Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Chiếc Roll-Royce đang ở dưới thuyền hay trên cạn

Tài sản riêng của bà chủ công ty Bình An vẫn rất lớn, nhưng chúng không phải là cam kết hoàn trả nợ của công ty này.

Xin dùng hình ảnh để mô tả hai chủ thể này. Mười người bỏ 100 đồng và đóng một cái thuyền. Người là cổ đông, con thuyền là công ty. Con thuyền trị giá 100 đồng lúc đầu. Nó ngược xuôi dòng sông một thời gian, gắn thêm nhiều thứ và làm ăn phát tài lắm. Vốn cộng với tài sản của nó sau ba năm là 1.000 đồng (100 đồng vốn và 900 đồng tài sản).
Một hôm xấu trời con thuyền bị đắm! Thế nhưng các cổ đông ở trên bờ không sao, nếu cần vẫn đi ăn cưới được. Họ chỉ mất 100 đồng nằm trong con thuyền kia thôi. Luật diễn giải việc ấy là: công ty chịu trách nhiệm vô hạn; còn cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn. Hai cái này khác nhau rành rành.
Áp dụng sự phân biệt này vào vụ Công ty cổ phần Bình An ta thấy bà chủ A - là cổ đông - có chiếc xe Roll - Royce và ở nhà lầu. Nếu chúng do bà đứng tên thì công ty có nợ hàng ngàn tỉ đồng, hai tài sản kia vẫn không sao. Chúng ở trên bờ theo hình ảnh ở trên.
Các chủ nợ của Bình An (các ngân hàng, người đã bán hàng...) có đến căn nhà lầu kia để đòi nợ, hay thấy cái xe đi sờ sờ qua trước mặt mình, thì cũng không được sờ vào chúng! Chúng không phải là tài sản của Bình An. Chúng không đi theo con thuyền! Trừ khi bà chủ đã góp chúng vào tài sản của Bình An hay đã đem thế chấp để bảo đảm cho các món vay của Bình An. Đến hạn trả nợ mà Bình An không làm được, thì chủ nợ sẽ đem chúng đi bán để thu nợ về. Còn nếu chúng chưa bị góp, chưa bị thế chấp là vẫn... nằm trên bờ .
Vậy kinh nghiệm rút ra là đừng thấy bà chủ đi chiếc xe xịn, ở nhà lầu cao mà xuất tiền cho công ty vay. Công ty với người bỏ tiền lập ra nó “tuy hai mà một (lúc làm ăn) - tuy một mà hai (lúc trả nợ)”. Làm ăn với công ty thì cũng phải “coi chừng mất tiền”.
Còn một bài học nữa, nhưng nó thuộc loại lấn cấn. Lấy lại thí dụ ở trên; nhưng khác đi một tí: xương (là 100 đồng) và thịt (là 900 đồng). Lời công bố cho biết công ty sẽ bán cổ phần để trả nợ. Như thế nghĩa là đem tài sản của các cổ đông (100 đồng) đi bán. Bán 80% thì cũng không khác tính chất với bán 100%. Vậy khi đem 100 đồng đi bán thì có thể hiểu là 900 đồng mà công ty ăn nên làm ra đã tiêu tan hết rồi. Bán như thế được chắc chỉ có ở ta; vì ở các nước khác, bất cứ khi nào công ty không có tiền để trả nợ một món nợ đáo hạn, thì chủ nợ có quyền xin tòa án phá sản nó.
Nhưng bán cổ phần là bán “phần xương” của công ty, vậy “phần thịt” của nó đâu rồi? Nói rõ ràng hơn: bán 100 đồng đi (là tiền của cổ đông) thì nó có nằm trong số tiền 600 hay 700 của công ty không? Số tiền sau đi đâu? Về giá trị 100 đồng, nó được ghi trong cổ phiếu của công ty, do ông A hay bà B góp. Nó có thể bán được với giá 200 đồng, 500 đồng, thậm chí 4.000 đồng? Tất cả tùy thuộc người mua.
Vậy người mua chấp nhận giá nào? Để trả lời, họ sẽ xem xét cơ ngơi sẽ mua cùng khuynh hướng thị trường của ngành nghề kinh doanh. Hai thứ này có đem lại cho họ một món lời lãi sau này không; nếu có thì mới mua không thì thôi.

Công ty đại gia "siêu đám cưới" nợ 1.200 tỷ đồng

 

Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho biết 1.200 tỷ đồng là tổng số nợ của Bianfishco được thống kê đến thời điểm hiện tại.

Ngày 17/3, phóng viên tiếp cận được tờ giấy ủy quyền của bà Phạm Thị Diệu Hiền (51 tuổi), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) giao việc cho chồng là ông Trần Văn Trí (46 tuổi).
Về giấy ủy quyền


Trong giấy ủy quyền ghi là được lập thành 3 bản được bà Hiền ký ngày 18/2 để ủy quyền cho chồng được toàn quyền xử lý, quyết định mọi công việc của Bianfishco cũng như đại diện công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật. Lý do được nêu ra trong giấy ủy quyền là bà Hiền sức khỏe không tốt nên đi điều trị, giao quyền lại cho chồng thay mặt bà điều hành, quản lý Bianfishco.


Căn cứ vào ngày tháng trên giấy ủy quyền cho thấy ngày bà Hiền ký giấy là 18/2, tức trước khi tổ chức tiệc cưới cho con trai Trần Văn Chương với MC Quỳnh Chi tại TP.HCM một ngày và sau đó hai ngày diễn ra lễ đón dâu với dàn siêu xe tại Cần Thơ.


Ngày 18/2 cũng là ngày con trai ông Nguyễn Văn Liền ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ căng băng rôn trước biệt thự của gia đình bà Diệu Hiền để đòi nợ bán cá tra.


Theo giấy ủy quyền của bà Hiền, ông Trí đại diện Bianfishco trước pháp luật. Tuy nhiên, theo giấy đăng ký kinh doanh lại được Sở Kế hoạch Đầu tư TP Cần Thơ cấp lại vào ngày 27/2 thì bà Hiền vẫn là người đại diện theo pháp luật tại Bianfishco. Con trai Trần Văn Chương nhượng lại 2% cổ phần lại cho cha là người được bà Hiền ủy quyền đồng thời rút tên khỏi danh sách cổ đông sáng lập để ông Trần Văn Trí thay vào vị trí này.


Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Trường Thành ở Cần Thơ cho biết, giấy ủy quyền không được công chứng nên không đúng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đến nay bà Hiền vẫn là người đại diện công ty theo pháp luật nên tòa án không có quyền cấm ông Trí xuất cảnh.


Theo ông Thành, việc ủy quyền rồi bay ra nước ngoài của bà Hiền rất có khả năng đã chuẩn bị từ trước nên hiện nay chẳng biết ai sẽ tham gia tố tụng tại các phiên tòa đòi nợ Bianfishco vì ông Trí không phải là người đại diện theo pháp luật trong khi bà Hiền chỉ ủy quyền cho luật sư Nguyễn Kỳ Việt (Văn phòng Luật sư Việt Chương, TP HCM) đại diện cho Bianfishco tại tòa án trong hai vụ kiện với bà Phạm Thị Mai và ông Nguyễn Văn Liền.


Các đối tác hoặc nông dân có kiện đòi nợ thì chỉ kiện pháp nhân là Bianfishco chứ không phải kiện bà Hiền hay ông Trí.
Công ty đại gia "siêu đám cưới" nợ 1.200 tỷ đồng
Đến thời điểm này chỉ mới có ông Việt được bà Hiền ủy quyền tham gia tố tụng tại hai vụ kiện của nông dân. Ảnh: Diễm Hằng

Luật sư Hoàng Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng cho rằng về thủ tục ủy quyền của bà Hiền cho ông Trí khi chưa có công chứng thì không phù hợp. Trong tờ ủy quyền bà Hiền không có ghi giao cho ông Trí tham dự các tranh chấp tại tòa án thì ông Trí được quyền xuất cảnh ra nước ngoài, không ai có thể cấm đoán.

Còn đối với những tổ chức, cá nhân kiện đòi nợ Bianfishco trong khi và Hiền ở nước ngoài, nữ doanh nhân này có thể đến Lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài để thực hiện chứng thực việc ủy quyền cho ai đó tham gia tố tụng tại các phiên chanh chấp được tòa án đưa ra hòa giải, xét xử rồi gửi thư về Việt Nam là được.

Nợ trên 1.200 tỷ đồng

Chiều 17/3, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho biết 1.200 tỷ đồng là tổng số nợ của Bianfishco được thống kê đến thời điểm hiện tại nhưng chưa được báo cáo chính thức vì còn phải phối kiểm thêm.

Đây là số nợ của Bianfishco đối với 10 ngân hàng, một tổ chức tín dụng ngoài nước và nông dân bán cá tra. Theo kế hoạch, vài ngày nữa Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) sẽ có con số báo cáo chính thức về tình hình tài chính tại doanh nghiệp để UBND TP Cần Thơ làm căn cứ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Đức thuộc (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) vừa nhận ủy quyền của Công ty TNHH Một thành viên An Phú ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) khởi kiện Bianfishco đến TAND quận Ô Môn để đòi gần 1,5 tỷ đồng cũng lãi suất theo thỏa thuận là 1,5% mỗi tháng vì Bianfishco chậm trả tiền cung cấp dịch vụ xử lý vi sinh.

Theo TAND quận Ô Môn, Công ty vận chuyển Siêu Sao (Super Star) tại TP HCM cũng kiện Bianfishco đòi gần 2 tỷ đồng chi phí vận chuyển hàng hóa.

Đối với vụ kiện của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ lạnh (Searefico) tại quận Phú Nhuận, TP HCM đòi Bianfishco trả gần 2,4 tỷ đồng tiền cung ứng, lắp đăt hệ thống kho lạnh, TAND quận Ô Môn đã gửi lịch hòa giải lần đầu vào vào ngày 23/3.

Những 'đại gia' gây dựng cơ nghiệp từ thủy sản

Ngành thủy sản đang đóng góp khá nhiều gương mặt trong top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

1. Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn.
Lĩnh vực: Chế biến xuất khẩu cá tra
Bà Lệ Khanh hiện nắm 49,6% cổ phần của Vĩnh Hoàn, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá 746 tỷ đồng – là người giàu nhất trong số các doanh nhân ngành thủy sản đang niêm yết. Vĩnh Hoàn hiện dẫn đầu về kim nghạch xuất khẩu cá tra.
Bà Khanh sinh năm 1961, quê quán tại An Giang, đã từng công tác tại Sở Tài chính tỉnh An Giang, Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang, FIDECO...
2. Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG); Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), Thành viên HĐQT Agifish (AGF).
Lĩnh vực: Chế biến xuất khẩu cá tra, sản xuất thức ăn chăn nuôi
Ông Minh nắm 34,1% cổ phần của Hùng Vương, tương ứng 439 tỷ đồng. Những năm gần đây, Hùng Vương đã thực hiện hàng loạt những vụ mua lại các công ty cùng ngành như Việt Thắng, Agifish, Faquimex Bến Tre (FBT).
Nếu cộng cả giá trị xuất khẩu của Agifish vào Hùng Vương thì Hùng Vương sẽ dẫn đầu về xuất khẩu cá tra (Agifish là công ty con của Hùng Vương).
Ông Minh sinh năm 1956, quê quán TP HCM.
3. Gia đình ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú
Lĩnh vực: chế biến và xuất khẩu tôm
Ông Lê Văn Quang cùng vợ là bà Chu Thị Bình và con gái là bà Lê Thị Dịu Minh đều đứng trong top những người giàu nhất thị trường chứng khoán. Trong đó:
+ Ông Lê Văn Quang nắm 22,8% cổ phần của Minh Phú, tương đương 310 tỷ đồng.
+ Bà Chu Thị Bình nắm 24,96% cổ phần, tương đương 339 tỷ đồng. Bà Bình là Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc.
+ Bà Lê Thị Dịu Minh nắm 9,43% cổ phần, tương đương 128 tỷ đồng.
Minh Phú là doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm nói chung cũng như thủy sản nói riêng. Gia đình ông Quang cũng là những doanh nhân giàu nhất trong lĩnh vực này.
4. Ông Doãn Tới – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt (Navico-ANV)
Lĩnh vực: Chế biến xuất khẩu cá tra
Trước đây, Navico là doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu cá tra nhưng gần đây doanh nghiệp này đã tụt hạng khá nhiều. Ông Doãn Tới hiện sở hữu 45,38% cổ phần của Navico, tương đương 228 tỷ đồng.
Hai con trai của của ông Tới là các ông Doãn Chí Thanh và Doãn Chí Thiên cũng nắm lần lượt 13,6% và 12,8% cổ phần của Navico, tương ứng 68 tỷ và 64 tỷ đồng.
Ông Doãn Chí Thiên là một trong những cổ đông lớn của Ngân hàng phát triển Mekong (MDB).
Cổ phiếu ANV là một trong số ít những cổ phiếu của doanh nghiệp thủy sản lớn nằm dưới mệnh giá (kết thúc ngày 13/12 đạt 7.600 đồng).
5. Ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch HĐQT Thủy sản IDI và Chủ tịch Sao Mai An Giang (ASM)
Lĩnh vực: Chế biến xuất khẩu cá tra, bất động sản
Ông Thuấn hiện nắm giữ 13% cổ phần của IDI và 10% cổ phần của ASM, tương đương lượng cổ phiếu trị giá 125 tỷ đồng.
Trong đó, IDI là công ty chuyên về chế biến xuất khẩu cá tra còn ASM là công ty bất động sản.
Giống như ANV, hiện IDI cũng đang nằm dưới mệnh giá (đạt 7.200 đồng).
Ông Lê Thanh Thuấn sinh năm 1958, quê quán Thanh Hóa, đã từng công tác tại Sở xây dựng An Giang, UBND Tỉnh An Giang.
6. Ông Nguyễn Triệu Dỏng – Phó chủ tịch Thủy sản Út Xi; Chủ tịch Đô thị Dầu khí Cửu Long (CCL)
Lĩnh vực: Chế biến xuất khẩu tôm, Bất động sản
Ông Dỏng nắm 32,8% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu long, tương đương 71 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 8,6% cổ phần của Thủy sản Út Xi nhưng doanh nghiệp này chưa lên sàn.
Cũng giống như ông Thuấn, ông Dỏng vừa kinh doanh thủy sản vừa kinh doanh bất động sản.
Ông Dỏng sinh năm 1960, quê quán Sóc Trăng
7. Bà Phạm Thị Diệu Hiền – Chủ tịch HĐQT Bianfishco
Lĩnh vực: Chế biến xuất khẩu cá tra
Công ty cổ phần Thủy sản Bình An - Bianfishco là 1 trong 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thuộc top 10 hiện chưa niêm yết trên sàn chứng khoán (2 doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH).
Bianfishco có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó, bà Diệu Hiền nắm giữ 50% cổ phần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?