Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

'Ước mơ của tôi'

Tôi đã bơm xe, bán nước vỉa hè kiếm tiền du học

Không có tiền, tôi lao vào làm đủ thứ nghề, từ bơm xe, bán quán nước vỉa hè hay theo chân bác tôi đi làm đồ kim khí để đăng ký học thêm tiếng Anh, mơ một ngày được đi du học.

Tuổi thơ tôi gắn liền với đòn roi, với mùi chua cay của rượu và mùi hôi của khói thuốc. Tất cả đều xuất phát từ bố tôi. Ông không có công ăn việc làm ổn định, suốt ngày chỉ rượu chè rồi chửi mắng vợ con. Mọi gánh nặng gia đình vì thế đều dồn hết lên đôi vai gầy của mẹ.
Tôi vẫn còn nhớ như in tối hôm đó, ba mẹ con tôi đã chạy thật nhanh ra khỏi nhà để thoát khỏi bố, thoát khỏi sự tủi cực đau đớn cả về mặt thể xác lẫn tinh thần mà bao năm qua mẹ con tôi đã phải chịu đựng. Năm ấy tôi mười tuổi, bố mẹ tôi chia tay…
Tôi và chị gái được gửi về quê ngoại, còn mẹ vẫn tiếp tục ở lại Hà Nội đi làm, cuối tuần tranh thủ về thăm chúng tôi. Có những đêm ốm sốt, tôi thèm lắm một bàn tay của mẹ, chỉ cần một cái sờ trán thôi là tôi cũng thấy đủ lắm rồi.
Mẹ hy sinh vì chúng tôi nhiều lắm, có hôm tận hai giờ sáng mẹ mới về tới Ninh Bình. Xe khách chiều hôm trước mẹ chỉ đủ tiền về tới Phủ Lý. Mẹ định bụng sẽ đạp xe tiếp từ đó về nhà, nhưng ông trời đã không thương mẹ. Xe đạp bị tuột xích giữa đường, mẹ vừa dắt xe vừa khóc…
Hè năm đó mẹ định để chúng tôi nhập học ở quê, nhưng chỉ trước hôm khai giảng đúng một ngày, mẹ đã quyết định đưa chúng tôi quay trở lại Hà Nội mặc dù vẫn chưa biết sẽ ở đâu. Đó cũng là bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi.
Cơ quan mẹ cho mượn tạm một căn phòng nhỏ ở khu nhà kho cỏ mọc um tùm để ở. Với người khác thì nó thấp kém nhưng đối với chúng tôi đó là cả một thiên đường. Hai chị em tôi cố gắng học thật giỏi để mẹ vui. Có những đêm chúng tôi cùng nhìn lên bầu trời, ngắm nhìn những ông sao bé nhỏ mà thầm ước rằng sau này sẽ kiếm được nhiều tiền để đỡ đần mẹ.
Tôi thi đỗ cấp 3 vào khối chuyên Toán - Tin ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Bạn bè cùng lớp với tôi toàn là những nhân tài, họ xuất thân từ những ngôi trường nổi tiếng trên toàn miền Bắc, có lẽ chỉ mỗi mình tôi đi lên từ một ngôi trường làng ngoại thành Hà Nội.
Nửa năm đầu lớp 10 tôi đã bị choáng vì cảm giác không theo kịp các bạn. Họ dường như là những người biết tuốt. Bài nào thầy ra họ cũng làm một cách nhanh chóng, còn tôi cứ mãi loay hoay tìm lời giải. Phải mất một thời gian rất lâu tôi mới bắt kịp nhịp học của các bạn, và chứng tỏ được khả năng của mình.
Năm lớp 11, 12, có nhiều bạn trong lớp tôi đã tìm được những suất học bổng toàn phần ở nhiều nước trên thế giới để sau khi tốt nghiệp họ có thể đi học đại học ngay. Tôi thấy thật thán phục họ. Tôi thấy tự ti và kém cỏi. Học chuyên Tin nhưng thậm chí đến tạo một cái email như thế nào tôi cũng không biết thì làm sao biết tìm học bổng. Tất cả tài sản mà tôi có là một chiếc máy tính 486 cũ mà mẹ tôi mang từ cơ quan về, cũng chẳng có điều kiện mà tiếp xúc với Internet.
Nhìn các bạn tôi thấy thèm được như họ, và tôi ước mơ được đi du học... Nhưng ước mơ đó có quá xa vời khi từng bữa cơm hàng ngày mẹ vẫn phải chắt chiu tiết kiệm. Tôi chỉ biết, tôi đã theo đuổi giấc mơ ấy trong suốt năm năm tiếp theo của tuổi trẻ.
Tôi bắt đầu nhận ra mình cần phải học tốt tiếng Anh. Nhưng mà lấy tiền đâu ra để học? Tôi lao vào làm đủ thứ nghề, từ bơm xe đạp, bán quán nước vỉa hè hay theo chân bác tôi đi làm đồ kim khí. Nhưng tất cả vẫn không thể đủ để tôi có thể đăng ký một khóa học tiếng Anh tốt. Năm nào số tiền tôi kiếm được cũng chỉ đủ học Streamline hoặc Headway buổi tối.
quan tra
Quán nước vỉa hè đã cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị, giúp tôi trưởng thành hơn. Ảnh minh họa: Tiến Dũng.
Tuy chưa đạt được mục tiêu, nhưng tôi thấy mình trưởng thành hơn, tự lập hơn, và quan trọng hơn là thời gian đi làm tôi đã có dịp được tiếp xúc với những con người thú vị. Đó là bác Khôi lùn xe ôm đầu ngõ một mình nuôi hai con học đại học, là cô hàng đại lý cho tôi nợ tiền khi tôi chưa đổi được tiền lẻ cho khách, là anh chàng tôi không nhớ rõ tên tối nào cũng ngồi uống nước quán tôi chỉ để chờ đón vợ đi làm về. Tôi thấy cuộc đời ngoài kia vẫn còn nhiều điều hạnh phúc lắm.
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi và mẹ cùng đi dự một buổi hội thảo du học mà các anh chị Việt Nam từ Mỹ về chia sẻ kinh nghiệm và nói chuyện. Buổi hội thảo ngày hôm đó thực sự đã tạo ra một động lực rất lớn đối với tôi, càng làm tôi quyết tâm theo đuổi con đường du học. Thấy tôi mê quá, ngay ngày hôm sau mẹ cọc cạch xe đạp chở tôi lên một trung tâm trên phố để đăng ký học tiếng Anh. Vừa vào tới nơi, nhìn thấy tiền học phí một khóa ít nhất 100$ thì ngay lập tức tôi bảo mẹ quay về với lý do: "Con không thích học tiếng Anh nữa".
Sau đó tôi thi đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội, không lâu sau, tôi nhận được một suất học bổng toàn phần sang Thượng Hải học. Lúc này tôi đã nghĩ rất đơn giản rằng sang đó mình sẽ có cơ hội được học thêm tiếng Anh. Tuy nhiên, sang tới nơi chúng tôi đã phải học đuổi một khóa tiếng Trung trong vòng 3 tháng để đủ điều kiện về ngôn ngữ. Vì có ít thời gian nên dù được nhận vào học nhưng năm đầu tôi học khá vất vả vì có nhiều từ vựng không biết. Tôi còn nhớ có những hôm thi mà đến đọc đề thi tôi cũng không hiểu hết, phải phán đoán khá nhiều.
Sang năm hai, tôi học hành vào guồng hơn. Lúc này tôi bắt đầu quay trở lại với giấc mơ du học ngày xưa của mình. Để củng cố lại vốn tiếng Anh ít ỏi, tôi bắt đầu đăng ký những lớp cơ bản nhất ở trường, mỗi kỳ học một level từ thấp lên cao. Tôi cứ duy trì như vậy và điểm tiếng Anh cũng theo thời gian cao dần lên. Lúc này tôi nghĩ đến việc phải thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS thì mới có cơ hội đi học tiếp Master ở các nước nói tiếng Anh khác. Tôi bắt đầu tìm cách để có thể đăng ký lớp học IELTS ở Thượng Hải, nhưng vấn đề mấu chốt, đeo đuổi tôi vẫn là tiền không có.
Học bổng chỉ đủ sống, tôi cũng không muốn đặt gánh nặng này lên vai mẹ. Lúc này ở Thượng Hải có một chương trình học bổng của chính phủ dành cho sinh viên quốc tế, nếu được học bổng này thì việc học và thi IELTS của tôi không thành vấn đề. Tôi hăm hở rồi nộp hồ sơ, nhưng sau bao ngày chờ đợi, tôi trượt. Thất vọng, chán chường nhưng tôi không dễ dàng bỏ cuộc như thế. Tôi bắt tay làm lại từ đầu, chăm học hơn, ít chơi hơn, mục tiêu trước mắt là đạt được học bổng kia, để bước tiếp trên con đường chinh phục giấc mơ của mình.
Đúng một năm sau, tôi thành công. Tôi dùng toàn bộ số tiền có được để ôn luyện và đăng ký thi IELTS. Trong vòng 5 tháng liền tôi hầu như không có một ngày nghỉ. Tôi phải học cách sắp xếp thời gian hợp lý nhất để vừa đáp ứng được bài vở trên lớp, vừa có thời gian ôn thi IELTS, vừa có thời gian quan tâm tới gia đình và người yêu. Ngày nhận kết quả, tôi đã vỡ òa trong niềm vui sướng khi biết mình đã đạt IELTS 7.0. Chặng đường thứ nhất coi như đã kết thúc, tôi lại bước tiếp những bước cuối cùng trên hành trình chinh phục giấc mơ của mình: nộp hồ sơ xin học bổng Master.
Có những lúc tôi hết sạch tiền vì đã dùng tất cả cho những bộ hồ sơ. Tôi và cậu bạn cùng nhà đã có những bữa cơm chỉ có hai củ cà rốt để ăn, rồi rất nhiều lần phải muối mặt đi vay mọi người. Mỗi lần gọi điện về nhà tôi đều giấu mẹ vì tôi không muốn tóc mẹ phải bạc thêm.
Cuộc đời đã không phụ những cố gắng không mệt mỏi của tôi. Cuối cùng tôi đã thực hiện được giấc mơ của mình khi liên tiếp nhận được ba suất học bổng toàn phần tại châu Âu. Giờ tôi đang ngồi ở Amsterdam, thủ đô của xứ sở hoa Tulip xinh đẹp để viết những dòng tâm sự này.
Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân để các bạn có thêm niềm tin và ý chí tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình. Tôi tin chắc rằng các bạn sẽ thành công, vì cuộc sống sẽ không bao giờ phụ lòng những người cố gắng và nỗ lực hết sức mình đâu.
Vũ Thanh Tùng

Tôi mong ba khỏe dù ông đã làm tổn thương tôi

Một đêm, ba cho tôi cái bạt tai choáng váng thì những cùng cực cuối cùng trong tôi không dồn nén được nữa. Tôi bỏ nhà đi dù chưa đến ngày nhập học. Giờ ông trên giường bệnh, có lẽ không còn sức đánh tôi như xưa nữa.

Từ bé, đối với tôi ước mơ về một gia đình trọn vẹn là thứ gì đó thật xa xỉ. Tôi đã trải qua cuộc sống bất ổn từ nhà trọ này sang nhà trọ khác cùng bố mẹ. Khi đó tôi không hiểu tại sao mình phải đi liên tục như vậy. Trong đầu óc non nớt của đứa trẻ sáu tuổi, tôi tò mò về những thứ mà tụi bạn trong lớp hay chơi. Tôi thèm sờ một con búp bê xinh xắn trên tay chúng nó, thèm được một đứa nào đó rủ "mày đi sinh nhật tao nha", nhưng thật sự chỉ có những đứa nhà giàu mới làm sinh nhật, và chúng nó chưa bao giờ mời tôi cả.
Các bạn lớp tôi tham gia học thêm tiếng Anh. Mỗi ngày đến lớp, nghe tụi nó trả lời vanh vách những gì cô giáo hỏi tôi lại ước "phải chi mình cũng được như vậy". Năm 1992–1993 thì một lớp học tiếng Anh khoảng 20.000 đồng một tháng. Thời điểm đó quả thực 20.000 đồng không phải nhỏ. Đêm đến, tôi không thể nào ngủ được vì nghĩ tới cái lớp ấy, tôi rúc vào lòng mẹ hỏi: "Mẹ ơi, mẹ cho con học tiếng Anh được không? Cô giáo nói 20.000 đồng một tháng". Mẹ tôi nói khoản tiền đó với nhà mình bây giờ là không nhỏ vì còn phải lo nhiều thứ cho tôi và em. Nếu khoảng 10.000 đồng thì mẹ có thể chắt bóp cho tôi học.
Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, chạy chân sáo lên trường trong lòng nuôi hy vọng rằng mình cũng học được tiếng Anh. Ra chơi, tôi chạy lên bàn cô giáo hồn nhiên hỏi: "Cô ơi, em có 10.000 đồng. Em học thêm được không cô?". Đáp lại ánh mắt đầy hy vọng của tôi, cô đáp lại thờ ơ: "Mười nghìn không học được đâu em, các bạn trong lớp mình đều đóng 20.000 đồng cả!”.
Nhìn nhiều đứa trẻ hạnh phúc vì được bố quan tâm, tôi đã không ít lần tủi thân. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Tôi "dạ" lý nhý một tiếng trong cổ họng. Đôi mắt ầng ậc nước, cụp xuống như một đứa trẻ biết lỗi. Tôi quay lưng và chạy thật nhanh ra khỏi lớp. Đến giờ, tôi vẫn nhớ rõ mình đã khóc sưng cả mắt suốt buổi trưa hôm đó. Từ đó về sau tôi thôi không bao giờ xin mẹ đi học thêm nữa.
Những năm tháng vất vả của gia đình tôi cứ thế trôi đi, cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền khiến ba mẹ tôi thường cãi vã. Ba tôi cáu gắt nhiều hơn còn mẹ luôn câm lặng và chịu đựng. Khi ấy, tôi lớp 2 và đứa em gái chừng 6 tuổi vẫn còn vô tư lắm. Tôi nhớ có một chiều hai chị em khóc thét lên khi chiếc tivi cũ kỹ trong nhà cũng bán nốt.
Đó là cơ hội duy nhất tôi có thể xem bộ phim hoạt hình Vua Simba mà tôi yêu thích. Mặc dù mẹ hứa sau này sẽ mua một cái khác nhưng hai đứa buồn cả tuần liền. Rồi ba mẹ tôi đi làm ăn xa, chị em tôi về ở cùng ngoại. Tivi và phim hoạt hình Vua Simba vẫn là niềm ao ước chưa trọn vẹn.
Tôi rời xa thị thành và lũ bạn nhà giàu, trở về vùng nông thôn khô cằn đến hết quãng đời cấp hai. Ở đây dường như tôi thấy dễ chịu hơn khi chơi cùng bọn trẻ ở quê. Tôi và chúng nó cứ mỗi chiều long nhong lùa trâu ra đồng, chân đất chạy thình thịch. Có hôm tôi băng sang bụi tre, chặt củi khô bó thành bó lớn rồi gánh về cho ngoại.
Đêm đêm tôi phụ mợ bán chè. Quê ngoại nắng cháy da, mặt mũi tôi lúc nào cũng đen nhẻm. Những đứa bạn cấp hai của tôi bây giờ vẫn thường đùa "Ngày đó mày xấu tệ", nhưng tôi thương cái tuổi thơ vất vả, trong đầu lúc nào tâm niệm phải cố gắng học thật giỏi cho ba mẹ nơi phương xa yên lòng. Ngày tôi đoạt giải nhất toàn huyện cuộc thi viết thư UPU "Gửi người thân mà em yêu thương", ngoại tôi mừng chảy nước mắt.
Đó là lá thư của đứa con mong nhớ cha mẹ từng ngày khắc khoải. Có năm cận Tết ba mẹ không về, hai chị em dắt díu nhau ra ngõ khóc thút thít.
4 năm sau, ba mẹ tôi trở về xây được một cái nhà nhỏ. Cuộc sống cũng không khá hơn là bao. Tôi ý thức khi mở miệng xin mẹ từng khoản tiền. Tôi tiết kiệm, cố gắng tự học và hạn chế đi học thêm vì sợ mẹ vất vả. Ba tôi từ ngày về ông vẫn cáu gắt và giận dữ vô cớ như nó đã ăn vào máu. Ông không thể nói cùng tôi một lời dịu dàng, chưa từng cho tôi tiền để ăn học. Ông chỉ muốn tôi nghỉ học mỗi khi tôi đến kỳ đóng học phí.
Tôi sợ và dường như chẳng bao giờ dám mở lời với cha. Ông là người độc đoán và sẵn sàng trút lên đầu tôi những đòn roi mà năm tháng trôi qua nó đã trở thành vết thương trong lòng tôi không thể nào lành được. Tôi chỉ có thể nói cùng mẹ. Thương mẹ cực, một buổi đi học, một buổi tôi phụ người ta bán ngoài chợ. 4 rưỡi sáng tôi thức dậy, ôm những xô nhựa lớn ra chợ khi mọi người vẫn chìm trong giấc ngủ.
Bà chủ trả tôi mười nghìn, cộng với hai nghìn tiền ăn sáng tất cả là mười hai nghìn đồng một ngày. Tôi mua được chiếc xe đạp cũ để đi học sau khi tích góp được một trăm tám mươi nghìn từ những ngày đi làm thuê. Đó là thứ đầu tiên tôi tự mua được bằng sức lao động của mình.
Càng lớn tôi càng quyết tâm vào đại học, ước mơ thoát khỏi sự vất vả và đay nghiến từ ba tôi. Thoát khỏi những tháng ngày tôi cùng cực trong trầm cảm và mặc cảm cùng bạn bè. Thoát khỏi những lo sợ bị ba tôi đốt hết sách vở.
Năm tôi chuẩn bị tốt nghiệp tú tài thì ông đuổi tôi ra khỏi nhà. Đêm lạnh, đứa con gái 18 tuổi không biết về đầu. Tôi lang thang trên chiếc xe đạp gần 10 cây số về nhà ngoại, không một cuốn tập sách nào được mang theo. Tôi ngủ trong tiếng nấc nghẹn ngào và tự nhủ: "Cố lên để mai còn thi sớm".
Tôi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và đỗ vào đại học bằng tất cả nỗ lực của mình. Còn khoảng nửa tháng tôi vào trường trong TP HCM, ba tôi dắt về một thằng con trai và bảo tôi gọi nó bằng anh. Đó là một cú sốc với tôi khi biết mình còn một người anh nữa. Thật khó khăn khi đột ngột bắt tôi thừa nhận một người anh cùng cha khác mẹ. Tôi và nó thật giống nhau và cùng giống ba tôi. Thật nghiệt ngã, đến bây giờ tôi vẫn không thể mở miệng gọi nó bằng anh được.
Từ ngày nó về sống cùng nhà tôi, tôi càng trở nên lầm lì và ăn đòn nhiều hơn. Một đêm, ba cho tôi một cái bạt tai choáng váng thì những cùng cực cuối cùng trong tôi không dồn nén được nữa. Tôi bỏ nhà đi dù chưa đến ngày nhập học. Mẹ cũng khóc hết nước mắt khi sáng ra tôi và tất cả đồ đạc đã ra đi. Tôi đón xe vào thành phố, đó là lần đầu tiên tôi đi Sài Gòn.
Tôi xuống xe gần một siêu thị lớn ở Thủ Đức khi mới gần 4h sáng, trong lòng sợ hãi tột độ. Rất may tôi có một khoản tiền nhỏ dành dụm và mẹ cho lúc trước. Tôi tìm nhà trọ, làm hồ sơ nhập học và đi kiếm việc làm trang trải cuộc sống. Tôi làm tất cả mọi công việc từ phụ quán sinh tố, bán trà sữa, gia sư cho đến làm bán thời gian trong nhà sách để có tiền trang trải.
Những ngày tháng vất vả không thể quên, có những tháng ăn mì gói hết 3 tuần. Nhiều hôm tôi phụ quán gần trường, đám bạn chuyện trò rôm rả còn tôi phải bưng trái cây cho tụi nó. Nhiều đêm quá mệt mỏi, tôi nằm nghĩ có khi nào mặt trời không chiếu qua cuộc đời mình nữa?
Quãng đường đại học của tôi đầy chông gai, tôi thật sự biết ơn những người bạn đã luôn cùng tôi san sẻ, cảm thông và giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống. Nhiều người nhìn tôi và không hề biết cuộc đời tôi chừng ấy tuổi đã lang bạt nhiều. Có ngày tôi cười nhưng đêm về nước mắt đẫm gối. Tôi ký hợp đồng chính thức làm biên tập viên và PR cho một công ty bất động sản khi còn học kỳ cuối của đại học. Ra trường tôi đầu quân về đó và làm đến bây giờ.
24 năm trôi qua, mặc dù tôi chưa được gọi là thành công nhưng cuộc sống đã dần ổn định. Tôi trân trọng những gì mình làm được. Tôi góp nhặt và quý trọng từng đồng tiền dù nhỏ nhất. Tôi thương những người phục vụ bàn, những cụ già bán vé số, những em nhỏ ăn xin, những người tàn tật… Ai cũng có một cuộc đời, ít ra tôi còn may mắn hơn họ.
Giờ đây tôi vẫn luôn ước mơ về một gia đình trọn vẹn. Nhìn ba tôi trên giường bệnh, ông có lẽ không còn sức mà đánh tôi như xưa nữa. Đôi mắt ông đỏ hoe khi thỉnh thoảng tôi về cho ông ít tiền. Mặc dù những đau đớn và vết thương ông gây ra khiến tôi không thể nào quên được nhưng sâu trong lòng mình, tình cảm của đứa con dành cho cha đẻ của mình khiến tôi không còn oán trách ông nữa. Tôi cầu mong ông trời phù hộ để ông được khỏe mạnh. Tôi không muốn ông nằm bất động trên giường mãi.
Bác sĩ nói năm nay ba tôi khó qua khỏi. Tôi khóc trong điện thoại khi nghe điều đó. Mong ước lớn nhất bây giờ đối với tôi là ông có thể khỏe mạnh mà mắng tôi, tôi sẽ khóc thật to và nói rằng: "Ba, con đã về".
Còn ông tôi mới còn có một gia đình.
Phạm Thị Ngọc Thi

Viết báo giúp tôi vượt lên mặc cảm tật nguyền

Vẫn chưa biết ngày mai rồi sẽ ra sao nên tôi sẽ sống hết mình như đang là ngày cuối cùng của đời tôi vậy, sao cho một ngày kia khi trở về với cát bụi, trong lúc mọi người khóc thì tôi có thể nở nụ cười thanh thản. Vì rằng mình đã sống những tháng ngày đầy ý nghĩa và có ích.

Tôi thật sự bi quan và chán nản khi biết rằng bệnh tình của mình không thể nào chữa khỏi, bi đát hơn là càng ngày nó càng lấy đi của tôi thật nhiều thứ quý giá mà lẽ ra những cái đó thật đơn giản khi con người ta khỏe mạnh bình thường. Tôi không thể chạy nhảy hay đi lại như trước được nữa, mà thay vào đó là những tháng ngày dài nằm liệt giường liệt chiếu, co quắp vì những cơn đau, điều đó khiến tôi hoang mang và bàng hoàng tột độ.

Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi gia đình tôi ăn còn chẳng đủ, ấy vậy mà ngày nào cũng phải dành tiền mua thuốc cho tôi bởi những cơn đau bệnh tật cứ hành hạ, không khi nào ngơi nghỉ. Thế là bao nhiêu dự định tốt đẹp về tương lai đành gác lại và như muốn quằn quại theo từng nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, vô cùng tuyệt vọng.
Thú thực đã không dưới một lần tôi nghĩ đến chết, nhưng khi chứng kiến những nỗi đau vô vọng và phiền sầu đến nao lòng của người mẹ bạn tôi khi nó qua đời vì căn bệnh ung thư đường ruột, khiến tôi không thể tiếp tục cái suy nghĩ đớn hèn ấy thêm nữa. Ánh mắt yêu thương trìu mến của mẹ luôn dỗ dành, động viên, an ủi tôi. Và nhiều lắm nước mắt của mẹ, của ba đứa em gái thơ dại trong gia đình đã làm tôi hiểu ra rằng mình cần phải sống xứng đáng là người đàn ông.

Những tháng ngày đau đớn cứ thế trôi qua vô vọng trong khi bạn bè tôi thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Họ thành đạt, rồi cưới vợ, lấy chồng, sinh con, thật vui vầy và hạnh phúc. Có lẽ mình cũng sẽ được như họ nếu không bệnh tật như thế này. Tôi tự an ủi mình như thế, rồi bắt đầu nghĩ đến tương lai của mình, thật ảm đạm và khủng khiếp!

Những trăn trở và kiếm tìm rốt cuộc cũng chỉ đến ngõ cụt. Tôi bó gối nằm co mặc kệ đời. Tôi mặc nhiên trở thành tỷ phú thời gian, tôi làm bạn thường xuyên với radio, tivi, sách báo… Nhưng may mắn sao sách báo mà bạn bè, người thân tặng tôi, hay tôi tự đi mượn để giết thời gian hóa ra lại cho tôi thật nhiều điều có ý nghĩa. Chính những lời hay ý đẹp ấy đã làm “sáng mắt, sáng lòng” tôi, tôi sống tích cực hơn.
Sách
Sách báo đã giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống. Ảnh: ST
Tôi chợt giận mình vô cùng, tại sao không đến với sách sớm hơn? Sao không dành thời gian mà đọc và suy ngẫm những điều có ý nghĩa ấy hơn là để thì giờ trôi đi một cách hoang phí như thế? Thời gian thật quý giá biết nhường nào, điều này tôi đã được học lâu lắm rồi nhưng đến bây giờ mới thấy nó thật đúng đối với mình.
Chính những số phận nghiệt ngã nhưng đầy bản lĩnh của những nhân vật mà tôi đọc hay những cảnh đời éo le, tật nguyền dù tàn nhưng không phế, biết vươn lên có ích trong cuộc sống đã khiến tôi thực sự thức tỉnh và tin tưởng. Tôi thề với lòng mình rằng quyết không đầu hàng số phận.

Tôi dần quên đi là mình đang mang trọng bệnh, giờ đây nó không quá quan trọng nữa. Nhưng những mơ tưởng học hành thành đạt để làm ông này, bà nọ của tôi ngày nào giờ đây trở nên xa vời quá. Tôi đành gửi chúng lên những vì sao trên trời để mỗi đêm lại được nhìn thấy chúng nhấp nháy, nhưng chẳng bao giờ với tới.
Điều tôi trăn trở lúc này là làm sao mình đừng bị liệt, rồi hy vọng làm được việc gì đó phù hợp với khả năng hiện có. Và quan trọng nhất là có thể tự nuôi sống được bản thân mình, đỡ đi phần nào gánh nặng cho gia đình. Bằng không thì tôi cũng có thể làm được cái gì đó, có ích cho ai đó trong phần đời còn lại.

Và tôi bắt đầu ý thức về việc tự chăm lo cho sức khỏe của mình, cố gắng ăn uống bình thường, tập luyện thân thể và dùng thuốc đúng cách sao cho bệnh tình không xấu thêm. Tôi vui vẻ hẳn lên và thanh thản hơn nhiều nên không thèm để ý đến mọi lời đàm tiếu xung quanh, hoặc chẳng phải tự ái, tự ti khi những ai đó tỏ ra thương hại mình. Tôi cười với mọi người, nói chuyện với mọi người nhiều hơn.

Tôi thấy gió mát thổi nhẹ thênh và nắng hồng lên xao xuyến ở trong lòng và xung quanh mình. Tôi bắt đầu tham gia sinh hoạt đoàn thanh niên tại địa phương nơi mình sinh sống, dành thời gian vào việc tình nguyện dạy kèm cho các em học sinh cấp II ở trong thôn. Thật vui khi không những có nhiều em trong thôn nơi tôi ở mà còn có nhiều em ở các thôn khác cũng đến học.

Nhìn các em làm tôi nhớ đến tuổi học trò đầy ước mơ và hoài bão của mình, khát vọng được cống hiến lại thắp sáng trong tôi. Tôi truyền nhiệt huyết học hành cho các em, cách học, cách tính toán nhanh các phép toán, các phương trình. Và đặc biệt tôi không quên dặn các em phải biết bảo vệ sức khỏe, vì có sức khỏe thì sẽ có tất cả, và nếu có bệnh thì phải đi khám chữa ngay.

Nhưng công việc dạy kèm miễn phí của tôi chẳng được bao lâu thì đành phải dừng lại vì những cơn đau kịch liệt lại tái phát khiến tôi không thể ra khỏi nhà trong một thời gian dài. Điều đó khiến tôi hơi buồn nhưng lại hy vọng đến một ngày đẹp trời nào đó đôi chân tôi vẫn có thể tập tễnh đến với các em trong những bài toán khó, những cách làm hay. Nghĩ thế thôi cũng làm tôi rộn rã ở trong lòng.
Những ngày tháng giêng sau Tết nguyên đán vừa rồi, niềm may mắn và niềm vui lớn đến với tôi khi những người bạn học từ thuở thiếu thời giờ đây thành đạt đã tặng tôi một chiếc máy vi tính, điều đó làm tôi cảm kích vô cùng, vui mừng khôn tả xiết. Tình người, tình bạn lại thắp lửa ấm áp lòng tôi.

Trong lúc tôi đau khổ và tuyệt vọng, bạn bè đã không những không bỏ rơi tôi mà còn đến bên, luôn động viên và an ủi, lại còn tặng tôi nhiều thứ quý giá, nào sách hay, nào máy tính. Nhưng có lẽ thứ quý giá nhất mà tôi nhận được từ bạn bè chính là tình bạn chân thành.
Bạn bè tặng máy tính cho tôi không chỉ để vui chơi giải trí, họ quan tâm đến tương lai của tôi cũng như tôi đang trăn trở với tương lai của chính mình. Thật là hạnh phúc, bạn bè đồng cảm với mình, tôi nghĩ họ đã trao cho tôi chiếc cần câu và việc còn lại là tôi phải biết câu cá để làm bữa cơm cho mình.

Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường tôi học văn cũng không tệ lắm nên nghĩ là mình có thể học cách viết bài gửi đăng báo. Dù không yêu thích lắm nhưng ít ra trong lúc này thì đó là công việc phù hợp với tình trạng hiện giờ. Tôi dành thời gian bên máy tính để học cách đánh văn bản, sau một thời gian miệt mài giờ đây tôi đã có thể đánh máy tốt mà không cần phải ngó bàn phím.

Những lúc đi lại tập tễnh, tôi cố gắng đi tìm tư liệu và phỏng vấn chuẩn bị cho bài viết, hý hoáy một thôi một hồi và nuôi hy vọng trong những cơn đau. Và trời đã không phụ lòng người khi bài báo đầu tay viết về "Đề án 52 trong việc giáo dục và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên ở xã tôi" đã được đăng trên báo Gia đình và xã hội.

Nhuận bút nhận được chẳng đáng là bao, chỉ có 260 nghìn đồng nhưng trên hết món quà tinh thần vô giá mà tôi nhận được, tiếp tục thôi thúc tôi kiếm tìm chủ đề để viết. Thật tuyệt vời! Nếu viết thường xuyên thì tôi cũng có một việc làm ổn định. Tôi cười thầm trong lòng, tự khuyến khích an ủi mình và nhận ra rằng chỉ có làm việc thì tôi mới thực sự giải phóng mình ra khỏi khổ đau. Và biết đâu một công việc như thế này có thể vớt vát được cuộc đời bất hạnh của tôi.
Những lúc đau nặng không thể ra ngoài, tôi lại lục lọi thông tin trên mạng và tự mình sáng tác. Chiếc máy tính và mạng Internet trở thành người bạn, người thầy bách khoa toàn thư của tôi. Rồi tin bài tôi gửi về việc huy động vốn cho chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở tỉnh tôi cũng đã được đăng trên tờ báo nói trên. Tôi chia sẻ niềm vui cùng gia đình, người thân và bạn bè. Gia đình tôi lại rộn rã tiếng cười như xưa, bạn bè liên tục gọi điện thoại, nhắn tin khích lệ tôi.
Giờ đây tôi đang tự vén màn sương ảm đạm của chính cuộc đời mình, hy vọng nắng hồng luôn ở lại với cuộc đời tôi. Hàng ngày tôi lại làm việc bên chiếc máy tính mà bạn bè đã đổ mồ hôi, vất vả cật lực kiếm được đồng tiền mua cho. Tôi tiếp tục viết những bài mới, cố gắng viết hay hơn và lại ước mong chứa chan những bài viết có thể nuôi sống được mình. Điều đó mới tuyệt làm sao! Tôi hiểu ra rằng phải sống vì nhiều ước mơ dang dở đang đợi mình.
Trong cuộc sống này, tôi tin chắc một điều rằng mình không hề cô độc vì bên tôi luôn có gia đình, người thân và bạn bè luôn sẻ chia nỗi đau cùng tôi. Tôi không thể phụ bạc và làm mất niềm tin trong họ đã dành cho tôi, và quan trọng hơn cả là tôi biết mình phải làm gì trong phần đời còn lại.

Thời gian còn lại không cho phép tôi sống cẩu thả hay buông xuôi. Vẫn chưa biết ngày mai rồi sẽ ra sao nên tôi sẽ sống hết mình như đang là ngày cuối cùng của đời tôi vậy, sao cho một ngày kia khi trở về với cát bụi, trong lúc mọi người khóc thì tôi có thể nở nụ cười thanh thản. Vì rằng mình đã sống những tháng ngày đầy ý nghĩa và có ích, mặc dù có thể là ngắn ngủi nhưng tôi đã cống hiến hết mình, đã cháy hết mình.

Có một câu danh ngôn mà tôi nhớ mãi, đại ý nói rằng "cuộc đời con người ta không đo bằng dài hay ngắn mà quan trọng là đã làm được bao nhiêu điều có ý nghĩa cho đời".
Phạm Anh Xuân

Tôi rèn được tính kiên nhẫn nhờ theo đuổi ước mơ làm bánh

Việc làm bánh có thể thật nhỏ nhoi so với người khác, nhưng đối với tôi nó có ý nghĩa to lớn vô cùng. Nhờ làm bánh, tôi đã rèn luyện được con người mình, trở nên biết kiên nhẫn hơn, cẩn thận hơn, biết tổ chức hơn.

Ước mơ nho nhỏ của tôi có lẽ sẽ luôn là một điều kỳ lạ và bất ngờ với bản thân tôi nói riêng và những người xung quanh tôi nói chung. Kỳ lạ ở chỗ nếu bạn biết tôi ngoài đời thường, bạn sẽ chẳng nghĩ tôi có sở thích, không, nói đúng hơn là niềm đam mê làm bánh.

Nói ngắn gọn, mọi người xung quanh vẫn luôn thấy tôi và cái sở thích của tôi chỉ đơn giản là không liên quan đến nhau, bởi chiếc bánh kem dễ thương vẫn thường gắn với hình ảnh người con gái nữ tính và thùy mị. Còn tôi chỉ đơn giản là không hoàn toàn như thế.

Cho đến giờ, kể từ lúc tôi biết mình có đam mê này và theo đuổi nó, cũng là một hành trình khá dài. Nhiều khi tôi nhìn lại những gì mình làm và mỉm cười ngớ ngẩn kiểu như mình thực sự thích làm bánh, mình làm được bánh sao, buồn cười thật!
Câu chuyện bắt đầu kể từ khi tôi học cấp 3, khoảng lớp 11 gì đấy, lúc này tôi 17 tuổi, có sở thích hay lang thang đọc sách ở những hiệu sách gần nhà. Cho đến một ngày tôi mới để ý rằng tôi đã vô thức đọc những quyển sách dạy làm bánh và trang trí bánh.

Ngẩn ngơ tưởng tượng rằng đến một ngày nào đó khi mình có thể tự tay làm một chiếc bánh kem và tỉ mẩn trang trí nó, sẽ thật tuyệt vời và yên bình biết bao. Khoảnh khắc phát hiện ra điều ấy đối với tôi vô cùng lạ lẫm và đặc biệt.
Tuy nhiên, cái khoảnh khắc phát hiện ra mình thích làm bánh, tôi cũng đồng thời nhận ra một điều thật buồn, tôi không thể làm được. Đó không phải là sự lười biếng, hèn nhát hay nhụt chí, chỉ đơn giản là sự nhìn nhận khách quan vào hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ.
Tôi rèn được tính kiên nhẫn nhờ theo đuổi ước mơ làm bánh. Ảnh: Internet.
Những chiếc bánh nhỏ xinh được tôi làm để tặng người thân yêu. Ảnh: ST.
Tôi yếu ớt, ngập tràn vấn đề cá nhân và quan trọng nhất, nhà tôi nghèo, tôi phải tập trung toàn bộ cho kỳ thi đại học trước mắt. Thế nên tôi đã nghĩ, và vẫn nghĩ như thế cho đến khoảng hơn một năm rưỡi trước đây, là tôi sẽ thực hiện đam mê này trong 10 năm nữa. Khi mà tôi có thể sống độc lập hoàn toàn, có thể giúp đỡ gia đình và có một căn nhà riêng, bé thôi nhưng là của riêng tôi, với một cái bếp riêng để tôi có thể tha hồ làm bánh.

Vì nghĩ như vậy nên tôi đã tự hình thành một phản xạ cho mình là không nhớ đến bánh, tôi hầu như không đến cửa hàng bánh nữa, cũng là một cách để quên nó đi, để giấc mơ làm bánh ngủ yên cho đến khi tôi có thể thực hiện được nó.
Nhưng cuộc sống đúng là không thể đoán trước được, tầm tháng 1 năm ngoái, lúc này tôi 20 tuổi, đã đỗ đại học và đang học năm thứ hai. Vào một hôm trời còn se lạnh, tôi có hẹn với hội bạn cấp 3 tại nhà một đứa ở Phúc Tân.

Trên đường đi, tự nhiên tôi nghĩ đến món bánh nếp nhân vừng đen mà tôi từng ăn ở Cầu Gỗ và ghé qua mua cho chúng bạn. Tất cả bạn tôi đều say sưa ăn nhồm nhoàm và tỏ ra rất thích, hỏi tôi mua ở đâu để còn biết chỗ, tôi đã rất vui.
Chuyện có lẽ cũng kết thúc ở đó nếu đêm về tôi không tự nhiên nghĩ ra rằng chiếc bánh nếp đó thì chỉ có bột, dừa và vừng đen, bánh này là bánh cổ truyền nên không thể dùng đến lò nướng, người ta làm được thì chắc mình cũng làm được. Thế là tôi tìm trên Google "Bánh nếp vừng đen" và kích vào ngay link đầu.

Có lẽ cú click này chính là bước ngoặt của tôi bởi nhờ nó, tôi không chỉ thấy cách làm món bánh này mà còn biết đến một loại hình blog gọi là food blog, nơi mà chủ nhân của nó làm bánh, nấu ăn, post ảnh, post công thức và chia sẻ với mọi người. Thực sự, từ blog này đã mở ra cho tôi cả một thế giới mới, thế giới mà tôi đã học cách để quên từ lâu.

Dần dà, khi đọc thêm từ blog này sang blog khác, tôi mới thấy làm bánh không quá khó như tôi tưởng. Những gì tôi cần để làm bánh chỉ là một chiếc lò nướng và một máy đánh trứng ban đầu, những dụng cụ còn lại có thể tiết kiệm và mua dần dần, tổng chi phí ban đầu khoảng 2 triệu đồng.
Lúc đấy là tháng 2, tôi quyết định lên kế hoạch tiết kiệm tiền để mua dụng cụ, song song với đọc các food blog để tự học và tranh thủ làm tất cả loại bánh tôi thấy thích mà không cần dùng đến lò nướng hay máy đánh trứng, những thứ mà hiện tại tôi chưa có.

Tôi thấy rất vui khi lại được đến cửa hàng bán bánh và có thể phân biệt các loại bánh với nhau, tôi không né tránh như trước. Trong khoảng thời gian chờ đợi để có thể làm bánh đó, đã có những lúc tôi cảm thấy rất chán nản và tự ti khi thấy những chiếc bánh mà các cô chị đi trước làm được.

Lòng phân vân và tràn ngập nghi hoặc rằng liệu đến lúc mình có lò nướng, mình có làm được như thế không, có nên tiếp tục không? Nhưng rồi tôi cũng biết câu trả lời ngay lập tức, đó là dù có thế nào tôi cũng sẽ tiếp tục theo đuổi, bởi vì đấy không đơn thuần là một sở thích, đấy là đam mê.

Nhà rất chật, vì vậy tôi đã tính đủ đường và thời gian đầu làm bánh tôi phải để lò nướng trên bàn học, mỗi khi cần làm bánh thì phải bê lò xuống bàn nước đề lò có không gian tỏa nhiệt. Làm bánh là một thú vui cần đến sự cẩn thận và kỷ luật, thứ mà tôi luôn thiếu. Việc tự học đôi khi cũng gây ra những bất lợi, vì có những điều tôi không biết hỏi ai, ngay cả việc tìm hiểu địa chỉ nơi bán dụng cụ và vật liệu làm bánh cũng là một khó khăn.

Ngoài ra, ở nhà tôi địa hình không thuận lợi, mỗi lần làm bánh là tôi phải chạy lên chạy xuống liên tục để lấy nước mà dọn rửa. Cộng thêm với túi tiền sinh viên ít ỏi khi vừa phải tính toán tiết kiệm tiền mua nguyên vật liệu, vừa phải thí nghiệm làm bánh đã khiến đôi khi việc làm bánh không còn là thú vui dễ chịu nữa.

Dù vậy, tất cả điều đó đều lu mờ hoàn toàn khi tôi nghĩ lại những điều mình đã làm được, nghĩ lại toàn bộ hành trình, nghĩ lại cảm giác hạnh phúc khi được làm điều mình yêu thích, khi những người thân xung quanh được nếm một miếng bánh ngon và cảm nhận một chút yên bình.

Tôi không thể nào quên cảm giác lần đầu tiên khi làm bánh nếp nhân vừng đen. Tôi đã rất hồi hộp kể từ lúc đi mua nguyên liệu như thế nào, đã sung sướng ra sao khi nếm miếng bánh đầu tiên đó hay cảm giác khi mình làm chiếc bánh quy dừa đầu tiên và mang cho mẹ tôi nếm thử. Thực sự, tôi cũng không rõ lúc đấy mình chạy hay đang bay.
Vậy là cứ dần dần tôi vẽ nên ước mơ nhỏ nhoi của mình. Vào tháng 11/2010 tôi đã có khá đủ dụng cụ cơ bản cho công cuộc làm bánh. Tôi bắt đầu làm những loại bánh mà mình tưởng tượng từ lâu, bắt đầu thực hành với những công thức, chạm tay thực sự vào trứng, bột, bơ và sữa.

Ban đầu chỉ là tiết kiệm tiền mua lò nướng, máy đánh trứng, rồi đến dụng cụ đong, khuôn bánh, bowl trộn, spatula. Từ bánh quy, bánh mỳ, pancake sau rồi đến bánh gato, cheesecake, cupcake, muffin... thời gian dần trôi và ước mơ của tôi cũng dần thành hình, tròn trịa hơn, đa dạng hơn.
Vượt qua sự nhút nhát bẩm sinh của mình, cuối cùng tôi cũng lập một blog trên Opera để có thể ghi lại chặng đường nho nhỏ của mình, để có thể kết bạn và chia sẻ với những người cùng đam mê. Cuối cùng có thể gia nhập cả một thế giới thật tuyệt vời mà chỉ suýt chút nữa thôi tôi đã bỏ lỡ.
Giờ đây, làm bánh đã trở thành một phần của tôi, như một cơn thủy triều, lúc lên lúc xuống nhưng luôn song hành với cuộc sống của tôi. Những người thân xung quanh tôi vẫn thắc mắc và hỏi tôi tại sao tôi thích làm bánh, tôi thường nói cũng khó để có thể giải thích cụ thể ngay cả với tôi, chỉ biết rằng tình yêu đối với việc làm bánh của tôi là rất thật.

Việc làm bánh có thể thật nhỏ nhoi so với người khác, nhưng đối với tôi nó có ý nghĩa to lớn vô cùng. Nhờ làm bánh, tôi đã rèn luyện được con người mình, trở nên biết kiên nhẫn hơn, cẩn thận hơn, biết tổ chức hơn.

Nhờ làm bánh, tôi có thể làm cho người thân những món quà nho nhỏ từ sản phẩm của tôi, có thể khiến người thân của tôi vui vẻ ngay cả khi tôi chưa có khả năng tự nuôi sống bản thân và làm nhiều điều lớn lao hơn cho họ. Nhờ làm bánh, tôi biết yêu thương và thể hiện yêu thương của mình hơn.

Và quan trọng hơn cả là kể từ lúc khám phá ra đam mê của mình, tôi đã luôn nghĩ về nó như một điều thật đẹp, đồng thời cũng là điều không thể. Và giờ thì cuối cùng tôi đã có thể nói, tôi đã làm được điều không thể ấy, và nó quả thật đẹp.
Phạm Lệ Thu

Chị oằn vai nuôi ước mơ tôi

13 tuổi tôi mất cả cha lẫn mẹ, 13 tuổi tôi đã oán trách ông trời tại sao lại bất công với gia đình tôi thế. Chị gái tôi phải từ bỏ tất cả để thay bố mẹ nuôi tôi ăn học và dạy tôi nên người.

Cuộc sống của tôi được tạo nên bởi sự hy sinh của những người thân thiết nhất. Chính họ đã cho tôi thêm nghị lực và niềm tin trong cuộc đời này để dám ước mơ và đủ can dảm để biến ước mơ đó trở thành hiện thực.
Tôi là đứa con trai út trong một gia đình nghèo nơi xứ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đầy nắng và gió. Tuổi thơ tôi chưa một lần được gọi mẹ. Bố kể mẹ đã mất khi tôi vừa tròn 2 tháng tuổi. Tôi sinh thiếu tháng, đó là kết quả của một lần mẹ sảy chân bên giếng nước. Sau khi sinh tôi mẹ rất yếu vì mất máu nhiều. Điều kiện của gia đình tôi lúc bấy giờ đã không thể giữ được mẹ.
Tiếng gọi "mẹ" với tôi từ lâu trở thành xa xỉ, tôi lớn lên trong bàn tay nuôi nấng của cha và sự giúp đỡ tận tình của những người hàng xóm. Tôi ngắm mẹ qua bức ảnh ở ban thờ, tôi nghe bố kể về mẹ vào những buổi đêm, khi ba bố con chuẩn bị đi ngủ. Nhiều lúc tôi chỉ ước mình được như các bạn, được mẹ tắm, được mẹ ôm vào lòng.
Tôi vào lớp 7, không còn hỏi tại sao tôi không có mẹ, không còn khóc nhè khi thấy bạn bè ai cũng được mẹ dẫn đến trường nữa. Tưởng rằng cuộc sống sẽ lặng lẽ trôi qua như thế, nhưng ông trời lại một lần nữa lấy mất người cha tội nghiệp của tôi. Ông ngã từ trên ngọn dừa xuống và không qua khỏi. Ông làm nghề hái dừa, cái nghề giúp chị em tôi được ăn học, nhưng cũng cướp mất người thân yêu nhất của tôi.
Chị đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để cho tôi được đến lớp. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thật sự cảm nhận được trọn vẹn thế nào là nỗi đau mất mát người thân, cái cảm giác mà của nhiều năm về trước khi mẹ tôi mất tôi chưa hề hiểu hết. Tôi gào khóc bên cạnh thi hài bố, lay gọi ông dậy. 13 tuổi tôi mất cả cha lẫn mẹ, 13 tuổi tôi đã oán trách ông trời tại sao lại bất công với gia đình tôi thế.
Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi, mọi thứ dường như sụp đổ và quay lưng lại với chị em chúng tôi. Nhưng chính cái nơi mà chúng tôi được sinh ra, nơi mà cái nắng và cái gió luôn hiện hữu hòa lẫn trong cái vị mặn của đất trời đã vực chúng tôi dậy.
20 tuổi, chị tôi từ bỏ tất cả để thay bố mẹ nuôi tôi ăn học và dạy tôi nên người. Chị đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình vì cuộc sống mưu sinh, chị đã từ bỏ ước mơ để cho tôi có cơ hội được thực hiện ước mơ đến lớp.
Thi lên lớp 10, tôi rớt công lập, phải học bán công. Học phí cao lại đè nặng đôi vai chị. Thế nhưng khi đọc giấy báo chị không một lời trách mắng, ánh mắt chị chỉ thoáng buồn. Ánh mắt ấy khiến tôi bị ám ảnh và trằn trọc với nhiều suy nghĩ. Đêm tôi thức dậy thấy chị đang khóc trước bàn thờ của bố mẹ.
Chị khóc rất nhiều, chị khóc và trách móc bố mẹ sao lại bỏ chị mà ra đi sớm như vậy, để lại cho chị những nỗi lo, những gánh nặng khi chị vẫn còn quá trẻ, để giờ một mình chị phải chống chọi với những khó khăn trong cuộc đời này. Rồi chị khóc mà xin lỗi bố mẹ rằng chị không tốt, chị đã không quan tâm mà nuôi dạy đứa em ăn học cho thành tài, rằng chị có lỗi nhiều lắm với bố mẹ.
Lúc ấy tôi như chết lặng trong cái góc khuất của căn phòng mà nước mắt chảy giàn giụa. Tôi khóc và thầm trách chính mình. Lúc ấy tôi ước mình có thể quay lại thời gian mà làm lại một lần nữa, tôi sẽ cố gắng học cho thật giỏi để không làm cho chị tôi phải khổ.
Sau tối hôm đó, tôi quyết tâm cố gắng thật nhiều, sống cho thật tốt vì cuộc sống mà tôi đang có đó là sự hy sinh của bao người mà nên. Tôi phải sống không phải vì riêng tôi mà còn phải sống cho cả chính bố mẹ tôi, chị gái tôi. Tôi phải làm cả những phần mà họ chưa có cơ hội và điều kiện để làm được. Tôi cũng nhận ra rằng ước mơ của họ chính là tôi được nên người, thành đạt và sống tốt.
Miệt mài học tập, tôi đỗ vào ĐH Luật TP HCM. Giờ tôi đã là sinh viên năm thứ hai, tôi bỏ lại sau lưng tuổi thơ nhiều mất mát và đau thương để đến với những ước mơ của mình. Tôi đang dần chạm tay vào điều ước của tôi, của ba mẹ và chị gái. Tôi mong bố mẹ ở nơi xa hãy mỉm cười an nghỉ, còn chốn quê nhà chị có thể yên tâm mà chăm lo cho mái ấm nhỏ của riêng mình.
Tôi cũng nhận ra rằng ước mơ chỉ là một thứ vô hình nhưng sức mạnh mà nó đem lại thì hiện hữu. Cuộc sống vốn dĩ không phải được tạo thành từ những ước mơ mà nó được tạo thành từ cái cách mà ta làm gì đối với ước mơ đó. 
Nguyễn Đức Minh

Bỏ tấm bằng kinh tế, tôi theo đuổi ngành thiết kế

Sau bốn tháng miệt mài học, không mất một đồng nào, tôi sử dụng linh hoạt được cả hai phần mềm Corel và Photoshop. 3 tháng sau đó, tôi đưa ra quyết định cho cả cuộc đời mình, từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi nghiệp thiết kế, dù chưa biết sẽ làm ở đâu.

Tôi đã định lưu trang viết này trong nhật ký của mình, để chỉ riêng mình biết, lại sống khép kín như một thằng con trai vẫn tồn tại trong tôi. Tôi tự ti về những gì mình làm được so với nhiều bạn trẻ khác.

Rồi tôi vô tình đọc được những ước mơ mà các bạn trẻ quanh tôi đang có, trong đó có không ít ước mơ giản dị, đơn sơ, đời thường nhưng đọc xong vẫn đọng lại trong tôi sự cảm phục sâu sắc. Điều đó thúc đẩy tôi chia sẻ việc thực hiện ước mơ nhỏ nhoi của mình đến với mọi người.

Mẹ kể, một đêm mẹ nằm mộng thấy có đôi vợ chồng trẻ bế một đứa bé đến trao cho mẹ, và thế là mẹ mang thai tôi. Tôi ra đời cũng là lúc mẹ bước sang tuổi 39. Tuổi thơ của tôi cứ thế trôi qua bình dị trong căn nhà chưa bao giờ được gọi là giàu có. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng bố mẹ vẫn cố gắng dành cho tôi tất cả những gì chúng bạn có.

Tôi nhớ suốt những năm cấp I, điều làm tôi tự hào nhất với những đứa bạn cùng lớp là tôi có cả bố và mẹ hơn hẳn tuổi bố mẹ của chúng. Những điều giản dị và ngây thơ đó theo tôi suốt những năm cấp I. Cũng chính thời gian này năng khiếu và niềm đam mê hội họa đã xuất hiện trong tôi.

Tôi ưu thế hơn hẳn các bạn ở môn mỹ thuật, trong khi hầu hết các môn còn lại phải vất vả để theo kịp. Được cô giáo chủ nhiệm tin tưởng, tôi nộp bài dự thi và giành nhiều giải cao tại các cuộc thi vẽ cấp trường. Lực học trung bình, lại không có sức khỏe tốt, tôi khó nhọc bước qua mái trường cấp I.

Gia đình không có điều kiện xin học ở một trường trái tuyến, tôi bước vào ngôi trường cấp II tầm thường cách nhà già nửa cây số. Với học bạ của mình, nhà trường xếp tôi vào lớp được coi là yếu nhất trường. Tôi không mấy quan tâm về điều đó vì việc học chưa bao giờ làm tôi có hứng thú.

Rồi biến cố cũng xảy đến với gia đình tôi, bố tôi lâm bệnh nặng, chứng tai biến mạch máu não sau một lần tai nạn. Mọi khoản thu nhập từ chiếc máy khâu của mẹ đều dành ưu tiên cho việc thuốc thang cho bố. Có những đêm tiếng máy khâu lạch cạch lay tôi dậy, bóng mẹ thấp thoáng bên chiếc đèn le lói khi đồng hồ đã chỉ sang kim số 4.

Tôi chạnh lòng nhìn mẹ mà chẳng thể nào ngủ tiếp được, tôi dành thêm thời gian cho bố, đấm lưng mỗi khi bố mỏi, dìu bố dậy mỗi khi bố đi vệ sinh, và đút cháo cho bố như ông đã làm cho tôi ngày nào. Nhưng rồi bố đã không qua khỏi, bố ra đi sau hơn một năm không thể ra ngoài lấy một bước, bỏ lại mẹ và 3 anh em tôi cùng hàng nghìn khó khăn trong cuộc sống.

Tôi nhớ mình đã khóc rất nhiều, cũng từ đó tôi sống nội tâm và ít nói hơn. Không ai khổ bằng mẹ bây giờ, mọi gánh nặng cuộc sống, sự đời, mẹ gánh trên một vai, ba đứa con thơ dại vai còn lại mẹ gánh nốt. Điều này càng làm mẹ già thêm so với tuổi 50. Lúc này tôi mới bắt đầu ý thức được học để làm gì? Tôi lao vào sách vở và nhanh chóng trở thành một học sinh khá của lớp.

Một năm sau ngày bố mất, tôi đã làm mọi người ngạc nhiên khi giành giải khuyến khích, rồi giải nhì cấp thành phố trong hai cuộc thi vẽ tranh liên tiếp. Đây là một động lực không nhỏ giúp tôi nuôi dần ước mơ trở thành một nhà thiết kế.

Nhưng rồi khoảng lặng trước cơn bão đã hết, tai họa lại giáng xuống gia đình bé nhỏ của tôi. Người anh cả trong gia đình thay vì giúp mẹ gánh vác việc nhà, nâng đỡ các em, lại lao vào con đường ma túy. Chỉ trong 2 năm, của cải trong nhà từ những thứ nhỏ nhất cũng lần lượt ra đi, bất kể thứ gì bán được lấy tiền là anh nướng vào ma túy.

Mẹ và chị gái suy sụp hẳn, tiếng cười cũng thưa dần trong gia đình. Nhìn đôi mắt nặng trĩu, thâm quầng của mẹ, khó có thể đếm được đã bao nhiêu đêm dài mẹ thức để van xin người con lạc lối của mình tỉnh ngộ. Tôi càng sống khép kín hơn nhưng chưa bao giờ trong đầu tôi có ý định nghỉ học. Tôi ý thức được rằng mẹ chỉ có 2 người con trai, hai lá phổi của mẹ. Nếu giờ tôi cũng vấp ngã và sai lầm như anh, thì chắc chắn mẹ không sống nổi.

Trong những phút giây tỉnh táo hiếm có, anh tôi cũng từng nói “nhà này chỉ mình tao hư hỏng là mẹ quá khổ rồi, tao cấm mày không được giống tao”, tôi chưa bao giờ thương mẹ như thế. Tôi học tiến bộ thấy rõ những năm cuối cấp và là một trong số những học sinh vinh dự kết nạp đoàn sớm nhất trường, đạt học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó. Rồi cuối cùng trở thành đứa con trai duy nhất của lớp đỗ vào một trường cấp 3 công lập có tiếng.

Quãng đường cấp 3 trôi đi nhanh chóng, yên bình tạm lắng xuống khi anh trai tôi đồng ý đi trại cai nghiện. Anh ra đi nhưng cái nghèo thì vẫn ở lại, mẹ phải bày thêm gánh hàng ngô, khoai để nuôi hai chị em tôi ăn học. Vòng xoáy học chính, học thêm, thi cử của môi trường cấp 3 đã làm tôi dành ít thời gian hơn cho các cuộc thi mỹ thuật.

Tôi tham gia vài cuộc thi nhỏ và khá bất ngờ đạt danh hiệu Trạng họa trong một cuộc thi vẽ tranh do nhà sản xuất một bộ truyện tranh Việt Nam trao tặng. Rồi kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh cũng đã đến, thi đại học. Không được sự định hướng của gia đình, tôi theo chúng bạn thi vào một trường đại học khối A và tạm bỏ qua ước mơ trở thành nhà thiết kế.

Tôi theo học ngành kinh tế, không hề dính dáng gì tới hội họa, và những môn học trong trường cũng chẳng khiến tôi có mấy hứng thú. Kỳ thứ 2 của năm nhất, tôi quyết định sẽ tiếp tục theo đuổi con đường hội họa của mình bằng việc ôn thi lại khối V trường Kiến trúc. Mẹ đồng ý và ủng hộ tôi điều này, tôi lên Hà Nội dự thi mang theo hoài bão cùng niềm hy vọng lớn lao mà mẹ và người thân dành cho tôi.

Tuy nhiên cuộc sống là chuỗi những điều không thể ngờ được. Tôi bị dội một gáo nước quá lạnh, kết quả thi của tôi làm cho tất cả mọi người thất vọng. Tôi thất bại trong môn thi mà mình tự tin nhất, mọi người tin tưởng nhất, mẹ không nói nhiều nhưng tôi biết mẹ buồn. Đến giờ tôi vẫn nợ mẹ một lời xin lỗi.

Ước mơ trong tôi bị lung lay nghiêm trọng, tôi phải làm gì để chạm tới nó đây khi bước đà đã thất bại, ước mơ nhỏ bé của tôi trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Sau hơn 3 tháng gặm nhấm nỗi buồn, tôi đối diện lại với thực tế, cố gắng học tốt chương trình kinh tế và cũng bắt đầu đi gia sư để kiếm những đồng tiền đầu tiên. Công việc này giúp tôi vực lại sự tự tin trong mình.

Tôi dần dần mở lòng, thân thiện hơn với bạn bè, thoát khỏi sức ì trong cuộc sống. Kết quả học tập tuy chỉ ở mức trung bình nhưng tôi nhớ là mình chưa từng phải học lại bất cứ một môn nào trong ngôi trường đại học. Năm 2009 tôi ra trường, cầm tấm bằng trên tay mà chưa biết mình sẽ phải làm gì với nó.
Chính lúc đó người anh của tôi quay về. Cả nhà vốn phải tiêu tiết kiệm ở mức đủ sống bằng mồ hôi của mẹ cùng chút ít đồng lương mà chị tôi làm ra, nay lại có thêm một miệng ăn nữa. Tôi phải mau chóng xin việc. Tôi không nghĩ xin việc lại khó như vậy, hầu hết các công ty từ chối hồ sơ của tôi, những công ty chịu nhận thì lại quá xa nơi tôi sống.

Đằng đẵng mấy tháng trời một mình đạp xe đi tìm việc, đó có lẽ là thời gian không bao giờ tôi dám quên. Mẹ cũng lo lắng cho tôi thấy rõ, lặn lội tới nhà họ hàng, bà con bạn bè để giúp tôi tìm việc, nhưng tất cả có chăng chỉ dừng lại ở những lời hứa không có thời gian thực hiện.

Cuối cùng sau một cái Tết dài chưa từng có, nửa năm sau ngày ra trường tôi được một công ty nhỏ nhận vào thử việc với chức danh nhân viên kinh doanh. Với đồng lương chỉ 600 nghìn đồng một tháng tôi không dám nghĩ mình có thể trụ hết 2 tháng thử việc. Nhưng cứ nghĩ đến việc phải khó khăn thế nào để có được nó, tôi quyết tâm ở lại.

Ở đây, tôi mới bắt đầu biết lập báo cáo, biết gửi và nhận mail, nó không khó như tôi vẫn nghĩ. Rồi tôi đón nhận một niềm vui mới, được thăng chức phó phòng sau 5 tháng cố gắng. Có được thành công như vậy nhưng tôi chưa bao giờ quên ước mơ của mình. Tôi bị thu hút lạ lùng bởi những phần mềm đồ họa mà anh bạn phòng thiết kế đang dùng.

Được sự giúp đỡ của anh trong 3 buổi tối, sau đó tôi tự mày mò xin tài liệu, ngủ muộn hơn để học. Sau bốn tháng miệt mài học, không mất một đồng nào, tôi sử dụng linh hoạt được cả hai phần mềm Corel và Photoshop. 3 tháng sau đó, tôi đưa ra quyết định cho cả cuộc đời mình, từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi nghiệp thiết kế, dù chưa biết sẽ làm ở đâu.

Và cũng chỉ mất một tháng sau đó, từ sự giới thiệu của một khách hàng cũ, tôi nhận được một lời mời về làm việc cho một công ty khá có tiếng với chức danh nhân viên thiết kế. Mọi người giờ gọi tôi là nhân viên thiết kế, nhân viên đồ họa, designer, sao cũng được, tôi chính thức thực hiện được ước mơ của mình.

Thế đấy bạn ạ, ước mơ chính là con cá mà cần câu chính là lòng quyết tâm và nỗ lực của bản thân. Trong đời ai cũng có một câu nói để thích, tôi cũng có một câu nói tặng cho những ai đang gặp khó khăn với ước mơ của mình: "Khi chiếc cầu thang máy đưa bạn tới thành công gặp trục trặc, hãy dũng cảm đi lên bằng thang bộ, từng bước, từng bước một".
Đào Quang Huynh

Tôi từng tuyệt vọng vì chọn ngành y

Tôi không thể quên cái lần đầu tiên tôi chạm tay vào... xác người để thực tập. Điều đó thật là khó khăn. Tôi đã buồn nôn, chóng mặt khi mùi phooc-môn ngâm xác xông vào mũi tôi. Mắt tôi cay xè và khó chịu.

Lúc bé, hình ảnh bác sĩ mặc chiếc blouse trắng luôn hiện về trong tôi, cảm giác khi trở thành bác sĩ cứu giúp được cho nhiều người thật hạnh phúc. Lớn hơn tý nữa thì tôi muốn mình sẽ là một nhà kinh doanh năng động và sáng tạo. Tôi đã tự vạch cho mình một chương trình hành động để biến chúng thành sự thật. Miệt mài, chăm chỉ suốt 12 năm học, cuối cùng tôi đã gặt hái được những quả ngon ngọt đầu tiên. Tôi sung sướng cực độ và như muốn nhảy cẩng lên khi cầm trên tay giấy báo trúng tuyển ngành y và kinh tế.
Mọi người xung quanh khuyên tôi nên chọn y vì nó là một nghề danh giá và được xã hội kính trọng. Tôi sẽ là sinh viên y khoa đầu tiên và là niềm tin yêu, tự hào của gia đình nội, ngoại. Lúc này, mọi tâm điểm đều hướng về tôi, người sẽ làm "cái nóc nhà của gia đình" được cao hơn. Không đắn đo, suy nghĩ nhiều, tôi quyết định học y.
Cú sốc đầu tiên…
Đó là ngày đầu tiên tôi bước chân vào giảng đường đại học. Mọi thứ đều bỡ ngỡ và lạ lẫm nhưng với sự tự tin và khả năng giao tiếp của mình, tôi nhanh chóng làm quen với nhiều người bạn mới và một số anh chị trong trường. Thông qua đó, tôi biết năm thứ nhất sinh viên y sẽ bị đánh phủ đầu bởi môn "sát thủ" là Giải phẫu. Trung bình mỗi kỳ thi môn này, sinh viên đều rớt quá nửa.
Tôi vẫn còn say trong niềm vui chiến thắng nên không có gì lo lắng nhiều. Khi bắt đầu tiếp xúc, tôi thấy Giải phẫu là môn học thực sự rất khô khan và khó hiểu. Tôi phải học những từ ngữ chuyên môn và nhét vào đầu những điều lạ lẫm. Tôi không thích nó. Tôi hầu như không thể hình dung những gì được viết trong tài liệu. Tôi bắt đầu rơi vào trạng thái chán nản.
Dù đã chuẩn bị bài ở nhà nhưng tôi vẫn hiểu không rõ nội dung trong sách. Tâm trí tôi bắt đầu bấn loạn và quay cuồng. Tôi ngày càng đuối và kiệt sức. Đôi chân tôi nặng trĩu. Tôi nhọc nhằn lê từng bước chân đến trường. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Và tôi chợt nhận ra rằng, dường như mình đã chọn ngành không phù hợp với khả năng rồi.
"Ngành Y thì tài phải cao, đức phải rộng vì đối tượng phục vụ của họ là con người và chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh". Ảnh minh họa: Hoàng Thùy.
Tuyệt vọng
Lúc này, tôi chỉ muốn được về với mẹ nhưng điều đó là không thể. Nhà tôi cách trường khá xa nên cuối tuần tôi mới về một lần. Mọi thứ ngày càng tồi tệ. Tôi buồn và lạc lõng. Tôi tưởng như mình đã rơi xuống đáy vực thẳm.
Và rồi, tôi đã nhận được sự động viên của những người bạn trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy. Nó giúp tôi dần dần đứng dậy và tiếp tục… học môn "sát thủ" ấy nếu như không muốn lấy rổ nhặt trứng.
Niềm tin được trỗi dậy
Bước vào phòng thực tập, khoác trên người chiếc áo blouse trắng, tôi cảm thấy một cái gì đó thật thiêng liêng và cao quý. Tôi thấy mình có một phần trách nhiệm nào đó với cuộc sống này. Tôi phải cố gắng vượt qua tất cả vì tương lai mai sau. Tôi tự nhủ với lòng mình như vậy.
Tôi không thể quên cái lần đầu tiên tôi chạm tay vào… xác người để thực tập. Điều đó thật là khó khăn. Tôi đã buồn nôn, chóng mặt khi mùi phooc-môn ngâm xác xông vào mũi tôi. Mắt tôi cay xè và khó chịu. Nhưng dần dần, tôi cũng phải luyện được tinh thần thép vì để học tốt nó, không còn cách nào khác là phải đối diện với xác chết hai lần trong tuần.
Tôi bước vào phòng thi với tâm lý khá thoải mái và tự tin vào bản thân. Nhưng rồi, tôi đã rất thất vọng vì đã không hoàn thành tốt nó. Tôi buồn và buồn nhiều lắm. Rồi tôi cũng tự trấn an với mình rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi!
Cái tin đầu tiên mà tôi nhận được từ người bạn của mình là hơn một nửa lớp sẽ phải dự thi lần 2 môn này, tôi đỗ. Choáng! Tôi thở yếu hơn, tim tôi như thể ngừng đập, mặt tôi đỏ bừng. Tôi đã gọi điện ngay cho mẹ và nói rằng: "Mẹ ơi, con đậu môn Giải phẫu 1 rồi". Tôi vui mừng, sung sướng tột độ. Đây chỉ là thử thách đầu tiên thôi. Tôi biết rằng còn rất nhiều chông gai chờ tôi phía trước.
Khoảnh khắc thay đổi số phận
Đôi khi, cuộc sống này thật trớ trêu, không biết nó vô tình hay cố ý làm con người ta phải đau đớn. Vào một ngày cuối năm lạnh giá, dượng tư tôi đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh quái ác. Nó đã cướp đi sức khỏe, lý trí, hạnh phúc của một gia đình. Tôi đã lặng người đi.
Tôi không muốn đứng nhìn người thân bị dày xé trong bệnh tật mà chẳng thể làm gì cho họ. Tôi muốn và rất muốn trở thành một bác sĩ giỏi. Chính tôi có thể chăm sóc và chia sẻ với họ. Tôi sẽ phấn đấu, nỗ lực để thực hiện ước mơ này. Tôi hứa.
Người thầy của tôi
Bước vào trường y, tôi thật sự ấn tượng mạnh mẽ bởi thầy Đỗ Hồng Ngọc và thầy Trương Trọng Hoàng. Thầy là người đã dẫn tôi đi những bước chập chững vào nghề. Thầy đã thổi bùng ngọn lửa đam mê cho sinh viên, đã trải lòng mình với tư cách là người đi trước, truyền đạt lại cho thế hệ trẻ.
Bằng giọng trầm ấm, thầy ôn tồn chia sẻ với chúng tôi những thăng trầm của nghề y. Đời thầy thuốc buồn nhiều hơn vui, niềm vui bao giờ cũng ngắn ngủi, còn nỗi buồn mênh mông thì bao giờ mới dứt? Nghề y không còn là nghề nữa mà là cái nghiệp, nếu mình đã đi vào nghề thì phải hăng hái xông lên, không được làm người lính hèn, không uổng phí cuộc đời, chứ không sống mà núp bóng kẻ khác.
Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng dạy: "Suy nghĩ sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng...".
Nếu không yêu nghề, mỗi người sẽ thật khó tập trung và làm việc say mê, mau chóng chán với cường độ làm việc nặng nhọc. Sẽ rất nguy hiểm nếu có sai sót gì thì người bệnh sẽ chịu thiệt thòi, bản thân bác sĩ sẽ còn suy nghĩ rất nhiều vì ta đang làm việc trên mạng sống của con người.
Cảm ơn thầy vì những chia sẻ quý báu, ân tình này.
Con đường tôi đi
Tôi đang rảo bước trên cuộc đời trải đầy gai nhọn này. Gian nan, thử thách, vất vả vẫn còn đó, chờ tôi phía trước. Thế nhưng, tôi sẽ không bao giờ chùn bước vì niềm tin và ước mơ cháy bỏng của mình. Tôi tự hào vì tôi đã có một quyết định đúng đắn cho cuộc đời mình. Tôi gửi lòng biết ơn sâu sắc đến gia đình, thầy cô vì họ đang từng ngày lặng thầm chắp cánh cho ước mơ tôi bay thật cao và thật xa.
Khi chợt nhận ra, thầy cô khó với chúng tôi vì muốn sau này chúng tôi trở thành những người bác sĩ có đủ tài năng và bản lĩnh. Những thử thách khắc nghiệt ở trường y sẽ là hành trang quý báu giúp chúng tôi trưởng thành, chín chắn hơn. Đối với tôi, nghề nào cũng cần có những con người vẹn toàn cả tài và đức nhưng ngành y thì tài phải cao, đức phải rộng vì đối tượng phục vụ của họ là con người và chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.
Lê Công Tâm

Tôi muốn trở thành chuyên gia về ngôn ngữ

Nếu học thêm một ngành khác thì tôi vẫn sẽ chọn học thêm một ngôn ngữ khác, phần vì tôi thích cái cảm giác có thể chuyển thể đúng đắn ngữ nghĩa của một thứ tiếng này sang một thứ tiếng khác, phần vì tôi tin rằng nếu mình thực sự đam mê, chắc chắn sẽ có ngày thành công.

Tôi vẫn còn nhớ như in ngày người bác ruột giàu có xuống nhà nói với bố tôi rằng: "Nhà tao như thế, còn khó khăn nuôi tụi nó ăn học, nói gì nhà chúng mày". Tôi đứng khép nép sau cánh cửa gỗ sờn mà run rẩy, chua xót, nhìn mắt ba tôi cũng đỏ hoe, hai tay đan chặt lại với nhau, ba tôi không nói gì. Vẻ trầm ngâm, khắc khổ trên gương mặt ông tôi thấy đau đớn vô cùng. Tôi thầm nghĩ, bác mình còn thế, huống hồ...

Tôi sinh ra ở miền Bắc, ba mẹ tôi là nông dân nghèo, nhà tôi đông anh em, nói chung những đặc điểm thường được miêu tả trong những câu chuyện về những cuộc đời nhỏ bé, nghèo khổ chúng tôi đều có cả. Chính vì không thể trông đợi vào mấy sào ruộng mà cày cấy vất vả, cật lực cũng không đủ nuôi nổi mấy miệng ăn mà ba mẹ tôi phải dắt díu mấy chị em chúng tôi vào tận Tây Nguyên kiếm sống.

Mảnh đất Tây Nguyên những ngày đầu chúng tôi đặt chân đến chẳng mấy thân thiện, có thể nói chẳng có vất vả, thiếu thốn đôi khi là tủi nhục nào mà chúng tôi chưa trải qua. Phải khó khăn lắm ba mẹ mới xin cho chúng tôi nhập học ở một trường bán công, cũng là lần đầu tiên tôi biết đến khái niệm một ngôi trường như vậy.

Trường bán công nơi tôi học đa phần là những học sinh con nhà có điều kiện nên học phí đắt hơn gấp mấy lần so với trường công. Tôi tủi thân lắm khi ngày đầu ra mắt thầy cô bạn bè trong cái áo trắng cũ kỹ mang vào từ ngoài Bắc. Các bạn không ai thích chơi với chị em tôi, có thể phần vì nom bọn tôi nhếch nhác, phần vì các bạn không thích giọng nói xứ Bắc còn ngọng n và l.
Ước mơ của tôi
Tôi muốn trở thành chuyên gia giói về ngôn ngữ để gắn kết mọi người gần nhau. Ảnh minh họa: Internet.
Tôi buồn, tủi thân nhưng không vì thế mà về nhà kêu khóc với cha mẹ, tôi biết họ đã có quá nhiều điều phải lo lắng. Ba mẹ tôi vì không có đất nên đi khắp nơi làm thuê làm mướn với đồng công rẻ mạt. Lúc nào không có việc thì ra chợ xem ai có việc gì thuê mướn thì làm. Chỉ sau một thời gian ngắn, ba mẹ tôi già đi trông thấy, tôi thì chỉ biết tự nhủ lòng phải nỗ lực hết sức mình để bù đắp phần nào những gì ba mẹ tôi phải chịu đựng, hy sinh.

Tôi quyết tâm sửa giọng nói của mình, chí ít không thể để đám bạn cười nghiêng ngả mỗi khi nghe tôi đọc bài. Tôi cứ lầm nhẩm l và n trong từng từ như một đứa tâm thần làm ba mẹ tôi cũng đâm ra lo lắng. Kết quả tôi đã có thể đọc trơn tru như một giọng chuẩn thực sự nhưng là giọng Bắc chỉ sau một tháng. Tôi vẫn kiên quyết muốn giữ giọng nói Bắc của mình vì tôi vẫn yêu quý âm thanh tôi nghe được từ cha mẹ, ông bà và những người hàng xóm xung quanh từ khi tôi sinh ra.

Ba mẹ tôi là nông dân, tôi cũng chỉ biết đến một cái nghề khác là nghề giáo viên khi đến trường, hay là bác sĩ, luật sư khi xem những bộ phim trên tivi, thế nên hồi nhỏ tôi cũng từng ôm mộng mai mốt đi gõ đầu trẻ. Tóm lại những nghề ít ỏi tôi được biết đến đều được cả, miễn sao không phải làm nông dân quanh năm "bán mặt cho đất ban lưng cho trời" mà vẫn cực khổ như ba mẹ tôi.

Tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài học ở ngôi trường của “con nhà giàu” ấy. Tôi thương ba mẹ lắm khi mỗi lần đến tháng đóng học phí là lại lo lắng, nhin ăn nhịn tiêu. Có lần không lo kịp học phí, tôi bị cô giáo chủ nhiệm nhắc trước lớp. Tủi thân, bất lực, tôi khóc òa ra trước bao nhiêu con mắt.

Buổi hôm ấy khi tan học, cô gọi tôi lại trò chuyện, cô bảo sẽ cho tôi vay tiền đóng học tạm tháng đó. Tôi ra về, lòng trĩu nặng. Tôi quyết tâm phải làm điều gì đó để có thể giúp đỡ ba mẹ tôi hơn và không phải viện đến sự giúp đỡ của người khác như vậy nữa. Tôi cố hết sức đứng đầu lớp trong học tập, rèn luyện, giành những suất học bổng mỗi kỳ, có khi là sách vở, quần áo, khi là tiền mặt.

Về nhà, tôi phụ mẹ bán rau ngoài chợ mỗi buổi không đi học. Tôi đã biết đến cảm giác tự hào, vui sướng khi tự mình kiếm được những đồng tiền đầu tiên. Và từ đó, ước mơ về cuộc sống sung túc cho tôi, cho cả bố mẹ cứ lớn theo từng ngày. Tôi phải làm tất cả, dù tôi chưa biết định hình cụ thể là những gì để có một cuộc sống khác.

Tôi dễ dàng thi đậu một trường công vào loại có tiếng ở tỉnh trong kỳ thi lên cấp ba. Tôi biết, với một đứa ở vào hoàn cảnh như tôi, cách gần như duy nhất để thoát khỏi đói nghèo là lao vào học tập. Tôi luôn đứng trong top đầu lớp, tham gia các cuộc thi học sinh giỏi và đoạt giải khá cao. Tôi cũng biết nhiều hơn về các nghề nghiệp mà tôi có thể lựa chọn.

Thế là tôi đã có những định hướng khá rõ ràng cho tương lai mình. Tôi đăng ký vào khoa ngoại ngữ ở một trường đại học lớn phía Bắc, tôi vẫn nuôi dưỡng ước mơ được gắn bó với nơi tôi sinh ra dù học tập xa nhà cũng có những khó khăn nhất định. Tôi giữ thói quen săn những suất học bổng ở trường và tôi kết thúc bốn năm học đại học của mình với tấm bằng xuất sắc.

Tôi cứ ngỡ vác tấm bằng đẹp như vậy ra trường sẽ dễ dàng xin được việc làm ngon nhưng không phải. Tôi thấm thía bằng cấp chỉ là một phần, không đóng vai trò quyết định quá lớn dù xã hội Việt Nam vẫn luôn được coi là trọng bằng cấp, giáo dục. Tôi phải chấp nhận làm một công việc mà mức lương chỉ đủ cho tôi trang trải cuộc sống của mình và học tiếp lên bậc cao học.

Đôi lúc có người vô tình hay cố ý nói với tôi những câu đại loại như “học lắm, điểm đẹp cũng chỉ thế” hay đại loại “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”, tôi thấy lòng tổn thương, tự trách mình kém tài, phụ lòng cha mẹ, nhưng thấy những lời họ nói phần nào là đúng.

Tôi thường hình dung chúng tôi như đứng trước một khu rừng rậm mà các bạn gia đình khá giả, có quyền lực dường như chỉ việc nhấc chân bước đi trên con đường đã được phát quang, dọn dẹp. Còn tôi thì trước mặt là cả cánh rừng âm u, không chỉ tự phải đi mà còn phải tự tìm lối đi cho mình. Đôi khi nhìn bạn bè theo học những ngành nghề lương lậu khấm khá cũng hơi chạnh lòng.

Nếu mục tiêu kiếm tiền đặt lên hàng đầu, có thể tôi đã chọn lầm nghề, nhưng tôi yêu ngôn ngữ. Có thể trở thành cầu nối giúp những người ở các quốc gia hiểu nhau là điều tốt đẹp. Biết thêm một thứ ngôn ngữ khác giống như được sống hai cuộc đời vậy, tôi không ân hận về thứ mình đã chọn.
Thấy tôi làm phiên dịch vất vả, mọi người bảo tôi nên chuyển sang một ngành khác, chỉ nên coi ngôn ngữ như một thứ công cụ bổ trợ, có thế mới mong mai này nhàn hạ, nhất là với con gái, tôi lắc đầu. Nếu học thêm một ngành khác thì tôi vẫn sẽ chọn học thêm một ngôn ngữ khác, phần vì tôi thích cái cảm giác có thể chuyển thể đúng đắn ngữ nghĩa của một thứ tiếng này sang một thứ tiếng khác, phần vì tôi tin rằng nếu mình thực sự đam mê, cố gắng trong một lĩnh vực nào đó, chắc chắn sẽ có ngày thành công.

Tôi cũng mong một ngày có thể đi du lịch ra nước ngoài mà không cần phải thuê một người hướng dẫn. Tôi không muốn biết một thứ ngoại ngữ chỉ đơn thuần là có thể giao tiếp, tôi muốn trở thành một chuyên gia về ngôn ngữ. Có thế, những ước mơ của tôi mới có thể cùng lúc thực hiện mà không phải từ bỏ niềm đam mê của mình.

Hiện tại, tôi đang cầm trên tay quyển sách đầu tiên mà tôi được thuê dịch với tư cách là cộng tác dịch giả cho một nhà sách khá lớn. Không thể diễn tả cảm giác hồi hộp phấn khởi của tôi như thế nào khi cầm trên tay bản thảo quyển sách. Tôi sẽ cố gắng hết sức xem đây là cơ hội đầu tiên trên con đường tôi đã chọn.

Cứ tưởng tượng có ngày, những người thân yêu của tôi, những bạn đọc gần xa cả nước cầm trên tay quyển sách do chính tôi chuyển thể ngôn ngữ, đọc những gì là tâm huyết, là vốn liếng trí tuệ được tôi góp nhặt không phải dễ dàng từ rất lâu, tôi lại thấy hạnh phúc, vui sướng vô cùng.

Uớc mơ nhỏ bé cho tôi là những gì tôi phấn đấu có thể đem lại thành quả cho cuộc sống ấm no của gia đình tôi mai này và những người tôi yêu mến. Tôi cũng mong những việc làm của mình có thể giúp con người sống ở những vùng miền khác biệt nhau có thể hiểu và xích lại gần nhau hơn.

Với tôi, đó là một điều thiêng liêng, tôi vẫn sẽ luôn vững tin bước đi trên con đường mình đã chọn. Tôi hy vọng có ngày được kể lại với những ai đọc được những dòng tâm sự này phần tiếp theo của câu chuyện. Khi ấy, tôi mong mình đã có thể không còn là một nhân vật rất xa lạ với mọi người như hiện tại.
Lê Thị Hoa

Vừa chạy thận, tôi vừa đi gia sư

Đến một ngày, tôi bị sốt kéo dài hàng tuần, không thể đi làm. Sau trận đó, tôi đến công ty thì họ đã tuyển người mới. Nuốt nước mắt vào trong, tôi vẫn bước đi. Bước đi để thực hiện ước mơ chiến thắng bản thân và khẳng định chính mình.

Hồi học cấp một, ước mơ của tôi lớn như một cái sân kho, lên đến cấp hai thì ước mơ đó cũng phải to như cái sân trường. Vào cấp ba thì ước mơ của tôi chỉ còn như cái nia, lên tới đại học giảm xuống là cái mâm và bây giờ ước mơ của tôi nó chỉ đơn giản và nhỏ như cái đĩa.
Cuộc sống là như vậy, ai cũng có ước mơ, ai cũng có mục đích để sống. Ngày còn đi học, mơ thành nhà du hành vũ trụ, mơ thành nhà bác học nổi tiếng, thành ca sĩ, người mẫu… Tôi thấy người lớn cười bảo: mơ hão mơ huyền, ấy vậy mà vẫn mơ. Trưởng thành rồi, muốn có một chỗ đứng trong xã hội, muốn khẳng định tên tuổi của mình ở đâu đó, cũng sẽ có những người bạn, người đồng nghiệp thốt lên: "đừng có mơ”, ấy thế mà vẫn mơ đấy thôi.

Có ai đánh thuế ước mơ bao giờ, mà cho dù có đánh thuế thì người ta vẫn cứ mơ. Với tôi, ước mơ chiến thắng bản thân và khẳng định chính mình nó nhỏ như cái đĩa nhưng cũng gian nan lắm. Ngày tốt nghiệp đại học, niềm vui chưa trọn vẹn đến phút cuối thì tôi ngã lăn quay giữa sân trường.

Tỉnh dậy, người đầu tiên tôi nhìn thấy là khuôn mặt lo âu của bố, tiếp theo là vẻ sầu não của mẹ và những người thân bên cạnh, trong đó có anh, người yêu tôi. Mình vẫn sống mà, sao ai cũng rầu rĩ thế nhỉ? Thấy tôi mở mắt, cả nhà xoắn vào hỏi: Có mệt không? Muốn ăn gì? Muốn uống gì? Đừng ngồi dậy. Chẳng biết trả lời ai trước ai sau, thôi thì cứ lắc đầu nguầy nguậy.

Phòng bệnh khá đông, ai cũng có một vết thương ở cổ quấn băng làm tôi nghĩ đến nhân vật ma cà rồng chuyên đi hút máu người ở trong tiểu thuyết và điều đó làm tôi bật cười. Mọi người hỏi tôi sao lại cười nhưng tôi không nói. Vị bác sĩ bước vào, người nhà ra ngoài hết, tôi hỏi bác sĩ về bệnh tình của mình, ông nói tôi bị suy thận giai đoạn cuối, phải chuyển sang giai đoạn lọc máu chu kỳ hay còn gọi là chạy thận nhân tạo.

Khá choáng váng với kết luận của bác sĩ nhưng tôi vẫn lấy được bình tĩnh hỏi thêm bác sĩ về thận nhân tạo là gì, ghép thận có được không, lọc máu như thế thì bao nhiêu lâu phải lọc một lần, mỗi lần có lâu không, có giải pháp nào tốt hơn không?
Tôi đã là một gia sư giỏi trong mắt mọi người. Ảnh: VNE.
Trong phòng bệnh, các bệnh nhân khác nhìn tôi như sinh vật lạ khi thấy tôi hỏi bác sĩ nhiều như vậy. Thông thường họ biết bệnh mình nguy hiểm sẽ khóc than ầm ĩ, trách móc số phận bạc bẽo, tôi không như vậy nên có lẽ họ nhìn tôi là lạ. Bác sĩ đi khỏi, người nhà vào an ủi, chắc họ biết bệnh tình của tôi như vậy nên mới buồn.

Tôi nhìn bố mẹ như muốn nói tôi sẽ cố gắng, tôi nhìn người yêu rồi nở một nụ cười như muốn nói anh yên tâm, tôi không khóc. Tôi đang nghĩ, chẳng lẽ mình chỉ làm được có vậy thôi sao, vừa mới tốt nghiệp, đã làm được gì cho bố mẹ đâu, đã giúp gì cho xã hội đâu, người yêu đang đợi mình mà. Còn phải học lên cao học nữa chứ, sao bỏ cuộc sớm vậy?

Mông lung với những lời bác sĩ vừa nói “Thận nhân tạo là một cỗ máy chuyên để lọc máu. Ghép thận chi phí rất cao và còn phải uống thuốc chống đào thải rất tốn tiền. Cách một ngày phải đi lọc máu một lần, mỗi lần 4 tiếng và không còn giải pháp nào tốt hơn giải pháp lọc máu chu kỳ, lọc máu như vậy đến cuối đời”.

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi với bác sĩ là câu: Em đã lập gia đình chưa? Thấy tôi lắc đầu, bác sĩ an ủi: “Em không thể sinh được con nữa, vậy nên hãy suy nghĩ trước khi kết hôn”. Đang miên man trong dòng suy nghĩ thì anh nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, tôi hiểu rằng anh muốn nói sẽ không bỏ tôi đi.
Tặng anh một nụ cười hạnh phúc, tôi quay mặt vào tường nghĩ đến những đứa con trong tưởng tưởng của tôi và anh, giọt nước mắt lăn xuống từ bao giờ khiến tôi thấy mằn mặn khóe miệng. Ngay buổi chiều hôm đó, tôi được đưa sang tầng 3 nhà A9 Bệnh viện Bạch Mai để tiến hành mổ cầu cổ, giống như mọi người trong phòng bệnh mà lúc nãy tôi hình dung đến ma cà rồng hút máu.

Lần đầu tiên lọc máu, đau nhức, sốt cao, đau đầu, nhưng tôi vẫn không khóc trước mặt mọi người, không kêu than, vẫn cứ cười nói. Tôi không muốn nhìn thấy người thân của tôi phải lo lắng quá nhiều về mình. 22 tuổi rồi, số phận đã vậy, phải biết vượt lên thôi, tôi nghĩ thế.

Những ngày tháng nằm viện là những ngày tôi cảm thấy mình thật bản lĩnh, thật kiên cường. Ước mơ khẳng định mình vẫn còn dang dở lắm, đã ai biết mình là ai, làm gì, ở đâu, phải vượt lên thôi. Mọi người trong phòng bệnh đều quý mến, khâm phục và cũng xót xa cho tôi lắm.

Mỗi lần soi gương, tôi thấy mình đen đi một chút, vậy là tôi lên kế hoạch sửa sang sắc đẹp. Ở viện nhàn rỗi quá, tôi bảo em gái mang cho ít khoai tây đắp mặt nạ, khi thì bảo mang quả dưa leo, lúc thì quả cà chua, mọi người trong phòng từ khi có tôi vui vẻ hẳn ra.

Ai cũng bảo tôi hồn nhiên quá, lúc này còn nghĩ đến làm đẹp nữa. Nhưng thiết nghĩ, mình may mắn còn sống là nhờ y học tiên tiến phát minh ra cái máy chạy thận. Vậy tại sao mình lại không vui vì nền y học đã giúp mình được tồn tại? Đáp lại công sức đó, mình phải sống vui, sống tốt và biết làm đẹp chứ.
Ngày qua ngày, tôi như một con rối nhỏ làm trò cho cả phòng. Cho đến ngày tôi điều trị ngoại trú, người yêu và bố là hai người đàn ông gắn bó với tôi nhất. Cách một ngày, bố hoặc anh ấy cùng với tôi khăn gói, tay nải lên Hà Nội điều trị. Vào phòng bệnh, hòa nhập với những bệnh nhân mới, tôi nhanh chóng chiếm được tình cảm của họ cũng như đội ngũ y bác sĩ.

Quen nhiều bệnh nhân mới tôi nhận ra rằng, họ nghị lực hơn tôi nữa. Họ còn phải kiếm sống mưu sinh, còn tôi đã có gia đình bao bọc, chu cấp và sự đưa đón, chiều chuộng của người yêu. Sau nhiều đêm suy nghĩ tôi nói với bố mẹ cho tôi tự đi chạy thận và tự lo cho cuộc sống của mình.

Tôi cũng muốn rời xa anh để anh tìm hạnh phúc mới. Bố mẹ tôi không đồng ý, nhưng bằng sự thuyết phục của tôi, bố mẹ đã để tôi trở ra Hà Nội tiếp tục hành trình thực hiện ước mơ. Anh cũng vậy, theo tôi suốt một thời gian, tôi phải nhờ gia đình anh khuyên bảo, anh mới chịu.

Tôi ra Hà Nội, xin vào một công ty TNHH và chuyển lịch chạy thận sang buổi tối. Cứ hết giờ làm, tôi lại sấp ngửa đến viện, 11 giờ đêm mới lóc cóc trở về phòng trọ. Khá vất vả nhưng tôi sẽ cố gắng chiến thắng bản thân cũng như bệnh tật.

Đến một ngày, tôi bị sốt kéo dài hàng tuần, không thể đi làm. Sau trận đó, tôi đến công ty thì họ đã tuyển người mới. Lại cầm hồ sơ đi xin một công việc khác, nhưng lần này có vẻ khó khăn hơn. Đã có lần mẹ tôi khóc: “Về với mẹ con ạ, bố mẹ vẫn lo được cho con mà”.

Nuốt nước mắt vào trong, tôi vẫn bước đi. Bước đi để thực hiện ước mơ chiến thắng bản thân và khẳng định chính mình. Tôi lại vẽ cho mình một kế hoạch khác, một lối đi khác, một công việc khác, đó là công việc gia sư. Công việc quá bé nhỏ đối với một cô cậu sinh viên, nhưng đó lại là ước mơ của tôi, cô sinh viên đã tốt nghiệp.

Xét về mọi khía cạnh, đây là công việc phù hợp với thời gian cũng như sức khỏe của mình. Qua trung tâm, tôi nhận một em học sinh lớp 5, em học sinh này ngang bướng, lười học, lại hỗn láo. Nhưng với sự kiên trì cũng như đặt nhiều tâm huyết, dần dần tôi thay đổi được học trò.

Ngoài những giờ học chính, tôi trò chuyện, chơi đùa, chia sẻ và tư vấn tâm lý cho cậu bé. Rồi học trò của tôi tiến bộ vượt bậc, gia đình em ấy rất vui, đi khoe khắp xóm. Nhà bên cạnh thấy vậy lại nhờ tôi kèm cậu quý tử lớp 7 của họ.

Thu nhập đã ổn định hơn, cũng gọi là đủ ăn và chi trả được một phần viện phí. Tiếng tăm về kỹ năng dạy của tôi đã đến với khu phố, các cô, các bác ai cũng nhờ tôi dạy con em họ. Nhưng thời gian và sức khỏe có hạn, nên tôi chỉ nhận dạy 4 em. Tôi ổn định cuộc sống và duy trì sức khỏe rất tốt.
Vậy là ước mơ chiến thắng bản thân, vượt lên chính mình của tôi đã thành hiện thực. Tôi đã lo được cho cuộc sống của tôi, đã khẳng định được tôi với khu phố là một cô gia sư giỏi. Thế mới nói, ước mơ của con người là vô cùng. Bạn đừng bao giờ nghĩ là mình không có ước mơ, hay mình chưa thực hiện được ước mơ nào, mà hãy nghĩ rằng những điều bạn đã và đang thực hiện là những ước mơ nhỏ để chắp cánh cho ước mơ lớn trong hành trình bạn đang tìm kiếm.
Lê Thị Ngà
 -----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------ 

Vượt qua 4.000 bài dự thi, ''Tôi đã bơm xe, bán nước vỉa hè để kiếm tiền du học'' của tác giả Vũ Thanh Tùng đã giành giải nhất cuộc thi 'Ước mơ của tôi' do VnExpress.net Ione.net phối hợp với FPT Arena tổ chức.

Sau một tháng làm việc, Ban giám khảo cuộc thi gồm nhà văn, nhà báo Lê Anh Hoài (Trưởng ban giám khảo), nhà văn, nhà báo Phong Điệp và thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thị Chúc đã lựa chọn được chủ nhân của các giải thưởng cao nhất. Bài viết “Tôi đã bơm xe, bán nước vỉa hè để kiếm tiền du học” của tác giả Vũ Thanh Tùng giành giải nhất.
"Bài viết cảm động, hấp dẫn, thuyết phục người đọc bởi lối viết chân thực, lối hành văn trong sáng và cảm xúc ấm áp mà tác giả đã lồng ghép trong hành trình theo đuổi ước mơ để thành công", đại diện ban giám khảo nhận xét.
Hai giải nhì thuộc về tác giả Phạm Thị Ngọc Thi với bài viết “Tôi mong ba khỏe dù ông đã làm tổn thương tôi” và tác giả Phạm Anh Xuân với bài dự thi “Viết báo giúp tôi vượt lên mặc cảm tật nguyền". Ban giám khảo đánh giá cao câu chuyện cảm động và tấm lòng bao dung của cô con gái Ngọc Thi dành cho cha. Anh Xuân gây ấn tượng mạnh với nghị lực và thái độ sống tích cực của một người tật nguyền vẫn nỗ lực viết báo để mỗi ngày đều là ngày có ý nghĩa.
Ba giải ba thuộc về ba câu chuyện xúc động của các tác giả: Phạm Lệ Thu với bài viết “Tôi rèn được tính kiên nhẫn nhờ theo đuổi ước mơ làm bánh”, Nguyễn Đức Minh với “Chị oằn vai nuôi ước mơ tôi” và Đào Quang Huynh với “Bỏ tấm bằng kinh tế, tôi theo đuổi ngành thiết kế”.
Ngoài ra, ba tác giả có bài viết được độc giả đánh giá cao nhất trong ba tháng diễn ra cuộc thi cũng nhận được phần thưởng của cuộc thi. Bài viết được độc giả yêu thích nhất trong tháng 6,7,8 thuộc về Lê Công Tâm với bài viết “Tôi từng tuyệt vọng vì chọn ngành Y”, "Tôi muốn trở thành chuyên gia về ngôn ngữ" của Lê Thị Hoa và "Vừa chạy thận, tôi vừa đi gia sư" của Lê Thị Ngà.
Tác giả đoạt giải nhất sẽ nhận được số tiền 5 triệu đồng, học bổng trị giá 675 USD và quà tặng. Mỗi giải nhì được 3 triệu đồng, học bổng trị giá 350 USD và quà tặng. Mỗi giải ba được 2 triệu đồng, học bổng trị giá 200 USD và quà tặng. Bài viết được độc giải yêu thích nhất được nhận một triệu đồng, học bổng trị giá 100 USD và quà tặng.
Sau ba tháng diễn ra cuộc thi “Ước mơ của tôi” (từ 15/5/2011 đến 15/8/2011), Ban tổ chức đã nhận được 4.010 bài dự thi của các bạn trẻ người Việt trên toàn cầu. Mỗi bài là một câu chuyện, là một hành trình của những số phận trên con đường chinh phục ước mơ. Ban tổ chức đã lựa chọn 64 bài đăng trên báo điện tử VnExpress Ione.
Ban tổ chức sẽ gửi nhuận bút tới các bạn qua tài khoản và gửi chứng nhận học bổng, quà tặng theo đường bưu điện sau khi nhận được đầy đủ thông tin của các bạn (dự kiến cuối tháng 9). Để hoàn thành việc chuyển nhuận bút và quà tặng đúng hạn, các tác giả vui lòng gửi họ tên, số điện thoại, địa chỉ chính xác, số tài khoản chính chủ và scan chứng minh thư hai mặt vào địa chỉ email: hongtrangk49@gmail.com trước ngày 20/9/2011.
VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có ý kiến gì không?