Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Vô địch World Cup 2011, kỳ tích của bóng đá Nhật Bản

 - Câu chuyện cổ tích của bóng đá nữ Nhật Bản đã kết thúc có hậu khi các cô gái xứ sở hoa anh đào giành chiến thắng 3-1 trước ĐT Mỹ trên loạt đá 11m. Trước đó, hai đội đã cống hiến cho người hâm mộ một trận cầu kịch tính với tỷ số 2-2 trong 120 phút thi đấu.
Nhật Bản đã chứng minh họ người hâm mộ thấy việc họ lọt tới chung kết không phải là một sự may mắn mà bởi chính thực lực, tinh thần và sự tự tin cao nhất của mình.  Để lần đầu tiên lọt vào một trận chung kết môn bóng đá nữ, họ đã ngoạn mục vượt qua Đức và Thụy Điển ở những vòng đấu trước đó.
ĐT nữ Nhật Bản lần đầu tiên vô địch thế giới - Ảnh Reuters
Cũng chính nhờ những hiệu ứng tinh thần ấy, Nhật Bản đã nhập cuộc tốt và chơi một trận sòng phẳng với ĐT Mỹ, cường quốc của bóng đá nữ thế giới. Hai lần bị dẫn bàn, hai lần Nhật Bản đều có bàn gỡ hòa trước khi hạ đối phương trên loạt đá 11m may rủi nhờ tinh thần và bản lĩnh của mình.
Morgan chính là cầu thủ đã mở tỷ số cho ĐT Mỹ ở phút thứ 69 của trận đấu nhưng sự kiên cường của các cô gái Nhật Bản giúp họ có bàn thắng gỡ hòa ở phút thứ 81 sau pha lập công của Miyama. Giữ nguyên tỷ số 1-1 trong 90 phút chính thức, Nhật Bản buộc Mỹ phải bước vào quãng thời gian đá hiệp phụ và một lần nữa họ phải nhận bàn thua ở phút thứ 104 sau pha làm bàn của Wamback. Những tưởng đây là dấu chấm hết cho đội bóng châu Á thì đúng 3 phút trước khi hiệp phụ thứ 2 kết thúc, Sawa ghi bàn thắng quý hơn vàng gỡ hòa 2-2 cho Nhật Bản.
Bước vào loạt đá 11m "cân não", thủ thành Kaihori đã có một "đêm diễn" quá xuất sắc khi cô lần lượt cản phá thành công 3 quả 11m của của Shannon Boxx, Lloyd và Heath. Bên phía Nhật Bản, Nagasato không hoàn thành nhiệm vụ của mình nhưng cú đá quyết định của Kumagai ở loạt đá cuối cùng đã giúp đội bóng châu Á có chiến thắng 3-1 và trở thành nhà vô địch thế giới lần đầu tiên trong lịch sử.
Chức vô địch World Cup 2011 có thể nói là danh hiệu ngọt ngào với môn bóng đá nữ nói riêng và toàn thể đất nước Nhật Bản nói chung. Sau thảm họa sóng thần và động đất khiến gần hàng chục nghìn người thiệt mạng cũng như nền kinh tế bị thiệt hại tới gần 210 tỷ USD, người Nhật đã xích lại gần nhau để cùng đứng lên sau những mất mát. Chính tinh thần ấy đã "truyền lửa" cho sự quyết tâm của thầy trò HLV Norio Sakasi ở VCK World Cup 2011 và họ đã khiến cho cả thế giới phải ngả mũ trước sự kiên cường và tinh thần vượt khó ấy.
Suốt chặng đường chinh phục chức vô địch thế giới, Nhật Bản chỉ thua 1 lần trước tuyển Anh (0-2) nhưng đó là trận đấu ở vòng bảng khi thế cục gần như đã an bài (Nhật Bản sớm giành vé vào tứ kết trước một vòng đấu). Từ vòng loại trực tiếp, các cô gái Nhật đã mang người hâm mộ đi hết từ những bất ngờ này đến bất ngờ khác khi loại Đức ở tứ kết sau 120 phút kịch tính (1-0), hạ Thụy Điển ở bán kết với một cú lội ngược dòng ngoạn mục (3-1) trước khi chính thức trở thành nhà vô địch thế giới khi vượt qua các cô gái Mỹ.
Chiến thắng của ĐT nữ Nhật Bản là niềm tự hào của đất nước xứ sở hoa anh đào cũng như toàn thể châu Á. Họ đã viết nên một câu chuyện cổ tích của thế kỉ 21 bằng chính sức mạnh của lòng quyết tâm, sự quả cảm và những khát khao mãnh liệt từ tình yêu với bóng đá nói riêng và cuộc sống nói chung...

Đội hình thi đấu:
Nhật Bản: Kaihori - Kinga, Iwashimizu, Kumagai, Sakaguchi, Ando (Nagasato 70), Miyama, Sawa, Ohno (Maruyama 70) (Iwabuchi 119), Sameshima.
Mỹ: Solo - Rampone, Lepeilbet, Boxx, O'Reilly, Lloyd, Krieger, Cheney (Morgan 46), Rapinoe (Heath 114), Buehler, Wambach
Bàn thắng: Miyama 81', Sawa 117' - Alex Morgan 68', Wambach 104'
Con đường đến ngôi vô địch của Nhật Bản:
Vòng bảng (đứng nhì bảng B): Thắng New Zealand 2-1, thắng Mexico 4-0, thua Anh 0-2

Vòng tứ kết: Thắng Đức trong hiệp phụ

Vòng bán kết: Thắng thuyết phục Thụy Điển 3-1

Chung kết: Hòa Mỹ 2-2 trong 120 phút thi đấu, thắng 3-1 sau loạt luân lưu cân não
Bảng vàng các nhà vô địch trong lịch sử World Cup nữ:
Trung Quốc 1991:  Vô địch - Mỹ, á quân - Na Uy
Thụy Điển 1995:    Vô địch - Na Uy, á quân - Đức
Mỹ 1999:              Vô địch - Mỹ, á quân - Trung Quốc
Mỹ 2003:              Vô địch - Đức, á quân - Thụy Điển
Trung Quốc 2007:  Vô địch - Đức, á quân - Brazil
Đức 2011:             Vô địch - Nhật Bản, á quân - Mỹ

Group A
TeamMPWDLGFGAPts
GermanyGermany3300739
FranceFrance3201746
NigeriaNigeria3102123
CanadaCanada3003170

Group B
TeamMPWDLGFGAPts
EnglandEngland3210527
JapanJapan3201636
MexicoMexico3021372
New ZealandNew Zealand3012461

Group C
TeamMPWDLGFGAPts
SwedenSweden3300419
USAUSA3201626
Korea DPRKorea DPR3012031
ColombiaColombia3012041

Group D
TeamMPWDLGFGAPts
BrazilBrazil3300709
AustraliaAustralia3201546
NorwayNorway3102253
Equatorial GuineaEquatorial Guinea3003270
Lần ngược lại Hành trình vĩ đại của nhà vô địch

Nhật Bản và Mỹ vào chung kết WC bóng đá nữ 2011 

- Các cô gái đến từ xứ sở hoa anh đào tiếp tục gây một bất ngờ lớn khi đánh bại Thụy Điển 3-1 ở bán kết. Đây là kết quả tương tự ở cặp đấu còn lại khi ứng cử viên số 1 Mỹ dễ dàng vượt qua các cô gái của nước Pháp.
Với tư cách là đại diện của châu Á, Nhật Bản không được đánh giá cao so với các cường quốc khác của môn bóng đá nữ. Tuy nhiên, các cô gái của xứ sở hoa anh đào đã liên tiếp tạo ra những bất ngờ lớn ở giải World Cup bóng đá nữ 2011. Sau khi xuất sắc có được tấm vé vào tứ kết sớm một vòng đấu, nữ Nhật Bản đã  ngoạn mục vượt qua chủ nhà Đức  trong 120 phút ở vòng tứ kết(1-0).
Nhật Bản đang viết lên một câu chuyện cổ tích ở WC bóng đá nữ 2011 - Ảnh Getty
Trước trận đấu bán kết, giới chuyên môn đánh giá khả năng gây bất ngờ của nữ Nhật Bản sẽ không cao bởi họ sẽ phải đối đầu với Thụy Điển, đội bóng đã có mạch 4 trận toàn thắng trước đó. Nhưng các cô gái châu Á đã chứng minh không gì là không thể bằng một chiến thắng ngoạn mục khác với tỷ số 3-1.
Điều đáng nói trong trận đấu ở Commerzbank-Arena, ĐT nữ Thụy Điển là đội mở tỷ số trước với pha lập công của Öqvist ở ngay phút thứ 10. Tuy nhiên, bằng một tinh thần quyết tâm cao và một chiến thuật hợp lý, đội bóng của HLV  Norio Sasaki đã có liên tiếp 3 bàn thắng sau cú đúp của Kawasumi (phút 19 và 64') và bàn thắng của Sawa (60'). Chiến thắng ấn tượng này cũng giúp Nhật Bản lần đầu tiên lọt đến trận chung kết của World Cup bóng đá nữ.
Ở cặp đấu còn lại, ĐT Mỹ tiếp tục cho thấy họ là một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch năm nay. Sau khi lách qua "khe cửa hẹp" bằng chiến thắng trên loạt đá luân lưu với ĐT Brazil, các cô gái đến từ nước Mỹ đã không gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với ĐT Pháp và có một chiến thắng thuyết phục với tỷ số 3-1.
Với một thế trận áp đảo, Cheney đưa ĐT Mỹ vượt lên dẫn trước ở ngay phút thứ 9. ĐT Pháp đã chơi rất cố gắng và có được bàn thắng gỡ hòa ở phút thứ 55 sau pha lập công của Bompastor. Tuy nhiên, sự thiếu tập trung của hàng thủ đã khiến các cô gái Pháp phải nhận liên tiếp hai bàn thua trong vòng 3 phút cuối trận (79 và 82) sau các bàn thắng của Wambach và Morgan.
Vào ngày 17/7 tới, trận chung kết World Cup bóng đá nữ giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ diễn ra tại Frankfurt.
Một số sự kiện thú vị trước trận chung kết giửa David Nhật và Goliath Mỹ :

- Mỹ là đội giàu thành tích và truyền thống nhất trong lịch sử WC và Olympic Games, cũng là đội duy nhất đều có huy chương trong 5 lần giải trước đây (2 vàng và 3 đồng), thi đấu 30 trận, chỉ thua có 3 trận, hoà 3 trận còn thắng đến... 24 trận .

- Nhật là đội bóng Châu Á duy nhất có mặt suốt 6 lần giải tổ chức nhưng ... chưa bao giờ đọat chức vô địch Châu Á và trong 5 lần giải WC trước đây chỉ có 1 lần vượt qua khỏi vòng bảng (1995), và bị Mỹ lọai 4-0 ở tứ kết. Thành tích của Nhật ở 5 lần giải trước là đấu 16 trận, chỉ có 3 thắng, 2 hoà và ... 11 thua . Ở giải vô địch Châu Á 2010 dùng để quyết định 3 vé đại diện Châu Á dự WC 2011, Nhật xếp thứ 3 sau Úc và Bắc Hàn.

- Khác với Mỹ và một số nước ở Châu Âu và Châu Mỹ, nguồn nhân lực xây dựng bóng đá nữ ở Nhật rất nhỏ bé và không phát triển nhiều. Sự tiến bộ trong thời gian gần đây chủ yếy là do đầu tư nhiều hơn và tốt hơn vào việc phát triển trình độ kỹ thuật và chiến thuật ở lứa tuổi trẻ để bù cho yếu điểm về thể hình và thể lực (trong khi Đức chỉ có một cầu thủ cao dưới 1.70 m thì Nhật chỉ có 1 cầu thủ cao trên 1.70 m ). Thành công vượt mức của Nhật ở WC 2011 hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều cầu thủ nữ trẻ tham gia phong trào bóng đá ở Nhật.

- Bóng đá Nhật chỉ thực sự vươn lên từ giải Olympic 2008 Beijing khi Nhật vào đến bán kết nhưng thua Mỹ ở trận tranh hạng 3 và.... vuột HC Đồng.
Ở giải bóng đá Á Vận Hội (Asiad) Quảng Châu 2010 Nhật hạ chủ nhà Trung Quốc ở bán kết và Bắc Hàn ở chung kết để đọat HC Vàng lần đầu tiên trong lịch sử. Khác với bóng đá nam chỉ có đội tuyển thanh niên U-23, giải bóng đá Asiad và Olympic nữ đều do đội tuyển quốc gia tham dự

- Một số cầu thủ Nhật thi đấu nhà nghề ở Mỹ (Miyama,Sawa), Đức (Ando,Nagasato), và Pháp (Utsugi) giúp nâng cao bản lĩnh, khả năng đối kháng với lối đá thể lực cũng như thay đổi chiến thuật trong khi trận đấu đang diễn ra. Phong độ tốt và khả năng lãnh đạo của Sawa cũng đóng vai trò quan trọng vì một khi Sawa về hưu, Nhật khó kiếm được một "cây đại thụ" như thế cho phong trào bóng đá Nhật.
 

World Cup nữ 2011, Vòng tứ kết: Nhật biến Đức thành cựu vô địch 

- Nhật Bản đã gây ra bất ngờ lớn nhất World Cup 2011 với chiến thắng khó tin ở hiệp phụ trước đội chủ nhà, đương kim vô địch và ứng viên số một của giải lần này, Đức, ở vòng tứ kết. Đây cũng là lần đầu tiên đội bóng châu Á vào tới bán kết một kỳ World Cup.
Không có gì ngạc nhiên khi đội chủ nhà khởi đầu mạnh mẽ hơn. Đức không hề bị ảnh hưởng bởi chấn thương của Kim Kulig và suýt nữa thì vươn lên dẫn trước nhờ công của Okoyino Da Mbabi, nhưng thủ thành Nhật Bản Ayumi Kaihori đã cản phá thành công. Đức tiếp tục gây sức ép với những cơ hội của Mbabi và đội trưởng Kerstin Garefrekes trong khi Nhật Bản phải chống đỡ trong hầu hết hiệp 1 với cơ hội tốt nhất của Yuki Nagasato.
Nhật Bản (áo xanh) bất ngờ đánh bại chủ nhà Đức- Ảnh Getty
Hiệp 2 cũng không đội nào phá vỡ được thế bế tắc trong sự lo lắng ngày càng gia tăng của 23.000 CĐV chủ nhà ngồi chật kín sân VW ở Wolfsburg. Không may cho Đức, 3 phút sau khi hiệp phụ thứ 2 bắt đầu, cầu thủ vào sân thay người Karina Muruyama đã dứt điểm chính xác từ một pha phạt góc làm tan vỡ những con tim đội chủ nhà.
HLV Norio Sasaki của Nhật Bản nói sau trận đấu rằng ông hy vọng chiến thắng lịch sử này sẽ giúp động viên phần nào những nạn nhân của trận động đất và sóng thần kinh hoàng mới diễn ra vừa rồi. “Chúng tôi muốn cho thế giới thấy rằng chúng tôi biết ơn sự ủng hộ của họ”, Sasaki nói. “Hy vọng rằng những gì chúng tôi thể hiện cũng là sự an ủi phần nào cho các nạn nhân của thảm họa. Chúng tôi đã xem ảnh những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai và điều đó giúp chúng tôi thêm sức mạnh”.
Thành tích tốt nhất của Nhật Bản ở một kỳ World Cup là vào tới tứ kết năm 1995 tại Thụy Điển. Chiến thắng này là một cú sốc thật sự vì đây là lần đầu tiên Đức thua trận ở một kỳ World Cup kể từ khi họ thua Mỹ 2-3 ở tứ kết giải năm 1999. Nhật Bản sẽ gặp Australia hoặc Thụy Điển trong trận bán kết ở Frankfurt thứ Tư tới.
Sasaki nói đội bóng của ông may mắn vì không phải bước vào loạt đấu súng. “Chúng tôi biết thủ thành của Đức (Nadine Angerer) rất xuất sắc và cần phải sút rất tốt mới thắng được cô ấy”, ông nói. “Tôi cho rằng Đức mạnh hơn, nên tạ ơn trời chúng tôi không phải bước vào loạt sút penalty. Những cầu thủ của tôi chỉ là những cô gái bé nhỏ, nhưng tôi rất tự hào về họ”.
Đội trưởng Nhật Bản Homare Sawa, chơi kỳ World Cup thứ năm của cô, đã bật khóc sau hồi còi chung cuộc. “Chúng tôi chưa bao giờ thắng được Đức, nên làm được điều đó ở kỳ World Cup này là điều thật đặc biệt. Tôi rất tự hào, tôi đã khóc với tất cả cảm xúc của mình sau tiếng còi kết trận”, cầu thủ 32 tuổi nói. Không biết điều kỳ diệu nào đã giúp Sawa không hề tỏ ra mệt mỏi sau 120 phút chiến đấu trên sân. “Thành thật mà nói, chính tôi cũng kinh ngạc”, Sawa nói trong buổi họp báo sau trận. “Có lẽ Đức chịu nhìu áp lực hơn chúng tôi. Họ phải thắng. Điều đó khiến chúng tôi chơi dễ dàng hơn. Đương nhiên chúng tôi muốn có một huy chương”.
Trong trận tứ kết còn lại của ngày hôm qua, 5 năm sau khi tuyển nam của Pháp gục ngã trước Italia ở chung kết World Cup 2006, cũng trên đất Đức, Les Bleues giành vé vào bán kết với chiến thắng đầu tiên trước đối thủ Anh trong trận đấu kịch tính không kém kết thúc trên chấm phạt đền. Pháp cũng làm nên lịch sử với lần đầu vào bán kết World Cup, đồng nghĩa với việc họ đã đảm bảo một suất dự Olympic 2012.
Đội bóng của HLV Bruno Bini đánh bại đối thủ 4-3 trên chấm phạt đền sau khi giờ đấu chính kết thúc với tỉ số 1-1. “Đây không phải là một ngày đẹp trời, mà là một ngày rất đẹp trời”, Bini nói. “Các cầu thủ của tôi sẽ dự giải vô địch châu Âu, World Cup và Olympic, thật tuyệt vời. Tôi như già đi 10 tuổi khi họ sút tung lưới chúng tôi, rồi thêm 10 tuổi nữa khi một quả penalty của chúng tôi bị sút hỏng, nhưng nhờ thắng trận, tôi trẻ lại 20 tuổi”.

Và ở vòng bảng
- Với một hat-trick của tiền đạo ngôi sao Homare Sawa, Nhật  Bản đã có chiến thắng đầy thuyết phục 4-0 trước đại diện Trung Mỹ Mexico.
Như vậy, sau hai lượt trận, các cô gái xứ sở hoa anh đào đã giành trọn vẹn 6 điểm, với hiệu số bàn thắng 6-1. Kết quả này giúp họ nắm chắc một tấm vé vào vòng tứ kết. Trong khi đó, Mexico sẽ phải quyết đấu với New Zealand ở lượt trận cuối cùng. Về phương diện cá nhân, thành tích vừa rồi đã giúp Sawa vươn lên dẫn đầu danh sách làm bàn với 3 bàn thắng, xếp trên Gaetany Thiney (2 bàn) của ĐT Pháp. Đây cũng là bàn thắng thứ 68 của chân sút 33 tuổi này cho ĐTQG.
 Trận cuối cùng của bảng B, Nhật Bản để thua Anh 2-0, vì đã chắc suất vào tứ kết
Nhật Bản giành 3 điểm ngày ra quân
Đội bóng châu Đại dương đã để mất thế trận vào tay Nhật Bản và nếu may mắn hơn đại diện của châu Á có thể khép lại trận đấu ngay từ hiệp 1...
Nhật Bản-New Zealand là cặp đấu mở bàn bảng B. Thế trận của 2 đội chỉ thực sự cởi mở trong khoảng thời gian 15 phút đầu trận đấu với 2 bàn thắng khá sớm do công của Yuki Nagasato (6’) bên phía Nhật Bản và Amber Hearn (12’) của New Zealand. Đội bóng châu Đại dương sau đó bất ngờ để mất thế trận vào tay Nhật Bản và nếu may mắn hơn đại diện của châu Á có thể khép lại trận đấu ngay từ hiệp 1 nếu không bỏ lỡ ít nhất 3 cơ hội ghi bàn rõ rệt. Sang hiệp 2, Nhật Bản đã cụ thể hóa ưu thế bằng bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 sau pha đá phạt của Aya Miyama (68’). Đây cũng là kết quả cuối cùng của trận đấu.

Trận đấu thứ 2 là cuộc đối đầu giữa Mexico và Anh. Không chút dè dặt, hai đội lao vào với tư tưởng “ăn tươi nuốt sống” đối thủ ngày từ những phút đầu tiên. Mexico tỏ ra vượt trội trong khâu kiểm soát bóng tuy nhiên những cơ hội ngon ăn nhất lại thuộc về Anh. Và trong một tình huống đá phạt góc ở phút 21, Anh đã có pha ghi bàn mở tỷ số do công của tiền vệ Fara Williams. Mexico cũng bừng tỉnh kịp lúc với pha san bằng tỷ số 1-1 sau cú nã đại bác tầm xa của tiền vệ Ocampo (33’). Hiệp 2 là thời điểm ghi nhận sự vô duyên của các chân sút 2 bên. Tỷ số hòa phản ánh đúng cục diện trận đấu.


Khai mạc World Cup bóng đá Nữ 2011
Giải vô địch thế giới bóng đá Nữ sẽ khởi tranh vào hôm nay. Và những gương mặt kỳ cựu một lần nữa được nhắc đến. Trong đó có Birgit Prinz...
Hôm nay khai mạc World Cup bóng đá Nữ 2011
Prinz đang giữ những kỷ lục mà khó nữ cầu thủ nào có thể phá được
17 năm cống hiến trong màu áo ĐT Đức với bảng thành tích đồ sộ, Birgit Prinz được xem là tượng đài sống của bóng đá nữ thế giới.Trước khi chia tay sân cỏ, Prinz gánh vác trọng trách đưa Đức lần thứ 3 lên bục cao nhất của bóng đá thế giới.

Nếu như Pele, Maradona, Cruyff, Beckenbauer… được tôn vinh như những nam cầu thủ vĩ đại nhất thì Prinz cũng xứng đáng với một vị trí như vậy trong làng túc cầu nữ. Bởi một lẽ đơn giản, những gì mà chị đóng góp cho ĐT Đức nói riêng và bóng đá nữ nói chung là quá to lớn. Sau 212 trận trong màu áo ĐT Đức, Prinz góp tới 128 bàn thắng, cùng đội nhà giành 2 chức vô địch thế giới, 3 HCV Olympic, 5 chức vô địch châu Âu. Prinz hiện cũng đang giữ kỷ lục là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại VCK bóng đá nữ thế giới với 14 lần lập công cùng hàng loạt danh hiệu cá nhân như Cầu thủ nữ xuất sắc nhất thế giới (từ 2003 đến 2005), Cầu thủ nữ xuất sắc nhất Đức (từ 2001 đến 2008)…

Một bảng thành tích đồ sộ mà không nữ cầu thủ nào có được và nó ghi nhận quãng đường 17 năm miệt mài cống hiến của Prinz. Cũng như mọi khi, Prinz tiếp tục là niềm hi vọng lớn nhất của nước Đức tại giải đấu lần này. Nhưng ngoài nhiệm vụ ghi bàn, Prinz còn phải gánh vác vai trò của một đầu tàu, dẫn dắt đàn em hướng tới đỉnh vinh quang tại giải đấu được tổ chức trên sân nhà. Đó là lý do HLV trưởng Silvia Neid của ĐT Đức đã xếp chị chơi phía sau tiền đạo cắm Grings. Khi tốc độ và sự càn lướt không còn như trước thì những pha xâm nhập bất ngờ sẽ giúp Prinz phát huy tối đa khả năng săn bàn.

Thêm một lần lập công nữa tại VCK bóng đá nữ thế giới 2011 sẽ giúp Prinz trở thành cầu thủ duy nhất ghi bàn ở cả 5 VCK từng tham gia, kỷ lục mà khó có cầu thủ nào có thể phá được. Nhưng đó không phải là mục tiêu cao nhất của Prinz. “ĐT Đức đã chuẩn bị rất kỹ cho giải đấu. Đội bóng hiện tại vẫn là một tập thể gắn kết nhưng so với năm 2003 và 2007 (những năm mà Đức vô địch thế giới) thì tập thể năm nay thậm chí còn cân bằng hơn. Mục tiêu của chúng tôi là rất rõ ràng, chức VĐTG lần thứ 3”, Prinz cho biết.

So với các đội bóng khác thì Đức có được sự chuẩn bị kỹ càng nhất. HLV Silvia Neid đã tập trung các nữ cầu thủ từ cách đây 2 tháng và phần lớn là tập luyện cùng nhau. Họ chỉ thi đấu 4 trận, ghi 15 bàn và không để thủng lưới bàn nào. Có đôi chút lo lắng đến với đội chủ nhà khi Prinz dính chấn thương trước khi giải đấu khởi tranh khoảng 2 tuần. Rất may là chấn thương đó không quá nặng và Prinz đã sẵn sàng cho cuộc chinh phục lần 3 và cũng là cuối cùng. Cả thế giới cũng rất nóng lòng chờ xem điệu nhảy cuối cùng của nữ hoàng bóng đá thế giới trước khi chị chia tay sân cỏ sau giải đấu này.
World Cup bóng đá nữ 2011: Đến lúc chị em lên tiếng
Mùa giải bóng đá châu Âu đã kết thúc nhưng trên các phương tiện truyền thông vẫn tràn ngập các tin tức mua bán cầu thủ, tuyển chọn HLV, các đội chuẩn bị cho mùa bóng mới. Trong khi đó, tin tức về bóng đá nữ khá ít ỏi. Nếu có, là những tin tức mang nhiều bi quan.
Nào là giải bóng đá chuyên nghiệp Mỹ đang vật lộn kiếm nguồn tài chính, đội nữ Chelsea Ladies ở Anh bị cắt ngân sách khiến các cầu thủ nam như Terry, Lampard phải bỏ tiền túi quyên góp ủng hộ, các cầu thủ ở Afghanistan bị đe dọa tính mạng, FIFA cấm đội nữ Iran dự vòng loại Olympic 2012 vì trang phục thi đấu của họ (trùm khăn kín đầu và cổ) không phù hợp với luật bóng đá. Mới đây nhất là tin nữ phóng viên ảnh người Iran, cô Maryam Majd, 25 tuổi, đột ngột “mất tích” khi chuẩn bị lên máy bay đi từ Tehran tới Dusseldorf để đưa tin về giải World Cup bóng đá nữ thế giới 2011. Maryam là nhà hoạt động xã hội, là người đấu tranh cho các quyền phụ nữ.

Đội bóng đá nữ Iran.

Nhà báo Maryam Majd
World Cup bóng đá nữ 2011 có sức cuốn hút lớn
Cách đây 2 tuần, 5 nữ cầu thủ người Đức là Annika Doppler, Ivana Rudelic, Julia Simic, Kristina Gessat, Selina Wagner đã nhận chụp hình cho tạp chí Playboy phiên bản tiếng Đức để quảng bá cho World Cup nữ. Bộ ảnh của họ không quá hở hang. Là các cầu thủ, họ phải tập thể lực rất nhiều nhưng thân hình họ đẹp không khác các người mẫu, với những đường cong rất quyến rũ. Nhưng vấn đề không phải là đường cong. Vấn đề là để quảng bá cho World Cup nữ, các nữ cầu thủ phải lên bìa Playboy, nghe hơi nghèo nàn.
Tuy nhiên, nỗ lực của họ đã đóng góp không nhỏ. Sân vận động Olympic ở Berlin, nơi diễn ra trận khai mạc giải World Cup nữ giữa đội tuyển Đức và đội tuyển Canada vào ngày mai 26.6 có sức chứa 74.000 chỗ ngồi đã bán hết vé. Giải đấu có 16 đội tham dự, kéo dài 22 ngày, trên 9 sân bóng ở các thành phố Đức, sân nhỏ nhất có 20.452 chỗ ngồi, đã bán hết 80% vé của toàn giải. Đó là một con số rất ấn tượng với một giải bóng đá nữ.

5 cầu thủ nữ trên trang bìa Playboy.

Đây là ý tưởng quảng bá táo bạo.
Tuần trước, tuần san Die Zeit đã công bố kết quả một cuộc thăm dò cho thấy 63% đàn ông Đức tỏ ý rất quan tâm đến sự kiện này. Tất nhiên, không phải đa số đàn ông Đức có thói quen xem tờ Playboy và vì thế mà sự quan tâm của họ đến bóng đá nữ nhiều đến vậy. Đơn giản là đội tuyển nữ Đức đã được giới hâm mộ quan tâm từ lâu. Mỗi trận của đội này trong khoảng thời gian gần đây đều thu hút hơn 20.000 khán giả đến sân. Cách đây khoảng 10 năm, mỗi trận như vậy chỉ thu hút 1.000-2.000 khán giả.
Ngày nay, ở Đức có khoảng 1 triệu nữ cầu thủ đăng ký chính thức với LĐBĐ Đức và 6.000 CLB bóng đá nữ đang hoạt động. Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia Frauen-Bundesliga ở Đức năm nay đã bước sang mùa thứ 22. Còn ở Anh, 150.000 cầu thủ nữ ra sân vào cuối mỗi tuần. Trên bình diện châu Âu, giải vô địch châu Âu cho các quốc gia bắt đầu năm 1984, giải Champions League cho các CLB bóng đá nữ được UEFA thành lập năm 2001 và đang ngày càng lớn mạnh. Ở bình diện thế giới, bóng đá nữ đã phát triển ở rất nhiều quốc gia.
Nhưng bóng đá nữ chưa nuôi nổi mình
Bảng xếp hạng các đội tuyển nữ mới nhất của FIFA: 1-Mỹ, 2-Đức, 3-Brazil, 4-Nhật Bản, 5-Thụy Điển, 6-Canada, 7-Pháp, 8-Bắc Triều Tiên, 9-Nauy, 10-Anh.
Tuy đang ngày càng được thừa nhận nhưng bóng đá nữ vẫn chưa tự nuôi được mình. Frauen-Bundesliga qua 21 mùa giải mà hiện giờ mới thu hút khoảng 1.000 khán giả/trận (quá chênh lệch so với lượng khán giả trung bình một trận bóng đá nam ở giải Bundesliga: 42.000 người/trận), vẫn khó khăn trong việc kiếm nguồn tài trợ. Các cầu thủ vẫn phải vừa chơi bóng, vừa kiếm nguồn thu nhập từ các nghề khác. Hàng năm, LĐBĐ Đức vẫn đều đặn rót tiền vào để nuôi bóng đá nữ.
Ở Mỹ, nơi có nền bóng đá nữ phát triển như Đức, bóng đá nữ cũng chưa tự nuôi nổi họ. Năm 2001, hiệp hội bóng đá nữ Mỹ (WUSA) mở giải bóng đá nữ chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới. Sau 3 mùa, giải đấu lỗ hơn 100 triệu USD, tuyên bố phá sản.
Năm 2009, giải chuyên nghiệp Women’s Professional Soccer mở lại ở Mỹ. Chỉ sau 2 mùa, giải này đã có hiện tượng chết yểu khi đương kim vô địch FC Gold Pride không tìm được nguồn tài chính nên không được dự giải 2011. Giải chỉ còn 6 đội thi đấu với nhau. Tại hai nền bóng đá nữ lớn nhất thế giới, tình thế còn như vậy thì nói gì đến nơi khác...
Chúng ta có lỗi với bóng đá nữ

Đội bóng đá nữ Dick, Kerr Ladies.
Năm 1917, đội bóng đá nữ Dick, Kerr Ladies được thành lập ở Anh khi các đức ông chồng của các cầu thủ phải đi vào các công xưởng sản xuất súng đạn. Trận đấu đầu tiên gây quỹ cho gia đình các binh lính của họ đã thu hút hơn 10.000 khán giả đến xem. Năm 1920, trận đấu vào ngày Boxing Day của họ thu hút 53.000 khán giả đến sân Goodison Park (sân của CLB Everton). Nhưng đến năm 1921, bóng đá nữ bị LĐBĐ Anh (FA) cấm cửa vì “môn chơi không phù hợp với nữ giới”. FA cấm các sân bóng của các CLB đang chơi ở giải Anh không được tổ chức các trận bóng đá nữ. Năm 1971, lệnh cấm này mới được dỡ bỏ.
Ở Đức, người ta cũng cấm bóng đá nữ vào năm 1955 vì “bóng đá làm tổn thương đến cơ thể và tâm hồn phụ nữ cũng như không đúng mực với các khuôn phép”. Đến năm 1970, lệnh cấm này mới được dỡ. Trong thời gian đó, quần vợt nữ và các môn thể thao nữ khác vẫn phát triển ào ào. Khi được dỡ bỏ lệnh cấm, bóng đá nữ mới nhúc nhắc phát triển, lan sang các nước khác. Đến năm 1991, giải World Cup cho bóng đá nữ mới lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc, chậm 61 năm so với World Cup bóng đá nam đầu tiên. Phải chăng bóng đá nữ không bị kìm hãm thì đến bây giờ nó đã có một tầm vóc rất khác.
Nhưng bây giờ, việc vé cho các trận tại World Cup 2011 bán được 80%, có 12 nhà tài trợ chính thức cho giải, các trận được truyền hình đi khắp thế giới chứng tỏ bóng đá nữ đang được cộng đồng quan tâm ở mức lớn và giải đấu sẽ tạo đà cho bóng đá nữ phát triển hơn nữa trên toàn cầu. Việc kênh truyền hình Al Jazeera ở Qatar mua bản quyền phát sóng truyền hình trực tiếp các trận đấu tại 23 quốc gia vùng Trung Đông và Bắc Phi, những nơi nữ quyền đang bị xem nhẹ, có thể coi là bước tiến rất lớn.
Các tổ chức quản lý bóng đá, giới truyền thông, các nhà tài trợ và cả các khán giả đang cố gắng chuộc lỗi với bóng đá nữ.
Chức vô địch khó lọt khỏi tay Đức và Brazil

Marta, tiền đạo tuyển Brazil.
Với vị thế chủ nhà và dàn cầu thủ rất đều, Đức là ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch lần thứ ba liên tiếp. Brazil, á quân hai kỳ Olympic và một kỳ World Cup gần đây nhất là ứng viên sáng giá thứ hai. Mỹ dù vẫn đang đứng vị trí số 1 bảng xếp hạng FIFA nhưng đang ở vào giai đoạn chuyển đổi thế hệ cầu thủ. Bất ngờ có thể đến từ Thụy Điển, Nauy, Nhật Bản. Hai ngôi sao được cho là sẽ tỏa sáng ở giải này là Marta (Brazil) và Birgit Prinz (Đức). Marta được coi là “Pele của bóng đá nữ” với 5 lần liên tiếp giành danh hiệu nữ cầu thủ hay nhất thế giới (2006-2010). Còn với Prinz, cầu thủ 3 lần có danh hiệu nữ cầu thủ hay nhất thế giới (2003-2005) thì đây là lần 5 cô tham dự World Cup.
Các World Cup nữ từ trước đến nay:
Năm
Nơi tổ chức
Vô địch
Á quân
1991
Trung Quốc
Mỹ
Nauy
1995
Thụy Điển
Nauy
Đức
1999
Mỹ
Mỹ
Trung Quốc
2003
Mỹ
Đức
Thụy Điển
2007
Trung Quốc
Đức
Brazil
Lịch đấu tại World Cup 2011:
Bảng A: Đức, Canada, Nigeria, Pháp
Bảng B: Nhật Bản, New Zealand, Mexico, Anh
Bảng C: Mỹ, Bắc Triều Tiên, Colombia, Thụy Điển
Bảng D: Brazil, Úc, Nauy, Guinea xích đạo
Các trận vòng bảng diễn ra từ 26.6 đến 6.7; bốn trận tứ kết diễn ra vào 9 và 10.7; hai trận bán kết vào 13.7; trận tranh giải ba vào 16.7 và trận chung kết vào 17.7.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?