Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Mệnh lệnh trái tim

Kỳ 1: Không thể làm ngơ
TT - Giữa cuộc sống xô bồ tấp nập, đã có nhiều con người hành xử bằng mệnh lệnh cao thượng của trái tim: vượt qua mọi khó khăn, phiền phức để ra tay nghĩa hiệp, cứu người trong lúc lâm nguy. Họ đã viết nên những trang sách đẹp trong cuộc đời mình...
Lương và người chị nuôi, vốn là vợ một nạn nhân bị tai nạn giao thông được Lương cứu giúp - Ảnh: Quốc Việt
Hà Nội, 16g30. Đường Phạm Hùng, người xe như mắc cửi sau giờ tan tầm. Bất chợt... rầm... Một thanh niên đang đi bộ ngã vật ra đường sau cú tông trực diện từ một chiếc xe gắn máy đang phóng nhanh giành đường. Người bị nạn nằm bất động. Máu chảy tràn ra từ miệng, mũi, tai của anh, rồi lan cả vũng trên mặt đường.
Chuyện trước ngày cưới
Đúng lúc đó, một chiếc xe buýt trờ tới. Phạm Văn Lương từ trên xe bước xuống. Anh vừa dự đám tang một người em kết nghĩa trở về, và chuẩn bị đón tiếp xe xuống Hải Phòng. Người yêu của anh mới gọi điện nhắn anh về để chuẩn bị cho ngày thành hôn. Chỉ ít hôm nữa chàng trai 27 tuổi này sẽ làm lễ cưới. Anh đang rất bận rộn, hồi hộp, chuẩn bị bước vào giai đoạn mới của cuộc đời.
Vừa xuống xe, Lương đã giật mình. Nạn nhân bị đụng xe đầm đìa máu nằm ngay trước mặt anh. Không kịp suy nghĩ gì, anh lao đến bên nạn nhân, áp tai nghe thấy vẫn còn tiếng thở yếu ớt. Anh cuống quýt vẫy taxi, nhưng mấy chiếc chạy thẳng qua mà không chịu dừng lại. Cuối cùng, một chiếc chịu dừng. Nhưng khi tài xế mở cửa xe, thấy nạn nhân bị chảy máu bết đầm người, lại ngần ngừ tỏ vẻ không muốn chở. Lương phải hét lên: “Thôi, làm phúc đi anh!”.
Bây giờ, ngồi kể lại chuyện này, Lương nhớ khoảnh khắc ấy mình không kịp suy nghĩ gì cả. “Tôi chỉ thấy trước mặt mình có một con người sắp chết, và thế là tôi lao đến”- Lương kể tiếp. Cuối giờ chiều, đường phố Hà Nội tắc nghẽn, taxi phải mất cả nửa giờ mới luồn lách đến được Bệnh viện 19-8 ở cách đó không xa. Cuống quýt bế nạn nhân vào phòng cấp cứu, nhân viên y tế hỏi gì Lương cũng gật, kể cả anh có phải là thân nhân không. Anh muốn mọi thủ tục thật nhanh để nạn nhân được cấp cứu kịp thời. Mãi sau đó Lương mới sực nhớ lục tìm giấy tờ trong túi quần áo nạn nhân để tìm người thân, nhưng chẳng có gì, kể cả điện thoại di động.
Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày chậm chạp trôi qua, lòng Lương nóng như lửa đốt. Anh vừa thương nạn nhân đang thoi thóp giữa làn ranh sinh tử, vừa lo việc đám cưới dở dang ở nhà. Bác sĩ rồi công an đến điều tra tai nạn không gặp được người thân, chỉ biết gặp Lương. Họ hỏi nhiều điều nhưng anh chẳng biết gì hơn ngoài điều duy nhất mình chính là người bế nạn nhân vào đây.
Cả tuần lễ Lương không về nhà, gia đình phải gửi quần áo, tiền nong lên cho anh. Lương lấy quần áo mình mặc cho nạn nhân đỡ lạnh lẽo, tủi thân trong giờ phút sinh tử đau đớn. Lương liên hệ với các báo để thông tin tìm người thân, rồi anh lại gặp các cơ quan công an xem có manh mối gì.
Không thể về nhà chuẩn bị lễ cưới, nhưng Lương may mắn có người yêu hiểu chuyện, thông cảm với việc giữa đường của mình. Cô từ Hải Phòng lên Hà Nội, chia sẻ khó khăn và nỗi buồn với người chồng sắp cưới. Ngày thứ sáu thì nạn nhân xấu số tử vong. Cuối cùng, khi Lương về đến quê thì sụt đúng 5kg!
Số phận của trái tim
Những ngày về Hải Phòng, tôi nghe rất nhiều chuyện kể về Lương. Người đầu tiên mà tôi gặp ở cầu Quán Toan chính là Trần Thị Cẩm, vợ mới cưới của anh. Cẩm có vẻ gầy yếu nhưng ánh mắt toát niềm vui, lạc quan: “Số nhà em lạ lắm anh à, cứ ra đường là gặp người bị nạn. Có hôm anh về nhà mà máu me đầy người. Em cứ tưởng anh bị tai nạn, hóa ra là máu người bị nạn được anh giúp đỡ bết vào”.
Rồi Cẩm lại vui vẻ tâm sự tiếp: “Nói vậy thôi, chứ em nghĩ chắc tính anh thấy người bị nạn không nỡ làm ngơ nên mới hay gặp chuyện này”. Nhiều lần Lương đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu, rồi lại hối hả kêu vợ đưa tiền lên trang trải viện phí giúp. Sáng ra vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ mới hay chẳng ai còn đồng nào...
Về quê Lương, có người nói số phận anh là thế. Riêng tôi nghĩ rằng đó là “số phận của trái tim” thì đúng hơn. Chuyện Lương tình cờ giúp đỡ thanh niên bị tai nạn giao thông vừa rồi chỉ là một trong rất nhiều trường hợp anh không thể làm ngơ. Nhà nghèo, mới 15 tuổi Lương đã ra đường buôn gà. Ngày ngày chứng kiến bao nhiêu nụ cười lẫn nước mắt ngoài xã hội làm anh hay nặng lòng.
Người đầu tiên mà anh giúp đỡ chính là ở chợ Vĩnh Bảo. Sáng hôm đó chợ ế, Lương đang chuẩn bị về thì thấy một phụ nữ lớn tuổi đang ngồi bỗng dưng ngã ra đất, rồi cứng đờ như tắt thở. Mọi người xúm lại chưa biết làm gì thì Lương nhanh trí cõng đến bệnh viện. Bác sĩ nói bà rất may mắn vì đến kịp bệnh viện trong cơn tai biến, chậm tích tắc có thể ảnh hưởng đến tính mạng mà nhẹ lắm là bại liệt. Sau đó, Lương mới biết tên bà là Thận. Và xúc động là bà Thận đã xin nhận Lương làm con nuôi để tạ ơn cứu mạng mình.
Mới đây, Lương lại lao vào cứu một người buôn đồng nát bị tai nạn giao thông ngay cầu Quán Toan, Hải Phòng. Buổi tối chập choạng trên đường đi làm về, người đàn ông này bị xe máy đụng lăn ra đường, chảy máu đầm đìa cả người. Nhiều người qua đường lặng lẽ bỏ chạy luôn, có người tò mò dừng lại nhưng chỉ đứng nhìn mà không làm gì để giúp nạn nhân. Ông bị ra máu nhiều quá, họ ngại vấy vào mình, kể cả nghĩ chắc ông chết rồi. Lúc đó Lương đang ăn cơm sau nhà. Nghe tiếng ồn ào trước đường, anh bỏ dở bát cơm, lao ra rồi vội vàng đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Trong lúc đợi bác sĩ cứu chữa, anh lấy số máy nạn nhân gọi thử thì trúng ngay số máy nhà ông ở sát hiện trường vụ tai nạn. Chính họ cũng có mặt trong đám người tò mò đứng xem, nhưng vì máu ra nhiều quá nên không nhận diện được thân nhân mình. Khi qua khỏi, ông (tên Hiển) đã dẫn vợ sang tạ ơn Lương. Anh nhẹ nhàng nói: “Lúc ấy, con chỉ thấy có người sắp chết thì cứu thôi, chứ chẳng biết bác là ai. Gặp bác hay gặp người khác con cũng làm thế thôi mà. Đâu có gì mà bác ơn nghĩa”.
Tháng 10-2010 ở Hà Nội, Lương lại tình cờ cứu kịp hai học sinh bị tai nạn giao thông trên đường Kim Mã. Hai em bị xe máy đâm, xuất huyết rất nhiều và nằm bất động. Người qua lại rất đông nhưng chỉ tò mò đứng nhìn. Lương ngang qua thấy cảnh đau lòng, vội kêu taxi chở nạn nhân đến bệnh viện. Mấy tài xế thấy máu me, vọt luôn. Lương phải đứng chặn trước mũi, một chiếc mới chịu dừng lại. Đưa hai em vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt - Đức, Lương lấy điện thoại các em gọi về nhà. Lát sau, bố mẹ các em đến nhưng thất thần, chẳng còn biết làm gì. Lương nán lại ở bệnh viện cả đêm để giúp thủ tục cấp cứu cho các em.
Ba tháng sau, bố các em đưa con từ Hà Nội về Hải Phòng tìm Lương để tạ ơn. Nhưng hôm đó, họ không gặp được Lương vì anh lại đang đi tìm người thân cho một nạn nhân tai nạn giao thông khác tình cờ gặp trên đường...
QUỐC VIỆT
---------------------------------------------
Nửa đêm, băng qua đám thanh niên bặm trợn để đưa người bị đánh sắp chết đi cấp cứu, sau này tâm sự bà chỉ nói: “Sinh mạng quý lắm. Mình cũng là người mà không biết cứu người thì đâu xứng sống ở đời này nữa”.

Kỳ 2: Cứu người trong đêm
TT - “Tới giờ vẫn có hàng xóm hỏi tui: đêm đó bà sợ không? Lỡ người đó chết trong nhà bà hay tụi lưu manh vô đâm chém loạn xạ thì sao? Tui trả lời rằng thiệt bụng lúc đó tui cũng chẳng biết mình có sợ hay không, nhưng chỉ thấy có mạng người đang nguy hiểm mà mình ngó lơ thì coi sao đặng.
Dạy con cháu bà Khiết chỉ nói “mạng người quý lắm” - Ảnh: Quốc Việt 

Còn chuyện giúp đúng, sai thế nào chắc là chỉ do trái tim mình mách bảo thôi, chứ lúc đó đầu óc đâu mà nghĩ ngợi gì nữa” - ngồi nhìn nước lũ đang lé đé dâng cao, bà Lê Thị Khiết tâm sự. Cũng chính tại bờ kênh này, bà vừa cứu mạng một thanh niên không quen biết trong cái đêm không nhìn thấy mặt người.
Cái đêm hôm ấy...
Miệt bưng Thạnh Hóa Long An lũ ngập trắng. Từ TP.HCM, tôi về xã Thạnh Phú bằng xe máy, rồi phải len lỏi bằng xuồng nhỏ mới vào được ấp Ông Hiếu. Người lái đò hỏi: “Anh đi tìm ai mà vô sâu dữ?”. “Bà Khiết, người đàn bà vừa cứu mạng anh thanh niên...”. Chưa nghe tôi nói dứt câu, người lái đò đã vui vẻ cắt ngang: “À, bà Khiết phải hông? Bà ở cuối ấp Ông Hiếu chứ gì. Ở đây ai mà hổng biết, bà già này thẳng tính lắm à nghen”. Nói xong, người lái đò dứt khoát không lấy tiền công.
Lúc tôi cặp xuồng lên nhà, bà Khiết đang ngồi co chân trên giường, bỏm bẻm nhai trầu. “Trời, chuyện nhỏ nhít, có gì đâu mà nhắc chú em”. Ban đầu bà Khiết nhất định không chịu nói chuyện ơn nghĩa cũ. Đến khi trưởng ấp và mấy hàng xóm dẫn đám con nít ghé chơi, nói bà kể chuyện để sắp nhỏ nghe mà học làm người thì bà mới chịu dừng nhai trầu.
“Hôm đó khoảng 12 giờ đêm, điện cúp mà trời lại chuyển mưa tối đen. Tui đang thiu thiu ngủ chợt nghe góc phòng con dâu có tiếng lục đục, chồng nó lại không ở nhà. Nghe lạ, tui cầm đèn pin qua rọi thử thì giật bắn người thấy một thanh niên cởi trần, máu me đỏ lòm đang nằm mọp trên sàn nhà, còn con dâu tui thì mất hồn, ngồi chết trân không nói được tiếng nào”. Bà Khiết kể lúc đó anh thanh niên này còn hơi tỉnh, thấy bà liền năn nỉ cho trốn trong nhà. Bà đang ú ớ chưa kịp nói gì, anh ta lại cầu khẩn rằng hay cho ra ở góc sân cũng được, rồi lết tới đống gạch. Máu me nhỏ giọt trên người.
Bà lập cập cầm đèn pin đi theo và thấy người lạ này bắt đầu lên cơn mê sảng, co giật, bên ngoài lại có tiếng chân chạy tới lui huỳnh huỵch như đang truy tìm ai đó. Tình hình nguy hiểm, bà ráng đỡ anh thanh niên ngồi dựa tường cho đỡ ra máu, rồi lấy chiếc áo ở nhà mặc vội lên người anh ta.
Máu vẫn ra đầm đìa, người lạ càng lúc càng co giật nhiều hơn và hoàn toàn mê sảng, không biết gì nữa. Thấy anh ta như sắp chết, bà luống cuống chạy ra nhìn thấy chiếc vỏ lãi của mình vẫn còn cặp bờ kênh. Lúc quay lại vô nhà, người thanh niên bà vừa đỡ ngồi dựa tường đã ngã sấp xuống sàn, nằm mê man, bất động trong lúc máu vẫn chảy nhỏ giọt. Cố kéo anh ta xuống vỏ lãi để chở đi cấp cứu, nhưng sức bà già 60 tuổi không thể kéo nổi anh thanh niên nông dân này. Đêm lại tối đen như mực, bà sợ một mình điều khiển vỏ lãi chạy đường kênh nhiều cây cối, cầu thấp sẽ nguy hiểm thêm cho tính mạng người đang bị thương tích.
Lóe lên suy nghĩ phải tìm thêm người giúp, bà bước vội sang nhà anh Trần Văn Chính, trưởng ấp và mặc kệ những thanh niên bặm trợn đang hậm hực ngoài đường. Hình như thấy bà già ốm yếu, chúng cũng không thèm để ý. Khi anh thanh niên bị thương được chở lên Bệnh viện Thạnh Hóa, bác sĩ cấp cứu nói anh bị chấn thương đầu, nếu chậm thêm một chút sẽ rất nguy hiểm. Đến lúc nghe báo tính mạng anh ta đã an toàn, bà mới thở ra nhẹ nhõm. Cả đêm căng thẳng, thức trắng, nhưng bà không hề có cảm giác mệt mỏi.
Trời vừa tang tảng sáng, người bị nạn này tỉnh lại và công an đến làm việc thì lại báo bị mất tiền. Có hai nơi nghi ngờ mất tiền là chỗ anh ta bị đánh và lúc nằm ở nhà bà Khiết. Thấy làm ơn có thể mắc oán, bà quay lại vỏ lãi định về nhà tìm xem tiền có bị rớt ở đâu trong đêm tối, chợt phát hiện gói tiền hơn 10 triệu đồng đang nằm kẹt dưới sạp tre đáy vỏ lãi. Thì ra trong lúc đưa người thanh niên này đi cấp cứu trong đêm tối, tiền từ túi anh ta rớt xuống vỏ lãi mà không ai thấy để giữ giúp.
Cầm trả lại tiền cho người mình vừa cứu mạng mà lúc này bà mới biết tên là Nguyễn Văn Tưởng, quê ở huyện Thủ Thừa, Long An, sang Thạnh Hóa đốn tràm mướn. Gói bạc đó là số tiền công mần mướn mấy tháng của anh ta. Tối anh bị nạn cũng là hôm anh mới lĩnh lương, bị đám thanh niên say rượu địa phương gây gổ, hành hung. Trời tối nên họ không phát hiện được gói tiền trong túi Tưởng. Còn Tưởng cố chạy thoát đến nhà bà Khiết thì gục xuống. May là anh còn lết vào được nhà bà, nếu nằm gục ở ngoài đường chắc tính mạng đã không giữ được. Tỉnh lại ở bệnh viện, Tưởng chưa kịp lí nhí lời cảm ơn ân nhân cứu mạng, bà Khiết đã nói “Chuyện nhỏ nhít, có gì đâu”, rồi lên vỏ lãi đi mất.
“Tôi chỉ tham của trời”
Ngồi tâm sự với bà Khiết suốt buổi chiều trong căn nhà bên bìa lung tràm mùa nước lũ, tôi nghe bà miên man kể chuyện đời mình như đang dạy cho chính sắp nhỏ đang ngồi hóng hớt chuyện người lớn. “Mấy đời ông cha tui đã ở miệt bưng này rồi. Hồi đó Thạnh Hóa là rừng tràm hoang vu, dân cư nghèo rớt, ba hột cơm còn không có đủ mà ăn. Học hành chưa được mấy chữ, tui đã phải bỏ ngang vì chiến tranh, nơi này trở thành bãi cho bom thừa, pháo dư trút bỏ. Nhà nghèo nhưng cha tui hay dạy con cái sống ở đời phải giữ đạo làm người. Mình có tham thì nên tham của trời, chứ đừng tham của người”.
Bà Khiết vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa tâm sự lời dạy của cha đã theo mình suốt cuộc đời 60 tuổi. Đời bà không may mắn được bỏ vào đầu mấy chữ. Gặp chuyện này chuyện nọ, hay giúp đỡ người khác, bà chỉ nghĩ đơn giản họ là người mà mình cũng là người, vậy không giúp nhau thì giúp ai bây giờ!
Ngồi bó gối tư lự ngó nước lũ đang chuyển màu vàng đỏ trong bóng chiều dần khuất sau rặng tràm, bà Khiết tâm sự cũng chẳng thể nhớ được đã từng giúp ai, cứu ai vì đời mình không để lòng chuyện đó. Nhưng cũng có những kỷ niệm đặc biệt thì bà không thể nào quên. Một đêm về nhà chồng, bà đang ngủ bỗng nghe như có tiếng người hớt hải kêu cứu dưới sông. Bà cuống quýt chống xuồng lao ra cứu người gặp nạn, nhưng đêm tối bà cố gắng tìm mãi vẫn không thấy ai. Đến sáng ra mới biết hai người đi buôn khoai mì bị lật xuồng. Nhìn hai xác người bất hạnh cứng đờ trong nước sông lạnh lẽo, bà bật khóc như khóc chính người thân mình. Về nhà, bà còn mất ngủ cả tháng vì hình ảnh đau thương của người không quen biết cứ trĩu nặng lòng mình.
Bà giờ đã có năm người con và lít nhít sắp cháu đến 11 đứa. Dạy sắp nhỏ, bà chỉ chân chất: “Sinh mạng con người quý lắm. Thấy người ta hoạn nạn mà mình ngó lơ coi sao đặng!”.
QUỐC VIỆT
__________________
“Hãy viết tui vô danh hay chỉ cái tên Dân cũng được. Chuyện có gì lớn lao đâu mà kể. Loài vật như con chó còn biết cứu người, mà chẳng lẽ con người lại không thể giúp nhau”. Đó là tâm sự của một tài xế đã cứu nhiều người gặp nạn dù không ít lần anh làm ơn mắc oán.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?