Những bức ảnh trên được chọn lọc từ gần 300 bức ảnh trong cuốn sách ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Cục Thông tin đối ngoại phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông sắp ra mắt độc giả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết lời tựa cho cuốn sách ảnh, nhấn mạnh: "Với gần 300 bức ảnh chọn lọc, cuốn sách ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã phác họa khá đầy đủ và chân thực bức chân dung sống động về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng tài ba, một nhà cách mạng nổi tiếng, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con ưu tú của dân tộc, được nhân dân cả nước yêu mến và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ."
Giáo sư Vũ Khiêu viết trong lời giới thiệu cuốn sách cũng ca ngợi vị Đại tướng huyền thoại rằng : "Trong lịch sử vẻ vang của ngàn năm Thăng Long-Hà Nội, thì trăm năm cuối cùng trong ngàn năm ấy là trăm năm quan trọng nhất, khó khăn nhất nhưng lại rực rỡ nhất, thành công nhất. Trong một trăm năm này, nổi bật lên hình ảnh chói lọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh và sau đó là hình ảnh rực rỡ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với các nhà lãnh đạo lỗi lạc của dân tộc. Trong các vị nói trên, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người duy nhất sống trọn 100 năm, 1/10 lịch sử của Thăng Long ngàn năm tuổi. Tôi nghĩ có lẽ đó là vinh dự mà lịch sử dành riêng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.”
Giáo sư Vũ Khiêu nhận xét phẩm chất tinh thần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ đọng lại ở trong lòng mọi người mà còn thể hiện thành hình ảnh sống động của Đại tướng trong mỗi bức tranh, mỗi bức ảnh được treo ở nhà, hoặc lưu giữ trong cuốn sưu tập ảnh của gia đình.
Tổng thống Thuỵ Sĩ thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2008. Ảnh: Vietnamnet |
Triển lãm do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, sẽ kéo dài đến 3/9/2011.
“Vị Nguyên soái vĩ đại của thế kỷ XX”
Sáng 21/8, gia đình và văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức lễ mừng thọ nhân dịp kỷ niệm Đại tướng tròn 100 tuổi.
Buổi lễ diễn ra ấm cúng, thân mật, với sự tham dự của nhiều giáo sư, chuyên gia trong lĩnh vực sử học, giáo dục, những người bạn lâu năm của Đại tướng, những tướng lĩnh, đồng đội thân thiết và nhiều văn nghệ sĩ.
Những cuốn sách, những bài thơ, bức ảnh, tượng đã được trân trọng trao tặng cho gia đình Đại tướng. Trong đó, đáng chú ý có cuốn sách Commanders của Hoàng gia Anh, tuyển chọn và giới thiệu những vị tướng trong lịch sử quân sự thế giới từ 1500 năm trước Công nguyên đãc trang trọng dành riêng 4 trang để giới thiệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay bức thư của GS.TS Khoa học Chính trị Burkhanov của Cộng hoà Kazakhastan đã tôn vinh Đại tướng là "Vị Nguyên soái vĩ đại của thế kỷ XX”.
Đây chỉ là một phần trong những tình cảm yêu quý mà người dân cả nước và bạn bè thế giới đã dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi như GS Phan Ngọc trong buổi lễ đã nói: “Nói thế nào cũng không hết, viết thế nào cũng không đủ” về Đại tướng trăm tuổi của Việt Nam và thế giới
100 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Võ công nết đất, nhân văn tính trời
Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là"... gặp nhau trong vị lão tướng huyền thoại ấy. Trong "cõi người" mông lung, khi mà "thất thập" đã là "cổ lai hy", mấy ai được hưởng tuổi trời trọn vẹn. Thế mà vị lão tướng huyền thoại của ta đang ung dung vào tuổi một trăm trọn vẹn để chúng ta hôm nay sung sướng được chúc mừng ngày sinh của ông vào 25.8.2011 này. Con người ấy đã là một chứng nhân hiếm hoi từ buổi bình minh của thế kỷ XX kéo dài sang những thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ hai với thế kỷ XXI đầy những biến động dữ dộị trong lịch sử loài người. Là chứng nhân của lịch sử, nhà giáo dạy lịch sử ấy cũng chính là người đã góp phần viết nên lịch sử của Việt Nam và của thế giới.
Góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc ta thì rõ rồi. Nhưng góp vào những trang sử của thế giới? Sao không!
Năm ngoái, mừng ngày sinh Đại tướng tại nhà riêng, Hội sử học đã mang đến tặng một cuốn sách vừa xuất bản ở Luân Đôn, tôn vinh 59 vị tướng lừng danh qua mọi thời đại tự cổ chí kim mà người viết này đã có dịp nói đến, Võ Nguyên Giáp là vị danh tướng duy nhất còn có dịp nhận để tự đọc được tên tuổi và sự nghiệp hiển hách của mình trong cuốn sách tuyệt vời đó. Có lẽ khó để tim ra một người thứ hai trên thế giới, như anh Văn kính yêu của chúng ta, vị lão tướng huyền thoại đang là biểu tượng cho bản lĩnh, khí phách, trí tuệ Việt Nam, niềm tin của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.
"Trong cõi người ta" có lẽ cũng chẳng có nơi đâu trên thế giới này từ tướng lĩnh đến chiến sĩ, các cựu chiến binh cũng như những người quen biết vị tướng huyền thoại ấy lại thích được gọi cái tên thân mật của vị Tổng Tư lệnh là anh Văn.
Tháng 9/2007, ông Raymond Aubrac, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam cùng con gái Elizabeth, con nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Việt Nam. Ông Aubrac cùng con gái đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 2/9/2007. Ảnh triển lãm |
Liệu có ngẫu nhiên không, khi nhận sứ mệnh thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Võ Nguyên Giáp lại lấy bí danh là Văn. Có thể là ngẫu nhiên khi người trí thức họ Võ lại được lịch sử trao cho một sự nghiệp cầm quân đánh giặc, một "võ công". Bi ẩn của lịch sử thì cũng khó mà phân bua, giãi bày cho rành rẽ. Nhưng có lẽ điều nói dưới đây, một hiện tượng lịch sử thanh thiên bạch nhật rõ ràng này thì lại pha chút huyền ảo : xin học đòi Nguyễn Du mà nói rằng, "Võ công nết đât, nhân Văn tính trời"!
Hình ảnh người dân công nhảy từ dưới chiến hào lên "xin bắt tay Đại tướng một cái" và nụ cười hiền hậu của vị Tư lệnh chiến trường Điện Biên phủ trên đường vào thị sát chiến trường sau khi dứt tiếng súng dừng lại vủi vẻ nói chuyện với con người bình thường đã góp phần làm nên chiến thắng đã là một hình ảnh Việt Nam tuyệt đẹp.
Bỗng nhiên, muốn gợi lại đây hình ảnh cũng của một vị danh tướng trong cuốn sách trên, Napoléon, mà Cao Huy Thuần có nói đến trong một bút ký rất hay anh vừa gửi tặng kịp lúc tôi nhập viện. Đây là hình ảnh Napoléon qua thơ Victor Hugo :
"Cùng với tuyết trời kia yên tĩnh
Dệt khăn tang hàng vạn tàn binh,
Trước tàn quân lưa thưa trên tuyết
Người vinh quang run rẩy nhìn trời
Nói gì đây một câu sám hối
"Phải chăng trừng phạt hỡi trời?"
Napoléon tên ông ai gọi
Nghe mơ hồ ai nói với ông :
Không.
Và Cao Huy Thuần bình: Trời không dung. Bởi vì thanh gươm của ông đâm vào tự do của các dân tộc. Bởi vì thanh gươm của ông đâm vào tự do. Nhưng thôi, xin trở lại với ngày vui của ta.
Người Tổng Tư lệnh thống lĩnh toàn quân ấy hiểu hơn ai hết, những người lính răm rắp theo lệnh của ông trên mọi chiến trường, tuyệt đại bộ phận là người nông dân.
Có lần đang nghỉ ở Cửa Lò, biết chúng tôi cũng đang có cuộc hội thảo tại đó, ông cho mời anh Việt Phương và tôi đến nói chuyện. Với tôi, ông muốn nghe vắn tắt những khảo sát xã hội học về nông thôn "Anh Tô có nói với tôi là đã nghe anh trình bày về Thái Bình, công việc ấy hiện đang tiếp tục ra sao", ông hỏi.. Trong câu chuyện, tôi vô tình nhắc lại "vấn đề dân cày" mà Qua Ninh và Vân Đình đặt ra từ những năm 40 dường như vẫn còn mang tính thời sự, đặc biệt là "nạn cướp đất làm đồn điền" của thời mồ ma thực dân, phong kiến nay lại đang có những biến thái mới, tinh vi hơn cũng có và trắng trợn hơn cũng có. Ông ra hiệu dừng lại :"Anh cũng có đọc quyển đó à. Tôi thì không còn kiếm đâu ra cả" [Sau đó tôi đã phôto mang đến đặt vào giá sách của ông] Và rồi ông trầm ngâm "Chúng ta đang làm quá ít cho nông dân, anh phải tiếp tục công trình nghiên cứu của anh". Nhân ông có nhắc đến, tôi thưa lại với ông lời uốn nắn của Bác Phạm Văn Đồng khi tôi phân tích về những xung đột dẫn đến bạo động tại Quỳnh Phụ dạo ấy chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chứ không có chuyện kẻ địch nào ở đây "Cũng không mâu thuẫn nội bộ nhân dân nào đây cả. Phải vạch rõ đây là mâu thuẫn giữa một bên là bộ phận cầm quyền thoái hóa, biến chất tham nhũng ức hiếp dân, với một bên là người dân không thể cam chịu mãi. Có phân tích đúng như thế mới có giải pháp đúng được". Bác Tô dằn tay xuông bàn, khẳng định.
Ông nói "Có lần tôi đã đọc ý này trên một bài viết của anh, nhưng rồi sao nữa, chúng ta đã làm gì. Tôi nhận được không biết bao nhiêu thư của cựu chiến binh về đời sống của họ, về thực trạng đời sống nông thôn".
Mà đâu chỉ là mối quan tâm đến người nông dân, còn nhớ dao ông đang còn đảm nhận chức trách Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học và Giáo dục ông cho gọi tôi đến yêu cầu có một công trình nghiên cứu về chiến lươc con người. Biết sức mình không kham nổi một công việc quá lớn, tôi từ chối và giới thiệu cách làm khác, ông không vui. "Tôi gọi anh vì biết anh đã trực tiếp tiếp thu và tích lũy được nhiều chỉ dẫn của anh Ba Duẩn trước đây về chủ đề rất quan trọng này." Tôi trả lời "Điều đó có nhưng sức tôi chưa theo kịp ý tưởng của anh Ba, chỉ mới ở dạng ghi chép thô để làm tư liệu. Muốn thành hình hài một công trình nghiên cứu còn đòi hỏi nhiều cái khác nữa mà hiện tôi chưa có được". Ông không ép và chỉ thị cho anh Huân (?) tiếp nhận những tư liệu tôi đã chuẩn bị, còn dăn nhớ trả lại cẩn thận. "Đây là vấn đề của vấn đề. Anh, cũng như những nhà khoa học xã hội khác phải dồn sức cho vấn đề lớn này, không có một chiến lược con người đúng đắn , đáp ứng được đòi hỏi của thời đại, chúng ta sẽ còn tụt hậu kéo dài, không chỉ với thê giới mà ngay cả với khu vực. Phải tập hợp cho được người giỏi mà làm, nhât quyết làm". Nhưng thưa anh, tôi chen vào, "ở đây còn chuyện "làm được và được làm" nữa ạ." Biết ông đã hiểu tôi định nói gì, tôi mạnh dạn bộc lộ "không tháo gỡ những trói buộc, o ép về tư tưởng như hiện nay trong nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học xã hội thì khó mà người giỏi có thể làm việc được.
Ông trầm ngâm. Tôi biết ông đang nghĩ gì nhưng chưa tiện nói ra. Thì cũng giống như dạo tháng 8 năm 2009, khi bắt tay tiễn tôi ra về, ông còn khẽ khàng "Sáu Dân mất thế mà đã một năm rồi đấy nhỉ!".Tôi hiểu có câu này vì cách đó hai năm, năm 2007 tôi được ông gọi ra để hỏi tình hình sức khỏe anh Sáu Dân, khi tôi xin phép về, ông năm tay tôi nói khẽ: "Nói Sáu Dân về nhà mà nằm".
Chao ôi, anh Văn kính yêu của tôi, trái tim tôi như bóp chặt lại, nghẹn ngào xúc động trước nỗi ưu tư và tấm lòng nhân hậu của vị lão tướng đang là biểu tượng của niềm tin và sức mạnh Việt Nam vào lúc này. Trong một bài báo gần đây, tôi viết "lời ông là lời non nước".
Khi sơn hà nguy biến, sóng biển Đông đang giận dữ dập dồn, lời non nước ấy đang được đáp ứng thế nào đây?
Chủ tịch nước: Tên tuổi Tướng Giáp mãi đi vào lịch sử
Trong sổ bút tích, Chủ tịch nước ghi:"Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Tên tuổi, công lao của đồng chí mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, của quân đội nhân dân Việt Nam, của những vị tướng tài ba, lừng lẫy trên thế giới. Tổ quốc, nhân dân và Đảng kính yêu mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng chí".
Chủ tịch nước tham quan triển lãm. |
Tự nhận để chuẩn bị cho thấu đáo dễ phải mất 1-2 năm, song Ban tổ chức triển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp không muốn lỡ thời điểm lịch sử - sinh nhật ông lần thứ 100.
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam (bên trái Đại tướng, đứng thứ 4 từ trái sang) quan sát Đại đội 6 Trung đoàn 233, Đoàn Cao xạ Đống Đa huấn luyện (Tết Mậu thân năm 1968). Ảnh triển lãm. |
Triển lãm khai mạc cùng với ấn bản phẩm cùng tên ra mắt chiều 22/8 tại Hà Nội, nói như Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, đó là món quà ý nghĩa gửi tặng chúc sức khỏe thượng thọ trăm năm tuổi tới Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội. Ảnh triển lãm. |
Hai vị du khách nước ngoài, do lý do an ninh chuẩn bị cho buổi khai mạc với sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã kiên nhẫn chờ đợi ở cửa hơn 1 tiếng đồng hồ cho đến khi triển lãm được mở cửa chính thức đón khách tham quan. Họ cũng như nhiều du khách nước ngoài khác biết đến cái tên: Võ Nguyên Giáp với vai trò lịch sử huyền thoại trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.
Trên đường đi Chiến dịch Biên giới, Đại tướng thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1950). Ảnh triển lãm. |
Gọi triển lãm ảnh về Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là "triển lãm của nhân dân" đúng về nhiều nghĩa. Bởi, nguồn ảnh tư liệu quý giá sử dụng tại đây được khai thác từ trong nhân dân, đồng bào, đồng đội của ông cùng nhiều ảnh tư liệu vô danh, ảnh khai thác từ nguồn bảo tàng, báo chí thông tấn.
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ảnh triển lãm. |
Nhà văn Mỹ Lady Borton, người hiệu đính tiếng Anh cho cuốn sách Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, nói rằng bà khâm phục vị Đại tướng huyền thoại bởi "ông từ nhân dân mà ra".
Đại tướng thăm Đền Hai Bà Trưng, Hát Môn, Phúc Thọ (Hà Tây cũ), một lão nông tặng đĩa bánh trôi tượng trưng cho lòng kính trọng của dân làng đối với người có công với dân, với nước. Ảnh triển lãm. |
Cũng là người từng dịch, hiệu đính cho cuốn sách Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: "Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử", nữ nhà văn người Mỹ nói rằng bà được tiếp cận nhiều nguồn tư liệu cả từ trong Việt Nam và nước ngoài, nhận thấy rằng vị Đại tướng đã luôn suy nghĩ vì nhân dân với chân lý: có dân là có tất cả.
Cựu quân nhân tham quan triển lãm |
Một người không được đào tạo chính quy trong trường quân sự nhưng đã vinh danh từ những chiến công lịch sử, mà chiến công đó không thể có được nếu không có nhân dân, những đồng bào, đồng đội của ông.
Vì ngưỡng mộ và cũng xuất phát từ niềm đam mê nghiên cứu, nữ nhà văn Mỹ đã không quản công tìm kiếm những tài liệu ở nước ngoài viết về Đại tướng, Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam để dịch và trao cho gia đình ông.
Đại tướng gặp Bùi Duy Ly, phóng viên ảnh chiến trường Báo Quân đội nhân dân. Ảnh triển lãm. |
Rất nhiều cựu quân nhân đã đến triển lãm. Nhiều người chỉ từng gặp Đại tướng một lần trong cuộc đời, có người không có dịp, có người mang nhiều kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng.
Tháng 9/2007, ông Raymond Aubrac, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam cùng con gái Elizabeth, con nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Việt Nam. Ông Aubrac cùng con gái đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 2/9/2007. Ảnh triển lãm. |
Ông Đào Đình Hy, cựu chiến sĩ phòng không có vinh dự 2 lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1973 và năm 1976, nói ông ấn tượng nhất đôi mắt của Đại tướng. "Đó là đôi mắt sắc sảo, mang cái nhìn toàn cục. Tôi khâm phục người chỉ huy đầy tài năng, mưu lược, tự hào là bộ đội Cụ Hồ, dưới quyền chỉ huy của Đại tướng làm cách mạng kháng chiến", ông Hy nói.
Theo ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin - Truyền thông, có lẽ đây là một triển lãm "làm khó" Ban tổ chức bởi lẽ nguồn ảnh trong nhân dân về Đại tướng, Tổng tư lệnh quá lớn. Những bức ảnh trưng bày trong triển lãm chỉ là một phần nhỏ, vẫn còn nhiều ảnh chưa khai thác hết. Trong khi nguồn tư liệu từ báo chí, tư liệu nước ngoài, các nguồn nghiên cứu khác được cho còn khá lớn.
Con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Võ Hồng Nam (trái) giới thiệu với khách quốc tế tại triển lãm. |
Con trai Đại tướng, anh Võ Hồng Nam trong buổi triển lãm không giấu được xúc động vì tình cảm của đồng bào, đồng chí dành cho ba anh. "Gia đình chúng tôi muốn cảm ơn nhân dân, cảm ơn tình cảm của đồng bào dành cho ba tôi". Và điều người con trai học từ ba mình, đó là "ba tôi luôn nói Bác Hồ dặn dĩ công vi thượng, cái gì có lợi cho cái chung thì phải làm cho tốt. Cả cuộc đời ông đã đi theo điều đó".
Thế hệ trẻ với bài học lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
100 tuổi (dương lịch), 101 tuổi (âm lịch), xưa nay luôn là điều hiếm. Vị Đại tướng đã sống 1/10 lịch sử của Thăng Long ngàn năm tuổi, đi xuyên qua hai thế kỷ với cuộc đời cách mạng vẻ vang, chói lóa. Người con trai của Đại tướng nói hiện ông tỉnh táo, nhận biết được người thân cũng như khách đến thăm hỏi và biết đến cuộc triển lãm này.
Triển lãm với nguồn ảnh tư liệu phần lớn từ đồng đội, nhân dân. |
Những bức ảnh quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cương vị Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang, Đại tướng đã trực tiếp chỉ huy các chiến dịch: Việt Bắc Thu Đông 1947, Chiến dịch Biên giới, 1950, Hòa Bình,Tây Bắc, Thượng Lào…, lần lượt đánh bại 7 tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, kết thúc cuộc kháng chiến thắng lợi, với Chiến dịch “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.”Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước,ông là vị chỉ huy tài tình đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, đặc biệt là cuộc tấn công chiến lược “Điện Biên Phủ trên không Hà Nội” năm 1972 của Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu hiện ở chỗ biết phát huy truyền thống đánh giặc của cha ông ta trong thời đại mới, lấy yếu chống mạnh, ấy ít cự nhiều, lấy binh lực nhỏ đánh thắng trận lớn và đánh chắc, thắng chắc.
Nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi (25/8/1911 - 25/8/2011), chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả những bức ảnh về sự nghiệp cách mạng cũng như cuộc sống thường ngày của Đại tướng:
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Nguồn: TTXVN Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Nguồn: TTXVN Đại tướng gặp lại Bùi Duy Ly, phóng viên ảnh chiến trường báo Quân đội nhân dân. Các chiến sĩ thi đua trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại lễ mừng công (ngày 13-5-1954). Chủ tịch Cuba Fidel Castro trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Đại tướng anh hùng dễ mấy ai/Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài/Thắng hai đế quốc, bách niên thọ/ Hoàn cầu có một, không có hai” (Bài thơ do cán bộ nhân dân làng Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tặng Đại tướng năm 2010). Sau giờ làm việc Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp nhau tại Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đại thắng (5-1975). Đại tướng thăm bà Lê Thị Om, dân tộc Thái, Sơn La trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp đã hy sinh đứa con nhỏ của mình để bảo vệ cán bộ cách mạng ẩn náu trong hầm bí mật của gia đình (tháng 4-2004). |
Triển lãm đang diễn ra tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp ông Bùi Duy Ly, phóng viên ảnh chiến trường báo Quân đội nhân dân |
Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà cùng 5 người con (1963). Từ trái sang phải: hàng đầu: Võ Hạnh Phúc, Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam, Võ Hòa Bình. Hàng sau: Bà Đặng Bích Hà, Võ Hồng Anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Năm 1948, ở tuổi 37, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm đại tướng và trở thành đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam |
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Trung đoàn trưởng Thái Dũng và Tiểu đoàn trưởng Đông Mã đang nghiên cứu sơ đồ tác chiến Chiến dịch Biên Giới 1950 |
Năm 1959, Đoàn 559 được thành lập để mở đường mòn dọc dãy Trường Sơn, chi viện cho miền Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Đoàn 559 phát triển mở rộng đường chiến lược Trường Sơn – Hồ Chí Minh lịch sử. Trong ảnh (từ trái sang): Đại tá Lê Hữu Đức, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Cao Văn Khánh |
Ngày 10-3-1977, đoàn đại biểu quân sự Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu sang thăm Liên Xô theo lời mời của Nguyên soái Dmitriy Ustinov |
Đại tướng thăm đền Hai Bà Trưng, Hát Môn, Phúc Thọ (Hà Tây cũ); một lão nông tặng đĩa bánh trôi tượng trưng cho lòng kính trọng của dân làng đối với người có công với dân, với nước |
Đại tướng thường đi thăm các chiến trường xưa. Năm 2004, ông trở lại Điện Biên Phủ, thăm hầm tướng De Castries - Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ |
Đại tướng chúc sức khỏe nhạc sĩ Văn Cao, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, đặc biệt là bài Tiến quân ca – Quốc ca của Việt Nam |
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công trao tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp Huân chương Sao vàng (20-8-1992) |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Ủy viên Bộ Chính trị Trương Tấn Sang (2008) |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm Đại tướng |
Sở thích của Đại tướng là chụp ảnh... |
...và viết sách Đối thoại trực diện giữa Tướng Giáp và nhà báo Pháp Cuộc đối thoại trực diện, thú vị giữa tiến sĩ sử học Alain Ruscio, người có nhiều năm làm phóng viên thường trú của báo Pháp L’Humanité (Nhân đạo) tại Việt Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Alain Ruscio: Bây giờ chúng ta hãy trẻ lại vài chục năm. Hãy tưởng tượng tôi là học trò của ông, tôi đang chăm chú nghe ông giảng. Vậy ông nói gì về quá khứ của nước ông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Ông có lý khi muốn bắt đầu câu chuyện bằng lịch sử Việt Nam xa xưa, rất lâu trước khi người Pháp đến. Ông đã biết câu nói: “Lịch sử là mẹ của tất cả sự thật”. Ở Việt Nam, từ rất sớm đã hình thành một nền văn hóa dân tộc. Ta có thể nói đến một nền văn minh xuất hiện trên châu thổ một con sông, giống như trường hợp ở Mésopotamie chẳng hạn. Đối với chúng tôi, đó là nền văn minh châu thổ sông Hồng. Tại Mésopotamie cũng như nhiều nơi khác, dù sao cũng có một chu kỳ cổ điển: Khởi đầu, phát triển, rồi suy thoái. Còn ở đây thì trái lại, nền văn minh sông Hồng không ngừng phát triển... Tôi có cảm tưởng là khi một người Việt Nam nói, ngay cả đến nghìn năm sau này nữa, khi nhắc đến các sự kiện trên, trong lòng người Việt Nam trào dâng một niềm tự hào. Đó là chủ nghĩa dân tộc? Hay là lòng yêu nước?. Đó là lòng yêu nước và chỉ là lòng yêu nước mà thôi. Cuộc gặp lịch sử với Nguyễn Ái Quốc Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Sự đô hộ của Pháp từ năm 1940 gắn liền với sự có mặt của quân đội Nhật. Lúc đó các ông có nhận thấy có những khả năng mới xuất hiện và nhiều sự kiện quan trọng sắp diễn ra hay không?. Chúng tôi nhận định rằng tình hình quốc tế đang tạo ra thời cơ mới mà chúng tôi phải nắm bắt và sẵn sàng hành động. Chúng tôi nhận định rằng thế giới đang bước vào một chu kỳ chiến tranh và cách mạng mới. Chúng tôi chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp - Nhật. Chúng tôi đã đặt sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh thế giới mới. Từ mùa thu 1939 đến mùa xuân 1941 là giai đoạn then chốt. Thu 1939, chiến tranh thế giới bùng nổ; Xuân 1941, thành lập Mặt trận Việt Minh. Chính trong thời kỳ này đã hình thành và chín muồi ý tưởng về một mặt trận dân tộc thống nhất đấu tranh giành độc lập. Ý tưởng này do chính Bác Hồ nêu ra và Trung ương Đảng nhất trí. Trả lời câu hỏi của Alain Ruscio về việc Võ Nguyên Giáp được lệnh bí mật rời Việt Nam đi Trung Quốc, Đại tướng nói: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cho tôi biết quyết định của Đảng và tổ chức cho tôi ra đi. Tháng 5-1940, tôi rời khỏi Hà Nội, lòng đau như cắt vì tôi để lại đó Quang Thái, vợ tôi tay ẵm đứa con nhỏ. Tôi không ngờ rằng phút chia tay lại là phút vĩnh biệt. Tôi vượt biên giới trong một cuộc hành trình gian nan cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng, người mà tôi đã cùng hoạt động trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Vậy là đến cái giây phút trọng đại đối với ông cũng như đối với lịch sử nước ông (nếu tôi nói rộng ra là đối với cả lịch sử thế giới nữa), đó là lần đầu tiên ông gặp Nguyễn Ái Quốc?. Đồng chí Hoàng Văn Thụ có ghé tai tôi nói: “Sang bên đó có thể gặp Nguyễn Ái Quốc”. Cuộc gặp diễn ra tháng 6-1940 tại Côn Minh với một người mang bí danh là Vương. Phạm Văn Đồng và tôi biết lúc đó Bác Hồ đang ở Nam Trung Quốc. Trên một con thuyền đậu tại Quý Hồ, chúng tôi gặp một người khoảng 50 tuổi rất nhanh nhẹn, linh hoạt, có một chùm râu thưa, không có vẻ gì là thượng cấp, rất gần gũi, giản dị. Tuy gặp lần đầu nhưng tôi có cảm tưởng là đã quen biết từ lâu, nghe giọng nói của Người vẫn còn âm sắc miền Trung mặc dù Người đã xa nước khoảng 30 năm. Bác Hồ đã quen biết anh Đồng là người đã gặp Bác ở Quảng Đông khi hoạt động trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Bác nói rất dễ thương: “Chú Đồng không già đi chút nào!”. Đối với tôi thì Người nhận xét tôi giống như một cô gái! Cuộc gặp ngắn để không gây sự chú ý. Sau đó, chúng tôi thường gặp Bác lúc chỗ này lúc nơi khác, rất bất ngờ. Một thời gian sau, anh Đồng và tôi được cử đi Diên An, nhưng liền sau đó, có lệnh quay lại. Tình hình châu Âu đang biến chuyển mau lẹ. Phải về nước ngay chuẩn bị cho cuộc đấu tranh cách mạng. Đồng chí Vũ Anh về trước chọn được một địa điểm lý tưởng gần biên giới: Pắc Bó. Đầu năm 1941, Bác Hồ về đấy…. Các ông đã trở về Việt Nam và từ giờ phút này, các ông trải qua một cuộc sống triệt để bí mật. Ông có thể nói cho tôi biết những năm tháng hoạt động du kích từ 1941 đến 1945?. Khoảng thời gian từ 1941 đến 1945, tôi nhiều lần bí mật qua lại biên giới, lúc sang Nam Trung Quốc, lúc trở về Pắc Bó tùy theo công việc. Đây là thời gian hoạt động vô cùng hào hứng chuẩn bị cơ sở vững chắc cho cuộc khởi nghĩa vũ trang. Chúng tôi tiến hành một công cuộc vận động quần chúng rộng lớn để tạo lực lượng. Chính quá trình này đã dẫn tới Cách mạng Tháng Tám 1945... Chính trị trọng hơn quân sự Các ông sống như thế nào? Về vật chất và tinh thần? Về tinh thần là vô cùng hứng khởi. Một kỷ niệm không bao giờ quên: Một đêm quanh đống lửa tại Pắc Bó, chúng tôi nghe Bác Hồ dự đoán: “Sự thất bại của chủ nghĩa phát xít là không thể tránh khỏi. Trong vòng bốn, năm năm nữa, Hitler và quân phiệt Nhật sẽ thua. Đó là thời cơ giải phóng Tổ quốc mến yêu của chúng ta”. Nói điều đó, đôi mắt Người rực sáng. Chúng tôi rất cảm động. Ngay trong những lúc hoạt động du kích khó khăn gian khổ nhất, chúng tôi không lúc nào ngừng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Về đời sống vật chất thì vô cùng thiếu thốn. Chúng tôi sống trong những hang hốc đầy rắn rết, đêm rét run cầm cập, có gì ăn nấy, thỉnh thoảng mới có chút thịt trộn rất nhiều muối, gọi là “thịt Việt Minh”. Bác Hồ nhiều tuổi hơn chúng tôi nhưng lại có một sức chịu đựng phi thường. Người thích ứng với mọi hoàn cảnh. Người tự đặt cho mình một chế độ làm việc nghiêm ngặt. Bác dậy rất sớm (chính Bác đánh thức chúng tôi) tập thể dục rồi làm việc. Sự khởi đầu thành lập mầm mống quân đội như thế nào? Ban đầu là các tổ chức Tự vệ, là tổ chức bán vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ dân và quấy rối quân địch. Thanh niên nam nữ hăng hái tham gia. Rồi chuyển dần lên thành những nhóm vũ trang chuyên hoạt động quân sự bao gồm những phần tử trung kiên, phần lớn là đảng viên được giáo dục chính trị kỹ. Đến 22-12-1944 thành lập đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên gồm 34 chiến sĩ. Ngày này đã trở thành Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Lúc thành lập đội, Bác Hồ nhấn mạnh ưu tiên là công tác tuyên truyền, tức là chính trị trọng hơn quân sự... Chúng ta đã đến giai đoạn tiền khởi nghĩa và khởi nghĩa. Lúc ấy ông làm gì? Xuân - Hè năm 1945 đánh dấu một bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ về lực lượng và ảnh hưởng của phong trào cách mạng. Công cuộc “Nam tiến” tiến hành rất kết quả. Tháng 6, chúng tôi thành lập Khu Giải phóng bao gồm Cao Bắc Lạng Thái Hà Tuyên. Tổng hành dinh đặt ở Tân Trào. Chúng tôi đã về đến rìa vùng đồng bằng. Giờ phút quân Nhật đầu hàng đến gần. Chúng tôi đã triệu tập Đại hội quốc dân và khi thời cơ đến, ra lệnh Tổng khởi nghĩa ngày 13 tháng 8. Liền sau đó là cuộc xuất quân về giải phóng Thái Nguyên. Binh lính bù nhìn đầu hàng không chống cự. Tôi nhận được một tờ báo Hà Nội đưa tin: Việt Minh đã thắng lợi trong cuộc mít tinh ngày 17. Các đại biểu khác vẫn còn ở Tân Trào. Riêng đồng chí Trường Chinh và tôi ở Thái Nguyên. Chúng tôi đánh giá: Tâm điểm của sự kiện trước đây là Thái Nguyên nay đã chuyển về Hà Nội. Chúng tôi lập tức về Hà Nội. Lúc này cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra ở Hà Nội và lan rộng khắp cả nước. Đúng như vậy. Về Hà Nội, chúng tôi trú tại ngôi nhà ở phố Hàng Ngang. Vài ngày sau, đón Bác Hồ về đấy. Ngày 29, Hồ Chí Minh lập chính phủ lâm thời, chính phủ đầu tiên của Việt Nam. Ông được giao chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Việc đầu tiên là phải tạo thế và lực cho chính quyền cách mạng và bảo đảm cho quá trình tiến triển cách mạng không thể bị đảo ngược. Chúng tôi quyết định tổ chức cuộc mít tinh để Bác Hồ công bố bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2-9, tại Quảng trường Ba Đình, lễ Độc lập đã diễn ra hùng vĩ. Một triệu người tham dự nhưng chưa mấy người biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Bác Hồ trong ngày lịch sử ấy mặc bộ ka-ki giản dị và đi dép cao su… Bậc thầy về chiến tranh cách mạng Chúng ta hãy xem xét những vấn đề chiến lược của cuộc chiến tranh 30 năm. Các nhà quan sát đều cho rằng ông là bậc thầy về chiến tranh cách mạng. Vậy mà ông chưa trải qua một trường học quân sự nào. Ông là người duy nhất trong lịch sử thế giới bước thẳng từ một dân thường được giao công tác quân sự lên cấp Đại tướng. Điều đó xảy ra vào tháng 5 năm 1948, bảy năm sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, một năm rưỡi sau khi cuộc chiến tranh lan rộng. Ông không những là một nhà thực hành tài ba mà còn viết rất nhiều tác phẩm về chiến tranh cách mạng. Tác phẩm của ông được đọc trên toàn thế giới. Ông có thể tóm tắt cho tôi những điểm chính của chiến lược mà ông đã áp dụng thành công trong hai cuộc chiến tranh hay không?. Ông đã giao cho tôi một bài tập khá phức tạp đấy. Học thuyết quân sự cổ điển, khoa học quân sự truyền thống dạy rằng muốn giành thắng lợi, phải biết tập trung cùng một lúc ưu thế quân số và ưu thế kỹ thuật. Ông có thể thấy điều đó ở Napoleon. Thế nhưng chúng tôi lại ở vào tình thế phải lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Chúng tôi phải chấp nhận, nếu không Tổ quốc chúng tôi sẽ bị thôn tính. Vậy đương đầu như thế nào? Đó là chiến tranh toàn dân. Chiến tranh toàn dân là bí quyết của sự chiến thắng của chúng tôi. Mỗi làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi chi bộ Đảng là một bộ tham mưu. Quân địch bị bao vây trong biển cả của nhân dân chống lại chúng, bị mù, bị điếc, đánh vào chỗ trống. Còn chúng tôi thì có muôn tai nghìn mắt, có thể biết phải hành động ra sao. Tôi đã từng nói với ông đây là sự tổng hợp kinh nghiệm ngàn đời chống ngoại xâm của dân tộc chúng tôi. Chiến tranh toàn dân không chỉ là sáng tạo của nhân dân Việt Nam. Lenin đã từng nói: “Điều quyết định cuối cùng trong mọi cuộc chiến tranh là tinh thần của quần chúng đổ máu trên chiến trường. So sánh lực lượng hai bên phải nhìn tổng thể cả chính trị, kinh tế, quân sự. Chiến tranh là sự kế tục của chính trị. Đường lối quân sự bắt nguồn và phục tùng đường lối chính trị. Chính vì vậy mà người chỉ huy tối cao của quân đội chúng tôi là Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Sai lầm cơ bản của đối phương là không hiểu những điều đó. Họ không tìm ra được chiến lược để chiến thắng chúng tôi... Chính trị quyết định quân sự. Có phải vì vậy mà phương Tây cho rằng ông là một vị tướng chính trị? Chúng tôi bao giờ cũng chú trọng giáo dục chính trị. Sự tăng cường sức mạnh của hậu phương trên mọi lĩnh vực đặc biệt về mặt chính trị là yếu tố cơ bản bảo đảm khả năng chiến đấu của quân đội. Một hậu phương vững mạnh là nhân tố thiết yếu bảo đảm chiến thắng. Không có hậu phương vững chắc, không thể có chiến thắng. Ngược lại, chúng tôi luôn biến hậu phương địch thành tiền phương ta. Chiến thuật của chiến tranh nhân dân là đối với địch đâu cũng là mặt trận, đối với chúng tôi đâu cũng là hậu phương. Chúng tôi rất chú trọng công tác giáo dục chính trị cho quân đội. Gần một phần ba chiến sĩ là đảng viên cộng sản. Trong cán bộ chỉ huy thì tỷ lệ ấy còn cao hơn nhiều. Các tổ chức Đảng hoạt động trong mọi hoàn cảnh xây dựng và chiến đấu. Có một nhãn quan chính trị tức là chiến đấu trên mọi mặt trận: Khoét sâu những mâu thuẫn của địch, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận quốc tế, điều này có vai trò rất quan trọng để cô lập kẻ xâm lược. Sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Chúng ta hãy trở lại khoảng thời gian năm 1946, lúc bắt đầu cuộc chiến tranh. Các ông phải đương đầu với một đội quân nhà nghề mạnh, trang bị hiện đại. Mà các ông thì có những gì?. Về số lượng thì hai bên gần bằng nhau: Quân Pháp có 90.000, chúng tôi cũng có một số lượng tương đương. Nhưng chúng tôi thiếu vũ khí, chỉ có ít nhiều súng đủ các loại, chúng tôi lập một công binh xưởng trong rừng sâu để chế tạo những thứ vũ khí đơn giản. Quả thật là quá chênh lệch. Bên ngoài, người ta nghĩ các ông sẽ bị đè bẹp. Các ông chiến đấu trong vòng vây, về chính trị chưa có nước nào công nhận, về quân sự xa mọi sự chi viện. Tôi vừa đọc lại Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Tôi rất khâm phục. Lời kêu gọi toát lên một sự vững vàng, một sự bình thản, một niềm tin tất thắng. Theo quan điểm quân sự cổ điển thì chúng tôi không đủ điều kiện để bắt đầu cuộc chiến tranh. Tuy nhiên năm 1946, chúng tôi vừa trải qua thời kỳ hào hùng của Cách mạng tháng Tám. Nhân dân chúng tôi đã trưởng thành về chính trị, quyết tâm chiến đấu rất cao, sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu nước... Tất cả đều biểu thị trong Lời kêu gọi của Bác Hồ. Đầu năm 1947, bộ máy Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy, một phần cơ xưởng đều đã di chuyển lên Việt Bắc ở an toàn khu. Chúng tôi chấp nhận mọi hy sinh để kháng chiến lâu dài. Cho đến đầu những năm 50, chúng tôi chiến đấu trong vòng vây, không có sự liên hệ và chi viện của phe xã hội chủ nghĩa. Nhưng chúng tôi đã trụ vững. Quân đội đã lớn mạnh. Trong hè 1947, chúng tôi đã có 120.000 quân, tổ chức thành trung đội, đại đội, tiểu đoàn, và cuối năm 1949, đã thành lập Đại đoàn đầu tiên, Đại đoàn 308 lừng lẫy chiến công. Điều làm cho chúng tôi tin tưởng vững chắc vào thắng lợi cuối cùng là sự đoàn kết và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của toàn dân, đó là sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân. Chi viện của Trung Quốc, Liên Xô Lúc nào thì các ông có liên lạc với các bạn Trung Quốc? Cuối năm 1949. Điều đó thay đổi tất cả phải không?. Có... và cũng không. Đừng quên là trước thời điểm ấy, chúng tôi, và chỉ một mình chúng tôi đã đánh quân Pháp, buộc chúng phải rút khỏi Bắc Cạn. Tháng 5-1949, chính phủ Pháp cử tướng Revers sang thị sát tình hình. Revers đánh giá tình hình bi quan. Chính ông ta tán thành việc rút quân Pháp khỏi tuyến biên giới Đồng Đăng - Móng Cái. Cuộc rút khỏi Cao Bằng là thế nào?. Đấy! Một sự thú nhận bất lực sau 2 năm diễn ra cuộc đại tấn công của quân Pháp năm 1947. Như vậy là đã có một chuyển biến trong tương quan lực lượng vào năm 1949. Đó chính là ý nghĩa của bản báo cáo của Revers. Lần đầu tiên, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp thú nhận rằng họ không thể thắng chúng tôi. Ý nghĩa chiến thắng của Trung Quốc đối với các ông như thế nào?. Hồng quân Trung Hoa tiến đến sát biên giới Việt Nam, sự công nhận của Bắc Kinh, rồi của Mạc Tư Khoa và các nước xã hội chủ nghĩa rất quan trọng đối với chúng tôi. Vòng vây bị phá vỡ, sự quân bình lực lượng đã đạt được, tất cả những điều đó rất thuận lợi cho chúng tôi. Sự chi viện của Liên Xô bước đầu là pháo phòng không, xe Molotova và thuốc men. Sự chi viện của Trung Quốc là vũ khí bộ binh, nhiều trang bị khác, huấn luyện và trang bị một số đơn vị Việt Nam trên đất Trung Quốc, cử cố vấn quân sự sang Việt Nam. Sức mạnh hỏa lực của chúng tôi được cải thiện đáng kể.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Có ý kiến gì không?