết”.
Với những người đi bán thì tâm lý là vậy còn những người đi mua thì lại mua ào ạt, cốt mua được vàng lúc giá còn thấp, kể cả mua ngay ngoài lòng đường, ngã giá, trao tay mà không cần phải vào cửa hàng, miễn là vàng thật.
Khi thấy phóng viên giơ máy ảnh lên chụp, bà Mai Thị Tâm ở Lò Đúc, Hà Nội cương quyết không cho chụp ảnh, còn trò chuyện, đứng xem bà ngã giá người bán thì thoải mái. Khi vừa thấy chị Hằng Hương đứng đợi giá, bà lân la đến gạ mua, bằng cái giọng của “thương lái”: “Bán đi em, miễn là hàng chất lượng, cô sẵn sàng mua cho em bằng giá trong cửa hàng Bảo Tín này. Giá vàng thất thường lắm, giờ nó lên 49 triệu, nhưng biết đâu lát nữa nó chỉ còn 47 thôi. Em bán cho cô cho được giá, chứ đứng đây nắng nôi, bụi bẩn mà chẳng được gì”.
Mặc dù, nghe những lời nói mát tai của bà Tâm, nhưng chị Hương vẫn không bán, bà lại quay sang một người khác vừa tới cửa hàng.
Vàng SBJ của Sacombank niêm yết ở mức 48,41 triều đồng/lượng mua vào - 49,09 triệu đồng/lượng bán ra. Chênh lệch mua bán của thương hiệu vàng này được đẩy lên 650.000 đồng/lượng. Lúc 10h15 sáng nay, Công ty Phú Quý tại Hà Nội niêm yết giá vàng SJC ở mức 48,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,1 triệu đồng/lượng (bán ra). Trước đó, có lúc giá vàng bán ra tại doanh nghiệp này lên 49,15 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giữa các doanh nghiệp kim hoàn khác nhau đang có sự chênh lệch khá lớn về giá niêm yết. Cùng thời điểm 10h15, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC cho thị trường TP. HCM ở mức 48,550 triệu đồng/lượng ở chiều thu mua và 48,850 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Ổn định tỷ giá, mạnh tay với vàng
Thông báo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước trưa nay cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, từ mức 1.494USD/oz (ngày 01/7/2011) đã lên mức kỷ lục 1.869USD/oz (ngày 19/8/2011).  Nguyên nhân của việc giá vàng thế giới tăng cao là do lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và châu Âu, đặc biệt là việc Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm nợ công của Mỹ đã khiến giá vàng thế giới từ ngày 8/8/2011 tăng mạnh.Cùng với biến động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng đã tăng theo.
Tuy nhiên, từ thời điểm đầu tháng 7 đến đầu tháng 8, do nhu cầu vàng trong nước luôn ở mức thấp, tốc độ tăng của giá vàng trong nước chậm hơn giá vàng thế giới, do đó, có thời điểm, giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới 700.000-800.000 đồng/lượng. Hiện tượng này là do chính sách tiền tệ chặt chẽ đã tạo ra sức hấp dẫn trong việc nắm giữ tiền Đồng cho người dân, khuyến khích người dân bán vàng lấy tiền gửi tiết kiệm. Trước diễn biến bất thường của thị trường vàng trong nước, NHNN đã triển khai các biện pháp để bình ổn thị trường vàng.
Ảnh: Lao Động

Cụ thể, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và ban hành Thông tư số 111/2011/TT-BTC, trong đó quy định sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu một số mặt hàng vàng theo đề nghị của NHNN: áp thuế 10% đối với các loại vàng thành phẩm có hàm lượng vàng từ 80% trở lên.
Ngày 09/8/2011, để ổn định tâm lý người dân và bình ổn thị trường vàng trong nước, NHNN đã cấp phép nhập khẩu vàng cho một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, đồng thời, yêu cầu các đơn vị này phải khẩn trương bán vàng ra thị trường để tăng nguồn cung, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, đối với thị trường ngoại hối, trong tuần qua, do giá vàng trong nước tăng mạnh trước biến động của giá vàng thế giới, tỷ giá trên thị trường ngoại hối có dấu hiệu tăng nhẹ. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp ổn định thị trường vàng, NHNN đã thực hiện một số biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá, đưa tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường liên ngân hàng về dưới mức trần tỷ giá cho phép, như: điều hành linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát hoạt động mua bán ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do.
Quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN trong những tháng cuối năm 2011 là; ổn định tỷ giá; đảm bảo giá vàng trong nước diễn biến sát với giá vàng thế giới, chống đầu cơ làm giá trên thị trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cán cân thanh toán tổng thể trong những tháng vừa qua và dự báo những tháng cuối năm cho thấy cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư từ 2,5 đến 4,5 tỷ USD. Giá trị, vị thế của đồng Việt nam đã được củng cố, so sánh tương quan giữa nắm giữ, đầu tư bằng VND và ngoại tệ cho thấy ưu thế nghiêng hẳn về phía VND. Dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng lên đáng kể, dư sức để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống. Hoàn toàn có cơ sở kinh tế để đảm bảo ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm 2011.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ổn định tỷ giá cũng sẽ là cơ sở quan trọng để bình ổn giá vàng theo hướng làm cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế. NHNN theo dõi sát sao biến động giá vàng trong và ngoài nước. Bên cạnh việc chủ động, kịp thời cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng cần thiết để tránh đầu cơ làm giá trên thị trường trong nước. NHNN sẽ có cơ chế phù hợp để các TCTD có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có tron nước để can thiệp bình ổn thị trường.
Thời gian qua NHNN đã cấp hạn mức nhập vàng 5 tấn, nhưng thực tế các đơn vị mới chỉ thực nhập gần 3 tấn. Với các giải pháp của NHNN thời gian qua cũng như thời gian tới có thể khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát để đảm bảo diễn biến của giá vàng trong nước theo sát giá vàng quốc tế, chống đầu cơ, làm giá ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Tuy nhiên, với cơn sốt vàng diễn ra ngày 22/8 thì NHNN đã có sự can thiệp kịp thời nhằm làm dịu cơn “sóng vàng” đang dâng cao. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết: “Quan điểm NHNN đưa ra là việc can thiệp thị trường sẽ kéo dài và diễn ra tại nhiều thời điểm sao cho giá vàng trong nước bám sát thị trường thế giới.

Ngân hàng Nhà nước có thể giữ vàng cho dân

Cân đối xuất nhập khẩu chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các kế hoạch đồng bộ, trong đó có cả việc huy động nhằm giữ vàng thay dân, bình ổn thị trường và tăng nguồn lực quốc gia, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Nhật Minh
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Nhật Minh
Có mặt tại buổi giao ban báo chí thường kỳ của Bộ Thông tin Truyền thông để chia sẻ về tình hình thị trường vàng và hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình thừa nhận những diễn biến phức tạp thời gian qua.
Cùng với việc giá thế giới tăng vọt (có lúc đã lên tới 1.917 USD một ounce) thị trường trong nước cũng biến động mạnh. Đáng ngại là việc giá trong nước nhiều lúc không biến động với biên độ lớn hơn nhiều so với thế giới, có lúc hơn 1,2 triệu đồng một lượng.
“Kinh nghiệm cho thấy nếu giá trong nước cao hơn thế giới trên 400.000 đồng là không ổn, bắt đầu có hiện tượng đầu cơ, làm giá. Dưới mức này thì chấp nhận được”, Thống đốc khẳng định.
Giá vàng tăng cao thời gian qua, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, có nguyên nhân chính là diễn biến thế giới, khi giới đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và châu Âu, đặc biệt là việc Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm nợ công của Mỹ.
Theo Thống đốc, do Việt Nam là một nước tiêu thụ vàng, không có mỏ khai thác lớn nên không thể có nhiều vàng để bán ra can thiệp. Số vàng hiện nay chủ yếu là nhập khẩu, nên nhiệm vụ trước mắt là điều hành làm sao để giá trong nước hài hòa với thế giới ở mức độ cho phép. Nếu mức chênh lệch quá cao sẽ dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm giá.
"Quan điểm chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm 2011 là ổn định tỷ giá, đảm bảo giá vàng trong nước diễn biến sát với giá vàng thế giới, chống đầu cơ làm giá trên thị trường", ông Bình nói.
Ông cho biết thêm Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cho nhập khẩu vàng khi cần thiết để bình ổn thị trường. Việc nhập khẩu này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới cán cân ngoại thương, bởi cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư 2,5-4,5 tỷ USD.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, không có chuyện thua lỗ trong đợt nhập vàng vừa qua. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ cho nhập khi thấy xu hướng còn lên. Trong số quota 5 tấn đã cấp, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 3 tấn.
Để bình ổn thị trường vàng trong trung và dài hạn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước đang triển khai hai công việc quan trọng. Trước hết là hoàn tất nghị định quản lý kinh doanh vàng theo hướng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quản lý nhà nước, đảm bảo lợi ích của người nắm giữ vàng cũng như hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Dự thảo nghị định đã được hoàn tất và gửi tới các bộ, ngành để trưng cầu ý kiến, trong đó khẳng định chủ trương hạn chế kinh doanh, sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ quan đầu mối tổ chức hoặc cấp phép sản xuất vàng miếng. Việc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất sẽ tùy thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ, nhưng Thống đốc khẳng định sẽ rất hạn chế.
Liên quan tới khâu lưu thông, Ngân hàng Nhà nước dự kiến chỉ cho một số ít doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có kinh nghiệm thực hiện mua bán vàng miếng với tổ chức, cá nhân, nhằm thu hẹp đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi đối với việc quản lý hoạt động mua bán này.
Đề án thứ hai được Thống đốc đặt nhiều hy vọng, đó là đưa ra giải pháp tổng thể cho thị trường, làm sao để phát huy tối đa số vàng đang nằm trong dân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lượng vàng trong nền kinh tế hiện khoảng 300-500 tấn. Khi các ngân hàng được phép huy động, cho vay và hoán đổi vàng thành vốn tiền đồng để kinh doanh, thời cao điểm, 50-60% số vàng này nằm trong hệ thống ngân hàng. Nhưng để hạn chế rủi ro, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước cấm hoạt động này. Giao dịch vàng tài khoản, đặc biệt là giao dịch tài khoản ở nước ngoài, các ngân hàng cũng phải dừng triển khai.
“Người có vàng mà chỉ cất giữ ở nhà sẽ gây rủi ro cho bản thân họ và và xã hội, đồng thời số vốn nằm chết trong vàng không được phát huy. Giờ nếu cho ngân hàng huy động mà không cho vay ra, thì cũng lãng phí hoặc họ sẽ phải tìm cách này hay cách khác để kinh doanh. Nếu kinh doanh có hiệu quả như chúng ta mong muốn thì tốt, nhưng cũng rất rủi ro. Vậy tại sao không để Ngân hàng Nhà nước thay mặt nhà nước huy động số vàng đó? Dân sẽ có chỗ gửi vàng an toàn mà Nhà nước lại tận dụng được để tăng dự trữ ngoại hối, khi cần có thể chuyển đổi ra đồng vốn kinh doanh hoặc can thiệp thị trường khi cần thiết”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đặt vấn đề.
Dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ huy động vàng trong dân thông qua hệ thống đại lý của mình là các tổ chức tín dụng. Theo tính toán của ông Bình, lượng vàng Ngân hàng Nhà nước có thể huy động trong dân ít nhất cũng phải tương đương số vàng mà dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng trước đây, trên dưới 130 tấn, tương đương 10 tỷ USD.
“Để triển khai đề án này còn cần nhiều vấn đề kỹ thuật cần xử lý, nhưng đề án này cùng với nghị định vàng sẽ giúp đảm bảo tối đa quyền lợi người dân, bình ổn thị trường, tạo nguồn lực quốc gia”, ông nói.
Về tình hình hoạt động ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, kể từ tháng 4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng ngoại tệ lớn, trên 6 tỷ USD. Tỷ giá ngân hàng lần đầu tiên sau nhiều tháng đã nằm dưới giá trần. Tình hình thanh khoản tiền đồng đang được cải thiện đáng kể. Đến nay, vốn của các tổ chức tín dụng đã ở mức đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.

Dân đổ xô mua vàng, cửa hàng hạn chế giao dịch

Cảnh chen lấn mua vàng lại tái diễn tại nhiều điểm kinh doanh Hà Nội chiều nay, khi vàng tăng lên trên 48,8 triệu đồng. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, tránh rủi ro do bị làm giá, đầu cơ.

Người dân xếp hàng chờ đến lượt mua bán vào chiều nay, khi giá lên 48,8 triệu đồng. Ảnh: Công Tâm.
Người dân xếp hàng chờ đến lượt mua bán vào chiều nay, khi giá lên 48,8 triệu đồng. Ảnh: Công Tâm.
Phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) chiều nay gần như nghẹt thở. Trong cái nắng oi gay gắt, hàng trăm người đứng chờ đến lượt vào mua bán vàng. Các cửa hàng hết sạch chỗ gửi xe. Ngay cả điểm trông tư nhân bên cạnh cũng không còn một chỗ trống.
Tầng một quá tải, khách hàng được giới thiệu lên tầng 2. Dù thế, không khí mua bán tại đây vô cùng ngột ngạt khi 50-60 người ken nhau trong căn phòng rộng khoảng chục mét vuông để đợi đến lượt mua bán. Ba hàng dài, mỗi hàng khoảng 12-13 người đứng chen nhau từ khu vực viết hóa đơn đến tận chân cầu thang. "Vã mồ hôi", "sốt vì vàng"... là những cụm từ được khách hàng than thở mỗi khi có người hỏi giá lên hay xuống.
Rất nhiều người đứng xếp hàng đã phải bỏ về vì không đủ kiên nhẫn chờ đến lượt trong khi cửa hàng này tuyên bố tạm ngưng bán ra. Bảng giá không nhảy liên tục, nhưng cửa hàng luôn trong xu hướng đẩy giá bán ra cao lên. Lúc gần 15h30, các tiệm vàng tại đây thông báo giao dịch ở 48,15-48,2 triệu đồng chiều thu mua, bán ra là 48,75 triệu đồng. Nhưng ngay sau đó, lúc 15h45, giá đồng loạt đẩy lên 48,85 triệu đồng bán ra, chiều thu mua giữ nguyên.
Một số điểm kinh doanh tại đây ngay sau đó đã ngưng bán hàng. Nhiều khách hàng bức xúc cho biết đợi mất hơn một tiếng mà không mua được chỉ vàng nào. Những người có vàng mang đi bán ngay lập tức trở thành tâm điểm.
"Em bán mấy chỉ, đưa chị xem, nếu đúng là vàng thật, chị mua luôn, bằng giá cửa hàng", một người phụ nữ đến mua vàng tại Bảo Tín Minh Châu chiều nay nói với cô gái trẻ mang vàng đi bán.
Cảnh mua bán trao tay diễn ra công khai bởi nhiều người quá hào hứng mua vào. Mua được một cây vàng từ người phụ nữ trạc 50 tuổi đang có nhu cầu bán ra, bác Chính (ở đường Tràng Thi, Hà Nội) cho hay, thay vì phải mua với giá 48,70 triệu đồng, bác chỉ phải trả 48,20 triệu. Cuộc mua bán diễn ra ngay trước cửa hai tiệm vàng lớn tại phố Trần Nhân Tông khiến cho nhiều người lo ngại, bác có thể gặp rủi ro mà mua phải vàng giả, thiếu tuổi hoặc vàng không phải thương hiệu.
So với đầu tuần trước, mỗi lượng vàng đã tăng hơn 4 triệu đồng. Ảnh: Tuệ Minh.
So với đầu tuần trước, mỗi lượng vàng đã tăng hơn gần 5 triệu đồng. Ảnh: Tuệ Minh.
Đến 16h30 chiều nay, mỗi lượng vàng đã vọt tăng 800.000 đồng so với sáng, đẩy giá lên kỷ lục trong lịch sử: 48,80 triệu đồng. Và tính trong vòng một tuần, mỗi lượng vàng đã đắt lên gần 5 triệu đồng. Mức tăng đột biến nhất diễn ra từ hôm 19/8, khi các doanh nghiệp trong nước đồng loạt chốt giá đầu ngày ở 46,35-46,85 triệu đồng. Ngay sau đó, giá luôn duy trì trên ngưỡng 46 triệu đồng, thời điểm thấp nhất cũng đạt 46,25-46,45 triệu đồng một lượng vào giữa phiên 19/8.
Biên độ mua bán cũng liên tục "nhảy nhót". Trước đó, phần lớn các doanh nghiệp nới ra khá rộng, có thời điểm trên 1 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đầu tuần trước đến cuối tuần, các đơn vị kinh doanh đều co hẹp khoảng cách mua bán, như là một cách kích thích giao dịch. Hôm 19/8 là thời điểm biên độ này chênh nhau lớn nhất nhưng cũng chỉ đạt 500.000 đồng. Sáng nay (22/8), một số đã có động thái thu hẹp, có lúc chỉ còn 150.000 đồng và được giải thích là một cách đẩy giao dịch sôi động hơn.
Tuy nhiên đến chiều nay, khi giá chốt ở 48,2-48,8 triệu đồng, biên độ chênh lệch mua bán lại nới lên: 600.000 đồng một lượng. Điều này được một số doanh nghiệp giải thích là để đảm bảo an toàn trong mua bán.
Ông Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Bảo Tín Minh Châu xác nhận việc đẩy biên độ cao lên cũng một phần vì doanh nghiệp không còn đủ vàng để đáp ứng nhu cầu. Viết phiếu hẹn khách, hạn chế bớt giao dịch là hai trong số nhiều cách để khiến thị trường dịu bớt.
Giá tăng cao chưa từng có từ trước đến nay khiến người dân TP HCM cũng nao núng tâm lý. Một số người bắt đầu đi mua vào, bên cạnh số ít bán ra, khiến giao dịch ngoài thị trường ngày hôm nay tương đối sôi động. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, phụ trách Phòng kinh doanh vàng của Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ cho biết, hôm nay được coi là một ngày sôi động nhất trong vòng nửa tháng trở lại đây.
Theo ông Trọng, có thể do chứng kiến sức nóng của thị trường vàng thế giới và dự báo của nhiều chuyên gia cho rằng giá quốc tế sẽ còn đi lên 2.000 thậm chí 3.000 USD nên không ít người đã mạnh dạn bung tiền ra mua vàng dù giá cao chót vót. Trong ngày hôm nay, toàn hệ thống PNJ đã bán ra 3.000 lượng, trong khi mua vào khoảng 500 lượng.
Anh Khánh, một khách đang mua vàng tại cửa hàng PNJ trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 cho biết, anh đã theo dõi giá vàng nữa tháng nay mà chưa dám mua. Tuy nhiên, đến hôm nay anh rút ra được kết luận, giá vàng chỉ có đi lên chứ xuống không đáng kể. "Nếu tôi mua ở thời điểm đầu tháng 8, giờ mỗi lượng vàng đã lời gần 8 triệu đồng. Nay quyết định mua vào và không chần chờ nữa", anh cho biết.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, không khí mua bán chiều nay cũng khá nhộn nhịp. Tại phòng kinh doanh, người ra vào không ngớt. Có người mang bọc tiền to tới mua cả chục cây vàng cùng lúc, số khác thì mua lẻ vài cây.
Tuy nhiên, tại các tiệm vàng nhỏ lẻ không khí lại khá trầm. Ghi nhận ở hiệu vàng Kim Dung, trên đường Lê Lợi quận 1, tròn ngày hôm nay, bảng giá thì liên tục được cập nhật nhưng khách ra vào khá thưa thớt. Thỉnh thoảng mới có vài khách ghé vào mua bán vài chỉ vàng nhẫn trơn. Theo lời chủ hiệu, lượng khách trong ngày hôm nay không có gì đột biến so với những ngày thường.
Tương tự, tại hiệu vàng Kim Thành, gần chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh, khách hàng cũng có ra vào nhưng không quá đông. Xu hướng mua bán cũng không được xác định rõ ràng. Nhiều người thì đến mua vàng miếng, trong khi lượng khách khác bán ra chủ yếu là nữ trang.
Thị trường quốc tế, trong vòng 30 ngày, giá cũng gần như "điên loạn". Từ mốc 1.600 USD hôm 21/7, đến đầu giờ chiều, giá đã vượt 1.890 USD, tăng mạnh gần 300 USD mỗi ounce. Tuy nhiên, từ 17h, vàng giao ngay trên bảng điện tử Kitco.com bắt đầu giảm và chỉ còn 1.866 USD một ounce. Dẫu vậy, các doanh nghiệp trong nước vẫn chốt ngày ở mức giá cao, có nơi đến 48,8 triệu đồng một lượng.
"Người dân hẫy hết sức bình tĩnh trước biến động của giá vàng, tránh tình trạng rủi ro vì bị làm giá, đầu cơ", Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM Nguyễn Hoàng Minh nói với VnExpress chiều 22/8. Ông cho biết thêm, chậm nhất trong sáng mai, Ngân hàng Trung ương sẽ công bố cách hành xử với diễn biến giá vàng hiện nay.

Giá vàng đang giảm nhanh

Sức ép giảm giá trên thế giới, cùng thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước giúp thị trường chiều nay hạ nhiệt. Gần 16h, giá vàng miếng SJC xuống dưới 48,5 triệu đồng, giảm trên dưới 500.000 đồng mỗi lượng so với buổi sáng.

Sau hai ngày biến động, giá vàng đã giảm nhẹ. Ảnh: Công Tâm.
Sau hai ngày biến động, giá vàng đã giảm nhẹ. Ảnh: Công Tâm.
Lúc 15h50, giá vàng SJC tại TP HCM là 48,15-48,45 triệu đồng một lượng và tại Hà Nội là 48,15-48,47 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra), thấp xa so với mức mở cửa đầu ngày là 48,6-48,9 triệu đồng một lượng.
Các doanh nghiệp khác chiều nay cũng niêm yết mua bán vàng miếng ở 48,2-48,52 triệu đổng, giảm 400.000 đồng chiều mua và bán so với giá đầu ngày. Nếu so với mức giá kỷ lục lúc 11h trưa là 48,8 triệu đồng mua vào, 49,1 triệu đồng bán ra, mỗi lượng vàng chiều nay đã tuột mất 600.000 đồng.
Biên độ mua bán chiều nay được các đơn vị kinh doanh điều chỉnh giảm so với sáng, phổ biến ở mức 300.000 đồng. Chênh lệch giữa thế giới và trong nước càng về chiều, càng thu hẹp hơn. Giá thế giới giữa giờ chiều đứng ở 1.880 USD, tương đương với 47,3 triệu đồng. Như vậy, chênh lệch trong nước - thế giới chỉ còn khoảng 800.000 đồng, thay vì mức hơn 1 triệu đồng một lượng hôm qua.
"Giá trong nước vênh 400.000 đồng một lượng cho thấy bắt đầu có dấu hiệu đầu cơ, làm giá. Chênh lệch dưới 400.000 đồng, giới đầu cơ, làm giá không có lãi", Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ do Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức sáng nay.
Nhìn nhận thực trạng thị trường có đầu cơ và mất cân đối cung cầu cục bộ, Thống đốc cho biết sẵn sàng cấp quota nhập khẩu nếu thấy cần thiết để bình ổn giá trở lại. Và về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các biện pháp tổng thể, trong đó có phương án huy động vàng của dân.
Thông điệp của Thống đốc được cho là giúp thị trường hạ nhiệt phần nào sau cơn sốt. Nhưng nhân tố chính vẫn là diễn biến thế giới, đặc biệt khi giá vàng quốc tế dần tuột khỏi các mốc 1.890 rồi 1.880 USD một ounce.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?